Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

TIN TỨC CÔNG NGHỆ NGÀY 7/11/2022 - MHP


Ông Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, đến thảm đỏ cho giải thưởng truyền thông Axel Springer ở Berlin vào ngày 01/12/2020. (Ảnh: Hannibal Hanschke/Pool Photo qua AP)
1. Ông Elon Musk xác nhận nhân viên Twitter đã bán tích xanh ‘sau hậu trường’
Tác giả Jack PhillipsThứ hai, 07/11/2022
Hôm 05/11, ông Elon Musk đã xác nhận các tuyên bố nói rằng nhân viên Twitter đang bán ‘dấu tích xanh’ (dấu hiệu xác minh tài khoản) cho một số người dùng.
<!>
“Các nhân viên của Twitter đã bán tích xanh với giá lên tới 15,000 USD. Đối với một số tài khoản, bao gồm cả tài khoản của tôi, thì họ sẽ từ chối xác minh quý vị thông qua ứng dụng tiêu chuẩn và sau đó đề nghị xác minh cho quý vị một cách riêng tư để lấy $$ sau hậu trường. Cần phải điều tra việc này”, WSBChairman—một người dùng với 900,000 người theo dõi—khiếu nại trên nền tảng này hôm 05/11. Ông Musk đã xác nhận khiếu nại của người dùng đó, đáp rằng: “Đúng vậy.”

Cả tài khoản WSBChairman lẫn ông Musk đều không cung cấp thêm chi tiết hay bằng chứng. Trong khi đó, không có cựu giám đốc điều hành nổi tiếng nào của Twitter bình luận công khai về vấn đề này.

“Có quá nhiều dấu tích ‘đã xác minh’ theo lối mòn được đưa ra, thường là một cách tùy tiện, vì vậy trên thực tế, chúng *không* được xác minh,” ông Musk viết. “Quý vị có thể mua bao nhiêu tùy thích ngay bây giờ bằng cách tìm kiếm trên Google. Bán kèm hệ thống thanh toán cùng với Apple/Android là một cách tốt hơn nhiều để bảo đảm việc xác minh”.

Tuần trước, Giám đốc điều hành Tesla tiết lộ một kế hoạch yêu cầu người dùng đã xác minh trả 8 USD mỗi tháng để giữ dấu tích màu xanh của họ, dấu này đã trở thành một biểu tượng trạng thái trên nền tảng truyền thông xã hội này. Các dấu tích xác minh được đề xuất như một hệ thống để chứng minh rằng một tài khoản là xác thực, nhưng ông Musk nói rằng quy trình này đã tạo ra một hệ thống “lãnh chúa-và-nông nô” trên nền tảng này.

Ông Musk cũng xác nhận rằng ông đã thực hiện việc sa thải nhân viên trong những ngày gần đây vì công ty này đang lỗ hơn 4 triệu USD mỗi ngày. Các báo cáo chỉ ra rằng ông đã chấm dứt hợp đồng làm việc của hàng ngàn nhân viên Twitter.

Ông viết: “Tất cả mọi người rời đi đều được đề nghị thôi việc 3 tháng, tức là nhiều hơn 50% so với luật định.”

Trong khi đó, một số nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ đã để mắt đến Twitter và ông Musk. Một bức thư của Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut) gửi cho Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đề nghị mở một cuộc điều tra đối với thương vụ mua lại này vì các thành viên của hoàng gia Ả Rập Xê Út là những nhà đầu tư nổi bật của công ty này. Tuy nhiên, Hoàng tử Alwaleed bin Talal đã mua cổ phần của công ty này nhiều năm trước khi ông Musk mua lại vào tháng trước.

“Tôi viết thư này để thu hút sự chú ý của bà đến những lo ngại tiềm ẩn về an ninh quốc gia phát sinh từ việc tiếp quản hoàn toàn Twitter, Inc. mới đây của ông Elon Musk và một số nhà đầu tư cá nhân,” ông Murphy viết, theo các bản tin. “Bỏ qua kho dữ liệu khổng lồ mà Twitter đã thu thập về công dân Mỹ, thì bất kỳ khả năng nào mà việc quyền sở hữu ngoại quốc của Twitter sẽ dẫn đến sự gia tăng kiểm duyệt, thông tin sai lệch, hoặc bạo lực chính trị là một mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia.”

Tuần trước, ông Musk thông báo rằng công ty mới được mua lại này đã bị thiệt hại doanh thu đáng kể sau khi các nhà quảng cáo nổi tiếng rút lui. Vị tỷ phú công nghệ này buộc tội các nhóm hoạt động đã dẫn đầu cuộc chiến chống lại ông và nói rằng “họ đang cố gắng phá hủy quyền tự do ngôn luận ở Mỹ.”

Twitter đã không hồi đáp yêu cầu bình luận vào thời điểm xuất bản bài viết này.

BTV Epoch Times Tiếng Anh
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.

Cẩm An biên dịch




2. Elon Musk nói những người mạo danh trên Twitter sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn

Lê Vy •Thứ hai, 07/11/2022

Hôm Chủ nhật (6/11), tỷ phú Elon Musk cho biết những người dùng Twitter mạo danh mà không xác định rõ đó là tài khoản “nhái” sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn mà không cần cảnh báo.


Trong một tweet riêng biệt, ông Musk cho biết Twitter trước đây sẽ đưa ra cảnh báo trước khi tạm ngừng tài khoản, nhưng hiện tại vì Twitter đang triển khai rộng việc xác minh tài khoản, nên sẽ không có cảnh báo cũng như “không có ngoại lệ”.

“Đây sẽ được xác định rõ ràng là một điều kiện để đăng ký Twitter Blue [tích xanh Twitter]”, ông Musk nói và thêm bất kỳ sự thay đổi tên nào sẽ làm mất dấu tích xanh.

Cảnh báo được đưa ra sau khi một số người nổi tiếng thay đổi tên hiển thị của họ thành “Elon Musk”.

Vào tối Chủ nhật, một số tài khoản đã đổi tên thành Elon Musk dường như đã bị đình chỉ hoặc cảnh cáo, bao gồm cả tài khoản của diễn viên hài Hoa Kỳ Kathy Griffin và trang web châm biếm của Úc The Chaser.

Twitter hôm thứ Bảy đã cập nhật ứng dụng của mình trong App Store của Apple để bắt đầu tính phí 8 USD cho dấu tích xanh xác minh tài khoản. Đây là sửa đổi lớn đầu tiên của tỷ phú Elon Musk đối với nền tảng truyền thông xã hội này.

Ông chủ Tesla vào tháng trước từng cho biết Twitter sẽ thành lập một hội đồng kiểm duyệt nội dung với “quan điểm đa dạng”.

Về chủ đề các tài khoản bị cấm trước đây, tuần trước, ông Musk cho biết họ sẽ không được phép quay lại Twitter cho đến khi nền tảng truyền thông xã hội có “một quy trình rõ ràng để làm như vậy”.

Việc tạo ra một quy trình như vậy sẽ mất ít nhất vài tuần nữa, ông Musk tweet. Với thông báo về mốc thời gian như vậy, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không trở lại kịp thời Twitter cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8 tháng 11.

Lê Vy





3. Sau Twitter, đến lượt Meta sắp sa thải hàng nghìn nhân viên

Phan Anh •Thứ hai, 07/11/2022

Hãng công nghệ Meta (công ty mẹ của Facebook) đang lên kế hoạch sa thải một lượng lớn nhân viên bắt đầu từ tuần tới, theo tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 6/11 vừa qua.



(Ảnh minh họa: rafapress/Shutterstock)

Cụ thể, tờ WSJ cho biết kế hoạch sa thải quy mô lớn này có thể ảnh hưởng tới hàng nghìn người và trở thành đợt sa thải lớn nhất trong ngành công nghệ. Tuy nhiên, tờ báo trên không đề cập cụ thể bao nhiêu người trong tổng số trên 87.000 nhân viên Meta có thể bị sa thải.

Các nguồn tin tiết lộ thông báo về cắt giảm nhân viên dự kiến được công bố vào ngày 9/11 tới. Những người đứng đầu công ty cũng đã thông báo với nhân viên Meta hủy các chuyến công tác không cần thiết bắt đầu từ tuần tới.

Hồi tuần trước, công ty Twitter thông báo chính thức sa thải khoảng 3.700 nhân viên sau khi tỷ phú Mỹ Elon Musk hoàn tất thương vụ mua lại và tiếp quản. Ông chủ mới của Twitter cho biết nguyên nhân dẫn đến đợt sa thải hàng loạt này là do công ty đang thua lỗ.

Sau động thái của Twitter, có 5 nhân viên và cựu nhân viên đã khởi kiện công ty với cáo buộc công ty không thông báo đầy đủ về việc sa thải hàng loạt sau khi nhà tỷ phú Elon Musk tiếp quản.

Trong một báo cáo ngày 26/10, Meta cho biết doanh thu và lợi nhuận của công ty trong quý III đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi kết quả kinh doanh được công bố, giá cổ phiếu của Meta đã giảm 19,1% xuống 105 USD/cổ phiếu, chỉ bằng 1/3 giá cổ phiếu hồi đầu năm nay.

Được biết, Meta hiện đối mặt với tình trạng số lượng người sử dụng mạng xã hội Facebook đang chững lại và nguồn thu từ quảng cáo giảm. Theo Meta, số lượng người sử dụng Facebook chỉ tăng 2% lên 2,96 tỷ người từ cuối tháng 8 tới cuối tháng 9, trong khi số lượng nhân viên của hãng tăng 28% lên 87.314 người.

Phan Anh



4. Cựu CEO Twitter Jack Dorsey lên tiếng xin lỗi toàn thể nhân viên

Phan Anh •Chủ nhật, 06/11/2022

Ông Jack Dorsey, người đồng sáng lập và từng giữ chức CEO của Twitter, cho hay rằng bản thân mình có lỗi khi để mạng xã hội này phát triển quá nhanh, qua đó gián tiếp đẩy toàn bộ nhân viên đến tình trạng hỗn loạn như hiện tại, theo tờ Washington Examiner.


Ông Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập và cựu CEO của Twitter. (Ảnh: Frederic Legrand-COMEO/Shutterstock)
“Tôi biết nhiều người đang tức giận với mình. Tôi chịu trách nhiệm về nguyên nhân dẫn đến việc mọi người rơi vào tình cảnh hiện tại. Tôi đã phát triển quy mô công ty này quá nhanh. Tôi xin lỗi về điều đó”, ông Jack Dorsey cho biết hôm 5/11.

Ngoài ra, ông Jack Dorsey cũng gửi lời cảm ơn các nhân viên Twitter. “Tôi biết ơn và yêu quý những người làm việc tại Twitter. Tôi không mong được đáp lại điều đó vào lúc này… hay là bất cứ lúc nào… và tôi hiểu chuyện này”.


Lời xin lỗi của ông Jack Dorsey xuất hiện trong bối cảnh Twitter mới thay đổi chủ sở hữu là tỷ phú Elon Musk. Khoảng một nửa số nhân viên của công ty đã phải chuẩn bị tinh thần bị sa thải kể từ khi tỷ phú Elon Musk chính thức tiếp quản công ty hôm 27/10 và ngay lập tức vị CEO mới này đã thay đổi phần lớn đội ngũ điều hành, bao gồm giám đốc điều hành Parag Agrawal, giám đốc tài chính Ned Segal và các nhân viên pháp lý cấp cao Vijaya Gadde và Sean Edgett. Những ngày sau đó, giám đốc tiếp thị Leslie Berland, giám đốc khách hàng Sarah Personette và Jean-Philippe Maheu, phó chủ tịch phụ trách giải pháp khách hàng toàn cầu là những người ra đi khác.

Trong thông điệp trên Twitter, ông Musk cho biết mục tiêu của ông khi mua lại mạng xã hội này là đảm bảo môi trường tranh luận lành mạnh, thay vì là nơi thể hiện những quan điểm tiêu cực để gây thù hằn và chia rẽ trong xã hội.

Được biết, tháng 4/2022, CEO Tesla và SpaceX đã đề nghị mua Twitter với giá 44 tỷ USD, trong đó mỗi cổ phiếu giá 54,2 USD. Tuy nhiên, đến ngày 8/7, ông tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này, với cáo buộc Twitter gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Sau đó, Twitter đã kiện ông Musk với lý do phá vỡ hợp đồng. Đến ngày 4/10 vừa qua, tỷ phú Elon Musk đã đề nghị hoàn tất thương vụ mua lại mạng xã hội Twitter với mức giá thỏa thuận ban đầu là 44 tỷ USD.

Hồi tháng 11/2021, ông Jack Dorsey đã tuyên bố từ chức CEO. “Tôi đã quyết định rút khỏi Twitter bởi tôi tin rằng công ty này đã sẵn sàng để tiếp tục phát triển từ những gì mà các nhà sáng lập để lại. Đây là quyết định của riêng cá nhân tôi, một quyết định không hề dễ dàng”, ông cho hay.

Ông Jack Dorsey, 45 tuổi, đã phải đối mặt với việc bị lật đổ vào năm 2020 khi công ty Elliott Management, một bên liên quan (stakeholder) của Twitter cố gắng thay thế ông khi người sáng lập Elliott, ông Paul Singer phân vân liệu ông Dorsey có nên điều hành cả Square và Twitter hay không.

Sau khi thành lập Twitter vào năm 2006 cùng với Noah Glass, Biz Stone và Evan Williams, ông Dorsey giữ chức CEO của công ty cho đến năm 2008 khi ông bị đẩy khỏi vai trò này. Ông trở lại với cương vị CEO của công ty vào năm 2015 sau khi cựu Giám đốc điều hành Dick Costolo từ chức.

Ông Dorsey đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ những người thiên hữu và những người ủng hộ tự do ngôn luận khi đưa ra quyết định cấm nền tảng mạng xã hội của cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1/2021.

Phan Anh



5. Hãng Apple cảnh báo về nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất iPhone tại Trung Quốc

Phan Anh •Thứ hai, 07/11/2022

Hãng Apple cho biết sản lượng cung ứng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max hiện đang chịu ảnh hưởng do nhà cung cấp cắt giảm năng lực sản xuất, theo tờ Wall Street Journal.


Hãng Apple (Ảnh minh họa: Robert Way/Shutterstock)
Ngày 6/11, Apple cho biết đơn hàng đặt mua những mẫu iPhone đời mới nhất có thể sẽ bị trễ. Nguyên nhân được cho là do đứt gãy chuỗi sản xuất ở các cơ sở, nhà cung cấp chính của Apple đặt tại Trung Quốc vốn đang nằm trong khu vực bị áp quy định hạn chế, giãn cách nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đây được xem là diễn biến không mong đợi đối với hãng Apple, trong bối cảnh tập đoàn này bước vào giai đoạn bứt tốc về doanh thu, lợi nhuận gắn với mùa mua sắm nhộn nhịp cuối năm. Trong thông báo được đưa ra ngày 6/11 vừa qua, hãng Apple thừa nhận việc vận chuyển các đơn hàng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max sẽ chậm hơn dự kiến và khách hàng phải đợi lâu hơn để có được sản phẩm đặt mua.

Hồi tuần trước, nhà máy của Foxconn đặt tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài trong ba tuần, do diễn biến dịch bệnh COVID-19. Đây là cơ sở lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, với hàng chục nghìn nhân công lao động, cung cấp ra thị trường hơn 80% sản lượng mẫu iPhone 14 và hơn 85% sản lượng iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.

Phía Foxconn cho hay rằng tập đoàn này đang nỗ lực hợp tác với các cấp chính quyền tại Trung Quốc nhằm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục toàn bộ năng lực sản xuất của cơ sở lắp ráp tại Trịnh Châu “một cách nhanh nhất có thể”.

Phan Anh



Bức ảnh cho thấy Musk đang phát biểu tại một hội nghị ở Na Uy vào ngày 29 tháng 8 năm 2022. (CARINA JOHANSEN / NTB / AFP qua Getty Images)

6. Elon Musk: Tôi là một người ngoài hành tinh đang cố gắng trở lại hành tinh của mình

Bình luận Thanh Hà • 13:59, 07/11/22
Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tweet rằng ông là một người ngoài hành tinh, đang cố gắng quay trở lại hành tinh của mình.

Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới vừa mua lại Twitter và giữ chức CEO, thường đưa ra những nhận xét đáng ngạc nhiên. Trả lời cho một câu hỏi trên Twitter cách đây vài ngày, ông đã đi xa đến mức nói rằng, ông là một người ngoài hành tinh đang cố gắng quay trở lại hành tinh của mình. Không có gì lạ khi một số người cho rằng ông đã chế tạo tàu vũ trụ để trở về quê hương của mình: sao Hỏa.

Nhà văn người Mỹ Tim Urban đã hỏi Musk trên Twitter vào ngày 3 tháng 11 rằng: "Thuyết âm mưu mà ông nghĩ là điên rồ nhất, nhưng nó có thể là sự thật, là gì?"
Musk trả lời vào ngày 4 tháng 11 rằng: "Tôi là một người ngoài hành tinh đang cố gắng quay trở lại hành tinh quê hương của mình".



Trước phản ứng của Musk, Urban nói: "Tôi nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều cho rằng ông sẽ không thảo luận về vấn đề này một cách cởi mở".


Về điều này, Musk phản ứng bằng câu trả lời vòng vo, nói rằng, ông không chắc liệu việc chứng minh hay phủ nhận rằng ông là người ngoài hành tinh sẽ thuyết phục hơn việc ông là người ngoài hành tinh hay không.


Dù đó có phải là một trò đùa hay không, những nhận xét của Musk đã thực sự thu hút sự chú ý của một số lượng lớn cư dân mạng, giống như việc anh ấy đã sa thải một số lượng lớn nhân viên sau khi mua Twitter.

Đây không phải là lần đầu tiên Musk đưa ra những nhận xét liên quan đến người ngoài Trái đất. Năm ngoái, khi vị doanh nhân điều hành nhiều công ty lớn này được hỏi: làm thế nào để điều hành một doanh nghiệp thành công, ông thực sự trả lời rằng, ông là một người ngoài hành tinh!

Doanh nhân Ấn Độ Kunal Shah đã hỏi Musk trên Twitter vào ngày 11 tháng 2 năm 2021. Kunal Shah muốn hiểu cách Musk điều hành nhiều công ty trị giá hàng trăm tỷ đô la cùng một lúc, cách chuyển đổi nhiệm vụ, cách thiết kế tổ chức của ông ấy và nhiều vấn đề khác.
Thật bất ngờ, Musk đã tweet lại: "Tôi là người ngoài hành tinh".


Ngay sau khi nhận xét có vẻ như đùa cợt của Musk được đưa ra, cư dân mạng đã đưa ra những bình luận.

Một số nói: "Đó là một bí mật công khai".

Những người khác nói: "Chúng tôi đã biết điều đó".

Những người khác hỏi: "Đó là lý do tại sao ông chế tạo tàu vũ trụ ... để trở về hành tinh quê hương của ông?"

Thanh Hà
Theo Epochtimes




7. Bốn ứng dụng Android nguy hiểm trên Google Play


Các nhà phân tích từ Malwarebytes Labs đã nêu bật một nhóm ứng dụng Android độc hại bị nhiễm trojan quảng cáo ẩn, với tổng số lượt tải xuống lên đến hơn 1 triệu.

Theo BGR, báo cáo từ nhà phân tích Nathan Collier của Malwarebytes Labs cho thấy tất cả bốn ứng dụng Android này đều đến từ nhà phát triển Mobile apps Group - vốn là nhà phát triển đã phát tán phần mềm độc hại trên Google Play trước đây.Collier nói không rõ liệu Google có thực sự nắm bắt được Mobile apps Group hay không, nhưng ông lưu ý một số phiên bản của ứng dụng độc hại Bluetooth Auto Connect phổ biến trước đây đã bị loại bỏ. Điều đó có nghĩa nhà phát triển này đã bị phát hiện và có thể đã tải lên một phiên bản sạch của các ứng dụng trước khi chèn phần mềm độc hại vào chúng.

Danh sách các ứng dụng độc hại được phát hiện cần phải xóa bao gồm Bluetooth Auto Connect; Bluetooth App Sender; Driver: Bluetooth, Wi-Fi; và USB Mobile transfer: smart switch.

Theo Malwarebytes, các ứng dụng không có bất kỳ hành vi độc hại nào trong vòng 72 giờ đầu tiên kể từ khi được tải xuống. Sau khoảng thời gian trì hoãn tự đặt ra, chúng bắt đầu mở các trang web lừa đảo trong Chrome. Một số trang web tương đối vô hại, tạo ra doanh thu bằng cách lừa người dùng nhấp vào quảng cáo. Các trang web khác nguy hiểm hơn, cố gắng lừa người dùng bằng cách nói với họ rằng họ đã bị nhiễm virus hoặc cần cập nhật thiết bị của mình.

Điều quan trọng đáng quan tâm đó là, Mobile apps Group đã cung cấp các ứng dụng độc hại tương tự trong quá khứ, có nghĩa Google vẫn cho phép nhóm phát triển này tiếp tục cung cấp phần mềm trên cửa hàng ứng dụng của họ để tấn công người dùng Android.


@VietBF



8. Elon Musk phải bán bao nhiêu "dấu xanh" (blue tick) mới đủ tiền trả tiền lời ngân hàng mỗi năm?

Với khoản tiền lời phát sinh từ việc vay ngân hàng lên đến 1 tỷ USD/năm, Elon Musk đang tìm mọi cách để kiếm thêm tiền từ Twitter.

"Tôi chẳng quan tâm đến lợi ích kinh tế" là những gì mà tỷ phú Elon Musk hùng hồn tuyên bố vào tháng 4/2022 khi nói về thương vụ thâu tóm Twitter.

Thế nhưng, sau khi hoàn tất việc mua bán trị giá 44 tỷ USD để mua lại mạng xã hội này, người sáng lập Tesla mới hiểu được rằng ông không thể không bán/cầm cố cổ phiếu của hãng xe điện nhằm gom đủ số tiền cho vụ thâu tóm nói trên. Bởi vậy Elon Musk đã phải vay nợ 12,5 tỷ USD từ các ngân hàng và 7 tỷ USD góp vốn từ những người đầu tư khác.

Hậu quả là có một số ngân hàng như Morgan Stanley đã trở thành chủ nợ và cố gắng thu thập tiền lời 1 tỷ USD từ Elon Musk mỗi năm. Hãng tin Bloomberg cho rằng, đây có thể là một trong những nguyên nhân chính cho hàng loạt quyết định sa thải bớt nhân viên cũng như mở các dịch vụ thu tiền như lệ phí giữ dấu xác nhận ("dấu xanh" hay "blue tick").

Vậy ông Elon Musk sẽ cần bán bao nhiêu cái dấu xanh với giá 8 USD/tháng để có thể đủ tiền trả tiền lời vay ngân hàng?

Tính "Bất khả thi"

Tờ Quartz cho biết ,Twitter không phải một mạng xã hội mạnh về khả năng kiếm tiền dù rất nổi tiếng tại Mỹ. Trong suốt 9 năm kể từ khi được niêm yết trên sàn chứng khoán, thương hiệu này chỉ có báo lời trong 2 năm tài khóa duy nhất là 2018-2019 với con số hơn 1 tỷ USD.

Trước thực trạng nói trên, tỷ phú Elon Musk đề ra 3 hướng giải quyết chính. Đầu tiên Twitter sẽ sa thải một nửa trong số 7.500 lao động của công ty để cắt giảm chi phí. Tiếp đó ông yêu cầu công ty duy trì nguồn thu từ các quảng cáo trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ tìm kiếm một nguồn thu khác cho mạng xã hội này. Cuối cùng là kế hoạch bán "dấu xanh" để thu lệ phí.

Với 8 USD/tháng, những tài khoản của người nổi tiếng có thể được giữ dấu xác nhận của Twitter nhằm bảo đảm quyền sở hửu tài khoản. Tất nhiên kế hoạch này vẫn còn nhiều điểm cần giải quyết như những tài khoản của chính phủ hay các tổ chức mà Twitter sẽ khó lòng để thu được tiền.

Thật không may, các tính toán của tờ Quartz cho thấy Elon Musk sẽ cần hơn 10 triệu người mua dịch vụ dấu xanh trên để thanh toán khoản lãi vay 1 tỷ USD/năm. Thế nhưng vào thời điểm cao nhất thì Twitter cũng chỉ có khoảng 400,000 người sử dụng có dấu xác nhận, tương đương 38 triệu USD/năm nếu tất cả những người này mua dịch vụ nói trên của Twitter.

Con số này có thể thấp hơn nếu Apple và Google cắt khoảng 30% mức lệ phí khi người sử dùng thanh toán qua "chợ ứng dụng" (Apps store).

Rõ ràng, việc thu tiền lệ phí dấu xanh để trả nợ là một con số không khả thi, nhưng tờ Quartz cho rằng, ông Elon Musk vẫn còn cơ hội với dịch vụ nâng cấp có mức lệ phí 3 USD/tháng.

Cần tiền

Với bản nâng cấp 3 USD/tháng của Twitter, người tiêu dùng có thể sử dụng những dịch vụ cao cấp hơn như có thể "chỉnh sửa bài đăng sau khi đã đăng", "ít quảng cáo và tin rác" hơn...

Bởi vậy dù không thể kiếm đủ 10 triệu người mua dịch vụ giữ dấu xanh nhưng Twitter có thể thu hút khoảng 238 triệu người sử dụng hàng ngày của mạng xã hội này mua dịch vụ 3 USD/tháng và thu về khoảng 8,5 tỷ USD nếu tất cả đồng ý đều mua.

Bên cạnh đó, các khoản lệ phí từ giao dịch qua mạng xã hội cũng là mảnh đất màu mỡ khi ông Musk muốn biến Twitter thành ứng dụng đa ngành (Everything App). Những giao dịch này có thể đến từ trò chơi điện tử, tặng quà live stream...

Năm 2021, khoảng 102 triệu người Mỹ đã chi tiêu trên các nền tảng mạng xã hội, gấp đôi so với năm 2019. Riêng tại TQ, tổng số tiền chi ra cho các nền tảng mạng xã hội năm 2021 cao gấp 10 lần so với Mỹ.




Đặc biệt là những nền tảng như WeChat, hệ sinh thái bao gồm tin nhắn, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử của họ ước tính có đến 1,2 tỷ người dùng và trở thành một trong những mục tiêu mà ông Musk hướng đến cho Twitter.

Dẫu vậy, tờ Quartz cho rằng điều đầu tiên Elon Musk cần phải thực hiện được là thuyết phục mọi người trả tiền cho những thứ mà trước đây họ được dùng miễn phí.


*Nguồn: Quartz, Bloomberg




9. Tại sao Apple tăng giá iPhone ở các thị trường khác trừ Mỹ, Trung Quốc?


Mẫu iPhone 14 cơ bản có giá khởi điểm 799 USD. Vương quốc Anh lại có giá 849 bảng Anh - tương đương khoảng 975 USD. Sự chênh lệch giá đó tiếp tục tăng lên với các mẫu điện thoại cao cấp hơn.

Những chiếc iPhone mới nhất của Apple, các mẫu series 14, đi kèm với màn hình tốt hơn, chất lượng máy ảnh cao hơn và khả năng truyền tin qua vệ tinh, bên cạnh nhiều tính năng và cập nhật đời mới khác. Song tùy thuộc vào quốc gia nơi khách hàng sinh sống, chúng cũng có thể đi kèm với mức giá cao hơn.

Trong khi một số nhà phân tích dự đoán rằng Apple có thể tăng giá những mẫu iPhone mới nhất do những thách thức chưa chấm dứt trong chuỗi cung ứng và lạm phát, những khách hàng tiềm năng của “Táo khuyết” ở Mỹ và Trung Quốc lại không thấy giá iPhone 14 tăng so với các mẫu đời 13.


Trong khi đó đối với người tiêu dùng tại các thị trường như Anh, Nhật Bản, Đức và Australia, các mẫu iPhone mới nhất đã bị tăng giá đáng kể.

Để so sánh, mẫu iPhone 14 cơ bản có giá khởi điểm 799 USD ở Mỹ, bằng mức giá của iPhone 13 khi mẫu này được phát hành năm ngoái. Sang Vương quốc Anh, iPhone 14 cơ bản có giá 849 bảng Anh - tương đương khoảng 975 USD. Mức giá này cơ bản cao hơn đáng kể mức 779 bảng Anh của iPhone 13.

Sự chênh lệch giá đó tiếp tục tăng lên với các mẫu cao cấp hơn. Ví dụ: iPhone 14 Pro Max ở Vương quốc Anh đắt hơn 150 bảng so với mẫu tương đương của năm ngoái.

Lý do Apple thực hiện động thái tăng giá điện thoại tại các thị trường này liên quan đến tình trạng biến động tiền tệ.

Trả lời vấn đề này, trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý mới nhất hồi tuần trước, Giám đốc Tài chính Apple, Luca Maestri, cho biết mức tăng trên là vì mọi đồng tiền trên toàn cầu về cơ bản đều suy yếu so với đồng USD. Ông cũng lưu ý rằng việc đồng USD mạnh lên gây khó khăn trong một số mặt, khiến việc định giá cũng như chuyển khoản doanh thu ở các thị trường mới nổi sang USD trở nên khó khăn.

Trong khi Apple báo cáo doanh thu đã tăng 8% trong quý vừa qua lên 90,15 tỷ USD, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nói với CNBC vào tuần trước rằng tập đoàn sẽ tăng trưởng “hai con số” nếu không có đồng USD mạnh.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Maestri nói tỷ giá hối đoái là “một yếu tố rất quan trọng” ảnh hưởng đến kết quả của Apple, cả về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp. Ông cho hay Apple phòng ngừa rủi ro tiền tệ của mình ở nhiều nơi nhất có thể trên khắp thế giới, nhưng những biện pháp bảo vệ đó bắt đầu thu hẹp khi tập đoàn cần tiếp tục mua các hợp đồng mới.

Nhưng ông Maestri cho biết Apple cũng xem xét bối cảnh ngoại hối khi ra mắt các sản phẩm mới. Chính điều này đã dẫn đến những đợt tăng giá gần đây nhất.

Trong khi những biến động tiền tệ gần đây so với USD đang khiến một số người mua quốc tế trả nhiều tiền hơn cho một chiếc iPhone. Cũng có những trường hợp Apple thay khách hàng “hấp thụ” những chi phí đó.

Như vào năm 2019, khi đồng USD cũng tăng giá so với các loại tiền tệ khác, Apple đã điều chỉnh giá ở một số thị trường nước ngoài và đặt chúng về gần hoặc bằng với giá tính theo đồng nội tệ một năm trước đó.

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Apple làm vậy là do doanh số bán hàng sụt giảm do giá bán tăng. Ví dụ như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đồng lira nội địa đã giảm 33% so với đồng USD vào năm 2019, doanh thu của Apple đã giảm 700 triệu USD.

Sang năm 2022, Apple cho biết họ không thấy nhu cầu ở những thị trường này giảm xuống. Ông Maestri lưu ý rằng tập đoàn đã chứng kiến mức tăng trưởng hai con số ở Ấn Độ, Indonesia , Mexico, Việt Nam và các quốc gia khác ngay cả trong các loại tiền tệ được báo cáo tương ứng của họ.

Đồng USD cũng đã tăng đều đặn so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong sáu tháng, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với iPhone mới của Apple tại nước này có thể đang suy yếu.

Trong khi ông Maestri cho biết Apple đã ghi nhận các kỷ lục mới trong quý kết thúc vào tháng Chín ở Trung Quốc, một báo cáo gần đây từ ngân hàng đầu tư Jeffries cho biết doanh số bán ra của bốn mẫu iPhone 14 mới tại Trung Quốc trong 38 ngày đầu tiên đã giảm 28% so với các mẫu iPhone 13 trong cùng một khoảng thời gian.

@VietBF




10. Twitter chuẩn bị có tính năng hoàn toàn mới


Tỷ phú Elon Musk cho biết Twitter sẽ cho phép người dùng viết đoạn văn bản dài trong các dòng trạng thái.

Theo tỷ phú Mỹ Elon Musk, người vừa mua lại Twitter gần đây, trang mạng xã hội vốn nổi tiếng với những đoạn trạng thái ngắn dưới 300 ký tự này sẽ sớm cho phép người dùng tạo các bài đăng dài.

"Twitter sẽ sớm bổ sung khả năng đính kèm văn bản dạng dài vào tweet, chấm dứt việc mọi người phải chụp lại màn hình notepad (ứng dụng soạn văn bản) một cách vô lý", Musk viết trên Twitter.Trong một bài đăng sau đó, Musk cũng hứa sẽ cải thiện chức năng tìm kiếm của mạng xã hội có biểu tượng chim xanh. "Chức năng tìm kiếm của Twitter đang khiến tôi nhớ đến Infoseek của những năm 98! Chức năng này cũng sẽ được cải thiện nhiều hơn", Musk nói.

CEO Tesla chốt thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD để mua lại Twitter vào tuần trước. Theo Musk, Twitter nhiều tiềm năng, nhưng công ty hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc sa thải nhân viên vì làm ăn thua lỗ. Hôm 3/11, 5 nhân viên hiện tại và một số cựu nhân viên đã đệ đơn kiện tập thể chống lại công ty truyền thông xã hội này vì cáo buộc Twitter không thông báo đầy đủ về việc sa thải hàng loạt nhân viên sau khi Musk tiếp quản.
Musk đã sa thải Giám đốc điều hành Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal và Giám đốc pháp lý Vijaya Gadde của Twitter. Tỷ phú Mỹ ngoài ra nói rằng một hội đồng đặc biệt "với nhiều quan điểm đa dạng" sẽ được thành lập để kiểm duyệt nội dung của một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

@VietBF




11. Apple vừa đoạt giải smartwatch được yêu thích

Apple Watch Ultra là mẫu đồng hồ thông minh nhận nhiều lượt bình chọn nhất trong chương trình Sản phẩm tôi yêu 2022 số cuối cùng.

Số thứ tám của Sản phẩm tôi yêu 2022 có chủ đề Smartwatch được yêu thích nhất với 7 mẫu đồng hồ được đề cử. Trong số đó, Apple Watch Ultra, mới được bán chính hãng tại Việt Nam giữa tháng 10, thu hút số lượt bình chọn cao nhất.

Watch Ultra là mẫu đồng hồ thể thao đầu tiên của Apple. Sản phẩm có thiết kế vuông vức, màn hình lớn sắc nét, núm xoay Digital Crown dễ điều khiển. Máy tích hợp cảm biến theo dõi sức khỏe và hoạt động thể dục thể thao, hỗ trợ nhiều bài tập từ cơ bản đến nâng cao, hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt. Sản phẩm có khả năng chống bụi IP6X, thời gian sử dụng pin 36 tiếng khi dùng GPS và 18 tiếng khi kết hợp với mạng di động.

Apple Watch Ultra. Ảnh: Pocket-lint

Hai mẫu smartwatch có số lượt bình chọn nhiều tiếp theo là Huawei Watch GT 3 Pro Ceramic và Garmin Fenix 7x.

Độc giả có địa chỉ email bao.. @dhcvn.com đã bình chọn chính xác, dự đoán gần đúng nhất số người có cùng đáp án và sẽ nhận phần quà là máy lọc không khí Casper AP-300MAH.

Sản phẩm tôi yêu được VnExpress tổ chức thường niên từ năm 2020, dành cho các sản phẩm công nghệ, phụ kiện, đồ gia dụng... theo chủ đề. Đây là chương trình khởi động cho Tech Awards và kết quả hoàn toàn dựa trên số lượt bình chọn của độc giả. Những sản phẩm được đề cử phải đáp ứng tiêu chí: được giới thiệu trong năm 2022 tại thị trường Việt Nam; trang bị công nghệ mới, nổi bật; có thiết kế, tính năng/hiệu năng ấn tượng.

Sản phẩm đoạt giải sẽ được trao chứng nhận trong Lễ trao giải Tech Awards 2022, dự kiến tổ chức vào tháng 1/2023 tại TP HCM. Tech Awards - Sản phẩm công nghệ xuất sắc của năm - là chương trình bình chọn cho thiết bị điện tử và thương hiệu gia dụng, được VnExpress tổ chức thường niên từ năm 2012.

@VietBF

MHP

Không có nhận xét nào: