Chờ Kết Quả Tối Mai Sẽ Biết Lòng Dân! Nhưng Trong Giây Phút Hiện Tại, Biden và Cả Đảng Dân Chủ, Đang Hồi Hộp, Tim Đập Mạnh! Đứng Trước Nguy Cơ Thất Bại Lớn, Trong Bầu Cử Quốc Hội Giữa Kỳ!
- Ngày 5/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay, ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden tích cực di chuyển khắp nước Mỹ để vận động bầu cử.
<!>
Hôm 4/11, Tổng thống Mỹ bảo đảm rằng đảng Dân chủ có thể đảo ngược “thất bại”mà các cuộc thăm dò dự báo. Ông Biden đồng thời cảnh báo về viễn cảnh tối tăm nếu đảng Cộng hòa giành chiến thắng. Từ Hoa Thịnh Ðốn, thông tín viên RFI Guillaume Naudin cho biết thêm:
“Bang New Mexico, California hay ngay cả New York, Joe Biden hiện diện khắp nơi tại Hoa Kỳ, kể cả tại những tiểu bang mà ông đã giành được đa số phiếu bầu năm 2020, tức là nơi mà lẽ ra ông không cần phải đến. Nhưng tại những nơi mà trên, nguyên tắc đảng Dân chủ giành chiến thắng dễ dàng, thì nay tình hình lại không diễn ra như dự kiến. Một số nơi thường được xem như là nắm chắc phần thắng trong tay, thì nay không còn chắc chắn nữa. Điều này có thể được giải thích bởi các phát biểu của phe Cộng hòa, về kinh tế và tình hình tội phạm, dường như đã tạo ra một vài tiếng vang ở những nơi đó. Riêng đối với bầu cử Hạ viện, viễn cảnh dường như không mấy khả quan đối với phe Dân chủ.
Dĩ nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ thường không có lợi cho chủ nhân Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa thất bại và thảm bại. Đó là điều mà Biden, Harris và Obama cố gắng tránh bằng mọi giá.
Đối với bầu cử Thượng viện, thì tình hình có hơi khác một chút, vì kết quả chỉ là dựa vào một số cuộc đua sít sao, tại những nơi mà các cuộc thăm dò đưa ra dự báo trái ngược nhau.
Hai đảng đang dồn hết lực lượng trong trận đấu “sống mái!” nhất là qua việc chi tiền cho các quảng cáo trên truyền hình. Nhưng cũng không nên hành động thiếu suy nghĩ. Chẳng hạn như Joe Biden, không được lòng dân ở tiểu bang Arizona đến mức ông ta cẩn thận tránh đến đó”.
Trong khi đó, theo thông tấn xã AFP, ông Donald Trump ngày càng đưa ra những dấu hiệu rõ ràng, muốn tái tranh cử Tổng thống. Trong một bài phát biểu tối 3/11 tại tiểu bang Iowa, ông nói: “Chúng ta sẽ lấy lại Quốc hội, giành lại Thượng viện, (…), và vào năm 2024, chúng ta sẽ lấy lại Tòa Bạch Ốc tráng lệ!”.
Ba ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ, hôm nay 5/11, mọi chú ý đang dồn vào tiểu bang mang tính quyết định Pennsylvania. Phe Dân chủ và Cộng hòa nỗ lực huy động cử tri, thậm chí hai cựu Tổng thống Donald Trump và Barack Obama và ông Joe Biden cùng đến tiểu bang này tranh luận.
Bầu Cử Giữa Kỳ Mỹ Kỳ Này 2022, Cực Kỳ Sôi Nổi Ít Có: Nhiều Lý Do Để Trông Chờ Một Sự Thay Đổi Lớn! Tiên Đoán, Sẽ Có Hơn 85% Giới Trẻ! Hăng Hái Tham Gia Đi Bỏ Phiếu!
- Ngày 5/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay vào thứ Ba (8/11), cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu giữa kỳ, bầu lại Hạ viện, một phần Thượng viện, và nhiều lãnh đạo cấp địa phương.
Theo một thăm dò dư luận của National Society of High School Scholars (NSHSS), thế hệ Z (tức những người sinh sau 1996) có thể sẽ đi bỏ phiếu rất đông đảo, với hơn 85%. Phóng sự của thông tín viên Thomas Harms từ Houston:
“Chúng ta biết họ hoạt động tích cực trên các mạng xã hội, sẵn sàng biểu tình, lên án giới đại diện dân cử trên Twitter. Thế hệ Z này còn được gọi là thế hệ của các vụ xả súng hàng loạt. Các chủ đề chính khác khiến họ phản ứng, đó là bất bình đẳng chủng tộc, môi trường và nạo phá thai.
Hai người thanh niên Judico và Zephyrine cho ý kiến. Judico nói: “Tôi hy vọng quyền phá thai được khẳng định và đạo luật Roe kiện Wade trở lại” (đạo luật Roe kiện Wade, ra đời năm 1973 bảo vệ quyền nạo phá thai, vừa bị Tối Cao Pháp Viện Mỹ hủy bỏ mùa Hè vừa qua). Về phần mình, Zephyrine bày tỏ: “Đúng vậy. Tôi đã tham gia trên mạng xã hội, nhưng tôi cũng muốn tham dự các cuộc biểu tình”.
Các thành viên thuộc thế hệ Z cảm thấy tính cấp bách. Họ dấn thân hơn là thế hệ cha mẹ của họ ở cùng độ tuổi, khi các mục tiêu buộc họ phải vào cuộc. Bà Miranda nhận xét: “Hầu hết giới trẻ đã chán ngán hệ thống chính trị hiện hành”. Miranda Ashworth tiếp xúc hàng ngày với giới trẻ. Bà là Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lone Star ở Houston. Miranda cho biết tiếp: “Tôi nghĩ với các mạng xã hội, và tính cách độc lập của thế hệ Z này, họ bày tỏ quan điểm riêng của mình, họ tò mò và cố gắng xác định điều gì là quan trọng đối với họ. Đặc biệt là khi liên quan đến việc phá thai”.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, 53% cử tri trẻ đã bỏ phiếu. Vào năm 2024, thế hệ Z và thế hệ Millennials, sinh sau năm 1981, sẽ chiếm đa số. Hiện tại, họ chủ yếu bỏ phiếu cho đảng Dân chủ”.
Cựu Tổng Thống Obama Nghiêm Trọng Cảnh Báo: Về Không Khí Chính Trị “Quá Nguy Hiểm, Quá Chia Rẽ!’ Trước Ngày Bầu Cử Giữa Kỳ! Sản Phẩm Của Những Lời Lẽ Mạnh Mẽ, Với Lòng Đầy Thù Hận!
(Hình: Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) vận động trên sân khấu cho John Fetterman (phải), ứng cử viên Đảng Dân chủ tranh cử ghế Thượng viện Hoa Kỳ đại diện tiểu bang Pennsylvania, ở Pittsburgh, Pennsylvania, Mỹ, ngày 5/11/2022.)
- Cựu Tổng thống Barack Obama cảnh báo về những chia rẽ đang góp phần tạo nên “bầu không khí nguy hiểm” trong chính trường Mỹ khi ông vận động cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ vào ngày thứ Bảy (5/11/2022), ba ngày trước cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ xác định quyền kiểm soát Quốc hội.
Những tên tuổi lớn nhất trong chính giới của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - ông Obama, Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump - có mặt tại tiểu bang Pennsylvania ngày thứ Bảy với hi vọng xoay chuyển tình thế trong cuộc đua hệ trọng vào Thượng viện Mỹ giữa ứng cử viên Đảng Dân chủ John Fetterman và Bác sĩ nổi tiếng Mehmet Oz của Đảng Cộng hòa.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở trung tâm thành phố Pittsburgh, ông Obama nói cuộc tấn công có động cơ chính trị nhắm vào Paul Pelosi, chồng của Chủ tịch Hạ viện theo Đảng Dân chủ, Nancy Pelosi, là sản phẩm của những lời lẽ thù hận.
“Thói quen chà đạp các đối thủ chính trị, nói những điều điên rồ, nó tạo ra một bầu không khí nguy hiểm”, ông Obama nói, không trực tiếp nhắc tới đến những người theo Đảng Cộng hòa. “Có những chính trị gia ra sức không phải để gắn kết mọi người lại với nhau mà để kích động sự chia rẽ và khiến chúng ta tức giận và sợ hãi lẫn nhau chỉ vì lợi ích của riêng họ”.
Phe Cộng hòa cho rằng phe Dân chủ cũng tham gia vào bạo lực chính trị, dẫn ra các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc rộng khắp đã làm rung chuyển đất nước vào năm 2020. Họ chỉ trích phe Dân chủ không tập trung vào lạm phát và tội phạm, hai trong số các mối quan tâm chính của cử tri, theo hầu hết cuộc thăm dò ý kiến.
Trong một dòng tin đăng trên Twitter sáng ngày thứ Bảy, ông Oz chỉ trích ông Fetterman và ông Biden không hỗ trợ đầy đủ ngành năng lượng trong nước và cam kết sẽ chống lạm phát nếu đắc cử.
“Trong tư cách Thượng Nghị sĩ tiếp theo của quý vị, tôi sẽ tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với cử tri ở tất cả các cộng đồng, bao gồm cả hạ giá đối với mọi thứ, từ khí đốt đến hàng tạp hóa”, ông viết.
Cuộc đua vào Thượng viện ở Pennsylvania là một trong ba cuộc tranh cử hệ trọng, cùng với Georgia và Nevada, sẽ quyết định liệu phe Dân chủ có giữ được thế đa số hết sức sít sao của họ trong Thượng viện hay không, cũng như quyền chuẩn thuận những người được ông Biden đề cử vào các chức vụ từ Nội các của ông lên tới Tòa án Tối cao.
Các chuyên gia dự báo bầu cử phi đảng phái và các cuộc thăm dò cho thấy phe Cộng hòa có nhiều cơ may giành quyền kiểm soát Hạ viện, trong khi Thượng viện vẫn ở thế bất phân thắng bại. Kiểm soát dù chỉ một viện cũng sẽ cho phe Cộng hòa quyền ngăn chặn chủ trương Lập pháp của ông Biden và khởi động các cuộc điều tra có thể gây tổn hại.
Nóng Như Trên Chảo Lửa! Trước Giờ Bầu Cử Mỹ Thứ Ba, Ngày Mai: Giờ Phút cuối, Phe Dân Chủ Vẫn Còn Chật Vật Chống Đỡ, Trước Làn Sóng Tấn Công Dữ Dội Chưa Từng Thấy, Từ Phe Cộng Hòa!
(Hình: minh họa.)
Các ứng cử viên Đảng Dân chủ trên khắp nước Mỹ đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn điều có vẻ như là một đợt sóng của Đảng Cộng hòa đang hình thành mà có thể chiếm lấy hơn 20 ghế trong Hạ viện Hoa Kỳ và có thể là quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba tuần sau, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết viễn cảnh ảm đạm đang khiến một số Nghị sĩ Dân chủ chỉ trích thông điệp tranh cử của đảng họ, vốn nhấn mạnh vào mối đe dọa phe Cộng hòa đề ra đối với quyền phá thai và nền Dân chủ trong một năm mà cử tri nói rằng họ lo ngại nhất là về kinh tế và tội phạm bạo lực.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cử tri bất mãn về giá tiêu dùng cao và đổ lỗi cho đảng cầm quyền, từ Tổng thống Joe Biden trở xuống. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 cho thấy 69% người Mỹ tin rằng đất nước đang đi sai hướng, so với chỉ 18% người nói rằng đất nước đang đi đúng hướng.
Vài tháng trước, những Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm vẫn còn nằm trong vùng tương đối an toàn. Nhưng sau khi phe Cộng hòa dốc tiền vào một loạt quảng cáo truyền hình đổ lỗi phe Dân chủ về “lạm phát cao ngất ngưỡng” và “thả những kẻ phạm tội bạo lực trở lại đường phố”, cử tri bắt đầu ngả theo Đảng Cộng hòa, giúp các ứng cử viên của đảng này thu hẹp khoảng cách.
“Chúng tôi đang chứng kiến rất nhiều cuộc đua được cho là không thể thắng được trở thành có thể thắng được”, Doug Heye, cựu Giám đốc truyền thông của Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc, nêu nhận định với Reuters.
Tại các sự kiện vận động tranh cử, các Nghị sĩ Dân chủ thường nêu ra một loạt những chiến thắng Lập pháp dưới thời Tổng thống Biden: các luật về cơ sở hạ tầng và khí hậu quy mô khổng lồ, cũng như các biện pháp để giảm chi phí thuốc kê đơn và thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước. Một số người thậm chí còn chỉ trích phe cấp tiến trong nội bộ đảng mình để lấy lòng các cử tri có quan điểm độc lập.
Nhưng Rodell Mollineau, một chuyên viên tư vấn bên Dân chủ và cựu Phụ tá lãnh đạo Thượng viện, nói các cử tri phẫn nộ về giá năng lượng và thực phẩm khó lòng xem những hành động đó tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống hàng ngày của họ.
“Người ta không muốn nghe về thành tích của họ”, ông Mollineau nói với Reuters. “Họ không cảm nhận được trực tiếp lợi ích của những thành tích đó”.
Trong khi đó lạm phát leo thang, được phản ánh qua sự gia tăng vật giá gần như ở khắp mọi nơi, là lời nhắc nhở thường trực đối với những người đang chật vật mưu sinh.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện từ ngày 10 tới 16 tháng 10 cho thấy 79% cử tri đã đăng ký bầu cử nói kinh tế là vấn đề rất quan trọng khi đưa ra quyết định bỏ phiếu cho ai trong các cuộc bầu cử Quốc hội, cao nhất trong số 18 vấn đề được hỏi trong cuộc khảo sát.
Ông Võ Huy Ngân, một cử tri gốc Việt 67 tuổi ở Franklin, tiểu bang Wisconsin, cho biết lạm phát đang gây áp lực to lớn lên công việc kinh doanh của ông. Là chủ một quán phở, ông nói lượng khách bây giờ đã quay trở lại như lúc trước dịch COVID-19 nhưng giá cả nguyên liệu “lên cao khủng khiếp” trong khi nhân công thì khan hiếm, khiến thu nhập của ông gần như không có lời.
“Có thể lá phiếu của tôi sẽ dành cho sự thay đổi”, ông nói, cho biết ông đang nghiêng về phía ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào ghế Thống đốc. “Sự thay đổi có thể làm tốt cho tiểu bang mình. Tôi thấy vậy. Cái mới lúc nào cũng làm cho mình cảm thấy hứng thú hơn là cái cũ, cái cũ mà lề mề thì kẹt lắm”.
Đối với những cử tri trẻ hơn thì cuộc bầu cử lần này là cơ hội cho nhiều người lên tiếng về những vấn đề mà họ xem là căn cơ cần được giải quyết.
Alex Le, 25 tuổi, sinh viên ngành y tại Houston, tiểu bang Texas, nói vấn đề quan trọng nhất với anh là y tế và mở rộng Medicaid, một chương trình phúc lợi của chính phủ cấp liên bang và cấp tiểu bang giúp hỗ trợ chi phí y tế cho những người thu nhập thấp.
“Texas có tỉ lệ người không có bảo hiểm cao hơn hầu hết các tiểu bang, và dịch COVID-19 đã làm hiển hiện những sự chênh lệch về y tế”, anh nói”. Nhiều người, đặc biệt là những người trong cộng đồng người Việt Nam, chật vật để tiếp cận được dịch vụ y tế giá cả phải chăng. Mở rộng Medicaid nên là ưu tiên cho các nhà Lập pháp tương lai”.
Anh nói anh tin rằng các nhà Lập pháp Đảng Dân chủ có nhiều phần chắc sẽ tranh đấu vì vấn đề này.
Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, y tế là vấn đề hàng đầu và phe Dân chủ thắng thế nhờ vận động ráo riết về vấn đề này. Cuộc khảo sát của Pew cho thấy y tế đứng ở vị trí thứ tư trong số 18 vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.
Với ưu thế đang nghiêng về phe Cộng hòa, phe Dân chủ vẫn đang ráo riết vận động hi vọng hạn chế được phần nào những tổn thất của mình. Nhưng viễn cảnh xấu nhất không phải là không có nguy cơ xảy ra khi phe Cộng hòa lấn sâu vào những địa hạt vốn ủng hộ phe Dân chủ từ nhiều thập niên qua.
“Người Mỹ nhìn chung đang rất bất mãn”, chuyên viên tư vấn Mollineau nói, “và họ sẽ trừng phạt những người đang cầm trịch”.
Đã Đến Giờ Quyết Định Thay Đổi, Hay Không? “Đi Đông, Bầu Đúng, Cử Xứng!” Bầu Cho, Bầu Cho Người Nào?
(Ngô Nhân Dụng)
(Hình: Một bản hướng dẫn bầu cử bằng tiếng Việt trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.)
Hai ứng cử viên ở khu Little Sài Gòn đang giành nhau chức đại biểu nghị viện tiểu bang California đã làm giống các nhà chính trị Mỹ khác, là dẫn chứng tỏ mình được nhiều người trong chính giới địa phương ủng hộ.
Người dân miền Nam đã sống thời Việt Nam Cộng Hòa đều thuộc lòng hai bài hát, thường được đài phát thanh phát mỗi ngày. Một là bài “Xổ số Quốc gia giúp đồng bào ta, mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi!” được nghe với giọng rang rảng của Trần Văn Trạch trên radio. Hai là một bài đồng ca mấy năm lại xuất hiện một lần: “Rủ nhau đi bầu! Rủ nhau đi bầu! Tay cầm lá phiếu tự do, phân vân không biết bầu cho người nào! Bầu cho, bầu cho người nào?”
Ở nước Mỹ chính quyền không ra rả kêu dân đi bỏ phiếu như thế! Nhưng tự nhiên người dân nào cũng phải nhớ đến việc bỏ phiếu, vì, như năm nay, mỗi ngày trong hộp thư đều chất đầy hàng chục tờ quảng cáo của các ứng cử viên! Dù quý vị có thờ ơ với quyền công dân của mình đến mấy cũng không thể tránh không ngó qua hình ảnh họ, với những lời khoa thành tích của mình và đả kích các đối thủ. Riết một hồi thì ai cũng sẽ tự hỏi: “Bầu cho, bầu cho người nào?”
Nhìn những tờ quảng cáo của các ứng cử viên gửi tới nhà tôi nhận thấy một điều lạ: Tất cả đều là người gốc Việt Nam, trừ hai người gốc Đại Hàn và Đài Loan tranh chức Dân biểu liên bang! Không thấy ứng cử viên “gốc Mỹ” hay “gốc Mễ Tây Cơ” nào cổ động với mình cả! Có lẽ khu vực tôi sống không mấy người gốc Mễ Tây Cơ. Còn các ứng cử viên Mỹ hầu như họ chỉ quảng cáo trên truyền hình.
Các ứng cử viên gốc Việt chắc cũng cổ động tranh cử trên ti vi và radio, nhưng họ có vẻ dùng phương tiện ấn loát nhiều hơn các sắc dân khác. Chắc vì cái gì in trên giấy được đọc kỹ và giữ lâu hơn, không bị “nghe qua rồi bỏ!” Đặc biệt, các tờ quảng cáo tranh cử đều có hai bản, tiếng Việt và tiếng Anh, không thấy một ngôn ngữ nào khác, dù hàng xóm tôi có người Trung Hoa, người Ấn Độ.
Số truyền đơn vận động tự khoe thành tích, “nói tốt” về mình tương đối ít, còn phần lớn là nhưng lời đả kích và “bêu xấu” đối thủ. Có một ứng cử viên bị tố cáo là “thân cộng!” Tờ quảng cáo gán cho những chữ “phản trắc”, “phản bội niềm tin của cộng đồng”. Nghe phải ngạc nhiên, vì đến bây giờ, ở ngay Little Sài Gòn mà còn có người “thân cộng” trong hoạt động chính trị công khai thì lạ thật! Tòa Ðại sứ Việt Cộng hoạt động có hiệu quả tới vậy hay sao? Chắc tác giả lời cáo giác cũng cảm thấy hơi quá lố, không tiếp tục nữa. Một tờ truyền đơn khác kết tội người kia là theo chủ trương cấm phá thai, một đề tài nóng hổi trong mùa tranh cử trên cả nước Mỹ. Không ai biết trong cộng đồng cử tri gốc Việt có bao nhiêu phần trăm chống phá thai, vì chưa thấy cuộc nghiên cứu nào về chuyện này. Nhưng la lớn lên rằng một người chống phá thai thì cũng giúp người đó được nổi tiếng đối với những cử tri muốn chống phá thai. Người bị tố sẽ kiếm được nhiều phiếu ủng hộ mà không cần quảng cáo! Sau một lần, không thấy nói gì đến chuyện đó nữa.
Những tờ quảng cáo đả kích đối thủ thường nêu lên những điều xấu nhưng không thấy dẫn chứng. Một ứng cử viên bị tố cáo là khi làm việc đã biểu quyết “tăng thuế” và tăng lệ phí hơn 200 lần. Không biết có đúng không; mà làm sao mà đếm được nhiều như vậy? Tờ truyền đơn không liệt kê, cũng không cho biết có thể tìm tài liệu ở đâu để thấy bằng cớ. Nhưng không chỉ có các chính trị gia gốc Việt mới hay tố cáo khơi khơi kiểu đó. Các nhà chính trị ở Mỹ vẫn thường làm như vậy và cử tri nghe mãi đã quen rồi, không ai đòi hỏi phải trưng bày bằng chứng!
Một điểm đáng mừng là các ứng cử viên không chỉ lo đả kích nhau mà còn phô trương các thành tích và đề cao những lời hứa hẹn của mình. Một người kể công trạng đã nâng cao an ninh cho dân chúng, sửa sang đường xá trong thị xã của mình. Người kia hứa sẽ cắt giảm thuế, ngăn ngừa lạm phát, bảo vệ quyền lựa chọn (phá thai) của phụ nữ, và bảo vệ chế độ Dân chủ.
Trong cuộc tranh cử năm nay, người Mỹ thường nhấn mạnh đến sự khác biệt đảng phái, Cộng hòa và Dân chủ. Người đảng này lớn tiếng cảnh cáo cử tri rằng nếu đảng kia thắng cử thì vô cùng nguy hiểm. Họ nói đến những tai họa, như kinh tế sẽ lụn bại, cuộc sống mất an ninh, hoặc chế độ Dân chủ sẽ bị tiêu diệt, không còn nước Mỹ như xưa nữa. Điều đáng chú ý là các ứng cử viên gốc Việt Nam thuộc hai đảng chỉ đả kích lẫn nhau mà không miệt thị, hạ thấp giá trị đảng phái của đối thủ. Người Việt khiêm tốn hơn nên không muốn “vơ đũa cả nắm” chăng? Hay vì các ứng cử viên muốn thu hút lá phiếu của tất cả các cử tri, dù họ theo Cộng hòa hay Dân chủ?
Hai ứng cử viên ở khu Little Sài Gòn đang giành nhau chức đại biểu nghị viện tiểu bang California đã làm giống các nhà chính trị Mỹ khác, là dẫn chứng tỏ mình được nhiều người trong chính giới địa phương ủng hộ. Một vị Chủ tịch của nghiệp đoàn các quản giáo coi tù viết lời ca ngợi một ứng cử viên là “một người lãnh đạo hết lòng đặt quyền lợi cộng đồng lên cao nhất”. Tờ cổ động còn được một hội các chủ cao ốc cho thuê, một hội xây cất đứng tên ủng hộ. Ứng cử viên bên kia cũng dẫn chứng những lời ca ngợi của ba vị dân cử gốc Mỹ, một thị trưởng và hai nghị viên thuộc ba thành phố khác nhau trong đơn vị tranh cử. Ứng cử viên được một người khen là chỉ dùng hành động để chứng tỏ mình giữ đúng lời hứa; người khác khen là biết đặt quyền lợi cộng đồng trên mưu cầu chính trị.
Nhìn vào cuộc tranh cử giữa những người Việt Nam ở Little Sài Gòn thấy rất vui. Sau hơn 40 năm, người Việt ở Mỹ đã “hội nhâp” vào cuộc sống dân chủ, không thua cũng không hơn gì dân “bổn xứ”. Họ phô bày cả những điều hay cũng như các nết xấu trong cuộc chạy đua!
Bây giờ nói đến các cử tri gốc Việt. Có lẽ người Việt đi bỏ phiếu nhiều hơn các sắc dân khác một phần cũng vì những người tị nạn chạy thoát khỏi một chế độ độc tài thì biết quý trọng quyền tự do bỏ phiếu hơn bình thường. Cử tri gốc Việt đi bỏ phiếu hăng hái cũng nhờ được khích động qua các hoạt động tranh cử sôi nổi như kể trên đây.
Những người khó tính có thể than phiền rằng trong mùa tranh cử các ứng cử viên bêu xấu nhau nhiều quá; không ngần ngại bới móc, vu cáo lẫn nhau; làm mất hòa khí và tình đoàn kết giữa đồng bào. Hơn nữa, còn giảm giá trị của cuộc sống dân chủ. Nhưng chế độ tự do dân chủ ở đâu cũng vậy. Người ta luôn luôn nêu ra và nhấn mạnh đến những bất đồng ý kiến. Xã hội loài người rất phức tạp, mỗi nhóm người có các quyền lợi riêng, xung khắc với nhau. Bao nhiêu người nghĩ đến các giải pháp khác nhau trước các vấn đề chung; tất cả phải được tự do trình bày cho người dân lựa chọn.
Điều thiết yếu trong tinh thần dân chủ là biết kính trọng các ý kiến, lập trường khác mình. Mỗi lần tranh cử là tham dự một “cuộc chơi”, như một trận đá banh. Mọi người dự cuộc đấu hết mình, nhưng không coi đối thủ là kẻ thù; người thắng thì vui nhưng kẻ bại cũng chấp nhận, chờ trận đấu sau có dịp lật ngược kết quả. Gần 300 năm qua, người Mỹ vẫn cố gắng sống trong tinh thần đó, và họ sẽ tiếp tục sống như thế!
Bầu Cử Giữa Kỳ Tại Mỹ: Tham Gia Vào Dòng Chính, Một Ứng Cử Viên Trẻ Gốc Việt, Muốn Làm Chính Trị Dựa Trên ‘Tình Yêu Thương và Lòng Trắc Ẩn!’
(Ảnh: Viet Doan, 36 tuổi, chuyên viên tư vấn quản lý, đang tranh cử giành một ghế thành viên trong hội đồng điều hành Quận Montgomery của tiểu bang Maryland, một khu vực thuộc vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.)
Sau giờ làm việc, Viet Doan miệt mài đến gõ cửa từng nhà trong khu vực nơi anh sinh sống và trò chuyện với họ. Có những ngày anh trở về nhà lúc tối muộn. Chút thời gian còn lại của ngày anh dành cho vợ và con nhỏ, thời gian dành cho cá nhân anh giờ hầu như không có.
“Lẽ ra tôi có thể có một sở thích, thế mà tôi lại quyết định ra tranh cử”, anh nói.
Anh là một trong hàng ngàn ứng cử viên đang tham gia tranh cử từ cấp địa phương cho tới liên bang trên khắp nước Mỹ trong đợt bầu cử giữa kỳ diễn ra vào ngày 8 tháng 11 tới đây. Vị trí mà anh đang nhắm tới là một ghế thành viên trong hội đồng điều hành Quận Montgomery của tiểu bang Maryland, một khu vực thuộc vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Hoa Thịnh Ðốn.
Nếu đắc cử anh sẽ là một trong những thành viên người Mỹ gốc Á hiếm hoi, nếu như không phải là đầu tiên, góp mặt trong nhánh Lập pháp của chính quyền quận có dân số đông nhất ở tiểu bang miền Đông này của Mỹ.
Và càng hiếm hoi hơn nữa, anh là một người theo Đảng Cộng hòa giữa gần như tuyệt đại đa số những người theo Đảng Dân chủ.
“Tôi nghĩ có chỗ cho tiếng nói ôn hòa và cho những người có quan điểm trung dung ở đây trong Quận Montgomery”, anh Viet (36 tuổi) nói khi mô tả về mình trong một cuộc phỏng vấn với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) gần đây. 7’18 “Tôi cũng nghĩ là có một cách làm chính trị hay hơn, và chúng ta không cần phải theo bước của những nhân vật chóp bu của đảng ở cấp quốc gia nói những lời khó nghe khi nói về chuyện chính trị”.
Cách làm chính trị hay hơn, theo anh, phải “được định hướng bởi tình yêu thương và lòng trắc ẩn” và không chỉ bởi bằng kinh nghiệm mà họ đem tới cho chức vụ của họ mà còn bởi khả năng lắng nghe người dân và nêu bật những mối quan tâm của họ.
Anh tin mình là một ứng cử viên như vậy, và đó là điều cử tri đang mong mỏi.
“Họ chán ngán những điều cực đoan trong chính trị”, anh nói “Họ chán ngán lên mạng xã hội và bật tin tức lên buổi tối thấy các chính trị gia quát tháo lẫn nhau và mạt sát nhau. Họ muốn có sự văn minh lịch sự một chút trong chính trị. Họ muốn một người nào đó không quan tâm tới đối thủ của mình hoặc không quan tâm đến chuyện ủng hộ một đảng nào đó, mà quan tâm đến người dân và quan tâm đến những giải pháp”.
Với công việc hiện tại là chuyên viên tư vấn quản lý rủi ro, anh Viet nói anh thường xuyên lắng nghe những vấn đề của khách hàng rồi sau đó đưa ra giải pháp. Trước đó anh phục vụ trong chính phủ liên bang tại Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ trong vai trò Luật sư, và từng làm việc tại một văn phòng di trú hỗ trợ phụ nữ chạy lánh khủng bố và bạo lực tại đất nước của họ.
Tự gọi mình là “người lắng nghe chuyên nghiệp”, anh đang dành phần lớn thời gian sau giờ làm việc chính thức của mình để đi nói chuyện với cử tri khắp địa hạt bầu cử mà con số giờ đã lên tới khoảng “vài ngàn người”, bao gồm tại những sự kiện vận động tranh cử và những chuyến đi gõ cửa từng nhà, anh cho biết.
Tình trạng của nền kinh tế, được phản ánh qua giá cả leo thang do lạm phát, là mối lo ngại của nhiều cử tri mà anh đã tiếp xúc, anh nói và cho biết anh đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong vùng bị tổn hại vì đại dịch, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa hoặc dọn đi nơi khác.
“Những nền kinh tế địa phương mạnh nhất gắn liền với những doanh nghiệp địa phương mạnh nhất và mạng lưới doanh nghiệp địa phương”, anh giải thích. “Tôi muốn tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương của chúng tôi để họ phát huy thế mạnh của mình. Và điều đó có nghĩa là cấp cho họ cùng những công cụ và nguồn lực mà chúng ta cấp cho các công ty lớn”.
(Ảnh: Viet Doan cùng vợ và con.)
Đối thủ của anh Viet, ứng cử viên Natali Fani-Gonzalez thuộc Đảng Dân chủ, từng là Phó Chủ tịch của Ủy ban Công viên và Quy hoạch Quận Montgomery, đồng ý rằng cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy kinh tế trong địa hạt. Bà Fani-Gonzalez nói các doanh nghiệp cỡ nhỏ và trung bình không có những nguồn lực để nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ cấp liên bang, cấp tiểu bang và cấp địa phương trong đại dịch.
“Đối với những người có trình độ cao hoặc có nhiều hiểu biết thì việc điền đơn có vẻ đơn giản thôi, nhưng đối với nhiều doanh nghiệp đang chật vật, họ đâu có thời gian mà nghỉ một ngày để tìm hiểu cách điền đơn”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo địa phương Bethesda Magazine. “Bản thân tôi đã nói chuyện với những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn này và tôi thấy khá sốc. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy tình hình nguy cấp như thế nào”.
Trong khi anh Viet nói anh là “người lắng nghe chuyên nghiệp” thì đối thủ của anh mô tả mình là người có “thành tích vững chắc” trong việc đấu tranh về nhà ở giá phải chăng, phương tiện giao thông công cộng, an toàn cho người đi bộ và người chạy xe đạp, môi trường, và bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
“Tầm nhìn của tôi cho Quận Montgomery đơn giản như sau: trường học tốt hơn, các khu dân cư an toàn hơn, ít kẹt xe hơn, và nhà ở mà các gia đình trung lưu có thể mua được”, nữ lãnh đạo 41 tuổi của một công ty về chính sách và truyền thông chuyên về các vấn đề như quyền sinh sản, LGBTQIA+, kiểm soát súng và tiếp cận giáo dục mầm non này nói trên website của bà.
Tại một địa hạt mà phe Dân chủ chiếm ưu thế áp đảo trong nhiều năm qua, anh Viet thừa nhận sẽ là điều bất ngờ nếu anh giành chiến thắng. Nhưng anh nói mỗi lần anh có dịp trò chuyện với cử tri và lắng nghe ý kiến của họ, và họ lắng nghe những điều anh chia sẻ, anh thực sự tin rằng anh đã kết nối được với họ và thông điệp của anh được họ đón nhận.
Đó là vì anh, cũng như phần lớn cư dân ở địa hạt này, sinh trưởng trong một gia đình di dân, và anh thấu hiểu những thách thức mà di dân gặp phải trong cuộc mưu sinh ở Mỹ.
“Người Việt Nam mình, mọi thứ chúng ta có ở đất nước này là do tự tay chúng ta gầy dựng nên”, anh nói. “Niềm tự hào nằm ở chỗ đó và tôi tin chắc rằng đó là điều căn cơ trong bản tính con người, rằng chúng ta muốn tự mình thành đạt. Chúng ta không muốn nhận những thứ cho không từ chính phủ. Điều chúng ta muốn từ chính phủ là sự bình đẳng để tiếp cận những cơ hội cho phép chúng ta phát triển và thành đạt”.
Trong cuộc đua này, cơ hội đối với anh Viet là anh đã có thể giới thiệu tư cách ứng cử viên của mình cho những cử tri trong địa hạt và đem tới cho họ một thông điệp về cách làm chính trị mà anh cho là “hay hơn”. Những khó khăn về nguồn tài chánh tranh cử hạn chế hay cơ may chiến thắng không làm anh nản lòng.
Khi ngày bầu cử đang đến gần, anh ráo riết đẩy mạnh nỗ lực vận động của mình bằng cách gõ cửa nhiều nhà nhất có thể và nói chuyện với nhiều người nhất có thể.
“Tôi chỉ nghĩ dù thắng, thua, hay hòa, việc tôi đi vận động, việc người ta thấy một người Mỹ gốc Việt bắt tay nói chuyện với những nhóm người về những thách thức mà các cộng đồng đang đối mặt, đó là điều tốt”, anh lạc quan chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét