Nhắc Nhở Hôm Nay: Thứ Ba Ngày 8 Tháng 11/2022, Việc Quan Trọng Trong Ngày, Là Rủ Nhau Đi Bầu!
*Mỗi là phiếu, là một viên gạch vững chắc, xây căn nhà dân chủ trên Quê Hương Thứ Hai! Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Hình: Người dân tham gia bầu cử tại phòng phiếu được tổ chức trong một trường học ở thành phố McLean, Virginia)
*Khó có Đất Nước dân chủ tự do nào, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đễ dàng, để người dân đi bầu như Hoa Kỳ cả!
Chánh quyền đã tạo điều kiện dễ dàng, tiện lợi nhứt cho cử tri thực hiện quyền lợi và nhiệm vụ công dân hôm nay. Thời gian vừa qua, đã gởi phiếu bầu tới tận nhà cử tri. Cử tri có thể bỏ phiếu tại phòng phiếu gần nhà, hay gởi phiếu bầu qua bưu điện, khỏi dán tem! Hôm nay tới phiên chúng ta!
*Chọn người lãnh đạo, là ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống! nhất là về phương diện kinh tế, xã hội, giáo dục…. Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Một gallon xăng giá lên hay xuống, đến thực phẩm rẻ hay mắc, đều cũng là do chánh trị mà ra! Bầu cho chánh quyền nào thương dân phục vụ cho dân, không vì quyền lợi đảng phái.
*Đi đông, bầu đúng, cử xứng! Chọn đúng người, để phục vụ quyền lợi cho chúng ta. Giúp Cộng đồng người Việt vững mạnh. Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng Thống Biden vào hôm nay, thứ Ba, ngày 8 tháng 11, 2022. Sáng suốt kiểm soát lại các bài diễn văn, lời tuyên bố ngọt ngào, tranh luận, truyền đơn, bích chương, quảng cáo truyền hình, truyền thanh, báo chí, hoan hô / đả đảo, chống / bênh của các ứng cử viên những ngày qua, tìm hiểu đúng người làm được mới khó, cón lời hứa, thì ứng cử viên nào, cũng…lành nghề!
*Vẫn còn những tấm lòng hy sinh vì Đất Nước Hoa Kỳ, bảo vệ dân chủ. Rất nhiều người đã nằm xuống, để chúng ta cầm được Lá phiếu tự do. Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Hoa Kỳ gần 300 năm lịch sử, biết bao người nằm xuống, cho đến những nỗ lực hy sinh nhỏ nhoi của các công chức đảm nhiệm chuẩn bị bầu cử, ghi danh cử tri, tổ chức thùng phiếu, gíup gởi phiếu bầu bằng thư, chuẩn bị chuyển phiếu tới điạ điểm bầu cử. Rồi những nhân viên an ninh canh trong bóng tối, để chúng ta được cầm lá phiếu! “Tự do không phải là món quà biếu không, phải đổi bắng xương, bằng máu!” Hãy tận dụng món quà tự do này!
*Lá phiếu là sức mạnh, là tiếng nói duy nhất, trong một Quốc gia truyền thống có sinh hoạt dân chủ. Không đi bầu, là từ chối quyền lợi. Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Nhưng tất cả những cố gắng, hy sinh đó của nhân dân và chánh quyền của dân, vì dân, do dân đó sẽ mất ý nghĩa, nếu cử tri không làm nhiệm vụ bầu cử của công dân hôm nay là bầu cử. Nền dân chủ đại diện Mỹ sẽ yếu dần, nếu người đắc cử chỉ đại diện cho một tỷ lệ cử tri quá thấp trong một cuộc bầu cử tỷ lệ đi bầu quá nhỏ. Từ từ độc tài sẽ thắng, rất nguy hiểm!
*Tùy theo nhận thức của mình, sáng suốt chọn lựa. Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên nào, cũng cho cử tri…uống nước đường! Chọn người làm được, chứ đừng chọn người chi biết hứa! Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Hôm nay thì các ứng cử viên tranh cử đã làm tất cả những gì có thể làm được đã xong! Hai đảng chánh trị lớn Cộng Hòa, Dân Chủ, các nghiệp đoàn, tổ chức độc lập, múa may, chiêu dụ đủ trỏ, nhưng thời điểm hôm nay, là cử tri quyết định chọn lựa của mình.
Những miếng dán “I Voted” được trưng bày tại một phòng phiếu ở Los Angeles ngày 1 tháng 11, 2022. Miếng dán này được nhiều ngôn ngữ của các cử tri sống tại California. Hàng dưới cùng là dòng chữ tiếng Việt “Tôi Đã Đi Bầu.”
*Sức Mạnh lá phiếu của người Mỹ gốc Việt! Đoàn kết “ba cây chụm lại!” tạo sức mạnh chung cho trên 3 triệu người Mỹ gốc Việt, trên đất nước Hoa Kỳ. Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Niềm vui dân Việt tại đất nước Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt có trên 3 triệu người, chiếm hơn phân nửa tổng số người Việt ở hải ngoại. Khối sức mạnh rất lớn, nếu biết tận dụng, sẽ đạt được rất nhiều mục đích cho Cộng đồng.
*Càng thuộc sắc dân thiểu số, càng phải ý thức đi bầu thật đông, để tranh đấu quyền lợi. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”
Thế lực, sức mạnh của cộng đồng sắc tộc đa số hay thiểu số không ai biết, nếu cử tri của cộng đồng đó không đi bầu. Mỹ là một hiệp chủng quốc đa sắc tộc, chánh trị dân chủ đại diện, giá trị chánh trị của cộng đồng sắc tộc tính trên số phiếu đi bầu. Bầu cử là góp một bàn tay vào chánh quyền dân chủ nói chung và tạo nên thế lực cho cộng đồng sắc tộc của mình trong xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc Mỹ.
*Lá phiếu còn ảnh hưởng dài đến đời sống của con, của cháu chúng ta! Nhất là những đự luật phi đạo đức, mất nhân tính! (Như ở Cali, với dự luật 1, phá thai tự do, trước khi em bé ra đời!) Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Chủ trương đường lối tranh cử của quí vị ứng cử viên nghị sĩ, dân biểu liên bang và tiểu bang đối lập nhau gay gắt. Những điểm chánh của chương trình của hai chánh dảng Cộng Hòa, Dân Chủ tất cả đều có liên quan đến cuộc sống của mỗi một người Mỹ. Mỗi công dân Mỹ. Cử tri Mỹ phải đối diện với hoàn cảnh của mình, quyền lợi của mình, nhà cửa mình, của thời đại mình mà bầu. Mỗi một người phải đối diện với lương tâm và tín lý của mình trước những vấn đề gai góc do cuộc sống vật chất gây ra, đang ảnh hưởng đến mình, gia đình và xã hội tạo ra mình. Trước khi quyết định lá phiếu mình cho ai.
* Chính vì các lý do trên, Nên Việc Quan Trọng Trong Ngày Hôm Nay, Là Cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Riêng người Mỹ gốc Việt đến đây gần hai thế hệ xã hội học, từng chứng kiến và tham dự năm bảy kỳ bầu cử trọng đại của Mỹ. Chữ “Vietnamese Americans” tiếng Anh, chánh quyền, nhân dân, và các môn chánh trị, xã hội, văn học Mỹ dành cho người Việt trong xã hội Mỹ, có chữ Vietnamese. Đủ thấy sức mạnh người Việt càng tăng trưởng mạnh mẽ! Chữ “Vietnamese Americans” càng ngày càng nhiều người biết!
*Lá phiếu còn có thể tạo sức mạnh, áp lực nhà Cầm quyền Mỹ, giúp Quê hương Việt Nam chóng có tự đo dân chủ! Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Dù chữ “Vietnamese” để trước như một tĩnh từ nhưng vẫn nói lên nguồn gốc, hoài vọng của công dân Mỹ gốc Việt. Mỹ còn thừa nhận sắc thái Việt của người Mỹ gốc Việt, thì cử tri người Mỹ gốc Việt làm gì quên được căn cước, nguồn cội quốc tịch của mình và vận mạng nước nhà và 90 triệu đồng bào đang sống khổ sở dưới gọng kềm Cộng Sản độc tài đảng trị toàn diện. Nếu biết dùng, là phiếu có thể tạo sức ép, để VN chóng có dân chủ tự do.
*Kết! lá phiếu là sức mạnh, đừng quên dùng sức mạnh hiếm quý, độc nhất này! Nên hôm nay, cùng Rủ Nhau Đi Bầu!
Trên 90% người Việt tự xem mình là người tị nạn, bị Cộng Sản áp bức, là người đi tìn tự do. Hầu như 100% người Mỹ gốc Việt còn có thân nhân, bạn bè còn ở Việt Nam, đã đang bị Cộng Sản tước đoạt tự do, dân chủ và nhân quyền ở nước nhà VN. Đó nhứt định là những yếu tố tác động không nhỏ, để người Việt ra ứng cử nhiều và cử tri người Mỹ gốc Việt ghi danh đông.
Điều còn lại duy nhứt là đi bầu, rủ nhau bầu cử, nhắc gọi, chở nhau đi bầu hôm nay, thứ Ba, 8 tháng 11, 2022. Đi bầu là giúp cho cuộc sống người Việt ở Mỹ sống cao đẹp hơn, tập thể và cộng đồng người Việt tăng thế lực chánh trị, giúp đồng bào ở nước nhà sớm có tự do tôn giáo và nhân quyền.
Mong lắm thay!
Thủ Tướng Đức Công Du Trung Quốc: Bá Linh Kêu Gọi Bình Đẳng Trong Quan Hệ Thương Mại
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay khi kết thúc chuyến công du Trung Quốc trong chưa đầy một ngày, hôm 4/11/2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi “đẩy mạnh hợp tác kinh tế” vì lợi ích chung. Bắc Kinh nhấn mạnh đến một mối bang giao có “có lợi cho cả đôi bên”.
Sau khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong buổi làm việc với đồng cấp Lý Khắc Cường, đã tuyên bố, về kinh tế, Bá Linh chủ trương một mối quan hệ “cân bằng, có qua có lại”, kể cả trong lĩnh vực đầu tư. Đức mong rằng Trung Quốc cũng phải mở cửa cho ngoại quốc đầu tư vào Hoa Lục.
Liên quan đến chiến tranh Ukraine Thủ tướng Scholz kêu gọi ông Tập Cận Bình sử dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Mạc Tư Khoa để thuyết phục Nga chấm dứt xâm lăng Ukraine. Vẫn theo lời Thủ tướng Đức, Bá Linh và Bắc Kinh “nhất trí” cho rằng nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử để giải quyết chiến tranh Ukraine thì đây sẽ là “một mối nguy hiểm chung cho toàn thế giới, kể cả với Trung Quốc”.
Bất chấp những chỉ trích gay gắt ngay trong chính phủ liên minh, Thủ tướng Đức vẫn duy trì chuyến công du Trung Quốc với mục đích đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Tuy nhiên, dường như chuyến đi không đạt nhiều kết quả. Trong thông cáo tổng kết chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Scholz, Bá Linh không nêu những hợp đồng cụ thể đã được ký kết. Thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI từ Bắc Kinh tường trình:
“Những ai từng kỳ vọng vào một bước ngoặt trong chính sách của Bá Linh với Bắc Kinh ắt hẳn sẽ thất vọng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhắc lại ông phản đối mọi ý tưởng tách rời khỏi Trung Quốc. Trên thảm đỏ mà các nhân viên phi trường mặc đồ bảo hộ phòng chống Covid màu trắng đã trải trên lối đi, có khoảng một chục doanh nhân Đức, trong đó có lãnh đạo tập đoàn xe hơi Volkswagen hay BASF. Trong những bộ âu phục sậm màu, họ chờ đợi ký được nhiều hợp đồng với Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo phương Tây đầu tiên đến Bắc Kinh từ khi Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ.
Thực ra cho đến tối qua, cho đến khi Thủ tướng Đức lên đường về nước, không ai biết đã có những hợp đồng nào được thông qua nhân chuyến đi ngắn ngủi này hay không. 23 tiếng đồng hồ bay, 11 giờ có mặt tại chỗ, Olaf Scholz có nhiều vấn đề cần trao đổi với các lãnh đạo Trung Quốc. Trong đó có các quy định về trao đổi mậu dịch và đầu tư bất lợi cho các doanh nghiệp ngoại quốc, khó khăn của các tập đoàn sản xuất do các đợt phong tỏa phòng chống Covid liên tiếp. Bên cạnh đó còn phải kể đến vấn đề chống biến đổi khí hậu, nhân quyền ….
Theo phía Đức, tất cả những chủ đề này đã được đề cập đến. Bá Linh muốn xoa dịu những chỉ trích, đặc biệt là từ phía Âu Châu, về chuyến đi của ông Olaf Scholz lần này. Trong khi đó thì ngành ngoại giao Trung Quốc đang rất hài lòng về sự hiện diện của Thủ tướng Đức tại Bắc Kinh”.
Bắc Kinh thông báo hợp tác với Đức trong lĩnh vực vắc-xin. Trước khi lên máy bay trở lại Bá Linh, Thủ tướng Scholz cho biết người ngoại quốc tại Hoa Lục sử dụng vắc-xin của tập đoàn BioNTech”.
Đại Sứ Trung Quốc Đe Thụy Sĩ: Nếu Trừng Phạt Chúng Tôi, Quan Hệ Sẽ Bị Ảnh Hưởng
(Hình: Quốc kỳ hai nước Thụy Sĩ, Trung Quốc trong một buổi lễ của hai nước ở Bắc Kinh hồi năm 2016 - ảnh tư liệu.)
BERN (VOA) - Ngày 6/11/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Đại sứ Trung Quốc tại Bern nói với tờ NZZ am Sonntag rằng Thụy Sĩ nên tránh đi theo Liên Hiệp Âu Châu (EU), chớ có áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu Thụy Sĩ quan tâm đến quan hệ giữa hai nước.
Năm 2021, EU cáo buộc các viên chức Trung Quốc giam cầm hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Bắc Kinh kể từ lệnh cấm vận vũ khí năm 1989 sau cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn.
Thụy Sĩ vẫn chưa quyết định đi theo hành động tiên phong của EU.
Đại sứ Trung Quốc tại Bern, Wang Shihting, nói với NZZ am Sonntag: “Bất kỳ ai mà thực sự quan tâm đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước và là người hoạch định chính sách có trách nhiệm đều sẽ không đồng ý với các lệnh trừng phạt”.
Ông nói thêm: “Nếu Thụy Sĩ thông qua các biện pháp trừng phạt và tình hình đi theo hướng mất kiểm soát, quan hệ Trung Quốc-Thụy Sĩ sẽ bị ảnh hưởng”.
Người đứng đầu cơ quan thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế của Thụy Sĩ cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên báo chí vào tháng Bảy là bà dự báo rằng đất nước trung lập này sẽ áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà EU đưa ra nhằm vào Trung Quốc nếu nước này xâm lược Đài Loan.
Khi công bố chiến lược mới về Trung Quốc vào năm 2021, Bern đã công bố một số thay đổi chính sách cụ thể và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương. Nhưng họ cũng nói thẳng thắn hơn về việc không chấp nhận hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc so với những gì họ thường làm trong quá khứ.
Năm 1950, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước Trung Quốc Cộng sản. Kể từ năm 2010, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ ở Á Châu, và lớn thứ ba trên toàn cầu, sau EU và Hoa Kỳ.
Một Hiệp định Thương mại Tự do song phương giữa hai nước có hiệu lực vào tháng 7/2014, và hai nước trong năm nay đã ra mắt một nền tảng chung về niêm yết và giao dịch chứng khoán.
Covid: Trung Quốc Báo Động Số Ca Nhiễm Cao Nhất Từ 6 Tháng Nay
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay đúng ngày thủ đô Bắc Kinh tổ chức cuộc chạy việt dã marathon, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 6/11/2022 thông báo phát giác 4.420 ca Covid-19, trên toàn quốc. Đây là mức cao nhất từ 6 tháng nay. Trái với nhiều tin đồn từ 2 ngày qua, Trung Quốc không có ý định nới lỏng các biện pháp chống dịch hay từ bỏ chủ trương zero Covid.
Họp báo hôm 5/11, một viên chức của Bộ Y tế ghi nhận “các biện pháp chống Covid-19 tại Trung Quốc hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng những đòi hỏi về mặt kinh tế và càng lúc càng trở nên hiệu quả hơn”. Trung Quốc vẫn chủ trương ưu tiên “cứu sống mạng người, mở rộng các biện pháp chống du nhập bệnh từ hải ngoại và đề phòng đối phó với kịch bản dịch ở trong nước bùng phát”.
Theo giới phân tích, tuyên bố trên đây là gáo nước lạnh đối với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Trước đó truyền thông Bắc Kinh đã nêu lên khả năng Trung Quốc chuẩn bị nới lỏng chính sách zero covid, có thể là chỉ từ sau tháng 3/2023. Tin đồn nói trên khiến các chỉ số chứng khoán đã khởi sắc.
Về số ca dương tính với virus corona, trong số hơn 4.400 bệnh nhân vừa được phát giác hôm nay, 49 ca là dân ở thủ đô Bắc Kinh. Con số này được đưa ra đúng vào lúc diễn ra cuộc chạy đua marathon Bắc Kinh. Từ khi dịch Covid bùng phát, sự kiện thể thao này đã bị hủy trong hai năm liên tiếp, 2020 và 2021. Khác với trước đây, cuộc đua việt dã năm nay gần như chỉ có các vận động viên Trung Quốc mà chủ yếu là dân cư Bắc Kinh mới được tham dự.
Trong số gần 30.000 người ghi danh tham dự Marathon Bắc Kinh, tất cả đều đã phải xét nghiệm PCR trong ba ngày liên tiếp và không được phép rời khỏi thủ đô Bắc Kinh trong vòng 1 tuần lễ sau cuộc đọ sức.
Viên Chức Mỹ: Trung Quốc Phát Triển Vũ Khí Nguyên Tử Nhanh Hơn Hoa Kỳ
- Ngày 5/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của CNN cho hay trong một bài phát biểu được đưa ra tại một sự kiện kín diễn ra vào giữa tuần này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, phụ trách chương trình nguyên tử cảnh báo rằng Trung Quốc đang phát triển vũ khí nguyên tử nhanh hơn Mỹ.
Những bình luận của chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ Charles A. Richard được đưa ra tại Hội nghị thường niên của Liên đoàn tàu ngầm Hải quân hôm 2/11/2022. Hội nghị này không có công chúng tham dự, nhưng tuyên bố nói trên đã được đăng tải trên trang của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 4/11. Ông Richard cảnh báo rằng Trung Quốc đang cạnh tranh với Hoa Kỳ một cách “ấn tượng”: “Tôi đánh giá mức độ răn đe của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc giống như là chiếc tàu đang từ từ chìm xuống… Về cơ bản, năng lực của Bắc Kinh trong lĩnh vực này phát triển nhanh hơn Hoa Kỳ”.
Theo Đô đốc Richard, nếu Hoa Kỳ không có hành động nào thì sớm muộn gì cũng sẽ bị Trung Quốc bỏ xa. Ông mô tả chương trình về vũ khí nguyên tử của Trung Quốc là “ngoạn mục” và “đột phá chiến lược”.
Từ nhiều năm qua chính quyền Biden đã liên tục cảnh báo về việc phát triển quân đội và chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo CNN, những phát biểu của Đô đốc Richard cho thấy tình hình có thể còn tồi tệ hơn những gì mà các viên chức Ngũ Giác Đài đã công bố. Theo Nuclear Posture Review, “Trung Quốc dự định sở hữu ít nhất 1.000 đầu đạn nguyên tử vào cuối thập kỷ này”.
Trong một loạt tài liệu về chiến lược quân sự được công bố vào cuối tháng 10, một viên chức quốc phòng cấp cao Hoa Kỳ mô tả Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất của Hoa Kỳ “có ý định và ngày càng có khả năng thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống” cả về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, lẫn ngoại giao.
Trung Quốc:Cựu Binh Trong Chiến Tranh Việt Nam Tiếp Tục Nắm Quân ủy
- Nhìn sang Á Châu, The Economist nhận thấy Quân ủy Trung ương mới của Trung Quốc giống như một Hội đồng Chiến tranh, gồm những người lãnh đạo trung thành với Tập Cận Bình.
Sáng tinh mơ ngày 28/4/1984, một sĩ quan trẻ Trung Quốc cầm đầu một trung đoàn Bộ binh tấn công vào bộ đội Việt Nam. Trận đánh Lão Sơn là một trong những trận đẫm máu nhất trong số những cuộc giao tranh kéo dài một thập niên sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung bốn tuần năm 1979. Tuy không rõ thắng bại, nhưng Trung đoàn trưởng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) bốn thập niên sau trở thành Cố vấn quân sự tín cẩn nhất của Tập Cận Bình, tiếp tục là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương sau đại hội đảng 20, trong khi nhiều người ngỡ rằng ông Trương sẽ về hưu.
Năm nay 72 tuổi, Trương Hựu Hiệp là người lớn tuổi nhất giữ chức này kể từ 30 năm qua, nhưng việc tái nhiệm cho thấy tiêu chí chọn người trong quân đội của ông Tập: Biết chuẩn bị chiến đấu và tuyệt đối trung thành. Thượng tướng Trương là một trong những chỉ huy hiếm hoi từng có kinh nghiệm chiến đấu, dù chiến thuật biển người kiểu Mao sử dụng trong cuộc xâm lược Việt Nam không hề hiệu quả trong chiến tranh hiện đại. Trong năm năm qua, Trương Hựu Hiệp giám sát công việc thiết yếu là mua và phát triển vũ khí, quan trọng hơn nữa: ông là bạn cũ của gia đình ông Tập. Hai người cha là bạn chiến đấu với nhau, ông Tập và Trương cùng tầng lớp con ông cháu cha.
Thượng tướng Hà Vệ Đông (He Weidong), 65 tuổi cũng là một bất ngờ. Ông được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy và vào Bộ Chính trị, tuy chưa bao giờ là ủy viên trung ương và thành viên Quân ủy. Hà Vệ Đông có mối liên hệ cá nhân, từng làm việc ở Phúc Kiến trong hầu hết thời gian Tập Cận Bình là viên chức lãnh đạo tại đây. Tuy nhiên người ta cho rằng sự thăng tiến của ông là nhờ 2 năm chỉ huy Chiến khu Đông bộ - chịu trách nhiệm về Đài Loan, và trước đó nắm Lục quân của Chiến khu Tây bộ trong một loạt xung đột biên giới với Ấn Độ.
Một khuôn mặt khác trong Quân ủy là thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), cũng lại là con một lão thành cách mạng. Ông Lý từng có 31 năm công tác tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, có thể trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng.
Chuyên gia Joel Wuthnow của Đại học Quốc Phòng Mỹ cho rằng Quân ủy Trung ương mới trông giống như “Hội đồng chiến tranh Đài Loan”. Tập Cận Bình có được hai nhân vật rành rẽ về trang thiết bị quân sự, rất cần thiết trong xu hướng tự cung tự cấp và bối cảnh bị Mỹ siết chặt về kỹ thuật.
COP27 Lần Đầu Tiên Đưa Vấn Đề Bồi Thường Khí Hậu Vào Chương Trình Nghị Sự
(Hình: Ông Sameh Shoukry (trái), Chủ tịch hội nghị COP27, phát biểu khai mạc hôm 6/11/2022 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập.)
- Các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 của Liên Hiệp Quốc ở Ai Cập nhất trí thảo luận về việc liệu các nước giàu có cần phải bồi thường hay không cho các nước nghèo dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu khi họ phải chịu những thiệt hại, mất mát.
Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu trong phiên khai mạc toàn thể: “Điều này lần đầu tiên tạo ra một không gian ổn định về định chế trong chương trình nghị sự chính thức của COP và Thỏa thuận Paris để thảo luận vấn đề cấp bách là thu xếp kinh phí cần thiết để giải quyết những vấn đề hiện còn bị bỏ trống, ứng phó với mất mát và thiệt hại”.
Mục này đã được chấp nhận đưa vào chương trình nghị sự ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, vào Chủ Nhật (6/11/2022), khi các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự các cuộc đàm phán dự kiến kéo dài đến ngày 18/11.
Có dự báo là phần lớn căng thẳng tại COP27 sẽ liên quan đến các mất mát và thiệt hại – bàn về việc các quốc gia giàu có cung cấp ngân quỹ cho các quốc gia có thu nhập thấp dễ bị tổn thương, là những nước chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ về sự phát thải làm địa cầu ấm lên.
Tại COP26 năm 2021 ở Glasgow, các quốc gia có thu nhập cao đã ngăn chặn một đề xuất về việc lập một cơ quan tài trợ cho công tác khắc phục các mất mát và thiệt hại, thay vào đó, họ ủng hộ một cuộc đối thoại mới kéo dài 3 năm để thảo luận về việc tài trợ.
Các cuộc thảo luận về mất mát và thiệt hại hiện nay trong chương trình nghị sự tại COP27 sẽ không liên quan đến trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường ràng buộc, nhưng việc này nhằm dẫn đến một quyết định dứt khoát “không muộn hơn năm 2024”, ông Shoukry nói.
Ông nói thêm: “Việc đưa vào chương trình nghị sự này phản ánh tinh thần đoàn kết với các nạn nhân của thảm họa khí hậu”.
IAEA: Không Có Dấu Hiệu ‘Bom Bẩn’ Tại Các Địa Điểm Thanh Sát ở Ukraine
(Hình: Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi.)
- Ngày 3/11/2022 vừa qua, Cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc cho biết không tìm thấy chỉ dấu nào về hoạt động nguyên tử không được khai báo tại 3 địa điểm ở Ukraine mà họ đã kiểm tra theo yêu cầu của Kyiv để đáp lại cáo buộc của Nga rằng một “quả bom bẩn” đang được chế tạo.
Mạc Tư Khoa đã nhiều lần cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng một quả bom như vậy - một thiết bị nổ thông thường có chứa chất phóng xạ - và nói rằng các viện liên quan đến ngành công nghiệp nguyên tử đã tham gia vào quá trình chuẩn bị, mà không đưa ra bằng chứng. Chính phủ Ukraine phủ nhận cáo buộc của Nga.
Một số viên chức Ukraine và phương Tây nói Mạc Tư Khoa đưa ra cáo buộc đó để che đậy việc tự kích nổ quả bom bẩn của chính họ rồi đổ lỗi cho Kyiv.
Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) tháng trước loan báo sẽ kiểm tra hai địa điểm ở Ukraine theo yêu cầu của Kyiv. Ngày 31/10, IAEA nói các cuộc kiểm tra đã bắt đầu và vào ngày 3/11, họ cho biết đã được hoàn thành tại ba địa điểm chứ không phải hai. Tất cả các địa điểm này là những nơi mà Nga đã đề cập.
“Trong vài ngày qua, các thanh sát viên đã có thể thực hiện tất cả các hoạt động mà IAEA đã lên kế hoạch tiến hành và được phép tiếp cận các địa điểm không bị kiểm soát”, IAEA có trụ sở tại Vienna cho biết trong một tuyên bố.
“Dựa trên đánh giá các kết quả có sẵn cho đến nay và thông tin do Ukraine cung cấp, cơ quan này không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các hoạt động và vật liệu nguyên tử chưa được khai báo tại các địa điểm ấy”.
IAEA cho biết các địa điểm đó là Viện Nghiên cứu Nguyên tử ở Kyiv, Nhà máy Khai thác và Chế biến Miền Đông ở Zhovti Kody, và Nhà máy Chế tạo Máy của Hiệp hội Sản xuất Pivdennyi ở Dnipro.
Các thanh sát viên cũng đã lấy các mẫu môi trường và sẽ gửi đi để phân tích trong phòng thí nghiệm, IAEA sẽ báo cáo lại kết quả, tuyên bố cho biết thêm.
Quân Đội Ukraine Dùng Vũ Khí của Nga Bắn Vào Mục Tiêu Nga
(Hình: Các binh sĩ Ukraine bắn một phát đạn vào chiến tuyến từ một chiếc xe tăng T80 chiếm được từ quân Nga trong trận chiến ở Trostyanets vào tháng Ba, khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tiếp tục, ở vùng Donbas phía Đông Bakhmut, Ukraine, ngày 4 tháng 11 năm 2022.)
- Các lực lượng Ukraine sử dụng vũ khí chiếm được từ quân Nga đã bắn vào các mục tiêu của Nga gần thành phố Bakhmut trọng yếu ở miền Đông ngày thứ Sáu (4/11/2022), trong khi giao tranh kéo dài trong một khu vực mà Mạc Tư Khoa đang cố gắng chiếm giữ, thông tấn xã Reuters cho biết.
Các lực lượng Nga đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào Bakhmut và Avdiivka gần đó trong vùng Donetsk nhưng đang bị đẩy lùi với điều mà Kyiv nói là tổn thất nặng nề.
Thông tấn xã Reuters cho biết các nhà báo của họ nhìn thấy một chiếc xe tăng T-80 của Nga bị thu giữ và một khẩu súng cối tự hành 2S23 Nona SVK, hiện do các đội ngũ Ukraine điều khiển, bắn vào các mục tiêu bên ngoài Bakhmut.
Quân đội Ukraine cho biết cả hai vũ khí này chiếm được vào tháng Ba và mất nhiều tháng để tái trang bị.
Bakhmut là một mục tiêu quan trọng của các lực lượng vũ trang Nga trong cuộc tiến công chậm chạp qua vùng Donetsk kể từ khi Nga chiếm các thành phố công nghiệp Lysychansk và Sievierodonetsk vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết công ty quân sự tư nhân Wagner Group “có phần chắc vẫn” tham gia nhiều vào giao tranh ở Bakhmut. Wagner, với nhân viên là các cựu chiến binh lực lượng vũ trang Nga, được thành lập vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và bắt đầu yểm trợ những người ly khai thân Nga.
Mỹ Tài Trợ Cho Việc Hiện Đại Hóa Xe Tăng và Phi Đạn Phòng Không Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 4/11/2022, Ngũ Giác Đài thông báo Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho việc hiện đại hóa các xe tăng T-72 và các phi đạn địa-đối-không HAWK trong khuôn khổ một khoản viện trợ quân sự mới khoảng 400 triệu Mỹ kim cho Ukraine.
Sau đó Tòa Bạch Ốc thông báo là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, ông Jack Sullivan đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hôm qua để thông báo cho ông khoản viện trợ nói trên.
Các phi đạn phòng không cũng như xe thiết giáp vẫn là những thiết bị quân sự mà Ukraine cần nhất khi xin viện trợ của Mỹ và các nước phương Tây khác.
Theo một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ sẽ tài trợ cho việc hiện đại hóa 45 xe tăng T-72, được chế tạo từ thời Liên Xô và nay không còn hiệu quả bằng các xe tăng hiện đại, như Leopard của Đức hay M1 Abrams của Mỹ. Hòa Lan cũng đã đưa ra cam kết tương tự, nâng tổng số xe tăng T-72 được hiện đại hóa là 90 chiếc.
Khi được hỏi vì sao Hoa Thịnh Ðốn không cấp cho Kyiv các xe tăng hiện đại, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài giải thích đó là vì xe tăng mới giá rất đắt và phải cần thời gian huấn luyện sử dụng, trong khi T-72 là những xe tăng mà quân Ukraine đã sử dụng thành thạo trên chiến trường.
Viện trợ quân sự mới của Mỹ cũng bao gồm việc tài trợ cho việc hiện đại hóa các phi đạn HAWK lấy từ kho dự trữ quân sự của Mỹ. Loại phi đạn đã giúp quân Ukraine rất nhiều trong việc chống trả các cuộc tấn công bằng drone và các vụ oanh kích bằng phi đạn của Nga.
Theo hãng tin AFP, ngoài viện trợ quân sự mới, Hoa Kỳ cũng đang nghiên cứu các phương tiện để giúp Ukraine tu sửa các cơ sở hạ tầng cấp điện và cấp nước, bị Nga oanh kích liên tục trong những tuần qua.
Tập Đoàn “Lính Đánh Thuê” Wagner Lộ Diện, Mở Trụ Sở Chính ở Nga
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Tập đoàn bán quân sự Wagner đã khai trương trụ sở đầu tiên tại Nga hôm 4/11/2022.
Vào tháng 9/2022, lãnh đạo Wagner đã xác nhận thành lập tập đoàn bán quân sự vốn hoạt động bí mật từ nhiều năm qua. Wagner bị tình nghi đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tham vọng quân sự của Ðiện Cẩm Linh bên ngoài lãnh thổ Nga, bao gồm cả ở Ukraine.
Trụ sở của Wagner là một tòa nhà khổng lồ làm bằng kính và kim loại, có nhiều tầng, nằm ở vùng ngoại ô Saint-Pétersbourg. Tòa nhà trông giống như một trung tâm thương mại rất hiện đại, nhưng trên cánh cửa lại ghi tên Wagner, bằng chữ lớn màu trắng. Như vậy là tập đoàn bán quân sự Nga, hiện diện ở Phi Châu, Trung Đông và dĩ nhiên là cả ở Ukraine, kể từ nay có trụ sở chính thức.
Sau nhiều năm hoạt động ngầm, dường như chiến tranh Ukraine đã thay đổi số phận của Wagner: Vào tháng Chín vừa qua, doanh nhân Yevguéni Prigojine đã công nhận thành lập tập đoàn lính đánh thuê và kể từ đó không ngừng đưa ra lập trường về cuộc xung đột cũng như cách thức tiến hành cuộc chiến Ukraine.
Trung tâm Wagner là trụ sở hành chính, nhưng theo tuyên bố của chủ tập đoàn trong thông báo khai trương, thì đây cũng là nơi đặt văn phòng của các “công ty khởi nghiệp yêu nước”. “Nhiệm vụ của Trung tâm sẽ nhằm cải thiện khả năng quốc phòng của Nga”. Theo hãng tin AFP, nhiều người mặc quân phục hiện diện trong các hành lang của tòa nhà, nơi tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu các loại drone.
Tuần trước, người sáng lập Wagner tuyên bố “dự kiến mở các chi nhánh mới ở Nga, nếu thử nghiệm thành công”.
Chính Quyền Kherson Do Nga Dựng Lên Nói Thành Phố Bị Mất Điện Nước Sau ‘Vụ Phá Hoại’
(Hình: Người dân rời khỏi Kherson, đợi tại ga tàu ở Crimea để được đưa đi sâu hơn vào trong nước Nga, 21/10/2022.)
KHERSON (VOA/Reuters) - Hôm Chủ Nhật (6/11/2022), chính quyền do Nga dựng lên ở vùng Kherson của Ukraine cho biết rằng một số khu dân cư, bao gồm cả thành phố Kherson, đã bị mất điện và nước sau một hành động “phá hoại”, theo cách dùng từ của họ.
Trong một tuyên bố trên Telegram, chính quyền Kherson do Nga dựng lên nói rằng nguồn cung cấp điện và nước “tạm thời không có” sau “một cuộc tấn công khủng bố”, theo cách nói của họ, làm hư hỏng 3 đường dây điện trong khu vực.
Chính quyền nói rằng cuộc tấn công do Ukraine tổ chức, mặc dù họ không cung cấp bằng chứng. Thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng ngay các lời tường thuật của cả hai bên về diễn biến trên chiến trường.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trích dẫn các dịch vụ ứng phó khẩn cấp trong khu vực cho biết 10 khu dân cư, bao gồm cả thành phố Kherson, nơi có dân số 280.000 người trước chiến tranh, đã không có điện.
Các viên chức Nga trong những tuần gần đây đã liên tục cảnh báo dân thường hãy rời khỏi Kherson, trong bối cảnh họ chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào thành phố, theo lời họ. Kherson là thủ phủ cấp khu vực duy nhất mà Nga chiếm được kể từ khi điều hàng chục ngàn quân tiến vào Ukraine hôm 24/2.
Báo Chí Nga: Pháo Kích Gây Hư Hại Đập Nova Kakhovka của Ukraine Hiện Bị Nga Kiểm Soát
- Đập Nova Kakhovka của Ukraine nhưng hiện bị Nga kiểm soát vừa bị hư hại sau cuộc pháo kích của lực lượng Ukraine, các hãng thông tấn Nga đưa tin hôm Chủ Nhật (6/11/2022), dẫn lại thông tin của các dịch vụ ứng phó khẩn cấp.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời một đại diện của cơ quan ứng phó khẩn cấp cho biết một trái rocket bắn bằng hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất đã đánh trúng vào một cửa của con đập và gây hư hỏng. Viên chức được trích dẫn nói rằng đây là một “nỗ lực nhằm dẫn đến một thảm họa nhân đạo” bằng cách làm vỡ đập.
Các bản tin không cung cấp bằng chứng để củng cố cho lời cáo buộc nêu trên, và thông tấn xã Reuters cũng không thể kiểm chứng được ngay.
Đập Nova Kakhovka có quy mô rất lớn ngăn dòng sông Dnipro ở thượng nguồn Kherson, nơi các lực lượng Ukraine đang tiến quân. Con đập trở nên có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong những tuần gần đây.
Kể từ tháng 10, cả Nga lẫn Ukraine đều liên tục cáo buộc nhau là phía bên kia có mưu đồ sử dụng chất nổ để phá đập, trong một động thái có thể gây ngập lụt phần lớn khu vực hạ lưu, có khả năng gây ra tàn phá lớn xung quanh thành phố Kherson.
Ít Nhất 13 Người Thiệt Mạng Trong Vụ Cháy Hộp Đêm ở Nga
(Hình: Nhân viên cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy tại một quán cà-phê ở Kostroma, Nga, ngày 5/11/2022. Ảnh do Bộ Tình trạng Khẩn cấp của Nga ở vùng Kostroma cung cấp.)
- Ít nhất 13 người chết sau khi đám cháy bùng lên tại một hộp đêm đông đúc ở thành phố Kostroma của Nga, các viên chức cho biết ngày thứ Bảy (5/11/2022).
Kostroma là thành phố với khoảng 270.000 dân, cách Mạc Tư Khoa 300 cây số về phía Đông-Bắc bên bờ sông Volga.
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào sáng sớm tại Polygon, một địa điểm giải trí đa năng vừa là quán cà phê, hộp đêm và quán bar. Lực lượng cấp cứu cho biết 250 người đã được di tản khỏi tòa nhà.
Truyền thông nhà nước dẫn lời các nhà điều tra cho biết hỏa hoạn bùng lên sau khi một người đàn ông dùng súng bắn pháo sáng trong nhà khiến trần nhà bốc cháy. Bộ Nội vụ cho biết hiện cảnh sát đã câu lưu người đàn ông có liên quan đến sự việc.
Hầu hết những người thiệt mạng trong vụ cháy được tìm thấy trong phòng hút thuốc, phòng tiện ích và gần nhà vệ sinh, hãng thông tấn TASS đưa tin, dẫn nguồn từ cơ quan ứng phó khẩn cấp.
“Hậu quả của vụ cháy là 13 người chết; số người chết và bị thương đang được làm rõ”, Ủy ban Điều tra cho biết trong một thông cáo.
Bộ tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết gần đây họ đã không thực hiện kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở này do được xếp vào diện cơ sở kinh doanh nhỏ.
Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất năm vụ cháy nhà hàng khác, trong đó hai vụ dẫn đến tử vong, theo thông tấn xã Reuters.
Đối Lập Nga Tại Ba Lan Bàn Về “Thời Hậu Putin”
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay một số người thuộc phe đối lập Nga tại Ba Lan đã họp lại với nhau kể từ hôm 5/11/2022 tại một thành phố vùng ngoại ô thủ đô Ba Lan, để thảo luận về khả năng mở ra một con đường Dân chủ cho nước Nga sau khi Vladimir Putin sụp đổ, một điều hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.
Theo thông tín viên RFI Martin Chabal tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, những thành viên phe đối lập Nga muốn đặt viên đá đầu tiên cho một chính phủ chuyển tiếp, và muốn chứng tỏ rằng phe đối lập vẫn tồn tại:
“Tập trung tại một khách sạn ở ngoại ô Warsaw, phe đối lập với Vladimir Putin muốn đặt mình trong tư thế sẵn sàng.
Ilya Ponomarev là một cựu Dân biểu Hạ viện Nga. Ông từng phản đối việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, và hiện là một trong những người tổ chức cuộc họp tại Ba Lan. Theo ông: “Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập một Quốc hội chuyển tiếp, một cơ chế sẽ được thành lập một ngày sau khi thay đổi quyền lực ở Nga”.
Cuộc họp tại Ba Lan sẽ không có tác động trực tiếp nào đến xã hội Nga, nhưng theo nhà chính trị học Olivier Védrine, thân cận với phe đối lập Nga và đã đến quan sát các cuộc tranh luận, cuộc họp đánh dấu một thời khắc lịch sử đối với phe đối lập Nga.
Nhà quan sát này ghi nhận: “Đối với tôi, phải đưa ra một giải pháp thay thế, một hy vọng, cho một hệ thống đang đi vào bế tắc. Và để tránh hỗn loạn, tổ chức này phải có mặt để kết hợp mọi người vào tiến trình chuyển đổi”.
Việc chọn Warsaw để tổ chức một cuộc họp như vậy cũng mang tính biểu tượng. Theo bà Liudmyla Buimister, Nghị sĩ Ukraine được mời đến dự họp nhằm thể hiện sự ủng hộ người dân Ukraine, Ba Lan đã một lần nữa thể hiện thái độ tận tâm đối với nước láng giềng.
“Một trang sử mới đang được viết ra hôm nay, nhưng chính Ba Lan nước hiểu rõ nhất mối đe dọa của chế độ Putin, và rất tốt khi Ba Lan ủng hộ sáng kiến kiểu này”.
Về phần mình, Warsaw muốn khẳng định mình là một đồng minh tương lai không thể chê trách của một chính phủ đang chờ thời, bên ngoài lãnh thổ Nga”.
Bắc Hàn Bắn 4 Phi Đạn-Đạn Đạo Khi Hoa Kỳ và Nam Hàn Kết Thúc Cuộc Tập Trận
(Hình REUTERS.)
- Bắc Hàn bắn 4 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Tây ngày thứ Bảy (5/11/2022), quân đội Nam Hàn cho biết, khi Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn kết thúc cuộc tập trận quân sự kéo dài 6 ngày.
Bắc Hàn đã phóng một loạt phi đạn trong tuần này, bao gồm một phi đạn-đạn đạo xuyên lục địa có thể đã thất bại, khiến Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản lên án, đồng thời khơi lên những suy đoán rằng nước này có thể chuẩn bị tiếp tục thử vũ khí nguyên tử lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Các phi đạn bay khoảng 130 cây số, đạt độ cao khoảng 20 cây số, Hán Thành cho biết.
Các vụ phóng ngày thứ Bảy trong khoảng thời gian từ 11 giờ 31 phút đến 11 giờ 59 phút sáng diễn ra khi Mỹ và Nam Hàn kết thúc cuộc tập trận “Vigilant Storm” mà họ khởi động vào ngày thứ Hai.
Cuộc tập trận của hai nước đồng minh có sự tham gia của khoảng 240 máy bay quân sự và hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ, cũng như 4 máy bay chiến đấu F-16 và 4 máy bay F-35A, theo Hội đồng Tham mưu của Nam Hàn.
Đây là lần đầu tiên B-1B được khai triển trong các cuộc tập trận giữa Mỹ và Nam Hàn kể từ năm 2017, cho thấy “các năng lực phòng thủ hỗn hợp và quyết tâm của Nam Hàn và Mỹ kiên quyết đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Bắc Hàn, và ý chí của Hoa Kỳ thực thi cam kết mạnh mẽ đối với việc răn đe mở rộng”, hội đồng tham mưu cho biết trong một tuyên bố.
Bình Nhưỡng ngày thứ Sáu đòi Mỹ và Nam Hàn ngừng các cuộc tập trận Không quân “khiêu khích”. Nam Hàn nói họ đã điều máy bay chiến đấu để đáp trả 180 chuyến bay quân sự của Bắc Hàn gần biên giới chung của hai nước ngày thứ Sáu.
Hôm thứ Tư, Bắc Hàn bắn một số lượng kỷ lục 23 phi đạn trong một ngày, trong đó một phi đạn lần đầu tiên rơi xuống ngoài khơi bờ biển Nam Hàn, sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ có các biện pháp mạnh mẽ trừ phi Hoa Thịnh Ðốn ngừng các cuộc tập trận Không quân với Nam Hàn.
Hoa Kỳ Khai Triển Oanh Tạc Cơ Siêu Âm B-1B Đến Nam Hàn
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay theo thông báo của quân đội Nam Hàn, chiều ngày 5/11/2022, hai oanh tạc cơ siêu âm hạng nặng B-1B của Mỹ tham gia cuộc tập trận chung trên không với Nam Hàn. Bắt đầu từ ngày 31/10, đây là cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn trên không có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
B-1B ban đầu được chế tạo để mang vũ khí nguyên tử, nhưng kể từ giữa thập niên 1990 chỉ còn được sử dụng cho các nhiệm vụ tác chiến mang tính quy ước, theo thông tin của Boeing, hãng chế tạo loại máy bay này. Theo Không quân Mỹ, B-1B có thể mang theo đến 33 tấn phi đạn hoặc bom điều hướng bằng laser. Loại oanh tạc cơ siêu âm này có thể được tiếp nhiên liệu trên không, cho nên có thể tấn công vào bất cứ nơi nào trên thế giới.
Ngay sau khi có tin oanh tạc cơ B-1B của Mỹ tham gia tập trận ở Nam Hàn, hôm nay Bắc Hàn đã bắn thêm 4 phi đạn-đạn đạo vào vùng Hoàng Hải, cũng theo thông báo của quân đội Nam Hàn. Từ Hán Thành, thông tín viên Trần Công của Đài RFI tường trình:
Hôm nay là ngày cuối cùng cuộc tập trận “Bão táp Cảnh giác” của liên minh Mỹ Hàn. Để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Hàn, Mỹ đã điều máy bay ném bom chiến lược B-1B tới Nam Hàn để tham gia diễn tập. Máy bay B-1B sẽ tham gia thao dượt cùng với 4 chiếc F-35A của Nam Hàn và 4 chiếc F-16 của Mỹ.
Máy bay B-1B được khai triển từ căn cứ Không quân Anderson tại đảo Guam trên Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ vận chuyển tới 4 chiếc B-1B từ tháng Ba năm 2022.
Việc điều máy bay B-1B tới Nam Hàn chứng tỏ rằng liên minh Mỹ-Hàn đánh giá tình hình hiện nay là rất nghiêm trọng, tương tự như trước vụ thử nguyên tử lần thứ 6 của Bắc Hàn. Hiện tại, quá trình chuẩn bị cho vụ thử nguyên tử lần thứ 7 của Bắc Hàn đã hoàn tất và chỉ còn chờ lệnh của Kim Jong Un.
Phía Bình Nhưỡng cũng đã huy động tất cả các phương tiện truyền thông, tuyên truyền để chỉ trích việc liên minh Mỹ- Hàn kéo dài tập trận trên không. Bình Nhưỡng đã phát đi thông điệp rằng “Mỹ và con rối của họ (ám chỉ chính quyền Hán Thành) đã thể hiện mong muốn chiến tranh chống lại Bắc Hàn bằng cách kéo dài cuộc tập trận trên không với lý do tự vệ”.
Ngay sau đó, Bắc Hàn đã phóng 4 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Tongrim về vùng biển Hoàng Hải. Theo quan sát, Bắc Hàn đã phóng phi đạn từ hướng Bắc về hướng Tây chứ không phải về hướng Đông như thường lệ. Quân đội Nam Hàn đang đánh giá tình hình và phân tích ý đồ của Bình Nhưỡng.
Bắc Hàn: Mỹ Chỉ Trích Nga và Trung Quốc Tại Hội Đồng Bảo An
- Ngày 5/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Hoa Kỳ lên án các vụ bắn phi đạn liên tục của Bắc Hàn đang biến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thành “trò cười”, với sự đồng lõa của Nga và Trung Quốc.
Trong một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm 4/11, Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhắc lại, tính đến hôm 4/11, trong năm nay, Bắc Hàn đã bắn tổng cộng 59 phi đạn-đạn đạo, trong đó có một phi đạn rơi xuống một nơi cách bờ biển Nam Hàn chỉ khoảng 50 cây số. Bà Thomas-Greenfield còn lưu ý là 13 trong số 18 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã lên án các hành động của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm nay.
Đại sứ Mỹ đã cáo buộc (không nêu đích danh) Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, “hai thành viên của Hội Đồng đang bảo trợ cho cho Bắc Hàn” và “biện minh cho những vi phạm liên tục của Bình Nhưỡng và để cho Bắc Hàn có thể biến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thành trò cười”.
Theo hãng tin Reuters, Ðại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) đã phản bác rằng các vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn là trực tiếp liên quan đến các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn quy mô lớn với sự tham gia của hàng trăm chiến đấu cơ. Về phần phó Ðại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Anna Evtigneeva, bà cho rằng tình hình bán đảo Bắc Hàn trở nên rất căng thẳng là do Hoa Thịnh Ðốn “vẫn muốn buộc Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ vũ khí bằng cách sử dụng các trừng phạt và gây áp lực cũng như dùng vũ lực”.
Ngay trước khi diễn ra cuộc họp hôm qua của Hội Đồng Bảo An, qua lời phát ngôn viên của ông, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã yêu cầu Bắc Hàn “ngưng ngay tức mọi hành động khiêu khích và tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ được quy định trong các Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An”.
Việt Nam Siết Chặt Các Quy Định Về Chống “Tin Giả” Trên Mạng Xã Hội!
- Hôm 4/11/2022, chính phủ Hà Nội cho biết đã siết chặt các quy định về chống “tin giả” trên các mạng xã hội
Theo hãng tin Reuters và báo chí trong nước, trước Quốc hội hôm 4/11, Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã thắt chặt các quy định giải quyết nội dung “sai sự thật” trên các mạng xã hội, buộc phải gỡ xuống các nội dung này trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thay vì 48 tiếng đồng hồ như trước đây.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố sẽ đề nghị chính phủ nâng mức xử phạt lên cao hơn nhằm tăng mức “răn đe” những người đăng tải và phát tán “tin giả”. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, mức phạt hiện tại ở Việt Nam đối với hành vi đăng tải và phát tán “tin giả” tuy đã được tăng lên, nhưng hiện vẫn “chỉ bằng 1/10 mức phạt của các nước Đông Nam Á”.
Theo nhận định của Reuters, những quy định mới nói trên càng cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát mạng xã hội chặt chẽ nhất thế giới, đồng thời sẽ củng cố khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam trấn áp các hoạt động bị xem là “chống nhà nước”.
Hãng tin Reuters trước đó cũng đã loan tin về kế hoạch của chính phủ đưa ra các quy định mới, theo đó các thông tin bị xem là “nhạy cảm” phải được gỡ xuống trong vòng 3 tiếng đồng hồ.
Cũng theo thông tấn xã Reuters, chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị các quy định để hạn chế các tài khoản mạng xã hội có thể đăng nội dung liên quan đến tin tức.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã thắt chặt các quy định về Internet, đặc biệt là với Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được ban hành vào tháng Sáu năm 2021.
Viện Kiểm Sát Kháng Nghị, Phản Đối Cách Tính Thiệt Hại Trong Vụ Ông Tất Thành Cang “Bán Rẻ Đất Công”
(Hình: Ông Tất Thành Cang (áo xanh giữa) và các bị cáo tại phiên tòa ở Tp. hôm 19/10/2022.)
- Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tp. HCM kháng nghị vụ án ông Tất Thành Cang liên quan công ty Quốc Cường Gia Lai, cho rằng Tòa Sơ thẩm tính không đúng thiệt hại.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 4/11/2022 dựa theo nội dung quyết định kháng nghị Phúc thẩm của Viện Kiểm sát Tp. HCM.
Theo đó, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Tp. HCM xét xử Phúc thẩm, sửa một phần bản án của Tòa án Nhân dân Tp. HCM tuyên ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành ủy Tp. HCM; Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) và tám đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, liên quan việc bán rẻ dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) và Khu dân cư Ven Sông (quận 7).
Viện Kiểm sát cho rằng, bản án Sơ thẩm xác định Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hai dự án trên cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là trái quy định. Hội đồng Xét xử cũng xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thiệt hại thực tế cho Nhà nước, tính tới ngày khởi tố vụ án chưa được khắc phục là 283 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc tòa xác định thời điểm tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi hành vi phạm tội xảy ra là không có căn cứ.
Hôm 19/10, Tòa án Nhân dân Tp. HCM xử Sơ thẩm, tuyên án 6 năm tù đối với cựu Phó Bí thư thành uỷ Tp. HCM Tất Thành Cang. Nếu tính cả bản án trước đó, ông Cang phải nhận tổng cộng là 14 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, ông Cang cũng phải bồi thường cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Trong vụ án này, ông Cang bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt này thấp hơn mức án Viện Kiểm sát đề trước đó là 8 đến 10 năm tù.
Thiệt hại thực tế trong vụ án, Hội đồng Xét xử xác định là 283 tỉ đồng, do một phần dự án Khu dân cư Ven Sông bán cho Quốc Cường Gia Lai đã được xây dựng bàn giao cho người dân không có khả năng thu hồi. Tòa tuyên giao dự án này cho Uỷ ban Nhân dân Tp. HCM xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng đề nghị Ủy ban Nhân dân bảo đảm quyền lợi của các cư dân, doanh nghiệp, tổ chức liên quan.
Việt Nam-Trung Quốc Tiến Hành Tuần Tra Chung ở Vịnh Bắc Bộ Lần Thứ Hai Trong Năm 2022
(Hình Hải quân: Biên đội tàu Cảnh sát Biển lên đường tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ.)
HẢI PHÒNG (RFA) - Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc vừa bắt đầu cuộc tuần tra chung trong vùng nước tiếp giáp đường phân định ở Vịnh Bắc Bộ lần thứ hai trong năm nay vào ngày 3/11/2022 vừa qua.
Các cuộc tuần tra chung giữa hai nước ở Vịnh Bắc Bộ được xem là một trong các biện pháp nhằm gia tăng hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp trên biển của hai quốc gia ở Vịnh Bắc Bộ.
Đại tá Lương Cao Khải, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1, được Báo Nhà nước trích phát biểu tại buổi lễ bắt đầu cuộc tuần tra chung rằng, hoạt động này góp phần tăng cường hữu nghị truyền thống giữa hai nước và xây dựng vùng Vịnh Bắc Bộ thành vùng nước hòa binh và ổn định, tuân thủ luật pháp.
Theo trang tin Hải quân của Việt Nam, tham gia tuần tra lần này, phía Việt Nam có hai tàu Cảnh sát Biển 8004 và 8003 xuất phát từ cảng Hải Phòng.
Cuộc tuần tra chung lần này sẽ kéo dài đến ngày 6/11, phạm vi tuần tra trải dài trên 13 điểm với quãng đường là khoảng 255 hải lý, từ Đông-Nam đảo Trần 13 hải lý đến Đông-Bắc đảo Cồn Cỏ 48 hải lý trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ.
Lực lượng Cảnh sát Biển hai nước sẽ tiến hành các nội dung như: Điện đàm trao đổi; kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân khai thác thủy hải sản trong vùng biển lân cận đường phân định, tuyên truyền về quy chế hoạt động, ứng xử và tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân, luyện tập phương án tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Đây là lần thứ năm hoạt động tuần tra trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc được tổ chức sau khi Hiệp định Hợp tác Nghề cá giữa hai nước hết hiệu lực từ ngày 30/6/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét