Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN - Lịch sử của một dân tộc - Cấn thị Bích Ngọc

Dân tộc Việt Nam có truyền thống gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn. Người dân Việt Nam, nhất là những người ở làng quê miền Bắc xa xưa của gần 70 năm về trước nổi tiếng bảo thủ, không có chủ trương tha phương lập nghiệp. Nhiều người cả đời chưa bước qua khỏi lũy tre làng. Thế nhưng sau khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị phân đôi, di cư đã trở thành phong trào chính trị mạnh mẽ lôi cuốn hàng triệu người miền Bắc. Biết bao nhiêu người dân quê đã quyết định bỏ lại  mồ mả tổ tiên, ruộng vườn, nhà cửa ùn ùn kéo về Hải Phòng, Hà Nội tìm đường vào Nam. Mặc dù Cộng sản Bắc Việt ra sức ngăn chận, người dân vẫn tìm đủ mọi cách trốn chạy hiểm họa Cộng Sản. Tại nhiều làng ở Hưng Yên và Bắc Ninh, dân chúng tự tay đốt làng để ra đi.

<!>

Lý do gì đã khiến người dân miền Bắc đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi phải dứt áo ly hương? Phải chăng đó là biểu hiện của ý chí vượt thoát gông cùm xiềng xích dưới một chế độ vô nhân? Vì thế hiện tượng di cư tập thể thứ nhất của năm 1954 đã có một giá trị tinh thần sâu sắc: đó là lời tố cáo đanh thép đối với chế độ Cộng Sản mặc dù đảng Cộng Sản luôn cố gắng đánh bóng họ bằng những thủ đoạn gian manh.

Lịch sử đã cho thấy người di cư từ Bắc vào Nam đã lấy một quyết định sáng suốt. Bên phía Nam của vĩ tuyến 17, các người di cư này đã thành công trong việc tạo dựng cơ nghiệp trong bầu không khí tự do dân chủ. Và phía bên kia sông Bến Hải, dưới ngọn cờ máu, những thảm kịch kinh hồn và man rợ của những cuộc cải cách ruộng đất, của Nhân Văn Giai Phẩm đã khiến những người sống sót trở nên khiếp sợ, thuần phục, người dân miền Bắc đơn thuần trở thành công cụ phục vụ cho Đảng.

Hai mươi năm sau, đau thương lại diễn ra. Tháng tư năm 1975, Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm hiệp ước Paris tràn vào thôn tính miền Nam. Người dân Việt lại ra đi, nhất là vào cuối thập niên 70 và những năm  đầu thập niên 80 khi sự đàn áp, áp bức của CSVN tăng nhanh với những chiêu bài học tập cải tạo, cướp nhà đuổi dân đi Kinh Tế Mới, phong trào đánh Tư sản Mại Bản để chiếm đoạt tài sản, chính sách Hồng hơn Chuyên.

Hiện tượng di cư lại tái diễn, nhưng vĩ đại hơn, triền miên hơn và nhất là hãi hùng và bi thảm hơn. Cái giá phải trả cho hai chữ Tự Do lần này cũng đắt hơn. Đa số những cuộc hải hành vượt biển Đông đều bằng những con tàu mong manh như mạng sống của thuyền nhân. Bất chấp bao hiểm nguy rình rập, làn sóng người vượt biển , hay những người  bộ hành băng rừng lội suối ngày càng ồ ạt gia tăng gây bàng hoàng cho toàn thế giới. Thông điệp về giá trị Tự Do của thuyền nhân hay những người bộ hành Việt Nam đã thật hùng hồn bởi được viết bằng sinh mạng của hơn 500,000 nạn nhân vùi thân trong biển sâu rừng thẳm, bằng những kinh hoàng tủi nhục của hàng chục ngàn phụ nữ bị hãm hiếp bởi hải tặc Thái Lan, bằng những đau thương của những gia đình bị chia cắt, phân ly. Giá trị vô biên của Tự Do cũng được khẳng định qua ngọn lửa thiêu bi hùng, qua những lọng dây vòng cổ oan nghiệt của những người bị cưỡng bách hồi hương. Tự Do hay là Chết!  Ấy là ý chí bất khuất của những người xấu số đã giương cao khi họ nằm xuống.

Từ năm 1996, thảm kịch Thuyền nhân như đã lắng dịu lại sau quyết định giải tỏa các trại tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc. Trên thực tế, cuộc di tản vẫn âm thầm tiếp diễn cho đến ngày nay nhưng không kém phần thương tâm: hàng trăm ngàn thiếu nữ Việt Nam tựa như những con thiêu thân cam chịu lấy chồng già yếu dị tật nơi xứ người, biết bao thanh niên Việt Nam cam lòng đi làm thuê trong những hoàn cảnh khắc nghiệt tại Mã Lai, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Đông để mong thoát khỏi thiên đường Cộng Sản.

Tự Do ơi, Tự Do! Tôi trả bằng nước mắt.
Tự Do ơi, Tự Do! Anh trao bằng máu xương.
Tự Do ơi, Tự Do! Em đổi bằng thân xác.
Vì hai chữ Tự Do! Ta mang đời lưu vong   ( NS Nam Lộc)

Chúng ta đang trước thềm năm 2021, thế hệ thứ hai , và thứ ba của những người Việt tỵ nạn Cộng sản đã trưởng thành. Ra đi với hai bàn tay trắng và một tâm hồn bị thương tổn nặng nề, nhưng với tinh thần cầu tiến, siêng năng; người Việt tỵ nạn đã có rất nhiều đóng góp phong phú cho quốc gia định cư  và không ít người của các thế hệ kế tiếp đã và đang làm rạng danh người Việt ở hải ngoại.

Thế giới từ bao thập niên qua vẫn có những biến cố quan trọng, đau thương. Nhưng sự kiện thuyền nhân Việt Nam vẫn được cho là cuộc di dân vĩ đại và bi ai nhất trong lịch sử thế giới thời cận đại. Và đây  là một vết nhơ cho CSVN, toàn nhân loại đã chứng kiến cảnh người dân Việt đã bỏ phiếu bằng chính sinh mạng của mình.

Cũng vì thế mà CSVN luôn ra sức che dấu tội ác của mình bằng đủ mọi thủ đoạn. Chúng ra sức tầm thường hóa, bôi nhọ ý nghĩa thiêng liêng của cuộc di tản này. Và thời gian vô tri cũng trở thành yếu tố thuận lợi cho thủ đoạn sửa đổi lịch sử của CSVN. Chỉ cần đọc vài tờ báo trong nước thì chúng ta sẽ nhanh chóng nhận thấy những bồi bút của chế độ gọi những người tỵ nạn Cộng sản là những kẻ tha phương cầu thực. “Có thể tóm tắt mấy nguyên nhân cơ bản để họ bỏ xứ ra đi như sau: bị nhiễm nọc độc chiến tranh tâm lý về ““cuộc sống thiên đường nơi hải ngoại”” vì mâu thuẫn gia đình, vì thất tình, vì đời sống khó khăn, vì a dua a tòng với bạn bè…””(An Ninh Thế Giới, Khổng Minh Dụ).

Rất nhiều thuyền nhân vẫn còn tại thế, nhưng qua những thông tin bị bóp méo, Cộng Sản Việt Nam đã cố tình chôn sống quá khứ bi hùng của chúng ta. Và đau lòng hơn, một vài hội đoàn người Việt  hải ngoại, một số người theo chân cha mẹ qua đây, nhưng vì nhiều lý do lại đi theo chính sách hòa hợp hòa giải lọc lừa của CSVN, họ quên đi tội ác Cộng Sản và  tránh né  lá cờ vàng Quốc Gia một thời đã là chỗ tựa bảo vệ gia đình họ.

Hiện tại, đối với những người dân bản xứ thì cộng đồng người Việt là một sắc dân di trú cần cù, hiền hòa. Ngày càng ít người biết đến chúng ta như những người Việt yêu chuộng tự do, tỵ nạn Cộng sản.  Con cháu chúng ta tuy biết ít nhiều về quá khứ tỵ nạn của cha ông nhưng đa số không có khái niệm rõ ràng về những giá trị tinh thần của người Việt tự do. Ngoài ra nhiều em trẻ còn thắc mắc khi sống ở một thành phố đa văn hóa như Montréal, nơi mà mỗi sắc dân có một điểm mốc đặc thù: người Hoa có phố Tầu, người Ý có Petite Italie, người Do Thái có sinh hoạt và nhà thương tầm vóc. Riêng người Việt tuy khá đông đảo nhưng lại không thật sự có điểm tựa văn hóa để các em có thể tự hào về sắc thái dân tộc.

Thế hệ Cha anh chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ căn cước tỵ nạn cũng như chính nghĩa Quốc Gia của mình. Nhưng đa số nhưng người thuộc thế hệ thứ nhất đã già yếu, một số đã ra đi. Chúng tôi thuộc thế hệ kế thừa rồi cũng theo lẽ vô thường của tạo hóa. Có thể nào cái chết đau thương của hơn 500,000 nạn nhân và cảnh sống kinh hoàng vô vọng của những người bị cướp biển bắt cóc năm nào sẽ bị lãng quên trong vô tình của thời gian? Có thể nào lịch sử thuyền nhân sẽ sang trang khiến các thế hệ thứ ba thứ tư không còn biết cội nguồn tổ tiên? Tội ác Cộng Sản Việt Nam cùng lá cờ vàng dân tộc sẽ bị lãng quên  trong khi toàn thế giới vẫn còn nhắc nhở về thảm kịch Holocaust của Đức Quốc Xã như một bài học không thể quên? Trách nhiệm thuộc về ai khi hai tiếng Việt Nam sẽ chỉ là một ký ức xa xôi nơi tâm khảm con cháu chúng ta?

Đây là những câu hỏi ray rứt lương tâm của chúng tôi.

Và ý định nối gót các thành phố tiên phong, xây dựng tượng đài tưởng niệm thuyền nhân đã bắt đầu nhen nhúm trong tâm trí chúng tôi. Đến năm 2020 chúng tôi đã bắt đầu những nỗ lực cụ thể vận động cho dự án tương đài Thuyền Nhân qua các việc vận động xin chữ ký cư dân vùng Mont Royal, gửi thỉnh nguyện thư và gặp gỡ thị trưởng cùng các cố vấn (conseillers) của thành phố .

Chúng tôi mong muốn Tượng đài Thuyền Nhân tại công viên Cité Jardin  sẽ là:

Biểu tượng cho sự tưởng niệm và bảo vệ Công Lý cho các nạn nhân đã bỏ mình trong hành trình tìm tự do. (Chính nhờ những cái chết thảm thương của họ mà thế giới mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta. Một trong những người xấu số, anh Nguyễn Ngọc Dung,  trước khi tự sát vì bị cưỡng bách hồi hương ngày 3/5/1993 tại trại  trại Sungei Besi, Mã Lai đã viết vài hàng tuyệt mệnh “Tôi chết đi không phải vì tuyệt vọng, mà vì tôi muốn đem lại niềm hy vọng và sự sống cho nhiều người khác.”)

Biểu tượng của khát vọng Tự Do Dân Chủ của dân tộc Việt Nam.

Biểu tượng cho sự can đảm và hy sinh của các bậc cha mẹ.

Biểu tượng cho sự hội nhập và sự thành công của các thế hệ kế thừa.

Biểu tượng  cho sự trưởng thành và vững mạnh của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn

Biểu tượng cho ý chí bảo vệ sự thật cho lịch sử của người Việt tỵ nạn Cộng sản, và nhất là ý chí bảo vệ lý tưởng Quốc Gia và vinh danh lá cờ vàng dân tộc.

Ngoài ra tượng đài cũng là chứng tích thể hiện lòng tri ân của chúng ta đối với xã hội Canada và Qué bec đã rộng lượng tiếp nhận và cho chúng ta một quê hương mới.

Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với tượng đài Chiến Sĩ và tượng đài Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại nghĩa trang Le Repos St Francois d’Assis, Tượng Đài Thuyền Nhân  qua hình ảnh người mẹ, trong tà áo dài,  ngồi ôn lịch sử với con trai của mình tại khu vực trung tâm thành phố  sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn lịch sử và văn hóa của người Việt tỵ nạn Cộng sản.

Chúng ta may mắn được thành phố Mont Royal chấp thuận việc xây dựng tượng đài trong công viên thành phố, do đó chi phí cho dự án được giảm thiểu rất nhiều. Đây là một cơ hội hiếm có mà theo thiển ý, chúng ta phải nắm bắt. Nếu dự án này không thực hiện được do những  mâu thuẫn bất đồng, do sự thờ ơ, thiếu tài chánh, chúng tôi e rằng sẽ không có cơ hội khác. Lý tưởng Tự Do cao đẹp của thế hệ cha anh sẽ biến mất không để lại dấu vết…

Cầu xin anh linh Quốc Tổ gia hộ. Người Việt quốc gia sẽ vượt qua tất cả mọi khác biệt cùng chung vai thực hiện dự án tượng đài hầu ghi lại dấu ấn cội nguồn cho các thế hệ mai sau.

Xin chân thành cảm tạ các vị mạnh thường quân đã nhanh chóng đóng góp tài chánh, công sức trong bước đầu khi ban tổ chức còn đang trong thời kỳ chuẩn bị tài liệu, dữ kiện để tường trình cùng toàn thể quý đồng hương. Sự quan tâm và nghĩa cử của quý vị đã khích lệ  rất nhiều tinh thần của ban tổ chức.

Chúng tôi ước mong được sự hỗ trợ của đông đảo các hội đoàn Quốc Gia. Tượng đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân và Tri Ân Canada sẽ là thành quả của tinh thần đoàn kết chặt chẽ của tập thể người Việt tỵ nạn tại Montréal  và toàn thế giới.

Xin quý vị vào trang nhà Hưng Việt để xem các tin tức cập nhật hóa về Dự Án Tường Đài Thuyền Nhân và Tri Ân Canada. (hung viet-vhr.org)

Chúng ta sẽ thành công!

Xin kính chào tất cả quý đồng hương, kính chúc quý vị mọi sự an lành, vạn sự cát tường.

Montréal ngày 25/12/2020

Cấn Thị Bích Ngọc.

Không có nhận xét nào: