Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

GIA TÀI CHO CON - Nguyễn Thị Thanh Dương

Chị Hòe phone tán gẫu với chị Bông và hỏi:
- Cách nào để tiền an toàn nhất hả chị Bông?
- Thì nhà băng chứ đâu! Bộ chị sợ… bị cướp nhà băng hả?
Chị Hòe nghiêm chỉnh:
- Tôi muốn bàn tới chuyện để gia tài cho con cái kìa. Vợ chồng mình lớn tuổi rồi giữ tiền bạc cũng chẳng làm gì..
- Thế thì chị cứ việc chia gia tài cho các con là thảnh thơi, còn thắc mắc gì nữa?
- Nhưng không an toàn.
- Ơ kìa, cho con mình chứ cho ai mà không an toàn?
<!>
- Vì nếu vợ chồng chúng li dị thế là tiền của mình cho cũng bị chia đôi, một nửa vào tay con dâu hay con rể.
- Ừ nhỉ....
- Nếu vợ chồng chúng không li dị, cũng…vẫn chưa an toàn vì chẳng may con mình chết trước thì con dâu hay con rể ôm trọn gia tài vui duyện mới. Tiền của mình cho con sẽ mất hết vào tay…người dưng.
- Ừ nhỉ.
Chị Hòe chứng minh:
- Có đôi vợ chồng trẻ triệu phú gia Trung Quốc sang Pháp ký giấy tờ mua biệt thự và những cánh đồng nho để sản xuất rượu vang. Ông chủ Pháp mời ông chủ Trung Quốc lên máy bay riêng dạo một vòng quanh vùng trời những cánh rừng nho, ông đại gia Trung Quốc và thằng con trai tuổi teen lên máy bay. Hai bà vợ của hai ông chủ không lên máy bay, họ ở nhà chuyện trò chờ hai ông chồng để ký giấy tờ và tiệc tùng. Máy bay rơi, cả ba người trên máy bay cùng chết. Ông chủ trẻ Trung Quốc đã là người thừa kế duy nhất của dòng họ và thằng con tuổi teen kia đương nhiên là cháu đích tôn duy nhất của dòng họ. Nay chồng con chết hết, bà đại gia Trung Quốc trẻ đẹp kia nắm giữ cả gia tài của chồng con…vậy thử hỏi mai kia bà sẽ lấy chồng hay không chứ?
Chị Bông suýt xoa:
- Thật cay đắng, thế là cả tài sản khổng lồ của dòng họ kia đã gây dựng bao nhiêu năm bỗng lọt vào tay người con dâu.
Chị Hòe thờ dài lướt thướt:
- Người ta không có tiền của để lại cho con cái cũng buồn. Vợ chồng tôi có nhiều tiền…cũng buồn vì chẳng biết cho con cháu cách nào cho chắc ăn, không uổng phí những đồng tiền của mình..
Chị Bông suy nghĩ:
- Hay là chị để trust fund cho các cháu mai sau là chắc ăn nhất, dù cha mẹ nó thế nào các cháu vẫn là dòng máu nhà chị.
- Tôi cũng đã nghĩ đến điều này rồi nhưng... cũng vẫn không an toàn, biết chúng sau này tốt hay xấu, lỡ là đứa ăn chơi hư hỏng hay kém tài thì tiền của tôi cho như đổ sông đổ biển hoặc khi chúng lập gia đình thì ….gia tài của tôi để lại cũng có thể mất đi nếu chúng li dị hay chết trước..
Chị Bông kêu lên:
- Ối giời ơi, chị Hòe ơi, chị đã tính kỹ chi li đến thế thì còn hỏi tôi làm gì? Trên cõi đời này không có chỗ nào, không có tài khoản nào là an toàn là vững chắc cho chị để tiền đâu!
- Tôi cũng đang điên đầu vì thế đấy. Có ông bà kia để lại toàn bộ tài sản cho gia đình thằng con trai duy nhất những tưởng con cháu mình sẽ giàu có, sẽ vui hưởng cuộc đời nào ngờ cả nhà thằng con bị tai nạn xe cộ chết hết. Ông bà đang đợi những thủ tục cứu xét để lấy lại tài sản của con mà thực ra là của chính họ, trong khi nhà sui gia cũng đòi chia phần tiền bạc tài sản của con gái họ. Thật là rắc rối!
Chị Bông kể:
- Có lần tôi đọc báo thấy nói về những món tiền unclaimed, tiền không có người nhận, nên chính phủ tiểu bang hay county phải đăng thông báo trên báo chí cùng với tên và những tài khoản bị bỏ quên. Có nhiều lý do hoặc người ta đã chết đi hoặc tuổi già lú lẩn không nhớ và con cháu thì không hề được biết đến. Tiền có chủ, để vào tài khoản chủ nghĩ là một lúc nào đó sẽ lấy ra nhưng hóa ra số tiền ấy thành vô chủ.
Chị Hòe kể thêm:
- Tôi cũng đọc tin trên báo một người sửa chữa căn nhà của mình, khi phá vỡ tấm sheetrock đã phát hiện hơn 10 ngàn đô gói cẩn thận trong giấy báo đã cũ. Số tiền này cũng bị hư hỏng ít nhiều nhưng vẫn có thể đem ra nhà băng đổi lại được. Rõ ràng là ai đó trước kia đã ở trong căn nhà này, đã giấu chồng hay giấu vợ hay giấu con cái nên cất món tiền trong vách nhà tưởng là an toàn. Có thể họ đã chết bất ngờ nên món tiền bí mật vẫn bí mật nằm yên đó cho đến khi căn nhà đổi chủ và chủ mới tình cờ khám phá ra.
- Ở Việt Nam có người không tin nhà băng mà tin vào tình sui gia thắm thiết, gởi tiền nhờ sui gia giữ giùm, đến khi muốn lấy lại thì khó khăn. Thế là tình sui gia tan nát làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình của hai con, thiếu điều chúng muốn ly dị vì hai bên cha mẹ cãi cọ, sỉ vả lẫn nhau.
Chị Bông chán nản:
- Nãy giờ chúng ta nói chuyện với nhau, tôi thấy... cùng đường rồi, bế tắc rồi. Thì ra không có nơi nào cất giữ tiền bạc vững chắc và an toàn dài lâu cho chúng ta cả, kể cả con cháu ruột thịt.

Nói chuyện với chị Hòe xong, chị Bông ấm ức vì chưa có câu trả lời. Nghe vợ kể xong, anh Bông mỉm cười:
- Hai bà đều… nhiều chuyện mà chuyện tiền để đâu cho an toàn dễ ợt lại không biết trả lời.
Chị Bông hớn hở:
- Anh có sáng kiến gì hả?
- Con cháu của những người giàu có lẫy lừng như công tử Bạc Liêu hay những con vua cháu chúa ngày trước cao sang quyền quý nay cũng nghèo mạt rệp kìa. Cuộc đời còn là phù vân nói chi tiền bạc.
Chị Bông cãi:
- Cuộc đời phù vân dù ngắn ngủi một tháng một ngày cũng cần có tiền, anh ơi!
Anh Bông nói một tràng dài:
- Tại sao những cha mẹ khi tuổi về già cứ vơ vét tất cả tài sản tiền bạc công lao cả đời mình làm ăn dành dụm cho con cháu đến đồng xu cuối cùng mà không nghĩ đến ngay chính bản thân mình. Bây giờ là lúc tiêu xài những đồng tiền mình làm ra, sống vui sống tốt và hãy nghĩ đến tha nhân. Tiền bạc của cải chúng ta để lại cho con cháu bao nhiêu cũng có thể hao mòn hay mất hết như chuyện hai bà vừa kể nhưng có một thứ không bao giờ mất được. Thay vì để cho con cháu tất cả bạc tiền chúng ta hãy lấy ra ít nhiều nào đó giúp người giúp đời, có phải là con cháu được cả hai thứ “gia tài” vừa tiền bạc vừa phước đức của ông bà cha mẹ không?
Chị Bông nhún vai:
- Em nghe điều này nhiều rồi. Làm điều tốt lành hôm nay mà ngày mai thấy kết quả liền thì mới ham chứ để dành làm phước cho con cháu hay cho mình kiếp sau nghe xa vời quá.
- Anh thấy em nghe nhạc Bolero thấm lắm mà, nghe bài nào, em thổn thức bài đó, thậm chí có bài hát cũ kỹ cả nửa thế kỷ tưởng như bị lãng quên vì ca sĩ ngày nay ít người hát, thế mà nghe lại là em nhớ ra ngay cả lời lẫn điệu. Em từng nghe thuyết pháp, nào thày Pháp Hòa, thày Chân Tín, thày Trí Chơn v.v… mà không thấm gì sao? Anh chỉ nghe ké theo em, nghe loáng thoáng mà cũng thấm thía đôi điều...
Anh Bông quay ra “thuyết pháp” cho chị Bông:
- Dù giàu có như chị Hòe hay không giàu có như chúng ta nhưng ai cũng cần ăn hiền ở lành cho con cháu được nhờ phước đức cha mẹ ông bà để lại. Đó là gia tài vô giá, là tài khoản an toàn nhất. Nhớ nhé bà Bông!

NTTD

Không có nhận xét nào: