CổngTrại FortIndiantownGap.https://en.wikipedia.org/wiki/Fort_Indiantown_Gap.\
Tác giả đã làm việc mục vụ gần 6 tháng tại một trong 4 trại tạm cư là Fort Indiantown Gap, Pennsylvania. Đã định viết bài này trước đây nhưng vì để thất lạc tư liệu ghi chép về những sự kiện, con số và hình ảnh trong trại nên đành bỏ cuộc. Hồi đó chưa có Internet nên cũng không tìm được tài liệu để viết. Vào dịp kỉ niệm 40 năm mở trại tiếp cư cho người tị nạn Việt Nam, một số người vừa Mĩ và Việt tìm về thăm trại thì thấy có những bài viết trên Internet về trại – nhưng cũng giới hạn và phiến diện, chỉ thích hợp phần nào cho nội dung của bài viết. (kể cả sai lầm khi viết cá chữ i ngắn và y dài)
Nay đã 47 năm, quãng nửa đời người. Trí nhớ đã cùn. Tuy nhiên cũng cố gắng lặn ra trong kí ức và dựa vào Internet để ghi lại nếp sống trong trại, có thể giúp những người đã sống trong trại nhớ lại phần nào những kỉ niệm buồn vui trước đây với lòng biết ơn đối với nhân dân và chính phủ Hoa Kì đã giúp đỡ, và cũng để chia sẻ với độc giả, không được chứng kiến bằng tai, mắt và tâm tình nếp sống ở trại..
Gần trước những ngày tháng Miền Nam Việt Nam thất thủ, Chính Phủ Mĩ dưới thời Tổng Thống Gerald Ford, theo chương trình ‘Operation New Life and Babylift’,chủ trương đưa 130 ngàn nhân viên chính phủ và sĩ quan của “Bên thua cuộc” với gia đình sang Hoa Kì. Tuy nhiên khi người tị nạn Việt Nam tràn vào Toà Đại Sứ Mĩ, leo lên nóc nhà, cố bám vào càng trực thăng; những người khác chạy ra bến tầu, leo lên tầu Mĩ; những phi công VN xin đáp xuống Tàu Hải Quân Mĩ đậu ngoài khơi Việt Nam. Rồi những tàu buôn quốc tế đón những thuyền nhân VN đưa đến những trại tị nạn ở Đảo Guam, Đảo Wake, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, thì con số người tị nạn Việt Nam nhập cư vào Mĩ đã tăng lên gấp bội.
Ban đầu để tiếp nhận người tị nạn Việt Nam, Chính phủ Mĩ cho lập 4 trại tạm cư (Resettlement centers) để đưa họ đến chờ đợi và làm thủ tục được bảo lãnh xuất trại đến những bang khác nhau, thay vì tập trung họ lại ở những trại định cư cố định.
Trong thời gian chờ đợi ở 4 trại tạm cư, người tị nạn được ăn uống ngày 3 bữa, được khám sức khoẻ, được cấp thẻ an ninh xã hội, được học hỏi Anh ngữ, lịch sử và văn hoá Mĩ và tham gia những chương trình giải trí như tập thể dục, coi xi nê chẳng hạn. Họ cũng có giờ thờ phượng và học hỏi về tôn giáo nếu có những vị lãnh đạo tinh thần như linh mục, mục sư hoặc đại đức. Người viết chỉ nhớ và biết có linh mục Trần Văn Kiệm phục vụ nhu cầu thiêng liêng cho người tị nạn tại Eglin Air Force Base; Linh Mục Trần Công Nghị, Linh mục Phạm Văn Tuệ, Linh mục Trần Cao Tường phục vụ tại Fort Chaffee; Linh mục Hoàng Văn Tự, Linh Mục Phạm Văn Phương và Linh Mục Trần Bình Trọng phục vụ tại Fort Indiantown Gap. Dĩ nhiên phải có các linh mục tị nạn cùng phục vụ nữa, nhất là tại trại Pendleton. Còn bên Phật Giáo thì tác giả chỉ biết có Đại Đức Thích Giác Đức phục vụ tại Fort Indiantown Gap cho đồng bào Phật Giáo.
Tại mỗi trại tạm cư, cá nhân hoặc những cơ quan thiện nguyện muốn bảo lãnh người tị nạn thì gọi điện thoại đến, hoặc đích thân đến trại tìm kiếm những gia đình người tị nạn mà người bảo lãnh muốn bảo trợ như gia đình có bao nhiêu người, trình độ học vấn và nghề nghiệp. Những cơ quan thiện nguyện trong trại cũng liên lạc với cá nhân hay tổ chức muốn bảo lãnh để đưa người tị nạn ra khỏi trại. Người tị nạn cũng có thể liên lạc với người Mĩ đã quen biết để xin được bảo lãnh, hoặc xin đến bang mà họ muốn tuỳ theo thời tiết.
Người bảo lãnh có thể là cá nhân, gia đình, tổ chức tôn giáo, hoặc tổ chức dân sự nào đó. Việc của người bảo lãnh là tìm nhà ở và việc làm cho người tị nạn, đưa họ đi khai báo giấy tờ, cũng như trường học cho trẻ em. Người bảo lãnh còn đưa họ đi chợ mua đồ ăn thức uống, mua sắm quần áo, chở đi nhà thờ, đi nhà thương, đi thi bằng lái xe và nhiều việc lặt vặt khác. Nghe nói khi có cá nhân hay tổ chức bảo lãnh cho quần áo ‘cũ’ – mà còn trong tình trạng xử dụng tốt – người tị nạn cũng rất kén chọn. Mỗi người tị nạn được chính phủ giúp 500 mĩ kim, gửi cho người bảo lãnh để giúp người tị nạn.
1./ Trại Pendleton, California
Gate of Marine Corp Base Camp Pendleton – Internet Image.
Căn cứ Marine Corps Base Camp Pendleton phía Bắc San Diego và phía Nam Los Angeles được thiết lập năm 1942 để huấn luyện thủy quân lục chiến Hoa Kì phục vụ Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Vào cuối Tháng Tư, 1975, với ba ngày để chuẩn bị, hơn 1.000 lính thủy quân lục chiến và dân sự được lệnh làm việc suốt ngày đêm để dựng một trại lều cho người tị nạn [1]. Trại được mở cửa 29 Tháng Tư, 1975. Trong khoảng 6 tháng ở trại tạm cư tới khi trại đóng của vào Tháng 10, 1975, có trêm 50 ngàn người tị nạn đã đến tạm trú tại đây để đợi được bảo lãnh.
Tại đây, nữ tài tử Hollywood là Tippi Hedren đã làm một việc từ thiện bằng cách đưa chính thợ làm móng tay cho bà là Dusty Coots ở Beverly Hills đến mở lớp dạy 20 người tị nạn Việt Nam làm móng tay và giúp họ được bảo lãnh và tìm việc làm móng tay cho họ. Họ thường là phu nhân của những sĩ quan Việt Nam Công Hòà, có bằng làm móng tay đầu tiên tại Mĩ vì trước đó người có bằng làm móng tay phối hợp với cả bằng làm tóc nữa.
Tippi Hedren giúp tạo nghề móng tay cho người tị nạn (Interent Image) // Lớp có bằng làm móng tay đầu tiên toàn người Việt (Internet Image)
Từ lớp làm móng tay đầu tiên mà ngày nay dịch vụ làm móng tay móng chân đã thu được cả 8 tỉ mĩ kim hàng năm [2]. Theo báo ‘Nails’, tại California có tới 80 phần trăm thợ làm móng là người Việt Nam. Ngày nay nghề làm móng tay móng chân thịnh hành khắp mọi tiểu bang và thành phố và cả phố nhỏ Mĩ, đa số do chủ và thợ VN làm bá chủ. Giá căn bản làm móng tay bây giờ là 30 đến 40 mĩ kim một bộ, được chia cho thợ 6 phần, còn chủ lấy 4 phần. Nếu thêm những dịch vụ phụ về móng tay, móng chân thì giá cả còn tăng. Ngoài ra phải kể đến tiền thưởng nữa. Nghe nói có gia đình trẻ Việt Nam kia có lúc làm chủ 8 tiệm làm móng ở Virginia. Làm móng tay móng chân không cần biết nhiều tiếng Anh, chỉ cần biết một số từ ngữ nhất định để giao dịch với khách hàng, nên không cần học nhiều, mà lại thu tiền lẹ và dễ dàng..
2./ Trại Fort Chaffee, Arkansas
Gate of Fort Chaffee – Internet Image.
Trại được xây năm 1941cho những dịch vụ huấn luyện quân sự; gần đây là trại huấn luyện vệ binh Arkansas.
Trại tạm cư thứ hai được thiết lập tại Fort Chaffee, Arkansas.
Trại được mở cửa 2 Tháng 5, 1975 khi chuyến bay thứ nhất chở 70 người tị nạn tới. Vào ngày đóng cửa trại 20 Tháng 12, có 50.809 người tị nạn đã được bảo lãnh ra khỏi trại.
Riêng Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kì đã tìm bảo lãnh cho 20 ngàn người [3].
Newspaper published at Fort Chaffee, featuring President Gerald Ford welcoming Vietnamese refugees 1975. Courtesy of the Pebley Historical and Cultural Center Collection // Cảnh lấy thức ăn (Internet Image)
Đang đợi gì đây: Alamy.com (Image ID: p3YD2H) // Một đám tang tại Fort Chaffee (Internet Image)
3./ Trại Eglin Air Force Base, Florida
East Gate Eglin Air Force Base – Interent Image.
Trại được mở cửa 4 Tháng 5, 1975 để tiếp nhận người tị nạn.
Trên 500 lều (tents) được dựng trong vòng bốn năm ngày.
Trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Eglin cuối cùng tiếp nhận và xử lí hơn 10.000 người tị nạn (mười ngàn) Đông Nam Á, cho đến khi buộc phải đóng cửa do cơn bão Eloise, đổ bộ gần Destin vào tháng 9 năm 1975. [4].
Thời trang hồi đó tại Miền Nam là bận quần ống voi cho cả thanh thiếu niên nam và nữ, bé theo sau cũng bận quần ống voi (Hình Internet) // Cảnh chơi Volley Ball (Hình Interent)
4./ Trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania.
Nhà Barrack ở Fort Indiantown Gap. Internet Image. Được thiết lập năm 1931, Trại Fort Indiantown Gap lần đầu tiên được Vệ Binh Quốc Gia sử dụng năm 1933 để huấn luyện diễn tập và hoàn thành vào năm 1940 [5].
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, trong thời Chiến Tranh Việt Nam, Fort Indiantown Gap là một trong những trại hè lớn nhất của Quân Đoàn Huấn Luyện Sĩ Quan Dự Bị (ROTC) cho Quân Đội Hoa Kì. [6].
Trại được mở cửa 28 Tháng 5, 1975 để đón nhận người tị nạn Việt Nam. Trong khoảng tám tháng mở cửa, hơn 32.000 người tị nạn (32 mươi hai ngàn) Việt Nam và Cam Bốt đã được tái định cư qua trại này [7].
Chỗ ở tại Trại Fort Indiantown Gap
Trẻ chơi giởn với lính ở trại Fort Indiantown Gap – Internet Image.
Ở Trại này cũng như Trại Fort Chafee, người tị nạn được ở nhà có sẵn gọi là barracks. Nhà có lầu trệt và tầng trên, với giường bằng khung sắt và tủ cá nhân bằng khung sắt thay vì ở lều như tại Trại Pendleton và Eglin Air Force Base. Nhà không có ngăn phòng. Mỗi gia đình tị nạn dùng giây cột vào cột giường để treo vải, chăn, mền ngăn ra cho mỗi gia đình một khoảng. Nhà được sưởi bằng than và có phòng tắm, có nước đôi khi không đủ nóng và nhà vệ sinh đơn giản.
Tâm trạng của người tị nạn tại Fort Indiantown Gap
Qua những câu chuyện hàng ngày, người ta thấy có những sĩ quan – cả thượng sĩ quan, hạ sĩ quan - quân nhân và dân sự tỏ vẻ buồn bã, than trách và nuối tiếc khi một số người gọi lầm là biến cố ‘mất Nước’. Họ còn mất tất cả khi phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, sự nghiệp, gia đình và bạn hữu để ra đi vội vã mà không biết đi về đâu. Có những người còn đau khổ vì phải xa cách hoặc mất mát người thân yêu: cha, mẹ, vợ, chồng, con cái trong trận chiến hoặc trên đường vượt biên. Mất mát nhưng họ cũng cố tạo những giờ phút vui để mà sống. Tâm trạng của họ có thể nói là tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Buồn vì mất mát. Vui vì được cứu sống và được giúp đỡ và được chung sống với người đồng hương cùng cảnh huống trong những ngày tạm trú: vui buồn có nhau. Họ giải khuây bằng những ván bài, ván cờ hay bằng những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, cả chuyện tiếu lâm nữa. Thấy cả mấy nhóm còn đánh chắn và tổ tôm. Người Công Giáo thì tìm đến nhà nguyện đọc kinh, cầu nguyện và dự lễ. Có những thanh niên độc thân sau khi xuất trại thấy buồn, lại tìm cách chuồn về trại để tìm lại niềm vui bằng cách gặp gỡ lại bạn bè và nói chuyện.
Học hỏi và giải trí tại Fort Indiantown Gap
Như đã nói chung ở phần trên, ở đây người tị nạn cũng được học Anh ngữ, học về phong tục tập quán, văn hoá Mĩ, lịch sử và luật pháp thông thường của người dân Mĩ và giải trí như chơi bài, coi phim ảnh.vv.
Về sinh hoạt tôn giáo tại Fort Indiantown Gap
Một trong 4 nhà nguyện trong Trại Gap – Internet Image.
Ba linh mục là Hoàng Văn Tự, Phạm Văn Phương và Trần Bình Trọng kí kết với Bộ Lục Quân Hoa Kì (Department of the Army) để phục vụ nhu cầu tinh thần và đời sống thiêng liêng cho người Công giáo, với sự giúp đỡ của các linh mục tị nạn.
Mỗi linh mục đặc trách một khu. Khu nữa do Linh mục Nguyễn Thanh Long tị nạn được mời đảm trách.
Mỗi khu có nhà nguyện riêng đã được xây cùng với trại.
Mỗi linh mục đảm trách việc mục vụ cho người tị nạn tại một khu với sự giúp đỡ của các linh mục tị nạn.
Dân dự lễ do Khâm Sứ Toà Thánh cử hành ngoài trời (Hình do TB Trọng cung cấp) // Ca đoàn trước cửa nhà nguyện Khu 5 là khu chính của Trại với Linh mục tuyên uý. (Hình do TB Trọng)
Tiệc cho lớp rước lễ lần đầu (Hình do TB Trọng) // Tiệc đám cưới: có 2 bà vấn khăn, một bà nhuộm răng đen (Hình của Chà & Nghiêm)
Thánh lễ được cử hành vào Chúa Nhật và cả ngày thường, có ca đoàn hát lễ. Các lớp giáo lí được tổ chức cho trẻ em Rước Lễ lần đầu và giáo lí cho trẻ em lãnh Bí Tích Thêm Sức do các nữ tu và giáo lí viên tị nạn đảm trách. Ban ngày cá nhân hay nhóm nhỏ có để đến nhà nguyện đọc kinh nữa hoặc đến văn phòng gặp thư kí hay linh mục tuyên uý để hội ý và tìm hướng dẫn. Có một nhà trại hầu hết là dân Công Giáo của mấy xứ đạo ở Vũng Tầu còn tổ chức đọc kinh chung ban tối tại nhà trại. Cũng có những đám cưới được cử hành. Có những bạn trẻ muốn cưới tại đây vì sợ khi xuất trại, mỗi người một nơi, mất cơ hội để liên lạc và gặp gỡ nhau. Người tị nạn cũng có thể mua gia dụng, quần áo và thực phẩm của quân đội trong trại gọi là PX nếu mang theo tiền mĩ kim.
Linh mục Trần Bình Bình Trọng chuyển ngữ bài thuyết giảng của Tổng Giám Mục Jean Jadot, Khâm Sứ Toà Thánh Vatcan tại Mĩ. (Hình do TB Trọng cung cấp).
Khi Khâm sứ Toà Thánh là Tổng Giám mục Jean Jadot đến thăm thì lễ được tổ chức ngoài trời cho tất cả người tị nạn Công Giáo trong trại. Dịp khác Hồng y Terrence Cook, tổng Giám mục Nữu Ước và là Tổng Tuyên Uý Công Giáo của Quân Đội Hoa Kì được mời đến thăm trại và cử hành lễ Thêm Sức. Dịp khác nữa, Giám mục Robert Tracy, Chủ Tịch Tiểu Ban Di Dân và Du Lịch làm liên lạc giữa Hội Đồng Giám Mục Mĩ với giới linh mục và giáo dân tị nạn, cũng đến thăm. Thấy nhiều bà Việt Nam muốn hôn nhẫn của Ngài, Ngài bèn dúi cùi tay có đeo nhẫn vào môi miệng các bà để các bà hôn cho mau lẹ.
Về bên Phật Giáo, có Đại Đức Thích Giác Đức đến phục vụ đời sống tâm linh và tổ chức lễ nghi Phật giáo cho đồng bào Phật Tử. Ban tuyên uý Mĩ của Trại, các linh mục tuyên uý Công Giáo và Phật Giáo người Việt thường họp nhau để phối hợp việc mục vụ và tổ chức ăn uống chung để làm quen.
Người ta cũng thấy có những nhóm tôn giáo vào Trại ngỏ ý muốn bảo lãnh người tị nạn bằng cách hứa hẹn cho tiền hoặc tặng vật nọ kia. Có cả những nhóm đi truyền đạo bằng cách ca hát có khi bằng cả tiếng lạ, rồi giang tay, nhún chân và vỗ tay theo nhịp điệu của bài hát.
Khó tìm kiếm người bảo lãnh cho gia đình đông người tại Fort Indiantown Gap
Việc tìm kiếm người bảo lãnh cho những gia đình đông người là chuyện khó. Ở đây những cá nhân và gia đình ít người thường đuợc bảo lãnh xuất trại sớm hơn. Ở khu 5 trong Trại Fort Indiantown Gap thấy có gia đình muốn được bảo lãnh chung cả 15 người, còn gia đình khác muốn đi với nhau cả 21 người do nhà thờ bảo lãnh. Tìm bảo lãnh cho những dòng tu cả mấy chục người còn khó nữa. Các linh mục và tu sĩ Dòng Đồng Công ở Trại Fort Indiantown Gap và ở Trại Fort Chaffeee được bảo lãnh đến ở tại một nhà dòng tu Mĩ đã bỏ không với nhiều cơ sở trong một khu đất rộng rãi ở Carthage, Missouri vì thiếu ơn gọi tu trì. Được biết lúc đầu qua sự giàn xếp của giám mục sở tại, nhà dòng VN chỉ phải trả một đồng tiền thuê tượng trưng cho nhà dòng Mĩ mỗi năm và cuối cùng có thể mua với giá ủng hộ khi nhà dòng VN làm ra tiền. Mấy nhóm dòng nữ cũng gặp khó khăn trong việc tìm bảo trợ. Tuy nhiên rồi cũng được bảo lãnh khi trại đóng cửa.
Những mẩu chuyện bên lề trong trại Fort Indiantown Gap
Một lần thấy có linh mục để tóc dài đi qua một nhà Trại, người ta nghe thấy một giọng nữ từ cửa sổ mở ở lầu trên, gọi xuống hô lớn: ‘Cô Trọng’. Rồi cả nhóm con gái cười khúc khích với nhau. Có những người ra ngó xem chuyện gì xẩy ra.
Mặc dầu được cho ăn ở ngày 3 bữa, có những người vẫn thích nấu riêng khi có dịp. Vào dịp Lễ Tạ Ơn của người Hoa Kì, Ban Tổ chức cho trang hoàng bằng những quả bí ngô, khoét ra thành những hình thù khác nhau, rồi cho thắp đèn nến ở trong. Sau đó mấy nhóm con gái cho bổ ra để nấu canh bí ngô lậu.
Lần khác cảnh sát vào trại thấy hai người nữ tị nạn khiêng tủ sắt qua đường, bèn tra hỏi lí do, rồi cũng để cho tiếp tục di chuyển. Đó là tủ sắt mà hai người giúp dọn dẹp nhà nguyện chuyển từ một nhà trại sang nhà nguyện cho các linh mục để lễ phẩm phục.
Thay lời kết cho toàn bài
Khi người tị nạn Việt Nam sang đông đúc và ồ ạt trong thời gian vắn như vậy, thì chính phủ mĩ phải mở 4 trại tiếp cư để tiếp nhận người tị nạn theo chương trình ‘Operation New Life and Babylift’. Sau đó, Đạo luật Di trú và Người Tị nạn Đông Dương (Indochina Migration and Refugee Act) trong năm 1975, cho phép người tị nạn Đông Dương nhập cư đến Hoa Kì, bằng một vị thế đặc biệt. Chính phủ Mĩ tiếp tục nhận người tị nạn qua những chương trình ra đi có trật tự (Orderly Departure Program) như bảo lãnh cá nhân, chương trình HO (Sĩ quan bị tù cải tạo), chương trình đoàn tụ gia đình, chương trình thuyền nhân tị nạn, chương trình kết hôn, chương trình du học mà ở lại. Kể từ sau khi đóng cửa 4 trại tiếp cư bên Mĩ, dân số nhập cư Việt Nam vào Hoa Kì đã tăng lên đáng kể, tăng gần gấp đôi mỗi thập kỉ từ 1980 đến 2000, và sau đó tăng 26% vào những năm 2000. [8].
Qua những chương trình này, người ta cũng thấy người Việt Nam có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại những nước Phi Châu, cũng thấy có tiệm phở, chả giò hoặc bánh mì Việt Nam. Theo số liệu của Báo Nhân Dân năm 2020, người Việt Nam ở nước ngoài có trên 5.3 triệu người, được phân bố không đồng đều tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới; 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mĩ, Châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. [9]. Từ khi người tị nạn Việt Nam sang Mĩ, nhiều người dân tại những quốc gia khác nhau trên thế giới cũng tìm cách di cư sang Hoa Kì.
Cuộc kiểm tra dân số Mĩ năm 2020 cho thấy dân số Á Châu tại Hoa Kì được phân phối như sau: người Trung Hoa (không kể Đài Loan) đông nhất với 5.1 triệu người; Ấn Độ là 4.5 triệu; Phi Luật Tân là 4.1 triệu; Việt Nam là 2.2 triệu; Đại Hàn là 1.9 triệu; Nhật Bản là 1.6 triệu [10].
Những miền thành thị Mĩ tập trung đông người Việt Nam được liệt kê như sau: Top Concentrations of Vietnamese Immingrants by US Metropolitan Area, 2015-2019. [11].
Hình như những cộng đồng người Việt khi tụ tập có vẻ nổi bề mặt? Mời phổ biến tin tức trong bài này để cùng chia sẻ.
Tạm hết.
Ngày 11/ 11/ 2022
Gia Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét