Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Mỹ: Covid tăng vọt, bệnh viện có thể sẽ phải chọn bệnh nhân 31/12/2020 - Ngọc Lễ

 

Đội ngũ bác sỹ, y tá đang chuẩn bị chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Holy Cross ở Los Angeles, California  Số lượng bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị tăng vọt ở Mỹ khiến một số bệnh viện sắp cạn kiệt nguồn lực chữa trị và sắp phải áp dụng quy chế định mức trong phân bổ nguồn lực trong khi nhân viên y tế đang làm việc liên tục không có ngày nghỉ, theo tìm hiểu của VOA. Hôm 28/12, nước Mỹ ghi nhận 121.235 bệnh nhân Covid đang nằm viện, con số cao nhất từng được báo cáo trong một ngày suốt từ đầu đại dịch đến giờ, theo Dự án Theo dõi Covid. Tỷ lệ bệnh nhân Covid chiếm giường chăm sóc đặc biệt, tức ICU, cũng tăng vọt từ 16% hồi tháng 9 lên 40% vào tuần trước, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.
<!>

‘Chọn bệnh nhân để cứu’

Với tốc độ này, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng một số bệnh viện có thể phải áp dụng quy chế định mức trong phân bổ y tá, máy thở và năng lực chăm sóc bệnh nhân.

“Khi đã chạy hết công suất, các bác sĩ và các nhà đạo đức y khoa ở các bệnh viện sẽ phải quyết định bệnh nhân nào có thể cứu được và bệnh nhân nào thì không,” Tiến sĩ Jonathan Reiner, nhà phân tích về y tế nói trên CNN.

Bệnh viện Martin Luther King Jr. ở Los Angeles sẽ lâm vào tình huống phải định mức nguồn lực nếu số ca nhiễm virus corona tiếp tục tăng thêm nữa, Giám đốc điều hành bệnh viện, Tiến sĩ Elaine Batchlor, được CNN dẫn lời nói hôm 28/12.

“Nếu chúng tôi tiếp tục thấy số bệnh nhân Covid gia tăng, chúng tôi có thể buộc phải làm điều gì đó mà, với tư cách là các chuyên gia y tế, tất cả chúng tôi thực sự không muốn thậm chí là nghĩ đến,” bà Batchlor nói.

Tại Bệnh viện Huntington Memorial ở Pasadena, California, các y tá vốn thường chăm sóc cho một hoặc hai bệnh nhân thì nay đang chăm sóc cho ba hoặc bốn người, bác sĩ Kimberly Shriner, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nói với CNN.

“Chúng tôi có lượng máy thở có hạn, số giường ICU có hạn,” ông Shriner nói và cho biết thêm rằng một nhóm bao gồm một nhà đạo đức y tế, một thành viên cộng đồng, một bác sĩ, một y tá và một lãnh đạo hành chính sẽ quyết định cách phân chia các nguồn lực hạn chế này nếu bệnh viện bị vượt quá công suất.

“Nếu không có máy thở, nếu không có y tá chăm sóc bệnh nhân, nếu không còn giường ICU, chúng tôi sẽ phải có những cuộc thảo luận đau lòng với các thân nhân, đó là lý do tại sao mọi người cần phải ở nhà và khi ra ngoài, họ cần đeo khẩu trang,” ông Reiner nói.

Về phần mình, bệnh viện Martin Luther King Jr. sẽ không từ chối bệnh nhân, nhưng các bác sĩ ở đây có thể phải dùng đến phương pháp thời chiến, bà Batchlor nói.

Phương pháp này sẽ đánh giá nhu cầu và tiên lượng của mỗi bệnh nhân và phân phối các nguồn lực khan hiếm của bệnh viện cho những bệnh nhân có nhiều khả năng được cứu sống nhất, theo giải thích của bà.

Hiện tại, các nguồn lực của bệnh viện đang được sử dụng theo những cách phi truyền thống để đáp ứng với sự tăng vọt số bệnh nhân.

“Đội ngũ nhân viên của chúng tôi vô cùng thành thạo và linh động trong việc tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, vì vậy, chúng tôi đã dựng năm chiếc lều bên ngoài bệnh viện,” bà Batchlor cho biết. “Chúng tôi đưa bệnh nhân vào phòng họp, vào nhà nguyện.”

Christina Ghaly, Giám đốc Sở Y tế hạt Los Angeles, cho biết một số bệnh viện đang khám những bệnh nhân Covid vẫn phải nằm trên xe cứu thương vì không còn giường bệnh.

‘Có lúc từ chối bệnh nhân’

Từ Quận Cam ở miền Nam bang California, ông Ngô Bá Định, một bác sĩ Nội khoa tại Trung tâm Y tế Orange Coast, vốn tham gia vào chữa trị phổi cho các bệnh nhân Covid, cho biết trong những ngày qua có lúc bệnh viện chỗ ông ‘bị nghẹt’ đến mức phải từ chối nhận thêm bệnh nhân.

Ông giải thích rằng nếu bộ phận kiểm tra lưu lượng giường bệnh (bed control) thấy là bệnh viện hết chỗ thì họ thông báo cho bộ phận cứu thương là bệnh viện sẽ không nhận bệnh nhân nữa (on-diversion). “Nếu trong vòng khu vực mà 4, 5 nhà thương bị đầy luôn thì khi bệnh nhân gọi vô, cứu thương phải chuyển họ xuống những nơi xa hơn như ở San Diego,” ông nói.

Vị bác sĩ này kể về trường hợp một bệnh nhân gọi vào khi bệnh viện ông đã hết chỗ nên được đến bệnh viện khác, nhưng bệnh viện đó thấy không đến mức đủ nặng nên không cho nhập viện. Ngày hôm sau, bệnh nhân này cảm thấy khó thở nên gọi lại một lần nữa thì lần này ‘may mắn là bệnh viện tôi lúc đó có chỗ nên anh ấy được nhập viện’.

“Một khi bệnh nhân được nhận vô rồi thì được cứu chữa như nhau hết,” ông Định cho biết và khẳng định bệnh viện ông ‘không có tình trạng chọn bệnh nhân’ vì nếu vượt quá công suất đã từ chối nhận bệnh ngay từ đầu.

Ông cho hay số bệnh nhân Covid hiện chiếm đến 50-60% số giường bệnh trong bệnh viện nơi ông công tác. “Nhìn đâu cũng là Covid hết,” ông nói.

Riêng bộ phận chăm sóc tích cực với 30 giường lúc nào cũng không còn chỗ trống và bệnh viện phải ‘lắp thêm hai cánh gà chung quanh nâng công suất ICU lên 50-60 giường’. Trong khi đó, bộ phận cấp cứu nhận bệnh (ER) cũng quá tải nên bệnh viện phải dựng thêm lều dã chiến ngoài trời khám cho bệnh nhân.

Về máy thở, vốn là phương tiện cứu các ca Covid nặng, ông Định nói ‘đầy bệnh nhân hết rồi’. Nếu một bệnh nhân không qua khỏi, vừa dọn sạch chỗ xong là có bệnh nhân khác chuyển vô lắp máy thở liền, ông cho biết.

Tình trạng máy thở căng thẳng đến nỗi bệnh viện này có một bộ phận để chăm sóc tích cực các bệnh nhân ‘chờ đến lượt sử dụng máy thở’ gọi là DOU (direct observation unit – bộ phận theo dõi trực tiếp). Các bệnh nhân này được các bác sĩ cố gắng kéo dài chừng nào hay chừng nấy để đợi được đặt ống thở (intubate).

Theo giải thích của các bác sĩ Định thì những bệnh nhân này đã quá nặng nên không thể chuyển đến các nhà thương khác vì họ có thể tử vong dọc đường và ‘chưa chắc chỗ khác có dư máy thở’.

‘Người Việt bị rất nhiều’

Mỗi ca bệnh Covid phải cần từ 4-6 bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau, ông Định nói. Trong đó bắt buộc phải có bác sĩ bệnh truyền nhiễm, bác sĩ phổi, bác sĩ nội khoa, bác sĩ chăm sóc tích cực và đôi khi còn phải cần đến bác sĩ tim và bác sĩ thận.

Một bác sĩ truyền nhiễm có thể phải phụ trách đến cả trăm ca Covid ở một vài bệnh viện khác nhau, cũng theo lời bác sĩ Định, do đó có người đã ‘quá tải’.

“Họ bị tán loạn tinh thần rồi. Nhiều người trong số họ mất bình tĩnh, không còn kiểm soát được suy nghĩ của họ nữa,” ông cho biết.

Trong khi đó, số lượng bác sĩ ‘chỉ có giảm đi chứ không có tăng thêm’. Theo như ông giải thích thì có bác sĩ bị nhiễm phải cách ly hai tuần, có bác sĩ phải chăm sóc người thân bị nhiễm và có bác sĩ bị kiệt sức được cho về nhà nghỉ ngơi.

Về phần mình, bác sĩ Định cho biết ông ‘đã làm việc liên tục bốn tuần không nghỉ suốt tháng 12’, kể cả ngày Giáng sinh và Lễ Tạ Ơn, vì vị bác sĩ thay ca cho ông đã bị bệnh ‘hiện đang cách ly ở nhà’.

Về y tá, vốn làm những công việc nặng nhọc bao gồm cả cho bệnh nhân ăn, ông nói ‘có y tá phải lo cho tám bệnh nhân’.

Trong đợt bùng phát Covid-19 lần này, bác sĩ Định quan sát thấy số bệnh nhân người Việt rất đông, thậm chí đông hơn cả ‘người Mễ’ vốn có dân số đông đúc hơn dân gốc Việt và làm nhiều công việc cần tiếp xúc nhiều. Trong khi đó, bệnh nhân gốc Hoa, hay gốc Hàn ‘lại không nhiều’.

Người bệnh đếm không xuể, người chết chôn không kịp,” ông nói.

“Các bác sĩ tha thiết mong mỏi mọi người hãy giữ gìn đừng để bị bệnh, bởi vì càng nhiều người nhiễm thì số người chết sẽ nhiều hơn, chất lượng chữa trị sẽ giảm đi, thiệt hại vẫn là bệnh nhân,” ông kêu gọi.

Ông cũng kêu gọi những người Việt vẫn tiếp tục cho rằng Covid là ‘không có thật’ ‘hãy dừng lại’ và những ai đã bị nhiễm ‘đừng che giấu’.

‘Thiếu người trầm trọng’

Từ bệnh viện Kaiser ở San Jose, Bắc Cafifornia, anh Nguyễn Kiên Dũng, trợ lý y tá, cho biết hiện bốn trong số sáu tầng lầu ở bệnh viện anh đều có bệnh nhân Covid trừ hai tầng lầu dành riêng cho các ca sinh nở và các bệnh thông thường khác.

“Nguyên lầu bốn toàn bộ là bệnh nhân Covid hết,” anh Dũng nói và cho biết ngày nào cũng có bệnh nhân Covid mới nhập viện và bệnh nhân nặng từ các phòng chăm sóc đặc biệt chuyển ra phòng ngoài.

“Tất cả các ca bệnh thường như giải phẫu hay ung thư đều phải dời lại hết,” anh cho biết.

Về bác sĩ, người trợ lý y tá này nói ‘hiện chưa thiếu nhưng bệnh viện phải làm thêm phòng cho bác sĩ ngủ lại’.

Còn trang thiết bị y tế như máy thở và trang phục bảo hộ, anh nói ‘lãnh đạo bệnh viện cho biết là không thiếu’. “Hồi tháng 3, mỗi ngày tôi chỉ được phát cho một khẩu trang N95 và áo bảo hộ, nhưng bây giờ mỗi lần ra vô phòng bệnh thì được thay cái mới,” anh nói.

Tuy nhiên, về người chăm sóc bệnh nhân thì anh Dũng cho biết đang thiếu rất nhiều và nhiều y tá phải ‘làm choàng việc cho người khác’.

“Lúc này bệnh viện thiếu người trầm trọng, thiếu nhiều hơn hồi tháng Ba nữa,” anh nói.

Theo lời anh thì khác với đợt bùng dịch hồi mùa Xuân vốn chủ yếu là bệnh nhân lớn tuổi, kỳ này nhiều bệnh nhân Covid là bệnh nhân trẻ. Có bệnh nhân chỉ mới trên dưới 30 tuổi hiện đã ra khỏi ICU nhưng ‘chưa nhấc tay chân được và ăn uống vẫn còn có người đút’.

Anh kể anh đã chứng kiến hai vợ chồng cùng được đưa vào vì Covid, khi người vợ qua đời, bệnh viện phải đưa người chồng vô phòng ICU cho nhìn mặt vợ lần cuối nhưng lúc đó người chồng cũng không tỉnh táo. Một trường hợp khác là ba cha con cùng trong một gia đình gốc Việt cùng bị nhiễm. Hai người con qua khỏi, người cha qua đời nhưng bệnh viện giấu không cho hai người con biết.

“Đợt này những người nhiễm chung gia đình với nhau nhiều lắm. Có một người mẹ với con gái đang nằm chung một phòng,” anh Dũng cho biết.

‘Làm liên tục không nghỉ’

Trước tình trạng bệnh viện thiếu người chăm sóc bệnh nhân như vậy, anh Dũng nói hiện giờ mỗi ngày anh phải làm hai ca, tương đương 16 tiếng, và làm liên tục như vậy đã hơn 40 ngày.

“Từ hôm 14/11 đến giờ tôi làm việc không có ngày nghỉ nào hết trơn,” anh nói.

“Hàng ngày tôi làm ca chiều từ 3h đến 11:30 tối, sau đó làm tiếp ca đêm từ 11:30 tối đến 7:30 sáng hôm sau,” anh giải thích.

Đúng ra anh chỉ cần làm một ca mỗi ngày, nhưng ngày nào anh cũng gọi vào nói nếu họ thiếu người thì anh sẵn sàng làm và ‘chỉ vài phút sau họ xác nhận ngay lập tức là họ thiếu người’, anh cho biết. “Họ thiếu người đến mức độ đó,” anh nói.

Theo lời anh thì anh tự nguyện làm thêm không chỉ vì để giúp bệnh viện chăm sóc bệnh nhân lúc thiếu người mà cũng là ‘cơ hội kiếm thêm thu nhập’.

Tuy nhiên, do cường độ làm việc cao như vậy, mỗi ngày anh ngủ nhiều lắm là 5 tiếng. Sau khi hết ca vào lúc 7:30 sáng, anh về nhà làm một số việc nhà rồi mới đi ngủ đến 1:30 chiều. Hôm nào nhiều việc quá chỉ ngủ được một tiếng thì hôm đó anh không dám xin làm ca tối vì chưa ngủ đủ giấc.

Anh nói anh có thể ráng sức được cho đến hai tháng. Nhưng nếu sau đó dịch vẫn còn kéo dài thì anh sẽ rút xuống làm một ca mỗi ngày, ‘dành thời gian buổi tối ngủ cho đủ giấc’.

“Công việc chăm sóc bệnh nhân rất cực. Có những bệnh nhân rất nặng, tới 400-500 pound, nhiều khi họ bị té, phải phụ đỡ họ lên. Hàng ngày phải lau chùi cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân qua đời phải đưa họ xuống nhà xác,” anh cho biết.

Cho tới nay, tháng 12 đã là tháng chết chóc nhất của đại dịch. Và với việc đi lại tăng lên trong những ngày nghỉ lễ, các chuyên gia y tế dự đoán sự lây lan của virus sẽ gia tăng và số ca nhập viện sẽ tăng vọt hơn nữa.

Không có nhận xét nào: