Nga và Phượng đang nói chuyện với Ngọc thì Khánh tới. Muốn Ngọc được tự nhiên với Khánh nên hai bạn chỉ nói một vài câu xã giao rồi đứng lên ra về. Khi hai bạn đã đi rồi, Ngọc hỏi Khánh:
- Anh mới được về ?
- Anh về ban trưa và đến em ngay. Em vẫn khỏe chứ ?
- Cám ơn anh, em bình thường.
- Có gì lạ không em ?
Ngọc cười, lần nào Khánh cũng có câu đó:
- Dạ không. À có anh.
<!>
Khánh hơi hoảng:
- Cái gì đó cho anh biết với ?
- Bí mật !
- Sao ghê gớm thế ? Em nhất định dấu anh à ?
- Nói đùa anh đó. Tại anh hứa kể cho em nghe câu chuyện thương tâm ở đơn vị anh mà anh chưa kể.
- Một lát nữa thế nào anh cũng kể em nghe
Khánh xoa nhẹ vào má thằng bé mà Ngọc đang bế trên tay rồi hỏi:
- Con cô bạn của em đây phải không ?
- Vâng. Con chị Phượng đó. Anh xem ngày sau nó học có giỏi không ?
Khánh vô tình nói:
- Cháu bé đẹp quá, trông giống chú Vinh ghê, nhất là đôi mắt và cái miệng.
- Vậy hở anh ? Chị ấy sắp đi lấy chồng nên cho em thằng bé này. Em yêu nó lắm và đã nhận nuôi.
Khánh bế thằng bé và hỏi Ngọc:
- Tên cháu là gi ?
- Quang. Nguyễn Huy Quang.
- Anh cũng định có con đặt tên là Quang.
Ngọc nhí nhảnh:
- Thế như anh ! Bao giờ lấy vợ nhớ cho Ngọc ăn cỗ với đấy nhá.
- Tùy em quyết định, em muốn ăn cỗ lúc nào cũng được.
- Ồ thích nhỉ.
Khánh nhận xét:
- Hôm nay em có vẻ vui nhiều và đẹp nữa.
Ngọc làm nũng:
- Tại lâu anh không về đó. Bao giờ anh phải trở lại đơn vị ?
- Sáng mai anh đi sớm.
- Còn cô An, em của anh có được khoẻ không ?
- Cô ấy không được khoẻ lắm. Có lẽ mai mốt cũng vào Sài Gòn và đến Từ Dũ nhờ em.
Ngọc nhớ lại ngày đi chơi với An và Khánh ngoài bãi biển Vũng Tàu rồi nói:
- Chóng quá anh nhỉ. Mới ngày nào còn đi học bây giờ đã có chồng, có con rồi. Chỉ em là vẫn thế…
Khánh hạ thấp giọng:
- Anh lúc nào cũng ở bên chờ đợi em, mong em đừng từ chối
- Em chỉ sợ là không biết có xứng đáng với anh không thôi. Đây là ý nghĩ chân thành nhất xin anh hiểu cho em. Trước giờ em vẫn lẩn tránh anh cũng chỉ vì nghĩ như thế.
Khánh sung sướng vuốt lên mái tóc Ngọc:
- Em ! Em đừng nói như vậy. Anh lúc nào cũng quý mến em
Ngọc nhìn Khánh thật đáng yêu và nói trong xúc động:
- Em không cha, không mẹ, chỉ có một thân một mình. Em xin anh một điều thôi
- Em cứ nói.
- Cho em được nuôi và thương yêu thằng bé này như con đẻ cho đến khi nó lớn.
Khánh cười:
- Tưởng cái gì chứ. Chắc em thấy nó giống chú Vinh nên qúy mến phải không?
- Vâng. Anh phài cam đoan với em không rồi ngày sau hành hạ nó tội nghiệp.
- Anh cam đoan với em. Anh vừa nhìn thấy đã thích rồi.
Khánh nói tiếp để đùa Ngọc:
- Thế là chúng mình có con trước rồi đó. Em bắt nó gọi anh bằng “cậu” nũa nghe không ?
Ngọc cười chế Khánh:
- Gọi bằng “thầy” chớ anh?
- Em lại chế nhạo anh rồi. Ở quê ngoài Bắc thường gọi thế, nhưng thôi bây giờ gọi “ba, má” hay “bố, mẹ” cho tiện.
Ngọc hỏi lảng sang chuyện khác:
- Nãy anh hứa sẽ kể em nghe chuyện ở đơn vị anh ?
- Ngồi xuống đi anh kể đây:
“Hai tháng trước tại vùng chiến thuật của anh, sau trận giao tranh khốc liệt, quân ta đã tòan thắng, không ai bị chết, chỉ có một số nhỏ bị thương nhẹ. Trong khi ấy quân địch bị thua nặng, Cả đại đội của địch bị tan rã hòan tòan. Tất cả đại đội anh đều reo mừng chiến thắng và chờ đợi một cuộc khao quân lớn. Tin vui vừa nở trên môi mọi người từ binh sĩ tới cấp chỉ huy thì bất ngờ tin buồn ập tới. Bên ta bắt được một số tù binh trong đó có hai bị thương, một người cụt tay, người kia cụt hai chân và mù một mắt. Sau khi xem xét giấy tờ vị Đại úy chỉ huy trận đánh mới nhận ra chính người thương binh cụt hai chân và mù một mắt là em trai út của ông ta mà hồi di cư còn kẹt lại ngoài Bắc không vào Nam được. Người em ở lại ngoàì Bắc đi lính cho phe bên kia, ngườì anh vào Nam đi lính cho phe bên này. Hai bên đánh nhau, mỗi người ở một giới tuyến. Nhìn thấy em bị cụt hai chân và mù một mắt do chính đơn vị ông ta chỉ huy bắn vào nên vị Đại úy này đã ngất xỉu đi. Hiện giờ vị Đại úy đó như một người mất trí, lẩn thẩn không biết gì nữa…”
Ngọc nghe Khánh kể xong, nàng thở dài:
- Tội nghiệp ông ấy quá !
- Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp của người dân mình, một hậu quả của chiến tranh, không ai mong muốn mà vẫn phải làm.
Ngọc bảo Khánh:
- Cuộc đời buồn thật anh nhỉ. Hình như trong mỗi con người đều có những nỗi khắc khoải khác nhau, nhưng chúng ta vẫn cứ phải kéo lê cuộc sống từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đâu mấy ai có đủ can đảm lìa bỏ cuộc sống. Có lẽ đời nó phải có tất cả điều vui cũng như nỗi buồn mới tạo thành sức nhiệm mầu để lôi cuốn con người ở lại. Nếu giả sử cuộc đời này toàn màu hồng, chỗ nào cũng tốt đẹp hết, tất cả là thiên đường con người chưa chắc đã ham sống. Anh thấy chưa, trong món ăn lúc người ta thích ngọt bùi nhưng cũng có lúc thích cay với đắng để cho thêm hương vị. Nhiều lúc em nghĩ cay đắng ở đời có khi chỉ là hương vị gíup con người có hứng thú sống.
Khánh bảo Ngọc:
- Em lại lẩm cẩm rồi
- Có lẽ em lẩm cẩm thật. Nhiều lúc em tự hỏi tại sao em không thù ghét đời, em không chán đời. Tự tử quyên sinh có hơn không, em lại tiếp tục kéo lê cuộc sống trong khi em chỉ còn cô độc một mình. Tất cả những người thân yêu nhất của em đã mất đi vì chiến tranh do chính con người tạo ra. Chiến tranh tàn ác đã cướp đi của em bao người thương yêu…
Khánh sợ nói chuyện chiến tranh mãi sẽ gợi thêm nỗi buồn nơi Ngọc, nên chàng hỏi sang chuyện khác:
- Anh nghe cô An nói em ở trong hội “ Bạn người mù” phải không ?
- Vâng. Gần những người tàn tật em thấy có nhiều bổn phận và cần phải sống hơn để giúp đỡ họ.
- Em có tinh thần xã hội cao, như vậy nghề nữ hộ sinh rất hợp với em.
- Anh thấy không, em mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng em may mắn được những người chung quanh thương yêu. Ai cũng quý mến và tốt với em. Nhiều lúc em có cảm tưởng em sinh ra để đón nhận tình thương của mọi người, vì vậy em nghĩ mình phải có bổn phận đáp lại phần nào những tình thương đó.
Khánh thấy ngồi đã lâu vội đưa thằng bé Quang cho Ngọc bế rồi nói:
- Anh phải đi bây giờ, còn nhiều việc cần làm lắm.
- Bao giờ anh mới được về?
Khánh có vẻ buồn, không muốn xa Ngọc nhưng vì công vụ chàng không thể ngồi lâu được. Giọng chàng như chùng xuống:
- Hai tháng nữa em.
- Lâu quá anh nhỉ. Nhớ viết thư cho em.
Khánh hôn lên vừng trán của Ngọc:
- Em ở lại anh đi.
- Chúc anh đi được bình an
Ngọc tần ngần đứng tựa cửa nhìn theo chiếc xe chở Khánh khuất dần sau hàng me bên đường. Thằng bé Quang dụi tay lên mắt đòi ngủ. Ngọc bế con trở vào trong nhà, lòng buồn mênh mang…
Nhìn thằng bé bắt đầu ngủ, Ngọc nghĩ tới Vinh rồi đặt chiếc hôn lên trán con, lòng nàng như thắt lại. Căn nhà từ nay trở nên vắng lạnh, buồn tênh. Nỗi cô đơn như phủ trùm lấy nàng.
Ánh sáng mờ dần đưa ngày vào đêm. Kỷ niệm tuổi học trò đã qua đi, Ngọc nghĩ đến các bạn mới ngày nào còn vui chơi trong vùng trời tuổi dại, hôm nay đã lần lượt vào đời hoặc tản mát bốn phương trời đầy khói lửa điêu linh. Bất giác Ngọc thở daì…
Ngọc nghẹn nơi cổ và nước mắt nàng tự nhiên rơi xuống mặt con khiến nó thức dậy khóc. Thằng bé khóc cái miệng lại càng giống Vinh. Nàng ôm chặt lấy con như cố giữ gìn một báu vật và thêm nguồn can đảm sống rồi âu yếm nói: “ Con ngoan ngủ đi cho chóng lớn để ra mặt trận tiếp nối chiến tranh. Cha con chết nhưng nghiệp binh đao còn nặng, thanh bình chưa trở về với quê hương nên cha con đã gửi con lại trên cõi đời này. Con phải cố gắng làm cho xong món nợ của người”…
Hoàng Nguyên Linh
(Trích trong truyện dài “DẤU THỜI GIAN”của Hòang Nguyên Linh, xuất bản tại Sài Gòn năm 1972, trang 270-280)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét