Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Giáng sinh – Truyện ngắn của Vladimir Nabokov

 

Nhà văn Vladimir Nabokov

VHSG- Theo dịch giả Nguyễn Huy Hoàng: Vladimir Nabokov (1899-1977) là nhà văn, nhà thơ và dịch giả người Nga. Sáng tác bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh, ông là tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng như Lolita, Pnin và Pale FireGiáng sinh được viết bằng tiếng Nga năm 1925, đăng lần đầu trên một tờ báo ở Berlin dưới bút danh Vladimir Sirin. Truyện được Dmitri Nabokov dịch sang tiếng Anh với sự cộng tác của cha mình và đăng trên tờ The New Yorker số Giáng sinh năm 1975.

<!>

Mai đã là Giáng sinh, lời nhắc đột ngột đến, và mình sẽ chết. Tất nhiên rồi. Đơn giản vậy thôi. Chính đêm nay…

Từ ngôi làng đi bộ về trang viên qua tuyết sáng lờ nhờ, Sleptsov ngồi xuống một góc, trên chiếc ghế bọc vải lông mà ông không nhớ mình có ngồi bao giờ. Nó là chuyện vẫn xảy ra sau một cơn đại họa. Không phải anh em mà một người gọi là quen biết, một người láng giềng mơ hồ ở vùng quê mà bạn chẳng mấy khi để ý, người mà lúc bình thường bạn hiếm khi nói lời nào, lại là người an ủi bạn một cách khéo léo và dịu dàng, nhặt cho bạn cái mũ đánh rơi khi lễ tang đã kết thúc mà bạn còn đang choáng váng vì đau buồn, răng va lập cập, mắt mờ nước mắt. Những đồ vật vô tri vô giác cũng có thể nói là như vậy. Bất kỳ căn phòng nào, cho dù là ấm áp nhất và nhỏ một cách kỳ dị nhất, trong cái chái ít dùng của một căn nhà vùng quê rộng lớn cũng đều có một góc không ở. Sleptsov đã ngồi xuống một góc như vậy.

Cái chái được nối bằng một hành lang gỗ, giờ bị những đụn tuyết lớn của miền Bắc nước Nga chặn lại, với căn nhà chính, chỉ sử dụng vào mùa hè. Không cần phải đánh thức nó, sưởi ấm nó: chủ nhà từ Petersburg về chỉ đôi ba ngày và đã yên chỗ trong gian nhà phụ, nơi nhóm những bếp sưởi lát gạch bông trắng Hà Lan chỉ là chuyện đơn giản.

Chủ nhà ngồi trong góc khuất, trên cái ghế bọc vải, như trong phòng chờ bác sĩ. Căn phòng bồng bềnh trong bóng tối; màu xanh thẫm của đầu giờ tối được lọc qua những lông tơ pha lê của băng giá trên ô cửa sổ. Ivan, ông giúp việc trầm tính, mập mạp, mới cạo bộ ria mép và giờ trông rất giống người cha quá cố của ông, vị quản gia, mang vào một cây đèn dầu, bấc đã tỉa và sáng rực. Ông đặt nó xuống một cái bàn nhỏ, và khẽ khàng lồng nó vào cái chao đèn lụa màu hồng. Trong thoáng chốc một tấm gương nghiêng phản chiếu vành tai sáng và mái tóc bạc cắt ngắn của ông. Rồi ông lui đi và cánh cửa phát ra một tiếng cọt kẹt nhẹ.

Sleptsov đưa bàn tay đặt trên đầu gối lên và chậm rãi xem xét nó. Một giọt sáp nến dính vào và cứng lại trên nếp da mỏng giữa hai ngón tay. Ông duỗi các ngón tay ra và lớp vảy trắng nhỏ vỡ nứt.

Sáng hôm sau, sau một đêm chìm vào những giấc mơ vụn vặt, vô nghĩa, hoàn toàn không liên quan đến nỗi đau của mình, khi Sleptsov bước ra hàng hiên lạnh giá, một tấm ván sàn dội lên một tiếng súng lục giòn giã dưới chân, và ánh phản chiếu của các ô kính đa sắc tạo nên những hình thoi tuyệt mỹ lên ghế cửa sổ không nệm sơn trắng. Cửa ngoài ban đầu cự lại, rồi mở ra với một tiếng kêu giòn tan, và một làn sương giá chói chang ập vào mặt. Những hạt cát đỏ tằn tiện rắc lên lớp băng phủ trên bậc thềm trông giống như quế, và trên mái hiên là các nhũ băng dày ánh màu lam lục. Các đụn tuyết vào đến tận cửa sổ của gian nhà phụ, kẹp chặt cái cấu trúc nhỏ bằng gỗ kín mít trong những gọng kềm băng giá. Cái gò màu kem của những luống hoa mùa hè hơi nhô lên trên lớp tuyết bằng trước hiên, và xa hơn ánh sáng rạng rỡ của cánh rừng lấp loáng, nơi mỗi cành đen đều được viền bạc và những cây lãnh sam như thu lại trong những bàn chân xanh dưới sức nặng đầy đặn và tươi sáng.

Đi đôi bốt nỉ và mặc áo khoác ngắn trong lót lông thú có cổ lông cừu, Sleptsov chậm rãi sải bước trên một con đường thẳng, con đường duy nhất đã được dọn tuyết, vào khung cảnh xa xăm chói lóa. Ông kinh ngạc thấy mình vẫn sống, vẫn có thể cảm nhận sự chói chang của tuyết và thấy răng cửa nhức buốt vì lạnh. Ông thậm chí còn để ý thấy một bụi cây phủ đầy tuyết trông như một đài phun nước và một con chó đã để lại trên sườn dốc của một đụn tuyết một loạt dấu vết màu nghệ tây cháy sém qua lớp vỏ của nó. Xa hơn chút nữa, giá đỡ của một chiếc cầu bộ hành nhô ra khỏi tuyết, và Sleptsov dừng lại ở đó. Cay đắng, giận dữ, ông đẩy lớp phủ dày, xốp ra khỏi lan can. Ông nhớ lại một cách sống động dáng vẻ của cây cầu mùa hè. Hồi đó con trai ông đi dọc những tấm ván trơn trượt, lấm tấm hoa đuôi sóc, khéo léo lấy vợt bắt một con bướm đậu trên thành cầu. Giờ thì cậu bé nhìn lại cha mình. Tiếng cười đã mất mãi mãi vang lên trên khuôn mặt cậu bé, dưới cái vành bẻ cụp của một chiếc mũ rơm nắng chiếu rám đen; tay cậu nghịch cái đai của chiếc ví da gắn vào thắt lưng; đôi chân mịn màng rám nắng trong chiếc quần soóc thô và đôi dép ướt sũng trong thế đứng chõe ra đầy vui vẻ như thường lệ. Vừa mới đây, ở Petersburg, sau khi lảm nhảm trong cơn mê sảng về trường học, về chiếc xe đạp, về một loài bướm đêm vĩ đại nào đó ở phương Đông, cậu đã mất, và hôm qua Sleptsov đã mang quan tài – trĩu xuống, dường như thế, với sức nặng của cả cuộc đời – về quê, vào hầm mộ gia đình gần nhà thờ của ngôi làng.

Xung quanh yên ắng như chỉ có thể yên ắng đến thế vào một ngày tươi sáng lạnh giá. Sleptsov giơ cao chân, bước khỏi lối đi, và, để lại những hố chân xanh đằng sau trong tuyết, len qua thân những cái cây trắng đến kinh ngạc đến nơi cánh rừng đổ về phía dòng sông. Xa bên dưới, những khối băng lấp lánh gần một cái hố khoét vào khoảnh trắng mịn mênh mông, và ở bờ bên kia là những cột khói hồng thẳng đứng trên mái tuyết các căn nhà gỗ. Sleptsov bỏ mũ len ra và đứng dựa vào một thân cây. Đâu đó đằng xa, các nông dân đang bổ củi – mỗi nhát dội vang vọng lên trời – và đằng sau làn sương bàng bạc của cây cối, cao trên các căn lán gỗ lùn tịt, mặt trời bắt được vẻ rạng rỡ bình thản của cây thập giá nhà thờ.

Đó là nơi ông đến sau bữa trưa, trên một cỗ xe trượt tuyết cũ có lưng cao và thẳng. Cặp dái của con ngựa giống màu đen đập mạnh trong không khí băng giá, những chùm lông trắng của các cành cây thấp sượt qua đầu, và những vết bánh xe phía trước toát lên một ánh xanh bạc. Đến nơi, ông ngồi bên mộ khoảng một tiếng đồng hồ, đặt một bàn tay nặng trĩu đeo găng tay len lên thanh sắt lan can, lạnh thấu qua cả lớp len. Ông về nhà với một cảm giác thất vọng nhẹ, như thể trong hầm chôn cất ông còn bị đưa đi xa con trai hơn là ở đây, nơi vô số dấu vết mùa hè của đôi chân cậu thoăn thoắt còn được lưu dưới tuyết.

Buổi tối, bị một cơn đau buồn dữ dội ập lấy, ông bảo mở cửa căn nhà chính. Khi cánh cửa kéo ra với một tiếng than nặng nề, và một mùi mát lạnh đặc biệt, không có gì là của mùa đông từ tiền sảnh có chấn sắt âm vang thổi đến, Sleptsov lấy cây đèn với tấm rọi bằng thiếc từ tay người gác cửa rồi vào nhà một mình. Những tấm sàn gỗ hoa văn cọt kẹt một cách quái dị dưới bước chân ông. Phòng này đến phòng khác soi rọi ánh sáng vàng, và đồ đạc trùm kín có vẻ xa lạ; thay vì một chiếc đèn chùm leng keng là một chiếc túi im lìm treo trên trần nhà, và cái bóng khổng lồ của Sleptsov, đang từ từ giang rộng một cánh tay, trôi bồng bềnh trên tường và qua những ô vuông xám của những bức vẽ đã phủ rèm che.

Ông vào căn phòng vốn là phòng học của con trai ông mùa hè, đặt đèn lên gờ cửa sổ và mở cửa chớp, làm gẫy móng tay, tuy ngoài kia chỉ là bóng tối. Trong tấm kính xanh ngọn lửa vàng của ngọn đèn hơi hơi khói hiện ra, và khuôn mặt to lớn, đầy râu của ông cũng thoáng hiện trong chốc lát.

Ông ngồi xuống cái bàn trống trải và một cách nghiêm nghị, lông mày nheo lại, xem xét tấm giấy dán tường nhợt nhạt với những vòng hoa hồng ánh xanh; một cái tủ hẹp kiểu tủ văn phòng có các ngăn kéo từ trên xuống dưới; đi văng và những cái ghế bành dưới lớp vải phủ; rồi đột nhiên, gục đầu xuống bàn, ông bắt đầu run rẩy, dữ dội, ồn ào, thoạt đầu áp môi, rồi đến gò má ướt xuống mặt gỗ lạnh, bụi bặm, và bấu chặt vào các góc bàn.

Trong ngăn bàn ông tìm thấy một quyển sổ, những cái giá ghim bướm, rất nhiều ghim đen và một hộp bích quy Anh Quốc đựng một cái kén kỳ lạ mua mất ba rúp. Nó sờ như giấy và có vẻ được làm từ một cái lá cuộn màu nâu. Con trai ông đã nhớ đến nó trong lúc bị bệnh, hối hận vì đã bỏ nó lại nhưng tự an ủi bằng suy nghĩ con nhộng bên trong có lẽ đã chết. Sleptsov còn tìm thấy một tấm lưới rách; một cái túi làm bằng vải mỏng luồn vào một cái vòng có thể gập lại (và lớp vải xô còn lưu lại mùi của mùa hè và mùi cỏ dưới nắng).

Rồi, cúi sâu và sâu hơn nữa, và nức nở với toàn bộ cơ thể, ông bắt đầu kéo từng ngăn kéo có mặt bằng kính của cái tủ ra. Dưới ánh đèn mờ, các tệp mẫu vật đều chằn chặn tỏa sáng như lụa bên dưới lớp kính. Ở đây, trong căn phòng này, trên chính chiếc bàn này, con trai ông đã trải rộng đôi cánh của những con bươm bướm bắt được. Đầu tiên cậu sẽ ghim con côn trùng được giết một cách cẩn thận xuống cái rãnh đáy bần của tấm bảng ghim, giữa hai thanh gỗ điều chỉnh được, rồi buộc phẳng đôi cánh còn tươi và mềm bằng những dải giấy ghim. Giờ thì chúng đã khô từ lâu và được đưa vào tủ – những con đuôi én ngoạn mục, những con màu đồng và lam rực rỡ, và nhiều con Fritillary, một số ghim ngửa để thấy được mặt dưới màu ngọc trai. Con trai ông thường đọc tên tiếng Latin của chúng với một tiếng rên rỉ đắc thắng hoặc trong một giọng biết tuốt kiểu khinh bỉ. Và những con bướm đêm, những con bướm đêm, con “Aspen Hawk” đầu tiên của năm mùa hè trước!

Đêm màu lam khói, sáng trăng; mây mỏng tản mát trên trời nhưng không chạm vào đĩa trăng mỏng manh, băng giá. Những cái cây, những khối sương giá xám xịt, đổ bóng lên những đụn tuyết, lấp lánh những tia lửa kim loại ở chỗ này chỗ khác. Trong căn phòng bọc vải lông, được sưởi ấm áp của gian nhà phụ, Ivan đặt một cây linh sam cao ba tấc trong một cái chậu gốm lên bàn, và ông vừa mới gắn một cây nến vào cái ngọn thánh giá của nó thì Sleptsov trở về từ căn nhà chính, lạnh, mắt đỏ hoe, bụi xám bám lên má, cắp một cái hộp gỗ dưới cánh tay. Thấy cây thông Giáng sinh trên bàn, ông hỏi lơ đãng, “Cái gì kia?”

Đỡ cái hộp cho ông, Ivan trả lời bằng giọng trầm, dịu, “Mai là ngày lễ”.

“Thôi, mang nó đi,” Sleptsov cau mày nói, nghĩ trong đầu, Đêm Giáng sinh rồi ư? Sao lại quên được nhỉ?

Ivan nhẹ nhàng khẩn khoản, “Nó rất đẹp, lại xanh. Cứ để nó đây một thời gian”.

“Xin ông mang nó đi cho”, Sleptsov nhắc lại, và cúi xuống cái hộp mà ông mang về. Ông đã gom đồ đạc của con trai vào đó – cái vợt bắt bướm gấp lại được, hộp bích quy có cái kén hình quả lê, những cái giá ghim bướm, những cái ghim trong hộp sơn mài, quyển sổ xanh. Nửa trang đầu đã bị xé, phần còn lại chứa một phần bài tập chính tả tiếng Pháp. Rồi đến các mục nhật ký, tên của những con bướm bắt được, và các ghi chép khác:

Đi bộ qua đầm lầy đến tận Borovichi…

Hôm nay trời mưa. Đánh cờ với bố, rồi đọc “Chiến hạm” của Goncharov, chán chết.

Ngày nóng bức kinh khủng. Buổi tối đạp xe. Một con muỗi vằn bay vào mắt. Cố tình đạp qua căn nhà nghỉ của cô ấy hai lần, mà không gặp…

Sleptsov ngẩng đầu lên, nuốt một cái gì nóng và lớn. Con ông viết về ai?

Đạp xe như thường lệ. Suýt nhìn vào mắt nhau. Em yêu ơi, tình yêu của tôi ơi…

“Không thể nghĩ ra được”, Sleptsov thì thầm. “Ai mà biết…”.

Ông lại cúi xuống, say sưa luận nét chữ trẻ con chạy xiên lên rồi lại uốn xuống lề.

Hôm nay gặp một mẫu mới của loài bướm áo choàng tang. Có nghĩa là mùa thu đã đến. Buổi tối trời mưa. Cô ấy có lẽ đã đi mất rồi, chúng tôi còn chưa kịp làm quen nữa. Tạm biệt, em yêu. Tôi thấy buồn khủng khiếp…

“Nó chẳng bao giờ kể cho mình cái gì cả…”, Sleptsov cố nhớ lại, lấy tay day trán.

Ở trang cuối có một bức vẽ bằng mực: một con voi nhìn từ đằng sau – hai cái cột bự, hai góc tai và một cái đuôi nhỏ.

Sleptsov đứng dậy. Ông lắc đầu, kìm lại một tràng nức nở gớm ghiếc nữa.

“Tôi-không-chịu-được-nữa”, ông ê a giữa những tiếng rên rỉ, lặp lại chậm hơn nữa, “Tôi – không – chịu – được – nữa…”.

Mai đã là Giáng sinh, lời nhắc đột ngột đến, và mình sẽ chết. Tất nhiên rồi. Đơn giản vậy thôi. Chính đêm nay…

Ông rút khăn tay ra lau mắt, bộ râu, má. Những vệt đen hằn lại trên chiếc khăn tay.

“… cái chết”, Sleptsov nói khẽ, như kết thúc một câu dài.

Đồng hồ tích tắc. Các họa tiết sương giá phủ lên tấm kính xanh của cửa sổ. Quyển sổ mở tỏa sáng trên bàn; bên cạnh nó ánh sáng chiếu xuyên qua lớp vải xô của vợt bắt bướm, lấp lánh ở một góc của hộp thiếc mở. Sleptsov ép chặt mắt lại, và có một cảm giác thoáng qua rằng cuộc sống trần gian đang ở trước mặt, hoàn toàn trần trụi và có thể hiểu được – và kinh khủng trong nỗi buồn của nó, vô nghĩa một cách nhục nhã, cằn cỗi, thiếu vắng phép lạ.

Đúng lúc ấy có một tiếng nứt đột ngột – một âm thanh mỏng tang như một sợi dây chun kéo căng quá đứt. Sleptsov mở mắt. Cái kén trong hộp bích quy đã vỡ ra ở đầu, và một sinh vật đen đúa, nhăn nheo, cỡ một con chuột đang bò lên bức tường trên bàn. Nó dừng lại, bám chặt vào mặt tường bằng sáu cái chân đầy lông và bắt đầu phập phồng một cách kỳ lạ. Nó đã từ con nhộng biến ra vì một người đàn ông tràn ngập đau buồn đã mang một cái hộp thiếc vào căn phòng ấm, và hơi ấm đã thấm qua cái vỏ căng tròn cuộn bằng lá và lụa; nó đã đợi khoảnh khắc này từ rất lâu, đã gom góp sức lực một cách mãnh liệt, và giờ, thoát được ra ngoài, nó đang phình ra một cách từ từ và huyền diệu. Dần dần các lớp mô nhăn nheo, các tua mịn như nhung duỗi ra; các đường ven hình quạt trở nên cứng cáp hơn khi chúng chứa đầy không khí. Nó đã trở thành một sinh vật có cánh theo một cách không thể nhận thấy, trong khi một cái mặt trưởng thành theo một cách không thể nhận thấy cũng đang trở nên thật đẹp. Và đôi cánh – vẫn còn yếu, vẫn còn ướt – cứ to ra mãi và xòe ra, và giờ đã lớn đến mức giới hạn mà Chúa đã sắp đặt cho nó, và ở đó, trên bức tường, thay vì một khối nhỏ sự sống, thay vì một con chuột đen, là một con bướm đêm Atlas vĩ đại như những con bướm bay, như chim, quanh những ngọn đèn trong hoàng hôn ở Ấn Độ.

Và rồi đôi cánh dày và đen, mỗi bên lại có một đốm mắt lấp lánh và một bông hoa tím phớt phủ phấn lên các đầu cánh hình móc câu, hít một hơi thở đầy dưới sự thôi thúc của một niềm hạnh phúc dịu dàng, vui sướng, gần như niềm hạnh phúc con người.

VLADIMIR NABOKOV

Không có nhận xét nào: