Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :7//11/2022 - ĐHL

Hoa Kỳ: 10 nhà tài trợ chính trị lớn nhất cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ đang trở thành một trong những cuộc bầu cử giữa kỳ tốn kém nhất được ghi nhận. Các nhà tài trợ của cả hai đảng đang chi tiêu hàng tỷ đô la trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Hạ viện, Thượng viện, và vị trí thống đốc tại các tiểu bang. Theo phân tích của tổ chức chuyên theo dõi chi tiêu chính trị OpenSecrets, chi tiêu liên quan đến bầu cử giữa kỳ năm 2022 dự kiến sẽ vượt qua 16,7 tỷ đô la. Cuộc tranh cử giành phiếu bầu tốn kém nhất trong năm nay là cuộc tranh cử vào Thượng viện bang Pennsylvania. Các chiến dịch vận động của các ứng cử viên và các tổ chức bên ngoài đã chi tiêu vượt quá 300 triệu đô là cho cuộc tranh cử thượng viện này.
<!>
Trong khi hàng triệu người đóng góp số tiền nhỏ cho chiến dịch vận động của các ứng cử viên, một số ít các nhà tài trợ giàu có đã cùng nhau rót hàng trăm triệu đô la cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Theo OpenSecrets, dưới đây là 10 cá nhân tài trợ lớn nhất cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay:

1. Tỷ phú George Soros
Là một nhà tài trợ lâu năm của Đảng Dân chủ và là người chống đối mạnh mẽ cánh hữu, Tỷ phú Soros đã tài trợ một con số khổng lồ gần 128,5 triệu đô la cho Đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử này.

Con số này vượt xa những gì ông ấy đã đóng góp trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, khi đó ông đã quyên góp chỉ 20 triệu đô la.

Tỷ phú Soros ngày càng nổi tiếng xấu đối với Đảng Cộng hòa vì những nỗ lực thành công của ông trong một số năm qua trong việc tài trợ cho các ứng viên chưởng lý khu vực có khuynh hướng tự do ở các thành phố của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi các chưởng lý khu vực do ông Soros hậu thuẫn được bầu, tội phạm tại các thành phố này đã gia tăng.

2. Tỷ phú Richard Uihlein
Ông trùm vận tải biển Richard Uihlein đã tài trợ gần 81 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này. Ông là nhà tài trợ hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Tỷ phú Uihlein là người ủng hộ chống phá thai. Ông cũng quyên góp rất nhiều cho Đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử vào Thượng viện bang Wisconsin. Ông cũng ủng hộ Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Johnson.

3. Tỷ phú Kenneth Griffin
Tỷ phú Kenneth Griffin, giám đốc điều hành của quỹ đầu cơ Citadel, đã đóng góp hơn 68,5 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này.

Năm nay, Citadel thông báo, như một số các công ty khác đã làm trong năm nay, họ sẽ chuyển trụ sở chính của mình từ Chicago đến thành phố Miami của bang Florida bởi vì tình trạng tội phạm nghiêm trọng ở Chicago.

Phát biểu với đài CNBC vào tháng 10, phát ngôn viên của Tỷ phú Griffin cho biết, mục đích của ông Griffin trong việc đầu tư rất nhiều tiền vào các cuộc đua chính trị trong năm nay là để “mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa.”

4. Jeffrey & Janine Yass
Trong năm 2022, Tỷ phú Jeffrey Yass đã tặng hơn 47 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa và các tổ chức chi tiêu bên ngoài của đảng này.

Được mô tả là cư dân giàu nhất bang Pennsylvania, trong đợt bầu cử này, Tỷ phú Yass đã đầu tư rất nhiều vào một tổ chức tấn công các ứng viên của Đảng Dân chủ về việc đóng cửa trường học và thuyết chủng tộc quan trọng.

5. Tỷ phú Timothy Mellon
Tỷ phú Timothy Mellon có liên hệ với Đảng Cộng hòa đã đóng góp hơn 40 triệu đô la trong kỳ bầu cử này, trong đó gần 30 triệu đô la là dành cho Đảng Cộng hòa.

Năm 2021, Tỷ phú Mellon đã quyên góp hơn 53 triệu đô la tiền tài trợ cá nhân cho việc xây dựng bức tường biên giới.

Ông là cháu trai của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Andrew Mellon.

6. Tỷ phú Sam Bankman-Fried
Chuyên gia tiền điện tử giàu có Sam Bankman-Fried đã đóng góp gần 37 triệu đô la cho Đảng Dân chủ và chỉ 235 nghìn đô la cho Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này.

Tỷ phú Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX, là một người khá mới trong lĩnh vực quyên góp chính trị.

7. Doanh nhân triệu phú Fred Eychaner
Triệu phú Fred Eychaner ở Chicago đã quyên góp gần 36 triệu đô la cho Đảng Dân chủ.

Doanh nhân/nhà từ thiện Eychaner được biết đến là một người ủng hộ quyền của người đồng tính và là chủ tịch của Newsweb, một công ty truyền thông.

8. Tỷ phú Stephen Schwartzman
Tỷ phú Schwartzman, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn Blackstone, một công ty đầu tư ở Phố Wall, đã trao hơn 35,5 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Ông cũng là một nhà tài trợ nổi tiếng của Đảng Cộng Hòa trong các kỳ bầu cử trước đây.

Ông đã ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020, cũng như cựu Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kelly Loeffler của bang Georgia, người đã thua trong cuộc tranh cử quyết định năm 2021 trước Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Raphael Warnock.

9. Tỷ phú Peter Thiel
Tỷ phú Peter Thiel đã trở thành một nhà môi giới quyền lực trong giới chính trị Đảng Cộng hòa. Ông đã tài trợ hơn 32,6 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này.

Tỷ phú Thiel là người ủng hộ quan trọng đối với hai ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ: nhà đầu tư mạo hiểm Blake Masters ở bang Arizona và Luật sư/nhà đầu tư mạo hiểm J.D. Vance ở bang Ohio.

Tỷ phú Thiel ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Khi đó rất ít nhân vật nổi tiếng trong giới doanh nhân Mỹ sẵn sàng liên kết mình với Tỷ phú Trump, một ứng cử viên gây tranh cãi, người đã trở thành Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016.

10. Tỷ phú Lawrence Ellison
Theo phân tích của OpenSecrets, Tỷ phú Larry Ellison, nhà sáng lập công ty công nghệ máy tính Oracle, đã tặng 31 triệu đô la cho Đảng Cộng hòa.

Theo tờ Forbes, đầu năm nay, Tỷ phú Ellison đã thực hiện tài trợ chính trị lớn nhất từ trước đến nay của mình, 15 triệu đô la, cho một ủy ban hành động chính trị hỗ trợ Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tim Scott (bang South Carolina).

TT Donald Trump tuyên bố sẽ lấy lại Nhà Trắng vào năm 2024


Hôm 5/11 vừa qua, ông Donald Trump đã có mặt ở bang chiến địa Pennsylvania nhằm kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng hòa để “ngăn chặn sự tàn phá đất nước” và “cứu lấy Giấc mơ Mỹ (American Dream)”, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, ông Donald Trump đã xuất hiện tại thành phố Latrobe thuộc bang Pennsylvania vào ngày 5/11 để kêu gọi cử tri ủng hộ cho ứng viên đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử Thượng viện cũng như thống đốc bang tuần tới. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden và ông Barack Obama của đảng Dân chủ cũng có các cuộc gặp tại những nơi khác ở Pennsylvania cùng ngày.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump lên tiếng chỉ trích phe Dân chủ đã gây ra các khó khăn kinh tế và văn hóa trong suốt 2 năm qua. “Nếu muốn ngăn chặn sự tàn phá đất nước và cứu lấy Giấc mơ Mỹ thì ngày 8/11 tới đây, các bạn phải bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trên diện rộng”, ông Trump cho hay.

Cựu Tổng thống Mỹ cũng trình chiếu lên màn hình các kết quả thăm dò ý kiến đăng trên mạng xã hội Twitter, với những thông tin thể hiện đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế. Một trong số này là khảo sát những ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa sẽ tranh cử tổng thống, với ông Trump chiếm tỷ lệ ủng hộ áp đảo.

“Chúng ta sẽ giành lại ngôi nhà tươi đẹp đó [Nhà Trắng]”, cựu Tổng thống nhấn mạnh sẽ giành lại Nhà Trắng vào năm 2024.

Ở một diễn biến khác, hôm 4/11, ông Trump đã đăng lại trên mạng xã hội Truth Social một bài báo tuyên bố rằng phụ nữ “yêu và nhớ” ông trong thời gian ông cầm quyền tại Nhà Trắng.

Ông Trump đã đăng lại bài báo của DC Enquirer với tiêu đề: “Khảo sát mới cho thấy Phụ nữ YÊU & NHỚ Trump đang từ bỏ Đảng Dân chủ trong một chiến thắng long trời lở đất hai con số”.

Bài báo của DC Enquirer dẫn khảo sát gần đây của Wall Street Journal chỉ ra rằng phụ nữ da trắng vùng ngoại ô đang có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 tới đây.

Cuộc khảo sát của Wall Street Journal cho thấy khối cử tri là phụ nữ da trắng vùng ngoại ô ủng hộ các ứng viên Đảng Cộng hòa hơn Đảng Dân chủ 15%. Điều này đánh dấu một sự chuyển biến đáng kể khi ngày bầu cử giữa kỳ đã cận kề.

Cố vấn TT Ukraina: Nga đã mất quyền kiểm soát cuộc chiến và đang thực hiện một cách hỗn loạn


Ngày 6/11, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của văn phòng Tổng thống Ukraina đã có bài nói chuyện trên kênh truyền hình FREEDOM TV.

Ông cho biết: “Nga chiến đấu hoàn toàn theo tình huống và hỗn loạn. Tức là họ đã mất kiểm soát trong cuộc chiến này. Rõ ràng là họ đã nhập cuộc với chiến lược “blitzkrieg” và rõ ràng là “blitzkrieg” đã thất bại. Họ không kiểm soát được tiến trình ngày hôm nay, vì vậy họ điên cuồng tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để trì hoãn và giành lấy vị thế đàm phán”.

Chiến lược blitzkrieg là một từ tiếng Đức mô tả cách thức tiến hành chiến tranh của Quân đội Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhắm đến mục tiêu và nhanh chóng bao vây tiêu diệt chủ lực đối phương.

Theo ông Podolyak, phương thức thứ nhất trong cuộc chiến của Nga là: “Nga không quan tâm đến danh tiếng của mình, họ đã rút lui khỏi thị trường toàn cầu và đang cố gắng tìm kiếm một số nguồn lực ở thị trường nội địa để ném chính họ vào tử huyệt của chiến tranh”.

Phương thức thứ hai là cuộc chiến có mục đích của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga chống lại dân thường Ukraine.

Ông nhấn mạnh: “Không hề che giấu, họ đang tiến hành một kiểu chiến tranh diệt chủng, bắn phá các công trình năng lượng của chúng ta. Bằng cách này, cố gắng gây ra thiệt hại tối đa cho thành phần dân sự trong cuộc chiến này. Buộc mọi người rời khỏi nhà của họ. Về mặt quân sự, quân đội Nga đang chiến đấu chống lại dân thường”, ông Podolyak tuyên bố.

Phương thức thứ ba là các bài tường thuật tuyên truyền của Nga.

Ông cho biết: “Nga đang sử dụng các thông tin về khí hạt nhân chiến thuật, bom bẩn, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Sáng nay, lại có những tuyên bố rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang tấn công Hồ chứa Kakhovsky. Trên thực tế, rõ ràng là không ai, ngoại trừ quân đội Nga, tấn công Hồ chứa Kakhovsky, tự tấn công và tự khai thác các cổng sả”, ông Podolyak cho biết.

Tất cả những điều này cho thấy Nga đang cố gắng tìm cơ hội để làm chậm cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine, ông Podolyak nhấn mạnh.

Cuối cùng ông kết luận: “Như vậy, để tạo sức ép đối với dư luận các nước. Bạn thấy họ đang sử dụng những từ ngữ lạ liên tục về quy chế ngoại giao, việc cần thiết phải ngồi vào bàn đàm phán. Họ muốn trấn áp và làm kiệt quệ dư luận ở chính Ukraine. Họ cũng liên tục tuyên bố rằng chúng ta sẽ mất điện hoàn toàn, sẽ loại bỏ hoàn toàn hệ thống sưởi… đây là chiến thuật của Liên bang Nga”.

Kyiv có kế hoạch tổng di tản trong trường hợp bị Nga phá huỷ hoàn toàn hệ thống điện


Tại Kyiv, một cuộc tổng di tản đã được lên kế hoạch trong trường hợp mất điện hoàn toàn, 3 triệu người sẽ được đưa ra khỏi thành phố. Thông tin này được tờ RBC-Ukraina loan báo, dự theo nguồn tin của ‘The New York Times’.

Dựa theo lời của Giám đốc Cục An ninh đô thị Ủy ban hành chính nhà nước thành phố Kyiv Roman Tkachuk, nếu thực sự xảy ra sự việc này, thì thành phố sẽ phải di tản.

“Chúng tôi hiểu rằng, nếu Nga tiếp tục các cuộc tấn công như vậy, chúng tôi có thể mất toàn bộ hệ thống cung cấp điện. Nếu không có điện, sẽ không có nước và hệ thống thoát nước. Vì vậy, hiện nay chính phủ và chính quyền thành phố đang thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ hệ thống cung cấp điện”, New York Times trích lời ông Tkachuk cho biết.

Đồng thời, ông Tkachuk nhấn mạnh, đến thời điểm hiện tại tình hình đang trong tầm kiểm soát và không có lý do gì để một số lượng lớn thường dân phải rời khỏi Kyiv.

Trước đó Thị trưởng Kyiv, ông Vitaliy Klitschko không loại trừ khả năng thành phố có thể không có nước, điện và thông tin liên lạc do hậu quả của các cuộc tấn công của quân xâm lược, và nói rằng, tất cả các kịch bản ứng phó đã được tính toán.
Theo lời ông, một lượng lớn nhiên liệu, máy phát điện, thực phẩm và nước uống đã được chuẩn bị sẵn sàng tại thủ đô. Các điểm sưởi ấm cũng đã được trang bị.

Tính đến tối Chủ nhật, giới chức Ukraina cho biết hơn 4,5 triệu cư dân vẫn bị ngắt kết nối với hệ thống điện, hầu hết trong số họ ở thủ đô Kyiv và các khu vực lân cận.

Lầu Năm Góc lập Bộ chỉ huy mới về Ukraine và đưa ra gói hỗ trợ an ninh mới


Việc thiết lập một bộ chỉ huy mới cho thấy chính phủ Mỹ có kế hoạch hỗ trợ cho một cuộc xung đột có thể kéo dài trong nhiều năm, theo tờ New York Times.

Cụ thể, hôm 4/11 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố họ đang thiết lập một bộ chỉ huy mới phụ trách giám sát hoạt động đào tạo và trang bị cho quân đội Ukraine của Mỹ và các đồng minh. Thông báo này được Lầu Năm Góc đưa ra cùng với gói hỗ trợ an ninh mới cho Kyiv trị giá 400 triệu USD.

Theo nhận định của các quan chức cấp cao Mỹ, cam kết của Lầu Năm Góc về cung cấp vũ khí cho Ukraine và thành lập bộ chỉ huy mới là những tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ dự báo mối đe dọa từ Nga đối với Ukraine và các nước láng giềng sẽ tồn tại trong nhiều năm.

Bộ chỉ huy mới sẽ đảm bảo rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về lâu dài”, bà Sabrina Singh, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hôm 4/11. “Chúng tôi vẫn cam kết với Ukraine chừng nào còn cần đến”.

Trong quân đội, bộ chỉ huy là một tổ chức tập trung dành riêng cho một khu vực địa lý hoặc chiến lược cụ thể. Bộ chỉ huy mới, được gọi là Nhóm hỗ trợ an ninh – Ukraine, viết tắt là SAG-U, sẽ có trụ sở tại Đức và nằm trong cơ cấu Bộ chỉ huy châu Âu của Lầu Năm Góc. Với đội ngũ nhân viên khoảng 300 người, SAG-U sẽ tập trung vào một nhiệm vụ chủ chốt: giúp đào tạo và trang bị cho quân đội Ukraine.

Bộ chỉ huy mới sẽ hợp lý hóa một hệ thống đào tạo và hỗ trợ đã được tạo ra ngay sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi tháng 2. Tờ New York Times đưa tin vào tháng 9 rằng cấu trúc mới này đã được hoàn thiện.

Chương trình hỗ trợ Ukraine cải tiến sẽ lãnh đạo bởi một tướng cấp cao sẽ thay thế Trung tướng Christopher T. Donahue – người đứng đầu Quân đoàn Dù số 18 của Lục quân, là người đã điều phối phần lớn hoạt động hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine từ hậu trường trong vài tháng qua.

Các quan chức quân sự cho biết ứng cử viên hàng đầu đảm nhận vị trí mới là Trung tướng Antonio A. Aguto Jr., người đứng đầu Lục quân 1, trụ sở tại Rock Island Arsenal, bang Illinois.

Bà Singh cho hay rằng khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 400 triệu USD sẽ lần đầu tiên bao gồm tài trợ cho tân trang 45 xe tăng từ Cộng hòa Séc, dự kiến chuyển đến Ukraine vào cuối tháng 12. Gói viện trợ cũng sẽ được chuyển cho các hợp đồng giao 1.100 máy bay không người lái Phoenix Ghost và 40 thuyền ven sông.

Gói viện trợ mới nhất nâng tổng số tiền hỗ trợ mà Mỹ cam kết cho Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột lên con số 18,9 tỷ USD. Khoản tiền này bao gồm cả các chuyến hàng chuyển ngay lập tức từ các kho dự trữ của Lầu Năm Góc cũng như các hợp đồng vũ khí sẽ được giao trong thời gian 3 năm tới.

Khí hậu: Hội nghị quốc tế COP27 mở ra vào lúc thế giới lơ là trên một vấn đề cấp bách


Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP27 mở ra tại Charm El Cheikh, Ai Cập từ ngày 6 đến 18/11/2022. Chiến tranh và các cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế, địa chính trị liên tục thách thức mục tiêu chống hiện tượng Trái đất nóng lên và ô nhiễm môi trường.

Đại diện của khoảng 200 quốc gia đã bắt đầu tề tựu về thành phố biển Charm El Cheikh, Ai Cập từ hôm nay. Đỉnh điểm của hội nghị COP27 sẽ là hai ngày 7 và 8/11/2022 với các cuộc họp cấp nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ.

Chiến tranh Ukraina, Covid-19, khủng hoảng lương thực, lạm phát và khủng hoảng năng lượng đe dọa tăng trưởng toàn cầu… đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu xuống hàng thứ yếu vào lúc mà các hiện tượng khí hậu cực đoan đe dọa an ninh của nhân loại.

Pakistan trải qua một đợt thiên tai chưa từng thấy : 1/3 diện tích quốc gia nam Á này bị nhận chìm trong nhiều tuần lễ, 33 triệu dân phải di dời chỗ ở. Châu Âu liên tục bị hạn hán và cháy rừng. Từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Hoa Kỳ đều đã trải qua những đợt nóng thiêu đốt… Mùa màng bị đe dọa.

Trước khi khai mạc hội nghị tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres cảnh báo chống biến đổi khí hậu là « vấn đề sinh tử » ảnh hưởng đến « an ninh và sự tồn tại của loài người ».

Paris vừa xác nhận tổng thống Emmanuel Macron sẽ có mặt tại Charm El Cheikh để thúc đẩy các dự án viện trợ cho các quốc gia kém phát triển cùng nỗ lực kềm hãm đã hâm nóng trái đất. Tại Luân Đôn, dưới áp lực của công luận, thủ tướng Rishi Sunak khẳng định quyết tâm của vương Quốc Anh xem hồ sơ khí hậu là một ưu tiên khi thông báo ông sẽ dự nghị COP27.

Từ thủ đô Luân Đôn thông tín viên Marie Boëda giải thích :

« Tuần trước Downing Street cho biết thủ tướng Anh đang vướng bận vì những hồ sơ khẩn cấp, đặc biệt là việc phải hoàn tất dự luật ngân sách trong bối cảnh nước Anh đang trải qua những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ 40 năm nay. Do đó Rishi Sunak sẽ không đến Ai Cập. Bị chỉ trích thiếu quyết tâm trên vấn đề khí hậu, rốt cuộc tân thủ tướng Anh đã lùi bước dưới áp lực của công luận. Ông nhìn nhận rằng không thể bảo đảm được một sự thịnh vượng lâu bền nếu mọi người thụ động trên vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Giới đấu tranh vì môi trường ghi nhận thêm một cử chỉ đáng khích lệ thứ nhì từ phía thủ tướng Sunak, đó là ông đã triển hạn lệnh cấm khai thác năng lượng đá phiến. Dù vậy vẫn còn nhiều vấn đề gây chia rẽ, chẳng hạn như liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi Bắc Hải. Thủ tướng Anh giải thích đây là cách để giảm thiểu tác động khủng hoảng năng lượng gây nên từ khi chiến tranh Ukraina khai mào. Cùng lúc nhóm hoạt động vì môi trường Just Stop duy trì các hình thức đấu tranh để gây chú ý và thức tỉnh công luận. Chính phủ không bình luận về các hoạt động của nhóm này.

Từ mùa hè đến nay, trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên cùng tranh chiếc ghế thủ tướng Anh, Rishi Sunak chưa bao giờ che giấu môi trường không phải là một ưu tiên. Ông quan niệm không nên có những quyết định vội vàng và quá mạnh tay trên vấn đề này. Sunak từng nói đùa rằng, về khí hậu,

Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế, Hải Quân Hàn Quốc cử tàu tham gia


Hải Quân Nhật Bản vào hôm nay, 06/11/2022 đã tổ chức một buổi lễ lễ duyệt hạm đội quốc tế tại Vịnh Sagami, tỉnh Kanagawa, với sự tham gia của chiến hạm đến từ 12 nước. Điểm đáng chú ý là Hàn Quốc đã gửi một chiếc tàu đến dự.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, tham gia lễ duyệt hạm đội hôm nay có 18 chiếc tàu đến 12 quốc gia, trong đó có Úc, Canada, Ấn Độ, Mỹ, Anh…, cùng 6 chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ.

Đây là lần đầu tiên trong 20 năm nay, Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập ngày thành lập Hải Quân Nhật Bản. Phát biểu khi ông đến thị sát buổi duyệt tàu, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tố cáo Bắc Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa gần đây, cho biết là Tokyo “không bao giờ có thể chấp nhận việc (Bắc Triều Tiên) phát triển tên lửa và hạt nhân.”

Ngoài ra, thủ tướng Nhật cũng khẳng định rằng nước ông không thể chấp nhận việc Nga xâm lược Ukraina, cho rằng: “Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chẳng hạn như cuộc xâm lược Ukraina, không bao giờ được dung thứ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.”

Lãnh đạo Nhật Bản cũng gián tiếp phê phán Trung Quốc khi nói rằng: “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông, đang nhanh chóng trở nên căng thẳng hơn”.

Trên cơ sở đó, thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường năng lực hải quân cũng như quân sự nói chung để đối phó với những thách thức.

Điều được giới quan sát chú ý là lần đầu tiên từ năm 2015 đến nay, Hàn Quốc đã cử tàu của mình đến tham gia lễ duyệt tàu tại Nhật Bản. Theo thông tín viên RFI CélioFioretti tại Seoul, đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ với đồng minh lâu năm của mình, Hoa Kỳ, nhưng cũng đang cố gắng xích lại gần hơn với Nhật Bản, quốc gia có quan hệ không mấy tốt đẹp với Seoul.

“Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên có thể hòa giải hai kẻ cựu thù. Hôm nay mồng 6 tháng 11, lần đầu tiên từ bảy năm nay, Soyang, một tàu quân sự của Hàn Quốc, tham gia lễ duyệt hạm đội quốc tế do Nhật Bản tổ chức ngoài khơi Tokyo.

Do lịch sử chung của hai nước, kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc vào đầu thế kỷ trước, hai bên đã duy trì quan hệ rất ít thân thiện cho đến gần đây. Nhưng điều đó có thể thay đổi với nhu cầu ứng phó với căng thẳng gia tăng mà chế độ Bình Nhưỡng gây ra.

Kể từ mùa hè này, Tokyo và Seoul đã gia tăng các cuộc họp chính thức với mục đích vạch ra một chính sách an ninh chung trong khu vực. Vào tháng 10, hai nước cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung.

Vào thời điểm hiện tại, mối quan hệ xích lại gần nhau có vẻ diễn ra tốt, nhưng một số tranh cãi đã nổi lên. Thật vậy, trong lần duyệt binh này, các thủy thủ Hàn Quốc sẽ phải chào cờ của Hải Quân Nhật Bản, tương tự như lá cờ được sử dụng trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Triều Tiên. Lá cờ này đã gợi lại những ký ức tồi tệ.

Dẫu sao thì cả hai chính phủ đều có ý định tiếp tục cải thiện quan hệ. Do đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương dự kiến vào tháng 11”.

Đối lập Nga tại Ba Lan bàn về “thời hậu Putin”


Tại Ba Lan, một số người thuộc phe đối lập Nga đã họp lại với nhau kể từ hôm qua, 05/11/2022 tại một thành phố vùng ngoại ô thủ đô Ba Lan, để thảo luận về khả năng mở ra một con đường dân chủ cho nước Nga sau khi Vladimir Putin sụp đổ, một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraina.

Theo thông tín viên RFI Martin Chabal tại Vácxava, những thành viên phe đối lập Nga muốn đặt viên đá đầu tiên cho một chính phủ chuyển tiếp, và muốn chứng tỏ rằng phe đối lập vẫn tồn tại:

“Tập trung tại một khách sạn ở ngoại ô Vácxava, phe đối lập với Vladimir Putin muốn đặt mình trong tư thế sẵn sàng.

Ilya Ponomarev là một cựu dân biểu Hạ Viện Nga. Ông từng phản đối việc sáp nhập Crimée vào năm 2014, và hiện là một trong những người tổ chức cuộc họp tại Ba Lan. Theo ông: “Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một quốc hội chuyển tiếp, một cơ chế sẽ được thành lập một ngày sau khi thay đổi quyền lực ở Nga.”

Cuộc họp tại Ba Lan sẽ không có tác động trực tiếp nào đến xã hội Nga, nhưng theo nhà chính trị học Olivier Védrine, thân cận với phe đối lập Nga và đã đến quan sát các cuộc tranh luận, cuộc họp đánh dấu một thời khắc lịch sử đối với phe đối lập Nga.

Nhà quan sát này ghi nhận: “Đối với tôi, phải đưa ra một giải pháp thay thế, một hy vọng, cho một hệ thống đang đi vào bế tắc. Và để tránh hỗn loạn, tổ chức này phải có mặt để kết hợp mọi người vào tiến trình chuyển đổi.”

Việc chọn Vácxava để tổ chức một cuộc họp như vậy cũng mang tính biểu tượng. Theo bà Liudmyla Buimister, nghị sĩ Ukraina được mời đến dự họp nhằm thể hiện sự ủng hộ người dân Ukraina, Ba Lan đã một lần nữa thể hiện thái độ tận tâm đối với nước láng giềng.

“Một trang sử mới đang được viết ra hôm nay, nhưng chính Ba Lan nước hiểu rõ nhất mối đe dọa của chế độ Putin, và rất tốt khi Ba Lan ủng hộ sáng kiến kiểu này.”

Về phần mình, Vácxava muốn khẳng định mình là một đồng minh tương lai không thể chê trách của một chính phủ đang chờ thời, bên ngoài lãnh thổ Nga.”

Không có nhận xét nào: