Yevgeny Prigozhin : Từ "bếp trưởng" đến "đồ tể"và ý đồ hậu Putin Evgeny Prigojine, chủ công ty lính đánh thuê Wagner (T) bên cạnh tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2011. AP - Misha Japaridze Thu Hằng Trang nhất của các nhật báo Pháp ra ngày 18/11/2022 chú ý đến thời sự Pháp. Le Monde đề cập đến khủng hoảng năng lượng và vấn đề trợ giá năng lượng. Les Echos phỏng vấn thủ tướng Borne về « năng lượng, đổi mới, sức mua ». Le Figaro phản ánh sự chán nản của người Pháp về phương tiện công cộng, vấn đề thiếu niên nhập cư trên tầu Ocean Viking cập cảng Pháp bỏ trốn.
Libération lưu ý đến mảng văn hóa với loạt phim truyền hình dài tập nổi tiếng sắp kết thúc. Riêng La Croix đưa Giải Vô địch Bóng đá Thế giới Qatar 2022 đầy tranh cãi lên trang đầu.
Chiến sự tại Ukraina vắng bóng trên báo Pháp. Ngược lại, một nhân vật « diều hâu » Nga, thân cận của tổng thống Vladimir Putin được Le Monde phác họa rất chi tiết trong bài : « Tại Nga, tham vọng chính trị của ông chủ công ty Wagner ». Yevgeny Prigozhin dường như sắp thành lập một phong trào bảo thủ, phục vụ cho những tham vọng của chính ông, sau thất bại dấn thân vào chính trường năm 2020.
Yevgeny Prigozhin : Bước ra ánh sáng
Ông chủ của công ty lính đánh thuê Wagner hội tụ đủ điều kiện để làm chính trị ở Nga : sự tán đồng của điện Kremlin, một đế chế truyền thông, tiền, khả năng khiêu khích, tính chính đáng nhờ can dự vào « chiến dịch quân sự đặc biệt » của tổng thống Putin tại Ukraina, uy tín về hiệu quả của lực lượng lính đánh thuê. Cửa ải cuối cùng phải vượt qua là « xuất đầu lộ diện », thoát khỏi hình ảnh « huyền bí »mà ông xây dựng trước đây khi luôn phủ nhận, thậm chí là kiện tội phỉ báng, sự tồn tại của công ty bán quân sự tư nhân Wagner, vì bị cấm ở Nga.
Cuộc chiến ở Ukraina thành bàn đạp đưa ông lên tuyến đầu. Hình ảnh một Yevgeny Prigozhin năng nổ, dấn thân, được đăng trên vô số trang web do ông kiểm soát : bước xuống từ máy bay trực thăng, tay cầm bản đồ chỉ huy, huy chương gắn đầy trên ngực. Tháng 09, ông nhận là người thành lập Wagner. Gần đây, ông tự hào nhận nhiều lần can thiệp vào bầu cử Mỹ. Từ năm 2014, Yevgeny Prigozhin và Concord, công ty chính của ông, nằm trong danh sách trừng phạt của Washington và Bruxelles.
« Bếp trưởng của Putin » - biệt danh xuất phát từ việc ông mở nhiều nhà hàng sang trọng ở Saint-Peterburg trong thập niên 1990 và những hợp đồng với bộ Quốc Phòng - trở nên nổi tiếng vì thường xuyên chỉ trích gay gắt bộ chỉ huy quân sự Nga, vẫn bị cáo buộc « nhu nhược » ở Ukraina. Nhờ vào liên minh tình thế với nhà lãnh đạo Tchetchenia Ramzan Kadyrov, ông chủ của Wagner đã loại được tướng Alexandre Lapine, bị quy trách nhiệm về thất bại thảm hại ở Kharkiv. Ngược lại, ông hoan nghênh quyết định rút quân khỏi Kherson là « có trách nhiệm », theo đúng những yêu cầu của điện Kremlin.
Quá khứ tù tội vì trộm cướp trở thành kinh nghiệm tuyển quân của ông chủ của Wagner vì theo ông, « tù nhân có ý thức cao hơn thành phần tinh hoa Nga ». Trang Meduza cho rằng Yevgeny Prigozhin đang hướng đến nước Nga ở những địa phương nhỏ vì, vẫn theo ông, giới tinh hoa Nga «đã chọn tiện nghi hơn là điều tốt cho dân tộc », khi từ chối đưa con cháu ra chiến trường.
Củng cố quyền lực
Sự nghiệp của Yevgeny Prigozhin dựa trên sự pha trộn giữa việc công và tư, tung tin giả, hoạt động quân sự và cố vấn ở nước ngoài (Syria, Libya, Cộng Hòa Trung Phi), hiện tìm cách mở rộng hoạt động ở châu Âu và Hoa Kỳ, với việc thành lập những tổ chức phi chính phủ trá hình về bảo vệ nhân quyền và chống bạo lực cảnh sát.
Những dự án đó, ít nhiều bị điện Kremlin kiểm soát gián tiếp hoặc trực tiếp, đã giúp ông giầu có, ví dụ, ông kiểm soát dầu lửa ở Syria, kim cương ở Trung Phi, và không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong chính quyền, kể cả tại Nga khi công khai chỉ trích thống đốc Saint-Peterburg Alexander Beglov, cáo buộc đối thủ này là « phản quốc ». Ông chủ của Wagner cũng chuyển thông điệp cứng rắn khi quân của ông hành quyết dã man một người đào tẩu, được tuyển từ trại giam. Chuyện này không có gì mới vì theo Le Monde, tên của Prigozhin gắn với bạo lực, từ những đe dọa các nhà báo, đầu độc một nhà đối lập đến ám sát ba nhà báo Nga ở Trung Phi năm 2018.
Tham vọng hậu Putin
Vậy Prigozhin muốn gì ? Theo nhiều nhà chính trị học Nga, ông chủ của Wagner đang tìm chỗ đứng trong viễn cảnh hậu Putin. Ông Alfred Koch, một cựu thứ trưởng thời Boris Elsine, hiện sống lưu vong cho rằng « Prigozhin và Kadyrov (lãnh đạo Tchetchenia) là sức mạnh sẽ điều hành Nga thời hậu Putin. Và Putin chỉ sống, khỏe mạnh cho đến khi cặp bài trùng này cảm thấy mạnh hơn quân đội. Ngay khi thời điểm này tới, họ sẽ cầm ống hít và một chiếc khăn quàng (ý muốn nói đến vụ ám sát sa hoàng Paul năm 1801) và sẽ lập tức tới các căn hộ của Putin ».
Dù dự đoán đó có nghiêm túc hay không, việc Yevgeny Prigozhin nổi như cồn đang khiến nội bộ quân đội Nga cay đắng, đó là chưa kể đến mối hận thù sâu sắc của nhiều nhân viên an ninh FSB và nỗi sợ ngày một lớn trong giới tinh hoa.
Tuy nhiên, Le Monde cho rằng những kiểu người cực đoan, như Prigozhin, vẫn tồn tại dưới thời ông Putin, để làm bình phong cho khuynh hướng « ôn hòa » của tổng thống.
NATO cần bảo vệ sườn đông sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan
Vụ tên lửa do Nga sản xuất rơi xuống lãnh thổ Ba Lan nhưng có thể do Ukraina bắn, đã buộc NATO họp khẩn. Theo nhật báo Le Monde, « NATO : vấn đề bảo vệ sườn đông của châu Âu lại được thảo luận ».
Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh « cách phối hợp bình tĩnh, chừng mực » giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra : Tại sao hệ thống phòng không của NATO lại không phát hiện được ? Theo ông Jens Stoltenberg, đó là vì tên lửa rơi xuống Ba Lan « không có đặc điểm của loại tên lửa tấn công », ý muốn nói đến tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo. Tổng thư kí NATO cố tìm cách dập mọi tranh luận khi khẳng định rằng không phản ứng « không thể hiện gì về khả năng tự vệ của chúng ta trước những vụ tấn công có chủ ý nhắm vào lãnh thổ của NATO ».
Phải nói rằng NATO đã « tăng cường đáng kể sự hiện diện ở sườn đông của Liên minh, đặc biệt là từ cuộc xâm lược Ukraina vào tháng Hai, cùng với lực lượng bộ binh, và phải kể đến sức mạnh không quân và hải quân đáng kể ». Từ 5.000 quân năm 2021, hiện giờ có đến 40.000 quân hoạt động cho NATO, đó là chưa kể đến quân Mỹ, hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Washington.
Sau sự cố Ba Lan, ông Piotr Bura, phụ trách phòng nghiên cứu về Ba Lan của Trung tâm European Council on Foreign Relations, cho rằng « cách đáp trả của NATO là phải tăng cường phòng không ở Ba Lan và những nước trên tuyến đầu, để hạn chế những rủi ro tương tự, gây thiệt hại trong tương lai. NATO cần xem xét thảo luận về mở rộng phòng không để có thể phá hủy tên lửa của Nga trong không phận Ukraina khi những tên lửa này hướng đến biên giới NATO ».
Dù hiện giờ, không một nước nào có ý định gửi thêm quân đến sườn đông, nhưng bộ Quốc Phòng Pháp cho rằng « NATO có thể quyết định tăng cường toàn bộ thế răn đe ». Có nghĩa là nếu mối đe dọa gia tăng, lực lượng răn đe cũng sẽ được củng cố tương ứng.
Tập Cận Bình dàn dựng sự trở lại của Trung Quốc trên trường ngoại giao
Hai nhật báo Les Echos và Le Figaro chú ý đến sự trở lại của chủ tịch Trung Quốc trên trường quốc tế. Sau hơn 1.000 ngày « cách ly », ông Tập Cận Bình tham dự G20 ở Bali, sau đó là APEC ở Bangkok, liên tiếp gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ông tìm cách tái lập uy tín của chế độ, bị xói mòn vì các chính sách hung hăng và trấn an các nhà đầu tư.
Theo nhật báo Les Echos, ông « Tập Cận Bình dàn dựng sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế » với quyền lực được củng cố sau Đại hội đảng Cộng sản. « Giờ ông nắm toàn quyền kiểm soát và đã loại bỏ mọi sự phản kháng », theo nhận định của giáo sư Stephen Nagy, Đại học Công giáo ở Tokyo.
Cả một danh sách nhà lãnh đạo thế giới chờ gặp chủ tịch Trung Quốc. Nhà phân tích Richard McGregor của Viện Lowy nhận định « Kiểu sự kiện họp thượng đỉnh lớn như vậy là cơ hội lý tưởng vì cho phép liên tiếp các cuộc họp song phương trong thời gian ngắn ». Đây cũng là cơ hội lý tưởng để tránh những chuyến công du, hiện còn quá nhạy cảm với công luận. Một chuyên gia của chính quyền Trung Quốc nêu ví dụ : « Hiện giờ không thể lên kế hoạch một chuyến công du Hoa Kỳ cho ông Tập Cận Bình hoặc một chuyến công du đến Nhật Bản. Vì thế, gặp nhau ở một nước thứ ba là rất tiện, như vẫn diễn ra vào thời Chiến tranh lạnh ».
Trung Quốc quyết định tái kích hoạt những mối quan hệ ngoại giao vì đang rất cần. Giáo sư Stephen Nagy nhận định « nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin thực sự trên bình diện quốc tế » : chính sách Zero Covid hà khắc, ngoại giao « chiến lang » tấn công tất cả những ai dám chỉ trích chế độ, dùng vũ lực đe dọa Đài Loan…
Về kinh tế, vẫn theo giáo sư Nagy, « nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức thật sự về cơ cấu. Ông Tập phải đến truyền tải thông điệp trấn an. Nói rằng Trung Quốc vẫn là nơi ổn định để dự kiến đầu tư ». Trong các cuộc họp song phương, phái đoàn Trung Quốc đã hứa hẹn nhiều dự án hợp tác, những thỏa thuận trao đổi thương mại mới. Đó là những liều thuốc từng giúp Trung Quốc tăng trưởng trong suốt 20 năm.
Nhật báo Le Figaro đưa ra nhận định : « Tập Cận Bình đánh cược vào thế tấn công ngoại giao » dù ông trấn an không có ý định « đặt lại vấn đề về trật tự thế giới ». Sự tái xuất hiện này cho thấy sự điều chỉnh chiến thuật vào lúc Bắc Kinh thấy bất trắc về cuộc chiến của tổng thống Putin ở Ukraina và viễn cảnh suy thoái toàn cầu. Quá ngả về phía Nga gây tác động ngược đối với các nhà đầu tư, đang tìm cách tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Matxcơva, và bất an về tương lai của họ tại công xưởng thế giới bị đình trệ vì chính sách Zero Covid.
Mỹ : Đảng Cộng Hòa, bị chia rẽ, nắm quyền kiểm soát Hạ Viện
Về thời sự Mỹ, sự kiện đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ Viện được hai báo Le Monde và Les Echos đề cập. Le Monde dùng những từ « đảng Cộng Hòa bị chia rẽ », « chiến thắng mong manh, thêm vị đắng, mất thời gian và ít hào hứng ». Với 218 ghế, đảng Cộng Hòa sẽ chống Joe Biden trên nhiều mặt trận.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, đảng Dân Chủ, hiện vẫn chiếm đa số, cố gắng thông qua nhiều đạo luật nhất có thể : Thứ Tư 16/11, một dự thảo luật về luật hôn nhân đồng giới và đa chủng tộc đã được Thượng Viện thông qua, với sự ủng hộ của 12 thượng nghị sĩ Cộng Hòa, sau đó cũng nhanh chóng được thông qua ở Hạ Viện. Trong số những ưu tiên khác của đảng Dân Chủ, còn có nỗ lực tránh tính trạng hết ngân sách hoạt động « shutdown » vào ngày 16/12, nâng mức trận nợ, thêm gói viện trợ mới 37,3 tỉ đô la cho Ukraina, trong đó 21,7 tỉ đô la là viện trợ quân sự, và hoàn tất báo cáo của Ủy ban điều tra vụ tấn công đồi Capitol ngày 06/01/2021.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng đưa tin về « Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ Viện sau kỳ bầu cử giữa kỳ ». Tuy nhiên, theo Les Echos, tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có thể dựa vào đa số của đảng Dân Chủ ở Thượng Viện trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Ông muốn thông qua nhiều đạo luật trước tháng 01/2023 khi những tân nghị sĩ chính thức nhậm chức.
Qatar 2022 : Cup vô địch bóng đá của mọi kỷ lục
« Một Cup Bóng đá Thế giới trị giá hơn 200 trỉ đô la » là chủ đề của Les Echos. Còn La Croix đưa trang nhất « Giải Vô địch về tranh cãi ».
Les Echos nêu những con số kỷ lục cho một mùa Vô địch Bóng đá Thế giới : khoản chi phí khổng lồ (200 tỉ đô la, so với 11 tỉ của Nga năm 2018 hoặc 15 tỉ tại Brazil năm 2014), bị chỉ trích nhiều nhất, lần đầu tiên tổ chức vào cuối năm (từ 20/11 đến 18/12), nước chủ nhà rất nhỏ, trận khai mạc diễn ra tại sân vận động Al Bayt (60.000 chỗ), một trong số 7 sân vận động mới được xây trong những năm gần đây, trận chung kết diễn ra ở « thành phố tương lai » Lusail nằm giữa sa mạc và chưa hoàn thiện.
Đối trang nhất của La Croix, đó là « Giải Vô địch về tranh cãi ». Bài xã luận « Kiệt sức » nêu những điều kiện xã hội tồi tệ liên quan đến cơ sở hạ tầng : nhiều sân vận động được lắp điều hòa giữa sa mạc. Giải vô địch diễn ra lệch so với thời gian thông thường cũng khiến các cầu thủ thiếu chuẩn bị vì vẫn đang thi đấu tại các giải vô địch quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét