Bầu Cử Giữa Kỳ: Biden Cảnh Báo “Nền Dân Chủ Bị Tấn Công!” Số Phận Nền Dân Chủ Mỹ Phụ Thuộc Vào Lá Phiếu Cử Tri *Hiện tại, theo kết quả một thăm dò dư luận của Đại học Quinnipiac, công bố hôm 1/11. Lá phiếu bầu cho Đảng nào, tùy thuộc vào: lạm phát vẫn đang là quan tâm số một của người Mỹ, với tỉ lệ 36%. Quyền nạo phá thai, là vấn đề cấp bách hàng đầu với 10% người Mỹ. Chuyện bầu cử chỉ chiếm vị trí thứ ba, với 6%. - Ngày 3/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay, mấy ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ, Tổng thống Dân chủ Joe Biden trực tiếp vận động cử tri. “Nền Dân chủ Mỹ bị tấn công!”, “số phận của nước Mỹ” phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri, đó là thông điệp cảnh báo của Tổng thống Biden.
<!>
Tổng thống Joe Biden có bài phát biểu tối 2/11/2022, tại nhà ga Union Station, thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, cách không xa điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, nơi bị những người ủng hộ Tổng thống thất cử Donald Trump tấn công ngày 6/11/2020, vì tin rằng đã có gian lận bầu cử.
Ông Biden kêu gọi cử tri cân nhắc, để không để tái diễn biến cố Capitol mùng 6/1/2021. Tổng thống Biden nói:
“Trong thời kỳ bình thường, chúng ta sẽ không phải tự hỏi liệu lá phiếu của chúng ta có bảo tồn được nền Dân chủ hay gây nguy hiểm cho nền Dân chủ. Nhưng đây là trường hợp của năm nay. Tôi hy vọng quý vị sẽ coi số phận của nền Dân chủ của chúng ta, là một phần quan trọng trong quyết định bỏ phiếu của quý vị. Tôi hy vọng quý vị sẽ tự đặt ra cho mình một câu hỏi đơn giản về mỗi ứng cử viên: Đây có phải là người sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, bất luận thắng thua hay không? Câu trả lời mang ý nghĩa sống còn”.
Lập trường khăng khăng không công nhận kết quả bầu cử của cựu Tổng thống Donald Trump, với lý do gian lận bầu cử, đã khiến xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc!
Hãng tin Pháp AFP dẫn thông tin của đảng Dân chủ, theo đó khoảng 300 ứng cử viên đảng Cộng hòa đã dọa, sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu!
Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos, được công bố hôm 29/10, 44% người được hỏi lo ngại gian lận bầu cử. Tỷ lệ này lên đến 62% trong thành phần cử tri đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, 67% cử tri tỏ ra tin tưởng vào kết quả kiểm phiếu.
Bầu Cử Mỹ, Ứng Cử Viên Việt Đang Được Chú Ý Nhất: Đại Tá Hải Quân Gốc Việt, Hung Cao, Quyết Làm Nên Lịch Sử ‘Đổi Màu’ Một Địa Hạt Dân Chủ! Tiểu Bang Virginia!
(Hình: Đại tá Hải quân Hung Cao (giữa, áo trắng) tại một buổi vận động tranh cử cho ghế Dân biểu Hoa Kỳ địa hạt Quốc hội số 10 của tiểu bang Virginia, tháng 10, Virginia, Hoa Kỳ.)
Những ngày này, khi Hung Cao đi vào siêu thị, có người nhận ra ông và xin chụp hình với ông. Ngoài đường, tên ông xuất hiện trên những tấm bảng cắm bên vỉa hè, trên những sticker dán trên xe, và trên những lá cờ tung bay qua những con phố.
Chỉ vài tháng trước, cái tên Hung Cao vẫn còn xa lạ đối với nhiều người ở khu vực miền Bắc tiểu bang Virginia. Giờ đây, danh xưng này đang là niềm hi vọng cho nhiều cử tri dân chủ trong địa hạt Quốc hội thứ 10, của tiểu bang này, trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra chưa đầy vài ngày nữa ở Mỹ.
“Người ta đang rất hào hứng cho sự thay đổi và họ muốn một người nào đó đại diện họ”, ông Hung, một đại tá Hải quân Mỹ đã về hưu và là ứng cử viên Đảng Cộng hòa, nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) bằng tiếng Anh trong một cuộc phỏng vấn.
Nếu ông giành chiến thắng vào ngày 8 tháng 11, ông sẽ trở thành Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ phục vụ nhiệm kỳ hai năm và sẽ là người gốc Việt thứ ba trong lịch sử đắc cử vào cơ quan Lập pháp này của Mỹ.
Phe Cộng hòa được dự đoán có nhiều phần chắc sẽ giành lại Hạ viện, hiện do phe Dân chủ nắm giữ, theo nhận định của các nhà phân tích chính trị. Hàng loạt các cuộc khảo sát ý kiến cử tri khắp toàn quốc trong những tuần gần đây, cho thấy tỉ lệ ủng hộ phe Cộng hòa cao hơn phe Dân chủ trong bối cảnh người dân lo ngại về lạm phát tăng cao và bất mãn về cách điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ.
Nắm bắt được xu hướng chính trị, phe Cộng hòa đang tiến hành các chiến dịch vận động tranh cử, với những thông điệp đánh mạnh vào mối quan tâm hàng đầu của cử tri là kinh tế, trong khi thúc đẩy thành phần ứng cử viên đa dạng hơn, để mở rộng sức thu hút tới nhiều cử tri thuộc sắc dân thiểu số hơn.
Đại tá Hung Cao là một trong số những ứng cử viên như vậy. Ông là người tị nạn rời Việt Nam năm 1975 khi mới 4 tuổi. Sau một thời gian sinh sống và theo học trường Pháp ở Tây Phi, ông cùng gia đình đến định cư ở thành phố Annandale của tiểu bang Virginia vào năm 1982. Ông được nhận vào Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, tiểu bang Maryland và sau khi tốt nghiệp trở thành Người nhái Biển và là Sĩ quan Tháo gỡ Bom mìn.
Trong vai trò người nhái của Hải quân Hoa Kỳ, ông đã trục vớt xác của một vài máy bay, bao gồm tìm và vớt thi thể con trai Tổng thống Kennedy là John F. Kennedy Jr., vợ ông ta Carolyn Bessette Kennedy và chị vợ Lauren Bessette, theo website vận động tranh cử. Ông cũng được điều động đi chiến đấu ở Iraq, A Phú Hãn và Somalia, phục vụ bên cạnh Lực lượng Đặc nhiệm và các toán Biệt kích Hải quân.
Sau khi trở về từ lần điều động cuối cùng của ông tới A Phú Hãn vào đầu năm 2021, thì thủ đô Kabul thất thủ. Điều đó làm ông nhớ tới tình cảnh của Sài Gòn gần 50 năm trước, khi phe Cộng sản tiến vào nắm quyền kiểm soát.
“Các biến cố này và nhiều vấn đề làm tê liệt đất nước đã thúc đẩy tôi ra tranh cử vào Hạ Viên Hoa Kỳ tại Địa hạt Quốc hội thứ mười của Virginia”, ông nói trên website vận động tranh cử.
(Ảnh: Hung Cao là sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ từng tham gia chiến đấu ở Iraq, A Phú Hãn và Somalia.)
Đề Cao Giáo Dục
Một trong những thông điệp cốt lõi trong chiến dịch vận động tranh cử của Đại tá Hung Cao là giáo dục, một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong địa hạt của ông. Tại đây, sự bất mãn của nhiều cha mẹ về những tác động tiêu cực, từ việc đóng cửa trường học trong đại dịch COVID-19, đã thôi thúc nhiều người bỏ phiếu cho ứng cứ viên Cộng hòa, trong cuộc bầu cử Thống đốc vào năm 2021.
“Ba mẹ tôi rất coi trọng giáo dục. Mẹ tôi luôn nói, người ta có thể lấy đi tiền bạc, lấy đi địa vị, nhưng họ không bao giờ có thể lấy đi được kiến thức trong đầu của mình”, ông nói.
Ông cũng chỉ trích việc nhà chức trách giáo dục địa phương, đã đưa ra những quyết định mà ông cho là “sai lầm”, như bắt học sinh học từ xa như một biện pháp hạn chế dịch bệnh lây lan; và dạy cho các em những ý tưởng về nhận thức giới tính và chủng tộc, mà ông không cho là đúng đắn, trong khi phớt lờ ý kiến của những bậc phụ huynh phản đối nội dung chương trình học.
“Hiệp hội Giáo dục Toàn quốc (NEA) công bố một báo cáo thành tích học tập mà trong đó Virginia, thụt lùi nhiều nhất trong số 50 tiểu bang. Vùng bắc Virginia là nơi đứng đầu cả nước về giáo dục, vậy mà lại thụt lùi nhiều nhất. Điểm ACT thì thấp nhất trong 30 năm qua, đọc hiểu thì thấp hơn hồi 1990”, ông nói. “Chúng ta cần để con em vào học lại trong trường. Chúng ta cần một thế hệ có thể theo đuổi những nghề nghiệp khó như Kỹ sư và khoa học”.
Trong khi đó, đối thủ Dân chủ cạnh tranh với Đại tá Hung Cao trong địa hạt 10, Dân biểu Jennifer Wexton, nói trên website vận động tranh cử của mình rằng: “Tại Thượng viện cấp tiểu bang, tôi là người ủng hộ mạnh mẽ cho những ưu tiên giáo dục, như loại bỏ các kỳ thi chuẩn hóa không cần thiết, hiện đại hóa việc giảng dạy ở trường học, và phản đối cho các nỗ lực của phe Cộng hòa tước bỏ quyền kiểm soát trường học ở cấp địa phương”.
Đại tá Hung Cao cho biết những cuộc trò chuyện của ông với cử tri cho thấy, lo ngại về vấn đề giáo dục đặc biệt nổi cộm, trong những cộng đồng sắc dân thiểu số, bao gồm người Việt Nam, người Nam Hàn, người Hoa, và người Ấn Độ. Một số người cảm thấy bị kỳ thị khi một trường trung học nổi tiếng về chất lượng giảng dạy trong vùng, thay đổi tiêu chí tuyển sinh, khiến tỉ lệ học sinh gốc Á giảm mạnh rõ rệt, ông nói.
Tại khu vực Bắc Virginia đông dân, gần một năm sau chiến thắng bầu cử gây chấn động vào năm 2021 của Thống đốc Glenn Youngkin, nhờ lá phiếu của những phụ huynh bất mãn về giáo dục, vấn đề này vẫn tiếp tục nóng trong mùa bầu cử năm nay, khi các ứng cử viên Dân chủ chật vật chống đỡ những cuộc tấn công của phe Cộng hòa, liên quan tới một đề xuất luật của một Thượng Nghị sĩ Dân chủ cấp tiểu bang. Đề xuất này mở rộng định nghĩa xâm hại trẻ em mang tính hình sự, để bao gồm những cha mẹ không chấp thuận giới tính, hoặc bản dạng tính dục mà con cái họ tự lựa chọn.
Nếu đắc cử, Đại tá Hung Cao nói, ông định sẽ giới thiệu “luật quyền cha mẹ”, mà sẽ hạn chế một cách rõ ràng, sự can dự của chính phủ vào đời sống gia đình, theo báo Washington Examiner.
Về phần mình, bà Wexton nói bà không ủng hộ đề xuất nói trên và khẳng định cha mẹ vẫn có vai trò “quan trọng nhất”.
“Là một người mẹ và là phụ huynh duy nhất của những đứa con đang theo học, trong các trường công lập của chúng ta trong cuộc đua này, bảo đảm tất cả trẻ em đều có cơ hội nhận được một nền giáo dục đẳng cấp thế giới, luôn là ưu tiên hàng đầu đối với tôi”, bà Wexton nói với Washington Examiner trong một tuyên bố. “Tôi tin rằng cha mẹ có vai trò quan trọng nhất trong việc giúp con họ đạt được thành công trong tương lai và không ủng hộ những đề xuất có thể khiến cha mẹ phải ngồi tù vì không ủng hộ bản dạng giới tính, hoặc khuynh hướng tính dục của con họ”.
Bà nói thêm: “Tôi đang tranh đấu để giành những khoản đầu tư mạnh mẽ vào các trường học và các chương trình phát triển lực lượng lao động của chúng tôi, và tự hào rằng thông qua công tác của tôi tại Quốc hội, chúng ta đã mở cửa trở lại thành công các trường học và đang giúp học sinh trám lại lỗ hổng kiến thức trong đại dịch”.
(Ảnh: Hung Cao cùng vợ và 5 người con.)
Cuộc Đua Gay Cấn Quyết Liệt
Trong chặng đua nước rút của cuộc bầu cử giữa, cả hai ứng cử viên đang ráo riết vận động cử tri bằng các sự kiện trên thực địa, cũng như trên sóng truyền hình và mạng xã hội.
Môi trường chính trị thuận lợi cho phe Cộng hòa đang tiếp thêm động lực cho chiến dịch tranh cử của Đại tá Hung Cao, trong khi ông tiếp tục xoáy sâu vào thông điệp về giáo dục. Quảng cáo chính trị mới nhất của ông, gọi đối thủ của ông là một chính trị gia mà “sẽ bỏ tù những người cha người mẹ” trong một nỗ lực nhằm gắn bà với Dự luật gây tranh cãi.
Ông cho biết một cuộc khảo sát ý kiến được phổ biến trong nội bộ ban vận động của ông cho thấy, bà Wexton nhận được 43% tỉ lệ ủng hộ trong khi ông được 41%, cách biệt nằm trong sai số.
“Bà ta là Dân biểu đương nhiệm và 4 năm tại chức, và nếu bà ta không có được 46% người sẽ bỏ phiếu cho bà ta, thì bà ta đang gặp rắc rối”, ông nói với VOA.
Các chuyên gia dự đoán bầu cử vẫn đánh giá địa hạt Virginia 10 là có thiên hướng bầu cho ứng cử viên Dân chủ, dù gần đây đã có sự dịch chuyển theo hướng, có lợi có ứng cử viên Cộng hòa.
Trong khi đó, ban vận động tranh cử của bà Wexton tuần trước cũng tung ra quảng cáo đả kích lập trường của Đại tá Hung Cao, về vấn đề phá thai, nói rằng ông bày tỏ “phấn khích” về phán quyết của Tòa án Tối Cao Hoa Kỳ tước bỏ quyền phá thai.
Trong một cuộc tranh luận công khai vào tuần trước, bà mô tả ông là người có quan điểm cực đoan, dẫn ra những phát biểu của ông trong đợt vận động bầu cử sơ bộ, mà trong đó ông than phiền rằng, những người tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6 tháng Năm 2021, đã bị khước từ trình tự pháp lý.
Trả lời câu hỏi của VOA điều quan trọng nhất mà ông muốn mọi người biết về ông là gì, ông Hung Cao đáp:
“Tôi làm chồng đã 24 năm nay, làm cha của năm đứa con. Tôi yêu đất nước này rất nhiều, tôi đã xả thân để bảo vệ đất nước này và tôi sẽ không ngừng lại chỉ vì tôi không mặc quân phục nữa”
Mùa bầu cử: Làm sao biết lá phiếu của bạn đã được đếm hay không?
(Ảnh: Trang web của chính phủ California giúp cử tri biết lá phiếu của họ đang ở đâu.)
Đối với người dân California, việc bỏ phiếu bằng thư đã trở nên quen thuộc. Từ vài năm nay tiểu bang California đã gửi lá phiếu qua thư cho mọi cử tri đã ghi tên.
Việc bỏ phiếu bằng thư thật tiện lợi cho những người không có thời gian đến địa điểm bỏ phiếu chính thức hoặc gặp khó khăn khi tìm phương tiện di chuyển đến địa điểm bỏ phiếu. Những người khác thì thấy việc bỏ phiếu bằng thư dễ dàng hơn và giúp họ có thêm thời gian để suy nghĩ nhiều hơn về những gì họ đang bầu.
Trong khi một số tiểu bang làm cho việc bỏ phiếu bằng thư khó khăn hơn, California đã biến phiếu thư thành tiêu chuẩn.
Những người theo thuyết âm mưu thường nói, bỏ phiếu qua thư dẫn đến gian lận, nhưng các viên chức bầu cử nói rằng, phương pháp này an toàn và bảo mật. Có các công cụ để bảo đảm lá phiếu bạn bỏ vào thùng thư, hoặc hộp thu phiếu chính thức, được thu thập và đếm đúng cách.
Làm sao biết lá phiếu của bạn đã được đếm?
Tiểu bang cung cấp một đường dẫn để theo dõi lá phiếu của bạn, gọi là “Lá phiếu của tôi ở đâu?” (Where’s My Ballot?)
Qua đường dẫn này, bạn có thể ghi tên nhận thông báo bằng văn bản, email hoặc bằng giọng nói, cho biết lá phiếu của bạn đang ở đâu, đã được đếm chưa và từng bước trong suốt quá trình.
Chương trình “Lá phiếu của tôi ở đâu?” có sẵn cho mọi cử tri ở mọi quận ở California.
Bạn chỉ cần điền họ và tên, ngày sinh và zip code. Ban có thể theo dõi lá phiếu khoảng một tuần sau khi, bạn gửi nó qua đường bưu điện. Nếu bạn đã dùng thùng bỏ phiếu, thời gian đó có thể thay đổi tùy theo lịch trình lấy phiếu tại quận của bạn.
Nếu bạn gặp vấn đề với mã zip code, chẳng hạn như bạn đã chuyển đi, hoặc tạm thời ra khỏi tiểu bang, bạn nên liên lạc với Văn Phòng Ngoại Trưởng California để xác nhận nơi bạn ghi tên bỏ phiếu.
Kinh tế sa sút, khiến Cộng Hòa có lợi thế hơn, trong trận chiến giành Quốc Hội, trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
(Hình: Bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử. Tại tiểu bang Georgia, người dân được bỏ phiếu sớm trước ngày bầu cử 8 tháng 11. Hình này được chụp bên ngoài một phòng phiếu ở thành phố Atlanta thứ Hai, 17 tháng 10, 2022. Bảng hướng dẫn được viết trong năm ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Đại Hàn, và Việt Nam. Thời gian bỏ phiếu sớm ở Georgia kéo dài đến ngày 4 tháng 11.)
Cuộc thăm dò của nhật báo New York Times và trường Siena College được công bố hôm thứ Hai cho thấy, khoảng 49% cử tri nói rằng, họ sẽ ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa, trong khi 45% nói rằng họ sẽ ủng hộ một ứng cử viên Đảng Dân Chủ.
Thăm dò xảy ra chưa đầy một tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 8 tháng 11 sắp tới. Con số thực sự là bên ủng hộ Cộng Hòa 48.51 phần trăm, ủng hộ Dân Chủ 45.47 phần trăm.
Vào tháng 9, cuộc thăm dò của báo Times cho thấy Dân Chủ dẫn trước 1 điểm. Nhưng con số mới phù hợp với một số thăm dò khác cho thấy, đảng Cộng Hòa đã giành lại vị trí dẫn đầu. Dân Chủ dường như đang mất vị thế được gia tăng ủng hộ, sau quyết định Tòa Án Tối Cao lật ngược quyền phá thai.
Một cuộc thăm dò của CNN tuần trước cho thấy, đảng Cộng Hòa dẫn đảng Dân Chủ, 48% so với 43%. Tổng Thống Joe Biden và đảng Dân Chủ có vẻ đang bị thất thế, vì tình trạng lạm phát và kinh tế hiện tại. Hai vấn đề này vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Tuần trước Bộ Lao Động cho thấy lạm phát đã tăng một lần nữa vào tháng 9 và vẫn ở mức cao nhất trong 40 năm.
Theo cuộc thăm dò mới này, 26% cử tri cho rằng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu, cao nhất trong danh sách. 18% nói lạm phát là mối quan tâm hàng đầu, trong khi chỉ 5% nói phá thai là vấn đề hàng đầu.
Khoảng 24% cử tri nói đất nước đang đi đúng hướng, trong khi 64% nói rằng nó đang đi sai hướng!
Tỉ lệ ủng hộ Tổng Thống Biden tụt xuống còn 39 phần trăm, thấp hơn so với các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông đã có chỗ đứng với các cử tri.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 9 tháng 10 đến ngày 12 tháng 10, trong số 792 cử tri đã ghi danh. Sai số là cộng hoặc trừ 4 điểm phần trăm.
Trước Cuộc Bầu Cử Giữa Kỳ, Lá Phiếu Tùy Thuộc Vào “Sức Khỏe Kinh Tế” Mỹ Thế Nào?
(Hình: Người dân Mỹ đang đối diện với giá cả các mặt hàng thiết yếu gia tăng.)
Nền kinh tế Mỹ ‘về cơ bản vẫn rất mạnh’ nhưng bị các liều thuốc đắng chống lạm phát ‘làm cho uể oải’, một kinh tế gia từ Texas nói với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) trong bối cảnh kinh tế là yếu tố quan tâm hàng đầu của các cử tri tại kỳ bầu cử giữa kỳ.
Vào ngày 8/11/2022 tới, cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để quyết định đảng nào sẽ nắm giữ Quốc hội trong hai năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, trong lúc lạm phát Mỹ vẫn còn ở mức cao và nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái là ‘không thể tránh khỏi!’.
Với tình hình đó, Đảng Cộng hòa được cho là ‘đang có lợi thế rất lớn trước Đảng Dân chủ’. Họ hy vọng sẽ lấy lại cả Thượng viện và Hạ viện sau ngày 8/11, để từ đó có thể làm đảo lộn nghị trình của Tổng thống Biden.
Theo một cuộc thăm dò mới của Viện Gallup được công bố trong tháng này, 51% người Mỹ được khảo sát cho biết về kinh tế họ tin tưởng Đảng Cộng hòa hơn, so với 41% nói họ tin tưởng Đảng Dân chủ. Đó là khoảng cách lớn nhất giữa hai Đảng mà các cuộc khảo sát của Gallup cho thấy trong hơn 30 năm qua.
Tăng Trưởng Trở Lại
Với lạm phát tăng và thị trường chứng khoán có xu hướng giảm trong phần lớn thời gian của năm nay, Đảng Cộng hòa đã nói về ‘cuộc suy thoái của Joe Biden’.
Tuy nhiên, ông Biden đã phản bác rằng việc làm tăng trưởng tốt và tỷ lệ thất nghiệp thấp, đồng thời nói rằng nền kinh tế Mỹ ‘đang mạnh vô cùng!’.
Số liệu cho thấy trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ giảm 1,6%, và sau đó giảm 0,6% trong quý 2. Tuy nhiên, trong quý 3, GDP của Mỹ lại tăng trưởng 2,6%.
Nhìn rộng hơn, tăng trưởng kinh tế trong năm đầu tiên ông Biden cầm quyền, là cao hơn cả Tổng thống Obama.
Tác động của đại dịch Covid đối với tăng trưởng kinh tế trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump là đột biến, khi nền kinh tế Mỹ giảm mạnh vào năm 2020, do các biện pháp phong tỏa, nhưng sau đó nó hồi phục mạnh mẽ, khi các hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, dự báo của OECD đến năm 2023 cho thấy, tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm hơn một số nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Nhật và Pháp.
Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng, việc kinh tế Mỹ suy thoái về mặt kỹ thuật, do suy giảm hai quý liên tiếp, ‘chỉ làm tạm thời’ và là do FED (tức Cục Dự trữ Liên bang) gây ra.
“FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng mức tăng sẽ giảm qua tháng 11, có thể chỉ tăng 0,5% (so với 0.75% như mức tăng hiện nay). Suy thoái sẽ bớt đi động lực”, ông giải thích. “Lại sắp sửa vào mùa lễ hội nữa, người dân Mỹ sẽ chi tiêu mua sắm nhiều, kích thích nền kinh tế”.
Ông ví von rằng, tác động của việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế Mỹ, giống như là tác dụng phụ của việc uống thuốc trị bệnh: “Mình đang bệnh mà uống thuốc mạnh, thì sẽ có phản ứng. Cơ thể mình uể oải, nhưng là để trị bệnh. Đây là bệnh lạm phát”.
Vị Giáo sư này cho rằng, tình hình tài hình tài chánh của các công ty Mỹ, vẫn mạnh trong thời điểm hiện tại. Chỉ có thị trường địa ốc bị ảnh hưởng nhiều do tiền lãi gia tăng.
Lạm Phát Dai Dẳng
Ông Biden cũng đối mặt chỉ trích vì giá xăng tăng. Giá xăng trung bình ở Hoa Kỳ đã tăng từ khoảng 2,39 Mỹ kim/gallon khi ông nhậm chức, lên khoảng 3,76 Mỹ kim tính đến ngày 31/10. Tuy nhiên, phần lớn việc tăng giá là do cuộc chiến của Nga ở Ukraine!
Ông Biden biện hộ rằng, lạm phát là xảy ra trên khắp thế giới và rằng ở những nước khác lạm phát còn cao hơn.
Nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn với hậu quả của đại dịch và tác động của cuộc chiến ở Ukraine, do đó họ đang hứng chịu lạm phát cao và tăng trưởng chậm, nhưng lạm phát ở Mỹ cao hơn một số nền kinh tế khác nhiều.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong quý 3 là 8,2% - thấp hơn Anh hay nhiều nước Âu Châu, nhưng lại cao hơn Nhật, Pháp và Gia Nã Ðại.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Đại học Monmouth, 82% người dân Mỹ cho biết lạm phát là ‘vấn đề hết sức hoặc rất cần thiết’ mà chính phủ liên bang phải giải quyết. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy, chỉ có 3 trong số 10 người Mỹ tán thành thành tích kiểm soát lạm phát của Tổng thống Joe Biden.
Giáo sư Lộc chỉ ra rằng, thực ra lạm phát cao ở Mỹ đã có mầm mống từ dưới thời ông Donald Trump còn nắm quyền, khi ông Trump quyết liệt phản đối kế hoạch tăng lãi suất của ông Jerome Powell, Chủ tịch FED, khiến ông phải rút lại kế hoạch ‘do sợ bị ông Trump sa thải’.
Lãi suất được giữ ở mức quá thấp trong nhiều năm, nền kinh tế bùng nổ sau khi mở cửa trở lại, các gói cứu trợ đại dịch khổng lồ của cả hai chính quyền Trump và Biden là những nhân tố cộng dồn cùng một lúc thúc đẩy lạm phát gia tăng, theo lời ông Lộc.
Bên cạnh đó, cuộc thương chiến Mỹ-Trung được phát động từ thời ông Trump, khiến giá cả hàng hóa tăng cao, đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất, cộng với giá xăng dầu tăng do chiến sự ở Ukraine, đều khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng.
“Lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt (từ mức đỉnh là 9,2%) mặc dù giảm không nhiều”, ông nói. “Nó giống như cái xe đang chạy băng băng, nhưng đã bị rà thắng lại rồi”.
Với nhiều yếu tố cộng dồn như vậy, ông Lộc dự đoán trong 2-3 năm tới, nước Mỹ phải chịu mức lạm phát là 4-5%, thay vì 3,5% như mục tiêu chính quyền Biden đề ra.
Ông cho rằng việc khối OPEC mới đây, quyết định giảm sản lượng, cũng gây áp lực lớn lên lạm phát của Mỹ, nhưng việc ông Biden tung ra thêm dầu trong kho dự trữ chiến lược ‘đã làm hạ nhiệt giá xăng dầu’.
Việc Làm Tăng
Tổng thống Biden đã nhiều lần chỉ ra, tăng trưởng việc làm mạnh mẽ là thành tích lớn. Hồi tháng Chín, ông cho biết đã có thêm gần 10 triệu việc làm mới, kể từ khi ông nhậm chức.
“Đó là mức tăng trưởng việc làm nhanh nhất, tại bất kỳ thời điểm nào, của bất kỳ Tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ”, ông Biden nói.
Dữ liệu việc làm phi nông nghiệp của Mỹ (chiếm khoảng 80% lực lượng lao động) cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ - tăng thêm khoảng 10 triệu việc làm vào tháng Chín năm 2021, so với tháng vào tháng Một, khi ông Biden tiếp quản, tức là nhiều việc làm được tạo ra hơn bất kỳ nhiệm kỳ Tổng thống nào khác, kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1939.
Tuy nhiên, một phần là do ông Biden hưởng lợi từ hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, khi đất nước bước ra khỏi phong tỏa.
Ông Biden cũng ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng. Vào tháng Chín năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,5%, tương đương mức vào tháng 1/2020, dưới thời Tổng thống Trump ngay trước đại dịch.
Còn về tiền lương, nếu xét đến giá cả, thì tiền lương thực tế sau khi được điều chỉnh theo lạm phát lại giảm. Thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 3%, tính đến đến tháng Chín năm 2022.
Thâm Hụt Ngân Sách Giảm
Theo số liệu được công bố hôm 21/10, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2022 đã giảm một nửa, mức giảm lớn nhất từ trước đến giờ sau hai năm, có những gói chi tiêu khổng lồ để cứu trợ trong đại dịch.
Thêm hụt ngân sách đã giảm xuống còn 1.375 ngàn tỉ Mỹ kim, so với mức năm 2021 là 2.776 ngàn tỉ Mỹ kim. Nếu không có gói miễn nợ cho sinh viên của chính quyền Biden, thì mức giảm còn nhiều hơn.
Thâm hụt ngân sách trong 2 năm trước đó dưới thời ông Trump, đã tăng vọt khi Quốc hội bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để chống dịch.
Mức thâm hụt đạt mức kỷ lục ở mức 3.13 ngàn tỉ Mỹ kim vào năm 2020 do Luật CARES chi tiêu hơn 5 ngàn tỉ và các khoản chi tiêu khác.
Trong năm tài khóa 2021, Quốc hội Mỹ dưới thời ông Bdien, đã thông qua Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ trị giá 1,9 ngàn tỉ Mỹ kim, mà Tòa Bạch Ốc cho là giúp đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế và y tế nghiêm trọng, nhưng bị Đảng Cộng hòa cho là không cần thiết và góp phần đẩy lạm phát lên cao nhất trong hơn 40 năm.
“Thâm hụt liên bang đã tăng lên hàng năm dưới chính quyền Trump”, ông Biden nói. “Nó tăng lên trước đại dịch. Nó tăng lên trong đại dịch. Nó tăng lên mỗi năm dưới chính quyền của ông ta, chính quyền của Đảng Cộng hòa”.
Về chỉ tiêu này, ông Lộc cho rằng ‘không có tác dụng bao nhiêu’ vì so với lịch sử, mức thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn rất cao. Mức giảm ở đây, theo ông, là giảm so với lúc tiêu xài tối đa để chống dịch. Tuy nhiên, nó làm giảm bớt hiểm họa Mỹ bị vỡ nợ.
Lỗi của Biden?
“Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết người Mỹ trong năm nay”, Charles Bullock, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Georgia, nói với VOA. “Mỗi lần lái xe ra đường, họ đều thấy giá xăng đã tăng cao như thế nào. Mỗi khi họ bước vào các kệ hàng ở chợ, họ thấy giá sữa đã tăng cao như thế nào. Chúng ta đang ở trong chu kỳ lạm phát, và điều đó gây khó khăn cho mọi người vì thu nhập của họ theo không kịp”.
Ông Lộc cho rằng lạm phát cao, một phần do trách nhiệm của FED, vì đã giữ tiền lãi quá thấp một thời gian dài. Tuy nhiên, ông cho rằng việc chính quyền Biden đưa ra gói cứu trợ sau cùng trị giá 1,4 ngàn tỉ Mỹ kim là ‘không cần thiết’.
“Nó không kích thích nền kinh tế bao nhiêu, nhưng lại tăng gánh nợ cho Mỹ, vào lúc người dân Mỹ vẫn còn dư tiền xài”, ông giải thích.
So sánh kinh tế Mỹ với các nền kinh tế lớn khác, ông Lộc chỉ ra Đức đã suy thoái, Anh thì sắp đi vào suy thoái, còn Pháp không giảm bao nhiêu, do họ chủ yếu dựa vào năng lượng nguyên tử, không lệ thuộc nhiều vào dầu khí Nga.
“Nền kinh tế Âu Châu dựa vào xuất cảng sang Trung Quốc nhiều, còn Mỹ thì không. Cho nên khi kinh tế Trung Quốc chậm lại thì Âu Châu bị ảnh hưởng”, ông chỉ ra.
Về lý do lạm phát ở Âu Châu cao hơn Mỹ, hiện ở mức trên 10%, ông Lộc cho rằng đó là do Ngân hàng Âu Châu tăng lãi suất chậm hơn Mỹ và EU bị lệ thuộc nặng nề vào dầu khí Nga. “Khi giá xăng dầu tăng, thì giá cả mọi thứ đều tăng, nhất là khi đi vào mùa Đông”, ông nói.
Tổng Thống Biden Cảnh Báo Mối Đe Dọa Từ Cử Tri, Từ Chối Kết Quả Bầu Cử! Lỗi Này Từ… Ông Trump!
(Hình: Tổng thống Joe Biden nói về mối đe dọa dân chủ trước ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Nhà ga Union, gần Điện Capitol, vào ngày 2/11/2022.)
Hôm thứ Tư (2/11/2022), Tổng thống Joe Biden nói rằng lời đe dọa của một số ứng viên Đảng Cộng hòa về việc từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11, nếu họ thua cuộc, là một mối đe dọa đối với nền Dân chủ và ông đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump vì đã truyền cảm hứng cho họ.
“Chớ sai lầm, nền Dân chủ nằm trong lá phiếu dành cho tất cả chúng ta”, ông Biden nói trong một bài phát biểu chỉ vài ngày trước khi người dân Mỹ quyết định liệu đảng Dân chủ có được tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện Hoa Kỳ hay phải giao quyền lực cho đảng Cộng hòa.
Phát biểu tại Nhà ga Union ở Hoa Thịnh Ðốn, không mấy xa Điện Capitol, ông Biden đã dùng vụ tấn công bằng búa nhằm vào ông Paul Pelosi, chồng của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, tại nhà của họ ở San Francisco như là một bằng chứng cho thấy nền Dân chủ đang bị đe dọa, chưa đầy hai năm sau khi xảy ra cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1/2021.
“Kẻ tấn công vào nhà hỏi, ‘Nancy đâu? Nancy đâu?’”, đó cũng chính là những từ được đám đông sử dụng khi họ xông vào Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 6/1”, ông Biden nói.
Ông kêu gọi các cử tri “hãy suy nghĩ thật lâu và thật kỹ về thời điểm chúng ta đang ở”.
Khi tôi đứng đây hôm nay, có những ứng cử viên tranh cử ở mọi cấp độ chức vụ của Mỹ - Thống đốc, Quốc hội, tổng chưởng lý, Tổng Thư ký - những người sẽ không cam kết chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử mà họ tham gia”, ông nói.
Ông Biden nói những người từ chối kết quả bầu cử đã được truyền cảm hứng từ ông Trump, người đang cân nhắc tranh cử Tổng thống vào năm 2024 cũng như ông Biden đang cân nhắc để quyết định xem ông có muốn tranh cử một nhiệm kỳ bốn năm nữa hay không.
Ông Biden nói “nền Dân chủ Mỹ đang bị tấn công” bởi vì ông Trump không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử năm 2020 mà ông đã thua ông Biden.
“Ông ấy không chấp nhận ý muốn của mọi người, ông ấy từ chối chấp nhận rằng mình đã thua”, ông Biden nói.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Barack Obama cũng nêu lên những lo ngại về tình trạng dân chủ.
Phát biểu tại một cuộc mít-tinh của đảng Dân chủ dành cho các ứng cử viên tiểu bang ở Arizona vào cuối ngày thứ Tư, ông Obama đã nhìn lại các phong trào trong quá khứ để bảo đảm rằng phụ nữ, người Mỹ gốc Phi Châu và những người khác bị gạt ra ngoài lề xã hội có thể tham gia vào một nền Dân chủ mà ông cho rằng hiện đang gặp rủi ro.
Ông Biden, người cùng với ông Obama đang tham gia vào một cuộc vận động quyết liệt cho đảng Dân chủ trong những ngày cuối trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba tới, đang đối mặt với khả năng đảng Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát Quốc hội, và điều này sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông.
Hầu hết các dự báo giữa nhiệm kỳ đều dự đoán đảng Cộng hòa gần như chắc chắn nắm quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi Thượng viện thì chưa rõ.
Mặc dù gian lận cử tri là rất hiếm ở Mỹ, nhưng một số lượng lớn người Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về điều này. Một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos kết thúc vào thứ Hai cho thấy 49% người Mỹ nghĩ rằng gian lận cử tri là một vấn đề phổ biến, với 34% đảng viên Dân chủ và 69% đảng viên Cộng hòa giữ quan điểm đó.
Khoảng 44% cho biết họ lo ngại rằng cuộc bầu cử ở Mỹ bị gian lận, bao gồm 28% đảng viên Đảng Dân chủ và 62% đảng viên Cộng hòa.
Bất chấp những quan ngại trên, 67% số người được hỏi cho biết họ tin rằng lá phiếu của chính họ sẽ được đếm chính xác, trong đó bao gồm đa số đảng viên Dân chủ và Cộng hòa.
Giờ Phút Cuối Cùng, Tổng Thống Biden Vận Động Bỏ Phiếu ở Bờ Tây, Trước Thềm Bầu Cử Giữa Kỳ
(Hình: Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực vận động cho các ứng cử viên bên Đảng của ông trong bầu cử giữa kỳ.)
Hôm 3/11/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các cử tri trẻ ở các tiểu bang New Mexico và California đi bỏ phiếu để bảo vệ nền Dân chủ trong đợt vận động tranh cử lớn cuối cùng của ông, vài ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ vốn có thể khiến đảng Dân chủ của ông mất quyền kiểm soát Quốc hội.
Chuyến công du Bờ Tây của ông Biden bắt đầu ở Albuquerque, nơi ông nói về chương trình hủy nợ cho sinh viên trị giá hàng tỉ Mỹ kim và chỉ trích lợi nhuận kỷ lục của các hãng dầu mỏ trong lúc các ứng cử viên Dân chủ trên toàn quốc đối mặt khó khăn do giá xăng dầu cao và lạm phát.
Phát biểu tại Đại học MiraCosta ở Oceanside, California, nơi ứng viên Dân chủ Mike Levin đang chiến đấu để giữ lấy ghế vốn lâu nay vẫn do đảng Cộng hòa nắm giữ, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc đua cấp tiểu bang và cấp thấp hơn trên khắp đất nước, và nói rằng chúng có thể ‘quyết định liệu nền Dân chủ của chúng ta có được duy trì hay không’.
“Nền Dân chủ đang ở trên lá phiếu”, ông Biden nói. “Sự thật là... cuộc bầu cử này sẽ quyết định hướng đi của đất nước trong ít nhất một thập kỷ hay nhiều hơn”.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Cộng hòa có thể giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, và có lẽ cả Thượng viện.
Ông Biden đã đề cập đến quyền phá thai, an sinh xã hội, thậm chí là tương lai của Iran, trong một bài phát biểu dàn trải cũng đề cập đến chứng nói lắp của ông khi còn nhỏ, và cái chết của người vợ đầu tiên và con gái ông, và sau đó là con trai ông, Beau Biden.
Trước đó, tại New Mexico, ông Biden cho biết các chính sách xóa nợ sinh viên của ông và chương trình miễn học phí Đại học của Thống đốc New Mexico, bà Michelle Lujan Grisham, một trong những chương trình lớn nhất cả nước, được đưa ra nhằm giúp những người trẻ ở Mỹ có các kỹ năng để cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại.
“Thế hệ của các bạn sẽ không bị làm lơ, các bạn sẽ không bị quay lưng, các bạn sẽ không bị bóp nghẹt tiếng nói”, ông Biden phát biểu trước các sinh viên tại Cao đẳng Cộng đồng Trung tâm New Mexico, nơi ông cũng nói rằng không nên bỏ tù ai đó chỉ vì họ tàng trữ cần sa và hứa hẹn sẽ có nỗ lực khác để cấm vũ khí tấn công.
Các cuộc thăm dò cho thấy Lujan Grisham đang dẫn trước đối thủ Cộng hòa Mark Ronchetti, một cựu xướng ngôn viên thời tiết trên truyền hình, khoảng 6 điểm. Lujan Grisham đã đưa việc duy trì khả năng tiếp cận phá thai thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình. Ronchetti muốn cấm phá thai lớn hơn 15 tuần tuổi, và đã công kích Lujan Grisham về tội phạm và kinh tế.
Ông Biden cũng phát biểu tại địa hạt thứ hai của tiểu bang, nơi nữ dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Yvette Herrell đang trong cuộc đua sát sao với đối thủ Dân chủ Gabe Vasquez.
Lĩnh vực dầu khí của New Mexico là vấn đề then chốt trong cuộc đua và ông Biden đã lặp lại các lời công kích mới đây của ông nhằm vào các đại công ty dầu mỏ vì thu lợi nhuận kỷ lục trong khi đẩy giá xăng dầu lên cao.
“Những khoản lời quá đáng này là của trời cho nhờ chiến tranh”, ông Biden nói trước hang trăm ủng hộ viên tại một trung tâm cộng đồng ở South Valley của thành phố Albuquerque khi đám đông theo dõi màn hình lớn bên ngoài.
Ông Biden và các diễn giả khác của đảng Dân chủ không đả động gì đến giá cả tiêu dùng tăng cao mà các nhà phân tích cho rằng đang phủ bóng đen lên phá thai và các vấn đề xã hội khác trong cuộc bầu cử.
Ông Biden sẽ phát biểu ở California vào ngày 4/11 và sau đó là Illinois trước khi đến Pennsylvania vào ngày 5/11 để tham gia một cuộc tập hợp cùng với cựu Tổng thống Barack Obama. Ông dự kiến sẽ phát biểu tại một cuộc tập hợp ở Maryland vào ngày 7/11 trước khi bầu cử diễn ra vào ngày 8/11.
Ông Trump Cân Nhắc Cẩn Thận, Cho Việc Chạy Đua Một Lần Nữa, Vào Tòa Bạch Ốc Năm 2024
(Hình: Ông Trump đang nuôi tham vọng trở lại Tòa Bạch Ốc một lần nữa.)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khởi động chiến dịch chạy đua vào Tòa Bạch Ốc lần thứ ba, 3 Cố vấn của ông Trump cho biết hôm 3/11/2022, trong khi bản thân ông Trump đã úp mở về khả năng quay trở lại trong một cuộc mít-tinh ở Iowa vào tối cùng ngày.
“Và bây giờ, để làm cho đất nước chúng ta thành công, an toàn và vinh quang, tôi sẽ rất, rất, rất có thể chạy đua một lần nữa”, cựu Tổng thống nói trong cuộc tập hợp vào tối 3/11.
“Hãy sẵn sàng, đó là tất cả những gì tôi nói với quý vị, sẽ rất sớm. Hãy sẵn sàng”, ông nói thêm.
Ông Trump đã gọi cho những người thân cận giục họ đưa ra các kịch bản khả dĩ khi ông có vẻ sẽ được lợi từ việc đảng Cộng hòa được dự báo sẽ giành những chiến thắng trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, các Cố vấn của ông cho biết.
“Tôi nghĩ rằng giống như con thiêu thân lao vào ánh lửa, ông Trump sẽ háo hức ra tranh cử vào năm 2024”, một Cố vấn cấp cao nói với thông tấn xã Reuters với điều kiện giấu tên. “Tôi nghĩ ông ấy muốn chạy đua và việc thông báo trước Lễ Tạ ơn đem lại cho ông lợi thế lớn so với các đối thủ và ông ấy biết điều đó”.
Việc thông báo trong những tuần tới có thể loại bỏ các đối thủ tiềm năng trong cuộc chạy đua để được đảng đề cử, các Cố vấn ông Trump cho biết, mặc dù họ nói thêm rằng có thể cựu Tổng thống vẫn có thể trì hoãn hoặc đổi ý.
Một nguồn tin nắm kế hoạch của ông Trump cho biết ông dự định công bố chiến dịch tái tranh cử của mình ngay sau cuộc bầu cử giữa kỳ và đã nêu tên những người có thể tham gia ban vận động của ông.
Tuy nhiên, ông Trump không được ưa chuộng sau nhiệm kỳ 4 năm gây chia rẽ của ông kết thúc bằng cuộc bạo loạn ở Điện Capitol do những ủng hộ viên của ông gây ra hôm ngày 6/1/2021, và sau đó là hai năm ông tiếp tục tuyên bố sai sự thật rằng ông thất cử là do đã có gian lận.
Ông Trump hiện đối mặt với một loạt các cuộc điều tra, bao gồm một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về các tài liệu mật mà ông đã lấy từ Tòa Bạch Ốc sau khi rời nhiệm sở, các Công tố viên cho biết một số tài liệu trong đó vẫn chưa được thu hồi.
Và cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos hồi cuối tháng trước cho thấy chỉ có 41% người Mỹ có suy nghĩ tích cực về ông Trump.
Kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào ngày 24/11 cho ông Trump khoảng thời gian hai tuần sau bầu cử giữa kỳ để đưa ra thông báo nếu ông muốn.
Ông Trump đã duy trì các cuộc mít-tinh ở tốc độ ổn định kể từ khi rời nhiệm sở, và trong thời gian đó, ông thường xuyên úp mở khả năng ông sẽ tranh cử Tổng thống một lần nữa.
Ông dự kiến sẽ tiếp đón gia đình và bạn bè tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, vào tối ngày 8/11 để ăn mừng những chiến thắng nằm trong dự đoán của các ứng cử viên mà ông ủng hộ trong kỳ bầu cử giữa kỳ.
Có những thách thức trực tiếp đối với ông Trump, đó là một số nhân vật lớn của đảng Cộng hòa đang xem xét liệu có tranh tấm vé đề cử Tổng thống của đảng vào năm 2024 hay không.
Ông Trump đang để mắt chặt chẽ đến Thống đốc Florida Ron DeSantis, người được kỳ vọng sẽ thắng trong cuộc đua tái tranh cử với đối thủ là ứng viên Dân chủ Charlie Crist. Thống đốc Virginia Glenn Youngkin và cựu Phó Tổng thống của Trump, Mike Pence, cũng được coi là một trong những đối thủ tiềm năng.
Việc sớm công bố chiến dịch tái tranh cử có thể giúp mang lại lợi thế cho ông Trump ở các tiểu bang bỏ phiếu sớm như Iowa - nơi ông sẽ xuất hiện tại một cuộc tập hợp vào tuần sau - và South Carolina trong khi các đối thủ của ông vẫn đang cân nhắc ra tranh cử vào năm 2024, Cố vấn cấp cao cho biết.
Mùa Bầu Cử: Nước Mỹ Phân Cực, Chia Rẽ Trầm Trọng!
(Ngô Nhân Dụng)
(Hình: Bắt đầu từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang.)
Vì vậy, các tiểu bang ở Mỹ chia thành hai khối màu, với các chính sách trái ngược, có thể mâu thuẫn với nhau.
Bắt đầu từ cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang. Những nơi dân bỏ phiếu cho Tổng thống George W. Bush, Cộng hòa, được tô đỏ, cho Phó Tổng thống Al Gore, Dân chủ, tô màu xanh.
Từ đó, nhiều tiểu bang giữ nguyên màu xanh hay đỏ và màu sắc ngày càng đậm hơn. Hồi 1992, chỉ có 19 tiểu bang, với khoảng một phần ba dân số Mỹ, do một đảng nắm quyền cả Hành pháp (chức Thống đốc) và hai viện lâp pháp. Hiên nay, ba phần tư dân Mỹ sống tại các tiểu bang một đảng chiếm độc quyền như vậy, 23 tiểu bang Cộng hòa và 14 Dân chủ.
Tại các tiểu bang “một màu” này, các chính trị gia lo nhất là phải vượt qua cửa ải “bầu sơ bộ” khi cử tri mỗi đảng bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình ra tranh cử. Đây là một thủ tục đặc biệt ở nước Mỹ. Trong nhiều quốc gia dân chủ khác, việc chọn ứng cử viên là do giới lãnh đạo trong đảng phụ trách, họ dễ thỏa hiệp với nhau hơn. Ở Mỹ, những người “tích cực nhất” trong mỗi đảng hăng hái đi bỏ phiếu bầu sơ bộ. Và họ thường chỉ thích chọn những người có khuynh hướng giống như họ, không ưa các ứng cử viên ôn hòa. Cử tri xanh chọn ứng cử viên cực xanh, đỏ chọn người hết sức đỏ; người được chọn thường trở thành cực đoan.
Vì vậy, các tiểu bang ở Mỹ chia thành hai khối màu, với các chính sách trái ngược, có thể mâu thuẫn với nhau. Các tiểu bang theo các chính sách kinh tế khác biệt, khi đánh thuế nặng hay nhẹ, khuyến khích hay ngăn cản quyền lập công đoàn, ban hành nhiều hay ít các luật lệ kinh doanh.
Bệnh dịch Covid 19 là cơ hội tình trạng phân ly hiện ra rõ rệt. Các tiểu bang xanh, Dân chủ, thường đóng cửa các hàng quán và buộc dân chúng phải đeo mạng, cách ly, chích ngừa. Các tiểu bang đỏ, Cộng hòa, thì ngược lại. Hai đảng chọn hai ưu tiên trái ngược nhau; bên xanh coi việc ngăn ngừa bệnh dịch là quan trọng nhất, bên đỏ coi việc giữ hoạt động kinh tế bình thường mới đáng quan tâm.
Tiểu bang Mississippi màu đỏ, California màu xanh. Mississippi làm luật cấm phá thai sau 15 tuần lễ; không bắt dân phải chích ngừa Covid 19; không cho các nam lực sĩ đổi phái tính được thi đua với các phụ nữ, vân vân. Thống đốc Tate Reeves hãnh diện coi tiểu bang mình đứng đầu trong việc đề cao các giá trị cổ truyền. Luật phá thai của Mississippi lên tòa án tối cao, nhân dịp đó Tòa xóa bỏ luôn án lệ Roe v. Wade, cho các tiểu bang tự quyết định. Ngay sau đó, 12 tiểu bang làm luật cấm phá thai hoàn toàn hoặc cấm sau 6 tuần lễ. Tháng 11 này, dân chúng California sẽ bỏ phiếu ghi nhận quyền phá thai vào trong Hiến pháp tiểu bang, cùng với Vermont.
Chính sách về y tế và di dân bất hợp pháp ở California và Texas trái ngược nhau. Texas không chấp nhận cho mở rộng chương trình trợ cấp Medicaid cho người nghèo theo luật “Obama Care”, dù tiểu bang không phải tốn đồng nào. California chấp nhận trợ cấp y tế cho tất cả những người nghèo, dù là di dân không có giấy tờ.
Súng là một vấn đề khác. Mười tiểu bang xanh năm nay đã làm luật hạn chế việc mua súng và mang súng ngặt nghèo hơn; những tiểu bang đỏ nới lỏng các hạn chế cho dân mua súng dễ dàng hơn. Có 23 tiểu bang đỏ không bắt dân phải có giấy phép mới được mang súng.
Ngay từ khi 13 tiểu bang ký kết thành lập Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, năm 1776, họ đã lo bảo vệ quyền tự trị của mình. Đặc biệt, những tiểu bang nông nghiệp muốn bảo vệ quyền dùng nô lệ, không muốn bị các tiểu bang công nghiệp ở miền Bắc ngăn cản. Năm 1861, các tiểu bang miền Nam tách rời cũng vì bất đồng ý kiến trong chính sách dùng nô lệ; gây ra cuộc nội chiến.
Cuộc khủng hoảng thời 1930 đã thay đổi thế cân bằng, khi chính phủ liên bang áp dụng các chính sách cứu vãn nền kinh tế trên cả nước. Cuộc Đại Chiến thứ hai khiến vai trò của liên bang càng mạnh hơn, một chủ trương cố hữu của đảng Dân chủ. Phong trào Dân Quyền thời 1960 thiết lập những quyền tự do trên toàn quốc, giảm bớt quyền của các tiểu bang miền Nam hơn nữa. Chính phủ liên bang lấn thêm quyền, đặt ra các luật lệ về tuổi được uống rượu, về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, áp dụng trên toàn quốc. Từ thập niên 1980, đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Quốc hội sau 60 năm, Tổng thống Ronald Reagan đắc cử đã thay đổi thế cân bằng.
Tới nay, chủ trương bảo thủ lên mạnh nhất trong ngành Tư pháp, 6 trong 9 vị Thẩm phán Tối Cao do các Tổng thống đảng Cộng hòa bổ nhiệm, ba người trong thời Tổng thống Donald Trump. Vì thế, quyền phá thai, theo án lệ Roe v. Wade bị xóa, trao quyền cho nghị viện các tiểu bang quyết định; cùng các vấn đề khác như quyền dùng thuốc ngừa thai, hôn nhân đồng tính, vân vân. Các tiểu bang cũng ban hành các đạo luật khó hoặc dễ khác nhau về quyền bỏ phiếu bằng thư, bỏ phiếu sớm, kiểm soát căn cước khi đi bầu. Năm 2021, 29 tiểu bang nới rộng cho việc bỏ phiếu bằng thư dễ dàng hơn, 13 hạn chế chặt chẽ hơn. Nghị viện nhiều tiểu bang phân chia các đơn vị bỏ phiếu theo cách có lợi nhất cho một đảng, dồn hầu hết các cử tri theo đảng kia vào một số đơn vị có giới hạn. Thủ thuật “gerrymandering” được coi là hợp pháp hay không, đó là quyền của ngành Tư pháp tiểu bang.
Việc bầu chọn các Thẩm phán Tối cao Pháp viện của mỗi tiểu bang trở nên quan trọng; vì họ quyết định tất cả các vấn đề như quyền mang súng, thủ tục bầu cử, quyền phá thai, “gerrymandering” vân vân. Ở những nơi chỉ có một đảng nắm cả Hành pháp và Lập pháp thì Tối cao Pháp viện Tiểu Bang là cơ chế có thể ngăn chặn nạn lạm quyền. Tình trạng này đang giảm bớt khi ngành Tư pháp cũng do cùng một đảng nắm giữ.
Dân Mỹ ở 22 tiểu bang được quyền bỏ phiếu bầu Thẩm phán, những nơi khác họ được các Thống đốc bổ nhiệm nhưng mỗi kỳ bầu cử lại hỏi ý kiến dân muốn lưu giữ họ hay không. Dân được tự do lựa chọn Thẩm phán, nhưng không thể ngăn cản các thế lực bên ngoài vận động gây ảnh hưởng.
Cả hai đảng đang vận động để chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu bầu Thẩm phán trong tuần tới, 8 tháng 11, với nhiều triệu chứng đáng lo ngại vì tinh thần bè đảng lên rất cao và ảnh hưởng từ bên ngoài quá mạnh.
Năm nay, 3 tiểu bang sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Tối cao Pháp viện, là Ohio, North Carolina và Michigan. Tháng trước, đảng Dân chủ đã đưa nửa triệu Mỹ kim tới Ohio để quảng cáo, cổ động cho ba ứng viên Thẩm phán Tối cao của họ. Đảng Cộng hòa tuần trước cũng chi 850.000 Mỹ kim ở North Carolina để đả kích các ứng viên Tối cao Pháp viện của Dân chủ. Dân biểu Joe Fischer với chủ trương chống phá thai đang ứng cử vào Tối cao Pháp viện tiểu bang Kentucky, được đảng Cộng hòa ủng hộ 375.000 Mỹ kim; một tổ chức khác, Fair Courts America, góp 1,6 triệu Mỹ kim cho ông và hai ứng viên Thẩm phán khác. Vợ chồng nhà tỉ phú Elizabeth và Richard E. Uihlein, chủ nhân công ty rượu Schlitz đã dành số tiền 22 triệu Mỹ kim để ủng hộ các ứng viên bảo thủ vào Tối cao Pháp viện tại 7 tiểu bang.
Giáo sư Michael J. Klarman, Đại học Harvard nhận xét với nhật báo Washington Post rằng trước đây những người bỏ tiền ủng hộ các ứng viên Thẩm phán thường nhắm gây ảnh hưởng trong phạm vi kinh tế, tài chánh; bây giờ họ nhắm thẳng vào khuynh hướng chính trị đảng phái.
Bởi vì các Thẩm phán sẽ quyết định các vấn đề như nới rộng hay khép chặt quyền bỏ phiếu của người dân, nhất là quyền chấp thuận hay bác bỏ việc phân chia đơn vị bầu cử theo lối “gerrymandering”. Cuộc bỏ phiếu năm nay “sẽ quyết định chế độ dân chủ của nước Mỹ” biến thái như thế nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét