Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Kính Chuyển Ít Tin vả Nhận Định Theo Dòng Thời Cuộc! - Lê Văn Hải


Mừng Lễ Tạ Ơn 2022
Happy Thanksgiving!
Kính Thưa Quý Vị,
Nhiều con vật, vừa sinh ra có thể tự sống, con người thì khác, nếu không có người chăm sóc, bú mớm, trong những năm tháng đầu tiên, thì con người không thể sống nổi. Nên không ai có thể vỗ ngực tuyên bố: "Tôi sống không cần ai!" Xa hơn nữa, là cả một xã hội cũng thế. Luôn luôn cần đến nhau! Muốn mạnh phải biết kết đoàn!
Và chính vì biết trân trọng lòng “Biết Ơn,” đã tạo ra nước Mỹ!
Đây là truyền thống tốt đẹp! để Thượng Đế luôn luôn ban ơn lành, trên đất nước, quê hương thứ hai vĩ đại đầy tình người này.
<!>



Lời Cảm Tạ và Lời Chúc Mừng Lễ Tạ Ơn 2022!
(Của Người Chuyển Bản Tin)

Trong không khí cả nước Mỹ, tưng bừng hân hoan, đón một trong những ngày Lễ lớn nhất của Hoa Kỳ, xin được gởi Lời Chúc Mừng và gói chút tâm sự:

“Tháng Mười Một, Lễ Tạ Ơn!
Tổ tiên, nòi giống, giang sơn chốn nầy
Khoai Tây với món Gà Tây
Nơi miền đất hứa sum vầy bên nhau!”

"Biết ơn là một ngôn ngữ chung, là khúc nhạc êm ái tốt đẹp nhất của nhân loại, là tiếng nói thiết tha và tràn đầy ân tình của tâm hồn, của trái tim! Trong cuộc sống bận rộn hàng ngày ở Hoa Kỳ, ai cũng phải tất bật, hối hả lao vào cái vòng quay rất nhanh và rất mạnh, của đời sống vật chất, tiền bạc, đến nỗi nhiều khi người ta quên đi đời sống tinh thần! quên đi những ân tình quý mến quanh mình. Thân thiết, mà gặp nhau, không còn thời giờ chào hỏi, đành phải…làm ngơ!

Cho nên, nhân mùa Lễ Tạ Ơn Thanksgiving, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta, hãy dành một khoảng thời gian, ngồi một mình nhìn lại quãng đời đã qua, chúng ta đã cho đi và nhận lại những gì? Có quên tạ ơn ai?

Hãy nói với nhau những lời yêu thương dịu ngọt; hãy trao cho nhau những ánh mắt trìu mến nồng nàn; hãy dành cho nhau một chút thời gian để cảm nhận được cái sự may mắn nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống ngày hôm nay. Đừng để những người thân yêu khi đã qua đời, rồi mình lại…muốn nói! Thì đã muộn! (Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu ngay bây giờ!)

Nhỏ bé thôi, nhưng thật gần gũi, thật ấm áp và cũng như dành một vài phút hít thở không khí trong lành buổi sớm mai, ngắm ánh nắng vàng lấp lánh trên những ngọn cỏ còn ướt đẫm sương mai, hãy ngắm một nụ hoa vừa hé nở nơi góc vườn, hãy cùng nghe lại một khúc tình ca trong kỷ niệm, để ...Tạ Ơn Trời! Đến Tạ Ơn Đời, Tạ Ơn Người!"

“Cám ơn tất cả mọi người
An vui hạnh phúc tươi cười bắt tay
Bạn bè (Niên trưởng, Chiến hữu) quen biết bấy nay,
Chúc Mừng Khỏe Mạnh, hàng ngày thảnh thơi.”

Nhân dịp Thanksgiving 2022, người chuyển email đến Quý Vị đều đặn trong năm qua, xin gửi đến quý vị lời cảm tạ, chúc mừng, một Lễ Tạ Ơn đầy hạnh phúc, nhiều ơn lành từ Trời Cao!

(Trong tinh thần phục vụ của một Hướng Đạo Sinh, những Bản tin đã gởi, nếu có chuyện gì sơ sót, lầm lẫn, hay phật ý, làm phiền Quý Vị, xin rộng lòng bỏ qua cho!)

Cuối Cùng Không Quên Cám Ơn Đất Nước Hoa Kỳ (Quê Hương Thứ Hai)

Lê Văn Hải


Trời cho còn có hôm nay
Lòng rưng rưng nhớ những ngày bi thương,
Rời Quê hương, bỏ chiến trường
Ra đi, trước mặt đại dương ngàn trùng,
Cơn bĩ cực, đến vô cùng!
Ơn Trời phù hộ, đến vùng thái lai.
Hoa Kỳ mở rộng vòng tay,
Đón người Tỵ nạn, giúp xây dựng đời
Trao nhau nhân ái, nụ cười,
Miếng cơm, manh áo tặng người Di dân
Từ vật chất, đến tinh thần
Cưu mang tận tụy, ân cần yêu thương!

(Thơ Trần Quốc Bảo)

Tin Quốc Tế

Động Đất ở Nam Dương: Hơn 40 Người Chết, 700 Người Bị Thương


(Hình: Động đất ở Cianjur, Nam Dương, ngày 21/11/2022.)

Cơ quan thảm họa quốc gia Nam Dương cho biết một trận động đất mạnh 5,6 độ richter xảy ra ở tỉnh Tây Java của Nam Dương hôm 21/11/2022 khiến 46 người thiệt mạng, trong khi các nhân viên cấp cứu và chính quyền đang làm việc để xác định mức độ thiệt hại, theo thông tấn xã Reuters.

Cơ quan Thời tiết và Địa-Vật lý Nam Dương (BMKG) cho biết trận động đất xảy ra trên đất liền ở thị trấn Cianjur, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 cây số về phía Đông-Nam, ở độ sâu 10 cây số và không có khả năng xảy ra sóng thần.

Người đứng đầu Cơ quan Thiên tai Nam Dương (BNPB) cho biết trong một cuộc họp báo rằng 46 người đã thiệt mạng và 700 người bị thương.
Ông Herman Suherman, một viên chức địa phương ở thị trấn Cianjur, nói với báo giới rằng một số cư dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Kênh tin tức Metro TV chiếu cảnh hàng trăm nạn nhân đang được điều trị trong bãi đậu xe của bệnh viện.

Cơ quan thiên tai cho biết một số ngôi nhà và một trường nội trú Hồi giáo bị hư hại, trong khi nguồn cung cấp điện trong khu vực bị cắt, gây gián đoạn liên lạc.
Đoạn ghi hình từ Metro TV cho thấy một số tòa nhà ở Cianjur gần như biến thành đống đổ nát khi cư dân tụ tập bên ngoài.

Ông Muchlis, người đang ở Cianjur khi trận động đất xảy ra, cho biết ông cảm nhận “một cơn chấn động lớn” và các bức tường và trần văn phòng của ông bị hư hại. “Tôi đã rất sốc. Tôi lo lắng sẽ có một trận động đất khác”, ông Muchlis nói với Metro TV và cho biết thêm rằng mọi người hoảng loạn chạy ra khỏi nhà.

BMKG cho biết trong 2 tiếng đồng hồ sau trận động đất, 25 dư chấn đã được ghi nhận, đồng thời cho biết thêm có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt trong trường hợp có mưa lớn.
Các nhân chứng của Reuters cho biết trận động đất có thể cảm nhận được ở Jakarta, làm rung chuyển các tòa nhà và đồ đạc trong nhà kêu lạch cạch, một số người đã rời khỏi văn phòng của họ ở khu thương mại trung tâm.

Nam Dương nằm trên cái gọi là Vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực địa chấn cao đang hoạt động, nơi các mảng khác nhau trên vỏ trái đất gặp nhau, gây ra động đất và núi lửa.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter ngoài khơi đảo Sumatra ở phía Bắc Nam Dương gây ra một cơn sóng thần tấn công 14 quốc gia, giết chết 226.000 người dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương, hơn một nửa trong số đó ở Nam Dương.


Đội Tuyển Iran Từ Chối Hát Quốc Ca ở World Cup, Ủng Hộ Phản Kháng ở Iran


(Hình: Cổ động viên Iran tại Qatar, ngày 21/11/2022.)

Thông tấn xã Reuters cho hay các cầu thủ đội tuyển túc cầu Iran từ chối hát quốc ca trước trận đấu mở màn với Anh hôm 21/11/2022, sau khi nhiều người hâm mộ ở nước họ cáo buộc đội tuyển quốc gia đứng về phía nhà nước vốn đã đàn áp tàn bạo người biểu tình trong tình hình bất ổn kéo dài trong thời gian qua tại nước này.

Các cuộc biểu tình đòi lật đổ chế độ thần quyền của người Hồi giáo Shia đã lan rộng khắp Iran kể từ sau cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini cách đây hai tháng sau khi cô bị bắt vì vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục của người Hồi giáo.
Mây mươi nhân vật nổi tiếng, vận động viên và nghệ sĩ Iran đã thể hiện tình đoàn kết với những người biểu tình - nhưng không phải với đội tuyển túc cầu quốc gia, cho đến trận đấu hôm 21/11 khi tất cả các thành viên của đội tuyển im lặng khi quốc thiều Iran được máy phóng thanh phát lên trên sân vận động.

Truyền hình nhà nước Iran không chiếu cảnh các cầu thủ xếp hàng khi quốc ca Iran được máy phát lên trước khi trận đấu diễn ra ở Qatar.
Trước trận đấu, không có cầu thủ Iran nào lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình của đồng bào của họ thuộc mọi tầng lớp xã hội, một trong những thách thức dai dẳng nhất đối với giới giáo sĩ kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

“Tất cả chúng tôi đều buồn vì người dân của chúng tôi đang bị giết ở Iran nhưng tất cả chúng tôi đều tự hào về đội của mình vì họ đã không hát quốc ca - bởi vì đó không phải là quốc ca của chúng tôi, nó chỉ dành cho chế độ”, một cổ động viên Iran dự Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) yêu cầu không nêu tên, nói.
Trong quá khứ, đội tuyển túc cầu Iran là niềm tự hào dân tộc cháy bỏng trong cả nước. Bây giờ, với các cuộc biểu tình rầm rộ, nhiều người muốn đội này rút khỏi World Cup.

Trước khi đến Doha, đội đã gặp Tổng thống Iran có đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi. Hình ảnh các cầu thủ với ông Raisi, một trong số họ cúi đầu trước ông, đã lan truyền nhanh chóng trong khi tình trạng bất ổn trên đường phố diễn ra, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội.
“Tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi yêu túc cầu nhưng với việc tất cả trẻ em, phụ nữ và đàn ông bị giết ở Iran, tôi nghĩ đội tuyển quốc gia không nên thi đấu”, sinh viên Đại học Elmira, 24 tuổi, nói qua điện thoại từ Tehran trước trận đấu.

“Đó không phải là đội của Iran, đó là đội của Cộng hòa Hồi giáo”, sinh viên này cho biết thêm.
Hãng thông tấn HRANA của các nhà hoạt động cho biết 410 người biểu tình thiệt mạng trong tình trạng bất ổn tính đến ngày 19/11, trong đó có 58 trẻ vị thành niên.
HRANA cho biết khoảng 54 thành viên của lực lượng an ninh cũng đã thiệt mạng, với ít nhất 17.251 người bị bắt giữ.
Một số cổ động viên Iran đến Qatar dự World Cup không giấu giếm sự đoàn kết của họ với những người biểu tình phản kháng.


Phong Trào Biểu Tình của Phụ Nữ Iran Tại World Cup


(Hình: Cổ động viên Iran dâng cao quốc kỳ có giòng chữ “Phụ nữ” trên khán đài Sân vận động Quốc tế Khalifa ở Doha trong trận đấu vòng bảng đầu tiên tại World Cup, đang diễn ra ở Qatar, với đội tuyển Anh hôm 21/11/2022.)
Các cầu thủ Iran đã không hát quốc ca của họ và không ăn mừng bàn thắng của họ. Trên khán đài, nhiều cổ động viên Iran thể hiện sự đoàn kết với phong trào biểu tình đã gây náo loạn cả nước trong nhiều tháng qua.

Trận mở màn Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) của Iran hôm 21/11/2022 trước Anh không chỉ là về túc cầu, mà còn là những cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra khắp nước Cộng hòa Hồi giáo. Và đối với một số phụ nữ Iran bị cấm tham dự các trận đấu túc cầu nam ở trong nước, đây là cơ hội quý giá đầu tiên để được xem trực tiếp đội tuyển quốc gia của họ.

“Bạn có biết cảm giác đau đớn như thế nào khi là người hâm mộ túc cầu lớn nhất mà không bao giờ tham dự một trận đấu trong 34 năm qua không?” cô Afsani, một người nuôi ong 34 tuổi đến từ Tehran lần đầu tiên đến Qatar để xem đội tuyển nam thi đấu, cho biết. Cô nói rằng cô đã khóc khi bước vào Sân vận động Quốc tế Khalifa.

Giống như những người hâm mộ Iran khác, cô Afsani từ chối cho biết họ của mình vì sợ bị chính phủ trả đũa. Iran đã thua 6-2 trước đội tuyển Anh vượt trội hơn, nhưng kết quả không phải là điều quan trọng nhất đối với cô Mayram, một cư dân Tehran 35 tuổi cũng đã lần đầu tiên trong đời được xem trực tiếp một trận đấu túc cầu. Cô thấy thất vọng vì các cầu thủ đã không thể hiện sự đoàn kết công khai hơn với các cuộc biểu tình trong nước.

“Có những cô gái bị giết chết trên đường phố”, cô Mayram nói. “Thật khó để nói nhưng đây không phải là một dịp vui. Nó thực sự rất đáng buồn”.
Iran đang tranh tài ở World Cup trong bối cảnh một cuộc đàn áp bạo lực đối với phong trào biểu tình lớn của phụ nữ dẫn đến cái chết của ít nhất 419 người, theo thống kê của các nhà Hoạt động Nhân quyền ở Iran, một nhóm theo dõi các cuộc biểu tình.

Tình trạng bất ổn được thúc đẩy bởi cái chết của cô gái 22 tuổi, Mahsa Amini, hôm 16/9 khi đang bị cảnh sát đạo đức của Iran giam giữ. Đầu tiên, tình trạng này chỉ tập trung vào khăn trùm đầu, được gọi là jihab, mà phụ nữ Iran bị buộc phải đội theo lệnh của nhà nước, nhưng sau đó đã biến thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nước Cộng hòa Hồi giáo kể từ những năm hỗn loạn sau khi thành lập.

Nhiều người hâm mộ Iran ở Doha đã mặc áo phông và giương cao khẩu hiệu của cuộc nổi dậy – “Phụ nữ, Cuộc sống, Tự do”. Những người khác mặc áo có tên của những người biểu tình nữ bị lực lượng an ninh Iran giết hại trong những tuần gần đây.
Vào phút thứ 22 của trận đấu – tức số tuổi của Amini khi cô qua đời – một số người hâm mộ đã hô vang tên cô, mặc dù điệp khúc nhanh chóng tắt đi và được thay thế bằng “Iran”.
Những người hâm mộ khác mặc áo đen bảo thủ và khăn trùm đầu màu cờ Iran cổ vũ rất lớn cho đội tuyển quốc gia của họ. Nhiều người trong số họ từ chối bình luận về tình hình chính trị, nói rằng nó không liên quan đến họ.

Trước các trận đấu quốc tế, các cầu thủ Iran thường hát quốc ca với bàn tay phải đặt trên trái tim. Nhưng vào hôm 21/11, họ đứng im lặng, cánh tay khoác lên vai nhau, khiến đài truyền hình nhà nước của Iran phải cắt các đoạn cận cảnh khuôn mặt của các cầu thủ và chuyển sang một cảnh quay rộng trên sân. Trong suốt trận đấu, các cầu thủ đã không ăn mừng hai bàn thắng của họ, một điều đã trở nên phổ biến trong các trận đấu của Giải Vô địch Quốc gia Iran kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Câu hỏi về việc có nên cổ vũ cho đội tuyển quốc gia hay không đã chia rẽ người Iran. Nhiều người hiện coi sự ủng hộ dành cho đội tuyển Iran là sự phản bội đối với những phụ nữ và nam giới trẻ tuổi đã liều mạng trên đường phố.
“Phong trào phản đối đã làm lu mờ túc cầu”, Kamran, một Giáo sư ngôn ngữ học sống ở tỉnh Mazandaran, miền Bắc Iran, cho biết. “Tôi muốn Iran thua ba trận (vòng bảng) này”.

Những người khác khẳng định đội tuyển quốc gia, bao gồm các cầu thủ đã lên tiếng trên mạng xã hội để thể hiện tình đoàn kết với các cuộc biểu tình, là đại diện cho người dân đất nước chứ không phải các giáo sĩ Shiite cầm quyền. Tiền đạo ngôi sao của đội, Sardar Azmoun, đã lên tiếng trên mạng về các cuộc biểu tình. Tiền đạo này bị ngồi ghế dự bị trong suốt trận đấu hôm 21/11, trước sự thất vọng của những người hâm mộ, những người nói rằng họ đã mong thấy anh ấy thực hiện một cử chỉ phản đối trên sân. Hai cựu ngôi sao túc cầu Iran thậm chí đã bị bắt vì ủng hộ phong trào này.

Ali Jassim, một cổ động viên 14 tuổi của Iran, nói cậu chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng chính trị đang ảnh hưởng đến thành tích của đội, khi đội tuyển Anh vượt lên dẫn trước 3-0 trong hiệp một.
“Tôi không biết làm thế nào họ có thể tập trung trong một sân vận động có rất nhiều người muốn họ thất bại”, Jassim nói.

Chính phủ Iran đã tìm cách khuyến khích người dân ủng hộ đội của họ chống lại kẻ thù truyền thống của Iran. Đội Iran sẽ đấu với đội Mỹ vào ngày 29/11 – một màn đấu gây tranh cãi mà trước đây đã diễn ra lần cuối tại World Cup 1998 ở Pháp.

Các nhà quan sát cho rằng các cầu thủ Iran có khả năng phải đối mặt với áp lực của chính phủ để không đứng về phía các cuộc biểu tình. Hiện tại, các vận động viên Iran đang chịu sự giám sát rất lớn.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thúc giục chính phủ của ông chuẩn bị cho các vấn đề tiềm ẩn. Iran International, kênh tin tức tiếng Farsi do Ả Rập Xê-út tài trợ thường đưa tin về phe đối lập Iran, cho biết rằng chính quyền Qatar đã cấm các phóng viên của họ tham dự World Cup dưới áp lực của Iran.

Khi vận động viên leo núi người Iran Elnaz Rekabi thi đấu ở Nam Hàn mà không đeo khăn trùm đầu bắt buộc theo lệnh của nhà nước, cô ấy đã trở thành một điểm sáng của phong trào phản đối.
“Cuối cùng thì, tôi muốn các cầu thủ đạt được ước mơ của họ”, Mariam, một người hâm mộ thể thao 27 tuổi và là sinh viên ngành quan hệ quốc tế đến Doha từ Tehran để xem trực tiếp trận đấu túc cầu nam đầu tiên trong đời của cô, nói. “Không phải lỗi của họ mà là xã hội của chúng tôi quá phân cực”.

Mariam cho biết một thành quả lớn đối với những người phụ nữ biểu tình ở trong nước sẽ là có được sự lựa chọn có đeo khăn trùm đầu hay không
“Nhưng sau đó, phụ nữ sẽ chiến đấu cho quyền được có mặt ở các sân vận động”, cô nói.

Các Đội Tuyển World Cup Phải Từ Bỏ Đeo Băng ‘Cầu Vồng’ Vốn Nhắm Làm Bẽ Mặt Qatar


(Hình: Đội trưởng tuyển túc cầu Anh Harry Kane đeo băng ‘cầu vồng’ khi quỳ gối trước một trận đấu ở Giải Chung kết Túc cầu Âu Châu Euro 2020.)

Việc Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) đe dọa trừng phạt các cầu thủ trên sân đã khiến các đội dự Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup) phải lùi bước hôm 21/11/2022 và từ bỏ kế hoạch để đội trưởng của họ đeo chiếc băng được coi là nhằm phản đối thành tích nhân quyền của quốc gia đăng cai Qatar.

Chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi những cầu thủ đầu tiên đeo băng đội trưởng ủng hộ chiến dịch “One Love” (Một Tình yêu) chuẩn bị ra sân thi đấu, cơ quan quản lý môn túc cầu toàn cầu đã cảnh báo rằng họ sẽ ngay lập tức bị phạt thẻ vàng. Một cầu thủ nhận hai thẻ vàng liên tiếp sẽ bị đuổi ra khỏi trận đấu đó và cũng sẽ không được tham gia trận tiếp theo.
Điều này đã làm cho bảy đội bóng Âu Châu phải thay đổi tính toán của họ, mà trước đó có thể họ chỉ dự kiến đơn thuần là bị phạt tiền. Việc đeo băng này là vi phạm các quy tắc của FIFA.

Đây là vụ tranh chấp mới nhất và có nguy cơ làm phủ bóng mây lên các trận đấu. Kể từ khi được trao quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, quốc gia theo đạo Hồi bảo thủ Qatar đã phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích, bao gồm cả việc họ đối xử với công nhân và phụ nữ nhập cư bị trả lương thấp và sự đàn áp quyền tự do ngôn luận. Qatar đặc biệt bị chỉ trích vì tội hình sự hóa đồng tính luyến ái.

Quyết định này được đưa ra ba ngày sau khi việc bán bia tại các sân vận động bất ngờ bị cấm dưới áp lực của chính phủ Qatar và hai ngày sau khi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đưa ra một tràng diễn văn đặc biệt bênh vực hồ sơ nhân quyền của nước chủ nhà.

Đội trưởng của bảy quốc gia Âu Châu đã tuyên bố sẽ đeo băng đội trưởng mang biểu tượng hình trái tim, với logo màu sắc cầu vồng của chiến dịch “One Love”, nhằm thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng trong túc cầu và trong xã hội. Điều đó đặt ra viễn cảnh người xem trên toàn thế giới sẽ thấy một biểu tượng không đồng tình với nước chủ nhà và sự thách thức đối với FIFA trên cánh tay của các đội trưởng Harry Kane của Anh, Virgil van Dijk của Hòa Lan và Gareth Bale của Xứ Wales vào ngày 21/11.
Nhưng cuối cùng, các đội cho biết họ không thể đánh đổi thành công của mình trên sân cỏ.

“Với tư cách là các liên đoàn quốc gia, chúng tôi không thể đặt các cầu thủ của mình vào vị trí mà họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt thể thao, bao gồm cả việc nhận thẻ phạt”, bảy liên đoàn túc cầu cho biết trong một tuyên bố chung, ý muốn nói đến việc các cầu thủ sẽ bị nhận thẻ vàng nếu đeo những chiếc băng này.
Các đội trưởng của Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Đan Mạch cũng đã cam kết sẽ đeo băng ‘cầu vồng’ trong những ngày tới.
“Ưu tiên số 1 của chúng tôi tại World Cup là giành chiến thắng trong các trận đấu”, liên đoàn túc cầu Hòa Lan cho biết trong một tuyên bố riêng rẽ. “Vì vậy thì bạn không muốn đội trưởng của mình bắt đầu trận đấu với một thẻ vàng”.

Nguy cơ nhận thẻ vàng thứ hai đặc biệt nguy hiểm trong một giải đấu mà các đội chỉ chơi ba trận trước khi vào vòng loại trực tiếp. Một cầu thủ nhận hai thẻ vàng sẽ bị đuổi khỏi sân trong phần còn lại của trận đấu và bị cấm thi đấu trận tiếp theo

Các liên đoàn túc cầu quốc gia và các hiệp hội người hâm mộ đã chỉ trích FIFA vì quyết định phạt các cầu thủ. Giám đốc điều hành liên đoàn túc cầu Đan Mạch, ông Jakob Jensen, nói với đài truyền hình Đan Mạch TV2 rằng tổ chức của ông “vô cùng thất vọng với FIFA”, trong khi Chủ tịch liên đoàn túc cầu Đức Bernd Neuendorf gọi việc cấm đoán này là “một đòn hạ cấp nữa”.

“FIFA ngày hôm nay đã cấm đưa ra tuyên bố về sự đa dạng và nhân quyền – đó là những giá trị mà họ đã cam kết trong các quy chế riêng của mình”, ông Neuendorf nói với các phóng viên tại Qatar. “Theo quan điểm của chúng tôi, đây là sự kiện khiến nản lòng hơn cả và cũng là một sự việc chưa từng có trong lịch sử World Cup”.

Liên đoàn cầu thủ toàn cầu FIFPRO gọi động thái của FIFA là “đáng thất vọng”.
“Các cầu thủ phải có quyền bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với nhân quyền trong và ngoài sân cỏ và chúng tôi sẽ ủng hộ bất kỳ ai trong số họ sử dụng nền tảng của riêng họ để làm như vậy”, liên đoàn cho biết. “Chúng tôi bảo lưu ý kiến rằng lá cờ cầu vồng không phải là một tuyên bố chính trị mà là sự tán thành quyền bình đẳng và do đó là một quyền phổ quát của con người”.

Hiệp hội những người ủng hộ túc cầu Anh (FSA) cho biết họ cảm thấy bị FIFA phản bội.
“Hôm nay, chúng tôi cảm thấy khinh thường một tổ chức đã thể hiện đúng giá trị của mình bằng cách giơ thẻ vàng ra cho các cầu thủ và giơ thẻ đỏ ra cho sự dung thứ”, FSA cho biết.

Liên đoàn túc cầu Bỉ bày tỏ sự thất vọng rằng FIFA đã không hành động sớm hơn để giải quyết một vấn đề đã bắt đầu từ hai tháng trước, mà thay vào đó chỉ đưa ra quyết định ngay trước khi 3 đội bước vào trận đấu buổi sáng ngày 21/11. Liên đoàn Bỉ nói rằng các nước Âu Châu “đã nhiều lần cố gắng tránh làm leo thang sáng kiến này... nhưng chúng tôi đã không nhận được phản ứng nào”.

Ông Gurchaten Sandhu của Hiệp hội quốc tế về Đồng tính, Song tính, Chuyển giới và Liên giới tính (ILGA) có trụ sở tại Geneva, nói rằng FIFA đã đặt “các cầu thủ vào một vị trí rất, rất khó xử”.
“Bạn đã trói tay các đội tuyển quốc gia lại. Mà họ ở đó là để thi đấu”, ông Sandhu nói.

Ông cũng chỉ trích bài phát biểu của ông Infantino hôm 19/11, trong đó Chủ tịch FIFA bênh vực Qatar và rao giảng cho những người Âu Châu lên tiếng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của tiểu vương quốc này. Trong bài phát biểu đó, ông Infantino nói: “Hôm nay tôi cảm nhận được Qatar. Hôm nay tôi cảm nhận được Ả Rập. Hôm nay tôi cảm nhận được Phi Châu. Hôm nay tôi cảm nhận được sự đồng tính. Hôm nay tôi cảm nhận được sự tàn tật. Hôm nay tôi cảm nhận được một người lao động nhập cư”.

Ông Sandhu bóc mẽ sự lựa chọn từ ngữ của ông Infantino, và nói rằng: “Bạn không cảm nhận được sự đồng tính. Bạn mới là đồng tính”.
Không rõ liệu chính phủ chuyên quyền của Qatar có ảnh hưởng gì, nếu có, đối với quyết định cấm các đội trưởng đeo băng ‘cầu vồng’. Chính phủ và Ủy ban Tối cao về Tổ chức và Di sản của Qatar, cơ quan giám sát giải đấu World Cup năm nay, đã không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của AP.

Kế hoạch đeo băng ‘cầu vồng’ của các đội Âu Châu đã vi phạm các quy định của World Cup và các quy tắc chung của FIFA về trang thiết bị của đội tại các trận đấu của tổ chức này.“Đối với các trận đấu chung kết của FIFA, đội trưởng của mỗi đội phải đeo băng đội trưởng do FIFA cung cấp”, quy định về trang thiết bị của tổ chức này nêu rõ.

Cơ quan túc cầu này hôm 19/11 công bố một đề xuất, trong đó các đội trưởng của các đội đeo băng với các khẩu hiệu chung chung nói về ý thức xã hội. Theo sáng kiến này, những chiếc băng đội trưởng có ghi “Không phân biệt đối xử” – khẩu hiệu duy nhất được chọn phù hợp với mong muốn của các đội bóng Âu Châu – sẽ chỉ xuất hiện ở vòng tứ kết.

Hôm 21/11, cơ quan này đưa ra một thỏa hiệp, nói rằng đội trưởng của tất cả 32 đội bóng “sẽ có cơ hội” đeo chiếc băng với khẩu hiệu “Không phân biệt đối xử” trong các tất cả các trận ở vòng đấu bảng.


Tướng Pháp Gợi Ý Nên Lập “Điện Thoại Đỏ” Giữa Nga và NATO

(Phan Minh)

Tướng Jean-Paul Palomeros từng là tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Pháp từ năm 2009 đến 2012. Từ năm 2012 đến 2015, ông giám sát quá trình hiện đại hóa quân sự của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Sau sự việc phi đạn rơi xuống một ngôi làng Ba Lan hôm 15/11/2022, ông cho rằng nên tái lập một loại “đường dây nóng” mới giữa NATO và Mạc Tư Khoa, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ leo thang trong cuộc chiến tranh Ukraine. Một ngày sau, trên website tuần báo Pháp L’Express, tướng Palomeros nhận định: “Nếu Nga cố tình bắn phi đạn vào Ba Lan, đó là điều hết sức nghiêm trọng”. Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn.

***
Căng thẳng bất ngờ leo thang sau vụ phi đạn rơi xuống Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc này?

Jean-Paul Palomeros: Sự việc này nghiêm trọng, nhưng không quá nghiêm trọng. Sẽ là điều nghiêm trọng nếu Nga đã cố tình bắn phi đạn của mình vào Ba Lan và cùng lúc Mỹ lên gân thổi phồng sự việc. Và nếu chúng ta rơi vào tình thế leo thang, thì khó có thể làm giảm căng thẳng.

NATO có lường trước một kịch bản leo thang đột ngột không?

Jean-Paul Palomeros: Vào thời điểm diễn ra chiến tranh lạnh, điều đó đã được lường trước. Trước đây, đã từng có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự coi thường hoặc diễn giải sai mối nguy hiểm mà đối phương gây ra, để tránh dẫn đến cuộc đối đầu ác liệt giữa Liên Xô và Hoa Kỳ mà một khi đã bùng phát thì không thể nào ngăn chặn được. Hai bên đã từng có “đường dây nóng” cùng với các thỏa thuận quân sự cụ thể cho phép tạo ra các vùng đệm ở phía Đông Âu Châu, đặc biệt là ở biên giới giữa hai nước Đức.

Để giảm thiểu rủi ro, lực lượng Không quân của cả hai bên đã nhất trí sẽ không có máy bay hay phi đạn nào bay qua khu vực này. Điều này để tránh bất kỳ sự mập mờ nào về ý đồ của đối phương. Cần phải loại bỏ tất cả những điều không chắc chắn, loại trừ mọi hiểu lầm có thể khiến khởi phát căng thẳng. Vào thời điểm đó, tình hình hết sức căng thẳng, vì vậy, điều quan trọng là phải tránh cho điều tồi tệ nhất xảy ra. Dần dần, khi niềm tin giữa hai bên tăng lên, các biện pháp này theo một cách nào đó đã được “thể chế hóa”. Mặc dù đôi bên vẫn ở trong tình trạng căng thẳng, nhưng đã không xảy ra bất kỳ sự việc đáng tiếc nào liên quan đến phi đạn. Tình hình giờ đây thì khác.

Ông có thể nói rõ hơn không?

Jean-Paul Palomeros: Một phi đạn rơi xuống một ngôi làng Ba Lan gần biên giới Ukraine và thành phố lớn Lviv. Điều này chưa bao giờ xảy ra. Nhưng kể từ khi xung đột bắt đầu, vẫn luôn có nguy cơ một phi đạn đi chệch hướng hoặc bị lập trình sai. Nhưng hãy bình tĩnh. Tình hình hiện nay thực sự mơ hồ khiến cho quá trình phân tích trở nên khó khăn. Phi đạn rơi xuống Ba Lan là phi đạn S-300. Tuy nhiên, loại phi đạn này do Nga sản xuất, được cả Nga lẫn Ukraine sử dụng.

Ukraine sử dụng nó như một phi đạn phòng không (địa đối không), đó là chức năng ban đầu của nó, trong khi Nga sử dụng nó như một phi đạn-đạn đạo (địa đối địa). Vậy chúng ta có thể có nhiều cách nhìn nhận vấn đề. Phi đạn này của nước nào? Dường như đó là một phi đạn được Ukraine sử dụng với chức năng ban đầu nhưng bị rơi ở Ba Lan, ở dạng mảnh vỡ hoặc toàn bộ phi đạn.

Liệu ý kiến cho rằng có thể Nga cố tình phóng phi đạn để thử khả năng phản ứng của NATO?

Jean-Paul Palomeros: Tôi không nghĩ vậy. Việc bắn phi đạn vào một ngôi làng nhỏ ở biên giới không thể được coi là một cuộc thử nghiệm chính đáng. Một ngôi làng như vậy không phải là một mục tiêu đáng kể. Hơn nữa, Nga đang có những vấn đề khác phải lo. Hiện tại, họ không có nhu cầu hoặc lợi ích gì trong việc khiêu khích Mỹ hay NATO hoặc bất kỳ ai khác.

Tuy nhiên, việc Ba Lan phản ứng mạnh mẽ là điều hiển nhiên. Sự việc xảy ra trên lãnh thổ của họ. Họ yêu cầu tổ chức một cuộc họp tham vấn với NATO. Đây là chuyện bình thường và được dự báo từ trước. Sự việc này có lẽ sẽ khiến các bên phải suy nghĩ về cách kiểm soát rủi ro tốt hơn thông qua các cơ chế đối thoại với Nga, như vào thời điểm diễn ra chiến tranh Lạnh. Bởi vì gần như chắc chắn, những sự việc kiểu này sẽ lại xảy ra.

Tại sao lại thế?

Jean-Paul Palomeros: Bởi chiến tranh đang diễn ra ở biên giới Ba Lan, kể từ khi ông Putin oanh kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố ở phía Tây Ukraine (nơi có nhiều người tị nạn sinh sống và có rất nhiều thiết bị được lắp đặt), cho nên một sự việc tương tự có thể xảy ra. Các vụ oanh kích diễn ra càng sát biên giới thì nguy cơ phi đạn đi chệch hướng hoặc bị lập trình sai càng lớn.

Vậy căng thẳng vẫn có thể leo thang?

Jean-Paul Palomeros: Nếu một phi đạn vượt qua biên giới và rơi vài chục cây số bên trong Ba Lan hoặc một quốc gia NATO khác, thì điều đó rõ ràng hơn. Học thuyết của NATO chỉ rõ rằng chỉ cần một tấc đất nhỏ nhất của lãnh thổ NATO bị Nga tấn công hoặc đe dọa, thì Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ có phản ứng. Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra sẽ là vụ phóng phi đạn này do vô tình hay cố ý? Nếu là cố ý, thì mọi chuyện không phải là nghiêm trọng mà là rất nghiêm trọng.

NATO đã lường trước mọi kịch bản để sẵn sàng trả đũa nếu thực sự bị tấn công?

Jean-Paul Palomeros: Tất cả các kế hoạch và hoạt động của NATO đều nhằm mục đích dự đoán tương lai. Nhiều cuộc tập trận quân sự được tiến hành theo hướng này. Và kể từ cuộc xâm lược Crimea của Nga vào năm 2014, NATO đã có những nỗ lực tăng cường ngân sách, gia tăng các kế hoạch và tăng cường lực lượng phương Tây ở biên giới phía Đông của Âu Châu. Pháp cũng có mặt ở Lỗ Ma Ni và các nước vùng Baltic, nơi chúng ta góp phần bảo đảm an toàn không phận.

Mọi người đều biết rằng một cuộc tấn công trực diện lớn của Nga chống lại NATO dường như khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, không thể loại trừ hành động tấn công được thực hiện bằng phi đạn. Để tránh cho điều này xảy ra, Hội đồng NATO-Nga đã được thành lập và được duy trì đến năm 2014. Thật đáng tiếc là chúng ta đã không thể duy trì hoạt động của hội đồng vì cơ chế tham vấn này sẽ rất hữu ích vào thời điểm hiện tại. Chúng ta không hẳn đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng chúng ta đang ở trong một tình thế có nhiều rủi ro.

Vài tháng trước, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ tiêu diệt hạm đội Nga ở Biển Đen và tất cả các vị trí của Nga ở Ukraine nếu Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí hóa học hoặc nguyên tử....
Jean-Paul Palomeros: Đối với tôi, dường như cuộc thảo luận về mối đe dọa nguyên tử đang giảm xuống nhanh chóng và đó là điều đáng mừng, mặc dù vẫn luôn có những người như Dmitri Medvedev tiếp tục tỏ ra hiếu chiến. Mọi người dường như đã thức tỉnh. Chiến tranh nguyên tử là một vấn đề quá nghiêm trọng để có thể đề cập hàng ngày như thể đó là chiến tranh sử dụng các vũ khí quy ước. Vũ khí nguyên tử đã quay trở lại đúng vị trí của mình, tức là vũ khí chiến lược. Các bên đều hài lòng về điều đó, cả Nga lẫn chúng ta. Nếu chúng ta có thể ngừng việc tầm thường hóa vũ khí nguyên tử, thì sẽ không ai bị thiệt.

Vậy Nga có sợ NATO không?

Jean-Paul Palomeros: Họ hiểu rằng đó là một lực lượng đáng gờm với sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ và hai cường quốc nguyên tử khác là Pháp và Anh. Đúng, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất mạnh. Nhưng điều khiến Nga thực sự sợ là thứ mà NATO đại diện, cụ thể là một chiếc dù bảo vệ cho các nền Dân chủ và tự do. Họ biết rất rõ rằng NATO không xâm lược các quốc gia mà ngược lại, hỗ trợ các quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền của mình. Đây chính là lý do tại sao Vladimir Putin tấn công Ukraine, ông ta cảm thấy làn gió dân chủ và tự do đang thổi quá gần biên giới nước Nga. Từ quan điểm đó, vấn đề của ông ta không phải là quân sự, mà là chính trị.

Phản ứng tối đa của NATO sẽ là gì trong trường hợp xảy ra sự việc nghiêm trọng, chẳng hạn nếu một phi đạn rơi xuống một thành phố hoặc một trường học của Ba Lan?

Jean-Paul Palomeros: Chúng ta đang bước vào một lĩnh vực vừa mang tính suy đoán và vừa kín đáo (không làm ầm ĩ). Đối với NATO và Liên Hiệp Âu Châu (EU), họ có nguyên tắc đáp trả dần dần hoặc tương xứng, thể hiện qua hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đã được áp dụng, chưa kể viện trợ quân sự cho Ukraine. Phương Tây có tầm nhìn khái quát về vấn đề này. Và suy đoán về một kịch bản có thể xảy ra là rất khó. Trên thực tế, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào thái độ của hai bên, cụ thể là thái độ của Nga. Liệu Nga có thừa nhận sai lầm của mình và thẳng thắn xin lỗi hay họ sẽ hoàn toàn phủ nhận? Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt, bởi NATO có phương tiện để nhận biết và chứng minh nguồn gốc của bất kỳ vật thể nào bay qua Ukraine.

Trong trường hợp căng thẳng leo thang, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở biên giới. Liên minh sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa? Đó là câu hỏi lớn. Tất cả phụ thuộc vào bối cảnh vốn rất khó dự đoán. Có rất nhiều sách khoa học viễn tưởng về chủ đề này và hơn nữa, điều này không quá xa thực tế. Cá nhân tôi nghĩ rằng tình hình sẽ phải nghiêm trọng hơn là một vụ phi đạn đi lạc để có thể gây ra leo thang căng thẳng. Đó phải là việc Nga cố ý tấn công. Nhưng với tương quan lực lượng hiện tại, tôi nghĩ điều đó khó có thể xảy ra. Nhưng vẫn có khả năng xảy ra những kịch bản khác. Các sự kiện quân sự có thể xảy ra ở những nơi khác như ở Biển Đen, ở Địa Trung Hải hay biển Baltic, trong vùng biển hoặc không phận quốc tế. Vì vậy, chiến tranh vẫn chưa đến hồi kết thúc.


Nhà Máy Nguyên Tử Ukraine Bị Pháo Kích, Liên Hiệp Quốc Cảnh Báo: ‘Quý Vị Đang Đùa Với Lửa!’


(Hình: Ảnh chụp nhà máy nguyên tử Zaporizhzhia ngày 14/10/2022.)

Thông tấn xã Reuters cho hay nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia của Ukraine, nằm dưới sự kiểm soát của Nga, đã bị rung chuyển bởi pháo kích hôm 20/11/2022, khiến cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc lên án, cho biết các cuộc tấn công như vậy có nguy cơ gây ra thảm họa lớn.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) cho biết hơn chục vụ nổ đã làm rung chuyển nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu vào tối 19/11 và ngày 20/11.
Mạc Tư Khoa và Kyiv đều đổ lỗi cho nhau về vụ pháo kích vào cơ sở như họ đã làm nhiều lần trong những tháng gần đây sau các vụ nổ trước đó.

Ông Rafael Grossi, người đứng đầu IAEA, cho biết tin tức về vụ nổ này là vô cùng đáng lo ngại.
“Vụ nổ xảy ra tại địa điểm của nhà máy điện nguyên tử lớn này là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bất cứ ai đứng sau vụ này, nó phải dừng lại ngay lập tức. Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, quý vị đang đùa với lửa!” ông nói trong một tuyên bố.

Trích dẫn thông tin do quản lý nhà máy cung cấp, nhóm IAEA tại hiện trường cho biết đã có thiệt hại đối với một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị, nhưng không có thiết bị nào quan trọng đối với an toàn và an ninh nguyên tử cho đến nay.

Nhóm dự định tiến hành đánh giá vào ngày 21/11, Grossi cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau đó hôm 20/11.
Mặc dù vậy, nhà điều hành năng lượng nguyên tử Nga Rosenergoatom cho biết sẽ có những hạn chế đối với những gì nhóm có thể kiểm tra.


“Họ diễn giải nhiệm vụ của họ là không có giới hạn. Thực tế không phải như vậy”, ông Renat Karchaa, cố vấn cho CEO của Rosenergoatom, nói với hãng tin Tass.
“Nếu họ muốn kiểm tra một cơ sở không liên quan gì đến an toàn nguyên tử, quyền truy cập sẽ bị từ chối”.

Nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 điện năng của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga và đã nhiều lần buộc phải vận hành bằng máy phát điện dự phòng.

Các lò phản ứng đã ngừng hoạt động nhưng có nguy cơ nhiên liệu nguyên tử có thể quá nóng nếu nguồn điện chạy hệ thống làm mát bị cắt. Pháo kích đã nhiều lần cắt đứt đường dây điện.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn vào đường dây điện cung cấp cho nhà máy này, trong khi TASS dẫn lời Karchaa cho biết một số cơ sở lưu trữ đã bị Ukraine pháo kích.

Công ty năng lượng nguyên tử Energoatom của Ukraine cáo buộc quân đội Nga pháo kích vào địa điểm này và cho biết có ít nhất 12 phát đạn vào cơ sở hạ tầng của nhà máy.
Công ty này cho biết Nga đã nhắm mục tiêu cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm hạn chế hơn nữa nguồn cung cấp điện của Ukraine.

Lãnh Đạo AIEA Khẳng Định Nhà Máy Điện Nguyên Tử Zaporijjia Bị Tấn Công “Có Chủ Đích”

(Trọng Thành)

Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia miền Nam Ukraine, lớn nhất Âu Châu, hiện do Nga kiểm soát, một lần nữa bị tấn công hôm 20/11/2022. Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (AIEA) nhận định các cuộc tấn công là “hoàn toàn có chủ đích”.

Theo thông tấn xã AFP, trả lời đài Pháp BFMTV, Tổng Giám đốc AIEA, ông Rafael Grossi, cho rằng tình hình ‘hết sức nghiêm trọng”. Theo ông, khoảng một chục cuộc oanh kích đã đánh trúng vào một số khu vực “khá nhạy cảm” của nhà máy, “chủ yếu thuộc các nơi cất giữ nhiên liệu nguyên tử mới hoặc nhiên liệu đã qua sử dụng”. Lãnh đạo AIEA phẫn nộ kêu gọi “chấm dứt các hành động điên rồ” nhắm vào nhà máy điện nguyên tử.

Tổng Giám đốc AIEA không cáo buộc bên nào là thủ phạm, với nhận định “nhà máy điện nguyên tử nằm tại khu vực chiến sự, nơi các lực lượng Nga và Ukraine cùng lúc hoạt động, rất khó xác định trách nhiệm của bên nào”. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng Ukraine đã bắn khoảng 20 trái đại bác vào nhà máy. Về phần mình, Energoatom, Cơ quan Nguyên tử năng của Ukraine, cho biết rõ Nga đã tiến hành ít nhất 12 cuộc oanh kích nhắm vào nhà máy nguyên tử vào sáng 20/11, đồng thời tố cáo Mạc Tư Khoa một lần nữa sử dụng nguy cơ thảm họa nguyên tử “làm phương tiện bắt chẹt, gây nguy hiểm cho toàn thế giới”.

Người dân Ukraine tại khu vực phản ứng ra sao trước nguy cơ thảm họa nguyên tử?
Thông tín viên Maurine Mercier của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ miền Nam Ukraine gửi về bài phóng sự:

“Yuri, một quân nhân trạc bốn mươi, chuẩn bị trở lại mặt trận. Anh rất chú ý đến những tin tức không tốt đẹp liên quan đến vụ nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia bị tấn công, nhất là khi quân đội Ukraine đẩy Nga vào tình thế khó khăn. Anh lo ngại hơn bao giờ hết về phản ứng của con thú dữ bị thương.

Anh nói: “Họ không muốn hiểu rằng họ đang trong tình thế thê thảm. Vâng, dĩ nhiên là nguyên tử gây sợ hãi. Hãy xem những gì đã xảy ra ở Tchernobyl. Tôi không biết người Nga nghĩ gì. Họ bị mất trí rồi! Trên thực tế, tôi muốn nói với quý vị rằng, đó là một lũ ngu dốt!”.
Bên cạnh anh là người vợ, Genia cùng với hai đứa con, 13 và 12 tuổi. Toàn bộ gia đình từ đầu chiến tranh đến nay sống dưới hầm. Genia nói: “Trong trường hợp tai nạn xảy ra, chúng tôi không còn biết ẩn nấp ở đâu. Hầm chống phóng xạ của chúng tôi chẳng giúp được gì”.

Genia thường xuyên ra mặt trận để tiếp tế cho chồng và các đồng đội. Cô vốn là người quả cảm. Nhưng hơn cả bom đạn, giờ đây Genia sợ một thảm họa nguyên tử. Cô nói: “Trong chiến tranh, người ta lo lắng hơn cho con cái mình. Chúng tôi dù sao cũng đã nếm mùi cuộc sống, còn con cái tôi, chúng còn chưa được sống”.
Genia sắp khóc. Trong lúc chồng cô trở lại mặt trận, người phụ nữ 33 tuổi này còn phải đối mặt với nỗi sợ về một thảm họa nguyên tử”.

Hai thanh tra của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế có mặt thường xuyên tại khu vực nhà máy. Theo lãnh đạo AIEA, kết quả thẩm định sơ bộ về hậu quả của các vụ oanh kích sẽ được đưa ra trong sáng 21/11.


Mỹ Hối Thúc Ukraine Đàm Phán Với Nga Để Rảnh Tay Đối Phó Với Trung Quốc?

(Minh Anh)

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục thúc giục Kyiv nên tiến tới đàm phán với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh. Theo giới quan sát, trong ván cờ tay ba giữa Nga-Mỹ-Trung, nước Nga của ông Vladimir Putin xem như đã bị loại, giờ Hoa Kỳ muốn tập trung nguồn lực cho cuộc đấu tay đôi với Trung Quốc trong tương lai.

Hoa Thịnh Ðốn những ngày qua đưa ra nhiều tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ, kêu gọi Kyiv nên bắt đầu nghĩ đến đàm phán hòa bình. Tướng Mark Milley, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York tuần rồi cho rằng đôi bên nên “nắm bắt lấy thời điểm” khi mùa Đông đang tới, mọi chiến dịch quân sự cũng sẽ bị chậm lại. Nếu như nguồn hậu thuẫn của Mỹ đối với Ukraine là không suy giảm, thì sự ủng hộ này cũng ngày càng hướng đến việc kết thúc chiến tranh hơn là tiếp tục một cuộc chiến mà Hoa Thịnh Ðốn đánh giá là cả Nga và Ukraine khó có thể giành được chiến thắng quân sự.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Kyiv vẫn có tham vọng thu hồi toàn bộ các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, kể cả vùng bán đảo Crimea, bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Nhưng khát vọng tái chinh phục bán đảo Crimea của Ukraine đang làm dấy lên những lo lắng từ nhiều nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ.

Theo nhận định từ đại tá Peer de Jong, Phó Chủ tịch Viện Thémis, chuyên gia địa chính trị với kênh truyền hình Franceinfo TV, để thực hiện chiến dịch này, Kyiv sẽ cần rất nhiều đến nguồn hỗ trợ khí tài và tin tình báo từ Mỹ. Đối với Hoa Thịnh Ðốn, dù không công nhận việc sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng trợ giúp Ukraine tái chiếm Crimea rất có thể là bước tiến tới “đoạn tuyệt” bang giao với Nga.

Armelle Charrier, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế trên kênh France 24 lưu ý, trong cuộc chiến tranh Ukraine này, không chỉ có thách thức giữa Nga và Mỹ, mà còn có một thách thức Mỹ-Trung. Trong tính toán của Mỹ, chính quyền Biden hậu thuẫn Ukraine vì “cuộc đấu tranh dân chủ”, và vì vậy chấp nhận tạm đẩy lùi cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng họ sẽ là kẻ thù của nhau trong tương lai, trên bình diện kinh tế và chính trị.

Theo hướng này, Joe Biden không thể đến nói chuyện với Tập Cận Bình trong một thế yếu. Hoa Kỳ phải có một nền kinh tế vững mạnh cũng như là một đội quân hùng mạnh. Nếu Ukraine quyết định đánh chiếm lại bán đảo Crimea, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài, có nguy cơ làm tổn hại đến những kho vũ khí chiến lược vì phải tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine.

Đây chính là điểm khiến Hoa Thịnh Ðốn lo lắng. “Nếu phải cung cấp quá nhiều vũ khí và tài chánh cho Ukraine, Hoa Kỳ có nguy cơ tự làm suy yếu mình. Những loại vũ khí mà Hoa Thịnh Ðốn đặt trên lãnh thổ Âu Châu có nhiều rủi ro rơi vào tay quân Nga, để rồi bị bán lại cho Trung Quốc và có nguy cơ bị Trung Quốc sao chép, và sau này rất có thể bị Trung Quốc sử dụng để chống lại phương Tây”, theo như giải thích của bà Armelle Charrier.

Nỗi lo này của Mỹ không hẳn là vô căn cứ. Mạc Tư Khoa và Tehran, gần đây đã đúc kết được một thỏa thuận, theo đó, Iran cung cấp linh kiện và kỹ thuật cho Nga để chế tạo drone tự sát trên lãnh thổ Nga. Đổi lại, Mạc Tư Khoa sẽ giao cho Tehran ba chiếc phi đạn do Mỹ và Anh sản xuất để nước này có thể sao chép, chế tạo và sử dụng cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Tin Việt Nam

Cà Mau: Kỷ Luật Cảnh Cáo Nguyên Phó Giám Đốc Sở Y Tế


(Hình: Trụ sở Sở Y tế Cà Mau.)
- Truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 21/11/2022 - theo xác nhận thông tin từ một lãnh đạo Sở Y tế Cà Mau - cho hay nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau bị kỷ luật cảnh cáo về mặt đảng vì để vợ kinh doanh, hành nghề mình đang quản lý.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế bị kỷ luật liên quan đến việc kê khai tài sản không đúng quy định và cho vợ tham gia đấu thầu vật tư y tế liên quan công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế tỉnh Cà Mau.

Cũng trong ngày 21/11, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang đã có kết luận kiểm tra vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa vì để xảy ra nhiều vi phạm về đất đai.

Qua đó, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa kiểm điểm trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trước Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Đồng thời, ông Ngô Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy và ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa kiểm điểm trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về những vi phạm, khuyết điểm liên quan về quản lý đất đai trên địa bàn.


C03 Đề Nghị Truy Tố 17 Cán Bộ Cục Thuế Tp. HCM Liên Quan Vụ Thuduc House


(Hình minh họa)

- Mười bảy cán bộ Cục thuế Tp. HCM bị đề nghị truy tố liên quan vụ án xảy ra tại công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Thông tin trên được nêu trong kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế và Buôn lậu-Bộ Công an (C03) về vụ án xảy ra tại Thuduc House và được truyền thông nhà nước loan trong ngày 21/11/2022.

17 cán bộ Cục thuế Tp. HCM trong số 60 bị can bị C03 đề nghị truy tố về chín tội danh gồm buôn lậu; vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Cục phó Cục thuế Tp. HCM bị cáo buộc ký 15 quyết định hoàn thuế cho Thuduc House, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 365 tỉ.

Theo C03, từ năm 2017 đến 2019, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) điều hành nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để lập hồ sơ mua bán lòng vòng, xuất-nhập cảng hàng hóa linh kiện điện tử.

Sau khi làm thủ tục xuất cảng linh kiện điện tử đi Hoa Kỳ, Cam Bốt, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Tân Gia Ba, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Dũng chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thuduc House để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với tám công ty ngoại quốc.

Thuduc House sau đó lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế Tp. HCM đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 365 tỉ đồng. Từ các hồ sơ của Thuduc House gửi lên Cục Thuế Tp. HCM, đơn vị này đã giải quyết hoàn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 365 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo C03, Thuduc House không phải là đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của Bộ Tài chánh. Hợp đồng xuất cảng với ngoại quốc của Thuduc House là giả tạo....

Cũng theo C03, bà Hạnh biết rõ hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House có rủi ro, đã giao cho cấp dưới đề xuất kiểm tra nhưng không chờ kết quả kiểm tra mà vẫn duyệt ký 11 quyết định hoãn thuế cho công ty này. “Hành vi của bà Hạnh và một số cán bộ Cục Thuế Tp. HCM đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. C03 kết luận.


Cựu Thứ Trưởng Cao Minh Quang Nói Không Trực Tiếp Gây Ra Vụ Thâm Hụt Ngân Sách 3,8 Triệu Mỹ Kim


(Hình: Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang (áo trắng) tại tòa.)

- Vụ án liên quan đến sai phạm trong việc mua, sản xuất thuốc chống dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại công ty dược Cửu Long và một số đơn vị đang tiếp tục được Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử.

Tại buổi xử thứ hai diễn ra ngày 21/11/2022, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận có một phần trách nhiệm nhưng, sai phạm của ông, không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại hơn 3,8 triệu Mỹ kim.

Truyền thông nhà nước dẫn lời khai của ông Quang trước tòa rằng: “Bị cáo không thể kiểm tra toàn bộ các nội dung, nếu cấp dưới không báo cáo cụ thể và lưu ý cho bị cáo thì bị cáo cũng không chú ý “.

Ông Quang cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm là do phía Dược Cửu Long cố tình che giấu và lập lờ hồ sơ.

Trước đó, ông Lương Văn Hóa, cựu Tổng Giám đốc Dược Cửu Long thừa nhận trong phần thẩm vấn cùng ngày rằng trong hợp đồng ký kết giữa Dược Cửu Long và Bộ Y tế có điều khoản quy định công ty tiếp tục đàm phán với nhà sản xuất để được giảm giá nguyên liệu, trường hợp được giảm giá thì phải báo cáo Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Hóa phân bua việc không phải trả 3,8 triệu Mỹ kim nhưng không báo cáo với Bộ Y tế, vì phía Mambo chưa có trả lời chính thức về việc đồng ý giảm giá nên công ty cũng chưa báo cáo bằng văn bản với Bộ Y tế, mà dùng số tiền đó để trả lãi ngân hàng, bổ sung vốn do công ty lúc bấy giờ đang gặp nhiều khó khăn.

Thừa nhận trước tòa, ông Hóa nói: “Bị cáo đứng đây, biết là mình đã có lỗi. Bị cáo không có ý kiến gì với cáo buộc của Viện kiểm sát”.

Theo cáo trạng, năm 2005, dịch cúm A/H5N1 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir. Từ tháng Hai đến tháng 4-2006, Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir với giá 9,1 triệu Mỹ kim của Công ty Mambo (Tân Gia Ba). Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu Mỹ kim, còn lại 3,848 triệu Mỹ kim được trả chậm sáu tháng kể từ ngày nhận hàng.

Về sau, giá nguyên liệu giảm, ông Lương Văn Hóa chỉ đạo thuộc cấp đề nghị Công ty Mambo cho giảm giá số tiền 3,848 triệu Mỹ kim. Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, ông Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu, khiến ngân sách bị thiệt hại 3,848 triệu Mỹ kim (tương đương hơn 61 tỉ đồng).

Bình Dương: Khởi Tố, Bắt Tạm Giam Cựu Công An Phường Lập Chốt Bắt Xe Trên Tỉnh Lộ


(Hình: Tổ công tác gồm nhiều dân phòng, bảo vệ dân phố và người mặc thường phục (được cho là hiệp sĩ) do Trung úy Đại làm chỉ huy.)

- Cựu Trung uý Châu Thanh Đạo, người chỉ huy tổ công tác gần 20 người gồm dân phòng, bảo vệ dân phố, lập chốt bắt xe trên đường Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Bình Dương, đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Bình Dương cho truyền thông hay tin trên trong ngày 20/11/2022 sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Châu Thanh Đại, trước đó mang cấp hàm trung úy, công tác tại Công an phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Công an cũng đồng thời cho biết, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Đạo đã bị kỷ luật, tước danh hiệu Công an Nhân dân.
Theo công an, hồi tháng 4/2022, trung úy Châu Thanh Đại đã chỉ huy một tổ công tác gần 20 người gồm nhiều dân phòng, bảo vệ dân phố tự lập chốt tạm để bắt xe trên đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Thủ Dầu Một.

Nhóm dân phòng, bảo vệ dân phố này điều khiển xe đặc chủng và một số xe gắn máy cá nhân truy đuổi người vi phạm và đưa về chốt để trung úy Đại lập biên bản giải quyết. Một số người dân bị lập biên bản được trung úy Đại hẹn gặp tại trụ sở công an phường làm việc. Tại đây, ông Đại yêu cầu người vi phạm đưa tiền để ông ra kho bạc đóng giúp mà không đưa cho họ biên nhận hay hóa đơn gì.

Sau khi sự việc của nhóm ông Đại bị truyền thông phanh phui, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Công an tỉnh kiểm tra, xác minh. Qua đó, Công an thành phố Thủ Dầu Một đã cử đoàn kiểm tra xuống làm việc với những người liên quan, làm rõ thông tin và ông Đại bị điều chuyển về Công an thành phố Thủ Dầu Một, bị tạm đình chỉ công tác sau đó.

Cùng lúc đó, Uỷ ban Nhân dân phường Tân An đã ra quyết định tạm ngưng công tác đối với nhóm dân phòng, bảo vệ dân phố tham gia bắt xe vi phạm với ông Đại, để chờ kết quả xác minh từ công an.


Khởi Tố 13 Nhân Viên Công Ty Tài Chánh Mirae Asset, Chuyên Vu Khống Để Đòi Nợ


(Hình: Công an khám xét trụ sở công ty trên địa bàn quận 4.)

- Trong ngày 20/11/2022, Trưởng Công an quận 1, Đại tá Lê Hoàng Châu, cho truyền thông nhà nước hay 13 nhân viên của Công ty Mirae Asset Vietnam có trụ sở tại Sài Gòn do ông L.J quốc tịch Nam Hàn làm Tổng Giám đốc, đã bị bắt tạm giam do dùng thủ đoạn thu hồi nợ bất hợp pháp.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an Tp. HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người gồm Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tin, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, Trần Minh Tiến về tội “vu khống” theo điều 156 Bộ luật Hình sự.

Trưởng Công an quận 1 cho biết, Công ty Mirae Asset được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”.

Cũng theo thông tin ông Châu cung cấp, từ ngày 1/8/2016 đến nay, công ty Mirae đã thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3 (số 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4) để hoạt động thu hồi nợ. Khách hàng đến vay tại Mirae phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58% mỗi tháng, tương đương 55% mỗi năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.

Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ để nhân viên thực hiện việc thu hồi. Tuy nhiên, theo Đại tá Lê Hoàng Châu: “việc thu hồi nợ của công ty tài chánh là hợp pháp nhưng thủ đoạn của các nhân viên công ty trên là bất hợp pháp”.

Cụ thể, đối với nhóm nợ trên 180 ngày, nhân viên công ty sẽ gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay trả nợ.

Ngoài ra, theo thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự - các nhân viên công ty Mirae còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thu hồi nợ như xâm nhập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội và “khủng bố” người thân, đồng nghiệp người vay để đòi nợ. Ông Hưng cũng cho biết, qua điều tra xác định, các nhân viên đòi nợ của công ty này hưởng lợi lên đến 30% trên tổng số tiền thu nợ của khách hàng.

Cũng theo công an quận 1, các nạn nhân của công ty trên rải từ miền Trung trở vào. Hiện công an đã làm việc với 33 nạn nhân để củng cố tài liệu, chứng cứ nhằm tiếp tục điều tra.

Việt Nam, Lào và Cam Bốt Thống Nhất Thiết Lập Hội Nghị Cấp Cao Liên Quốc Hội


(Hình: Đại biểu Nhân dân, minh họa: Hội nghị tham vấn ủy ban đối ngoại Quốc hội ba nước Việt Nam-Lào-Cam Bốt hôm 18 và 19/10/2022 tại Lào Cai.)
- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào ngày 20/11/2022, vba nước Việt Nam, Lào, và Cam Bốt ký tuyên bố chung về việc thiết lập hội nghị cấp cao liên Quốc hội.

Thông cáo báo chí do Quốc hội Cam Bốt phát đi từ Nam Vang cho biết như vừa nêu. Theo đó, cơ chế hiện nay giữa Quốc hội ba nước được nâng lên thành hội nghị cấp cao. Mục tiêu nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam, Lào và Cam Bốt.

Cụ thể, ba phía nhắm đến công tác đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm và thực hành chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội ba bên; huy động nguồn tài chánh để tiến hành những chương trình, dự án trong khuôn khổ kế hoạch có tên Phát triển Khu vực Tam Giác Vàng.
Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước Việt- Miên- Lào sẽ được tổ chức hai năm một lần và đầu tiên sẽ diễn ra vào năm tới, 2023.

Tuyên bố chung vừa nêu được ký tại Nam Vang khi Chủ tịch Quốc hội ba nước Việt- Miên- Lào đang tham dự Đại Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43)


Chính Phủ Việt Nam và Cam Bốt Thúc Đẩy Hợp Tác Về Tôn Giáo


(Hình: Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam Vũ Hoài Bắc và Bộ trưởng Bộ Lễ nghi-Tôn giáo Cam Bốt Chhit Sokhon ký thỏa thuận hôm 21/11/2022.)

- Thỏa thuận hợp tác trong công tác tôn giáo giai đoạn 2022-2026 giữa Việt Nam và Cam Bốt được ký kết vào ngày 21/11/2022 tại Sài Gòn.

Truyền thông nhà nước loan tin cho biết Thứ trưởng Nguyễn Chiến Thắng của Bộ Nội vụ Việt Nam dẫn đầu phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ Hà Nội hội đàm và ký thỏa thuận với Đoàn Đại biểu Bộ Lễ nghi-Tôn giáo của Cam Bốt do ông Bộ trưởng Chhit Sokhon dẫn đầu.

Tin nói thỏa thuận mới kế thừa thỏa thuận ký kết vào tháng 2/2015 cũng tại Sài Gòn. Hai phía nói cùng tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo tại các địa phương biên giới; đặc biệt đối với Phật giáo.
Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có cộng đồng người Khmer Krom sinh sống và chủ yếu theo Phật giáo phái Nam Tông. Trong nhiều năm qua có cáo buộc từ cộng đồng này cho rằng chính quyền Hà Nội đàn áp những tiếng nói đối lập. Một số nhà sư Phật giáo người Khmer Krom chạy sang Cam Bốt khai rằng họ phải đi trốn vì bị cơ quan chức năng Việt Nam bách hại vì niềm tin tôn giáo….

Phía Việt Nam bác bỏ những cáo buộc như thế.

Bài Vở Nhận Định Thời Cuộc:

Trung Quốc Phủ Nhận Việc Dùng Vũ Lực Trục Vớt Mảnh Vỡ Phi Đạn ở Biển Đông


(Hình: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.)

Thông tấn xã Reuters cho hay hôm 21/11/2022, Trung Quốc phủ nhận việc một trong những tàu bảo vệ bờ biển của họ đã sử dụng vũ lực để trục vớt một mảnh phi đạn trôi trên đại dương trong khi mảnh vỡ này đang được một tàu Phi Luật Tân lai dắt ở Biển Đông kéo đi.

Một chỉ huy quân đội Phi Luật Tân trước đó cho biết tàu tuần duyên Trung Quốc đã “cưỡng đoạt” vật thể này bằng cách cắt dây buộc giữa mảnh vỡ này với một chiếc thuyền của Phi Luật Tân.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng vật thể này là mảnh vỡ từ bộ phận chịu trọng tải của phi đạn - lớp vỏ bảo vệ phần mũi của tàu vũ trụ - do Trung Quốc phóng.

Bà Mao nói: “Người của phía Phi Luật Tân đã trục vớt và lai dắt vật thể nổi trước. Sau khi hai bên đàm phán hữu nghị tại hiện trường, Phi Luật Tân đã bàn giao vật thể trôi cho chúng tôi”.
Bà Mao nói: “Làm gì có chuyện chúng tôi rình rập và chộp lấy vật thể đó”.

Phó Đô đốc Alberto Carlos, chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền Tây Phi Luật Tân, cho biết trong một tuyên bố rằng nhà chức trách đã cử một tàu đến kiểm tra vật thể sau khi nó được phát giác vào sáng sớm ngày 20/11, cách đảo Thị Tứ khoảng 730 mét về phía Tây.
Nhóm nghiên cứu đã buộc vật thể vào thuyền của họ và bắt đầu kéo nó đi trước khi tàu Trung Quốc tiếp cận và chặn đường của họ hai lần trước khi khai triển một chiếc thuyền bơm hơi cắt dây kéo, sau đó đưa vật thể này trở lại tàu tuần duyên, ông Carlos nói.

Sự việc xảy ra khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Phi Luật Tân hôm 20/11 để đàm phán nhằm khôi phục quan hệ với đồng minh Á Châu, vốn là trung tâm trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chống lại các chính sách ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Bà Harris, người có chuyến đi 3 ngày bao gồm một điểm dừng ở Palawan, một hòn đảo ở rìa Biển Đông, cũng sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa yêu sách bành trướng của Trung Quốc trong tuyến đường thủy đang tranh chấp, một viên chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết.
Thị Tứ, có tiếng Phi Luật Tân là Pagasa, ở gần Đá Xu Bi, một trong 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa mà Trung Quốc đã lắp đặt phi đạn đất đối không và các vũ khí khác.

Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ tiến hành xem xét kỹ lưỡng sự việc và đang chờ báo cáo chi tiết từ các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải.


Tù Nhân Lương Tâm Phan Văn Thu Mất Trong Trại Giam Vì Không Được Chăm Sóc Y Tế Kịp Thời


(Hình: Ông Phan Văn Thu tại phiên tòa ở tỉnh Phú Yên năm 2013.)

Tù nhân lương tâm Phan Văn Thu, người đang thụ án tù chung thân tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), mất ngày 20/11 sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.
Tin này được bà Nguyễn Thị Thập, vợ nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, được chồng bà cho biết trong buổi thăm gặp tại trại giam này vào cùng ngày.

Bà Thập được chồng cho biết hàng ngày ông Vịnh và ông Thu vẫn ngồi uống trà với nhau trong phòng giam vì họ ở cùng dãy buồng giam, chỉ cách nhau hai buồng. Bà Thập nói lại với RFA qua ứng dụng tin nhắn những gì chồng bà cho biết về ông Thu:
“Sáng hôm qua hai người vẫn ngồi như thường ngày tuy nhiên đến gần trưa ông kêu mệt, nên anh dìu ông về phòng và yêu cầu y tá trại xuống kiểm tra. Đến tối sức khoẻ của ông vẫn chưa chuyển biến tốt hơn.


Anh đã yêu cầu y tá trại phải lưu ý đến ông nhưng bên phía trại lại không mấy lưu tâm. Đến sáng nay bệnh của ông có dấu hiệu trở nặng, các anh em yêu cầu trại đưa ông đi cấp cứu nhưng không kịp. Ông mất vào lúc 9.30 sáng tại phòng giam”.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) có gọi điện cho Trại giam Gia Trung để xác định tin này nhưng không ai nghe máy.
Cô Bùi Ngọc Diện, con dâu ông Phan Văn Thu, xác nhận tin ông đã qua đời và cho biết gia đình hiện đang chuẩn bị tang lễ cho ông.

Ông Phan Văn Thu (hay còn gọi là Trần Công), sinh năm 1948. Ông đứng đầu Ân Đàn Đại Đạo (hay còn được biết đến với tên Hội đồng công luật công án Bia Sơn), một nhóm tôn giáo độc lập.
Nhóm của ông xây dựng khu du lịch sinh thái Đá Bia ở Phú Yên theo hướng “tiền sinh thái, hậu tổ đình” tại khu vực Suối Lớn, Đèo Cả, thuộc địa bàn xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Vào tháng Hai năm 2012, Công an tỉnh Phú Yên đột nhập vào khu này, sau đó tiến hành bắt giữ những người tham gia. Tổng cộng có 25 người bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và tội “Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép chất nổ”.

Năm 2013, ông Thu bị kết án chung thân. 21 người khác bị kết án cùng tội danh và bị án tù từ 10 năm đến 17 năm. Ba người bị kết án từ 3 đến 4 năm tù trong một phiên tòa khác vào năm 2014.

Hồi năm 2019, gia đình ông Phan Văn Thu cho RFA biết họ lo ngại về tình trạng sức khỏe của ông trong tù với các bệnh như tim mạch, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng thời tiết.
Vợ ông Thu là bà Võ Thị Thanh Thúy hồi năm 2019 cho biết gia đình đã làm đơn cho ông được đi khám chữa bệnh nhưng chỉ được một lần rồi thôi.
Ông Thu là người thứ hai trong nhóm này bị chết khi đang thi hành án tù. Năm 2019, ông Đoàn Đình Nam, khi đó 68 tuổi, chết trong Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Ông Nam bị kết án 16 năm tù giam. Sau bảy năm thụ án, ông Đoàn Đình Nam bị suy thận nặng và gia đình đã xin cho ông được tạm hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh. Tuy nhiên, phía trại giam đã khước từ.


Blogger Nguyễn Tường Thuỵ Được Trao Giải Thưởng Nhân Quyền Việt Nam 2022


(Hình: Blogger Nguyễn Tường Thụy cầm hoa tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội hôm 19/1/2014.)

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cùng 2 nhà hoạt động khác và Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao Giải thưởng Nhân quyền 2022 vì những đóng góp của họ cho phong trào dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết như vậy hôm 20/11.

Ngoài ông Thuỵ, những cá nhân khác được nhận giải bao gồm: nhà thơ Trần Đức Thạch, ông Lưu Văn Vịnh.

Tất cả những người được trao giải năm nay là tù nhân lương tâm, đang thi hành án tù dài hạn. Ông Nguyễn Tường Thuỵ (72 tuổi) đang thi hành án tù 11 năm về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”. Nhà thơ Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.

Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bao gồm ông Lưu Văn Vịnh và các ông Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc Hoàn, và Phan Trung. Tất cả đều bị kết án cùng tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” trong một phiên tòa tại Tp. HCM vào tháng 10/2018 với án tù từ tám đến 15 năm.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với RFA từ California:“Họ đã đấu tranh xả thân vì vấn đề nhân quyền và dân chủ. Thi sĩ Trần Đức Thạch và nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ dùng ngòi bút để diễn tả một cách bất bạo động ước vọng của họ. Ông Lưu Văn Vịnh và các bạn trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết hoạt động để kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân để người dân có toàn quyền lựa chọn thể chế chính trị mà họ muốn”.

Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, những người được chọn trao giải năm nay nằm trong số 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói với Ðài Á Châu Tự Do (RFA):
“Mục đích của Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam trước hết là để vinh danh những đóng góp của những người hoạt động nhân quyền Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là phương cách để nuôi dưỡng và động viên tinh thần cho những người đang và sẽ dấn thân vì sứ mệnh cao cả đó”.

Ông Nguyễn Tường Thuỵ là một trong những người sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam năm 2014. Ông được bầu là Phó Chủ tịch của tổ chức này cho đến khi bị bắt vào tháng 5/2020.

Đầu năm 2021, trong một phiên tòa kéo dài một ngày, ông cùng Chủ tịch Hội là ông Phạm Chí Dũng và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn của trang Việt Nam Thời báo bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Blogger Nguyễn Tường Thụy là người viết blog thường xuyên cho RFA về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, và xã hội.

Ông Trần Đức Thạch, 70 tuổi, là sĩ quan quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975.

Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020. Năm 2020, ông bị bắt với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền” và sau đó bị kết án 12 năm tù giam và ba năm quản chế.

Ông Lưu Văn Vịnh, 55 tuổi, tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông năm 2011. Ông bị bắt vào tháng 11/2016 và sau đó bị kết án 15 năm cùng bốn người khác trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết trong một phiên tòa năm 2018.

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc đã có các báo cáo xác định việc bắt giữ và kết án các ông Nguyễn Tường Thuỵ, Trần Đức Thạch và Lưu Văn Vịnh vi phạm luật pháp Việt Nam và các luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết và phê chuẩn.
Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại Đức nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2022.

Nhà Hoạt Động Môi Trường Ngụy Thị Khanh Được Giảm 3 Tháng Tù


(Hình: Bà Ngụy Thị Khanh là nhà hoạt động môi trường có tiếng ở Việt Nam.)

Bà Ngụy Thị Khanh, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng từng được giải thưởng quốc tế, đã được giảm án còn 21 tháng tù trong phiên xử Phúc thẩm hôm 21/11/2022 trên cơ sở ‘ăn năn hối cải’ và ‘có nhiều đóng góp’, hãng thông tấn Nhà nước đưa tin.
Trước đó, hồi 6/2022, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 24 tháng tù cho bà Khanh về tội ‘Trốn thuế’. Bà Khanh đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, bà Khanh đã không nộp thuế số tiền hơn 456 triệu đồng từ giải thưởng 200.000 Mỹ kim, tương đương hơn 4,5 tỉ đồng, mà bà được Quỹ môi trường Goldman trao cho giải Goldman Environmental Prize hồi năm 2018.
Tòa án lập luận giải thưởng quốc tế này ‘không thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân’ theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2006, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, và bà Khanh ‘đã không kê khai, không nộp thuế thu nhập cá nhân’ theo quy định.

Tòa Sơ thẩm nhận định việc bà Khanh trốn thuế là ‘nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản lý thuế của nhà nước, làm thất thu ngân sách, xâm hại đường lối phát triển kinh tế-xã hội..., cũng theo hãng thông tấn nhà nước.
Tự bào chữa trước Tòa Phúc thẩm, bà Khanh được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời đã ‘thừa nhận hành vi phạm tội’ và rằng bà ‘bị xét xử đúng tội, không oan’. Tuy nhiên, bà biện hộ sở dĩ bà không đóng thuế vì ‘nghĩ số tiền đó không phải là lợi nhuận từ việc kinh doanh mà là giải thưởng của sự đóng góp cho xã hội’.
Bà cũng nêu ra nhân thân tốt với bố mẹ từng được thưởng huân chương và bản thân bà được thưởng giấy khen để xin Tòa giảm án.

Luật sư của bà cũng chỉ ra các yếu tố nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã tự nguyện khắc phục hậu quả để Tòa xem xét như tình tiết giảm nhẹ cho bà Khanh, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.
Sau khi nghe bà Khanh và Luật sư của bà bào chữa cũng như xem xét những tài liệu mà Khanh đưa ra về đóng góp của bà trong phòng, chống dịch COVID-19, Tòa Phúc thẩm đã giảm cho bà ba tháng tù.

Bà Ngụy Thị Khanh làm Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, tức GreenID và Giám đốc Công ty cổ phần Sáng tạo Xanh Việt Nam, tức GREEN IN. Hai tổ chức của bà hoạt động trong lĩnh vực môi trường để đưa ra các giải pháp về nước sạch, năng lượng sạch và không khí sạch.

Bà Khanh được trao giải thưởng về môi trường hồi năm 2018 vì những thành tích hoạt động nhằm cắt giảm khí thải carbon ở Việt Nam trong lúc Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế sẽ đưa mức phát thải ròng của họ về không vào năm 2050.

Bản án Sơ thẩm được giới quan sát và hoạt động nhân quyền nhận định là sự trừng phạt bà Khanh về các hoạt động môi trường của bà. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ việc này và khẳng định bà Khanh bị bỏ tù ‘hoàn toàn vì trốn thuế’.
Bản án bà Khanh đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.

Ngộ Độc ở Nha Trang: 1 Trẻ Em Chết, Hơn 20 Em Chuyển Nặng


(Hình: iSchool là một trường tư thục lớn ở Nha Trang với hơn 1.000 học sinh.)

Một em nhỏ 6 tuổi đã chết cùng hơn 20 em diễn biến nặng sau một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại một trường tư thục ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhà chức trách tỉnh này cho biết.
Trong lúc này, các Bác sĩ và chuyên gia về ngộ độc thực phẩm ở Sài Gòn đã được nhà trường mời ra Nha Trang để hỗ trợ cho các Bác sĩ ở đây điều trị cho các nạn nhân.

Vụ ngộ độc xảy ra sau bữa ăn trưa tại trường iSchool vào ngày 17/11/2022 với hàng trăm học sinh có các triệu chứng như sốt, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Khẩu phần ăn của các em hôm đó gồm các món thịt gà luộc, rau, sốt trứng, trang mạng Vietnamnet cho biết.

Tổng cộng có 600 em đã đến các bệnh viện ở Nha Trang để khám, 360 em trong số đó nhập viện, báo chí trong nước dẫn thông tin từ Sở Y tế Khánh Hòa cho biết. Một học sinh lớp Một tử vong khi đang trên đường được chuyển từ Nha Trang vào Sài Gòn điều trị hôm 21/11.

Trước khi chết, em nhỏ này bị đau bụng, ói và được gia đình đưa vào Bệnh viện 22/12 hôm 18/11. Tại đây, em được chẩn đoán là ‘bị viêm dạ dày ruột cấp’ và được điều trị bằng kháng sinh, bù dịch, điện giải, Vietnamnet cho biết, nhưng không thuyên giảm mà lại ‘có dấu hiệu mệt mỏi, co giật, ngưng tim’ nên đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Các Bác sĩ ở đây chẩn đoán em bị ‘ngộ độc thực phẩm’ và ‘sốc nhiễm trùng’ và quyết định chuyển bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi đồng 2 ở Sài Gòn nhưng khi đến tỉnh Ninh Thuận thì không qua khỏi

Hiện còn 266 em vẫn đang được điều trị, trong đó có 21 em chuyển nặng. Tuy nhiên, các Bác sĩ vẫn chưa có phác đồ điều trị vì đến giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc, cũng theo báo mạng này.
Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu thức ăn để xét nghiệm độc tố và đến ngày 23/11 mới có kết quả, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Trong lúc này, iSchool ở Nha Trang đã cho học sinh nghỉ học tạm thời trong khi đợi kết quả điều tra và cũng đã cho đóng cửa bếp ăn là một cơ sở bên ngoài ký hợp đồng với trường, cũng theo tờ báo này.
Theo kết quả làm việc của phái đoàn kiểm tra bao gồm công an, cán Bộ Y tế và cán bộ vệ sinh an toàn thực phẩm thì nhà bếp của cơ sở cung cấp bữa ăn cho trường ‘có đầy đủ giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm’.


Bỏ Điện Than Để Thực Hiện Cam Kết Khí Hậu: Thách Thức Lớn Đối Với Việt Nam

(Thanh Phương)
Làm sao tiến tới từ bỏ điện than để thực hiện các cam với với quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đó chính là thách thức rất lớn đối với Việt Nam, trong bối cảnh mà Việt Nam hiện đang phải nhập thêm than để đáp ứng nhu cầu sản xuất điện năng trong nước.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu toàn cầu COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập (6-18/11/2022), phái đoàn Việt Nam đã “tái khẳng định cam mẽ” cam kết của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trước đó, tại hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, ngày 4/11/2021, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam, cùng với nhiều vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức, đã cam kết dần dần ngừng sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện. Các nước tham gia thỏa thuận này cam kết không đầu tư vào những nhà máy điện than mới ở trong nước và ở ngoại quốc.
Theo kế hoạch được chính phủ Anh công bố vào lúc đó, các nước giàu sẽ giảm dần sản xuất điện than trong những năm 2030. Thời hạn này sẽ được kéo dài đến những năm 2040 cho những nước nghèo, trong đó có Việt Nam. Cam kết nói trên của Việt Nam được quốc tế lúc ấy rất chú ý, bởi vì Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng điện than nhiều nhất thế giới.

Kể từ khi ký kết Hiệp định khí hậu Paris 2015, Việt Nam đã tỏ quyết tâm giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch, và trong những năm qua đã đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm lượng tiêu thụ các loại nhiên liệu này.
Nhưng gần đây, chính sách năng lượng của Việt Nam đã thay đổi theo chiều ngược lại, cụ thể là với việc chính phủ Hà Nội thông báo sẽ tăng nhập cảng than trong vòng 13 năm tới.

Các số liệu cho thấy lượng than tiêu thụ trong nước đã tăng nhanh từ 27,8 triệu tấn năm 2011 lên đến khoảng 53,52 triệu tấn năm 2021, tức là đã tăng gấp 2 lần trong vòng 10 năm
Theo bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam do Bộ Công thương đưa ra, với nhu cầu sử dụng than tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào 2030-2035, Việt Nam sẽ phải tăng nhập cảng than để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng than của Việt Nam sẽ lên đến khoảng từ 94-97 triệu tấn vào năm 2025 và tăng lên lên đến đỉnh khoảng 125-127 triệu tấn vào năm 2030. Sau đó nhu cầu sẽ giảm dần do nhiều nhà máy nhiệt điện than sẽ dừng hoạt động sau năm 2035, theo lộ trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam để đáp ứng mục tiêu giảm khí phát thải. Đến 2045, nhu cầu than sẽ giảm còn 73-76 triệu tấn/năm.

Trước mắt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm này, Việt Nam đã nhập đến 24,3 triệu tấn than để phục vụ các ngành công nghiệp. Việt Nam chủ yếu nhập cảng than từ 3 thị trường chính gồm Úc Ðại Lợi, Nam Dương và Nga.
Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, hiện nay điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất điện năng ở Việt Nam:
“ Việt Nam hiện nay vẫn dựa nhiều vào điện than, cụ thể làvào thời điểm này, xét về mặt công suất các nhà máy, điện than vẫn chiếm gần 50%, phần còn lại tiếp theo là điện khí, mà khí cũng là từ các mỏ trong nước, thế rồi thủy điện cũng còn có một vai trò. Mấy năm gần đây bắt đầu nổi lên điện gió và điện Mặt trời, nhưng tỷ lệ chỉ mới chiếm khoảng 10 hay 15% và việc phát triển còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, trong thời gian trước mắt, điện than vẫn đóng vai trò gần như là chủ lực. Hiện nay than sản xuất trong nước bắt đầu bị “lép vế” so với than nhập cảng. Than nhập cảng tăng mãi, lấn át than sản xuất trong nước.

Nhưng mà trong bản gọi là Quy hoạch điện 8 vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2050 đạt trung hòa carbon. Muốn như vậy, bản quy hoạch này ghi rõ đến năm 2050, điện than sẽ là zero. Cho nên điện than chỉ tăng cho đến thời gian trước mắt, nhưng sau năm 2045 sẽ giảm dần xuống còn 0, bởi vì điện than hiện nay, tuy chỉ mới ở mức đó thôi nhưng về phát thải khí CO2 chiếm đến 70%. Các năng lượng còn lại là chiếm 30% về phát thải CO2. Nhưng mình lại đưa ra cam kết, mà cam kết này cũng rất đúng, đó là không thể tăng lượng khí phát thải lên”.

Để giảm bớt lượng khí phát thải để thực hiện cam kết về khí hậu, Việt Nam phải tiếp tục phát triển các loại năng lượng khác, nhất là năng lượng tái tạo. Nhưng theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực này:
“ Dạng điện năng ít khí phát thải nhất vẫn là năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo của mình như điện gió và điện Mặt trời mấy năm nay phát triển khá mạnh. Bây giờ chúng ta cũng đã bắt đầu phát triển điện gió ngoài khơi, với công suất dự báo là sẽ tăng lên khá nhiều. Nhưng cũng có nhiều khó khăn, ngay cả về mặt pháp lý.

Ví dụ như điện gió và điện Mặt trời ở Việt Nam vài năm gần đây vẫn phải dựa vào giá khuyến khích. Giá khuyến khích là cao hơn giá thông thường, thì các nhà đầu tư mới đầu tư được. Nhưng bây giờ giá khuyến khích lần thứ hai cũng đã hết hạn rồi, trong khi đó rất nhiều đối tác tham gia vào các dự án này. Do đó, cơ sở pháp lý phải làm thế nào cho thật tốt để mọi người cùng tham gia thị trường tự do về điện, khuyến khích được các đầu tư, nhưng vẫn bảo đảm được lợi ích của những người tham gia.

Cho nên, bước trung gian có thể là phát triển điện khí. Điện khí thì có hai loại, trước hết là khí dẫn từ mỏ về nhà máy, chúng ta có những nhà máy như vậy với công suất cũng là khá lớn. Nhưng nguồn điện năng này cũng rất là hạn chế, vì nguồn mỏ khí ở ngoài biển đâu có nhiều. Do đó phải nghĩ đến chuyện nhập các khí hóa lỏng và xây dựng các nhà máy điện dùng khí hóa lỏng. Coi như là đến năm 2030, điện khí hóa lỏng trong nước có mấy nhà máy lớn, công suất tổng cộng khoảng 7.500 MW. Thế nhưng, sắp tới sẽ có 11 dự án điện khí và khí hóa lỏng, nhập khí hóa lỏng từ bên ngoài vào. Trong mấy năm tới, tổng công suất của chúng sẽ lên đến gần 20.000 MW. Đó sẽ là thành phần chủ yếu trong cơ cấu điện năng.

Ngay cả điện khí hóa lỏng và điện than thì cũng phải cả tiến kỹ thuật thì mới giảm được lượng khí CO2 và có được hiệu quả sử dụng.

Như vậy, chúng ta cũng có những khó khăn nhất định trong việc bảo đảm được một con đường giảm thiểu khí CO2 theo cam kết trung hòa carbon năm 2050, trong khi đó điện than hiện nay vẫn nắm vai trò chủ đạo”.

Cũng theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, trên con đường từ bỏ dần điện than, Việt Nam có thể áp dụng các kỹ thuật của những nước tiên tiến, đồng thời phải hoàn thiện về thể chế cho việc phát triển năng lượng sạch:
“ Ở các nước tiên tiến thì trong sản xuất điện than, có một hướng phát triển mới là than được đốt kèm với sinh khối và amoniac. Việt Nam cũng có kế hoạch sau 2035 sẽ đưa kỹ thuật này vào, một triển vọng rất lớn. Nhưng, như tôi nói khi nảy, bản thân Việt Nam phải hoàn thiện thể chế về thị trường điện, bởi vì bây giờ có rất nhiều đối tác nhảy vào, ví dụ như để làm khí hóa lỏng. Khí hóa lỏng đó phải được chở bằng những tàu khá lớn, phải có cảng nước sâu, phải có kho chứa.

Những điều này đã có trong kế hoạch của Việt Nam, nhưng bây giờ xây dựng như thế nào và phải làm sao để cho nhiều thành phần có thể tham gia vào thị trường này, mà vẫn bảo đảm được pháp luật và bảo đảm được lợi nhuận của các bên tham gia. Đó là một thách thức nữa của Việt Nam, chứ không chỉ có thách thức về kỹ thuật.

Việc hợp tác với các nước tiên tiến như các nước G7 phải được đặt ra. Mới đây, ví dụ như Nam Dương, qua hội nghị COP 27, đã được các nước tiến tiến hứa giúp thoát khỏi điện than. Chắc là họ phải có những kế hoạch rất cụ thể. Do đó hợp tác với các nước tiên tiến và tận dụng các kỹ thuật của những nước đó là rất quan trọng”.

Theo trang thông tin QUARTZ của Mỹ, để hỗ trợ Việt Nam trên con đường từ bỏ điện than, đẩy mạnh phát triển các năng lượng tái tạo, các nhà ngoại giao từ các nước trong nhóm G7 gần đây đã đề nghị Việt Nam làm ứng viên cho chương trình “ Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng Công bằng”, Just Energy Transition Partnership (JETP), trong thời gian diễn ra COP 27 ở Ai Cập. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về thỏa thuận này, do những bất đồng trong nước cũng như bất đồng của quốc tế về vấn đề nhân quyền, nợ quốc gia, tốc độ chuyển tiếp sang năng lượng sạch của Việt Nam và về các vấn đề khác.

Cũng theo trang thông tin QUARTZ, vào đầu năm nay, các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu và Anh Quốc cũng đã thương lượng với Việt Nam về một thỏa thuận trị giá 5 tỉ Mỹ kim để giúp Việt Nam đóng cửa các nhà máy điện than, nhưng Hà Nội vẫn ngần ngại, vì trong thỏa thuận này, Việt Nam phải chấp nhận một khoản nợ công rất lớn, mà Việt Nam thì không muốn phải vay tiền, cho dù được vay với lãi suất ưu đãi đến mức nào.


Lấy ‘Trong’ Dán Cho ‘Công Bộc’ Là... Dại!

(Thiên Hạ Luận, VOA’s Blog)


(Hình: Ông Trần Sĩ Thanh nhận quyết định làm phó Bí thư Thành Ủy Hà Nội từ ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, ngày 15/7/2022. Ông Thanh vừa phát biểu một câu trở thành trend trên mạng xã hội: “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!”)

“Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!”

Trân Văn

Gần đây, tính từ “trong veo” trở thành trend trên mạng xã hội Việt ngữ. Người ta cố tình gắn “trong veo” vào đủ loại chủ đề để bỡn cợt sau khi ông Trần Sĩ Thanh (Chủ tịch Hà Nội) khuyến khích thuộc cấp dũng cảm giải quyết “đất dịch vụ” – một nan đề có tính lịch sử và các viên chức đương nhiệm né tránh, không dám đụng vào: “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!” (1). Chẳng phải ông Thanh mà nhiều “công bộc” cũng không dè chỉ thế thôi mà thành... chuyện.

***
Sau khi Do Duy Ngoc bình: Giờ kiếm nước trong còn khó, làm sao kiếm ra quan trong veo nhỉ? Ông này nói như lên đồng. Cán bộ ta ai nói cũng hay như nhà văn viết chuyện viễn tưởng.... Cũng với ý đó Đỗ Hữu Thẩm “ôn cố, tri tân”: Mấy ông trước đây cũng nói như vậy,giờ thì nằm trong nhà đá hết rồi, chắc ông này sắp vô....

Từ thực trạng mà ai cũng biết, cũng thấy, Van Khoan Nguyen - một thân hữu khác của Do Duy Ngoc – đúc kết: Tất cả những người đang ở trong lò hiện nay đều trong veo trước khi bị phát giác. Có thể vì vậy nên Thuc Nguyen Nguyen than: Đầy dẫy tâm thần nặng chưa có thuốc chữa! Cũng có những người không chỉ trích mà... “bào chữa” cho ông Thanh, giải thích vì sao ông Thanh phát biểu, chẳng hạn như Ng Hoang: Không nói tụi nó tưởng mình câm! Hoặc Tuan Nguyen: Nói còn đỡ. Có anh còn viết thành sách dày cui luôn, tự diễn biến tự chuyển hóa chi đó (trường hợp ông Trương Minh Tuấn, tác giả “Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”, giờ đang thi hành bản án 14 năm tù vì nhận hối lộ) [2].

Cũng từ thực tế đã biết, đã thấy, Nhật Minh đề nghị: Xét theo tiêu chí chung, “trong veo” sẽ có ba cấp độ để xác định là Trong veo cao. Trong veo. Trong veo thấp. Huyên Tô nhất trí về việc phân chia “cấp độ” nhưng có... sửa chữa, bổ sung: Đúng vậy! Cần xây dựng cấp độ “trong veo”. Có thể là “Trong veo cao”, “Trong veo veo”; “Trong veo vừa vừa” và “Trong veo thấp”! Nguyễn Mạnh Hiệp không phản đối nhưng thắc mắc: Ai mà “Trong veo bốn lần” thì có được cấp... “Chứng chỉ Trong suốt” không? Nguyễn Công Liệt xuê xoa: Thôi kệ đi! Ta cứ tin mức “trong veo cao đi. Ở Hà Nội, ai lên cũng nói hay lắm. Sau đó đều vô Hỏa Lò, công thức nó vậy rồi! Tuy nhiên cũng có những người như Thành Nguyễn tâm sự: Đọc xong đề nghị, em nghĩ ngay đến sông Tô Lịch (3)!

***
Dường như ông Trần Sĩ Thanh đang “thi đua” với tiền nhiệm của mình (ông Chu Ngọc Anh, người đang bị tạm giam vì tham gia chống lưng cho Công ty Việt Á) về khả năng “ví von” khuấy động dư luận. Nếu ông Chu Ngọc Anh khiến công chúng ngỡ ngàng bởi... “bung, toang” thì ông Trần Sĩ Thanh – nhân vật kế nhiệm tiếp tục làm thiên hạ lắc đầu về những “ting ting, leng keng” (tháng trước, tiếp xúc cử tri trong vai ĐBQH, ông giải thích: Ai bị bắt đều có leng keng, ting ting cả) (4) và giờ tới... “trong veo”.

Đào Tuấn gọi mớ từ ngữ rổn rảng ấy là “bộ sưu tập của ông Thanh” kèm nhận xét: Đúng thế, giờ ông Thanh “trong veo” với những gì ở Thủ đô, sợ gì mà không làm. Như chuyện quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương, quy hoạch thủ đô kiểu “phá nát” đó, “trong veo” thì việc gì phải cố níu chuyện xây chung cư 45 tầng là... “đúng quy hoạch”. Hay chuyện cái loa phường, chuyện đá vĩnh cửu vỉa hè hay cái BRT thảm hại… “trong veo” thì việc gì cứ phải cố níu, lại còn bảo dân “đánh giá tốt” vì giúp giảm ùn tắc nữa. Hôm qua ông Thanh nhận chuyện Mê Linh là “lỗi của chúng ta”. “Lỗi của chúng ta” cũng có nghĩa là chẳng của ai cả. Nhưng từ giờ tất tật, nếu “bung, toang”, nếu không “trong veo” sẽ chẳng có “chúng ta” nào nhận lỗi thay ông đâu (5).

Giống như nhiều lần trước – dùng thơ thay cho việc đưa ra nhận định về các sự kiện, vấn đề thời sự, lần này, Bùi Chí Vinh cũng góp cho mạng xã hội bài Vịnh cái bọn “mình cứ trong veo thì sợ gì”. Bài thơ có những câu như thế này: ...Những thằng ăn vụng nói to. Đến khi thành củi, tò tò khóc than. Miệng quan có thép có gang. Ra Tòa đố dám phồng mang “bố mày”. Đứa ung thư, đứa dạ dày. Đứa đang tỉnh rụi bỗng say... tâm thần. Ăn thì vét háng nhân dân. Tù thì xin phép được chăm... mẹ già. Trong veo nhưng đục thấy bà. Cái tâm hắc ám ai mà tin bay. Đô trưởng ai cũng như ai. Lúc còn chễm chệ trên ngai “sợ gì”. Loa phường mỗi sáng thị uy. Khắp nơi trạm BOT tì tì thu ngân. Trong tù, “Đô” cũ quét sân. Ngoài tù, “Đô” mới hét ầm “trong veo” (6)....

**
Công cuộc phòng chống tham nhũng đã kéo dài ba thập niên, tuy gần đây số tham quan bị xử phạt kỷ luật, bị tống giam, bị phạt tù tăng vọt và dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ra sức khai thác các số liệu, các tình tiết liên quan đến giải quyết tham nhũng, tham quan để chứng minh thiện chí “chỉnh đốn” là... thật nhưng phản ứng của công chúng đối với việc ông Trần Sĩ Thanh cố ý hay vô tình dán “trong veo” vào “công bộc” chính là một trong những bằng chứng cho thấy công chúng có tin vào “chỉnh đốn” hay không!

Chú thích:








Bộ Trưởng: Nhà Giáo Hãy ‘Dẫn Đường’, Dạy ‘Tư Duy Độc Lập’; Giáo Sư: Bất Khả Thi


(Ảnh: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gặp các nhà giáo tiêu biểu hôm 18/11/2022.)

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam, ông Nguyễn Kim Sơn mới đây cho rằng các nhà giáo có trọng trách lớn là “người dẫn đường”, đồng nghĩa là họ có sứ mệnh “tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại”.
Ông Sơn phát biểu như vậy trong cuộc gặp với 400 nhà giáo tiêu biểu trên cả nước vào chiều ngày 18/11, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2022.

Giáo sư Mạc Văn Trang, một cựu nhà giáo và từng làm việc trong hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi nghỉ hưu vào năm 2002, nhận xét với Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) rằng ý kiến kể trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có nội dung “hay, tiến bộ, đáng mừng”, song chỉ mang tính hô hào:

“Những điều ông Bộ trưởng nói là những khẩu hiệu, những mong muốn rất tốt đẹp nhưng trong thực tế không thực hiện được, bởi cái bản chất của chế độ, của cơ chế này không cho người giáo viên tự do hành nghề, tự do sáng tạo, được độc lập để truyền bá kiến thức, dẫn dắt học sinh, để phát triển tư duy, sáng tạo của học sinh”.

Theo Giáo sư Trang, 84 tuổi, ở thời ông làm giáo viên cách đây 50 năm, nghề giáo được xem là nghề của sự tự do, tự giác, nhà giáo được thể hiện quan điểm, tri thức của mình để truyền bá cho học sinh. Vào thời đó, mỗi dịp nghỉ hè, các nhà giáo cũng được nghỉ ngơi nhiều.
Nhưng nhiều năm gần đây, hai điều này dần dần mất đi, Giáo sư Trang đưa ra quan sát. Vào kỳ nghỉ hè, các giáo viên phải “học tập, bồi dưỡng”, bên cạnh đó, quyền tự do sáng tạo của giáo viên bị “khống chế”, thậm chí bị bắt dạy theo giáo án mẫu, chưa kể đến phải tuân theo 15-20 chỉ tiêu thi đua, ông Trang nói.

Sự khống chế đến trực tiếp từ các Hiệu trưởng, Giáo sư Trang cho biết, căn cứ vào những điều mà nhiều giáo viên chia sẻ với ông. Hiệu trưởng không do Bộ trưởng Giáo dục hay Sở Giáo dục đề cử, mà do Ủy ban Nhân dân hay phòng giáo dục địa phương đề cử, nên có những vị Hiệu trưởng không am hiểu về quản lý giáo dục, thậm chí là người trái ngành nghề hoặc không có uy tín, ông Trang nhận xét, và nói thêm:

“Tôi nhận được nhiều thư của giáo viên, họ nói về Hiệu trưởng không ra gì cả. Hiệu trưởng có bộ phận tay chân để khống chế giáo viên. Có giáo viên nói về lạm thu trên Facebook thì bị Hiệu trưởng khiển trách, có nơi thì nói mọi thông tin của nhà trường thuộc bí mật quốc gia, cấm giáo viên để lộ ra ngoài. Hiệu trưởng cứ như là đại ca của một đám mafia như vậy”.

Trong những năm qua, như VOA đã đưa tin, Việt Nam đã bỏ tù một số nhà giáo và nhiều người thể hiện rằng họ mong muốn là người dẫn đường, có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại, như các ông, bà Nguyễn Năng Tĩnh, Bùi Văn Thuận, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, v.v….

Việc chính quyền Việt Nam lâu nay thực thi luật do họ soạn ra về hoạt động chống nhà nước và tuyên truyền chống nhà nước để bỏ tù những người bị xem là gây ra nguy hiểm cho chế độ là một thực tế “phải chấp nhận thôi”, Giáo sư Trang nói với VOA.
Điều này là một nguyên nhân sâu xa làm cho các nhà giáo “phải tự kiểm duyệt” trong giảng dạy, dẫn dắt học sinh, Giáo sư Trang đưa ra quan sát:

“Cũng chính vì cái đó, giáo viên người ta rất sợ. Họ nói theo giáo án, theo sách giáo khoa, không dám dạy cái gì bên ngoài nhạy cảm. Dạy lịch sử mà động đến vấn đề Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa thì sợ. Hay là chiến tranh ở Ukraine, lẽ ra giáo viên người ta dạy các giá trị phổ quát của nhân loại, phải nói rằng Nga đi xâm lược là sai, phi nghĩa; Ukraine là nước bị xâm lược, phải đấu tranh để bảo vệ độc lập tự do, giống như Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Trung Quốc là chính nghĩa, phải ủng hộ Ukraine chứ. Thế nhưng giáo viên không được nói điều đó”.

Giáo sư Trang cho rằng giới giáo viên “rất là khổ” khi “họ không còn tự do gì cả” cũng như “bị thụ động, sợ hãi, không dám nói gì ngoài sách giáo khoa, ngoài giáo án mẫu”.
Tình trạng phải tự kiểm duyệt, phải tự hạn chế này là “vấn đề rất lớn của thể chế, thuộc về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, chứ không phải chỉ là vấn đề riêng của giáo viên”, ông Trang nói với VOA.


Chất Bán Dẫn: Dầu Mỏ của Nền Kinh Tế Mới và Tham Vọng của Việt Nam


(Hình: Tại Hà Nội 16 năm trước, Chủ tịch Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) Morris Chang và phu nhân chụp ảnh cùng Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và phu nhân.)
Theo ước tính vào đầu năm 2022 của Awi Federgruen, Trưởng khoa Quản trị tại Trường Cao học Kinh doanh, Đại học Columbia, việc thiếu hụt chip điện tử toàn cầu mấy năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp không dưới 169 ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ, năm ngoái, do thiếu hụt chip điện tử, ngành sản xuất xe hơi phải giảm sản lượng, sản xuất ít hơn gần bốn triệu chiếc xe so với năm trước đó.

Có thể nói, chip điện tử đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế dựa trên kỹ thuật cao.

Chất Bán Dẫn Trong Chính Trị Quốc Tế

Theo một báo cáo của Boston Consulting Group, khoảng 75% công suất sản xuất chất bán dẫn, cũng như nhiều nhà cung cấp vật liệu quan trọng cho việc sản xuất chip - chẳng hạn như tấm silicon, chất cản quang, và các hóa chất đặc biệt khác - tập trung ở Trung Quốc và Đông Bắc Á.

Hơn nữa, tất cả năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới — ở mức dưới 10 nanomet — hiện nằm ở Nam Hàn (8%) và Đài Loan (92%). Đối với Hoa Kỳ, đây là khu vực có nhiều bất ổn địa chính trị. Nếu những bất ổn này gây gián đoạn quá trình sản xuất và cung cấp chip điện tử, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng.
Ngày 9/8/2022, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật CHIPS, chi 52,7 tỷ Mỹ kim cho “nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phát triển lực lượng lao động chất bán dẫn”, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chip điện tử sản xuất bên ngoài Mỹ. Nhưng theo một phân tích của Goldman Sachs, công bố ngày 26/10/2022, thì “Đạo luật CHIPS không có khả năng làm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Châu Á”.

Ngoài ra, để tránh rủi ro khi quá trình sản xuất những sản phẩm quan trọng, trong đó có chip điện tử, phụ thuộc vào Trung Quốc, Hoa Kỳ đã công bố chính sách “friend-shoring” (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện với mình), như Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói tại Atlantic Council hôm 13/4/2022.

Chip Điện Tử: Đài Loan-Trung Quốc Phụ Thuộc Lẫn Nhau

TSMC (Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan) cho biết doanh thu tháng tám khoảng bảy tỷ Mỹ kim, chiếm hơn một nửa sản lượng chip toàn cầu. Với vị thế này, TSMC trở thành “lá chắn” cho Đài Loan trước đe dọa về an ninh của Trung Quốc: cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần đến họ.

Theo báo cáo thường niên của TSMC, doanh thu tại Trung Quốc năm 2021 chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của công ty này. TSMC là công ty Đài Loan sản xuất chip lớn nhất thế giới. Xét từ phía Trung Quốc, trong sáu tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 79,4 tỷ Mỹ kim chip điện tử, trong đó Đài Loan chiếm 37,7%. Như vậy Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan 37,7% lượng chíp nhập khẩu, trong đó đa phần là của TSMC.

Ngược lại, Đài Loan cũng phụ thuộc vào Trung Quốc, tuy không phải ở lĩnh vực kỹ thuật cao. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan, Trung Quốc chiếm 42% còn Mỹ chiếm 15%. Do đó giả sử Trung Quốc cấm vận hoàn toàn hàng hóa của Đài Loan thì kinh tế Đài Loan sẽ gặp khó khăn lớn.


(Hình: Nhà máy của TSMC ở Đài Trung, Đài Loan.)

Việt Nam Muốn Sản Xuất Chip?

Trong bối cảnh đó, người ta thấy ở Việt Nam xuất hiện ước mơ sản xuất chip điện tử. Viettel tuyên bố đã thiết kế thành công chip trong thiết bị sử dụng cho trạm viễn thông 5G. Trong một diễn biến khác, ông Đỗ Cao Bảo, một lãnh đạo của Công ty FPT tuyên bố FPT đã “thiết kế và đặt cấu trúc” cho chip điện tử, “sau đó được chuyển tới nhà máy đặt tại Nam Hàn để sản xuất và đóng gói”. Một thành viên khác của FPT tuyên bố việc này “khẳng định trí tuệ của người Việt và hiện thực hóa giấc mơ sản xuất chip bán dẫn của người Việt”.

Gần đây, “Viettel vừa đề xuất Thủ tướng để sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu”. Trước đề xuất của Viettel, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Viettel “nghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”. Theo ông Phạm Minh Chính, “Viettel phải là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này”.

Trao đổi với RFA, một nhà nghiên cứu không muốn nêu tên nói: “Chỉ đạo của ông Phạm Minh Chính không có gì xa lạ với những người quan sát các kế hoạch phát triển của Việt Nam. Ở Việt Nam, khắp nơi muốn trở thành thung lũng Silicon. Năm 2017 ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố xây dựng Sài Gòn thành “Silicon Valley”. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam có ý định làm một “Silicon Valley” ở Bình Định còn Vingroup tuyên bố xây dựng “Silicon Valley” VinTech City ở Đông Anh, Hà Nội. Năm 2019, Chính phủ Việt Nam ra quyết định xây dựng khu Hòa Lạc thành “Silicon Valley”. Cuối tháng 8/2022, tin cho hay “TGĐ Vingroup “tiết lộ”: Việt Nam sắp có Thung lũng Silicon ở Khánh Hoà”, còn trước đó một tháng, Đà Nẵng cũng công bố kế hoạch sẽ trở thành Silicon Valley”.

Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu, quá trình sản xuất chip trên thế giới đã trở nên chuyên môn hóa cao độ, trong đó mỗi nước thực hiện một vai trò khác nhau tùy theo lợi thế so sánh của họ. Hoa Kỳ hiện vẫn dẫn đầu trong các hoạt động có tính trí tuệ cao nhất: Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), sở hữu trí tuệ cốt lõi (IP), thiết kế chip và thiết bị sản xuất tiên tiến. Hoa Kỳ có vị thế này vì họ có những trường Đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, các tài năng kỹ thuật và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được tự do nghiên cứu, một nền kinh tế tôn trọng định hướng thị trường. Đông Bắc Á đi đầu trong sản xuất tấm wafer. Đây là công đoạn đòi hỏi đầu tư vốn lớn, cần được chính phủ hỗ trợ, ưu đãi, cần lực lượng lao động có tay nghề cao, được đào tạo tốt. Ở khu vực này, Trung Quốc dẫn đầu trong công đoạn lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm. Công đoạn này đòi hỏi tương đối ít kỹ năng nhưng cần vốn đầu tư lớn và chậm thu hồi vốn. Dẫu sao, Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh mẽ để mở rộng năng lực của mình trong toàn bộ chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh quá trình sản xuất chip điện tử được chuyên môn hóa cao độ như vậy, ước muốn tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất chip điện tử toàn cầu là một tham vọng lớn. Ở phần tiếp theo, RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hải Đăng ở Hà Nội về vấn đề này.

Chuyên Gia: Ngành Bán Dẫn Trở Thành Một Vấn Đề Chính Trị Quốc Tế


(Hình: Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Morris Chang, người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) chào nhau trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc, tháng 10/ 2022.)

Tiếp theo phần trước, Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn nhà nghiên cứu Hải Đăng ở Hà Nội về tính chất “địa chính trị” của ngành bán dẫn và chip điện tử cũng như ước mơ sản xuất chip của Việt Nam.

1. Tầm Quan Trọng của Chất Bán Dẫn Trong Kinh Tế, Chính Trị Thế Giới

RFA: Nhật Bản gọi Chất bán dẫn (semiconductors) là “sangyo no kome” (gạo của ngành công nghiệp). Xin ông cho biết vai trò của chất bán dẫn trong nền công nghiệp đương đại?

Hải Đăng: Trước hết, chúng ta nên nắm được một số khái niệm cơ bản. Chất bán dẫn (semiconductor) là vật chất có độ dẫn điện nằm ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Tùy vào điều kiện, chất bán dẫn có thể cho hoặc không cho dòng điện đi qua, vì vậy mới có tên là “bán dẫn” và rất phù hợp cho mục đích chế tạo transistor để điều khiển dòng điện trong chip điện tử. Trong khi đó, tất cả các ứng dụng và thiết bị điện tử từ dân sự (điện thoại, máy tính, điều hòa, lò vi sóng, xe hơi,…) cho đến an ninh quốc phòng và hàng không vũ trụ đều cần đến chip. Vì thế, cách nói của người Nhật “Chất bán dẫn là gạo của ngành công nghiệp” quả thật rất chính xác, nhất là đối với nền công nghiệp hiện đại.

RFA: Nhiều nhà quan sát đã ví Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) như một “lá chắn” cho Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc có ý định tấn công Đài Loan. Với vai trò của mình trong nền công nghiệp đương đại, ngành bán dẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến địa chính trị thế giới. Xin ông cho biết sự ảnh hưởng này đang diễn ra như thế nào, và nó có thể tiếp tục diễn ra như thế nào trong tương lai?

Hải Đăng: Vâng, việc ví TSMC giống như một “lá chắn”, chính xác hơn là “lá chắn Silicon” cho Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ mình TSMC hiện đang chiếm tới hơn 52% thị phần sản xuất chip của thế giới, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Samsung (gần 17%),….

Đặc biệt, TSMC thậm chí còn kiểm soát tới 70% sản lượng chip smartphone của thế giới, và gần 90% sản lượng chip tiên tiến (sản xuất theo tiến trình nhỏ hơn 5nm). Một số khách hàng VIP, tiêu biểu như Apple, chỉ tin tưởng vào năng lực cung cấp của TSMC (và tất nhiên TSMC cũng giành phần lớn năng lực của họ để chiều lòng Apple). Chưa kể một số con chip chuyên biệt có trên những hệ thống vũ khí và hàng không vũ trụ của Mỹ, chẳng hạn chip FPGA trên tiêm kích F-35 do hãng Xilinx thiết kế cũng được giao cho TSMC chế tạo. Điều đó cho thấy TSMC quan trọng đến nhường nào.

Có thể nói, ngành công nghiệp bán dẫn đang đứng ở vị trí trung tâm trong cuộc cạnh tranh địa chính trị chiến lược toàn cầu giữa Mỹ/hệ thống đồng minh Phương Tây và Trung Quốc. Tất nhiên, TSMC chính là “điểm nóng” trong cuộc cạnh tranh ấy. Mỹ không thể để TSMC cùng kỹ thuật sản xuất chip tiên tiến rơi vào tay Trung Quốc, còn Trung Quốc thì cực kỳ thèm muốn TSMC lẫn ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan. Mấy năm trước, Huawei làm mưa làm gió trên thị trường smartphone và đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực thiết kế chip (thông qua công ty HSilicon) nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp với TSMC; tuy nhiên TSMC đã ngừng bán chip cho Huawei do sức ép từ chính quyền Trump và nay là Biden.

Cả Đài Loan lẫn TSMC đều hiểu rất rõ và cùng tìm cách củng cố địa vị của họ. Họ đã mất 30 năm với rất nhiều nỗ lực, tích lũy được vô số kinh nghiệm và tri thức (know-how) để được như ngày hôm nay. Lợi thế đó không dễ mà mất đi.

Xin tham khảo thêm cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology của giáo sư chính trị Chris Miller từ trường Fletcher Đại học Tuffts.

2. Những Chuyển Động Mới của Nước Mỹ

RFA: Liên quan đến Đạo luật Chip mới đây, theo ông, liệu Mỹ có thể tự phục hồi ngành công nghiệp chip mà không cần đầu tư vào một số nước châu Á hay không?

Hải Đăng: Ở đây, chúng ta cần làm rõ một điểm là ngành công nghiệp chip của Hoa Kỳ vẫn luôn dẫn đầu thế giới bởi họ nắm trong tay các kỹ thuật nguồn, bản quyền phát minh sáng chế,…. Ngoài ra, vai trò của Nhật Bản và châu Âu cũng hết sức quan trọng.

TSMC hay Samsung không thể sản xuất những con chip tiên tiến nhất nếu thiếu vật liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, phần mềm thiết kế,… do các đối tác Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu cung cấp. Chẳng hạn, hãng ASML của Hòa Lan hiện đang độc quyền cung cấp thiết bị quang khắc hiện đại nhất thế giới (trị giá hơn 150 triệu Mỹ kim) mà cả TSMC, Samsung và Intel phải tranh nhau đặt hàng trước. Nhưng cỗ máy này sử dụng hơn 50% kỹ thuật có nguồn gốc từ Hoa Kỳ hoặc do Hoa Kỳ nắm bản quyền. Không nhiều người biết đến các hãng Mỹ như Lam Research, Applied Materials, Synopsys, ... song đó mới là những ông trùm giấu mặt của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Trước đây, các hãng chip của Mỹ đều vận hành xưởng sản xuất (fab) riêng bên cạnh mảng thiết kế (tiêu biểu là Intel), nhưng mô hình này ngày càng trở nên kém hiệu quả về mặt chi phí. Khi kích thước transistor ngày càng thu nhỏ (theo định luật Moore) thì chi phí đầu tư, xây dựng và vận hành một fab bán dẫn trên tiến trình mới lại càng đắt đỏ (hiện đã lên tới hàng chục tỷ Mỹ kim, vượt quá năng lực của hầu hết mọi tay chơi). Vì thế, sang thập niên 1990, các hãng chip Mỹ phải di dời hoạt động sản xuất ra nước ngoài để chỉ tập trung nguồn lực vào mảng thiết kế và thương mại hóa sản phẩm.

Đích đến của các công ty Mỹ này chủ yếu là Đông Á, nơi có chiến lược đầu tư bài bản, mạnh mẽ cho ngành công nghiệp điện tử. Và đó chính là cơ hội cho một số xưởng sản xuất ở Đài Loan và Nam Hàn nắm lấy, nhất là TSMC (được thành lập năm 1987) của Tiến sĩ Morris Chang (Trương Trung Mưu) – người từng làm tới phó chủ tịch tập đoàn Texas Instrument, đại gia bán dẫn của thế giới trong thập niên 1960-1990.

Mô hình sản xuất chip không cần xây fab (fabless) này ngày càng cho thấy tính tối ưu và phù hợp với xu hướng chuyên môn hóa. TSMC thành công nhất vì họ có thể sản xuất những con chip tốt nhất với sản lượng, chi phí và chất lượng tối ưu, ngay cả Samsung và Intel cũng không bì được. Ngoài ra, TSMC cũng được tất cả các khách hàng tin tưởng bởi công ty chỉ tập trung làm thuê, không tự tạo sản phẩm riêng để cạnh tranh với chính khách hàng của mình (khác với Samsung và những nhà sản xuất đầy tham vọng của Trung Quốc).

Do đó, rất khó để Mỹ có thể mang mảng sản xuất chip về lại quê nhà, cho dù có ban hành nhiều chính sách đãi ngộ tốt cho doanh nghiệp. Có thể vì yếu tố chính trị và để không làm mất lòng Mỹ (rồi hứng chịu lệnh trừng phạt), cả TSMC và Samsung đều đã xúc tiến các dự án xây dựng xưởng sản xuất tại Mỹ, nhưng khi những cơ sở này đi vào hoạt động thì đầu não tại Đài Loan và Nam Hàn đã vận hành các quy trình tiên tiến hơn rồi.

Chuyên Gia: Việt Nam Có Tìm Được Chỗ Đứng Trong Ngành Bán Dẫn?


(Hình: Một sinh viên đang nhìn kính hiển vi trong phòng nghiên cứu ở một trường Đại học tại Hà Nội.)

Tiếp theo bài phỏng vấn trước về ngành bán dẫn trong bối cảnh chính trị toàn cầu, ở phần này, nhà nghiên cứu Hải Đăng giải thích về khả năng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nó.

RFA: Xin ông vui lòng giải thích sự ra đời của thuật ngữ “friend-shoring”: Nó có nghĩa là gì? Tại sao Mỹ cần làm như vậy? Theo ông chiến lược “friend-shoring” này có tiềm năng thành công hay không?

Hải Đăng: Theo như tôi hiểu thì friend-shoring (sản xuất tại các quốc gia thân thiện) là thuật ngữ được dùng để chỉ xu hướng chuyển dịch của lĩnh vực sản xuất chế tạo trong khoảng một thập niên gần đây do Mỹ khởi xướng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến lược này, nhưng trước tiên là để tối ưu hóa chi phí nhờ tận dụng ưu đãi thuế, nhân công giá rẻ, các quy định về môi trường còn chưa quá nghiêm ngặt,… trong khi những lợi thế này ở Trung Quốc (vốn là công xưởng của thế giới) đang dần mất đi (dân số già hóa, chi phí nhân công leo thang).

Ngoài ra, Mỹ cần chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu thương mại giữa hai nước – từ thuế đến kỹ thuật.

Thứ nữa, việc tránh hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng là để tránh các rủi ro không thể kiểm soát, chẳng hạn những lần nhiều nhà máy phải đóng cửa do chính sách zero Covid cực đoan mà chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã áp đặt.

Rất khó để dự đoán chiến lược này liệu có thành công hay không bởi vai trò công xưởng của Trung Quốc không thể chỉ trong một thời gian ngắn mà thay thế được, cho dù thị trường gia công của Ấn Độ và Đông Nam Á cũng hết sức hấp dẫn.

Tuy nhiên, cá nhân tôi tin rằng Hoa Kỳ vẫn chiếm lợi thế nhờ sức mạnh khoa học kỹ thuật vượt trội, sự thống trị của đồng Mỹ kim, mạng lưới đồng minh rộng khắp cùng vai trò định hướng, dẫn dắt “cuộc chơi” toàn cầu.

RFA: Mỹ đang nỗ lực xây dựng “Liên minh chip 4” gồm Mỹ và ba nước công nghiệp phát triển ở châu Á: Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan. Theo ông, Việt Nam có phải là một “quốc gia thân thiện” để Hoa Kỳ “friend-shoring” hay không? Liệu Mỹ có thể tin tưởng Việt Nam đến mức sẽ chuyển sang đó những công đoạn quan trọng nhất của ngành sản xuất chip?

Hải Đăng: Tôi tin Việt Nam là một “quốc gia thân thiện” và có vị trí địa chiến lược quan trọng trong mắt Mỹ để có thể và sẽ đóng một vai trò nhất định trong chiến lược friend-shoring.

Trên thực tế, Việt Nam hiện đã là một trong những đối tác thương mại quan trọng (đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào Mỹ và trong top năm thế giới về thặng dư thương mại với Mỹ), mặc dù phần lớn miếng bánh đều nằm trong tay khối FDI và vẫn đang ở vị thế tương đối thấp trong chuỗi giá trị.

Trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, việc leo lên nấc thang cao tới đâu là tùy thuộc vào bản lĩnh của Việt Nam chứ không thể trông chờ vào sự “ưu ái” của Mỹ. Lấy ví dụ, trong thập niên 1970-1980, mặc dù cùng là đồng minh thân thiết của Mỹ và với xuất phát điểm không khác nhau bao nhiêu nhưng Nam Hàn và Đài Loan lại phát triển vượt bậc so với Phi Luật Tân, Thái Lan,… Tân Gia Ba và Mã Lai cũng đầu tư rất mạnh cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch,… song vẫn không thể cạnh tranh với Đài Loan và Nam Hàn.
Do đó, Việt Nam sẽ phải quyết tâm và nỗ lực rất nhiều nếu muốn có ngày được ngồi “chung chiếu” với Liên minh chip 4 kia.

RFA: Ông đánh giá thế nào về năng lực giáo dục, kỹ thuật và thể chế ở Việt Nam? Nhìn từ phía Mỹ, với đặc điểm chính trị, kinh tế, kỹ thuật và giáo dục của Việt Nam, các công ty sản xuất chip của Mỹ nên chuyển sang đó những công đoạn nào?

Hải Đăng: Về điểm này thì tôi khá bi quan bởi nền giáo dục Việt Nam đương đại, nhất là ở bậc Đại học, đang rất lạc hậu và lạc nhịp so với thế giới (thiếu thốn đủ đường từ cơ sở vật chất cho đến nguồn lực lẫn hệ sinh thái thúc đẩy tự do sáng tạo và hiện thực hóa các ý tưởng, ...), bên cạnh sự kìm kẹp của thể chế (về mặt ý thức hệ, tư duy kinh tế lệch lạc cùng chính sách quản lý yếu kém) khiến ngành kỹ thuật khó cất cánh.

Các lãnh đạo, doanh nghiệp và cả người dân Việt Nam không phải là không có ước mơ về một quốc gia kỹ thuật mạnh, và sự thực là họ đang rất nỗ lực để chứng tỏ điều đó, ít nhất là về mặt truyền thông (thể hiện qua vô số phát ngôn, tuyên bố, diễn đàn, hội thảo,… nghe rất sướng tai).
Tuy nhiên, cái thiếu và yếu nhất của Việt Nam chính là “nền tảng”. Khi chưa có nền tảng vững vàng thì đừng mong đi xa hay bứt phá. Thử lấy một ví dụ đơn giản: các fab bán dẫn tiêu thụ rất nhiều điện năng, còn Việt Nam thì hiện vẫn thiếu năng lượng,… Hay ngành sản xuất chip cũng đòi hỏi sự phát triển tương ứng của ngành công nghiệp hóa chất, vật liệu,… Những thứ này Việt Nam đã đảm bảo đáp ứng được chưa?

Cùng hồi tưởng lại thì ngay từ thập niên 1970-1980, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã từng ấp ủ ý định xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam khi đặt mua một dây chuyền sản xuất của hãng Thomson-CFS (tiền thân của tập đoàn Thales Group, Pháp), nhưng do cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và vấn đề hậu cần lúc đó còn nhiều yếu kém, những nỗ lực của ông đã không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Sau này, GS. Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật hồi hương, hiện sống tại Sài Gòn, nguyên Viện trưởng Viện Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ trước 1975, giáo sư Đại học Hosei và chuyên gia bán dẫn của tập đoàn Toshiba) cũng đã làm việc không ngừng nghỉ với nhiều đề xuất và dự án tâm huyết nhằm giúp ngành bán dẫn vi mạch nước nhà cất cánh, nhưng thành quả hãy còn hết sức khiêm tốn.

Hay kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất dẫn trên tiến trình 130nm/180nm trị giá 350 triệu Mỹ kim tại Khu Kỹ thuật cao Tp. HCM (SHTP) của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cũng bị ngừng lại vô thời hạn do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan,…. Đó quả là những chuyện đáng tiếc.

Nếu các công ty chip của Mỹ có chuyển giao một số công đoạn sang Việt Nam thì tôi cho đó vẫn sẽ chỉ là những thứ ở vị trí thấp hơn trong chuỗi giá trị như đóng gói, kiểm thử,….
Có một mảng nữa mà các kỹ sư Việt Nam có thể làm tương đối tốt là thiết kế, nhưng sự cạnh tranh là không nhỏ và cũng không dễ để chiếm lĩnh thị phần.

Thứ nữa, Việt Nam không nên lạc quan và kỳ vọng thái quá về việc các cường quốc bán dẫn (Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn) mang những kỹ thuật tiên tiến nhất sang Việt Nam vì đó là bí mật, lợi thế cạnh tranh quốc gia ... Chẳng hạn, Đài Loan có hẳn đạo luật cấm TSMC và các hãng kỹ thuật mang những kỹ thuật tiên tiến nhất sang Trung Quốc.

Theo nhận định của GS Đặng Lương Mô, trong cuốn “Hồi ký tuổi 80” thì với một số thành tựu nhất định của Trung tâm Thiết kế Vi mạch ICDREC do ông hậu thuẫn thành lập thì sự phát triển của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam nhìn chung đã có kết quả tốt. Hay chí ít là Việt Nam cũng đã có năng lực nghiên cứu, thiết kế chip (tức có một nửa), chỉ còn thiếu kỹ thuật chế tạo. Mặc dù Việt Nam là nước có dân số lớn với nhu cầu không nhỏ về chip vi mạch, nhất là trên các sản phẩm dân dụng, nhưng nguồn cung hiện tại hầu như đã ổn định và rất khó chen chân vào, vì thế cần thận trọng khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất đại trà.

Ngày nay, để nắm bắt kỹ thuật chế tạo chip, người ta không còn nhất thiết phải xây dựng nhà máy (bởi ngay đến Apple hay Qualcomm đều không tự sản xuất con chip di động của mình, mà thuê TSMC làm việc đó). Vì thế Giáo sư Đặng Lương Mô gợi ý, Việt Nam nên lưu ý một hướng đi mới đang được nhiều đối tác và liên minh bán dẫn tại Nhật Bản theo đuổi, đó là kỹ thuật xưởng cực tiểu (minimal fab) – sử dụng phương pháp luận hoàn toàn ngược với xu hướng hiện nay, hứa hẹn mang lại năng lực sản xuất mà không cần xây dựng nhà máy hàng tỷ Mỹ kim, cho phép các cơ sở nghiên cứu, trường Đại học, công ty vừa và nhỏ,… hay thậm chí cá nhân cũng có thể tham gia cuộc chơi bán dẫn.

RFA trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Hải Đăng đã chia sẻ với chúng tôi bài phỏng vấn này.


Chuyện Cười Hàng Năm: Đảng Lại Chỉ Thị Cấm Tặng Quà Cấp Trên Dịp Tết!


(Ảnh: Một bức tượng con cọp mạ vàng.)

Từ nhiều năm qua, cứ sắp đến Tết thì Ban Bí thư lại ký ban hành một chỉ thị về việc tổ chức cho cái Tết sắp tới. Mới đây nhất là Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành ngày 18 tháng 11 năm 2022.

Năm 2021 có Chỉ thị số 11-CT/TW về việc tổ chức Tết 2022. Năm 2020, Đảng ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW về việc tổ chức Tết 2021.

Tất cả các Chỉ thị đều có chung một số điều như: “Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...”.

Liệu việc ban hành Chỉ thị với những điều như không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức có tác dụng ra sao?

Bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định với Ðài Á Châu Tự Do (RFA):
“Chỉ thị của Ban Bí thư ký thì nó chỉ mang tính chất trong nội bộ Đảng mà thôi. Nó không có giá trị pháp luật bắt buộc đối với công dân. Có những cán bộ không phải đảng viên thì sao? Về mặt lý thuyết là như vậy. Đó không phải là một văn bản pháp quy có tính chất ràng buộc như một đạo luật. Nước khác có luật về quà biếu, quà tặng. Ví dụ Tổng thống thì được nhận quà tặng trị giá bao nhiêu Mỹ kim. Nhiều hơn thì phải nộp công quỹ hoặc là phải bỏ tiền ra mua….

Việt Nam chưa có luật đó. Chỉ thị của Ban Bí thư thì về mặt nhà nước pháp quyền, đó chỉ là lời khuyên trong Đảng với nhau mà thôi. Họ ra chỉ thị ấy là thừa. Quan trọng là phải kê khai tài sản mỗi năm và có cách kiểm tra công khai để cho dân hoặc báo chí giám sát. Khi phát giác giàu bất thường mà không giải trình được thì giải quyết theo luật hình sự. Ví dụ như thu hồi hoặc cách chức hoặc là bỏ tù tùy theo nguồn gốc tài sản. Quà cáp chả là gì. Bây giờ họ không nhận quà mà tham nhũng cái khác còn quá quà nữa”.

Việc biếu quà Tết được coi là nét văn hóa truyền thống ngàn năm của người Việt nhằm biểu lộ lòng kính trọng, quan tâm, tri ân những người thân thiết, những người có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau. Những món quà biếu cho nhau thưởng là bánh chưng, bánh tét, cây cảnh, tranh ảnh….

Tuy vậy, từ nhiều năm qua, việc biếu quà Tết cho cấp trên lại là một hình thức hối lộ để chạy quyền, chạy chức... với những biến tướng tinh vi. Như trường hợp bị cáo Lê Nam Trà, nguyên là Chủ tịch công ty MobiFone khai tại Tòa án Nhân dân Hà Nội chiều 16 tháng 12 năm 2019 rằng:

“Dịp trước Tết 2016, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đến văn phòng làm việc với lý do biếu quà tết. Khi ông Vũ về, tôi mở ra thấy 500.000 Mỹ kim. Sau Tết hơn một tháng, anh Phạm Nhật Vũ gọi điện thoại nói có ít quà, hoa quả ngon. Tối hôm đó có người mang đến biếu hai thùng carton. Tôi nghĩ hoa quả thôi nhưng mở ra thấy có tiền, hai triệu Mỹ kim. Tôi chuyển hai triệu Mỹ kim sang tiền Việt, cất trong nhà. 500.000 Mỹ kim bị cáo mang biếu anh Son vào dịp Tết, cũng để trong gói quà. Ngoài ra, bị cáo còn đưa cho anh Son 200.000 Mỹ kim tiền cá nhân”.

Cựu chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng thừa nhận với báo chí rằng, việc tặng quà Tết ở Việt Nam đã bị lợi dụng và biến tướng với những mục đích khác nhau. Do đó, lãnh đạo Chính phủ đã cấm tặng quà Tết cấp trên nhằm tránh tình trạng lợi dụng “để làm việc này việc khác”.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Bình, việc Ban Bí thư ra những Chỉ thị về việc tổ chức Tết sao cho tiết kiệm, không biếu xén cấp trên… chỉ là hình thức:

“Có những việc họ làm họ biết là nó thừa nó vô lý nhưng mà vẫn làm. Ví dụ như đã ra luật cấm đốt pháo vào dịp Tết từ nhiều năm qua, thế nhưng tổ dân phố vẫn đi từng nhà bắt người ta ký cam kết không đốt pháo. Cho nên chuyện cấm nhân viên biếu quà Tết cho sếp nó cũng tương tự như chuyện đốt pháo vậy.

Việt Nam có những cái điều rất là quái đản. Biết là thừa nhưng vẫn cứ làm thì chỉ có thể giải thích được là: Thứ nhất, họ rỗi việc quá; thứ hai, đó là một cách ám thị tâm lý. Người ta hy vọng sẽ không diễn ra những việc không mong muốn hay những việc pháp luật ngăn cấm nên họ phải lập đi lập lại mỗi năm. Ngoài ra, những Chỉ thị của Đảng thì thường nó có tính chất tuyên truyền, mị dân. Nó không khả thi cho nên năm nào cũng phải nhắc nhở”.

Thực tế cho thấy suốt thời gian qua, vấn nạn quà cáp vào dịp lễ, tết được đề cập đến khá nhiều; cả truyền thông nhà nước cũng tham gia lên tiếng. Tuy vậy, như trình bày của nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình “biết thừa mà vẫn nói”.

Du Lịch 2023: Hòa Lan Sẽ Tăng Thuế Phi trường Lên Gấp 4 Lần?

(Tuấn Thảo)

Đi du lịch bằng đường hàng không có nguy cơ trở nên đắt đỏ hơn ở các phi trường Hòa Lan kể từ đầu năm 2023 tới. Theo mạng thông tin Air Journal chuyên về ngành hàng không dân sự, chính phủ Hòa Lan đang có kế hoạch đánh thêm thuế vào hành khách bay từ lãnh thổ nước này kể từ ngày 1 tháng Một năm 2023.

Tại Âu Châu, giá vé máy bay hiện vẫn ở một mức khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Hàng không Dân dụng (DGAC) của Pháp, tính trung bình giá vé máy bay đã tăng 43,5% trong năm nay so với năm 2019. Vào mùa cao điểm (mùa Hè và các kỳ nghỉ lễ), vé máy bay trong khu vực Âu Châu đã tăng mạnh đến 54%, trong khi vé máy bay đường dài từ Âu Châu sang Á Châu cũng tăng, nhưng nhẹ hơn ở mức 28,8%.

Vào lúc giá vé máy bay vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, phụ phí nhiên liệu tiếp tục gia tăng khiến cho nhiều hành khách buộc phải tính lại kế hoạch đi chơi xa, thì việc tăng thêm thuế phi trường tại Hòa Lan lại có nguy cơ tạo thêm khó khăn đối với thành phần khách du lịch nào muốn ghé thăm Âu Châu trong năm tới. Theo nguồn tin của tờ nhật báo Telegraaf, Hòa Lan đang có kế hoạch tăng thuế phi trường từ 7,95 Euro lên thành 28,58 Euro cho mỗi hành khách.

Chính Sách Chung của Hòa Lan Giảm Du Lịch Quá Tải

Điều đó có nghĩa là một khi được áp dụng kể từ đầu năm 2023, thuế và phí ghi trên hóa đơn vé máy bay sẽ tăng gần gấp 4 lần. Báo Telegraaf cho biết thêm một số chi tiết của kế hoạch: thuế và phí sẽ được tính thêm trên các chuyến bay từ Hòa Lan, tức chỉ áp dụng cho các chuyến bay rời khỏi lãnh thổ Hòa Lan. Nói như vậy, những chuyến bay quá cảnh Amsterdam không nằm trong diện này, nhưng các phi trường Hòa Lan nào càng có nhiều chuyến bay quốc tế, càng dễ bị tác động.

Trước mắt, các phi trường lớn như Schipol Amsterdam có thể áp dụng biện pháp này hầu giảm bớt tình trạng hành khách quá tải (72 triệu lượt khách/năm), trong khi các phi trường khác nhỏ hơn như Eindhoven hay Rotterdam-Den Hagen ít bị tác động hơn. Qua việc tăng lệ phí phi trường, thêm hơn 20 Euro đánh trực tiếp vào giá vé, Hòa Lan muốn khuyến khích du khách (nhất là dân Âu Châu) lựa chọn các phương tiện giao thông khác, được cho là tôn trọng môi trường và phát triển bền vững, như hệ thống tàu cao tốc để di chuyển trong khối Liên Hiệp Âu Châu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của mạng thông tin Air Journal, biện pháp tăng thuế và phí phi trường nằm trong một chính sách chung của Hòa Lan: giảm số lượng du khách nói chung, nhưng để tránh bị “thất thu” quá nhiều, khách nào muốn ghé thăm sẽ phải chịu trả thêm “phí”. Theo Air Journal, chính sách này đang trở thành một xu hướng chung tại nhiều thành phố Âu Châu, đi đầu là các thành phố Venise, Roma, Florence, Barcelona và gần đây hơn nữa là thành phố Edinburgh, chẳng những tăng lệ phí phi trường mà còn tăng thêm thuế lưu trú.

Cũng như Edinburgh, Amsterdam đã trở thành một trong những thành phố Âu Châu đánh thuế lưu trú mạnh nhất vào du khách. Về điểm này, Roma đứng đầu Âu Châu với 6 Euro thuế lưu trú cho mỗi du khách nào muốn ngủ lại qua đêm, tức cao gấp đôi so với Barcelona và Asmterdam (3 Euro thuế lưu trú) và cao gần gấp ba lần so với Paris (2,3 Euro).

Kế hoạch của Hòa Lan được đề xuất trong bối cảnh các phi trường lớn của nước này đã gặp phải nhiều khó khăn trong thời gian qua, trong khi ngành hàng không dân sự Hòa Lan đang lâm vào khủng hoảng, do thiếu tổ chức cũng như đang bị khan hiếm về mặt nhân sự. Vào mùa Hè năm nay, Hòa Lan đã buộc phải công bố hạn chế số lượng chuyến bay mỗi năm tại phi trường quốc tế Amsterdam-Schiphol, một trong những phi trường đông khách nhất Âu Châu. Ban quản lý phi trường đã phải bồi thường cho nhiều hành khách đã lỡ chuyến bay, do tình trạng thiếu nhân viên, khiến hành khách buộc phải xếp hàng hàng giờ để làm thủ tục xuất-nhập cảnh. Vào đầu tháng 10/2022, ban Giám đốc điều hành Schipol thông báo duy trì việc hạn chế các chuyến bay cho đến cuối tháng Ba năm 2023.

Ngành Du Lịch Phục Hồi, Phi Trường Lại Chưa Đủ Nhân Viên

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Schiphol vẫn chưa giải quyết xong vấn đề thiếu nhân viên trầm trọng. Hàng loạt nhân sự đã bị sa thải trong đại dịch Covid-19, nhưng đến nay khi ngành hàng không đang trên đà phục hồi nhanh chóng, số nhân viên vẫn chưa được tuyển dụng lại đầy đủ và kịp thời. Trước tình trạng này, phi trường Schiphol đã buộc các hãng hàng không phải cắt giảm số chuyến bay, đề nghị bồi thường cho những hành khách bị lỡ chuyến. Không chỉ riêng gì Schiphol mà nhiều phi trường Âu Châu khác cũng gặp khó khăn tương tự như Heathrow, Gatwick của Anh, hay Frankfurt của Đức. Trường hợp của Hòa Lan nghiêm trọng hơn, buộc ông Dick Benschop, Giám đốc điều hành Schiphol, phải từ chức vào cuối tháng 9/2022, bốn năm sau ngày ông được bổ nhiệm.

Theo phía ban quản lý, còn cần phải tham khảo ý kiến của các công ty để tránh gây bất mãn nơi giới nhân viên, điều đó có nguy cơ dẫn tới phong trào đình công như đã từng xẩy ra vào trung tuần tháng 9/2022. Schiphol cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt số hành khách khởi hành từ phi trường này từ đây cho đến cuối tháng 3/2022. Vào cuối năm 2022, ban Giám đốc điều hành sẽ xem xét khả năng có tăng hay không số chuyến bay kể từ cuối tháng Một năm tới.

Nỗ lực cải thiện tình hình của ban Giám đốc là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy là trên một thị trường lao động đang khan hiếm nhân sự, việc tuyển dụng và đạo tạo nhân sự mới với đồng lương còn thiếu ưu đãi, khiến cho ban điều hành phi trường phải đối phó cùng lúc nhiều “mặt trận”. Đề xuất tăng lệ phí phi trường trước mắt có thể giảm bớt áp lực về số lượng hành khách, nhưng về lâu về dài cũng có thể làm nảy sinh nhiều tác động khó lường.

Không có nhận xét nào: