Nhắc Nhở, Chủ Nhật, Ngày Mai! Happy Thanksgiving 2022! Mừng lễ Tạ Ơn!
Hội Truyển Thông Người Việt Bắc Cali,
Lời Mời Tham Dự Chiều Ca Nhạc:
“Hát Vang Lời Ca Tri Ân!”
Kính thưa Quý Vị,
Truyền thống Biết Ơn, Nhớ Ơn, là truyền thống tốt đẹp của con người. Nhiều con vật, vừa sinh ra, đã có thể đứng dậy, di kiếm thực phẩm, tự sống! Con người thì không thế, trong những năm đầu, nếu không có người chăm sóc, không có người Mẹ cho bú mớm, chắc chắn đứa trẻ sẽ chết!
Nói theo các triết gia: “Con người là con vật của Xã Hội!” Luôn luôn cần đến nhau, dựa lưng nhau mới sống.
Người Việt dùng hai chữ “Đồng Bào” thật đúng. Tất cả chúng ta là Anh Em, cùng chung một Bào Thai!
Nên Cha Ông chúng ta đã từng khuyên: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”
Trong kỳ bầu cử vừa qua, cử tri người Việt San Jose, đã thực hiện, một cử chỉ Đoàn Kết tốt đẹp, rất tuyệt vời! Tinh thần “Diên Hồng” đã đưa được một Nghị Viên Người Việt, lấy lại khu vực 7 vào Hội đồng Thành phố. Nên buổi ca nhạc này, cũng có mặt của Tân Nghị Viên Khu Vực 7 Biên Đoàn, để ngỏ lời cảm tạ đến các cử tri, đã bỏ phiếu cho Biên Đoàn.
Trong tinh thần, Tạ Ơn Trời, Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người. Tất cả đã cho chúng ta một đời sống an khang, thịnh vượng, hạnh phúc, trên Quê hương thứ hai này
Nên, Trân trọng Kính mời Quý vị, cùng tham dự Chiều nhạc: “Hát Vang Lời Ca Tri Ân!” Lúc 3 giờ chiều Chủ nhật tuần này! ngày 20 tháng 11 năm 2022, Tại Quán Cà phê Lover, đường Airborn Rd, San Jose.
*Chương trình văn nghê, vào cửa, nước giải khát hoàn toàn miễn phí!
Kính Chúc Quý Vị và Gia Quyến một Mùa Lễ Tạ Ơn 2022, An Lành, Vui Tươi, Hạnh Phúc,
Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali Trân Trọng Kính Mời
Lời Cảm Tạ
Kính Quý Anh Chị trong Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali,
Đã ủng hộ, giúp đỡ Biên Đoàn, từ vật chất, tiền bạc, cho đến những bài vở cổ động mạnh mẽ, để Cử Tri người Mỹ gốc Việt, biết đến những hoạt động của Biên Đoàn, trong suốt thời gian tranh cử.
Sự giúp đỡ qúy báu này, là một món quà rất tinh thần khích lệ rất lớn với Biên Đoàn. Chính vì sự cổ động của Quý Anh Chị Truyền Thông, đã góp phần không nhỏ, để Biên Đoàn có đủ số phiếu chiến thắng dành lại ghế Nghị viên khu vực 7, thành phố San jose.
Nay lại có ý, đứng ra tổ chức một buổi Ca nhạc, với chủ đề “Vang Lên Khúc Nhạc Tri Ân!” trong dịp lễ Tạ Ơn (Happy Thanks giving!) để Biên Đoàn có cơ hội, gởi lời Cám Ơn đến Cộng Đồng, Đoàn Thể, Cử Tri Người Việt, đã bỏ phiếu cho Biên Đoàn. Vào Chủ Nhật (tuần này!), ngày 20 tháng 11 năm 2022, lúc 3 giờ chiều, tại Cà phê Lover (đường Airborn). Vào cửa, nước giải khát, hoàn toàn miễn phí! (Vì có Hội Truyền Thông bảo trợ!)
Biên không biết nói gì hơn, ngoài ghi nhận tấm lòng ưu ái của Qúy Anh Chị đã dành cho Biên, chỉ biết gởi lời Cảm Tạ Đến Hội Truyền Thông Người Việt Bắc Cali mà thôi.
Kính chúc Quý Anh Chị và Gia Đình, có một Mùa Lễ nhiều ơn lành từ Trời Cao, vui tươi, hạnh phúc, mọi diều thành công tốt đẹp.
Với lòng Quý Mến
Biên Đoàn
San Jose, ngày 11tháng 11 năm 2022
Quan Thuế Mỹ cảnh báo nghiêm trọng: ‘Coi chừng mua hàng hiệu giả, hầu hết từ Trung Quốc, tràn ngập khắp nơi trong mùa lễ hội cuối năm!’
(Đỗ Dzũng NV)
“Coi chừng mua hàng hiệu giả mùa lễ cuối năm!” Đó là cảnh báo của Cơ Quan Quan Thuế Hoa Kỳ (CBP) đưa ra trong cuộc họp báo tại một kho hàng của cơ quan này ở Carson, California, hôm Thứ Năm, 17 Tháng Mười Một.
(Hình: CBP hải cảng Los Angeles/Long Beach họp báo cho biết chưa đầy một năm tịch thu được hàng giả trị giá $1 tỷ).
“Những mặt hàng giả này, có xuất xứ từ những nguồn bất hợp pháp, đang được bán tràn lan qua Internet và chợ đen,” ông Donald Kusser, giám đốc hải cảng Los Angeles/Long Beach của CBP, nói với báo giới. “Chúng tôi không nói các công ty bán hàng là bất hợp pháp, vì hầu như tất cả đều có giấy phép kinh doanh, nhưng chúng tôi cảnh báo người dân, phải cẩn thận với các sản phẩm.”
Ông Kusser cho biết thêm: “Tính đến ngày 15 Tháng Chín, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, CBP ở hải cảng Los Angeles/Long Beach tịch thu được số hàng giả trị giá tới $1 tỷ, nếu bán ra thị trường với giá hàng thật mà không bị bắt.”
Kỷ lục này đánh dấu một sự gia tăng 38% so với năm 2021.
Năm ngoái, số hàng giả bị bắt có giá thị trường bán như hàng thật là $725,365,590, vẫn theo ông Kusser.
(Hình: Ông Jaime Ruiz, phát ngôn viên CBP, cầm một bình nước uống giả bị tịch thu.)
“Hầu hết những hàng giả này là quần áo, nữ trang, giỏ xách, bóp, giầy dép, đồng hồ, và đồ điện tử,” ông Kusser cho biết thêm.
Theo ông Kusser, với sự phát triển của kinh doanh qua Internet ngày nay, ngày càng có nhiều trang web bất hợp pháp bán hàng giả, thậm chí, có những trang web trá hình, nhìn giống như là một công ty đàng hoàng, nhưng thực chất bán hàng giả, rất khó nhận biết.
“Những tội phạm này ngày càng tinh vi, tạo ra nhiều chiêu thức mới để đánh lừa khách hàng, hòng kiếm lời một cách bất hợp pháp,” ông Kusser nói thêm.
Đại diện của CBP cho biết bán hàng giả đồng nghĩa với ăn cắp. Mua hàng giả là bất hợp pháp. Những ai mang hàng giả vào Mỹ có thể bị phạt hoặc bị tù.
(Hình: Một đồng hồ Rolex giả)
“Ngoài ra, mua hàng giả còn có nghĩa là ủng hộ các hoạt động bất hợp pháp, trong đó có thể có tình trạng bóc lột sức lao động và buôn người,” ông Kusser nói tiếp.
Vẫn theo ông Kusser, mua bán hàng giả gây ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng thị trường lao động Mỹ và trốn thuế. Các hoạt động này còn bao gồm đánh cắp bản quyền sản xuất của doanh nghiệp Mỹ, làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất và thiết kế, làm cho họ không thể tái đầu tư tạo thêm việc làm. Ngoài ra, hàng giả thường không được làm đúng tiêu chuẩn, không bảo đảm vệ sinh, có thể gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Kusser khuyên: “Không nên tham gia việc mua bán hàng giả, vì có thể bị bắt. Nó giống như mình chạy xe trên xa lộ 100 dặm/giờ, không bị bắt. Riết rồi thành thói quen, đến khi bị bắt thì quá trễ.”
(Hình: Một nhân viên CBP lấy một túi xách hiệu Louis Vuitton giả từ trong thùng ra.)
Đối với người tiêu dùng, CBP đề nghị chỉ nên mua hàng bằng các cách như sau:
-Mua hàng trực tiếp từ công ty có nhãn hàng uy tín, hoặc từ các nhà bán lẻ có doanh nghiệp hoạt động đàng hoàng.
-Khi mua hàng online, nhớ đọc đánh giá của khách hàng, kiểm tra số điện thoại và địa chỉ công ty có còn hoạt động không.
-Xem hướng dẫn của CBP liên quan đến việc mua hàng.
“Nên nhớ, nếu thấy giá hàng rẻ quá thì phải coi chừng,” ông Kusser cảnh báo.
(Hình: Một túi xách hiệu Burberry giả).
Ông giải thích thêm cách nhận biết hàng giả: “Phải để ý sản phẩm, nhất là nhãn hiệu. Ví dụ, phải coi mực in nhãn có lòe loẹt không. Cũng nên coi hộp hoặc bao đựng sản phẩm, có gọn gàng hoặc chuyên nghiệp không. Cũng nên coi các hàng chữ trên sản phẩm, có khi được viết sai hoặc viết thiếu chữ hoặc thiếu mẫu tự. Đối với hàng may mặc hoặc giày dép, phải xem đường chỉ may có ngay thẳng không…”
Khi được hỏi, có nhiều loại hàng giả khác nhau, thì ưu tiên nguồn hàng giả để bắt, ông Shawn Gibson, nhân viên cơ quan điều tra nội an HSI thuộc Bộ Nội An, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của người dân, có nghĩa là chúng tôi quan tâm trước hết đến các loại hàng giả như thực phẩm và những thứ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.”
“Làm thế nào nhân viên CBP có thể nhận biết được hàng giả mỗi ngày?” một phóng viên hỏi.
Ông Kusser trả lời: “Chúng tôi được các công ty sản xuất huấn luyện cách nhận biết. Ngoài ra, nhân viên cũng phải tự nghiên cứu thêm, nhất là ngày nay có nhiều loại sản phẩm mới, chúng tôi chưa quen. Thành ra, chúng tôi cũng vừa học vừa làm.”
(Hình: Một cái bóp hiệu Gucci trông như thật.)
Ông cho biết thêm, khoảng 30% hàng nhập cảng vào Mỹ đi qua hải cảng Los Angeles/Long Beach, và đa số hàng giả đều trong các lô hàng nhập cảng từ Trung Quốc.
“Qua cuộc họp báo hôm nay, chúng tôi muốn cho mọi người thấy những kẻ buôn hàng giả ngày càng tinh vi như thế nào và hàng hóa nhập cảng vào nước Mỹ phức tạp ra sao,” ông Kusser nói thêm. “Mỗi ngày, chúng tôi cố gắng bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ chống lại những cái bẫy của thành phần buôn bán hàng giả.”
Cũng có mặt tại cuộc họp báo, ông Jaime Ruiz, phát ngôn viên của CBP, kết luận: “Vụ bắt hàng giả lớn cỡ này là một cảnh tỉnh cho người tiêu dùng.”
Trong năm 2021, CBP chặn hơn 27,000 vụ nhập cảng hàng giả, có giá thị trường nếu bán theo giá hàng thật tương đương hơn $3.3 tỷ, tăng 152% so với năm 2020, theo cơ quan này cho biết.
Tin Đang Được Chú ý Nhất!
Nhớ Ngày Mai! Hàng Tỉ Người Bắt Đầu Theo Dõi Giải Thể Thao Lớn Nhất Hành Tinh! (World Cup 2022!)
Kèm Theo Tin Không Vui Cho Các “Dân Chơi” Vừa Ghiền Thể Thao, Vừa Thích Nhâm Nhi Chút Men Say: Qatar Cấm Bán Bia Trực Tiếp Tại Các Sân Vận Động, Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới!
(Hình: Các quầy bia của Budweiser tại sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar, vào ngày 18/11/2022, trước ngày World Cup khai mạc.)
Hôm thứ Sáu (18/11/2022), Qatar ra lệnh cấm bán bia tại các sân vận động Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup), một động thái được đưa ra bất ngờ chỉ hai ngày trước khi diễn ra trận khai mạc, đảo ngược thỏa thuận mà nước này ký kết nhằm giành được giải đấu túc cầu.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình căng thẳng của việc tổ chức sự kiện, vốn không chỉ là cuộc tranh tài của một môn thể thao mà còn là một đại hội thể thao thế giới kéo dài một tháng ở tiểu vương quốc Hồi giáo bảo thủ, nơi việc bán rượu rất bị hạn chế. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào nhà tài trợ bia World Cup Budweiser và đặt ra câu hỏi về mức độ kiểm soát của Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) đối với giải đấu của mình.
Khi Qatar khởi động nỗ lực đăng cai giải đấu, quốc gia này đã đồng ý với yêu cầu của FIFA về việc bán rượu trong các sân vận động, nhưng các chi tiết chỉ được công bố vào tháng 9, 11 tuần trước khi trận đấu đầu tiên bắt đầu, một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán có thể đã trở nên tồi tệ như thế nào.
Tuyên bố hôm thứ Sáu (18/11) từ FIFA cho biết bia không cồn vẫn sẽ được bán tại 8 sân vận động, trong khi rượu sâm banh, rượu vang, rượu whisky và các loại rượu khác sẽ vẫn được phục vụ tại các khu vực tiếp đãi sang trọng của các đấu trường.
Nhưng phần lớn những người mua vé không có quyền vào các khu vực đó, mặc dù họ vẫn có thể uống bia có cồn vào buổi tối trong các lễ hội của người hâm mộ FIFA, một khu vực tổ chức tiệc được chỉ định bao gồm nhiều hoạt động và cả nhạc sống. Bên ngoài các khu vực tổ chức giải đấu, Qatar đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc mua và tiêu thụ rượu, mặc dù việc bán rượu đã được cấp phép cho các quán bar khách sạn trong nhiều năm.
“Sau các cuộc thảo luận giữa các nhà chức trách nước chủ nhà và FIFA, một quyết định đã được đưa ra nhằm tập trung bán đồ uống có cồn vào Lễ hội người hâm mộ FIFA, các điểm đến của người hâm mộ khác và các địa điểm được cấp phép, loại bỏ các điểm bán bia khỏi... chu vi sân vận động”, FIFA cho biết trong một tuyên bố.
Tài khoản Twitter của hãng bia Budweiser nói: “Chà, điều này thật khó xử..”. nhưng không nói rõ chi tiết. Dòng tweet này sau đó đã bị xóa.
Ab InBev, công ty mẹ của Budweiser, thừa nhận trong một tuyên bố rằng một số kế hoạch của họ “không thể tiến triển do những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
Công ty này trả hàng chục triệu Mỹ kim tại mỗi kỳ World Cup để có độc quyền bán bia và đã vận chuyển phần lớn hàng hóa từ Anh đến Qatar với kỳ vọng bán được sản phẩm của mình cho hàng triệu người hâm mộ. Mặc dù doanh thu thực tế tại giải đấu có thể không phải là một tỷ lệ phần trăm đáng kể trong doanh thu của công ty bia khổng lồ, nhưng World Cup vẫn đại diện cho một cơ hội xây dựng thương hiệu lớn.
Quan hệ đối tác của công ty với FIFA bắt đầu từ giải đấu năm 1986 và họ đang đàm phán để gia hạn hợp đồng cho World Cup tiếp theo ở Bắc Mỹ.
Biến Chuyển Quyền Lực: Một Trong Những Người Đàn Bà Nắm Giữ Quyền Lực Nhất, Lâu Nhất Nước Mỹ, Bà Nancy Pelosi Vừa Từ Chức Lãnh Đạo Hạ Viện Hoa Kỳ!
(Hình: Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi.)
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ đầy ảnh hưởng đó, ngày 17/11/2022 tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện một ngày sau khi đảng Cộng hòa giành được đa số sít sao sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Bà Pelosi, một người theo chủ nghĩa cấp tiến, 82 tuổi, đến từ California, cho biết sẽ tiếp tục ở lại Quốc hội, đại diện cho San Francisco tại Hạ viện như đã từng làm trong 35 năm. Dân biểu Hakeem Jeffries của New York có thể tìm cách thay thế vị trí của bà Pelosi làm đảng viên hàng đầu của phe Dân chủ tại Hạ viện.
Bà Pelosi nhận được sự hoan nghênh từ các đảng viên Dân chủ khi bước vào phòng họp Hạ viện để đưa ra thông báo và trong suốt bài phát biểu của mình.
Bà gọi Hạ viện là “vùng đất thiêng liêng” và là “trái tim của nền Dân chủ Mỹ”. Bà nhớ lại lần đầu tiên đến thăm Điện Capitol khi còn nhỏ khi cha bà tuyên thệ nhậm chức Dân biểu. Bà nói Hạ viện đại diện cho “ngôi nhà của người dân” và làm “công việc của người dân”.
Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tuần trước mang lại cho họ đa số sít sao tại Hạ viện, điều này sẽ cho phép họ cản trở chương trình Lập pháp của Tổng thống Dân chủ Joe Biden. Đảng Dân chủ giữ quyền kiểm soát Thượng viện.
Bà Pelosi đã đóng một vai trò trung tâm trong việc đưa chương trình Lập pháp của Tổng thống Dân chủ Joe Biden thông qua Quốc hội, như bà đã làm trước đây cho Tổng thống Dân chủ Barack Obama. Bà đã giúp thông qua luật bảo hiểm sức khỏe năm 2010 dấu ấn của ông Obama cũng như những mở rộng lớn về cơ sở hạ tầng và chi tiêu khí hậu dưới thời ông Biden. Bà cũng chủ trì Hạ viện trong hai lần luận tội ông Trump và thường xuyên là mục tiêu chỉ trích của những người bảo thủ Hoa Kỳ.
Bà Pelosi, người đã giữ ghế Chủ tịch Hạ viện kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đặc biệt năm 1987, phải chịu áp lực trong vài năm qua từ các đảng viên Dân chủ trẻ hơn trong Hạ viện để nhường quyền lực. Bà là người phụ nữ dân cử cao cấp nhất và quyền lực nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho đến khi bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống vào tháng 1 năm 2021. Chủ tịch Hạ viện đứng thứ hai trong danh sách kế vị Tổng thống.
Bà Pelosi trong những ngày gần đây nói rằng vụ tấn công ngày 28/10 nhắm vào ông Paul chồng bà bởi một kẻ đột nhập có động cơ chính trị vào nhà của họ ở San Francisco, cũng như các yếu tố khác, sẽ ảnh hưởng đến quyết định của bà về việc có tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo hay không.
Các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo của họ vào ngày 30/11.
Hôm 16/11, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã ủng hộ ông Kevin McCarthy làm Chủ tịch Hạ viện khi Quốc hội tiếp theo tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1 sang năm.
Ông Jeffries, 52 tuổi, sẽ là biểu tượng của một thế hệ lãnh đạo mới cho đảng Dân chủ. Quyết định của bà Pelosi cũng có thể ảnh hưởng đến việc liệu lãnh đạo đa số Dân chủ sắp mãn nhiệm Steny Hoyer, 83 tuổi, và người phụ trách kỷ luật của đảng Dân chủ James Clyburn, 82 tuổi, có tìm kiếm các vị trí hàng đầu của đảng Dân chủ trong Quốc hội mới được triệu tập vào ngày 3/1/2023 hay không.
Ông Clyburn cho biết ông dự định tiếp tục lãnh đạo nhưng không biết mình sẽ đảm nhận vị trí nào.
Tổng thống Biden ngày 20/11 sẽ bước sang tuổi 80. Ban lãnh đạo già nua của đảng Dân chủ đã đặt ra câu hỏi về thế hệ tiếp theo cho dù người Mỹ ngày càng sống thọ hơn.
Bà Pelosi lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện trong một cuộc bầu cử đặc biệt và thăng tiến đều đặn, vào các vị trí lãnh đạo trước khi giành được nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện đầu tiên vào năm 2007.
Bà lần đầu tiên giữ vai trò Chủ tịch Hạ viện từ năm 2007 đến năm 2011 khi đảng Dân chủ phản đối Chiến tranh Iraq để kiểm soát Hạ viện. Bà lần nữa trở thành Chủ tịch Hạ viện vào năm 2019 khi các đảng viên Dân chủ dấy lên làn sóng phản đối ông Trump để giành quyền kiểm soát Hạ viện và được tái bầu chọn làm Chủ tịch Hạ viện vào tháng 11 năm 2021.
Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, dự kiến vào ngày 16/11, mang lại cho đảng này không chỉ khả năng kiềm chế chương trình nghị sự của ông Biden mà còn khởi động các cuộc điều tra có khả năng gây tổn hại về mặt chính trị đối với chính quyền và gia đình ông.
Ông McCarthy, cũng đến từ California, hiện đang là lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện và sẽ đối mặt với cuộc bầu chọn của toàn bộ Hạ viện vào đầu năm mới. Vẫn chưa rõ liệu ông có được đủ sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa để giành được chức Chủ tịch Hạ viện hay không.
Vụ Án Lừa Đảo Hàng Tỉ Đô La Rúng Động: Elizabeth Holmes, ‘Ngôi Sao Kỹ Nghệ Thử Máu,’ Lãnh Hơn 11 Năm Tù, Vừa Xử Tại Tòa Án Liên Bang Tại San José
– Bà Elizabeth Holmes, cựu tổng giám đốc công ty công nghệ thử máu Theranos và từng được xem là ngôi sao ở Silicon Valley, bị kết án hơn 11 năm tù hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một, theo đài NPR.
Tháng Giêng năm nay, bà Holmes bị kết bốn tội danh lừa đảo và đồng lõa lừa đảo.
(Hình: Bị cáo Elizabeth Holmes, cựu tổng giám đốc Theranos, đến dự phiên tòa liên bang kết án bà ta ở San Jose, California, hôm Thứ Sáu, 18 Tháng Mười Một.)
“Nay nhìn lại, có rất nhiều thứ mà nếu có cơ hội, tôi sẽ làm khác. Tôi hối tiếc bằng mọi tế bào trên cơ thể về những thất bại của tôi,” bà Holmes tuyên bố tại tòa liên bang ở San Jose, California, hôm Thứ Sáu, trước khi Chánh Án Edward Davila kết án bà ta 11 năm ba tháng tù.
Trước đó, luật sư bà Holmes hy vọng sẽ nhận được bản án nhẹ hơn, hoặc thậm chí quản thúc tại gia. Nay bà Holmes, 38 tuổi, đang mang thai đứa thứ nhì, dự trù phải vô tù vào Tháng Tư, 2023. Sau khi được thả, bà ta còn bị quản chế ba năm.
“Bi kịch của vụ này là bà Holmes là người thông minh,” Chánh Án Davila cho hay trước khi công bố bản án. Tuy nhiên, ông kết luận, vì lòng tham, bà ta dụ dỗ nhà đầu tư tin rằng Theranos làm được rất nhiều thứ trong khi bà ta biết không phải như vậy.
Tại phiên tòa kết án, phía công tố đề nghị bản án 15 năm tù vì cho rằng số tiền lừa đảo quá lớn ¬– gần $1 tỷ – và rằng cần phải phạt nặng để răn đe người nào âm mưu lừa đảo tương tự trong tương lai.
Theranos, kết hợp chữ “therapy” (liệu pháp) và “diagnosis” (chẩn đoán), từng tuyên bố đang hoàn thiện kỹ thuật xét nghiệm hàng trăm loại bệnh bằng cách chỉ lấy vài giọt máu từ ngón tay tại “cơ sở y tế” khắp nước Mỹ.
Bà Holmes hứa rằng mẫu máu sẽ được xét nghiệm bằng máy móc đặc biệt, đặt theo tên nhà phát minh Thomas Edison. Theo lời bà ta, kỹ thuật này tốn kém ít hơn nhiều so với kỹ thuật thử máu thông thường, vốn cần bác sĩ chỉ định, rút nhiều ống máu rồi đưa đến phòng thí nghiệm có khi mất vài ngày mới ra kết quả.
Tuy nhiên, kỹ thuật của Theranos hầu như không giống với lời hứa đó, như báo Wall Street Journal đưa tin lần đầu tiên trong loạt bài báo gây chấn động năm 2015.
Loạt bài báo đó khiến Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) mở cuộc điều tra và Ủy Ban Chứng Khoán (SEC) làm đơn kiện dân sự.
Theranos và bà Holmes đồng ý trả $500,000 dàn xếp vụ kiện của SEC và công ty này đóng cửa năm 2018.
Chủ Tịch Trung Quốc Khuyên: Các Nước Á Châu Không Nên Trở Thành Đấu Trường Thi Thố của Các Cường Quốc! (Nhất Là Phương Tây, Chơi với Tầu Cộng Là An Toàn Nhất!)
(Hình: Chủ tịch Trung Quốc dự hội nghị APEC ở Thái Lan từ ngày 17/11/2022.)
- Trong một bài phát biểu được gửi ra ở dạng văn bản hôm thứ Năm (17/11/2022), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng Á Châu-Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ nước nào và không nên trở thành đấu trường thi thố của các cường quốc, đồng thời ông cũng kêu gọi thế giới bác bỏ mọi tâm lý chiến tranh lạnh.
“Mọi nỗ lực gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ không bao giờ được người dân hoặc thời đại của chúng ta cho phép”, ông Tập nói trong bài phát biểu được soạn cho một phiên họp của giới kinh doanh bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) tại Vọng Các. Ông Tập không tham gia được phiên này do lịch họp của ông.
“Chúng ta nên đi theo đường lối cởi mở và bao trùm”, ông nói trong bài phát biểu, được ban tổ chức gửi ra. Ông cũng nói thêm rằng khu vực này không nên biến thành “đấu trường thi thố của các cường quốc”.
“Chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ nên bị tất cả các nước bác bỏ; bất kỳ nỗ lực nào nhằm chính trị hóa và vũ khí hóa các mối quan hệ kinh tế và thương mại cũng nên bị tất cả các nước bác bỏ”, vẫn lời ông Tập.
Cuộc họp APEC diễn ra sau một loạt các hội nghị thượng đỉnh trong khu vực mà cho đến nay vấn đề căng thẳng địa chính trị về cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề bao trùm.
Tại cuộc họp của Nhóm G20 ở Bali, các quốc gia đã nhất trí thông qua một tuyên bố nói rằng hầu hết các thành viên đều lên án cuộc chiến Ukraine, nhưng tuyên bố cũng ghi nhận rằng một số quốc gia có quan điểm khác về cuộc xung đột.
Ông Tập dự kiến hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào tối 17/11.
Cuộc gặp của ông diễn ra một ngày sau khi có căng thẳng ở Bali, tại đó, ông Tập chỉ trích đích danh Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau vì có cáo buộc là nội dung cuộc họp kín giữa hai ông bị lọt ra ngoài. Đây là một trong vài lần hiếm hoi nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện sự khó chịu một cách công khai. Thủ tướng Trudeau cũng có mặt ở Vọng Các.
Tầu Cộng Gài Người Khắp Nơi: Giám Đốc FBI ‘Rất Quan Ngại’ Về ‘Các Đồn Công An, Hoạt Động, Theo Dõi’ Của Trung Quốc Rất Nhiều ở Mỹ!
(Hình: Giám đốc FBI - Christopher Wray.)
Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Trung Quốc thiết lập các “đồn công an” hoạt động trái phép ở các thành phố của Hoa Kỳ để có thể theo đuổi các hoạt động gây ảnh hưởng, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), Christopher Wray, nói với các nhà Lập pháp hôm thứ Năm (17/11/2022).
Safeguard Defenders, một tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Âu Châu, vừa công bố một báo cáo vào tháng 9 cho thấy sự hiện diện của hàng chục “đồn an ninh” của cảnh sát Trung Quốc tại các thành phố lớn trên thế giới, bao gồm cả New York.
Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội đã đòi hỏi câu trả lời từ chính quyền Biden về ảnh hưởng của chúng.
Báo cáo cho biết các đồn này là một phần nỗ lực mở rộng của Bắc Kinh nhằm gây áp lực buộc một số công dân Trung Quốc hoặc người thân của họ ở ngoại quốc phải trở về Trung Quốc để đối mặt với các cáo buộc hình sự. Nó cũng liên kết họ với các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Trung Quốc, một cơ quan của Đảng Cộng sản chịu trách nhiệm truyền bá ảnh hưởng và tuyên truyền ra ngoại quốc.
“Tôi rất quan ngại về điều này. Chúng tôi biết về sự tồn tại của những đồn này”, ông Wray nói trong phiên điều trần của Ủy ban An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện Hoa Kỳ, thừa nhận nhưng từ chối tiết lộ chi tiết công việc điều tra của FBI về vấn đề này.
“Nhưng đối với tôi, thật là phẫn nộ khi nghĩ tới chuyện cảnh sát Trung Quốc cố gắng thiết lập đồn ở New York, giả sử như vậy, mà không có sự phối hợp phù hợp. Nó vi phạm chủ quyền và phá vỡ các quy trình hợp tác Tư pháp và quy chuẩn thực thi pháp luật”.
Khi được hỏi bởi Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Rick Scott rằng liệu những đồn như vậy có vi phạm luật pháp Hoa Kỳ hay không, ông Wray nói FBI đang “xem xét các quy định pháp lý”.
Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ, bao gồm Greg Murphy và Mike Waltz, đã gửi thư tới Bộ Tư pháp vào tháng 10 để hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có đang điều tra các đồn này hay không và cho rằng chúng có thể được sử dụng để đe dọa cư dân Mỹ gốc Hoa.
Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của thông tấn xã Reuters.
Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận họ có các đồn như vậy ở Hòa Lan sau một cuộc điều tra của các nhà chức trách Hòa Lan. Trung Quốc cho biết đó là các văn phòng giúp công dân Trung Quốc gia hạn giấy tờ.
Ông Wray nói Hoa Kỳ đã đưa ra một số cáo trạng liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc quấy rối, theo dõi, điều tra và tống tiền những người ở Hoa Kỳ không đồng tình với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông nói: “Đó là một vấn đề thực sự và là điều mà chúng tôi đang thảo luận với các đối tác ngoại quốc của mình, bởi vì chúng ta không phải là quốc gia duy nhất xảy ra điều này.
Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã công khai các cáo buộc hình sự đối với bảy công dân Trung Quốc bị cáo buộc thực hiện một chiến dịch theo dõi và quấy rối đối với một cư dân Hoa Kỳ và gia đình của anh này trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hồi hương một trong số họ về Trung Quốc.
Đây là vụ mới nhất của Bộ Tư pháp nhắm vào nỗ lực của Trung Quốc hòng truy tìm những người ở ngoại quốc mà Bắc Kinh gọi là nghi phạm tội phạm, còn được gọi là “Chiến dịch săn cáo”.
Mỹ Kết Án Cán Bộ Tình Báo Trung Quốc 20 Năm Tù!
(Hình: Cán bộ tình báo Trung Quốc Xu Yanjun bị kết án 20 năm tù về tội đánh cắp bí mật của các công ty hàng không và không gian Mỹ.)
Cán bộ tình báo Trung Quốc đầu tiên bị dẫn độ sang Mỹ và bị xét xử vì âm mưu ăn cắp bí mật thương mại sẽ phải ngồi tù 20 năm.
Ông Xu Yanjun, Phó Giám đốc một khu vực trong Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, bị bắt vào tháng 4 năm 2018 trong chuyến sang Bỉ để gặp một nhân viên của một công ty hàng không Hoa Kỳ, người đã làm việc với Cục Điều tra Liên bang.
Ông Xu bị kết tội vào tháng 11 năm 2021 với hai tội danh cố ý làm gián điệp kinh tế, hai tội danh cố ý ăn cắp bí mật thương mại và một tội danh âm mưu thực hiện hành vi trộm cắp bí mật thương mại.
Các công tố viên mô tả ông Xu là một cán bộ tình báo có số má của chính phủ Trung Quốc và cho biết ông ta là một phần của nỗ lực nhiều năm nhằm đánh cắp kỹ thuật hàng không từ các công ty Mỹ.
Theo các tài liệu của tòa án, ông Xu đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau để liên hệ với các nhân viên gốc Hoa tại một số công ty và lừa họ chia sẻ “thông tin rất nhạy cảm”.
Vào năm 2017, ông Xu đã liên hệ với một nhân viên của GE Aviation, mời ông ta đến Trung Quốc trước khi sắp xếp cuộc gặp với ông ta ở Bỉ để ăn cắp kỹ thuật đằng sau chiếc quạt động cơ máy bay composite độc quyền của GE.
Ông Xu không nhận tội và sau khi bị bắt, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc của Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng nói với các phóng viên sau vụ bắt giữ: “Cáo buộc của Hoa Kỳ là điều mơ hồ”.
Được báo giới yêu cầu bình luận hôm 16/11, Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Hoa Thịnh Ðốn nói họ “không biết các chi tiết cụ thể của việc này”.
Các viên chức Hoa Kỳ ca ngợi bản án, mặc dù nó ít hơn 5 năm so với yêu cầu của các công tố viên.
“Bản án lịch sử đối với một viên chức chính phủ Trung Quốc vì phạm tội gián điệp chống lại Hoa Kỳ là một thành tích quan trọng và cũng là lời cảnh báo cho các chính phủ ngoại quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho loại hoạt động bất hợp pháp này”, Đặc vụ FBI J. William Rivers cho biết trong một tuyên bố được đưa lên Twitter.
“Đối với những người còn ngờ vực mục tiêu thực sự của Trung Quốc, đây nên là một hồi chuông cảnh tỉnh”, Phụ tá Giám đốc FBI Alan Kohler nói trong một tuyên bố riêng. “Họ đang ăn cắp kỹ thuật của Mỹ để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và quân sự của họ”.
Cũng trong ngày 16/11, Hoa Kỳ tiết lộ rằng họ đã thắng một bản án chống lại một trong những đặc vụ của ông Xu ở Hoa Kỳ.
Ông Ji Chaoqun, 31 tuổi, quốc tịch Trung Quốc và từng là cư dân Chicago, bị kết án vào tháng 9 vừa qua với cáo buộc âm mưu hoạt động như một đặc vụ của chính phủ Trung Quốc mà không thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền và khai gian với Quân đội Hoa Kỳ.
Các công tố viên Hoa Kỳ nói rằng ông Ji đã gặp ông Xu nhiều lần ở Trung Quốc và làm việc theo chỉ đạo của ông Xu để thu thập thông tin về các Kỹ sư và khoa học gia ở Mỹ để có thể tuyển dụng, kể cả một số làm việc theo hợp đồng cho quân đội Hoa Kỳ.
Ông Ji, gia nhập Quân đội Hoa Kỳ theo một chương trình tuyển dụng những người không phải là công dân Mỹ có kỹ năng ngôn ngữ quan trọng, phải đối mặt với án tù 15 năm.
Nhục Không Thể Tả! Mất Nước Tới Nơi Mà Không Biết Nhục: Bày Tỏ Lòng Trung Thành Tuyệt Đối Với Thiên Triều, Phạm Thái Thú Người Việt, Tặng Tranh Cho Thủ Tướng Đức, Thay Lời Muốn Nói, Bằng …..Chữ Tầu!
(Bình luận của Gió Bấc)
(Hình: Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay tại Hà Nội hôm 13/11/2022.)
Thủ tướng Việt Nam tặng thư pháp chữ Tàu cho Thủ tướng Nhật, dư luận đã một lần dị nghị. Người Nhật cũng dùng chữ tượng hình nên còn thông cảm được nhưng với ông người Đức theo ngữ hệ Ấn-Âu thì thư pháp chữ Tàu kèm phụ đề Việt Ngữ là cả một đống hổ lốn rất phản cảm. Thủ tướng anh minh sòng phẳng, mẹ nó sợ gì hoàn toàn không khinh suất và rất đỉnh cao trí tuệ mượn tranh thay lời muốn nói với…ai đó.
Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần này Cam Bốt thắng lớn với sự tham dự của nhiều nguyên thủ các nước lớn trong đó có cả Tổng thống Mỹ Joe Biden. Việt Nam nóng mặt gởi lời mời chính thức của bác Cả (Nguyễn Phú Trọng) nhưng đúng với danh hiệu Bảy Đờn (Joe Biden), ông này lửng lơ ca bài “sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp với cả hai bên” có lẽ để đáp lễ lập trường cây tre ngọn Mỹ gốc Tàu của Việt Nam. Vớt vát phần nào, Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức - ông Scholz. Báo chí Việt Nam được dịp nổ tung trời những thông tin về chuyến đi với những ý nghĩa đặc biệt. “Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Đức sau 11 năm, kể từ chuyến công du của bà Angela Merkel hồi tháng 10/2011. Chuyến thăm cũng đánh dấu lần đầu tiên ông Scholz đến Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức kể từ khi nhậm chức tháng 12/2021”(1)
Rất tiếc là báo quên nêu ý nghĩa rất quan trọng, rất thời sự là chuyến đi đã hâm nóng lại quan hệ bị đóng băng hơn hai năm qua sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Việt Có Thư Pháp, Sao Phải Viết Chữ Tàu?
Khổ thay, trong những thông tin, hình ảnh tiếp đón trọng thể nồng nàn đó người ta hết hồn, điếng người vì sự kiện “Một thầy đồ tại đền Ngọc Sơn tặng bức thư pháp với dòng chữ: “Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển” cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz”. (1)
Chuyện ranh ma tiểu xảo cài cắm các đồng chí đóng vai thầy đồ như chuyện dân gian Cống Quỳnh giả làm lái đò vạch quần đái để trả lời “Vũ qua bắc hải”, dạy cho sứ Tàu bài học đã hớ hênh đánh rắm mà còn bày đặt nói chữ “Sấm động nam bang” thì ai cũng biết thừa không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng người xem hết hồn vì hình ảnh bức thư pháp lem luốc, chữ Tàu chữ Việt rối nùi đọc không ra. Nước Đức là xứ sở của thơ ca, triết học, chơi chữ nghĩa với họ mà múa gậy rừng hoang thì dễ bị lòi hèm. Xem trên VnExpress có phóng sự ảnh tựa đề “Thủ tướng Đức dạo phố Hà Nội, thăm đền Ngọc Sơn”. (2) Trong đó có hình ông Chính hớn hở trao thư pháp với chú thích (xem ảnh chụp lại từ trang VnExpress)
(Hình: Thủ tướng Phạm Minh Chính trao tặng thư pháp, thay vì Tiếng Việt, Mà là Chữ Tầu cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 13/11/2022 tại Hà Nội.)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển bức thư pháp ông đồ tặng cho Thủ tướng Scholz với dòng chữ “Hòa bình hữu nghị cùng phát triển - Đền Ngọc Sơn Hà Nội Việt Nam”. (2) Người ta càng hoảng và càng thắc mắc tại sao món quà quan trọng mang thông điệp đường lối của quốc gia lại có quá nhiều sai sót.
Về nghi tiết ngoại giao, nội dung thư pháp đã quá phận với vai vế ông Đồ thành ra xách mé với người được tặng. “Hòa bình hữu nghị cùng phát triển” là một thông điệp, đối sách chính trị của quốc gia chứ không phải diễn ngôn của một công dân nước chủ nhà với khách là Thủ tướng quốc gia mạnh nhất Liên Hiệp Âu Châu (EU). Cái cách Thủ tướng Phạm Minh Chính trung chuyển món quà vừa kém tự nhiên vừa tăng thêm cái ẩn ý trịch thượng của nội dung.
Đống Rác Chữ, Chỉ Đọc Được Tiếng Tàu!
Về hình thức thì có quá nhiều điều tác tệ. Người Việt có tiếng Việt dùng mẫu tự La Tin gần gũi với tiếng Đức, cớ sao phải dùng chữ Tàu xa lạ? Chữ Tàu có thư pháp chữ Tàu với lục thư: chân, khải, hành, triện, lệ, thảo thì chữ Việt cũng có thư pháp Việt đẹp và phong phú đâu thua kém. Xin mời tham khảo ở đây (3).
Nghệ thuật thư pháp là thư họa, chữ là tranh. Cái đẹp của thư pháp không chỉ nằm trong thần thái của từng nét chữ mà còn ở bố cục. Thư pháp quy định nghiêm khắc từng tiểu tiết chữ ký, con dấu của người viết phải nằm ở đâu, trường hợp chữ thư pháp của người viết và chữ là của người khác thì vị trí chữ ký con dấu khác nhau. Ngay chính các chi tiết này cũng là họa tiết của bức thư pháp. Người viết phải trình bày đúng niêm luật và phải đẹp. (4)
Qua những kiến thức phổ thông đó, nếu gọi cái đống chữ lổn ngổn mà ông Thủ tướng Đức bị tặng là Thư Pháp thì đúng là sự cưỡng dâm Thư Pháp.
Vế nét chữ, người xưa nói cái đẹp của chữ là rồng bay, phụng múa, nó thanh thoát, uốn lượn, biến hóa. Các đại tự chữ Tàu ở đây viết theo kiểu Chân, tròn trịa, gò bó dành cho người già dễ đọc chứ chưa có gì thần thái. Phần chữ Việt thì đúng là gà bươi, chó ị, chữ viết nguệch ngoạc như của trẻ mới vô lớp 1.
Đó là do cố ý trình bày thông điệp chính bằng chữ Tàu rồi lại thêm tối kiến phụ đề Việt Ngữ “Hòa bình hữu nghị cùng phát triển”. Tham lam hơn, giống như nhà sản xuất phải ghi xuất xứ hàng hóa cố nhét thêm dòng “Đền Ngọc Sơn- Hà Nội- Việt Nam” chật hẹp đến nỗi có những nét phải lấn ra ngoài lề. Tham lam hơn nữa, bên bìa trái, còn note (ghi thêm) một giòng “Năm 2022…” mà ký tự M lấn cả vào dòng chữ chính.
Với ông đồ thật sự có nghề thì đống rác chữ này phải xé bỏ ngay lập tức vì nếu lộ ra ngoài ông sẽ không dám nhìn mặt ai.
Nhưng không cần am tường về thư pháp, một người biết đọc, với trình độ thẩm mỹ bình thường, hẳn cũng thấy bối rối khi được Thủ tướng anh minh vênh mặt trung chuyển cho Thủ tướng Scholz.
Nếu là người có chút lòng với danh dự, uy tín quốc gia, người ta sẽ tự hỏi, chẳng lẽ ông Chính không “nghĩ mình phương diện quốc gia, quan trên trông xuống người ta trông vào”? Với tầm vóc của vị tướng an ninh, thâm niên lăn lộn làm tình báo đối ngoại ở Đông Âu, Thủ tướng nhà ta biết hết, chủ ý hết chứ không hề khinh suất.
Nếu chỉ đọc những lời vàng ngọc ghi nhận nội dung cuộc gặp hai bên, sẽ không bao giờ hiểu được trí tuệ cao siêu, thâm thúy của Thủ tướng anh minh trong vụ tặng thư pháp chữ Tàu này.
Thủ Tướng Đức Chạm Vài Điều Tối Kỵ
Theo bản tin của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), chuyến đi thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đơn thuần bàn chuyện hợp tác kinh tế giữa hai nước, chuyển dịch các doanh nghiệp Đức từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đài truyền hình Tagesschau và báo Tagesspiegel của Đức đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng đối với cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine. Trong cuộc gặp giữa ông Scholz với Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam ở thủ đô Hà Nội, bên cạnh lời kêu gọi kể trên, ông Scholz nói thêm: “Cuộc chiến xâm lược của Nga là sự vi phạm luật pháp quốc tế với hệ lụy tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ hơn không còn an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn”.
Ngoài ra, Thủ tướng của Đức đã liên hệ đến Trung Quốc và vấn đề tranh chấp Biển Đông cùng với lời phát biểu rằng: “Ngay cả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phải áp dụng sức mạnh của luật pháp, chứ không phải là luật của kẻ mạnh nhất”.
Trung Quốc lâu nay tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, trong khi Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Mã Lai Á, và Brunei cũng đòi chủ quyền về nhiều phần ở biển này.
Phía Việt Nam dường như im tiếng về lời kêu gọi của Thủ tướng Đức. Hai cơ quan báo chí Đức không có tường thuật gì về việc Thủ tướng Việt Nam có đáp lại hay không, trong khi báo chí Việt Nam không đề cập đến lời kêu gọi của Thủ tướng Scholz trong các bài báo nói rằng Thủ tướng Đức “kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam”.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu thêm, nhưng chưa nhận được hồi đáp.(5)
Chỉ Mong Tập Hoàng Đế Hiểu Được Lòng Trung!
Như vậy đã rõ. Ông Chính bất cần thư pháp hay rác chữ, bất cần thể diện quốc gia. “Sòng phẳng! Mẹ nó sợ gì …” thằng cha Thủ tướng Đức thài lai xúi bậy. Điều quan trọng là bày tỏ lòng trung thành với thiên triều.
Nội dung thông điệp “Hòa bình hữu nghị cùng phát triển” bằng chữ Tàu không chỉ là cách Thủ tướng Phạm Minh Chính gián tiếp trả lời những khuyến cáo của Thủ tướng Scholz mà còn là báo cáo trực quan bằng hình ảnh của Thái Thú Phạm Minh Chính với Hoàng đế Tập Cận Bình. Lời hứa hẹn trong các cuộc mật đàm, báo cáo của tình báo Hoa Nam chẳng mấy giá trị so với hình ảnh báo chí truyền khắp năm châu bốn biển.
Lập trường của Phạm Minh Chính là nhất quán “Việt Nam chọn lẽ phải, chọn công lý chứ không chọn bên”. Đúng vậy! Nhưng công lý, lẽ phải của Việt Nam được viết bằng tiếng Tàu. Là phiếu của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc là bản sao y lá phiếu của Tàu Cộng.
Ông Bảy Đờn ơi! liệu mà nhớ nghe, nếu ông mủi lòng đến thăm Việt Nam, sẽ còn hàng chục tấm thư pháp tiếng Tàu sẵn sàng chờ đợi để tặng ông.
Đó Đây Khắp Nơi, Tin Quốc Tế:
COP 27: Đàm Phán Có Thể Kéo Dài Do Tồn Đọng Nhiều Bất Đồng
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trên nguyên tắc Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP27 phải kết thúc vào hôm 18/11/2022. Tuy nhiên, do vẫn còn những bất đồng về việc tài trợ cho các nước nghèo phải gánh chịu các thiệt hại, hội nghị có nguy cơ kéo dài hơn dự kiến, bất chấp lời kêu gọi từ lãnh đạo Liên Hiệp Quốc về tìm kiếm một thỏa thuận “đầy tham vọng”.
Theo thông tấn xã AFP, năm 2022 minh họa rõ nét tình trạng gia tăng các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra như ngập lụt, khô hạn ảnh hưởng đến mùa màng hay gây cháy rừng…. Mục tiêu của Hội nghị COP27, tổ chức tại Charm el-Cheikh (Ai Cập) là nâng cao các cam kết từ khoảng 200 nước tham dự để hạn chế vấn nạn này.
Trước các thảm họa, các quốc gia nghèo, bị tác động nặng nề nhưng không phải là những nước chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ra hiện tượng hâm nóng, đòi hỏi có một thỏa thuận về nguyên tắc về việc thành lập một quỹ tài chánh hỗ trợ cho những “thất thoát và thiệt hại” ngay từ COP27 này.
Tuy nhiên, các nước phát triển, tỏ ra rất do dự, cuối cùng đã chấp nhận rằng những thiệt hại về khí hậu được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của COP27, nhưng đề nghị có thêm thời gian để thảo luận trước khi ra quyết định.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) chiều tối 17/11, cuối cùng đã mở màn, đề nghị “thành lập một quỹ ứng phó với những tổn thất và thiệt hại”, nhưng yêu cầu COP 27 cũng phải có những cam kết mạnh mẽ về việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Frans Timmermans, nhấn mạnh rằng nguồn quỹ này sẽ phải được tài trợ từ “một cơ sở các nước tài trợ rộng lớn”, ngụ ý các nước có những phương tiện tài chánh đáng kể, như Trung Quốc chẳng hạn, vốn dĩ là đồng minh của các nước đang phát triển trong hồ sơ này. Và duy chỉ có những nước “dễ bị tác động nhất” mới được quyền hưởng hỗ trợ từ nguồn tài chánh này.
Trong bối cảnh này, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, trở lại COP27, từ thượng đỉnh G20, hôm qua kêu gọi các bên tham gia, nên vượt qua những bất đồng và ngưng đổ lỗi cho nhau.
Dưới Chế Độ Độc Tài Có Khác: Iran, Thêm 3 Người Biểu Tình Bị Kết Án Tử Hình!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay nhà cầm quyền Tehran tiếp tục đàn áp mạnh mẽ người biểu tình, với 3 bản án tử hình được tuyên hôm 16/11/2022. Cùng lúc, đông đảo người dân Iran ở nhiều thành phố đình công và xuống đường kỷ niệm tròn 3 năm một vụ trấn áp đẫm máu khác nhắm vào phong trào phản đối giá xăng dầu tăng năm 2019.
Sau 2 bản án tử hình đầu tiên được tuyên hôm 13/11, thêm 3 người biểu tình khác bị kết án tử hình hôm 16/11. Theo cáo trạng của Tư pháp, một người đã lao xe hơi vào cảnh sát khiến 1 nhân viên thiệt mạng, người thứ hai đâm trọng thương một vệ binh và người thứ ba cố tình cản trở giao thông và “gieo rắc sợ hãi”.
Tuy nhiên, dù chính quyền dùng biện pháp mạnh, phong trào phản đối vẫn không suy yếu, đặc biệt lại trùng với dịp kỷ niệm 3 năm cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu bị đàn áp thô bạo. Lời kêu gọi 3 ngày đình công từ 15/11 đến 17/11 để “tưởng nhớ Tháng 11 đẫm máu” đã được hưởng ứng mạnh mẽ. Theo thông tấn xã AFP, tình trạng bạo động đã xảy ra ở nhiều thành phố, nhiều người biểu tình đã thiệt mạng. Cảnh sát ở Tehran dường như đã bắn đạn thật vào đám đông trên ke xe điện ngầm đối diện.
Theo Tư pháp Iran, hơn 2.000 người đã bị kết tội từ ngày 16/9. Đa số người biểu tình bị chính quyền Tehran cáo buộc là “nổi loạn” và bị các thế lực ngoại quốc giật dây. Hôm 16/11, Iran khẳng định đã bắt giữ nhiều người ngoại quốc trong các vụ bạo động, trong đó có cả “nhân viên tình báo Pháp”. Thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Iran trên truyền hình đã làm gia tăng căng thẳng giữa Tehran và Paris. Bên lề thượng đỉnh G20, Tổng thống Macron đã bác bỏ “những tuyên bố dối trá” và cho rằng Iran “ngày càng tỏ ra hung hăng”.
Vụ Phi Đạn Rơi Vào Ba Lan: Tổng Thống Ukraine Vẫn Khẳng Định Là Do Nga Bắn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 16/11/2022, Tổng thống Ukraine phản bác tuyên bố của NATO và Mỹ, khẳng định phi đạn rơi xuống lãnh thổ Ba Lan cách nay hai ngày là “vũ khí của Nga”.
Kyiv đòi được quyền tham gia vào cuộc điều tra và tiếp cận các thông tin mà phương Tây thu thập được sau vụ phi đạn rơi xuống làng Przedodow sát biên giới Ba Lan và Ukraine, khiến hai thường dân Ba Lan thiệt mạng. Đặc phái viên Taline Oudnjian của đài truyền hình France 24 tại Ukraine tường thuật:
“Hôm 16/11, Ukraine đòi lập tức được quyền tiếp cận khu vực mà phi đạn đã rơi xuống, sát đường biên giới với Ba Lan. Các giới chức Ukraine khẳng định có bằng chứng đây là phi đạn của Nga, nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tổng thống Zelensky tuyên bố ông tin chắc, đây là vũ khí của Nga. Tuy nhiên, để tham gia vào cuộc điều tra, Kyiv phải được Ba Lan và Mỹ chấp thuận. Kịch bản này khó có thể xảy ra, bởi vì NATO thẩm định phi đạn rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là thuộc ‘hệ thống phòng không của Ukraine’.
Về phía công luận Ukraine, mọi người tiếp tục quy trách nhiệm cho quân đội Nga. Theo họ, lính Nga bắn phi đạn để người dân Ukraine phải sống trong sợ hãi. Dù rất phẫn nộ nhưng người dân tại đây cam chịu. Mọi người đã biết trước là Mạc Tư Khoa sẽ phản công theo kiểu này bởi đây là chiến lược quân đội Nga luôn áp dụng mỗi khi thua trận. Kịch bản này từng xảy ra sau khi quân Nga thất thủ ở Kyiv, rồi Kharkiv và giờ đây là ở Kherson. Dù sao đi chăng nữa, các giới chức Ukraine cũng đã báo động rằng các đợt tấn công tương tự ở quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn”
Ngay từ hôm 16/11, vài tiếng đồng hồ sau vụ phi đạn rơi xuống lãnh thổ Ba Lan, Tổng Thư ký Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã khẳng định “Có nhiều khả năng sự việc do hệ thống phòng không của Ukraine gây nên”.
Chính Tổng thống Andrzei Duda cũng đã nhìn nhận không có bằng chứng đây là “một vụ cố ý tấn công nhắm vào Ba Lan”. Trong ngày họp cuối cùng thượng đỉnh G20 tại Bali, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đánh giá “ít có khả năng” phi đạn rơi xuống lãnh thổ Ba Lan là do Nga phóng đi.
Dù không phải là một vụ “tấn công nhắm vào Ba Lan”, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng như Thủ tướng Đức và Ý Ðại Lợi đều cho rằng, trong sự kiện vừa qua, “trách nhiệm sau cùng cũng thuộc về Nga”. Lý do là Nga đã ồ ạt bắn phi đạn phá hoại các cơ sở hạ tầng của Ukraine, nên Kyiv phải tự vệ. Ngũ Giác Đài cũng lên án Nga “gieo rắc kinh hoàng” trên lãnh thổ Ukraine.
Nga Tiếp Tục Bắn Phi Đạn Như Mưa Vào Hạ Tầng Cơ Sở Ukraine, Hơn 10 Triệu Dân Mất Điện!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 17/11/2022, quân đội Nga tiếp tục chiến dịch bắn phi đạn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Hậu quả là hơn 10 triệu dân Ukraine bị mất điện vào lúc tuyết bắt đầu rơi, nhiệt độ trong những ngày tới được dự báo có thể xuống đến -10°C.
Trong buổi phát biểu truyền hình thường nhật, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky xác nhận hơn 10 triệu người dân trong cảnh mất điện, nhất là tại vùng Kyiv. Ông lên án “một cuộc tấn công khủng bố khác của Nga” khi biến các cơ sở dân sự là mục tiêu chính. Theo ông, “Nga mở cuộc chiến đánh vào hệ thống điện và sưởi dành cho người dân bằng cách cho nổ tung các nhà máy điện và nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng khác”.
Ðiện Cẩm Linh đáp lại rằng những thống khổ mà người dân Ukraine đang hứng chịu là do chính quyền Kyiv từ chối đàm phán. Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh, Dmitri Peskov tuyên bố: “Đây chính là hệ quả của việc thiếu thiện chí giải quyết vấn đề từ phía Ukraine, để khởi động đàm phán, từ chối tìm kiếm một điểm đồng thuận”.
Theo thông tấn xã AFP, những đợt oanh kích mới này diễn ra vào lúc tuyết bắt đầu rơi từ ngày 16/11. Thống đốc vùng Kyiv Oleksii Kouleba hôm 16/11, cảnh báo những tuần tới sẽ “khó khăn”, nhiệt độ ngoài trời có thể xuống đến -10°C, trong khi đó, nhà máy điện quốc gia Ukrenergo thông báo kéo dài tình trạng cắt điện. Nguyên nhân là “trời lạnh đột ngột, mức tiêu thụ điện tăng đột biến”, khiến cho tình trạng mạng lưới điện, vốn dĩ đã khó khăn, thêm phần phức tạp.
Ukraine Nói Một Nửa Hệ Thống Điện Bị Tê Liệt Vì Các Cuộc Tấn Công của Nga
(Hình: Cư dân tìm cách sạc điện thoại và kết nối internet tại khu vực trung tâm Kherson, Ukraine, vào ngày 15/11/2022. Làn sóng pháo kích của Nga đã làm sập các mạng lưới điện trên khắp đất nước Ukraine.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay các đợt tấn công phi đạn liên tiếp của Nga đã làm tê liệt gần một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine, Thủ tướng Denys Shmyhal cho biết hôm thứ Sáu (18/11/2022), khi giao tranh ác liệt diễn ra ở các khu vực ở phía Đông và phía Nam.
Khi nhiệt độ giảm xuống và thủ đô Kyiv chứng kiến đợt tuyết đầu tiên trong mùa đông, các nhà chức trách đang nỗ lực khôi phục nguồn điện trên toàn quốc sau một số đợt bắn phá nặng nề nhất vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine trong 9 tháng chiến tranh.
Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo ở Ukraine trong mùa đông này do tình trạng thiếu điện và nước.
“Thật không may, Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công phi đạn vào cơ sở hạ tầng dân sự và quan trọng của Ukraine. Gần một nửa hệ thống năng lượng của chúng tôi bị vô hiệu hóa”, ông Shmyhal nói.
Thủ tướng Ukraine phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Phó Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Valdis Dombrovskis, người đã đưa ra đề nghị về sự “ủng hộ vững chắc” của khối 27 quốc gia đối với Ukraine và lên án “cuộc chiến tàn bạo” của Nga với nước láng giềng.
Trước đó, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, cho biết khoảng 10 triệu người hiện không có điện tại quốc gia có dân số trước chiến tranh là khoảng 44 triệu người. Ông cho biết chính quyền ở một số khu vực đã buộc phải ra lệnh cắt điện khẩn cấp.
“Quốc gia xâm lược đã chính thức cho thấy rằng mục tiêu của họ là phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi và khiến người dân Ukraine không có điện và nhiệt”, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine Ukrenergo nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Công ty này cho biết Nga đã thực hiện sáu cuộc tấn công phi đạn quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine từ ngày 10/10 đến ngày 15/11.
Bộ Quốc phòng Nga nói các lực lượng của họ đã sử dụng vũ khí tầm xa hôm thứ Năm để tấn công các cơ sở quốc phòng và công nghiệp, bao gồm cả “cơ sở sản xuất phi đạn”.
Nga Sử Dụng 7 Loại Mìn Sát Thương ở Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 17/11/2022, Trung tâm Giám sát Bom mìn cho công bố báo cáo năm 2022, tố cáo Nga sử dụng ít nhất 7 loại mìn sát thương ở Ukraine. Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này.
Từ Geneva (Thụy Sĩ), thông tín viên Jérémie Lanche của Đài RFI cho biết thêm:
Năm 2022 chưa kết thúc, nhưng cho đến lúc này, số thường dân ở Ukraine thiệt mạng hoặc bị thương do mìn trong năm nay cao gấp 5 lần so với năm 2021. Chỉ trong những tuần đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành xâm lăng Ukraine, đã có hơn một trăm lính rà phá bom mìn đã thiệt mạng ở nước này. Mạc Tư Khoa có kho dự trữ mìn sát thương lớn nhất thế giới. Thậm chí một số mìn đã được sử dụng lần đầu tiên ở Ukraine. Dường như 1/3 đất nước đã bị gài đặt mìn.
Bà Mary Wareham, nhà nghiên cứu tại trung tâm Giám sát bom mìn cho biết: “Những gì chúng tôi quan sát được ở Ukraine là mìn sát thương có thể được chôn xuống đất một cách thủ công nhưng cũng có thể dùng pháo bắn đi hoặc dùng các xe chuyên dụng để rải. Nhưng không phải chỉ có mìn sát thương. Cả hai bên cũng sử dụng mìn chống thiết giáp, xe tăng. Và điều này rất nghiêm trọng bởi chúng tôi thấy rất nhiều xe gắn máy kéo và máy móc nông nghiệp phát nổ, gây ra những hậu quả đối với việc sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực”.
Nga không ký Hiệp ước Ottawa giống như Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sự khác biệt là Hoa Thịnh Ðốn hầu như không còn sử dụng mìn sát thương kể từ chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Về phần mình, Mạc Tư Khoa nói rằng mặc dù họ chia sẻ lý tưởng về một thế giới không có mìn, nhưng chúng vẫn là một phương tiện hiệu quả để bảo đảm an ninh biên giới của đất nước.
Chiến Tranh Ukraine Khiến Nga Bị Khan Hiếm Lao Động
- Ngày 17/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay theo Ðiện Cẩm Linh, hơn 300.000 người đã được huy động cho chiến trường Ukraine.
Các tổ chức phi chính phủ cho rằng con số này có thể lên đến 500.000 người, chưa kể những người đã rời khỏi Nga trong những tháng qua. Điều này tác động lớn đến nền kinh tế Nga, đang đối mặt với các trừng phạt từ phương Tây. Nhiều doanh nghiệp nay rất khó tuyển dụng lao động.
Theo báo cáo của viện nghiên cứu về chính sách kinh tế Gaigar, trụ sở tại Mạc Tư Khoa, kể từ tuần sau, khoảng một phần ba doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghiệp ở Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng, đặc biệt là các nghề lao động chân tay, dịch vụ vận chuyển, hay an ninh. Thông tín viên RFI Anissa El Jabri, tường trình từ Mạc Tư Khoa:
“Dân số sụt giảm và lệnh huy động một phần lính dự bị cho chiến trường Ukraine, hai yếu tố này kết hợp với nhau đã tác động mạnh đến nền kinh tế Nga 6 tuần qua, đặc biệt là những doanh nghiệp đang tìm lao động nam giới.
Theo nhà kinh tế học Alexander Jabarov, trưởng ban phụ trách báo chí của một doanh nghiệp “tìm kiếm tài năng”, trong những tuần vừa qua, tìm lao động giống như là truy tìm kho báu vậy. Ông Jabarov cho biết: “Ngày càng khó để liên lạc được với họ để kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Họ chỉ thích liên lạc qua nền tảng tin nhắn nhanh (qua các ứng dụng nhắn tin trực tuyến). Họ không trả lời điện thoại. Nói cách khác, họ hành xử gần như bí mật và rất khó mà xác định vị trí của những lao động này”.
Để thay thế những ai muốn hành xử kín đáo, tránh bị chú ý trong trường hợp lệnh động viên được ban hành trở lại, các nhà tuyển dụng kể từ nay tìm đến các lao động nữ giới. Nhà kinh tế học Jabarov cho biết thêm: “Các đề xuất tuyển lao động nữ giới đã tăng lên, ngay cả cho các công việc thường được giao cho nam giới, ví dụ như trong lĩnh vực an ninh hoặc trong ngành sản xuất xe hơi.
Một hiện tượng phổ biển khác đó là từ nay, Nga tìm cách thu hút người di cư từ các nước láng giềng như vùng Kavkaz hay Trung Á. Đây là những khu vực mà các lãnh đạo doanh nghiệp trẻ của Nga hiện đang lưu trú, nơi mà họ có thể làm việc từ xa, để tránh lệnh động viên”.
Gia Nhập NATO: Thụy Điển Thắt Chặt Luật Chống Khủng Bố
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 16/11/2022, Nghị viện Thụy Điển đã thông qua một điểm sửa đổi Hiến pháp để thắt chặt chống khủng bố và gia tăng trừng phạt các tội “gián điệp”.
Đây là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu để chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập vào Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và được Thủ tướng Ulf Kristersson hứa thực hiện trong chuyến thăm Ankara tuần trước.
Được thông qua với 270 phiếu thuận, 37 phiếu chống, điểm sửa đổi Hiến pháp này cho phép hạn chế quyền tự do hội họp “đối với một nhóm tuyên bố hoặc hậu thuẫn khủng bố”. Luật mới có hiệu lực từ tháng 1/2023 và bị nhiều nghiệp đoàn nhà báo Thụy Điển đánh giá là “vô cùng nguy hiểm” cho tự do báo chí. Thông tín viên RFI Carlotta Morteo tại Stockholm tường trình:
“Điểm sửa đổi Hiến pháp này được thông qua quá dễ dàng. Theo ông Erik Halkjaer, Chủ tịch phân ban Thụy Điển của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), công dân và các Nghị sĩ Quốc hội không lường hết tầm mức.
Ông nói: “Các Nghị sĩ nói rằng điểm sửa đổi này là nhằm bảo vệ quan hệ hợp tác của Thụy Điển với những nước khác, cũng như mối quan hệ của Stockholm trong NATO, Liên Hiệp Âu Châu hay Liên Hiệp Quốc. Thực ra, họ không biết rõ nội dung của điểm sửa đổi. Có một đoạn ghi là nếu một người có những thông tin bí mật hoặc nhạy cảm có thể gây phương hại cho những hợp tác đó thì không được tiết lộ”.
Những người cảnh báo hoặc các phóng viên có nguy cơ lĩnh án 4 năm tù. Điều mà người ta lo ngại bây giờ là sự tự kiểm duyệt, cũng như áp lực ngoại quốc kể từ nay có thể tác động đến Thụy Điển.
Ông nói tiếp: “Hãy thử hình dung là vũ khí của Thụy Điển được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để giết thường dân ở Syria. Nếu một nhà quan sát Thụy Điển của Liên Hiệp Quốc hoặc bất kỳ nhân chứng nào khác công bố thông tin này tại Thụy Điển, điều đó có thể gây tổn hại cho mối quan hệ giữa chính quyền Stockholm với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì chỉ dựa trên điều luật đó, Tổng thống Erdogan có thể từ chối để Thụy Điển gia nhập NATO. Vì vậy, một cơ quan truyền thông Thụy Điển sẽ không chuốc lấy rủi ro công bố một thông tin nhạy cảm liên quan đến chính sách nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Để trấn án báo chí, một điều khoản khác đã được bổ sung và nêu rõ là việc tiết lộ thông tin không phải là một tội nếu được xem là “chính đáng”. Theo một số Luật sư, câu đó quá mơ hồ”.
Tòa Án Hòa Lan Kết Án Chung Thân Ba Bị Cáo Trong Vụ Bắn Rơi Máy Bay MH17
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sau gần 3 năm xét xử khiếm diện, một tòa án Hòa Lan hôm 17/11/2022 đã kết án tù chung thân 3 người trong vụ bắn rơi máy bay mang số hiệu MH17 rời Amsterdam đến Kuala Lumpur của Mã Lai Á Airlines hôm 17/7/2014. Bị cáo thứ tư được trắng án.
Từ Schiphol, thông tín viên Antoine Mouteau của Đài RFI cho biết thêm:
Sau hơn 2 tiếng xét xử, Silene Frederiksz rời tòa án Schiphol, với vẻ mặt đỡ buồn phiền hơn một chút.
Silene nói: “Ngay cả khi phải chấp nhận là không ai phải ngồi tù, thì điều đó cũng không quan trọng bởi công lý đã được thực thi. Con cái chúng tôi đã bị sát hại. Từ sát hại đã được nêu ra cùng với trách nhiệm của Nga trong sự việc, điều đó rất quan trọng đối với tôi”.
Vào ngày 17/07/2014, cách đó vài trăm mét, cậu con trai 23 tuổi Bryce và bạn gái Daisy 21 tuổi lên chiếc Boeing 777 để bay đi Kuala Lumpur. Bà không bao giờ gặp lại họ nữa.
Tòa án Hòa Lan đã khẳng định rằng máy bay của họ, khi đang bay qua miền đông Ukraine, khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát, đã bị bắn hạ bởi một phi đạn BUK do Nga sản xuất. Tòa cũng cho rằng, Nga lúc đó kiểm soát khu vực này. Hai công dân Nga và một người Ukraine là ba sĩ quan và thuộc lực lượng bán quân sự, đã bị xét xử khiếm diện vì dính líu đến sự việc. Họ đã bị kết án tù chung thân. Nhưng còn một điều đáng buồn trong vụ xét xử này đối với Silene Frederiksz, đó là nghi phạm thứ tư được tha bổng.
Silene nói: “Tôi muốn Pulatov cũng bị kết án. Nhưng đáng tiếc là điều đó sẽ không xảy ra, nhưng có thể sẽ có kháng án”.
Ít có khả năng 3 bị cáo thụ án. Luật pháp Nga không cho phép dẫn độ công dân của mình và chế độ Nga hiện tại dường như không có ý định làm vậy, thậm chí là hoàn toàn ngược lại. Nhưng người thân của các nạn nhân nói rằng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tín hiệu được gửi tới những kẻ phải chịu trách nhiệm.
COP 27: Liên Hiệp Âu Châu Cấp 1 Tỉ Euro Cho Phi Châu Để Thích ứng Với Biến Đổi Khí Hậu
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Liên Hiệp Âu Châu (EU) và bốn nước thành viên Pháp, Đức, Hòa Lan và Đan Mạch sẽ viện trợ hơn 1 tỉ Euro để giúp Phi Châu thích ứng với biển đổi khí hậu.
Thông tin được Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Frans Timmermans thông báo ngày 16/11/2022 tại Hội nghị về Khí hậu COP 27 ở Charm El-Cheikh (Ai Cập).
Theo thông cáo, được thông tấn xã AFP trích dẫn, sáng kiến của Liên Hiệp Âu Châu nhằm huy động những chương trình mới và đang được thực hiện về thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, quỹ sẽ tài trợ cho việc thu thập dữ liệu về nguy cơ khí hậu, tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm để báo động thiên tai cho người dân, giúp huy động tài chánh (kể cả lĩnh vực tư nhân) cho vấn đề khí hậu và tăng cường cơ chế bảo hiểm đối phó với những rủi ro khó lường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, 60 triệu trong quỹ này được dành riêng cho những thiệt hại mà Phi Châu đã phải gánh chịu. Điểm này được ông Timmermans nêu trước đó khi thông báo Liên Hiệp Âu Châu sẽ có đề xuất riêng về việc lập ngân sách khắc phục hậu quả trong vòng một năm, đồng thời đề nghị Trung Quốc tham gia đóng góp.
Trước đó, COP 27 bị chia rẽ về vấn đề lập quỹ đặc biệt theo đề xuất của nhóm G77+Trung Quốc, để bù đắp cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu mà các nước phía nam phải hứng chịu. Liên Hiệp Âu Châu không ủng hộ đề xuất này. Theo giải thích của ông Timmermans, “đề xuất dựa trên tình hình cách đây 30 năm, chứ không phải năm 2022, và nếu cố định mọi chuyện ở năm 1992, thì nhiều nước hiện có khả năng tài chánh lớn, tăng trưởng cao sẽ không phải đóng góp cho những nước dễ bị tổn thương nhất”.
Phó Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu cũng đề xuất các cuộc đàm phán về việc gây quỹ cần được đúc kết vào dịp COP năm 2023, thay vì đến năm 2024 như đề xuất của một số nước ủng hộ.
Bắc Hàn Lại Bắn Phi Đạn, Cảnh Cáo Đáp Trả “Dữ Dội” Mỹ-Hàn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngày 17/11/2022, Bình Nhưỡng lại bắn phi đạn để thực hiện lời đe dọa đáp trả “dữ dội” về quyết định tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật.
Trước đó, Ngoại trưởng Bắc Hàn Choe Son-hui cảnh cáo “Mỹ đang đặt cược và chắc chắn sẽ hối hận về điều đó”. Thông tín viên Trần Công tại Hán Thành tường trình:
“Theo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nam Hàn, sáng 17/11/2022, vào lúc 10 giờ 48 phút, Bắc Hàn đã phóng một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn (SRBM) từ khu vực Wonsan, tỉnh GangWon về phía biển Nhật Bản. Đây là vụ bắn phi đạn đầu tiên trong 8 ngày qua, kể từ vụ khiêu khích vào chiều 9/11.
Phi đạn của Bình Nhưỡng bay được 240 cây số, tại độ cao 47 cây số và đạt vận tốc Mach 4 trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Vụ bắn phi đạn này được cho là để răn đe 3 nước Mỹ, Nhật, và Nam Hàn sau khi lãnh đạo của 3 nước này họp thượng đỉnh tại Nam Vang, Cam Bốt, hôm 13/11. Sau cuộc họp này, lãnh đạo Mỹ Nhật Hàn đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi sẽ hợp tác tăng cường khả năng răn đe mở rộng với Bình Nhưỡng và cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết nếu Bắc Hàn tiến hành vụ thử nguyên tử lần thứ 7”.
Đại diện chính quyền Bình Nhưỡng, bà Choe Son-hui tuyên bố: “các phản ứng quân sự của chúng tôi sẽ tỉ lệ thuận với các hoạt động quân sự và biểu dương lực lượng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”. Bà nói tiếp: “Chúng tôi đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ đối với những tuyên bố vô nghĩa về cái gọi là “phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết” của Mỹ, Nhật và Nam Hàn đối với Bắc Hàn”.
Ngay sau vụ phóng phi đạn, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ-Hàn tuyên bố: “Các vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn là hành động khiêu khích nghiêm trọng ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. Trong thời gian diễn ra hội nghị ASEAN, Tổng thống Mỹ và Nam Hàn đều gửi những thông điệp liên quan tới vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn tới Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không đề cập đến vấn đề nguyên tử Bắc Hàn trong thông báo về kết quả đàm phán Hàn-Trung.
Nam Hàn và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ phi đạn chung vào sáng nay với sự tham gia của đội khu trục hạm của cả hai nước”.
Cũng trong ngày 17/11, một oanh tạc cơ chiến lược B1-B, được điều từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam đến căn cứ Misawa ở Nhật Bản, đã diễn tập tiếp liệu khẩn cấp trên không phận Nhật Bản.
Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM) khẳng định cuộc diễn tập “cho thấy máy bay B-1B có thể nhanh chóng được tái khai triển trên không trong trường hợp cần thiết”, cũng như Mỹ “có thể nhanh chóng tham gia với các nước đồng minh và đối tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Theo Yonhap, đây được cho là tín hiệu cảnh cáo Bắc Hàn.
Bắc Hàn Phóng Phi Đạn, Thề Đáp Trả ‘Quyết Liệt’ Hơn Đối Với Mỹ và Đồng Minh
(Hình: Truyền hình Nam Hàn đưa tin về việc Bắc Hàn phóng phi đạn.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Năm (17/11/2022), Bắc Hàn phóng một phi đạn-đạn đạo cùng lúc đưa ra cảnh báo về “những phản ứng quân sự quyết liệt hơn” đối với những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện an ninh của họ trong khu vực cùng với các đồng minh. Bình Nhưỡng nói rằng Hoa Thịnh Ðốn đang chơi một “canh bạc mà họ sẽ hối hận”.
Bắc Hàn thực hiện các cuộc thử phi đạn đạt số lượng kỷ lục trong năm nay và gần đây cũng đã bắn hàng trăm quả đạn pháo ra biển khi Nam Hàn và Mỹ tổ chức các cuộc tập trận, bao gồm một số cuộc có Nhật Bản tham gia.
Quân đội Nam Hàn cho biết phi đạn-đạn đạo được phóng từ Wonsan, thành phố ven biển miền đông của Bắc Hàn, lúc 10 giờ 48 sáng, giờ địa phương (tức 2 giờ 48, giờ chuẩn quốc tế GMT). Phi đạn này bay xa 240 cây số và đạt độ cao 47 cây số với tốc độ Mach 4.
Vụ phóng mới nhất này diễn ra chưa đầy hai giờ sau khi Ngoại trưởng Bắc Hàn, bà Choe Son Hui, chỉ trích hội nghị thượng đỉnh ba bên hôm 13/11 của Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản, trong đó các nhà lãnh đạo chỉ trích các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng và cam kết hợp tác an ninh nhiều hơn.
Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định cam kết tăng cường khả năng răn đe mở rộng và bảo vệ hai đồng minh Á Châu với “toàn bộ năng lực”, bao gồm cả vũ khí nguyên tử.
Bà Choe phát biểu rằng “các cuộc tập trận chuẩn bị cho xâm lược” gần đây của ba nước đã thất bại trong việc kiềm chế Bắc Hàn mà thay vào đó sẽ mang lại thêm “các mối đe dọa nghiêm trọng, thực tế và không thể tránh khỏi hơn” cho chính ba nước.
Các tham mưu trưởng liên quân của Hán Thành cho biết quân đội Nam Hàn và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ phi đạn sau vụ phóng mới nhất của Bắc Hàn, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động này.
“Chúng tôi kêu gọi Bắc Hàn ngừng ngay lập tức chuỗi các vụ phóng phi đạn-đạn đạo, đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng gây tổn hại đến hòa bình và ổn định”, các tham mưu trưởng liên quân nói trong một tuyên bố.
Pháp Tìm Cách Thúc Đẩy Hợp Tác Tàu Ngầm Với Nam Dương và Úc Ðại Lợi
- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), ngày 17/11/2022, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Nam Dương, trong đó có việc cung cấp chiến đấu cơ và tàu ngầm. Đối với Úc Ðại Lợi, nguyên thủ Pháp khẳng định đề nghị hợp tác về tàu ngầm “vẫn nằm trên bàn”.
Phát biểu đươc Tổng thống Pháp đưa ra khi đến Vọng Các (Thái Lan), dự Diễn đàn Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC), sẽ khai mạc ngày 18/11. Hãng tin Anh Reuters nhắc lại Nam Dương hiện là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Pháp ở Đông Nam Á. Tháng 2/2022, Jakarta đã đặt mua 42 chiến đấu cơ Rafale thế hệ mới nhất của tập đoàn Dassault Aviation với tổng trị giá lên đến 8,1 tỉ Mỹ kim. Hợp đồng này nằm trong khuôn khổ loạt thỏa thuận giữa Paris và Jakarta, trong đó có hai tàu ngầm Scorpene.
Trước đó, sau cuộc họp ngày 16/11 với Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese bên lề G20 tại Bali, nguyên thủ Pháp cho biết đề nghị hợp tác về tàu ngầm với Canberra, mặc dù ông thừa nhận, “hiện tại, Úc Ðại Lợi không quyết định thay đổi chiến lược về lĩnh vực này”.
Vẫn theo ông Macron, được thông tấn xã AFP trích dẫn, đề xuất của Pháp bảo đảm cho Úc Ðại Lợi “tự do và tự chủ”, vì tàu ngầm sẽ được sản xuất tại Úc Ðại Lợi. Vấn đề đặt ra là lựa chọn của Canberra, “sản xuất tàu ngầm trên lãnh thổ của họ hay quyết định chọn tàu ngầm nguyên tử”.
Chuyến công du Đông Nam Á lần này là cơ hội để ông Macron thúc đẩy chiến lược của Pháp về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương: “Bảo vệ tự do và chủ quyền, ổn định để duy trì tự do hàng hải, giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế, phát triển kỹ thuật mà không để một mô hình bá quyền nào khống chế”.
Miến Điện Ân Xá 6.000 Tù Nhân, Trục Xuất Người Ngoại Quốc
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay nhân lễ Quốc khánh, hôm 17/11/2022, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo lệnh ân xá cho gần 6.000 tù nhân, trong đó có một số công dân ngoại quốc.
Theo thông tấn xã AFP, 3 xe buýt chở tù nhân vừa được ân xá đã rời khỏi nhà tù Insein ở Rangoon, vào lúc 15 giờ hôm nay (8h20 GMT). Tổng cộng, 5774 tù nhân, trong đó có 600 người là phụ nữ, đã được phóng thích.
Tập đoàn quân sự Miến Điện cũng thông báo phóng thích và trục xuất 3 công dân ngoại quốc, gồm cựu Ðại sứ Anh Vicky Bowman, nhà báo Nhật Bản Toru Kubota và nhà kinh tế người Úc Ðại Lợi Sean Turnell, từng là Cố vấn cho chính phủ của bà Aung San Suu Kyi. Theo thông tấn xã AFP, máy bay chở bà Vicky Bowman đã rời phi trường Rangun hôm nay để bay sang Vọng Các. Cũng theo thông tấn AFP, trích dẫn hai nguồn tin ngoại giao, nhà báo Toru Kubota và nhà kinh tế Sean Turnell cũng đã lên máy bay rời khỏi Rangun chiều nay.
Theo Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng tổ chức này cho rằng “một cuộc ân xá hàng loạt” như vậy không thể xóa đi được những tội ác mà tập đoàn quân sự Miến Điện đã gây ra từ sau cuộc đảo chính. Trả lời hãng tin AFP, phát ngôn viên của Ân Xá Quốc Tế nhắc lại rằng “hàng ngàn người đã bị bỏ tù kể từ sau cuộc đảo chính… họ chẳng làm gì sai và đáng lẽ ra ngay từ đầu không phải vào tù”.
Theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, các cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện đã làm 2300 người thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021. Hàng ngàn người đã bị bắt giam, trong đó có nhiều nhà báo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét