Xứ Wales Yêu Cầu FIFA Giải Thích Tại Sao Bắt Cởi Bỏ Mũ Cầu Vồng Tại World Cup (Ảnh: Tiền đạo xứ Wales Gareth Bale (11) ăn mừng sau khi ghi bàn thắng vào lưới đội tuyển Mỹ trên chấm phạt đền trong hiệp hai của trận đấu vòng bảng tại Giải vô địch túc cầu thế giới World Cup 2022 tại Sân vận động Ahmed Bin Ali.) Liên đoàn Túc cầu xứ Wales cho biết họ đã yêu cầu Liên đoàn Túc cầu Thế giới (FIFA) làm rõ các báo cáo cho biết rằng một số cổ động viên xứ Wales đã bị cấm đội mũ bảy sắc cầu vồng vào sân vận động Giải Vô địch Túc cầu Thế giới (World Cup).
Liên đoàn xứ Wales cho biết họ có góp phần trong việc làm ra những chiếc mũ cho người hâm mộ đội ở Qatar. Wales đá với Mỹ vào ngày thứ Hai.
Hình ảnh cầu vồng, biểu tượng của quyền LGBTQ, đang gây tranh cãi ở một quốc gia mà quan hệ đồng tính bị hình sự hóa.
Người hâm mộ và một số nhân viên đã “được yêu cầu cởi bỏ và vứt bỏ mũ Rainbow Wall trước khi vào Sân vận động Ahmad Bin Ali”, liên đoàn xứ Wales cho biết trong một tuyên bố ngày thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng họ “vô cùng thất vọng”.
“Liên đoàn đã thu thập thông tin về những sự việc được báo cáo này và sẽ nêu vấn đề này trực tiếp với FIFA”, họ nói.
FIFA không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Vào tháng Tư, một viên chức an ninh cao cấp của Qatar giám sát việc chuẩn bị cho giải đấu đề xuất những người hâm mộ mang cờ cầu vồng có thể phải cất đi để bảo vệ họ khỏi những vụ tấn công có thể xảy ra.
Ronaldo Sẽ Rời Manchester United ‘Ngay Lập Tức’
(Hình: Cristiano Ronaldo, người hiện đang ở Qatar cùng đội Bồ Đào Nha với mục tiêu giành chức vô địch World Cup đầu tiên cho đất nước mình, đã rất thất vọng sau khi bị loại khỏi đội hình của Manchester United mùa này.)
Cristiano Ronaldo sẽ rời Manchester United và bước đi này “có hiệu lực ngay lập tức”, câu lạc bộ Premier League cho biết ngày thứ Ba (22/11/2022), vài ngày sau khi anh trả lời một cuộc phỏng vấn mà trong đó anh chỉ trích huấn luyện viên Erik ten Hag và các chủ sở hữu của câu lạc bộ.
Không biết Ronaldo, 37 tuổi, sẽ đi đâu tiếp theo sau khi không có một bước đi xác quyết sẽ đến một câu lạc bộ Champions League vào trong mùa Hè.
“Sau cuộc nói chuyện với Manchester United, chúng tôi đã đồng ý kết thúc hợp đồng sớm”, Ronaldo nói. “Tôi yêu Manchester United và tôi yêu người hâm mộ, điều đó sẽ không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm một thử thách mới.
“Tôi chúc đội bóng thành công trong phần còn lại của mùa giải và trong tương lai”.
Ronaldo, người hiện đang ở Qatar cùng đội Bồ Đào Nha với mục tiêu giành chức vô địch World Cup đầu tiên cho đất nước mình, đã rất thất vọng sau khi bị loại khỏi đội hình của United mùa này.
Đội trưởng người Bồ Đào Nha cho biết anh cảm thấy “bị phản bội” trong cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút với Piers Morgan, được phát sóng hôm thứ Năm và trong đó anh cũng chỉ trích các cầu thủ trẻ.
United cho biết tuần trước rằng họ đã bắt đầu các bước thích hợp để đáp lại những phát biểu của anh, với việc hủy bỏ hợp đồng của anh vốn đã được nhiều người dự đoán.
Anh 6 – Iran 2: Năm Bàn Thắng Từ Các Cầu Thủ Da Màu
(Nguyễn Hùng)
(Hình: Các cầu thủ Anh quỳ gối trước trận gặp Iran.)
Hai trận tới của Anh với Hoa Kỳ và sau đó với xứ Wales vào cuối tháng này hứa hẹn sẽ hấp dẫn và cho thấy liệu Anh có nhiều cơ hội lọt vào bốn đội mạnh nhất thế giới hay không trước khi mơ cúp vàng.
Trong một trận World Cup (Giải Vô địch Túc cầu Thế giới) mà các cầu thủ Anh quỳ gối trước giờ bóng lăn để phản đối phân biệt chủng tộc, năm trong số sáu bàn thắng của tuyển Anh tới từ các cầu thủ da màu.
Jude Bellingham ghi bàn mở màn ở phút 35, Bukayo Saka – phút 43 và 62, Raheem Sterling phút 46 và Marcus Rashford ở phút 71. Đương nhiên đồng đội của họ góp phần đáng kể trong các bàn thắng. Bàn thứ sáu tới từ công của Jack Grealish vào phút 90.
Theo bình chọn của trên 10.000 cổ động viên túc cầu trên báo Telegraph, Bellingham được chấm 8,5/10, Saka 8,4, Sterling 7,3 và Rashford, người vào sân và lập tức ghi bàn ở phút 71, được 7,4. Grealish cũng được tung vào sân ở phút 71 và anh được chấm 6,9 điểm.
Người ghi bàn đầu tiên cho tuyển Anh ở World Cup lần này, Jude Bellingham, mới 19 tuổi và chơi cho đội tuyển quốc gia chưa tới 20 trận. Anh nói với BBC về bàn thắng đầu tiên ở World Cup: “[Đó là] khoảnh khắc rất tự hào đối với tôi.
“Chúng tôi phải chuẩn bị cho trận tới. Chúng tôi sẽ vẫn giữ phong độ đó, cố thắng hai trận nữa và giữ được tinh thần đó cho tới hết giải đấu”.
Một trong các fan của tuyển Anh bình luận dưới video tóm tắt trận đấu của BBC:
“Bellingham thật quá tuyệt vời. Câu hỏi lớn là liệu anh ấy có chứng tỏ được bản thân ở tầm quốc tế không và anh ấy đã trả lời sau trận đầu tiên”.
Một cổ động viên khác nói: “Người ta sẽ nói rằng ‘đó là Iran ấy mà’ nhưng thú thật Anh chơi rất có tổ chức. Đội của chúng ta rất tài năng. Các cầu thủ đã ghi bàn từ mọi vị trí. [Tôi] rất hâm mộ các cầu thủ trẻ. Bellingham thật quá tài”.
Sau khi đã thắng Iran, hai đội còn lại mà Bellingham nói họ “cố thắng” là Hoa Kỳ và không ai khác chính là Wales, một thành viên của Vương quốc Liên hiệp Anh.
Huấn luyện viên tuyển Anh Gareth Southgate tỏ ra hài lòng với trận thắng nhưng không vui vì Anh để lọt lưới hai bàn trong đó có bàn từ chấm phạt đền ở phút đá bù giờ thứ 10 của hiệp hai từ một pha phạm lỗi của tuyển Anh.
Trận Anh – Iran cũng còn được biết tới với những tình tiết phi túc cầu. Lúc đầu các cầu thủ Anh định đeo vòng nhiều màu trong trận đấu để ủng hộ tình yêu đồng giới và cũng là để phản đối nước chủ nhà Qatar có thái độ hà khắc với những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới.
Điều khác gây chú ý là các tuyển thủ Iran từ chối hát quốc ca để phản đối Iran hạn chế tự do của phụ nữ. Nhiều fan túc cầu Iran thậm chí la ó phản đối lúc quốc ca nước nhà được cử hành.
Trở lại với túc cầu, tuyển nam của Anh chưa từng đoạt cúp vàng ở các giải đấu quốc tế kể từ năm 1966 khi Anh vô địch World Cup. Nay họ có thêm sức ép từ các tuyển thủ nữ của Anh, những người hùng vừa vô địch Âu Châu hồi tháng Bảy.
Màn khởi đầu ấn tượng khiến cổ động viên Anh có thêm niềm tin đội nhà sẽ vào sâu trong giải.
Hai trận tới của Anh với Hoa Kỳ và sau đó với xứ Wales vào cuối tháng này hứa hẹn sẽ hấp dẫn và cho thấy liệu Anh có nhiều cơ hội lọt vào bốn đội mạnh nhất thế giới hay không trước khi mơ cúp vàng.
Kính Hoàng: Trận Động Đất ở Nam Dương Giết Chết Ít Nhất 268 Người, Gồm Nhiều Trẻ Em Đang ở Trường
(Hình:Một trong những ngôi nhà bị hư hại trong trận động đất ở Cianjur, Tây Java, Nam Dương, vào ngày 21/11/2022.)
Một trận động đất xảy ra ở Tây Java của Nam Dương giết chết ít nhất 268 người, trong đó có nhiều trẻ em, với 151 người vẫn mất tích, các viên chức cứu trợ thảm họa cho biết hôm thứ Ba (22/11/2022), khi lực lượng cấp cứu đang đào bới những đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy để tìm kiếm những người sống sót.
Trận động đất nông 5,6 độ Richter xảy ra tại tỉnh đông dân nhất Nam Dương vào chiều thứ Hai, gây thiệt hại đáng kể cho thị trấn Cianjur, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 cây số về phía Đông-Nam và chôn vùi ít nhất một ngôi làng trong trận lở đất.
Người đứng đầu cơ quan ứng phó với thiên tai Suharyanto nói với các phóng viên rằng hơn 1.000 người đã bị thương, 58.000 người phải di dời và 22.000 ngôi nhà bị hư hại.
Henri Alfiandi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia (Basarnas), cho biết lở đất và địa hình gồ ghề đã cản trở nỗ lực cấp cứu hôm thứ Ba.
“Điều thách thức là khu vực bị ảnh hưởng đang lan rộng ra…. Trước tiên là các con đường ở những ngôi làng này bị hư hại”, Alfiandi nói với các phóng viên.
Ông cho biết nhiều người trong số các nạn nhân là trẻ em đang ở trường học vào thời điểm xảy ra trận động đất.
Trong khi các trận động đất mạnh 6 hoặc 7 độ Richter tương đối phổ biến ở Nam Dương, và thường là ở ngoài khơi, nơi có các đường đứt gãy chạy qua, thì trận động đất có cường độ thấp hơn hôm thứ Hai đã gây ra hậu quả nhiều chết người vì nó xảy ra trên đất liền và ở độ sâu tương đối nông.
Các viên chức cho biết nhiều người trong số các nạn nhân bị thiệt mạng khi các tòa nhà kém chất lượng sụp đổ, và Tổng thống nước này đang kêu gọi các nỗ lực tái thiết bao gồm nhà ở chống động đất.
Tổng thống Joko Widodo đã đến Cianjur hôm thứ Ba để động viên lực lượng cấp cứu.
Ông nói: “Chỉ thị của tôi là ưu tiên di tản các nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát”.
Những người sống sót đã tập trung qua đêm tại một bãi đậu xe của bệnh viện Cianjur. Một số người bị thương được điều trị trong lều, những người khác được truyền dịch trên vỉa hè trong khi các nhân viên y tế khâu vết thương cho các bệnh nhân dưới ánh sáng của đèn pin.
“Mọi thứ sụp đổ bên dưới tôi và tôi bị đè bẹp bên dưới cháu này”, Cucu, một cư dân 48 tuổi, nói với Reuters.
“Hai con tôi sống sót, tôi đã đào các con lên.... Hai người con khác tôi đã mang đến đây, và một người con vẫn mất tích”, bà nói trong nước mắt.
“Nhiều thi thể đang nằm trong khuôn viên bệnh viện, rất đông”, người thân của bà, Hesti, cho biết.
Tại một khu vực, một số nạn nhân cầm những tấm biển bằng bìa cứng để xin thức ăn và chỗ ở, khi những vật dụng khẩn cấp dường như vẫn chưa đến được với họ.
“CUỐN TRÔI HẾT”
Các viên chức ứng phó thảm họa nói họ sẽ tập trung nỗ lực vào một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Cugenang, khu vực bị sạt lở đất do trận động đất gây ra.
Các kênh tin tức truyền hình chiếu cảnh người dân đào đất bằng tay bằng cuốc, gậy, xà beng và các công cụ khác.
Zainuddin, một cư dân của Cugenang, nói với Reuters: “Ít nhất sáu người thân của tôi vẫn chưa được thông báo, ba người lớn và ba trẻ em”.
“Nếu chỉ là động đất, thì chỉ có nhà bị sập, nhưng đây còn tồi tệ hơn vì bị sạt lở. Trong khu dân cư này có tám ngôi nhà, tất cả đều bị vùi lấp và cuốn trôi hết”.
Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Listyo Sigit Prabowo cho biết hơn 1.000 cảnh sát đã được khai triển để hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Các nỗ lực cấp cứu rất phức tạp do mất điện ở một số khu vực và 145 cơn dư chấn. Các viên chức cảnh báo nhiều trận lở đất có thể xảy ra trong những tuần tới.
“Hiện đang là mùa mưa ở Tây Java, cao điểm là vào tháng 12”, Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan thời tiết và địa vật lý, nói với các phóng viên. “Vì vậy, chúng tôi phải lường trước bất kỳ thảm họa nào có thể xảy ra sau đó, chẳng hạn như lở đất”.
Nằm dọc theo Vành đai lửa, một khu vực hoạt động địa chấn mạnh, nơi gặp nhau của các mảng khác nhau trên vỏ trái đất, Nam Dương có lịch sử về những trận động đất kinh hoàng.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra ở miền Bắc Nam Dương đã gây ra sóng thần tấn công 14 quốc gia, khiến 226.000 người thiệt mạng.
Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc: Tình Hình Iran ‘Nghiêm Trọng’ Với Hơn 300 Người Bị Giết
(Hình: Những người ủng hộ Iran vẫy quốc kỳ ghi chữ “Phụ nữ” khi cổ vũ trận đấu túc cầu giữa Anh và Iran tại World Cup 2022 ở Qatar vào ngày 21/11/2022. Đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca trước trận đấu để tỏ dấu hiệu ủng hộ các cuộc biểu tình ở quê hương.)
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 22/11/2022 nói tình hình ở Iran thực sự “nghiêm trọng”, mô tả phản ứng cứng rắn của chính quyền đối với các cuộc biểu tình khiến hơn 300 người chết trong vòng hai tháng qua.
“Số người chết vì các cuộc biểu tình ở Iran ngày càng tăng, bao gồm cả hai trẻ em vào cuối tuần, và phản ứng cứng rắn của lực lượng an ninh, nhấn mạnh tình hình nghiêm trọng của quốc gia”, phát ngôn viên của lãnh đạo nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, nói trong một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ).
Nước Cộng hòa Hồi giáo đã rung chuyển bởi các cuộc biểu tình trên toàn quốc kể từ cái chết của một phụ nữ người Kurd 22 tuổi, Mahsa Amini, trong lúc bị cảnh sát đạo đức giam giữ vào ngày 16/9 sau khi cô bị bắt vì trang phục bị cho là “không phù hợp”.
Tehran đã đổ lỗi cho thế lực thù địch ngoại quốc và các điệp viên của các nước đó dàn dựng các cuộc biểu tình, đã biến thành một cuộc nổi dậy rầm rộ của người Iran từ mọi tầng lớp trong xã hội, đặt ra một trong những thách thức lớn nhất đối với giới tăng lữ cầm quyền kể từ cuộc cách mạng năm 1979.
Đội tuyển World Cup của Iran đã từ chối hát quốc ca của họ trước trận đấu mở màn World Cup vào thứ Hai 21/11 trong một dấu hiệu ủng hộ các cuộc biểu tình.
Cuối tuần này, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva sẽ tổ chức một cuộc tranh luận về các cuộc biểu tình, dự kiến có sự tham gia của các nhà ngoại giao cũng như các nhân chứng và nạn nhân.
Một đề xuất sẽ được thảo luận tại phiên họp là tìm cách thành lập một phái đoàn tìm hiểu thực tế về cuộc đàn áp ở Iran. Bất kỳ bằng chứng nào về sự xâm hại được tìm thấy sẽ có thể được sử dụng sau đó tại các tòa án quốc gia và quốc tế, một tài liệu của Liên Hiệp Quốc nói.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (OHCHR) cho biết đến nay đã có hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có hơn 40 trẻ em. Những trường hợp tử vong này xảy ra trên khắp cả nước, với 25 trong số 31 tỉnh thành được báo cáo.
Cũng trong cuộc họp trên, phát ngôn viên OHCHR Jeremy Laurence bày tỏ lo ngại về tình hình tại các thành phố có dân số chủ yếu là người Kurd, nơi có báo cáo hơn 40 người đã bị lực lượng an ninh giết hại trong tuần qua.
Truyền thông nhà nước Iran tháng trước cho biết hơn 46 người thuộc lực lượng an ninh, bao gồm cả cảnh sát, đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Các viên chức chính phủ không cung cấp bất kỳ ước tính nào về số người chết.
Phó Tổng Thống Harris: Mỹ Đứng Về Phía Phi Luật Tân Chống Cưỡng Ép ở Biển Đông
(Hình: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris lên tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân trong chuyến thăm Puerto Princesa, tỉnh Palawan, Phi Luật Tân, vào ngày 22/11/2022.)
PALAWAN (VOA/Reuters) - Hoa Thịnh Ðốn sẽ đứng về phía Phi Luật Tân khi đối mặt với sự đe dọa và cưỡng ép ở Biển Đông, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris nói hôm thứ Ba (22/11/2022) khi đến thăm đảo Palawan trong vùng biển tranh chấp.
Đi trên một tàu tuần duyên của Phi Luật Tân cập cảng ở vịnh Puerto Princesa, bà Harris nói Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn “có vai trò sâu sắc trong tương lai của khu vực này”.
Điểm dừng chân Palawan của bà Harris là một phần trong chuyến thăm kéo dài ba ngày tới một trong những đồng minh an ninh lâu đời nhất của Hoa Kỳ ở Á Châu, cũng là trọng tâm trong nỗ lực chống lại các chính sách ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông và đối với Đài Loan.
“Chúng ta phải ủng hộ các nguyên tắc như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, bà Harris nói trong một bài phát biểu.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ và là tuyến thuỷ lộ với hàng ngàn tỉ Mỹ kim thương mại đi qua mỗi năm.
Phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài ở The Hague cho rằng các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rộng lớn của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý, mang lại chiến thắng cho Manila.
Tuy nhiên, Phi Luật Tân đã không thể thực thi phán quyết và kể từ đó đã lên tiếng phản đối hàng trăm lần về cái mà họ gọi là sự xâm phạm và quấy nhiễu của lực lượng tuần duyên Trung Quốc và đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này.
Trong bài phát biểu của mình, bà Harris nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Thịnh Ðốn đối với phán quyết trọng tài năm 2016, mà Trung Quốc nói họ không chấp nhận. Phó Tổng thống Mỹ nói rằng phán quyết này “có tính ràng buộc pháp lý và phải được tôn trọng”.
Phó Tổng Thống Mỹ Đến Thăm Đảo Cận Vùng Biển Mà Trung Quốc Tuyên Bố Chủ Quyền
(Hình: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trên tàu tuần duyên Phi Luật Tân ở cảng Puerto Princesa hôm 22/11/2022.)
- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay vào ngày 22/11/2022, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến thăm đảo Palawan. Đây là đảo nằm cận vùng Biển Đông, vùng nước Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ.
Tin của thông tấn xã AFP cho biết chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ đến Palawan chứng tỏ ủng hộ của Hoa Thịnh Ðốn đối với đồng minh lâu đời Manila và đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực này.
Chuyến thăm đảo Palawan của Phó Tổng thống Kamala Harris là chuyến công du chính thức đầu tiên của một viên chức ấp cao nhất của Hoa Kỳ đến đảo này.
Trong phát biểu trên một tàu của Tuần Duyên Phi Luật Tân neo tại Vịnh thủ phủ Puerto Princesa của đảo Palawan, bà Kamala Harris nhắc lại rằng “Hoa Kỳ, trong tư cách đồng minh, đang chung vai cùng Phi Luật Tân trước sự đe dọa, cưỡng bức tại Biển Đông”.
Hôm thứ hai, trong cuộc gặp Tổng thống Ferdinand Marcos của Phi Luật Tân, bà Kamala Harris tái khẳng định cam kết không lay chuyển của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Phi Luật Tân nếu tàu thuyền hay máy bay của nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng cho biết sẽ tiếp tục tập hợp các đồng minh và đối tác chống lại những hành vi vô trách nhiệm và phi pháp tại Biển Đông. Bà lập luận rằng một khi trật tự trên căn bản luật pháp bị đe dọa tại nơi nào đó, tất cả các nơi khác cũng bị đe dọa.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông trong phạm vi đường đứt khúc chín đoạn họ tự vạch ra. Bắc Kinh cho bồi lấp nên những đảo nhân tạo tại những đá mà nước này chiếm giữ ở Biển Đông.
Vào tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague (Hòa Lan) ra phán quyết tuyên đường đó là phi pháp; tuy nhiên Bắc Kinh bác bỏ không chịu tuân thủ phán quyết của tòa.
Tin Cộng Ðồng: Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam Trao Giải Cho Các Nhà Hoạt Động Đang Thụ Án Tù Trong Nước
(Ảnh từ trái qua phài: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh nằm trong số 8 người sẽ được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Mỹ vinh danh trong một buổi lễ tại Đức vào 10/12/2022.)
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHRN) có trụ sở ở Mỹ vừa trao giải thưởng nhân quyền 2022 cho nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, hiện đều đang thụ án tù ở Việt Nam.
Trong một thông cáo ra ngày 20/11, VNHRN cho biết họ đã chọn 7 nhà hoạt động nói trên từ 19 đề cử từ trong nước và hải ngoại. Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Giám đốc điều hành của VNHRN, những người được chọn, đều bị kết án tù từ 8 cho đến 15 năm, đã “đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bằng chính cuộc sống của họ”.
Nhà báo Tường Thụy, từng là một cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA), bị kết án tù hồi tháng 1/2021 cùng với các thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Phạm Chí Dũng của VOA. Ông Thụy, từng làm đơn ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 với tư cách đại biểu độc lập, bị kết án 11 năm tù với tội danh “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thụy, 72 tuổi, luôn khẳng định mình vô tội và viết trong một bức thư gửi ra từ nhà tù rằng: “Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại, tôi vẫn làm như thế”.
Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bà rất vui vì chồng mình được trao giải Nhân quyền của VNHRN năm nay và đã báo với ông Thụy khi thăm ông tại trại giam An Phước ở Bình Dương.
“Anh ấy rất vui”, bà Lân nói nhưng cho biết rằng chồng bà, hiện có bệnh lý nền, có thể không trụ được đến ngày ra tù. “Anh có nói với tôi rằng anh xác định rồi, có thể không có ngày đoàn tụ”.
Trong khi đó, nhà thơ Đức Thạch, một cựu chiến binh của quân đội Bắc Việt, cũng đang thụ án tù tại một trại giam ở Thanh Hóa. Ông bị kết án 12 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2020 sau 7 năm gia nhập Hội Anh em Dân chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.
Trước đó, vào năm 2008, ông bị kết án 3 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi đưa ra tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, trong đó ông thuật lại những điều ông chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát về việc bộ đội Bắc Việt xả súng thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, nay là Xuân Lộc, của tỉnh Đồng Nai.
Trước phiên Phúc thẩm hồi tháng Ba năm 2021, ông Thạch, 70 tuổi, nói rằng ông “xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi” và rằng ông “rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Chương, vợ ông Thạch, cho biết sức khỏe của ông ngày càng suy nhược do tuổi tác và điều kiện giam cầm “vô nhân đạo” nhưng ông vẫn kiên định rằng “dù có 12 năm hay 20 năm (tù) hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình”.
Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh là một trong số 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được VNHRN trao giải nhân quyền năm nay.
Ông Vịnh – người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền cưỡng chiếm – bị kết án 15 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 10/2018.
Bốn thành viên khác của Liên minh do ông Vịnh thành lập – gồm Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung – cũng bị kết án tại cùng một phiên tòa từ 8 đến 13 năm tù với tội danh tương tự.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án và trả tự do cho các thành viên của Liên minh.
Theo VNHRN, dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng kể từ ngày công bố hoạt động nhưng Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết “đã chứng tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang sống dưới ách độc tài chuyên chế Cộng sản”.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho rằng ông Vịnh và các bạn của ông “đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền này cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội”.
Theo Tiến sĩ Tùng của VNHRN cho biết, Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022 của tổ chức có trụ sở ở California sẽ được tổ chức tại thành phố Frankfurt của Đức cùng với sự hợp tác của Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại đây nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12.
Tù Nhân Tôn Giáo Phan Văn Thu Qua Đời Trong Trại Giam
(Photo: Gia đình tổ chức đám tang cho ông Phan Văn Thu ở Bình Định ngày 21/11/2022, một ngày sau khi nhận thi thể của ông từ trại Gia Trung ở Gia Lai.)
Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu, người mà Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích, đã qua đời ở trong trại giam của Bộ Công an hôm 20/11/2022, theo tin từ gia đình ông Thu.
Ông Phan Văn Thu, còn có tên khác là Trần Công, 74 tuổi, người sáng lập nhóm Phật giáo Ân Đàn Đại Đạo, qua đời khi đang thụ án tù chung thân tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, về tội “âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam”, bà Võ Thị Thanh Thúy, vợ của ông Thu, cho Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) biết hôm 21/11.
Người góa phụ chia sẻ trong tiếng nhạc lễ sầu thương khi gia quyến và thân nhân tổ chức tang lễ cho ông Thu tại tư gia ở An Nhơn, Bình Định, sau khi thi thể của ông được cơ quan chức năng khám nghiệm pháp y:
“Họ cho mình biết một số thông tin về ông: lúc 9 giờ sáng [ngày 20/11] ông bị mệt, trại cũng có đến để sơ cứu, nhưng ông không qua được và mất lúc 9 giờ 40 phút”.
“Trại đề nghị cho gia đình ‘đón’ ông Phan Văn Thu về nhà”.
“Tâm tư của gia đình là lúc nào cũng muốn đưa ông về nhà! Về nhà ở tâm trạng vui vẻ, được đón ông lúc tỉnh táo, sống với gia đình, chứ không phải là đón khi ông đã mất”, bà Thúy cho biết.
Ngày 5/2/2012, chính quyền ở Phú Yên bắt giam ông Thu với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” cùng với đợt bắt hơn 20 thành viên của nhóm Ân Đàn Đại Đạo. Nhưng sau đó tội danh này đã thay đổi theo hướng nghiêm trọng hơn, “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự.
Cuối cùng, đến tháng 2/2013, ông bị kết án tù chung thân, trong khi 24 thành viên khác nhận bản án từ 10 đến 17 năm tù, tổng cộng 309 năm tù giam và 110 năm quản thúc.
Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) cho biết rằng việc bắt giữ ông Thu và các thành viên của nhóm Ân Đàn Đại Đạo có “liên quan các hoạt động của họ trong một tổ chức tôn giáo ôn hòa” có tên là “Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn.
Trong thời gian dài ở trại Gia Trung, ông Thu được cho là gặp phải tình trạng sức khỏe yếu, mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, cao huyết áp, và suy tim.
Gia đình ông Thu nói với VOA rằng giám thị trại giam Gia Trung nhiều lần không cho phép ông tạm đình chỉ thi hành án để điều trị y tế thích hợp theo nguyện vọng gia đình dù ông bị suy tim nặng.
“Rất nhiều lần gia đình đã làm đơn để xin cho cha làm giám định sức khỏe để tạm đình chỉ thi hành án, cho cha về để điều trị. Năm 2018 họ cho làm giám định một lần, nhưng họ nói là ‘không đạt yêu cầu’. Mới đây, vào tháng 9/2022, gia đình lại gửi một đơn nữa, và tháng 10 được làm giám định… nhưng kết luận của giám định pháp y lại nói rằng ông ‘không đủ điều kiện’”, bà Bùi Ngọc Diện, con dâu của ông Thu, chia sẻ với VOA.
Theo USCIRF, ông Thu đã bị chính quyền bắt giam hồi năm 1975 vì liên quan đến hoạt động tôn giáo của mình. Gần đây, USCIRF đã đưa ông Thu vào danh sách nạn nhân của tự do của tôn giáo hay niềm tin toàn cầu và liên tục đề nghị chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Gia đình ông Thu cho biết rằng họ sẽ tiếp tục kêu oan cho ông và ước mong được phục hồi Ân Đàn Đại Đạo theo di nguyện của ông.
Bà Thúy nói: “Sự khao khát của chúng tôi là mong muốn được lên tiếng để giải oan cho đạo Ân Đàn Đại Đạo của chúng tôi, rửa sạch hàm oan mà chúng tôi theo đuổi hơn 10 năm nay – nộp đơn ở khắp nơi để đòi lại sự công bằng – dù chúng tôi không hy vọng lắm, nhưng vẫn cố gắng để đưa ánh sáng đạo tràng đi theo con đường chính đạo”.
“Chúng tôi mong muốn Ân Đàn Đại Đạo được giải nỗi hàm oan và sự hy sinh tột cùng của giáo chủ Ân Đàn Đại Đạo Phan Văn Thu được đền đáp”, bà Thúy bày tỏ.
VOA đã liên lạc Bộ Công an, Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị phản hồi về các phát biểu của gia đình ông Thu và của USCIRF, nhưng chưa nhận được trả lời.
Khi tuyên án tù đối với các thành viên Ân Đàn Đại Đạo, chính quyền Việt Nam nói rằng nhóm của ông Thu “núp bóng” dưới hoạt động kinh doanh khu du lịch sinh thái Đá Bia ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên để chỉ huy các hoạt động “chống phá” nhà nước như soạn ra các tài liệu “xuyên tạc”, “nói xấu” chế độ.
Cáo trạng mô tả Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn với khoảng 300 thành viên là tổ chức chính trị “bất bạo động” có mục tiêu thành lập nhà nước Đại Nam Kinh Châu thay thế cho nhà nước của đảng Cộng sản cầm quyền.
Tù Nhân Lương Tâm Huỳnh Trương Ca Bị Bệnh ở Trại Giam Xuân Lộc, Vẫn Chờ Phẫu Thuật
(Hình: Ông Huỳnh Trương Ca tại tòa án hồi năm 2018.)
Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, người đang thi hành án tù năm năm sáu tháng tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), bị bệnh và cần phải phẫu thuật nhưng Bác sĩ của trại giam chưa xếp lịch.
Gia đình nói họ nhận được thông tin ông Ca bị bệnh từ thân nhân của một tù nhân khác cùng buồng giam ngày 16/11/2022. Một ngày sau đó, hai con của ông đã đến thăm ông tại trạm xá của trại giam.Bà Phạm Thị Tâm, vợ của ông Ca, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại như sau:
“Anh Ca rất là yếu. Anh cho biết đã vô trạm xá được tám ngày rồi. Vào đó thì qua xét nghiệm đường máu và huyết áp thì ổn. Bác sĩ cho biết cần phải phẫu thuật mụn ở háng nhưng chờ theo dõi hoài. Hiện giờ mụn sưng rất to và đỏ, gây nhức và sốt làm anh ấy rất khó chịu”.
Bà được hai con kể lại ông Ca trông rất tiều tuỵ, không tự đi được mà phải có sự trợ giúp của một quản giáo. Ông cũng không nói chuyện được nhiều với các con, kêu mệt và muốn quay về phòng giam trước khi thời gian thăm gặp kết thúc.
Ông dặn gia đình chuẩn bị tiền để phẫu thuật, và có thể phải chuyển đi viện khác.
Bà Tâm cho biết thêm gia đình rất lo lắng cho sức khoẻ và tính mạng của chồng bà. Tuy nhiên, gia đình chỉ được thăm ông một lần một tháng theo quy định chung và phải đợi sang tháng 12 tới mới có thể gặp lại ông.
Bà nói ông Ca ngoài ra còn có một số bệnh như bệnh tiểu đường, viêm phổi, và cao huyết áp.
Phóng viên có gọi điện cho Trại giam Xuân Lộc để kiểm chứng thông tin nhưng không ai nghe máy.
Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, bị bắt vào đầu tháng Chín năm 2018 khi đang trên đường đến Tp. HCM để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Ông là một thành viên của nhóm có tên Hiến pháp với tôn chỉ giúp cho người dân hiểu rõ các quyền của họ được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Cuối năm 2018, ông bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước” kèm theo án tù năm năm và sáu tháng.
Kể từ khi bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Xuân Lộc, ông bị giam giữ trong điều kiện hà khắc. Ông bị giam chung với bốn tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Vào tháng 10 năm 2019, ông cùng nhiều tù nhân tuyệt thực nhiều ngày để phản đối việc đối xử vô nhân đạo của trại giam.
Trại giam Xuân Lộc là nơi giam giữ một số tù chính trị ở phía Nam và nổi tiếng là nơi có chế độ giam giữ hà khắc đối với những người tù này. Việc tuyệt thực của tù chính trị phản đối điều kiện giam giữ xảy ra khá phổ biến ở nhà tù này. Mới đây nhất là vụ tuyệt thực của một số tù nhân lương tâm ở đây vào tháng 9/2020 để phản đối điều kiện giam giữ và đòi quyền lợi.
Đồng Nai: Hai Vợ Chồng Bị Kết Tội “Lợi Dụng Quyền Tự Do Dân Chủ” Trong Phiên Tòa Không Luật Sư
(Hình: Ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng.)
Tòa án Nhân dân huyện Tân Phú, Đồng Nai, ngày 22/11/2022 đã kết án một cặp vợ chồng theo tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” để bôi xấu chế độ và xúc phạm lãnh đạo trong một phiên tòa không có Luật sư.
Trong phiên tòa bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc sau gần ba giờ, ông Nguyễn Thái Hưng (sinh năm 1972) chủ kênh YouTube “Nói bằng thực TV” với gần 40.000 người đăng ký theo dõi, bị kết án bốn năm tù giam. Người vợ chưa cưới của ông, bà Vũ Thị Kim Hoàng (sinh năm 1978), bị kết án hai năm sáu tháng tù.
Bà Hoàng, người bị bắt cùng chồng vào đầu tháng Một năm nay nhưng được tại ngoại từ cuối tháng Tư, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cả hai vợ chồng không thuê Luật sư và cũng không có Luật sư chỉ định.
Bà nói ban đầu họ cũng thuê Luật sư Nguyễn Văn Miếng nhưng phía công an kết hợp thuyết phục và đe dọa khiến cả hai phải viết đơn từ chối Luật sư. Họ cũng tự tin cho rằng tự mình có thể tự biện hộ khi bị xét xử.
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Bà Hoàng kể về diễn biến phiên tòa hôm nay:
“Hôm nay tòa xét xử nhưng mình không được tranh luận bao nhiêu. Gần như là họ hỏi mình đúng hoặc sai, xác nhận như vậy thôi. Mình không có Luật sư, mình không được nói.
Còn mình có nói vô tình hay không như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng án vẫn như Viện Kiểm sát đề nghị ban đầu”.
Bà nói mặc dù là phiên tòa mở công khai nhưng chỉ có con gái bà được vào phòng xử án, những người thân khác phải quan sát phiên tòa từ ngoài cổng của trụ sở tòa án huyện.
Ngay sau khi tòa tuyên án, cả ông Hưng và bà Hoàng đều tuyên bố sẽ kháng án và thuê Luật sư nhằm tìm kiếm một bản án công bằng hơn.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt, ông Nguyễn Thái Hưng lấy danh khoản YouTube có tên “Nói bằng thực TV” để thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến có nội dung “nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những sự việc nổi bật diễn ra gần đây”.
Cáo trạng cũng nói những bình luận của ông Hưng “gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm nghiêm trọng lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước”.
Những sự việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ Cộng sản, pháp luật Việt Nam…. Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.
Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube.
Hiện kênh YouTube này đã không còn nội dung nào kể từ sau khi hai người bị bắt giữ.
Bà Hoàng bị buộc tội “là người liên quan, tiếp sức” vì đã cung cấp chỗ ăn ở cho ông Hưng bên cạnh việc cho ông này mượn tài khoản ngân hàng và một máy điện toán xách tay. Bản thân bà Hoàng không hề có phát ngôn nào trên mạng xã hội.
Cáo trạng cho biết bà Hoàng thừa nhận các hành vi trên còn ông Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng việc ông phát trực tiếp các buổi nói chuyện trên YouTube là thực hiện quyền tự do dân chủ và ngôn luận.
Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Phú kết luận trong cáo trạng rằng ông Hưng và bà Hoàng đã vi phạm điểm a khoản 1 và khoản 5 của Điều 16 Luật An ninh mạng và phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Trong khi bà Hoàng được tại ngoại từ cuối tháng Tư thì ông Hưng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Quá trình điều tra kết thúc từ cuối tháng Sáu nhưng năm tháng sau nhà chức trách huyện Tân Phú mới đem vụ án ra xét xử.
Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 15 người bị kết tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” với mức án từ một đến năm năm tù.
Gia Đình Đề Nghị Nhà Nước Thả Ông Trần Huỳnh Duy Thức Theo Luật Mới
(Ảnh: Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những tù nhân chính trị bị kết án tù lâu nhất ở Việt Nam.)
Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Việt Nam, đang đấu tranh để nhà nước Cộng sản Việt Nam trả tự do cho ông theo đúng như tinh thần của Bộ luật Hình sự 2015, được Quốc hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ông Thức bị kết án 16 năm tù về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ hồi năm 2010 trong một vụ án chính trị thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế vào lúc đó.
Nếu tính cả thời gian tạm giam, đến nay ông Thức đã ngồi tù được 13 năm 6 tháng trong khi các bị cáo khác được đưa ra xét xử với ông trong cùng vụ án như Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều đã được trả tự do từ lâu.
‘Chuẩn Bị Phạm Tội’
Ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ ông Trần Huỳnh Duy Thức, mới đây gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lá đơn đề nghị xem xét miễn hình phạt tù còn lại đối với ông Thức. Lá đơn này cũng được đăng lên mạng xã hội những ngày qua.
Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi vào năm 2015 và 2017, tức là có hiệu lực sau khi ông Thức đã bị kết án, có điều khoản quy định rằng người ‘chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không thuộc diện chịu trách nhiệm hình sự’. Lá đơn của ông Huỳnh kêu gọi áp dụng điều khoản đó đối với ông Thức và trả tự do cho ông ngay.
Lập luận trong đơn cho rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức ‘bị kết án bởi hành vi chuẩn bị phạm tội’ theo Bộ luật Hình sự năm 1999 nên ‘có quyền được áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự 2015’.
Một đoạn trong đơn của ông Huỳnh viết: “Do đó, tôi đề nghị Chủ tịch nước với quyền hạn và trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân được pháp luật trao cho, đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cho Trần Huỳnh Duy Thức, bao gồm 02 năm 06 tháng tù giam và 05 năm quản chế”.
Đây là lá đơn yêu cầu chính quyền Việt Nam làm theo đúng luật mà họ đề ra chứ không phải đơn xin khoan hồng cho ông Thức, theo quan điểm từ phía gia đình. Trong đơn, ông Huỳnh ghi rõ ‘con tôi luôn tự hào về những việc mình đã làm để đóng góp xây dựng cho sự phát triển của đất nước cho dù do những việc đó mà con tôi đã bị kết án một cách sai trái’.
“Do đó con tôi không nhận tội. Con tôi luôn khẳng định sẽ kiên trì sử dụng pháp luật để đòi công lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, lá đơn viết.
‘Phải Thượng Tôn Pháp Luật’
Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, đã xác nhận với VOA rằng cha ông có gửi đi một lá đơn như vậy vào ngày 4/11 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
“Đây không phải là lần đầu ba tôi và tôi lên tiếng”, ông Tân nói với VOA và cho biết bản thân anh trai ông từ trong nhà tù cũng đã gửi một lá đơn với lập luận tương tự cho Tòa án Nhân dân tối cao hồi năm 2018.
“Ròng rã từ đó đến nay mà họ không trả lời anh Thức”, ông Tân cho biết. “Ảnh cũng có gửi đến đến Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước nhưng bị người trong trại giam chặn lại”.
Ngoài lá đơn gửi Chủ tịch nước, ông Tân nói gia đình ông cũng gửi đến Thủ tướng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhưng ‘tất cả đều im lặng, không trả lời’.
“Gia đình tôi sẽ kiên trì đòi hỏi, sẽ lên tiếng trên mạng xã hội, sẽ liên tục đấu tranh cho đến khi nào họ đáp ứng yêu cầu của chúng tôi”, ông Tân nói.
Ông cho biết gia đình ông đã tham khảo với Luật sư và được phân tích rằng ông Thức rơi vào trường hợp ‘chuẩn bị lật đổ chính quyền nhân dân’ như trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015 với mức án tối đa là 5 năm tù.
“Như vậy họ phải trả tự do cho anh Thức ngay vì ảnh đã bị ở tù đến 13 năm 6 tháng rồi”, ông Tân khẳng định
“Chính phủ Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao cố tình lờ đi thông tin này. Họ cũng không có căn cứ nào để bác yêu cầu đó của Thức và gia đình nên họ không trả lời”, ông nói.
Theo lời ông Tân, anh trai ông ‘luôn muốn chính quyền phải thực hiện đúng phát luật’. “Luật đã có mà không làm thì còn gì là thượng tôn pháp luật nữa”, ông lập luận.
Ông cũng cho biết lần gia đình vào thăm nuôi ông Thức gần nhất là hôm 11/11. Khi đó, sức khỏe ông Thức ‘tạm ổn’ và ‘chỉ bị đường huyết cao’.
Ông nói trước đây ông Thức có tuyệt thực đến hơn 100 ngày để phản đối trại giam nhưng ‘giờ đã ngưng và cố gắng giữ gìn sức khỏe’
“Anh Thức có nói anh sẽ giữ gìn sức khỏe để tiếp tục đấu tranh đòi được trả tự do theo đúng pháp luật Việt Nam”, ông Tân thuật lại lời người anh trai.
Còn về tinh thần, ông Tân nói ông Thức ‘vẫn minh mẫn và kiên định’ và vẫn thường viết thư về cho gia đình ‘phân tích về thời cuộc, về cơ hội dân chủ cho Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay’.
“Anh Thức có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ thay đổi theo cách tốt nhất là thượng tôn pháp luật, tôn trọng dân chủ và nhân quyền để đất nước phát triển mạnh mẽ”, ông nói.
Về lý do tại sao ông Thức không nhận tội để được tha trước thời hạn như những người đồng chí của ông trong cùng vụ án, ông Tân nói ‘ảnh đã lựa chọn con đường đấu tranh của ảnh và kiên định với quyết định của mình’.
Tin Quốc Tế: Iran Bị Nga Kéo Vào Chiến Tranh Ukraine?
- Ngày 22/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay bế tắc trong đàm phán nguyên tử, bị phương Tây gia tăng trừng phạt vì trấn áp đẫm máu người biểu tình, Iran dường như không còn lựa chọn, “bắt tay” với Mạc Tư Khoa. Nga đang dần cạn kiệt vũ khí, cũng cần hỗ trợ quân sự của Tehran để duy trì cuộc chiến ở Ukraine.
Kể từ chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh Iran-Iraq, chưa bao giờ lại có nhiều phi đạn được sử dụng, như trên chiến trường Ukraine. Nga duy trì được khả năng oanh kích nước láng giềng trong thời gian dài nhờ vào kho vũ khí lên đến vài ngàn phi đạn, phi đạn-đạn đạo và phi đạn liên lục địa. Tuy nhiên, “khối lượng vũ khí được sử dụng cũng đáng kể” và Nga “hiện còn khoảng một nửa kho vũ khí”, theo nhận định của phó đô đốc Pháp Jean-Louis Vichot trên đài truyền hình TF1 ngày 17/11. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định “Mạc Tư Khoa đã bắn khoảng 4.700 phi đạn vào Ukraine” từ đầu cuộc chiến.
Ngoài thiệt hại về vũ khí trên chiến trường, khoảng 52 kho vũ khí Nga đã bị quân Ukraine đánh phá từ cuối tháng Ba đẩy Nga vào tình thế cấp bách: bổ sung kho vũ khí bị tiêu hao. Về sản xuất đạn pháo không cần kỹ thuật cao, phó đô đốc Vichot cho rằng Nga hiện chỉ cần tiền và thời gian để sản xuất vì có sẵn nguyên liệu, trong khi các nhà máy sản xuất không hẳn bị tác động. Riêng vũ khí cần kỹ thuật cao, hoạt động sản xuất bị đình trệ vì các biện pháp cấm vận của phương Tây. Tuy nhiên, Nga đang “mượn tay” một số nước thứ ba (Kazakhstan hay Armenia) để nhập cảng thiết bị điện tử gia dụng để lấy chất bán dẫn, theo một số cơ quan truyền thông Pháp, như tăng gấp đôi, gấp ba số lượng máy giặt và tủ lạnh nhập cảng so với năm 2021.
Ngoài ra, Nga có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của Iran, quốc gia Trung Đông đang tìm đồng minh để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đổi lại, theo phát biểu của thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nicolai Patruchev, được trang Almanar của Liban trích dẫn ngày 21/11, Mạc Tư Khoa “ghi nhận vai trò chủ đạo của các cơ quan tình báo phương Tây trong công tác tổ chức các cuộc bạo động ở Iran, tiếp theo là tuyên truyền thông tin thất thiệt về tình hình tại Iran trên những kênh truyền thông bằng tiếng Ba Tư do phương Tây kiểm soát. Chúng tôi coi đó là sự can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền”.
Trong chuyến thăm Iran vào tuần trước của ông Nicolai Patruchev, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên mức “chiến lược”. Quyết định tăng cường quan hệ với Nga được Tổng thống Iran Ebrahim Raissi đánh giá là biện pháp “đáp trả chính sách trừng phạt và gây bất ổn do Mỹ và các đồng minh của họ tiến hành”.
Minh chứng đầu tiên là Tehran sắp nhận được 60 chiến đấu cơ SU-35 của Nga. Đổi lại, thay vì nhập drone từ Iran, Nga sẽ được chuyển giao kỹ thuật và thiết kế để sản xuất trong nước. Thông tin được trang Washington Post tiết lộ còn cho thấy mối nguy hiểm về khả năng “Nga gia tăng đáng kể kho vũ khí rẻ tiền nhưng có độ hủy diệt cao khi xây dựng được chuỗi lắp ráp riêng”. Những thiết bị bay rẻ tiền này đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong các chiến dịch tàn phá cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, ở Ukraine.
Quyết định chuyển giao kỹ thuật của Iran cho thấy Tehran dấn thêm một bước vào cuộc chiến ở Ukraine và gián tiếp đối đầu với phương Tây - những nước đang đẩy Iran vào thế “cô lập” và dự kiến gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với chế độ do trấn áp đẫm máu người biểu tình từ nhiều tháng qua.
Tình hình tại Trung Đông vốn bất ổn, có nguy cơ trở nên căng thẳng hơn trong khi Iran và Do Thái là kẻ thù trong khu vực, đối đầu trên chiến trường Syria. Giới chuyên gia đang lo lắng về thông tin drone giám sát và tấn công Mohajer-6 do Iran sản xuất sử dụng ống kính hồng ngoại “giống hệt một mẫu mã do một doanh nghiệp Do Thái (Ophir Optronics Solutions Ltd.) sản xuất”, thậm chí, đa số các linh liện trong Mohajer-6 có nguồn gốc từ Mỹ hoặc Nhật Bản, một số khác là sản phẩm của Trung Quốc và Đức. Từ năm 2018, quân đội Iran bắt đầu tăng cường đội drone dựa vào kỹ thuật thu thập từ những drone của Do Thái và Mỹ bị bắn hạ.
Cuối cùng, phương Tây cũng lo ngại về thông tin Iran đã phát triển được một phi đạn siêu thanh, có thể đạt vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh và “có thể vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ phi đạn hiện nay”, theo phát biểu của tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (CGRI). Trước đó vài ngày, chính quyền Tehran cũng thông báo đã phóng lên không gian một phi đạn-đạn đạo chở vệ tinh. Nếu đúng vậy, từ giờ Iran sở hữu phi đạn-đạn đạo có khả năng không chỉ bắn đến “Do Thái, mà đến tận Âu Châu”.
Chiến Tranh Ukraine: Nga Ồ Ạt Pháo Kích Thành Phố Kherson
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay khoảng mươi ngày sau khi quân Nga rút khỏi Kherson, cư dân thành phố chiến lược miền Nam Ukraine lại phải hứng chịu các đợt pháo kích của Nga.
Sau 8 tháng chiếm đóng Kherson, rồi phải rút lui qua bên kia sông, quân đội Nga dường như đang trả thù. Từ Kherson, thông tín viên Maurine Mercier của Đài RFI ngày 22/11/2022 gửi về bài phóng sự:
“Cô Tatiana, khoảng 30 tuổi, mặc chiếc áo khoác màu trắng. Bất chấp những đợt pháo kích, cô vẫn bình tĩnh đứng ở thềm nhà. Sau nhiều tháng Kherson bị quân Nga chiếm đóng, cuối cùng thì cô Tatiana, hiệu trưởng một trường học, cũng đã được thấy lại trường của cô và các đồng nghiệp.
Đối với cô Tatiana, sẽ không có gì có thể làm hỏng ngày này, ngay cả những vụ pháo kích ngày càng dồn dập. Mỗi khi có tiếng nổ, nền nhà trường mẫu giáo lại rung chuyển, nhưng cô Tatiana vẫn mỉm cười. Cô ấy đã giành được chiến thắng quan trọng hơn nhiều: Đó là “Tự do”, cô nói, cho dù từ mùa Xuân đến nay, thành phố mới phải hứng những đợt pháo kích như vậy.
Cô nói tiếp: “Tôi hạnh phúc” và giải thích là khi quân Nga chiếm đóng thành phố Kherson, họ đã muốn ép cô dạy theo chương trình giáo dục của Nga, nhưng cô đã từ chối hợp tác. Vì thế, cô phải ẩn trốn trong suốt nhiều tháng: “Quân Nga truy lùng tôi khắp nơi. Tôi đã phải ẩn trốn trong thành phố và thường xuyên phải thay đổi nơi ẩn náu”.
Các vụ pháo kích làm cửa kính của các phòng học rung lên. Nhưng cô Tatiana nói: “Ít nhất thì bây giờ, không ai gây sức ép đối với chúng tôi. Không ai bắt chúng tôi phục tùng”. Tatiana đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau khi Kherson được giải phóng. Khi quân Nga rút khỏi Kherson, cô đã quyết định sẽ không bao giờ sợ hãi nữa”.
Trước tình hình Kherson bị pháo kích dồn dập, Phó Thủ tướng Ukraine tối hôm 21/11 trên mạng Telegram lại kêu gọi thường dân tại vùng Kherson di tản đến những nơi an toàn hơn.
Cũng vào hôm qua, chính quyền Kyiv thông báo phát giác được “4 địa điểm tra tấn” của quân Nga tại Kherson. Trong khi đó, theo báo Le Monde, chính quyền Hoa Thịnh Ðốn tố cáo quân Nga đã “phạm các tội ác chiến tranh mang tính hệ thống” tại khắp mọi nơi mà Nga khai triển quân ở Ukraine. Ông Beth van Schaack, phụ trách bộ phận Tư pháp Hình sự Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói đến các vụ hành quyết không qua xét xử, tra tấn và đối xử vô nhân tính của quân Nga.
Ukraine: Bakhmut Vẫn Chiến Đấu Trong Tang Thương Đổ Nát
- Tình hình Ukraine, như thường lệ, không thể thiếu vắng trên các trang báo Pháp ra ngày 22/11/2022.
Đặc phái viên Le Monde có bài phóng sự công phu cho biết “Tang tóc, hoang tàn, Bakhmut vẫn kháng cự ” trước những trận bão đạn pháo Nga. Bài viết mô tả cảnh những y tá ở tiền phương vội vã tiếp nhận các thương binh được đưa đến, sơ cứu rồi đưa về bệnh viện ở hậu cứ. Theo Bác sĩ phẫu thuật Volodymyr Pigulewski, mỗi ngày có từ 50 đến 100 thương binh nhập viện. Mấy chục chiếc cáng thương dính đầy vết máu chồng chất sát tường, cho thấy sức sát thương khủng khiếp của chiến trường đẫm máu nhất Donbass.
Bốn xác tử sĩ được phủ lên những chiếc chăn tạm bợ đặt ngoài sân. Dmytro Volkov phụ trách việc vận chuyển, nói rằng số tử trận phía Ukraine là “vừa phải” so với cường độ ngoài mặt trận. Yara, một tình nguyện viên 29 tuổi, nước da xám ngoét vì mệt mỏi, chăm sóc khoảng 20 thương binh mỗi ngày. Cô thổ lộ: “Nếu không giữ khoảng cách với những chàng trai này, hình dung ra cảm giác của họ và nghĩ rằng tình trạng này có thể xảy ra với mình hay người thân, thì không thể làm việc nổi. Phải nén lòng, cố quên tên của họ, nếu không mỗi khi nhớ đến sẽ rất đau lòng”.
Bakhmut là mặt trận ác liệt nhất từ nhiều tháng qua. Quân Nga tập trung lực lượng tại đây, chủ yếu là lính đánh thuê Wagner. Putin cố gắng tìm kiếm một chiến thắng bằng mọi giá, nhất là sau khi phải rút khỏi Kherson. Tuy nhiên từ 4 tháng qua, Nga vẫn không chiếm nổi thành phố này, dù lượng bom đạn dội xuống vô cùng dữ dội, ngày cũng như đêm, hầu như không còn một cánh cửa sổ nào nguyên vẹn. Không chỉ có các chiến binh phải chịu thương vong, mà ngày nào cũng có một, hai thường dân trúng đạn pháo thiệt mạng.
Hãy còn khoảng 15.000 dân bám trụ ở Bakhmut không chịu di tản theo lời kêu gọi của chính phủ, đa số là người lớn tuổi. Chỉ khi nào phi đạn rơi trúng tòa nhà mình ở hay có một người thân bị tử thương họ mới chịu ra đi.
Pháp Viện Trợ Thêm Vũ Khí Giúp Ukraine Bảo Vệ Không Phận
- Theo Le Monde ra ngày 21/11/2022, “ Pháp loan báo đợt chuyển giao vũ khí mới cho Ukraine”. Thường xuyên bị chỉ trích vì ít viện trợ quân sự cho Kyiv, hôm 20/11 Bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu loan báo viện trợ hai giàn phóng rốc-kết (LRU) và hai giàn phi đạn phòng không Crotale NG cho Ukraine, đồng thời xem xét giao thêm các giàn radar.
Tương tự như Himars của Mỹ mà Ukraine sử dụng rất hiệu quả trong thời gian qua để phá hủy các cơ sở hậu cần của quân Nga, LRU có tầm bắn 80 kilomet với độ chính xác 5 mét. Quân đội Pháp sở hữu 13 hệ thống này nhưng chỉ có 8 đang hoạt động, có nghĩa là tặng một phần tư cho Kyiv. Còn Crotale NG có thể phát giác các vật thể bay trong vòng 20 cây số và tiêu diệt ở cách 11 kilomet, Pháp cũng chỉ có 12 giàn. Paris đang thuyết phục các đối tác giao những phi đạn VT1 cho Ukraine để sử dụng với Crotale vì Thales đã ngưng sản xuất từ nhiều năm.
Về các radar, theo các nguồn tin quân sự, đó là Ground Master 200 (GM200), một hệ thống tầm trung do Pháp sản xuất có thể giám sát trong phạm vi 250 kilomet, rất hiệu quả để phát giác các drone bay ở tầm thấp như loại của Iran đang đánh phá cơ sở hạ tầng Ukraine.
WHO Báo Động Sức Khỏe Hàng Triệu Dân Ukraine Bị Đe Dọa Trong Mùa Đông
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 21/11/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng cuộc sống của hàng triệu người Ukraine đang bị đe dọa, sau hàng loạt vụ tấn công của Nga gần đây vào các hạ tầng năng lượng ở Ukraine.
Đại diện khu vực Âu Châu của WHO, ông Hans Kluge được thông tấn xã AFP trích dẫn nhận định rằng việc các cơ sở năng lượng của Ukraine bị hư hại, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống y tế cũng như sức khỏe của người dân nước này, đặc biệt là việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như bệnh về đường hô hấp, bạch hầu và bệnh sởi.
Từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai, WHO đã ghi nhận hơn 700 vụ tấn công vào các cơ sơ y tế ở Ukraine. Ông Hans Kluge nhấn mạnh rằng đây là một hành động “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”.
Trong cuộc điện đàm ngày 21/11, nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc làm sao Ukraine có thể vượt qua mùa Đông này cũng như sự cấp thiết trong việc bảo vệ an toàn của nhà máy nguyên tử Zaporijjia. Nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu tiếp tục bị pháo kích vào cuối tuần vừa qua. Ukraine và Nga cáo buộc nhau là bên bắn phi đạn. Lãnh đạo Pháp và Ukraine nhắc lại rằng việc Nga chiếm nhà máy bất hợp pháp là “nguyên nhân dẫn đến tình hình như hiện nay”.
Cũng trong ngày 21/11, chính phủ Na Uy cho biết đã chấp thuận cung cấp khí đốt cho Ukraine trong mùa Đông này, với trị giá khoảng 200 triệu Euro.
Nguyên Tử Iran: Tehran Gia Tăng Sản Xuất Uranium Làm Giàu
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của Hãng thông tấn ISNA cho biết hôm 22/11/2022, Iran đã bắt đầu sản xuất uranium làm giàu - một loại nguyên liệu để sản xuất vũ khí nguyên tử, lên đến 60%, vượt xa tỷ lệ 3,67% theo Thỏa thuận Nguyên tử năm 2015.
Vào cuối tuần vừa qua Iran thông báo đã thực hiện các biện pháp đáp trả lại Nghị quyết của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA), chỉ trích Tehran thiếu hợp tác. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Iran vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị từ hai tháng qua sau cái chết mang tính biểu tượng của một phụ nữ Hồi giáo Mahsa Amini. Thông tín viên Siavosh Ghazi của Đài RFI tường trình từ thủ đô Tehran của Iran:
Đây thực sự là một điểm bất khả vãn hồi. Đầu tiên, Iran đã tăng mức độ uranium làm giàu từ 20% lên đến 60% trong khu vực Fordo. Nằm cách Tehran 120 cây số, địa điểm này nằm sâu dưới núi và bom không thể phá hủy được. Trước đó, Iran đã làm giàu uranium 60% tại cơ sở ở Natanz, một cơ sở làm giàu uranium khác ở nước này.
Tiếp theo là hai loạt máy ly tâm mới (để tách đồng vị uranium), dòng IR-2 và IR4, sẽ đi vào hoạt động trong vài ngày nữa ở Natanz. Hai loại máy này rất mạnh và nhanh hơn các dòng máy cũ.
Sau đó, đó là 1044 máy ly tâm IR-1 ở cơ cở làm giàu uranium Fordo sẽ được thay thế bằng máy IR-6, mạnh và nhanh hơn gấp 10 lần.
Và cuối cùng, các loại máy ly tâm khí hiện đại sẽ dần dần được đặt ở gian trưng bày của hai cơ sở Natanz và Fordo, vốn được để trống theo thỏa thuận nguyên tử 2015.
Nói ngắn gọn, Iran sẽ tăng chương trình làm giàu uranium theo cấp số nhân. Đây là điều bất khả thể vãn hồi.\
Theo lãnh đạo của Cơ quan nguyên tử quốc tế (AIEA), Iran đã có đủ uranium làm giàu để sản xuất nhiều bom nguyên tử. Với những động thái mới này, khả năng của Iran sẽ tiếp tục tăng lên và đây sẽ là một thách thức mới đối với các nước phương Tây.
EU Tính Áp Giá Trần Đối Với Khí Đốt Trong 1 Năm, Các Nước Còn Bất Đồng Về Mức Giá
(Hình: Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Czech Jozef Sikela (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck trong cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng Âu Châu về giá trần khí đốt tại Brussels vào ngày 9/9/2022.)
- Ủy ban Âu Châu vừa đề xuất đưa ra mức trần giá khí đốt trong một năm kể từ ngày 1/1/2023, theo Dự thảo luật mà thông tấn xã Reuters đọc được, trong đó, cho đến nay vẫn để trống mức giá trần thực tế.
Ý tưởng giới hạn giá đã chia rẽ các nước EU trong nhiều tháng. Đề xuất mới nhất của Ủy ban sẽ được các Bộ trưởng Năng lượng thuộc 27 quốc gia thành viên của khối tranh luận vào thứ Năm (24/11/2022).
Một viên chức EU cho biết Ủy ban sẽ đề xuất một mức giá cao hơn mức mong muốn của những người ủng hộ việc áp giá trần.
Một nhà ngoại giao cho biết nhóm đa số dự kiến mức giá trần là khoảng 150-180 Euro mỗi megawatt giờ (MWh) và được kích hoạt nhiều lần trong một năm.
“Nếu không, chúng ta sẽ có một mức trần trên giấy tờ mà trên thực tế sẽ không bao giờ có hiệu lực”, nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
Dự thảo luật của Ủy ban, vốn cần phải được các nước EU thông qua để có hiệu lực, nói rằng cơ chế điều chỉnh thị trường là để ngăn chặn bất kỳ đợt tăng đột biến nào giống như hồi tháng Tám năm 2021 khi giá khí đốt tiêu chuẩn của Âu Châu ở trung tâm giao dịch tại Hòa Lan (TTF) lên đến 314 Euro/MWh vào ngày 26/8 và giữ nguyên trên 225 Euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp.
Các Bộ trưởng sẽ tranh luận vào thứ Năm về công thức giới hạn, mức trần chính xác, cũng như quy mô của khoảng cách giữa giá TTF và giá LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) toàn cầu.
Những người hoài nghi dẫn ra một số lo ngại bao gồm việc bảo đảm giới hạn sẽ không dẫn đến tăng tiêu thụ khí đốt, rủi ro pháp lý đối với các hợp đồng dài hạn hiện có và đẩy nhiều giao dịch thương mại hơn sang thị trường mua bán tự do (OTC), các nước thứ ba và những nơi khác, theo nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.
Các nguồn tin cho rằng với tình trạng chia rẽ như cũ, các nước EU khó có thể nhất trí với nhau về những chi tiết quan trọng nêu trên về giới hạn trong tuần này.
Đức Đề Xuất Chuyển Hệ Thống Phòng Thủ Phi Đạn Patriot, Hỗ Trợ Ba Lan Bảo Vệ Không Phận
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay quan hệ giữa Đức và Ba Lan trong nhiều hồ sơ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thế nhưng, hôm 21/11/2022, Warsaw đã rất vui mừng khi nước láng giềng Đức đề xuất chuyển cho Ba Lan một hệ thống phòng không để hỗ trợ bảo vệ sườn phía Đông đất nước, sau vụ một phi đạn rớt xuống Ba Lan hồi tuần trước, sát với biên giới Ukraine, khiến hai người Ba Lan thiệt mạng.
Từ thủ đô Bá Linh của nước Đức, thông tín viên Pascal Thibaut của Đài RFI cho biết thêm:
“Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ Ba Lan bảo vệ không phận của họ bằng các máy bay Eurofighter và hệ thống phòng thủ Patriot của chúng tôi”. Đó là phản ứng của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Christine Lambrecht, trong một cuộc phỏng vấn về vụ phi đạn rơi xuống Ba Lan hồi tuần trước khiến 2 người thiệt mạng. Theo Warsaw và NATO, đó là phi đạn do lực lượng Ukraine phóng để đáp trả các cuộc tấn công của Nga. Ngay sau sự việc đó một hôm, Bá Linh đã đề xuất hỗ trợ Ba Lan tuần tra trên không.
Warsaw đã chấp thuận đề xuất mà Đức đưa ra sáng thứ Hai (21/11). Trên Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan viết “Tôi đã rất hài lòng đón nhận” và hoan nghênh việc Bá Linh cung ứng hệ thống phòng thủ phi đạn Patriot do Mỹ chế tạo. Theo Warsaw, hệ thống Patriot cần được lắp đặt ở gần biên giới với Ukraine để trong tương lai sẽ đánh chặn được các phi đạn có khả năng bắn tới lãnh thổ Ba Lan.
Một số hệ thống Patriot khác đã được Đức đưa sang lắp đặt tại Slovakia sau khi nước này chuyển cho Ukraine các hệ thống phòng không do Liên Xô chế tạo. Các đơn vị phòng không của Đức sẽ phải đóng tại Slovakia ít nhất cho đến cuối năm 2023.
Tư Pháp Hồng Kông Cáo Buộc Các Cựu Nhà Báo Apple Daily “Thông Đồng Với Ngoại Quốc”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay trong phiên xử hôm 22/11/2022, tại Tòa án Tối cao, 4 cựu biên tập viên và 2 cựu Giám đốc của tờ báo Hồng Kông Apple Daily đã nhận tội “có âm mưu thông đồng với các thế lực ngoại quốc để đe dọa an ninh quốc gia” và có nguy cơ phải đối mặt với án chung thân. Đổi lại, bên Công tố từ bỏ cáo buộc “phiến nghịch” đối với các bị cáo.
Theo thông tấn xã AFP, 6 người gồm cựu Tổng Giám đốc của Apple Daily Trương Kiếm Hồng (Cheung Kim-hung), Phó tổng biên tập Trần Phái Mẫn (Chan Pui-man), tổng biên tập La Vĩ Quang (Law Wai-kwong), Tổng biên tập Lâm Văn Tông (Lam Man-chung), và hai biên tập viên khác, đã bị bắt vào trại tạm giam từ hơn một năm qua.
Với bằng chứng là hơn 160 bài báo đăng từ tháng 4/2019, Công tố Hồng Kông cáo buộc các bị cáo đã sử dụng báo Apple Daily để đăng tải các nội dung “kêu gọi ngoại quốc trừng phạt Trung Quốc”. Tuy nhiên, bên Công tố đã từ bỏ các cáo buộc liên quan đến tội danh “phiến nghịch”, chuyển tội danh này thành “thông đồng”, sau khi các bị cáo thừa nhận tội có âm mưu thông đồng với các thế lực ngoại quốc để đe dọa an ninh quốc gia.
Tờ Apple Daily đã bị đóng cửa vào giữa năm 2021 sau khi một số Giám đốc điều hành bị bắt, bao gồm cả nhà sáng lập Lê Trí Anh (Jimmy Lai), vì bị cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Vào giữa năm 2020, Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại đặc khu hành chính nhằm “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng. Đây là lần đầu tiên luật này được sử dụng để chống lại một cơ quan báo chí của hòn đảo.
Tòa án Hồng Kông chưa tuyên án đối với sáu bị cáo này cho đến khi phiên toàn xét xử chủ của Apple Daily, tỉ phú Lê Trí Anh diễn ra vào tháng 12/2022. Ông trùm truyền thông cho đến nay không nhận tội. Một số bị cáo trong phiên xử hôm nay chấp nhận ra làm chứng trong phiên xử ông Lê Trí Anh.
Trung Quốc: Nhiều Trường Học, Nhà Hàng Tại Bắc Kinh Đóng Cửa Do Số Ca Nhiễm Covid Tăng Kỷ Lục
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay bất chấp các tác động đối với nền kinh tế, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid.
Tại thủ đô Bắc Kinh vào tuần trước, nhiều trường học, nhà hàng một lần nữa bị đóng cửa, một số nơi bị phong tỏa. Hôm 22/11/2022, Bắc Kinh ghi nhận 1438 ca nhiễm, đây là con số kỷ lục từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu. Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình:
Nếu như Bắc Kinh vẫn chưa chính thức bị phong tỏa, thì rõ ràng là có ít xe cộ di chuyển trên đường hơn. Các quán ăn, quán cà-phê chỉ bán hàng đem về chứ không phục vụ tại chỗ. Học sinh Tiểu học, Trung học và Phổ thông phải học trực tuyến và tình trạng này có nguy cơ kéo dài ít nhất là từ nay đến cuối tuần. Học trực tuyến và cả làm việc từ xa. Yêu cầu này vẫn chưa chính thức được đưa ra nhưng khi chúng tôi cố gắng kết nối với dịch vụ công thì không có ai trả lời điện thoại hoặc được trả lời rằng cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp Nhà nước được yêu cầu ở nhà. Đó là điều mà ở đây gọi là sự im lặng của các khu phố, đôi khi là của toàn bộ thành phố.
Việc các hạn chế này được siết chặt trở lại liên quan đến 3 ca chết vì virus corona từ thứ Bảy tuần trước, ở những người cao tuổi, và đây là những ca chết vì Covid-19 đầu tiên được thông báo chính thức kể từ 6 tháng qua ở Trung Quốc và nhất là liên quan đến đợt bùng phát dịch vào cuối mùa Thu ở nhiều thành phố lớn. Hơn 26 800 ca nhiễm mới được ghi nhận vào Chủ Nhật vừa qua, trong đó có 594 ca nhiễm mới ở Bắc Kinh. Con số này gần bằng với đỉnh điểm dịch vào tháng Tư vừa qua.
Theo thông báo của chính phủ Trung ương, (ngày 11/11) nhiều thành phố đã thông báo chấm dứt việc xét nghiệm Covid hàng ngày. Các trạm xét nghiệm PCR được dựng trên đường đã bị đóng, kể cả ở Bắc Kinh. Thế nhưng sau đó, các trạm này đã mở lại. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của Hồ Bắc. Tại thành phố đi đầu về tối ưu hóa hoặc chỉnh sửa các biện pháp hạn chế Zero Covid, các đợt xét nghiệm hàng loạt đã quay trở lại, cũng như là các lệnh phong tỏa bán phần.
Trong khi lệnh phong tỏa không được áp dụng trên diện rộng như năm 2021, những người bị phong tỏa cho biết lối vào tòa nhà của họ bị khóa, bởi vì có một cư dân dương tính với Covid-19 sống ở vài tầng trên hoặc ở dưới. Họ phải ở nhà nhưng không bị đưa đến các trại cách ly tập thể. Một số khác cố gắng nhìn nhận tình hình với đầu óc hài hước trên mạng xã hội, giống như là những bà mẹ ở Bắc Kinh: Họ đồng tình với việc phong tỏa nếu con cái họ được giữ ở trường cùng với giáo viên và chồng của họ thì ở lại nơi làm việc”.
Ca Nhiễm COVID Tăng ở Trung Quốc, Bắc Kinh Đóng Cửa Công Viên, Bảo Tàng
(Hình: Người dân đi xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm ở Bắc Kinh vào ngày 13/11/2022. Bắc Kinh đã đóng cửa các công viên, trung tâm thương mại và bảo tàng vào ngày 22/11.)
Bắc Kinh đóng cửa các công viên, trung tâm thương mại và bảo tàng vào thứ Ba (22/11/2022), trong khi nhiều thành phố Trung Quốc tiếp tục xét nghiệm hàng loạt về COVID-19 giữa lúc các nhà chức trách vật lộn với số ca nhiễm gia tăng đột biến, gây lo ngại sâu sắc về nền kinh tế và làm mờ hy vọng nhanh chóng mở cửa trở lại của nước này.
Trung Quốc đã báo cáo 28.127 ca nhiễm trong nước mới vào thứ Hai, gần đạt mức cao nhất hàng ngày kể từ tháng Tư, với các ca nhiễm ở thành phố Quảng Châu ở miền Nam và đô thị Trùng Khánh ở miền Tây-Nam chiếm khoảng một nửa tổng số.
Tại Bắc Kinh, các ca bệnh đã đạt mức cao mới mỗi ngày, khiến chính quyền thành phố kêu gọi nhiều người dân ở tại chỗ và trưng ra bằng chứng kết quả xét nghiệm COVID âm tính, không quá 48 tiếng đồng hồ, để đi vào các tòa nhà công cộng.
Làn sóng lây nhiễm đang thử thách những điều chỉnh gần đây mà Trung Quốc đã thực hiện đối với chính sách “không COVID” của mình, nhằm mục đích khiến các nhà chức trách nhắm mục tiêu nhiều hơn vào các biện pháp có quy mô nhỏ hơn và hướng họ khỏi các cuộc phong toả và xét nghiệm trên diện rộng vốn đã bóp nghẹt nền kinh tế và khiến người dân bất bình trong gần ba năm đại dịch.
Các cơ quan y tế cho biết có thêm 2 ca chết do COVID-19, sau 3 ca chết vào cuối tuần qua, là những ca chết đầu tiên của Trung Quốc kể từ tháng Năm.
Thượng Hải hôm thứ Ba đã ra lệnh đóng cửa các tụ điểm văn hóa và giải trí ở 7 trong số 16 quận của mình sau khi báo cáo 48 ca nhiễm mới tại địa phương, trong khi thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, trở thành nơi mới nhất ra lệnh xét nghiệm toàn thành phố.
Ngay cả sau khi các hướng dẫn đã được điều chỉnh, Trung Quốc vẫn là quốc gia đi ra ngoài xu hướng toàn cầu, với các hạn chế COVID nghiêm ngặt, bao gồm cả việc đóng cửa các đường biên giới.
Các biện pháp thắt chặt ở Bắc Kinh và các nơi khác, ngay cả khi Trung Quốc cố gắng tránh tình trạng đóng cửa trên toàn thành phố như từng làm trước đây trong năm khiến Thượng Hải tê liệt, đã làm dấy lên những lo lắng của nhà đầu tư về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đè nặng lên thị trường chứng khoán và khiến các nhà phân tích cắt giảm dự báo về nhu cầu xăng dầu vào cuối năm của Trung Quốc.
Chính phủ lập luận rằng chính sách “không COVID” đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cứu sống nhiều người và là điều cần thiết nhằm ngăn hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.
Nhưng nhiều người dùng mạng xã hội bất bình đưa ra so sánh với những người hâm mộ không đeo mặt nạ tại World Cup túc cầu, bắt đầu vào Chủ Nhật ở Qatar.
“Hàng chục ngàn người ở Qatar không đeo khẩu trang. Và chúng ta vẫn đang hoảng sợ”, một người dùng trên nền tảng Weibo viết.
Bắc Kinh Nhắc Lại Với Mỹ: Đài Loan Là “Lợi Ích Cốt Lõi của Trung Quốc”
- Đài Loan và một số bất đồng về quân sự là chủ đề trọng tâm trong cuộc đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ tại Cam Bốt ngày 22/11/2022. Một lần nữa, ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh Đài Loan là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” và đây là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua.
Hai viên chức Mỹ và Trung Quốc có “cuộc trao đổi dài” bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) mở rộng ở Siem Reap, Cam Bốt, nhằm kiềm chế những căng thẳng song phương. Đây là lần thứ hai trong năm 2022, ông Lloyd Austin và ông Ngụy Phượng Hòa gặp nhau, và là lần đầu tiên kể từ chuyến công du Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng Tám, khiến Bắc Kinh giận dữ.
Theo phát biểu với báo giới của một viên chức quốc phòng Mỹ, được thông tấn xã AFP trích dẫn, “hai bên nhất trí rằng điều quan trọng là cả hai nước chúng ta (Mỹ và Trung Quốc) cùng phối hợp, tránh để sự cạnh tranh trở thành xung đột”. Cả Mỹ và Trung Quốc đánh giá cuộc họp của hai Bộ trưởng Quốc phòng “mang tính xây dựng”, “chân thành” và “chuyên nghiệp”. Hai bên cũng “nhất trí về việc phải tái lập một số cơ chế đặc biệt đã được thảo luận trước đó”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa lưu ý với đồng nhiệm Mỹ: “Trung Quốc chú trọng đến phát triển quan hệ quân sự song phương, nhưng Mỹ phải tôn trọng những lợi ích cơ bản của Trung Quốc”. Lợi ích cơ bản này là Đài Loan. Ông Ngụy Phượng Hòa cảnh báo: “Đài Loan là của Trung Quốc. Đó là một vấn đề mà chỉ mình dân tộc Trung Quốc giải quyết, không một thế lực ngoại quốc nào có quyền can thiệp”.
Vấn đề Đài Loan sẽ tiếp tục là chủ đề gây bất đồng vì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định Hoa Thịnh Ðốn “sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của mình theo luật về quan hệ với Đài Loan”, trong đó có việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho Đài Loan.
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan. Theo thống kê của Đài Bắc, máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khoảng 970 lần trong năm 2021, tăng hơn gấp đôi so với năm 2020. Sau chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội Trung Quốc rầm rộ tập trận bao vây hòn đảo trong vòng nhiều ngày.
Đài Loan Học Hỏi Cách Đánh của Ukraine Để Phòng Thủ
- Trả lời phỏng vấn báo Les Echos ra ngày 22/11/2022, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) lo lắng Tập Cận Bình có thể tấn công Đài Loan nhằm đánh lạc hướng những sai lầm trong chính sách zéro Covid.
Được hỏi phải chăng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đổ dầu vào lửa khiến Bắc Kinh cho tập trận quy mô, ông Ngô nhấn mạnh, ngược lại Đài Loan rất hàm ơn. Đông đảo người dân Đài Bắc đã đón chào phái đoàn Mỹ dọc theo các con đường với biểu ngữ cảm ơn. “ Trung Quốc cố gắng cô lập chúng tôi, những ai lên tiếng ủng hộ đều được hoan nghênh”.
Ngoại trưởng Đài Loan lưu ý, Tập Cận Bình càng đáng sợ vì ông ta toàn quyền hành động, chỉ làm việc với một nhúm người. “ Khi từ chối nghe phản biện, nhất định có thể phạm những sai lầm”. Ông nói thêm: “ Điều làm tôi lo lắng nhất là tình hình kinh tế Trung Quốc. Với chính sách zéro Covid, tăng trưởng sẽ chậm lại và phản kháng xã hội tăng lên. Người ta có thể nghĩ rằng đó là tin vui cho Đài Loan, nhưng ngược lại: có nguy cơ Tập Cận Bình gây hấn với nước khác để làm quên đi những thất bại trong nước của ông ta”.
Điều duy nhất có thể thấy được là Tập Cận Bình đang tăng cường quân đội, và Đài Bắc cũng phải coi đây là vấn đề ưu tiên. Thời gian đi quân dịch không quá bốn tháng sẽ được kéo dài thành một năm, chi quốc phòng sẽ tăng 14% trong năm tới, chiếm 2% GDP, một tỉ lệ mà các chuyên gia cho rằng hãy còn quá thấp. Đài Loan chỉ có 160.000 quân dự bị, sẽ bắt chước mô hình Ukraine để xây dựng lực lượng nhân dân tự vệ. Một cơ quan đã được lập ra để điều phối các nỗ lực phòng vệ của các tổ chức phi chính phủ, tập thể và Nhà nước; và đang tìm mua những vũ khí hạng nhẹ cơ động, lập quan hệ đối tác với một số nước Âu Châu để học tập kinh nghiệm phòng vệ dân sự.
Ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh, nếu phương Tây tiếp tục đoàn kết chống lại Nga sẽ giúp răn đe ý đồ xâm lăng Đài Loan của Bắc Kinh. Trong trường hợp Trung Quốc dân chủ hóa trong 10 năm, 20 năm nữa, có thể thống nhất hai nước hay không? Ngoại trưởng Đài Loan không ngần ngại trả lời: Không! Bây giờ và sau này, đều không thể chấp nhận nguyên tắc “ nhất quốc, lưỡng chế”. Việc đàn áp Hồng Kông đã chứng minh điều mà ai cũng biết: không bao giờ có thể tin vào lời hứa của Trung Quốc.
Thách Thức Lương Thực Để Nuôi Sống 8 Tỉ Người Trên Hành Tinh
(Thanh Hà)
Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên cho phép 600 triệu nông dân nuôi sống 8 tỉ và thậm chí là 10 tỉ miệng ăn trên hành tinh hay không? Dân số thế giới còn tăng mạnh từ nay đến cuối thế kỷ XXI, vậy đâu là những thách thức đang đặt ra cho ngành nông nghiệp khi dân số toàn cầu càng lúc càng tăng?
Năm 2011 truyền thông quốc tế đã hân hoan chào đón thành viên thứ 7 tỉ trên hành tinh. Lần này công luận quốc tế tập trung vào chiến tranh Ukraine, khủng hoảng năng lượng, dịch Covid, biến đổi khí hậu vào nạn đói đe dọa một phần nhân loại.
Theo báo cáo được cập nhật hồi tháng 10/2022 của Tổ chức Lương-Nông Thế giới về tình trạng an ninh thực phẩm và dinh dưỡng toàn cầu – SOFI 2022, đủ ăn ngày hai bữa đang trở thành một “nhu cầu cấp bách” đối với 50% dân cư ở Phi Châu, đối với 10% nhân loại.
Quá Đông Người Trên Hành Tinh?
Trên Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), Giáo sư Địa lý Đại học Sorbonne Paris, bà Sylvie Brunel giải thích “nhiều yếu tố cùng lúc” đẩy thêm 46 triệu người trên thế giới vào cảnh đói kém trong năm qua, đa số là ở Phi Châu
“Đương nhiên dưới tác động của dịch Covid, các đợt phong tỏa liên tiếp ảnh hưởng trước hết đến những người mà cuộc sống vốn đã khó khăn. Kế tới là tác động dây chuyền từ chiến tranh Ukraine gây nên, bởi vì Phi Châu lệ thuộc vào nhập cảng lương thực thực phẩm của Nga và Ukraine. Họ mua vào từ lúa mì đến bắp, dầu ăn, phân bón… Chính vì thế mà nhiều quốc gia đã tránh bỏ phiếu lên án Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine. Cuối cùng phải kể đến lạm phát. Trước bấy nhiêu khó khăn, bảo đảm đủ ăn ngày hai bữa không phải là chuyện dễ. Bên cạnh đó còn đặt ra thách thức về môi trường, về khí hậu. Nông dân Phi Châu không còn biết là khi nào phải bắt đầu các đợt gieo trồng…. An ninh lương thực tại Phi Châu càng lúc càng bị đe dọa”.
Năm 2021 đã có thêm 828 triệu người bị đẩy vào cảnh đói kém, con số này tăng thêm hơn 18% so với hồi 2019 tức là trước khi xảy ra đại dịch Covid, theo thẩm định của FAO. Cũng năm 2021 gần 30% nhân loại trong tình trạng mà Tổ chức Lương-Nông Thế giới gọi là “bất an ninh về lương thực”. Nhìn về tương lai, cơ quan này không mấy lạc quan khi cho rằng “ngay cả trong kịch bản kinh tế thế giới phục hồi cũng phải đợi đến năm 2030 số người bị đói kém mới rơi xuống trở lại tương tự như hồi 2015”.
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) của Liên Hiệp Quốc David Beasley tuần trước báo động “cuộc khủng hoảng về lượng thực và nhân đạo nghiêm trọng nhất từ sau Ðệ nhị Thế chiến đang ở trước mặt”.
Chiến Tranh Ukraine Chỉ Là Một Khía Cạnh của Vấn Đề
FAO thẩm định: Từ tháng 2/2022 hóa đơn nhập cảng lương thực của thế giới tăng 10% so với cùng thời kỳ một năm trước đó. Giá phân bón tăng 48%. Các nước trong khu vực hạ Sahara-Phi Châu phải cắt giảm khoảng 10% lương thực nhập cảng và phải thanh toán hóa đơn đắt hơn đến 5 tỉ Mỹ kim cho các nhà cung cấp.
Các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán hay các đợt nắng nóng dài ngày tại Ấn Độ, Trung Quốc và Âu Châu, gây thiệt hại mùa màng. Lũ lụt nhận chìm 1/3 diện tích Pakistan trong nhiều tuần lễ đẩy hàng trăm ngàn người dân quốc gia Nam Á này vào cảnh thêm khốn khó. Một số vụ bạo động bùng lên tại Nam Dương, hay Sri Lanka, Perou, Panama xuất phát từ tình trạng đói kém.
Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, các dự phóng của Liên Hiệp Quốc đều cho thấy dân số toàn cầu sẽ còn tăng thêm đến cuối thể kỷ này: 10 tỉ người, liệu chúng ta có đông quá hay không trên hành tinh này? Laurent Toulemon, nhà dân số học thuộc Viện Nghiên Cứu Dân Số Quốc Gia Pháp INED trả lời:
“Câu hỏi này không đích đáng lắm. Vấn đề ở đây là liệu rằng Trái Đất có đủ nguồn tài nguyên để nuôi sống 8 hay thậm chí là 10 tỉ người trên hành tinh hay không nếu như chúng ta cứ sống trong những điều kiện như hiện tại? Tức là chúng ta phung phí các nguồn tài nguyên như điện, nước… Theo tôi câu trả lời sẽ là không. Chúng ta biết rõ là trong tương lai dân số trên địa cầu sẽ tăng lên tới 10 tỉ. Điều đó có được là nhờ tỷ lệ tử vong bị đẩy lùi. Nhờ những tiến bộ về y khoa, về khoa học, tuổi thọ của con người tăng lên. Như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ phải tổ chức lại cuộc sống, rà soát lại cách mà chúng ta tiêu thụ các nguồn tài nguyên. Thực sự mà nói nếu như không lãng phí tài nguyên, thì Trái đất này đủ sức nuôi sống đến 15 tỉ người nhất là nếu nhu cầu thấp như đời sống ở bên Phi Châu hay là ở Ấn Độ. Ngược lại nếu như chúng ta giữ nguyên các thói quen như của dân Âu Châu và nhất là dân Mỹ từ cung cách ăn uống, đến mua sắm, từ nhu cầu về điện, nước… thì chắn chắn là không để phục vụ 10 tỉ con người. Nói cách khác, theo tôi câu trả lời nằm trong cách sống của mỗi cá nhân, vào mức độ mà chúng ta tiêu thụ tài nguyên”.
Valentin Brossard, đại diện cho tổ chức phi chính phủ CCFD Terre Solidaire chống nghèo-đói, giải thích thêm, thuần túy xét từ khía cạnh sản xuất nông phẩm, thì Trái Đất có đủ khả năng để nuôi sống thêm 2 hay 3 tỉ miệng ăn so với hiện nay.
“Hiện tại ở cấp quốc tế chúng ta sản xuất đủ để nuôi sống nhân loại. Trung bình chúng ta bảo đảm cho mỗi đầu người 6.000 calories mỗi ngày. Mức này như vậy cao gần gấp ba so với tiêu chuẩn về dinh dưỡng Tổ Chức Y Tế Thế Giới quy định. Vấn đề đặt ra là có những nơi dư thừa lương thực, nơi lại không có đủ để bảo đảm mức dinh dưỡng tối thiểu. Chênh lệch đó dẫn tới hiện tượng lãng phí thực phẩm. Có khoảng 25% sản xuất bị lãng phí, 15% được dùng để chế tạo các loại xăng, dầu phục vụ công nghiệp và như vậy là chỉ còn lại có 60% nông phẩm trên thế giới dành để nuôi sống nhân loại”.
Khí Hậu, Bất Ổn An Ninh và Thiếu Cơ Sở Hạ Tầng
Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về nông nghiệp Ollo Sib thuộc Chương Trình Lượng Thực Thế Giới của Liên Hiệp Quốc cho biết tại Sahel – phía Nam sa mạc Sahara, và khu vực Sừng Phi Châu, nơi 12 trên tổng số 50 triệu người không đủ ăn. Hạn hán, thiên tai chỉ giải thích một phần thảm họa này. Đây còn là nơi các lực lượng nổi dậy, các tổ chức khủng bố hoành hành. Các tuyến đường vận chuyển lương thực, thực phẩm thường xuyên bị gián đoạn. Phi Châu cũng là nơi còn thiếu cơ sở hạ tầng, mất nhiều thời gian vận chuyển nông phẩm từ làng quê lên thành phố…. Giáo sư Sylvie Brunel Đại học Sorbonne cho rằng, nếu tháo gỡ được những “nút thắt này” Phi Châu bớt lệ thuộc vào lương thực nhập cảng từ các châu lục khác:
“Thách thức nào cũng có thể vượt qua, và đừng quên rằng một khi tháo gỡ được những bế tắc hiện tại, Phi Châu chẳng những trở thành một vựa lúa cho châu lục này mà còn dư sức xuất cảng ra thế giới. Đây là nơi đất canh tác còn chưa được khai thác hết và châu lục này có một nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi một nền kinh tế bắt đầu trỗi dậy, dân chúng có khuynh hướng bỏ làng quê lên thành phố sinh sống. Vì vậy, Phi Châu cần có một nền công nghiệp hiệu quả, có năng suất cao để dù với ít người, nhưng vẫn đủ sức bảo đảm lương thực, thực phẩm cho dân cư của châu lục này”.
Quy Luật Thương Mại Thế Giới
Tổ chức phi chính phủ CCFD Terre Solidaire đưa ra một chìa khóa khác để tháo gỡ nút thắt lương thực cho một phần nhân loại: đó là các quy luật về thương mại quốc tế. Valentin Brossard giải thích:
“Tại Pháp cũng như rất nhiều nơi khác trên thế giới, từ 5 năm trở lại đây các công ty đầu cơ hoạt động càng lúc càng mạnh và phải nói là họ làm giầu khi đánh cuộc vào nồi cơm của nhân loại. Thí dụ như trên thị trường Paris, ba năm trước, 70% các dịch vụ mua bán nông phẩm trong tay giới tiểu thương, các nhà sản suất quy mô nhỏ. Nhưng đến tháng 6/2022 các nhà đầu cơ, các quỹ đầu tư tung tiền mua vào đến 80% lượng lúa mì bán ra trên thị trường Paris. Các tổ chức này hoạt động càng mạnh thì giá nông phẩm lại càng bị đẩy lên cao. Điều đó có nghĩa là miếng ăn sẽ đắt đỏ hơn đối với dân Pháp, dân Phi Châu hay là bên Nam Mỹ, Á Châu…”.
Nói cách khác, Trái đất vẫn có đủ tài nguyên để bảo đảm lương thực cho 8 hay 10 tỉ dân với điều kiện là dân cư tại một số nơi điều độ hơn trong cách tiêu thụ hàng ngày. Kèm theo đó là một “chính sách nông nghiệp” hiệu quả hơn. Theo bà Sylvie Brunel một chính sách nông nghiệp hiệu quả cần chú trọng đến những điểm như là: bảo đảm cho nông gia một mức thu nhập nhất định, bảo vệ các nhà trồng trọt và chăn nuôi trước lòng tham của đại tập đoàn chế biến nông phẩm, trước các nhà môi giới, các quỹ đầu tư ham lợi. Bên cạnh đó các quốc gia sở tại cũng phải phân định rõ ràng về quyền ở hữu đất đai vì có như thế thì các nông gia mới yên tâm đầu tư để nâng cao năng suất.
Một điểm khác nữa Giáo sư Brunel ghi nhận đó là “chiến tranh luôn đồng nghĩa với đói kém” cho nên hòa bình là một chìa khóa về tự chủ lương thực. Đương nhiên nông nghiệp bao giờ cũng lệ thuộc vào thiên nhiên vào các nguồn nước ngọt…. Các vựa ngũ cốc không thể đầy nếu thiếu vắng các biện pháp bảo vệ môi trường, các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Báo cáo của nhóm chuyên gia liên chính phủ trực thuộc Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu GIEC năm 2019 đã báo động: “Hiện tượng khí hậu bị đảo lộn là một trong những nguyên nhân gây thêm căng thẳng trên thị trường nông phẩm, đe dọa các nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho nhân loại”.
Vào thế kỷ XXI, mọi người chờ đợi nhiều vào các phát minh, vào những tiến bộ về kỹ thuật để nâng cao năng suất trong các ngành chăn nuôi và trồng trọt, bởi bỏ làng quê lên thành thị kiếm sống là tiến trình không thể đảo ngược. Song nâng cao năng suất đồng nghĩa với việc sử dụng phân bón hóa học nhiều hơn, và nông nghiệp cũng là một lĩnh vực phát khí thải làm hâm nóng trái đất và ô nhiễm môi trường. Vậy làm thế nào dung hòa hai mục tiêu: Nuôi sống 8 tỉ người mà vẫn bảo vệ được môi trường thiên nhiên?
Tin Việt Nam: Trò Tốt Hay Xấu Có Hoàn Toàn Do Thầy/Cô?
(Hình: Một lớp học ở Hà Nội.)
Mới đây lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho rằng: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu”. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Ông Chính nhấn mạnh ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo. Thủ tướng dẫn chứng nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, cống hiến với nghề, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh….
Nhưng khi nhắn nhủ tới đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại nhắc lại câu nói của ông Hồ Chí Minh: “Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu” và cho rằng mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ lương tâm, sự hiểu biết và trách nhiệm vào công việc.
Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở Tp. HCM, hôm 22/11 nhận định:
“Nói chung, kết quả của ngành giáo dục không chỉ phụ thuộc vào người dạy và người học, mà nó còn bao gồm rất nhiều yếu tố của quá trình dạy học như: trường lớp, bàn ghế, sách giáo khoa.v.v… Nếu như nói giáo viên tốt thì học trò sẽ tốt, giáo viên xấu thì học trò sẽ xấu, thì nó hoàn toàn không chính xác, vì nó hoàn toàn không phản ảnh được cả một quá trình giáo dục. Thực tế trong các trường học ở Việt Nam cũng như thế giới, chúng ta thấy rõ ràng trong một năm, trong một học kỳ rất nhiều học sinh sinh viên bị rớt môn, thậm chí bị cho thôi học… thì như thế chẳng lẽ chúng ta nói rằng những người đó rớt môn hay là bị cho thôi học đều học ở thầy cô xấu hết cả sao?”
Do đó Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng, phát biểu của Thủ tướng nằm ở một góc độ khác, có lẽ do ông ta phát biểu không trọn vẹn về một quá trình giáo dục. Do đó xảy ra sự phê phán của dư luận trong mấy ngày qua.
Còn Thầy Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín-Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 22/11, cho rằng quan điểm của Thủ tướng vừa đúng, vừa không đúng
“Nếu thật sự người thầy tốt đúng nghĩa thì chắc chắn không thể làm xấu học trò được, chỉ có thể làm học trò tốt lên. Nhưng học trò giỏi hay không lại khác, chữ tốt và chữ giỏi khác nhau, làm một người tốt so với một người giỏi cũng không giống nhau. Vì vậy cái giỏi của học trò còn phụ thuộc vào tố chất cá nhân của nó, phụ thuộc vào môi trường học tập…. Còn chỉ là một người tốt thì dứt khoát là một việc dễ dàng hơn. Tôi không đồng ý với Thủ tướng, có lẽ ông ấy đồng hóa học trò giỏi và học trò tốt là một”.
Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng, tất nhiên nếu thầy cô chưa giỏi chưa tốt, luôn luôn cư xử với trẻ bất công, tạo cho trẻ sự vô lý trong tâm lý tiêu cực… thì chúng ta không thể tạo ra thế hệ học trò là người tốt được. Thầy Khoa dẫn chứng
“Tôi cho rằng rất nhiều vụ nữ sinh đánh nhau ở ngoài rất dã man, tàn bạo, có sự cổ vũ của những học sinh khác, đó là một trong những biểu hiện vô cùng xấu là do thầy cô giáo không công bằng, tạo ra sự bất công đối với trẻ…. Còn một nguyên nhân nữa là nhân tố gia đình”.
(Hình, minh họa: Học sinh trong một lớp Tiểu học ở Hà Nội.)
Trong năm học 2021-2022, đã có hơn 16 ngàn giáo viên đã nghỉ dạy, lý do chính theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn là do lương thấp. Nhưng nhiều giáo viên khi trả lời RFA trước đây cho rằng giáo viên nghỉ việc là do quá nhiều áp lực.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, có 10.407 người là giáo viên công lập và số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.
Với thực trạng ngành giáo dục hiện nay, sao Thủ tướng lại đè nặng thêm trách nhiệm cho giáo viên? Trong khi thực chất công việc quản lý giáo dục có nhiều việc cần phải làm.
Một giáo viên Tiểu học ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, nói: “Có rất nhiều thứ, thứ nhất về chương trình ngày càng quá nặng, không tạo cho giáo viên sự thoải mái để họ cống hiến hết sức mình. Họ bị gò bó, rồi đưa ra những thi đua này nọ buộc họ phải làm, vắt kiệt sức giáo viên. Nói chung là có rất nhiều chuyện dẫn đến sự bất mãn của giáo viên”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2021 đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.
Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định thêm về môi trường giáo dục tại Việt Nam hiện nay:
“Môi trường xã hội cũng như môi trường giáo dục hiện nay có hai mặt, có chỗ tốt, nhưng cũng có chỗ chưa tốt để lại nhiều ấn tượng xấu cho trẻ, hay không hoàn toàn tìm được môi trường hoàn toàn tốt tại Việt Nam. Dù các trường quốc tế thì sự chăm sóc quản lý tương đối tốt, nhưng ở những trường đó cái tốt nó lại trả giá bằng rất nhiều tiền. Các trường quốc tế ở Hà Nội mỗi tháng học phí lên tới hơn 30 triệu đồng, nó có giá cả, chưa tạo ra được các nhân bản của ngành giáo dục. Còn các trường công lập mặc dù học phí rất nhỏ, nhưng hầu hết các trường đều vẽ ra các khoản thu trái quy định, làm ảnh hưởng tới hình tượng nhà giáo. Mà mỗi hình tượng nhà giáo xấu sẽ làm mất đi sự kỳ vọng của học sinh”.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, khi trả lời trước đây nhắc lại nhận định của cố Giáo sư Hoàng Tụy với đại ý rằng “nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra”. Theo ông Hưng, cái lạc đường của Việt Nam là do không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người, không phục vụ con người theo ý nghĩa con người tự do, nhân văn, có tinh thần phê phán và sáng tạo…
Ba Người Liên Quan Vụ Tra Tấn Ngư Dân Trên Biển Cà Mau Bị Tạm Giữ Hình Sự
(Ảnh: Hình ảnh ông Trung bị hành hạ, đánh đập trên tàu đánh cá.)
- Ba người liên quan đến việc một ngư dân bị hành hạ dã man trên tàu biển Cà Mau, đang gây xôn xao dư luận, đã bị tạm giữ hình sự.
Thượng tá Phan Bửu Kiếm, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cà Mau cho truyền thông hay tin trên trong ngày 22/11/2022 tại buổi họp báo do Ban tuyên giáo và Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các ngành chức năng tổ chức.
Ông Kiếm cũng cho biết, Công an đã gặp ông Trương Văn Trung, sinh năm 1978, ngụ tỉnh Kiên Giang, là nạn nhân trong sự việc trên. Tuy nhiên, nạn nhân thứ hai là ông Lê Văn Bình, sinh năm 1990, Công an chưa xác định được đang ở đâu, trên tàu đánh cá nào. Hiện Công an Cà Mau tiếp tục tìm kiếm ông Bình.
Thượng tá Phan Bửu Kiếm được tờ Pháp luật trích lời rằng: “Vị trí xảy ra sự việc nằm ở ngoài khơi thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, nhưng không xác định được thuộc huyện nào, nên đơn vị nào phát giác sự việc thì giao thụ lý giải quyết. Hiện công an đã tạm giữ hình sự ba đối tượng liên quan”‘
Ông Kiếm đồng thời cho biết ba người bị công an tạm giữ gồm Nguyễn Công Toàn (sinh 1988, còn gọi là To, tài công phương tiện BT: 97993-TS), Nguyễn Văn Tỵ (sinh 1988) và Nguyễn Văn Hùng (sinh 1984) đều ngụ huyện Trần Văn Thời. Đây là ba nghi can trực tiếp hành hạ, đánh ông Bình và ông Trung trên tàu đánh cá BT 97993 TS tại tọa độ thuộc vùng biển tỉnh Cà Mau, xảy ra vào ngày 23 và 24/5/2022.
Cũng theo Công an, sự việc xảy ra từ tháng Năm nhưng đến ngày 15/11, mạng xã hội bắt đầu lan truyền các đoạn video clip quay lại cảnh ông Trung bị đánh đập dã man trên tàu đánh cá BT 97993 TS. Tại thời điểm ông Trung bị đánh, qua lời khai của nhóm Nguyễn Công Toàn, một ngư dân khác tên Sử Chí Tâm đã dùng điện thoại quay lại và chuyển cho Nhí (ngư phủ, chưa xác định được nhân thân). Sau đó, Nhí chuyển cho Mai Thanh Lăng (ngụ thị trấn Sông Đốc) đăng lên mạng xã hội.
Việt Nam Tổ Chức Lễ Tang Cấp Cao Cho Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Chết “Đột Ngột”
(Hình: Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.)
- Nghi thức lễ tang cấp cao sẽ được tiến hành vào ngày 23/11/2022 cho ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Truyền thông nhà nước loan tin ngày 22/11/2022, một hôm sau khi ông này qua đời mà nguyên nhân chỉ được thông báo do tai nạn nên đột ngột từ trần. Cụ thể tai nạn gì không được nêu rõ trong các bản tin của báo chí Việt Nam.
Các chức vụ khác của ông Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1964 tại xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được liệt kê qua các giai đoạn gồm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, XIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum hai nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021.
Ông này còn được Huân chương Lao động Hạng nhất và nhiều danh hiệu khác do Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam trao.
Trong thời gian qua, tại Việt Nam từng xảy ra những vụ viên chức chết mà nguyên nhân chỉ được nêu chung chung khiến công luận thắc mắc. Đơn cử vụ Tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng, rơi từ tầng 14 một chung cư tại Nhà Bè (Sài Gòn) vào tháng 8/2020. Công an quyết định không khởi tố vụ án hình sự với kết luận ông này tự rơi.
Trước đó là vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Lê Hải An rơi từ tầng tám tòa nhà trụ sở của Bộ hồi tháng 10/2019 và tử vong…
Việt Nam và Hoa Kỳ Khởi Động Sáng Kiến Tăng Trưởng Bền Vững Cho Khu Vực Tư Nhân
(Hình: Lễ công bố sáng kiến mới do Mỹ tài trợ Việt Nam thông qua USAID tại Hà Nội hôm 21/11/2022.)
- Một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam được công bố vào ngày 21/11/2022. Sáng kiến do Phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) và Bộ Kế hoạch-Đầu tư Chính phủ Hà Nội cùng khởi động. Trang Facebook của USAID tại Việt Nam loan tin này vào cùng ngày.
Sáng kiến thúc đẩy việc thực thi các chuẩn quản trị, xã hội và môi trường (ESG) của các nhà đầu tư. Mục đích nhằm đánh giá cách thức một công ty bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, quản trị mối quan hệ với cộng đồng, cũng như khai triển quản lý một cách có trách nhiệm và minh bạch.
Sáng kiến vừa nêu được cho biết lần đầu khai triển tại Việt Nam. Sáng kiến nhắm đến các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển. Số này theo thống kê chiếm đến chừng 97% khu vực kinh tế tư nhân của nước này. Có đến 85% lực lượng lao động của cả nước hiện được tuyển dụng làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển; đồng thời đóng góp 40% vào tổng sản phẩm nội địa.
Kế hoạch của sáng kiến nhắm đến năm 2025 sẽ cung ứng các gói hỗ trợ kỹ thuật liên quan cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển. Nỗ lực này được cho biết tương thích với Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam.
Sáng kiến là một phần thuộc dự án trị giá 36 triệu Mỹ kim nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân (IPSC).
Nhật Bản Sẽ Kiểm Soát Chặt IUU Đối Với Thủy Sản Nhập Từ Việt Nam
(Hình: Các ngư dân và cá đánh bắt được tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, hôm 19/8/2022.)
HÀ NỘI (RFA) - Thủy sản nhập cảng từ Việt Nam vào Nhật Bản sẽ được kiểm soát chặt chẽ về vấn đề khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đó là thông tin do Cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Việt Nam đưa ra và truyền thông nhà nước loan đi ngày 22/11/2022.
Thông tin cho biết Nhật Bản sẽ kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và bảo đảm truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản nhập cảng của Việt Nam. Cụ thể, các lô hàng thủy sản và chế biến từ nguyên liệu thuộc bốn loại thủy sản gồm mực ống, mực nang, cá thu đao, cá thu và cá trích được khai thác và nhập vào Nhật sau ngày 1/12 tới đây sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận truy xuất nguồn gốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong tháng 10 vừa qua, thị trường Nhật đã vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất cảng thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch đạt hơn 160 triệu Mỹ kim, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Ủy Ban Âu Châu (EC) vào tháng 10/2017 công bố cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam do bị xác định là một quốc gia không hợp tác trong công cuộc chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý, viết tắt theo tiếng Anh là IUU.
Ủy Ban Âu Châu nêu ra những khiếm khuyết của cơ quan chức năng Việt Nam như thiếu một hệ thống xử phạt hữu hiệu nhằm ngăn ngừa hoạt động IUU. Ngoài ra Việt Nam cũng thiếu hành động giải quyết hoạt động đánh bắt cá lậu của những tàu đánh cá nước này tại vùng biển của những quốc gia láng giềng; gồm những quốc đảo nhỏ đang phát triển tại Thái Bình Dương.
Một khiếm khuyết nữa của Việt Nam bị chỉ ra là hệ thống kém cỏi trong việc kiểm soát sản phẩm cá được chế biến trong nước trước khi đưa đi xuất cảng ra những thị trường quốc tế.
Ủy viên phụ trách môi trường, hàng hải và ngư nghiệp của EC, ông Karmenu Vella, nói là EC không thể bỏ qua tác động do những tàu đánh cá Việt Nam đánh bắt phi pháp gây nên đối với hệ sinh thái tại Thái Bình Dương. EC mời gọi cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường đấu tranh để có thể sớm thu hồi cảnh cáo đưa ra; và phía EC sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo EC thì quyết định cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam được đưa ra là kết quả của quá trình phân tích thấu đáo; cũng như xem xét trình độ phát triển của nước này.
EC nói rõ quyết định cảnh cáo được đưa ra sau thời gian dài thảo luận không chính thức với Hà Nội kể từ năm 2012.
Bắt Bà Trùm Buôn Ma Túy Xuyên Quốc Gia Oanh “Hà”
(Hình: Oanh “Hà” tại cơ quan công an.)
- Bà trùm buôn bán ma túy Vũ Hoàng Oanh (còn gọi là Oanh “Hà”), 65 tuổi ở Hải Phòng, chị gái Dung “Hà” (trùm giang hồ trong vụ án Năm Cam) đã bị bắt và khởi tố với cáo buộc chủ mưu cầm đầu đường dây buôn bán 1,6 tấn ma túy.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) phối hợp cùng Cơ quan đại diện Bộ Công an tại ngoại quốc thực hiện lệnh bắt trên và được truyền thông nhà nước loan tin trong ngày 22/11/2022.
Lãnh đạo C04 cho biết, sau thời gian dài theo dõi hoạt động của nhóm Oanh “Hà”, ngày 23/9, C04 đã phối hợp cùng Cơ quan đại diện Bộ Công an tại ngoại quốc và các lực lượng chức năng của nước Cam Bốt bắt giữ bốn nghi phạm là Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Ngọc Sơn (là đối tượng truy nã đặc biệt về ma túy của Công an tỉnh Quảng Ninh) và Vũ Hoàng Oanh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện (Cục trưởng C04) cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra-Bộ Công an đã khởi tố, bắt giữ 29 bị can trong đường dây này. Tổng số tang vật thu giữ là 131 kg ma túy các loại. Kết quả bước đầu làm rõ nhóm này đã mua bán, tiêu thụ trái phép trên 1,6 tấn ma túy.
Trước đó, vào tháng 5/2018, C04 đã phá chuyên án 128Y do Oanh “Hà” cầm đầu, thu giữ 74 kg ma túy, bắt 8 đối tượng trong đường dây. Tuy nhiên, Oanh “Hà” đã bỏ trốn sang ngoại quốc và bị truy nã đặc biệt về tội mua bán trái phép chất ma túy và lệnh truy nã quốc tế của Interpol. Tuy nhiên, cũng theo C04, sau khi ra ngoại quốc, bà trùm ma túy đất cảng đã thu nạp nhiều đàn em bị truy nã hình thành đường dây mua bán ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” về Sài Gòn và Hải Phòng tiêu thụ.
Theo Cục cảnh sát, đường dây do Oanh “Hà” cầm đầu hoạt động rất tinh vi, địa bàn mở rộng và thay đổi cách thức vận chuyển, giao hàng nên phải mất gần bốn năm, trinh sát mới thu thập được chứng cứ và bắt trọn đường dây của Oanh “Hà” trong tháng 9/2022.
Ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Thư khen ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của các tập thể trong chuyên án, triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia do bà trùm ma túy Oanh “Hà” cầm đầu.
Vĩnh Phúc: Khai Trừ Đảng Chủ Tịch Thị Trấn Bị Tòa Sơ Thẩm Tuyên Án, Vẫn Tại Vị
(Hình: Cuộc họp công bố quyết định kỷ luật ông Trần Văn Bình, Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Hợp Châu huyện Tam Đảo.)
VĨNH PHÚC (RFA) - Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Hợp Châu huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bị khai trừ đảng và tạm đình chỉ chức vụ sau khi bị Tòa Sơ thẩm tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 22/11/2022 dựa theo nội dung quyết định kỷ luật Đảng do lãnh đạo huyện ủy Tam Đảo ký.
Hôm 21/11/2022, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Hợp Châu, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Văn Bình. Huyện Tam Đảo cũng có quyết định giao Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Hợp Châu cho ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn.
Trước đó, hôm 23/9/2022, Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử Sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trình nâng cấp, cải tạo chợ Hợp Châu, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo do Ủy ban Nhân dân thị trấn Hợp Châu làm chủ đầu tư.
Tòa án đã tuyên ông Trần Văn Bình, phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đồng thời xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ; thời gian cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức nhận được bản án có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án.
Sau khi Tòa Sơ thẩm tuyên phạt, ông Bình vẫn tiếp tục tại vị, tham gia điều hành và ký nhiều văn bản hành chính tại thị trấn này, do đó người dân đã phản ánh sự việc cho truyền thông.Tuy nhiên, theo giải thích của huyện ủy huyện Tam Đảo bằng văn bản, ông Bình đã có đơn kháng cáo. Như vậy, bản án đối với ông Trần Văn Bình chưa có hiệu lực pháp luật.
Nội dung văn bản còn thể hiện, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật (Phúc thẩm), Ủy ban Nhân dân huyện sẽ xử phạt kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức theo thẩm quyền, đúng các quy định của pháp luật.
Tp. HCM: Hai Cựu Công An Đội Phòng Chống Buôn Lậu Bị Truy Tố Tội Buôn Lậu
(Ảnh: Hàng hóa, linh kiện điện tử, máy móc đã qua sử dụng bị công an bắt giữ.)
- Hoàng Duy Tiến và Võ Văn Đông, hai cựu cán bộ thuộc đội phòng chống buôn lậu phòng cảnh sát kinh tế Công an Tp. HCM bị truy tố về tội buôn lậu.
Viện kiểm sát nhân dân Tp. HCM cho truyền thông hay vừa hoàn tất cáo trạng truy tố hai ông Tiến, Đông cùng 24 đồng phạm về tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt 12-20 năm tù và khoản 3 Điều 188 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 7-15 năm tù.
Theo cáo trạng, Tiến là chủ mưu của vụ án. Từ khoảng tháng 9/2019 đến tháng 5/2021, Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam 1.287 container hàng với tổng trị giá tài sản hàng hóa nhập lậu là 217 tỉ đồng.
Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện theo quy định của quyết định 18.
Cáo trạng cũng thể hiện, vào tháng 2/2021, Đông gặp Tiến nói có nhu cầu nhập cảng các container hàng máy móc cũ từ ngoại quốc về giúp bạn và gợi ý với Tiến để thỏa thuận cùng làm. Tiến đồng ý giúp được sáu container với chi phí 90 triệu đồng.
Hoa Kỳ và Việt Nam Công Bố Sáng Kiến Giúp Doanh Nghiệp Việt Nam Tăng Trưởng Xanh
(Ảnh: Công nhân tại một nhà máy ở Việt Nam.)
- Hoa Kỳ cùng Việt Nam vừa công bố một sáng kiến giúp hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam tăng trưởng xanh và bền vững.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết rằng trong thời gian thăm và làm việc tại Hà Nội, Giám đốc Khu vực Á Châu của USAID Michael Schiffer cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương hôm 22/11/2022 công bố một sáng kiến mới do USAID tài trợ.
Tin cho hay, sáng kiến này nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, còn được biết đến là tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam áp dụng bộ tiêu chuẩn này.
Theo USAID, mục tiêu là đến năm 2025, sáng kiến này sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó 10 doanh sẽ nhận được hỗ bổ sung để thí điểm, khai triển hoặc mở rộng các mô hình kinh doanh ESG sáng tạo.
“Nỗ lực này góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững”, USAID cho biết.
Báo Đầu tư dẫn lời ông Phương nói rằng “sáng kiến ngày hôm nay là giải pháp thiết thực và cụ thể, qua đó tìm kiếm được những ý tưởng xuất sắc, tạo thành mô hình, câu chuyện điển hình, tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”.
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là sáng kiến về ESG đầu tiên ở Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, vốn hiện chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ “cam kết làm việc với Nhóm G7 và các nước khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đầy tham vọng và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.
Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ hồi tháng Chín vừa qua cho biết rằng trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm Việt Nam kéo dài từ ngày 2/9 đến 6/9, Đặc phái viên Kerry và người đứng đầu chính phủ Việt Nam “ghi nhận những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, đồng thời quyết tâm thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm thiểu ảnh hưởng bởi biến động giá nhiên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng và tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng”.
Anh Hỗ Trợ Việt Nam Thúc Đẩy Quá Trình Chuyển Đổi Năng Lượng
(Ảnh: Xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi là một trong những dự án mà phương Tây đề nghị hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện nhằm giảm lượng phát khí thải carbon.)
- Tòa Ðại sứ Anh tại Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức chuỗi hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh về vận hành và quản lý hiệu quả mạng lưới điện quốc gia”.
Theo Tòa Ðại sứ Anh, hội thảo, diễn ra từ ngày 22 đến 24/11/2022, tạo diễn đàn cho hơn 200 cán bộ, nhân viên đến từ EVN, EVNNPT và các tổ chức có liên quan trao đổi và học hỏi từ các chuyên gia Vương quốc Anh về việc phát triển lưới điện quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải điện cũng như công suất đấu nối các dự án năng lượng tái tạo ngày càng cao, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew, được dẫn lời “bày tỏ sự tự tin và phấn khởi đối với quan hệ hợp tác hai nước trong ngành năng lượng tái tạo và quá trình chuyển dịch năng lượng”.
“Là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng carbon thấp và là trung tâm tài chánh xanh toàn cầu, Vương quốc Anh sỡ hữu chuyên môn sâu rộng và có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo. Tôi rất vui khi thấy các doanh nghiệp Anh đã và đang tham gia tích cực vào quá trình này tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi”, ông Frew nói, theo Tòa Ðại sứ Anh.
Tòa Ðại sứ Anh dẫn lời Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh nói rằng “quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19”.
Ông Phương cũng nói tiếp rằng các kinh nghiệm của Anh trong lĩnh vực năng lượng “sẽ là những kinh nghiệm phát triển quý báu cho Việt Nam, đồng thời cũng là tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa ngành điện hai nước”.
Tin cho hay, sau các bài trình bày chuyên đề, hội thảo cũng mang tới phần tọa đàm với chủ đề “Chia sẻ kinh nghiệm Vương quốc Anh trong phát triển dự án năng lượng gió ngoài khơi và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính năm 2021 phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu rằng “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo”.
VGP News dẫn lời ông Chính nói rằng Việt Nam “sẽ xây dựng và khai triển các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chánh và chuyển giao kỹ thuật, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”.
Bài Vở, Bình Luận Thời Cuộc: Mặt Trận “Chip” Chống Bắc Kinh: Mỹ Mất Đồng Minh Nếu Đòi Quá Nhiều
(Trọng Thành)
Từ hơn nửa năm nay Hoa Kỳ ráo riết xúc tiến chiến lược cắt đứt Trung Quốc khỏi các nguồn kỹ thuật bán dẫn tiên tiến. Ngay trước dịp Đại Hội đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc tháng trước (tháng 10/2022), Mỹ ra thông báo siết chặt việc kiểm soát xuất cảng chip điện tử cao cấp với Trung Quốc. Hoa Thịnh Ðốn cũng thúc đẩy thành lập nhanh chóng một liên minh khống chế tham vọng của Trung Quốc về bán dẫn (“Chip 4”). Liệu Hoa Kỳ có thành công trong chiến lược này?
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát, tỏ ra thận trọng với cảnh báo: chủ trương gây áp lực quá mức với các đồng minh của chính quyền Biden có thể khiến mặt trận “chip” chống Bắc Kinh bất thành.
Điều Gì Có Thể Giúp Mỹ Thắng Trung Trong Cuộc Chiến Bán Dẫn?
Tạp chí Time, Hoa Kỳ, có bài phân tích đáng chú ý của Gregory Allen, Giám đốc dự án AI Governance, thuộc Center for Strategic and International Studies (CSIS), nhan đề “The Only Way the U.S. Can Win the Tech War with China“ (“Con đường duy nhất để Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến kỹ thuật” (17/11/2022). Phân tích của chuyên gia Gregory Allen chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các nguồn kỹ thuật bán dẫn tiên tiến. Điểm mạnh trước hết nằm ở mục tiêu và hướng hành động chung của chính quyền Biden.
Ngày 7/10/2022 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ ban hành chính sách xuất cảng mới, dài 139 trang, trên thực tế là lệnh cấm xuất cảng sang Trung Quốc các loại chip điện tử máy điện toán tiên tiến cho phép vận hành các thuật toán trí tuệ nhân tạo (“advanced computer chips that power AI algorithms”). Mà, 95% các linh kiện được sử dụng tại Trung Quốc thuộc loại này là do các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ thiết kế, và do đó phải tuân thủ các quy định của luật pháp Mỹ. Một bộ phận căn bản của phần thượng nguồn của ngành kỹ thuật này, như nhu liệu điện toán thiết kết chip, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, phụ tùng, linh kiện của thiết bị sản xuất, là do Hoa Kỳ nắm giữ, và gần như không thể thay thế.
Việc bị cắt đứt các nguồn cung ứng này khiến toàn bộ tương lai của ngành kỹ thuật tin học đỉnh cao của Trung Quốc sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, chặn đứng giấc mơ trở thành siêu cường kỹ thuật của Trung Quốc. Quy định mới của Bộ Thương mại Mỹ, cắt đứt Trung Quốc khỏi kỹ thuật chất bán dẫn Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến.
“Bản Án Tử Hình Về Kỹ Thuật” Với Trung Quốc
Chuyên gia Gregory Allen nói đến một “bản án tử hình về kỹ thuật”. Ngành kỹ thuật bán dẫn toàn cầu với doanh thu khoảng 646 tỉ Mỹ kim năm 2022 không những là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn là ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn, cơ sở cho hàng loạt lĩnh vực kinh tế quan trọng khác, với trị giá hàng chục ngàn tỉ Mỹ kim. Chất bán dẫn có mặt trong mọi hàng hóa thiết yếu trong xã hội hiện đại, như điện thoại, máy điện toán, xe hơi, máy giặt, cơ sở mạng lưới điện, cũng như gần như mọi khí tài quân sự. Theo Goldman Sachs, chất bán dẫn là đầu vào cho các sản phẩm chiếm đến 12% GDP. Việc thiếu chip điện tử đã có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2021 chẳng hạn sụt giảm 1%, tức một nửa mức tăng trưởng bình quân của kinh tế Mỹ.
Hoa Kỳ có trong tay các lá chủ bài, các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này, như Applied Materials, LAM Research và KLA, đủ sức bóp nghẹt tham vọng của Trung Quốc trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, chuyên gia Gregory Allen cũng chỉ ra “rủi ro lớn” về trung hạn và dài hạn, nếu chính quyền Biden đơn phương áp đặt các quy định, mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngày 7/10.
Rủi Ro Lớn, Nếu Đồng Minh Không Theo: Bài Học MIG-15
Rủi ro đó xuất phát từ chỗ không tạo được một mặt trận chung nhằm cô lập đối thủ. Chuyên gia về chính sách đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của CSIS, nêu bật một bài học đau đớn của khối phương Tây vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Vào thời điểm đó, do khó khăn tài chánh, ngành công nghiệp chế tạo máy bay phản lực của nước Anh đã bán cho Liên Xô các động cơ của phi cơ Rolls Royce Nene Jet. Động cơ được bán cho Liên Xô với cam kết chỉ sử dụng cho công nghiệp dân dung. Nhưng sau đó, Liên Xô đã dùng kỹ thuật này để thiết kế máy bay quân sự MIG-15, cơn ác mộng sau đó đối với Mỹ trên chiến trường Triều Tiên.
Bài học xương máu này khiến Hoa Kỳ và các đồng minh phải thiết lập một hệ thống kiểm soát xuất cảng mang tính đa phương, kiểm soát chặt việc xuất cảng các kỹ thuật lưỡng dụng (dân dụng-quân sự), tức mặt trận chung để ngăn chặn Liên Xô tiếp cận với các kỹ thuật đỉnh cao, có thể sử dụng cho mục tiêu quân sự.
Chuyên gia Gregory Allen nhấn mạnh là, trong hiện tại, khi một mặt trận chống Trung Quốc tương tự như vậy chưa hình thành, nguy cơ rất lớn là Trung Quốc sẽ thành công trong việc thuyết phục được một số đồng minh của Mỹ cung cấp giải pháp thay thế cho nhiều kỹ thuật quan trọng của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc mua tới 29% tổng lượng thiết bị sản xuất chất bán dẫn toàn cầu, với 29,6 tỉ Mỹ kim, tăng gần gấp đôi so với 15,6% vào năm 2016. Xu thế này có thể tiếp tục gia tăng mạnh.
Tác giả bài “Con đường duy nhất để Mỹ có thể chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến kỹ thuật” kết luận bài viết với nhận định: Hoa Kỳ không thể thành công, nếu đơn độc tiến hành cuộc chiến ngăn chặn xuất cảng kỹ thuật bán dẫn chống lại Trung Quốc.
Thỏa Thuận “Wassenaar” Bất Thành: Hòa Lan, Nhật, Hàn Phản Đối Mỹ
Về chủ đề này, hãng tin Hoa Kỳ Bloomberg có bài tổng hợp đáng chú ý mang tựa đề “Biden’s chip curbs outdo Trump in forcing world to align on China“ (tạm dịch là “Chính sách về chip của Biden cứng rắn hơn cả Trump buộc thế giới ngả về Trung Quốc”) (ngày 13/11/2022). Cụ thể là đàm phán về một mặt trận chip chống Trung Quốc, giữa các nước, với đằng sau là các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, đổ vỡ sau khi đã rất gần đạt một thỏa thuận sơ bộ hồi đầu năm nay, được ví như thỏa thuận “Wassenaar” (ngụ ý nhắc đến thành công của thỏa thuận quốc tế kiểm soát xuất cảng kỹ thuật lưỡng dụng, ký kết tại Wassenaar, Hòa Lan, năm 1995). Lý do là vì Hoa Kỳ không chấp nhận dừng ở mức chip 5nm, và các loại tân tiến hơn (các loại chip nhỏ hơn) mà muốn hạ thấp ngưỡng trần này, đe dọa trực tiếp đến việc kinh doanh của các công ty Hòa Lan, Nam Hàn và Nhật Bản tại Trung Quốc, vốn là thị trường số một.
Các tập đoàn lớn của các nước đồng minh đã có các phản ứng khác nhau để chống lại sự áp đặt của Mỹ. Nhìn chung, các công ty gây áp lực lên chính phủ nước mình, để phản ứng lại các đòi hỏi thái quá của Mỹ (cụ thể là ASML của Hòa Lan và Tokyo Electron của Nhật). Chính phủ Hòa Lan hôm 18/11 đã lên án việc chính quyền Mỹ gây áp lực (“Dutch minister says U.S. can’t dictate approach to China exports”, Japan Times, 19/11). Thủ tướng Hòa Lan có chuyến công du Nam Hàn, một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực chất bán dẫn, để tìm kiếm đồng minh. Nhật Bản tuy không phủ nhận trực diện đòi hỏi của Mỹ, nhưng lẳng lặng không nghe theo.
Mặt trận chip điện tử tân tiến với vai trò đầu tàu của Mỹ, nếu không có được sự tham gia của Hòa Lan sẽ gặp khó. Công ty ASML, Hòa Lan, là công ty chiếm vị trí số một trong việc chế tạo “các máy in thạch bản” sản xuất chip điện tử cao cấp, đặc biệt là “máy in thạch bản tia cực tím” (EUV). ASML độc quyền về “máy in thạch bản tia cực tím”, cho phép chế tạo các chip điện tử thuộc loại tiên tiến nhất.
Chính Quyền Biden: Tiếp Tục Chính Sách của Trump Hay Hành Động Mềm Dẻo?
Theo Bloomberg, hiện tại chính quyền Biden đứng trước ngã ba đường. Hoặc làm như chính quyền tiền nhiệm Donald Trump với chủ trương quyết liệt, nhanh chóng cắt đứt với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, với nguyên tắc buộc các đồng minh phải chọn hoặc theo Mỹ chống Trung Quốc hoặc ngược lại bị coi là đi với Trung Quốc chống Mỹ (with-us-or-against-us approach to China). Nguy cơ rất lớn của nỗ lực đơn phương này là dẫn đến việc Mỹ không có đủ đồng minh trong trận chiến bán dẫn. Phản ứng của các chính phủ Hòa Lan và Nhật Bản trong những tuần qua là một minh chứng rõ ràng cho thất bại của cách làm, vốn được nhiều thế lực gọi là “diều hâu” (hay cứng rắn quá mức) trong chính quyền Mỹ thúc đẩy.
Chính quyền Biden cũng có thể có lựa chọn thứ hai. Đó là hành động một cách chừng mực, khôn khéo, từng bước một, để thu hút sự tham gia của các đồng minh, đối tác. Cách làm này sẽ buộc phải kéo dài, với nhiều thương lượng phức tạp, nhưng rõ ràng sát với hoàn cảnh thực tế, và có cơ hội thành công. Một số dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể đang đi theo hướng này. Đây có thể là hướng hành động mà Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vừa thông báo. Cần 9 tháng nữa mới có thể đúc kết được một cơ chế hợp tác đa phương với các đồng minh về chip điện tử, nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Lãnh Đạo Ngũ Giác Đài Nêu Quan Ngại Về Hành Vi ‘Nguy Hiểm’ của Bắc Kinh Với Đồng Cấp Trung Quốc
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (thứ hai, bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hòa (thứ hai, bên phải) gặp nhau tại Siem Reap, Cam Bốt, vào ngày 22/11/2022.)
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc hôm thứ Ba (22/11/2022) nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải thiện thông tin liên lạc về khủng hoảng, đồng thời nêu quan ngại về hành vi “ngày càng nguy hiểm” của máy bay quân sự Trung Quốc.
Cuộc gặp kéo dài khoảng 90 phút tại Cam Bốt, được một viên chức Mỹ mô tả là “hiệu quả và chuyên nghiệp”, là cuộc gặp đầu tiên kể từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng Tám đã khiến Trung Quốc nổi giận. Bắc Kinh vốn luôn coi hòn đảo này là lãnh thổ của mình.
Trong cuộc gặp trực tiếp thứ hai với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Nguỵ Phượng Hòa trong năm nay, ông Austin đã thảo luận về tầm quan trọng của “đối thoại thực chất về giảm thiểu rủi ro chiến lược và tăng cường an toàn hoạt động”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp.
“Ông ấy (Austin) nêu quan ngại về hành vi ngày càng nguy hiểm của máy bay PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn”, ông Ryder nói.
Vào tháng Sáu, một chiến đấu cơ của Trung Quốc đã đánh chặn một cách nguy hiểm một máy bay giám sát quân sự của Úc Ðại Lợi ở khu vực Biển Đông, Bộ Quốc phòng Úc Ðại Lợi cho biết.
Cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng hôm thứ Ba diễn ra bên lề cuộc họp Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) tại Siem Reap, Cam Bốt.
Một viên chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên cho biết ông Austin và ông Nguỵ đã có một cuộc thảo luận “dài hơi” về Đài Loan và cũng nói về việc khởi động lại trong những tháng tới một số cơ chế đã bị hủy bỏ sau chuyến thăm của bà Pelosi.
Trong cuộc gặp, ông Nguỵ Phượng Hòa nói với người đồng cấp Hoa Kỳ rằng Đài Loan là cốt lõi trong các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua.“Việc giải quyết vấn đề Đài Loan là vấn đề của người Trung Quốc, không thế lực bên ngoài nào có quyền can thiệp”, ông Nguỵ nói tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Tướng Trung Quốc nói thêm rằng Hoa Kỳ phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và hy vọng nước này có thể áp dụng một chính sách hợp lý, thiết thực đối với Trung Quốc và đưa mối quan hệ Trung-Mỹ quay trở lại đúng hướng.
Bộ Trưởng Công An Việt Nam và Thư Ký Hội Đồng An Ninh Nga Thảo Luận Về Ukraine
(Hình: Bộ trưởng Công an Tô Lâm (trái) và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev bắt tay bên lề một hội nghị ở Nga hồi tháng 4/2018. Hai người đứng đầu cơ quan an ninh của Việt Nam và Nga vừa có cuộc gặp tại Mạc Tư Khoa hôm 21/11/2022.)
Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev vừa gặp nhau tại Mạc Tư Khoa để thảo luận các vấn đề an ninh toàn cầu, trong đó có Ukraine và khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Một thông báo ngắn của Hội đồng An ninh Liên bang Nga đưa ra hôm 21/11 cho biết rằng ông Patrushev và ông Lâm đã tiến hành một cuộc tham vấn giữa Nga và Việt Nam về an ninh tại thủ đô của Nga.
Mạng lưới tin tức RT và hãng tin Sputnik, đều của chính phủ Nga, cũng đưa tin về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công an Việt Nam và thư ký Hội đồng An ninh Nga cùng các đại diện của các bộ và ban ngành liên quan của hai bên. Tuy nhiên, thông tin về cuộc gặp này không xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.
Hội đồng An ninh Nga, cơ quan tham vấn cho Tổng thống Vladimir Putin trong các vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược, cho biết rằng ông Patrushev và ông Lâm đã bàn thảo “một loạt các vấn đề song phương” với trọng tâm là “hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh” của Nga và Việt Nam.
Thông báo của cơ quan do Tổng thống Putin làm Chủ tịch còn cho biết Bộ trưởng Công an Việt Nam và thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng trao đổi ý kiến về tình hình thế giới, trong đó có “các vấn đề về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và Ukraine”.
Hai bên nói rằng hợp tác về các vấn đề an ninh là một trong những nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam.
Hội đồng An ninh Nga không cho biết ông Lâm và ông Patrushev đã trao đổi ý kiến gì về Ukraine, nơi ông Putin đã phát động cuộc chiến tranh bị thế giới phương Tây lên án trong gần 11 tháng qua.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không lên án hành động xâm lược lãnh thổ Ukraine của Nga và tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác trên mọi mặt với Mạc Tư Khoa.
Ngoài việc phản đối nỗ lực loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vì hành động của Mạc Tư Khoa ở Ukraine hồi đầu năm nay, Việt Nam còn đưa quân nhân đến Nga để tranh tài quân sự và đón tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đến Hà Nội cũng như cho ba tàu của Hải quân Nga cập cảng Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Quan điểm ‘lập lờ’ của Việt Nam về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó Mạc Tư Khoa bị các nước phương Tây cô lập về cả kinh tế và chính trị, đã khiến Đức và Mỹ phải lên tiếng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi gặp mặt Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ở Hà Nội trong tháng này đã kêu gọi chính phủ Việt Nam thể hiện quan điểm phản đối rõ ràng đối với cuộc xâm lược, mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, ở Ukraine. Mặc dù kêu gọi các bên “giải quyết xung đột phù hợp với luật phát quốc tế” nhưng Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang và phái đoàn của ông đã thay mặt chính phủ Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York để tránh lên án Nga.
Cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ, ông Derek Chollet, hồi cuối tháng Tư cũng đã kêu gọi Việt Nam đánh giá lại mối quan hệ với Nga sau khi Mạc Tư Khoa bị lên án và cô lập vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau đó vào tháng Sáu cáo buộc một công ty của Việt Nam đã cung cấp hỗ trợ cho quân đội của Nga và đưa công ty này vào danh sách đen thương mại của Mỹ.
Ngoại trưởng Lavrov khi đến thăm Hà Nội hồi đầu tháng Bảy khẳng định rằng Nga, hiện vẫn đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, và quốc gia Đông Nam Á “biết cách tiếp tục” quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại sao cho “không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và các đồng minh của họ trong khu vực công bố”.
‘Lặng Lẽ’ Nam Vang… ‘Lặng Lẽ’ Hà Nội…
(Trần Đông A)
(Hình: Tổng thống Biden và Thủ tướng Hun Sen tại một Gala tại thượng đỉnh ASEAN, Nam Vang, Cam Bốt, 12 tháng 11, 2022.)
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Hun Sen với Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) ngày 13/ 11/23022, Cam Bốt “lặng lẽ” giữ khoảng cách với Trung Quốc? Còn sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư Tập Cận Bình ngày 31/10, có phải Hà Nội đang “lặng lẽ” xích gần hơn lại Bắc Kinh?
Tuyên bố Vọng Các hôm 19/11/2022 về nền kinh tế “Bio-Circular-Green” (Sinh học-Tuần hoàn-Xanh/ BCG) nhằm kết thúc năm APEC19 (hàm ý không có mặt của Tổng thống Nga) quả thật đã gây ít nhiều sự chú ý. Sáng kiến tăng trưởng hậu đại dịch Covid của nước chủ nhà Thái Lan nhằm xây dựng một hành tinh bền vững quả có thu hút truyền thông. Nhưng dù sao vẫn không lấn át được thông điệp mạnh mẽ của Mỹ trước đó, trong ngày 13/11, tại Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, khi Tổng thống Biden cám ơn Thủ tướng Hun Sen, vì đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine (I also want to thank you for Cambodia’s clear condemnation of Russia’s invasion of Ukraine) và đã dẫn dắt ASEAN trải qua một năm khó khăn nhất từ trước tới nay (for your leadership of ASEAN during what had to be one of the most difficult years).
CPC Quay Lại Mỹ và Âu Châu?
Trước đây, truyền thông khu vực thường ghi nhận, Cam Bốt là một trong những đồng minh và đối tác vững chãi nhất của Trung Quốc. Nhưng điều đó có thể đang lặng lẽ thay đổi giữa lúc quốc gia Đông Nam Á này ngày càng kết nối rộng lớn hơn vào các nước lớn trong khu vực. Chính phủ CPC dường như đang có những biểu hiện muốn quay trở lại với Hoa Kỳ và Âu Châu, vì lo ngại rằng, CPC đã trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, theo nhận định của các nguồn tin quen thuộc với tình hình. Sự thay đổi diễn ra khi Nam Vang tập trung vào việc ổn định tăng trưởng kinh tế trước một cuộc kế nhiệm chính trị lớn dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới. Đó là khi Samdech Hun Sen sẽ bàn giao ghế Thủ tướng cho con trai là Đại tướng Hun Magnet. (Tốt nghiệp Học viện quân sự West Point/Mỹ, hiện là Phó Tổng tư lệnh Quân đội và là Tư lệnh Lực lượng Lục quân).
Bất chấp sự xấu đi rõ ràng trong quan hệ ngoại giao trong những năm gần đây, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của CPC. Theo dữ liệu của chính phủ Cam Bốt, thương mại song phương Mỹ-CPC đã tăng 33% trong năm 2021 và 47% trong 7 tháng đầu năm nay. Đồng thời, thương mại Cam Bốt-Trung Quốc tăng 37,3% vào năm 2021 nhưng thâm hụt thương mại của Nam Vang với Trung Quốc đã tăng lên 8,1 tỉ Mỹ kim từ 6 tỉ Mỹ kim vào năm 2020, theo số liệu của Bộ Thương mại CPC. “Chúng tôi muốn bớt phụ thuộc vào Trung Quốc”, một viên chức chính phủ thẳng thắn nói với Tạp chí “Asia Times”.
Nhưng những gì chính quyền Nam Vang muốn và những gì Thủ tướng Hun Sen có thể làm là hai vấn đề khác nhau. Một số nhà quan sát cho rằng CPC hiện đang dấn mình quá sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc, đến mức nước này không thể sẵn sàng hoặc dễ dàng rút lui để liên kết lại với phương Tây. Chắc chắn, không ai suy nghĩ đơn giản CPC thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Chỉ trong tháng này, hai bên đã ký một thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ Mỹ kim để xây dựng đường cao tốc thứ hai, nối thủ đô Nam Vang với Bavet ở biên giới Việt Nam. Thỏa thuận này diễn ra chỉ vài tháng sau khi khánh thành tuyến đường cao tốc trị giá 2 tỉ Mỹ kim do Trung Quốc xây dựng giữa Nam Vang và Sihanoukville, một trung tâm ven biển giúp cho đầu tư của Trung Quốc. Một MoU (Bản thỏa thuận) được ký trong tháng này cho thấy tiếng Trung sẽ được dạy ở các trường Trung học trên đất nước Chùa Tháp.
Tuy nhiên, trong tháng 11 này, Thủ tướng Hun Sen đã khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi ông đồng bảo trợ cho các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, những động thái mà Trung Quốc, đồng minh của Mạc Tư Khoa, đã bỏ phiếu trắng. Trong chuyến thăm đầu tiên trong cương vị Tổng thống tới Đông Nam Á để tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực do Nam Vang đăng cai vào cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đánh giá cao Hun Sen vì những đóng góp của ông đối với các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Miến Ðiện và phương cách ứng phó của ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc khai triển Đồng thuận 5 điểm của ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN năm 2021. Trong khi nêu lên những lo ngại về Căn cứ Hải quân Ream, Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch đầy đủ về các hoạt động của quân đội CHND Trung Hoa tại căn cứ Hải quân. Tổng thống Biden cũng kêu gọi ông Hun Sen mở lại không gian dân sự và chính trị trước cuộc bầu cử năm 2023. Ông kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động bị giam giữ vì các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có công dân Hoa Kỳ gốc Cam Bốt Seng Theary. Ông nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân dân CPC và nguyện vọng của họ về một đất nước thịnh vượng, dân chủ và độc lập hơn.
Hà Nội Xích Gần Hơn Tới “Trật Tự Trung Hoa”?
Theo dõi các bình luận về ý nghĩa “lịch sử” của chuyến công du của Tổng Bí thư Trọng tại Trung Quốc, lần lượt đã xuất hiện nhiều phân tích từ các góc nhìn khác nhau. Trong bài viết “Hanoi’s Beijing Syndrome” (Hội chứng Bắc Kinh của Hà Nội), tác giả đã chỉ ra khoảng cách khó khỏa lấp giữa “ý Đảng” và “lòng Dân” trong mối bang giao Trung-Việt. Người dân trên đường phố hàng ngày luôn ác cảm với Bắc Kinh, ĐCSVN ngược lại, luôn muốn vun đắp các mối quan hệ với ĐCSTQ ngày một chặt chẽ hơn. Đảng yêu Trung Quốc, dân ghét Trung Quốc. Đó chính là “Hội chứng Bắc Kinh của Hà Nội“.
Đúng là ông Trọng hồ hởi ra mặt khi ông gặp Tổng Bí thư Trung Quốc và ông đã “xúc động” nói với ông Tập: “Trước đây, tôi đã hứa với đồng chí, tôi sẽ thăm Trung Quốc đầu tiên sau Đại hội 13 ĐCSVN…“ Nhưng ba tuần sau, ngày 19/11 mới đây, ông Trọng lại nói với cử tri Hà Nội bằng một “giọng” hoàn toàn khác: “Lời mời thăm Trung Quốc đã có từ lâu, trước cả Đại hội ĐCSTQ, trước cả khi Trung Quốc chưa biết ai là Tổng Bí thư nhưng BCHTW ĐCSTQ đã có thư mời Tổng Bí thư ta sang thăm Trung Quốc và (ta) là vị khách quốc tế đầu tiên sang thăm chính thức. Bạn cũng khẳng định sẽ đón vào ngày 30/10 và chúng ta sang đúng vào ngày đó“.
Tại sao truyền thông trong nước không đăng tải câu nói của ông Trọng “lấy lòng” ông Tập? Chỉ có thể giải thích, ĐCSVN không muốn cho người dân biết, ông Trọng tranh thủ “kết thân” với Trung Quốc đến cỡ nào. “Dân đen” chỉ cần biết, Trung Quốc “yêu mến” và “quý trọng” Đảng ta như thế nào… Thế là đủ!!! Chưa biết ai sẽ làm Tổng Bí thư mà đã chủ động mời ta từ trước (?!). Chưa hết, trong các diễn văn đáp từ, ông Trọng đã ca ngợi “lý tưởng tương thông” giữa hai ĐCS, hứa không để cho thế lực nào (hàm ý là Hoa Kỳ) chia rẽ. Tổng Bí thư Trọng không ngần ngại khi đánh giá tích cực đối với ba trụ cột của “Trật tự Trung Hoa’ (Pax Sinica) là Vàng đai & Con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI). Ông Trọng còn cam kết sẽ không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của hai Đảng hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ĐCSVN thừa biết, “hệ giá trị” mà Trung Quốc và nước Nga của Putin cổ súy trên ba trụ cột BRI, GNI và GDI, có ý nghĩa như thế nào đối với phần còn lại của thế giới? Niềm tin của Giáo sư Alexander L. Vuving đã định vị mối bang giao Trung-Việt theo paradigm “vận hành bởi ý thức thức hệ và giao thoa bởi trật tự thế giới”. Ông tin rằng, “mô thức” này khó thay đổi qua chuyến thăm vừa rồi của ông Trọng. Nhưng một bộ phận trong giới quan sát ở Việt Nam nghĩ khác. Không có điều kiện công khai bày tỏ ý kiến, nhiều bậc thức giả đều lo ngại, việc ông Trọng đi Trung Quốc kỳ này, lành ít dữ nhiều. Các thỏa thuận bí mật ở Thành Đô năm nào đã “giam hãm” bang giao Việt – Trung hàng thập niên có lẻ, nhưng phạm vi ảnh hưởng dẫu sao cũng chỉ là song phương. Còn theo Tuyên bố chung Bắc Kinh ngày 1/11/2022, Việt Nam rồi đây có thể sẽ phải buộc chặt “vận mệnh” của mình vào cái “cộng đồng chung vận mệnh” theo “Pax Sinica”….
Điều trùng hợp đáng sợ là ngày 30/10/2022, đúng lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc, thì tại Osaka, VinFast đã ký kết hợp tác chiến lược với một đại gia về pin, nhưng không phải của Nhật Bản, mà là từ Trung Quốc, có tên là CATL. Rõ là đó là một món quà tinh tế, được gửi từ phương xa để hưởng ứng chuyến công du “lịch sử” của Tổng Bí thư. Kế đến, đúng ngày 18/11/2022, khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tập Chủ tịch tại Vọng Các, thì VinES (một Công ty con của Vingroup) liền cùng một đại gia khác về pin, cũng từ Trung Quốc, tổ chức động thổ dự án Nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh. Lại một món quà nữa gửi từ quê hương. Cũng không kém phần tinh tế khi được biết hai bên đã có thỏa thuận cho dự án này từ hơn một năm trước rồi nhưng giờ đây mới đặt bút ký.
Tại sao có hàng loạt chuyện “ngẫu nhiên” đến thế? Ngoài những ý nghĩa chính trị, ý nghĩa kinh tế nổi bật: Bất cứ doanh nghiệp nào đang trong cảnh… “chết đuối” mà vớ được… “cọng rơm” thì cũng sướng lắm rồi. Mà ở đây cùng lúc lại vớ được hẳn hai cọng rơm của “bạn vàng”, còn gì bằng? Ai vẫn còn hoài nghi thì hãy tham khảo cú bắt tay giữa Vietnam Airlines với China Southern Airlines. Vẫn chưa hết nghi ngờ thì hãy tham khảo bài học Sri Lanka, sau khi nợ ngập đầu “bạn vàng”, đã được phép nhường quyền khai thác cảng Hambantota lại cho một tập đoàn của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm. Chẳng trách năm 2021, một đại biểu Quốc hội ở ta cũng chất vấn Bộ trưởng, tại sao có đến 162.000 ha đất người Trung Quốc sở hữu khắp nước ta, mà nay vẫn chưa thấy trả lời.
Văn Phòng PCA Đặt Tại Việt Nam và Chuyện Hà Nội Khởi Kiện Trung Quốc Về Biển Đông?
(Hình: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak tại Hà Nội hôm 21/11/2022.)
Tổng Thư ký Tòa trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) Marcin Czepelak vừa đến Hà Nội để khai trương văn phòng đại diện được đặt tại đây. Theo ông Czepelak, với việc ủng hộ và hỗ trợ văn phòng PCA, Việt Nam thể hiện cam kết và tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trao đổi với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) sáng 22 tháng 11 năm 2022, ông Hoàng Việt, Giảng viên Đại học Luật Tp. HCM, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo cho rằng, việc Tòa Trọng tài thường trực mở văn phòng tại Hà Nội là kết quả của quá trình mà Bộ Ngoại giao đã đại diện Chính phủ ký kết và xúc tiến các hoạt động với PCA từ năm 2014. Nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện thái độ nghiêm túc của Việt Nam trước việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các bất đồng với các quốc gia khác. Ông Hoàng Việt nói thêm:
“Chúng ta thấy rằng ở khu vực Đông Nam Á thì Tân Gia Ba được chọn là nơi giải quyết rất nhiều tranh chấp. Nó không chỉ là tranh chấp giữa các quốc gia về biển đảo, mà nó còn liên quan đến những vấn đề khác như tranh chấp về kinh tế, thương mại. Đó là những tranh chấp mà Việt Nam có thể sẽ gặp trong tương lai. Hiện nay thì Việt Nam cũng đã gặp nhiều rồi. Nếu có văn phòng PCA ở đây thì sau này việc xét xử có thể sẽ được tiến hành từ Việt Nam. Và nếu có xảy ra các cuộc tranh chấp thì một số những người được phía Việt Nam đề cử làm trọng tài viên tham gia trong PCA ở Tân Gia Ba cũng có thể tham gia xét xử được.
Việt Nam cũng đã đề cử một số nhân vật, hầu hết là những người đã từng hoặc đang làm việc trong Bộ Ngoại giao Việt Nam. Và hầu hết họ được đào tạo luật pháp quốc tế tại các quốc gia tiên tiến. Đương nhiên là trình độ tiếng Anh và trình độ luật pháp quốc tế đều tốt cả”.
Với Luật sư Đặng Đình Mạnh, tương tự như thông tin Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 vào tháng 10 vừa qua, thông tin PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội là một thông tin tốt lành, tích cực trong giai đoạn hiện nay, cả về đối ngoại và đối nội. Ông phân tích:
“Về đối ngoại, chúng ta đã từng biết PCA là cơ quan trọng tài quốc tế từng ra phán quyết ngày 12/07/2016, tuyên bố đường lưỡi bò chín đoạn tuyên bố chủ quyền ở biển đông của Trung Quốc là bất hợp pháp theo đơn kiện của Phi Luật Tân.
Trụ sở chính của họ đặt tại The Hague, Hòa Lan. Đến nay, trên thế giới, họ chỉ từng mở 4 văn phòng đại diện, nay mở thêm tại Hà Nội là văn phòng đại diện thứ năm. Điều này chứng tỏ điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam thường nhắc đến về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặt khác, về đối nội, với sự hội nhập quốc tế này thông qua các định chế nhân quyền quốc tế, luật pháp quốc tế thì chúng tôi tin rằng điều này cũng giúp Việt Nam điều chỉnh chính sách về luật pháp và thực thi luật pháp ngày một phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế mà hầu hết các quốc gia tiến bộ đang áp dụng và chứng tỏ sự hữu hiệu của mình”.
Vào ngày 22 tháng Một năm 2013, Phi Luật Tân đệ đơn khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông. Phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài được công bố vào ngày 12 tháng Bảy năm 2016 tuyên bố Trung Quốc không có các quyền lịch sử dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Ngoài ra, Tòa bác bỏ khả năng Trung Quốc được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Đây được coi là một chiến thắng pháp lý quan trọng cho Phi Luật Tân, nước thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trước tòa.
Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc sẽ sử dụng Tòa Trọng tài để phản đối các yêu sách của Trung Quốc. Liệu Việt Nam có thay đổi quan điểm khi PCA đặt văn phòng đại diện tại Hà Nội hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức nêu nhận định của mình với RFA sáng 22 tháng 11 năm 2022:
“Việc họ mở thêm một chi nhánh nữa ở Hà Nội, theo đánh giá của tôi là họ khuyến khích Việt Nam khởi kiện những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Mục đích chính của họ là khuyến khích Việt Nam đứng ra khởi kiện.
Thứ hai là thông qua văn phòng này họ sẽ tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị để mời các giới chức Việt Nam thuộc các bộ ngành, thậm chí cấp chính phủ Quốc hội tham gia hội thảo. Từ đó họ sẽ tác động lên các giới chức của Việt Nam để khuyến khích Việt Nam khởi kiện. Và khi Việt Nam khởi kiện thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cũng như từ chính bản thân các thành viên của PCA. Và nếu Việt Nam thắng thì điều đó không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà nó còn là căn cứ quốc tế rất quan trọng để Mỹ cũng như các nước khác dùng để làm áp lực với Trung Quốc”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói thêm, Tòa thường trực quốc tế ngoài việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải thì họ còn giải quyết những vấn đề liên quan đến đầu tư giữa các quốc gia với nhau; giữa Việt Nam với các nước khác. Khi giải quyết như vậy thì rõ ràng nó sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách luật nội địa của mình để tương thích với các quy định, luật của quốc tế. Ít nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư ngoài vấn đề liên quan lãnh thổ lãnh hải.
Tại buổi tiếp Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak chiều 21 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính mong muốn văn phòng PCA tại Hà Nội sẽ tiếp nhận nhiều người Việt Nam vào làm việc nhằm nâng cao trình độ pháp lý quốc tế của chuyên gia Việt Nam cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu người dân chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, để xây dựng xã hội văn minh, lịch sự. Ông Chính cũng nhìn nhận chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao.
Thế Nào Là ‘Đúng Pháp Luật’ Trong... Rừng Luật và Quy Định?
(Trân Văn)
(Hình: Ông Trần Sĩ Thanh (trái) và ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư.)
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện thượng cấp công khai khuyến khích thuộc cấp đừng để quy định “trói chân, trói tay”, bất chấp “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” vẫn được khẳng định là nền tảng của “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Tuần rồi, ông Trần Sĩ Thanh – Chủ tịch Hà Nội – khuấy động dư luận khi hối thúc thuộc cấp: “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!” (1). Bởi công chúng đã bàn luận về chuyện mang tính từ “trong veo” dán cho “công bộc” (2) nên kẻ viết bài này xin phép bỏ qua “trong veo” để nêu vài thắc mắc về chuyện thượng cấp khuyến khích thuộc cấp cứ làm những chuyện họ thấy cần làm, đừng sợ dù... không đúng quy định pháp luật!
Ông Thanh phát biểu như vừa dẫn khi khoác áo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đi gặp cử tri ở hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh để báo cáo về Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa này (vừa kết thúc hôm 15/11/2022). Tại đó, sau khi nghe cử tri huyện Mê Linh than phiền về việc chính quyền huyện này chần chừ giao “đất dịch vụ” cho những gia đình từng bị thu hồi hơn 30% diện tích đất mà họ có trong giai đoạn từ 1997 – 2008, ông Thanh bảo các viên chức hữu trách ở huyện Mê Linh rằng họ phải... “cố gắng”, đừng... “so đo mấy câu, mấy chữ suốt mấy chục năm” vì như thế là... “không ổn”. Do Mê Linh là một huyện thuộc Hà Nội nên ông Thanh phủ dụ cả lãnh đạo những sở, ngành có liên quan của Hà Nội là... “nếu không có quyền lợi trong việc giao ‘đất dịch vụ’ thì phải quyết tâm làm, trả ‘đất dịch vụ’ cho dân”. Ông Thanh nhấn mạnh, “thế hệ lãnh đạo đương nhiệm thuận lợi hơn “vì là thế hệ sau, không dính dáng gì cả” thành ra nên “dũng cảm mà làm”. Nguôn gốc “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!” là từ đó!
***
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện thượng cấp công khai khuyến khích thuộc cấp đừng để quy định “trói chân, trói tay”, bất chấp “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” vẫn được khẳng định là nền tảng của “pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nếu các viên chức hữu trách thật sự không cần... “so đo mấy câu, mấy chữ” miễn là... “không có quyền lợi” hoặc thuộc... “thế hệ sau, không dính dáng gì cả” thì nên giải tán cả Quốc hội – nơi ban hành các văn bản Lập pháp, lẫn chính phủ và hệ thống chính quyền cấp thấp hơn – những nơi ban hành các văn bản lập quy! Cần chú ý, trên thực tế, có nhiều... “ông” không chỉ khuyến khích như ông Thanh mà còn... “chỉ đạo” làm trái quy định. Hồi trung tuần tháng Chín năm nay, khi họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trước tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ, ông Phạm Minh Chính đã lấy tư cách Thủ tướng ra lệnh: “Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài” (3).
Dường như nhận thấy chừng đó chưa đủ để thiên hạ hoang mang, lúc ấy, ông Chính – người có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật – chú thích thêm: “Ai làm sai thì phải xử phạt, kỷ luật nhưng không để vì xử phạt, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”. Có động não tới... nhũn não cũng không thể hiểu tường tận ý của ông Chính. Tại sao đã “cương quyết, dứt khoát” không để “thủ tục hành chính” và “quy định” cản trở khiến “thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế” khiếm hụt rồi trở thành “thiếu trách nhiệm”, mà... “làm sai thì phải xử phạt, kỷ luật”? Tại sao đã “làm sai thì phải xử phạt, kỷ luật” mà còn đòi hỏi “không để vì xử phạt, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”? Tại sao những người vừa góp mặt trong cơ quan ban hành văn bản Lập pháp (ĐBQH), vừa đứng đầu các cơ quan Hành pháp (Thủ tướng, Chủ tịch thành phố) như ông Chính, ông Thanh lại đặt ra các quy phạm pháp luật gây “vướng mắc” nhưng thay vì bãi bỏ, sửa đổi lại khuyến khích thuộc cấp nên “dũng cảm” làm ngược lại?
***
Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép” (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed; but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn sự lạm quyền. Luật pháp của nhiều quốc gia được xây dựng trên nền tảng này (3). Tuy né tránh đề cập đến quan điểm vừa nêu nhưng Cộng hòa XHCN Việt Nam xiển dương “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Dù hoạt động Lập pháp, lập quy hết sức rầm rộ, tốn kém nhưng kết quả là quy định, thủ tục vừa tạo ra đủ thứ “kẽ hở, lỗ hổng” để kẻ gian khai thác, vừa tạo ra đủ loại “vướng mắc” và văn minh pháp lý đã tiến đến mức phần còn lại của nhân loại chưa thể theo kịp, đó là đủ loại thượng cấp khuyến khích đủ loại thuộc cấp hãy “dũng cảm”, đừng “so đo mấy cấu, mấy chữ”....
Nếu vi diệu là không thể dùng tri thức cũng như ngôn ngữ thông thường để diễn giải thì những chỉ đạo kiểu như... “cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định..”. rõ ràng là hết sức... vi diệu. Sự... vi diệu ấy chỉ có ở Việt Nam và sau nhiệu thập niên ra sức xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ra sức xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, hành vi... “xé rào” vẫn còn tương lai bởi hết sức cần thiết cho dù luôn bị trừng phạt trước và... ca ngợi sau!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét