Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Dư Âm Cuộc Bầu Cử, Ukraine Chiếm Lại Kherson và Một Vài Tin Nóng Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


(Hình: Ứng viên Dân chủ John Fetterman thắng trước ứng viên do ông Trump chọn lựa, trong cuộc đua giành ghế Thượng viện ở tiểu bang Pennsylvania.)

Dư Âm Về Cuộc Bầu Cử Giữa Kỳ: Cử Tri Gốc Việt Phản Ứng Thế Nào Trước Kết Quả Bầu Cử Mỹ? 
Trong khi cử tri gốc Việt bên Đảng Dân chủ phấn khởi vì màn trình diễn vượt quá mong đợi của đảng của họ trong bầu cử giữa kỳ thì cử tri Cộng hòa vui mừng một cách dè dặt và đặt hy vọng vào cuộc bầu cử hai năm tới, Đảng Cộng hòa sẽ có kết quả tốt hơn, theo tìm hiểu của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ  VOA
<!>
Hiện giờ kết quả vẫn chưa ngã ngũ và vẫn chưa biết được đảng nào sẽ kiểm soát Hạ viện Thượng viện. Đảng Cộng hòa được dự báo sẽ chiếm đa số ở Hạ viện, nhưng Thượng viện thì vẫn chưa ngã ngũ với 3 ghế vẫn còn chờ kết quả.

Bất chấp dự đoán của truyền thông và của nhiều nhân vật bên Đảng Cộng hòa về một làn sóng đỏ khổng lồ nhấn chìm Đảng Dân chủ, điều đó đã không xảy ra. Đảng Cộng hòa đã không đánh bật Đảng Dân chủ để giành đa số thuyết phục ở cả hai viện Quốc hội.

‘Món Quà Cho Đảng Dân chủ’
Từ Houston, Texas, ông Nguyễn Đình Minh Quốc, Giáo sư Toán, nói với VOA rằng trong ba ghế Thượng viện còn chưa định đoạt, ông ‘tin chắc Dân chủ sẽ giành được hai để duy trì thế đa số ở Thượng viện’.

“Hạ viện sẽ mất đi một số ghế của Đảng Dân chủ”, ông Quốc nhìn nhận nhưng ông nói so với cựu Tổng thống Donald Trump, số ghế Hạ viện ông Biden mất là ‘không bao nhiêu’.

Tại kỳ bầu cử giữa kỳ hồi năm 2018, Tổng thống Trump khi đó đã mất 40 ghế, đưa Đảng Dân chủ lên nắm Hạ viện cho đến nay.

“Chắc chắn đây là cuộc đua ngang ngửa chứ không có làn sóng đỏ như tiên đoán trước đây”, ông Quốc nói và nhận định đó là ‘thành công’ của ông Biden và Đảng Dân chủ trong bối cảnh gặp nhiều yếu tố bất lợi.

Ông dẫn ra xu thế lịch sử là Tổng thống đương nhiệm thường để mất nhiều ghế Quốc hội trong bầu cử giữa kỳ và bối cảnh kinh tế với lạm phát cao dai dẳng đã tạo ra khó khăn rất lớn cho Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử năm nay.

Phân tích về lý do Đảng Dân chủ chặn được làn sóng đỏ, vị Giáo sư Toán này nói rằng ông Biden và Đảng Dân chủ đã đánh trúng và xoáy sâu vào những vấn đề cử tri của họ quan tâm, đó là quyền phá thai và bảo vệ nền Dân chủ.

“Khi đi vận động, ông Biden bên cạnh nêu bật những thành tích của ông trong hai năm qua còn cảnh báo các cử tri về mối đe dọa đối với nền Dân chủ, điều này thúc đẩy các cử tri đi bầu”, ông Quốc nói.

Chỉ ra các cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu ở các tiểu bang New Hampshire và Pennsylvania, nơi Đảng Dân chủ giành được các ghế Thượng viện quan trọng, ông Quốc nói cử tri ở đó nhấn mạnh về nền Dân chủ và quyền phá thai là ưu tiên của họ, chứ không phải vấn đề kinh tế.

“Các cử tri ở đó hiểu được vấn đề lạm phát không do ông Biden gây ra mà là do chiến tranh ở Ukraine và hậu quả của dịch COVID-19”, ông nói.

“Họ chọn từ chối những người thuộc phe MAGA (‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ – phong trào chính trị của ông Donald Trump), những người từ chối hệ thống bầu cử Mỹ, những người chủ trương phá hoại nền Dân chủ Mỹ”, ông nói thêm và chỉ ra rằng hầu hết các ứng cử viên MAGA tranh cử cho các vị trí Thống đốc tiểu bang hay các vị trí có ảnh hưởng đến kết quả bẩu cử đều thất bại.

Vấn đề phá thai là ‘do Đảng Cộng hòa tự tạo ra cho họ’ vì giới nữ là thành phần cử tri đi bầu đông đảo nhất và họ muốn được phá thai dễ dàng, ông phân tích, còn lạm phát là ‘vấn đề của toàn thế giới trong khi lạm phát ở Mỹ chỉ ở mức trung bình so với thế giới’.

Do đó, vị Giáo sư Toán này cho rằng nếu không có các ứng cử viên MAGA do ông Trump đích thân chọn hay ủng hộ ra tranh cử thì ‘chắc chắn Dân chủ đã mất rất nhiều ghế’.

Ông dẫn chứng là những ứng cử viên Cộng hòa bảo vệ tính toàn vẹn của bầu cử Mỹ và chỉ trích ông Trump đều thắng vẻ vang như Thống đốc Georgia Brian Kemp hay Brad Raffensperger, viên chức phụ trách bầu cử tiểu bang Georgia.

“Ông Trump là món quà dành cho Đảng Dân chủ”, ông Quốc nhấn mạnh. “Trừ ở những tiểu bang đỏ đậm (tức những tiểu bang nghiêng hẳn sang Cộng hòa) ứng cử viên MAGA mới thắng được, còn ở những tiểu bang cạnh tranh với Đảng Dân chủ, ứng viên MAGA đều thất bại”.

“Tình hình kinh tế, lạm phát thuận lợi cho Đảng Cộng hòa rất nhiều mà họ không thắng nổi”, ông Quốc nói.
Nhìn về cuộc bầu cử vào năm 2024, ông Quốc nói: “Nếu ông Trump ra tranh cử Tổng thống thì sẽ là lợi thế lớn cho Đảng Dân chủ”.

Trước đây ông Trump đã thua, ông lập luận, thì làm sao có thể thắng vào năm 2024 trong lúc ông đang bị các cuộc điều tra hình sự bủa vây và bị Đảng Cộng hòa dòng chính xa lánh. Ông Trump từng thua bà Hillary Clinton về số phiếu phổ thông năm 2016, mất Hạ viện năm 2018, mất cả Tòa Bạch Ốc, Thượng viện và Hạ viện năm 2020 và không tạo được làn sóng đỏ như kỳ vọng vào năm 2022.

Tuy nhiên, cử tri Dân chủ này bày tỏ lo ngại về ưu thế của ông Ron DeSantis, người vừa tái đắc cử Thống đốc Florida vang dội với cách biệt đến 20 điểm phần trăm.

“Nếu ông DeSantis ra tranh cử Tổng thống thì đương nhiên vô cùng lợi hại. Kết quả chiến thắng dễ dàng của ông ta báo hiệu cho thấy cử tri sẵn sàng bỏ phiếu do DeSantis”, ông Quốc nói.

Ông cho rằng trong hai năm còn lại, nếu chính quyền Biden phát huy được những chính sách của mình, chẳng hạn như gói cơ sở hạ tầng Build Back Better, gói giảm nợ cho sinh viên, chương trình cản trở tham vọng của Bắc Kinh trong lĩnh vực sản xuất chip, thực hiện các mục tiêu về biến đổi khí hậu, hỗ trợ Ukraine cho đến thắng lợi cuối cùng, ông hy vọng ông Biden ‘sẽ đắc cử nhiệm kỳ hai’.

“Lợi thế của Đảng Dân chủ là ông Trump và phong trào MAGA của ông ta, nếu ông Biden liên tục nhắc nhở người dân Mỹ về cuộc bạo loạn Đồi Capitol là do ai gây ra, nhấn mạnh vào quyền phá thai thì ông Biden sẽ có cơ hội lớn vào năm 2024”, ông nói. ‘Có Ông Trump, Cộng hòa Mới Thắng’

Từ Pensacola, tiểu bang Florida, ông Hùng Nguyễn, cử tri Đảng Cộng hòa, cho biết kết quả sơ bộ bầu cử giữa kỳ khiến ông ‘30% vui mừng, còn 70% thất vọng’.

Ông nói ông mừng là vì Đảng Cộng hòa vẫn giữ lập trường ‘American First’ (tức ‘Nước Mỹ trước hết’, phương châm của ông Trump và phong trào MAGA), tức là ‘vẫn ủng hộ kiểm soát biên giới và bảo vệ quyền tự do cá nhân’. Ông Hùng là ủng hộ viên tích cực của phong trào MAGA và từng nằm trong Hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Donald Trump.

Ông nói trước ngày bầu cử, ông có kỳ vọng rất lớn vào ‘sóng thần đỏ’ nhưng kết quả không được như ông mong muốn.

“Thất vọng là mình không được thắng thôi. Thất vọng là người dân không ủng hộ mình như mình mong muốn”, ông giãi bày với VOA.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng nếu Đảng Cộng hòa cuối cùng cũng lấy được Hạ viện thì trong hai năm tới ‘sẽ hạn chế được sự tàn phá của ông Biden và Đảng Dân chủ’.

Về lý do đảng của ông có màn trình diễn tệ hơn mong đợi, ông Hùng nói: “Ranh giới giữa Cộng hòa và Dân chủ đã chia rẽ quá rõ ràng. Cho nên dù bên kia (Dân chủ) có sai như thế nào đi nữa, các cử tri của họ vẫn giữ vững lập trường bầu cho đảng phái của họ”.

“Rất khó cho Đảng Cộng hòa thuyết phục các cử tri Dân chủ bầu cho họ, trong khi nhóm cử tri độc lập ở giữa thì nhỏ quá không đủ xoay chuyển tình thế”, ông nói thêm.

Ông cho biết ông mừng với chiến thắng vang dội của Đảng Cộng hòa ở tiểu bang Florida nhưng chiến thắng đó đối với ông là không đủ ‘vì mình bầu cử cho toàn quốc mà’.

Khi được hỏi ông Trump có trách nhiệm gì trong màn trình diễn thiếu thuyết phục của Đảng Cộng hòa hay không, ông Hùng cho rằng ‘Ai trong Đảng Cộng hòa muốn trách ông Trump thì cứ trách, tôi không cãi. Nhưng nếu không có ông Trump thì Đảng Cộng hòa không mạnh như hiện tại”.

“Dù sao Đảng Cộng hòa cũng sắp lấy lại Hạ viện. Có chiến thắng là tốt rồi, ông Trump đâu có lỗi gì đâu”, ông phân bua.

“Dù muốn hay không, dù ông Trump có khuyết điểm nhưng phong trào ông tạo ra là chủ chốt trong Đảng Cộng hòa”, ông khẳng định và cho rằng nếu không có vai trò của ông Trump, Đảng Cộng hòa ‘sẽ không thắng thêm ghế ở Hạ viện’.

Khi được hỏi sẽ ủng hộ ai giữa ông Trump và DeSantis trong trường hợp hai người ra tranh vé đề cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Hùng nói ‘khó quyết định’ nhưng ông vẫn nghĩ ‘ông Trump sẽ mạnh hơn’.

“Ông Trump đã có kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 4 năm rồi. Ông ấy cũng rút kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ”, ông giải thích. “Ông DeSantis thì không chê được, nhưng còn thua kinh nghiệm của ông Trump và không có phong trào mạnh như ông Trump”.

Tuy nhiên, ông bày tỏ không hài lòng với việc ông Trump gần đây chĩa mũi dùi vào ông DeSantis: “Nếu hai ông không làm việc chung với nhau được thì thôi, cũng không nên đấu đá nhau làm gì. Không ai có lợi cả”.

Một cử tri Cộng hòa khác là ông Đỗ Văn Hội, một Bác sĩ cũng từ Florida, nhận định với VOA rằng lần bầu cử giữa kỳ này, ‘cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều thành công’.

“Đảng Cộng hòa giành thêm ghế ở Hạ viện, trong khi Đảng Dân chủ dù gặp nhiều trở ngại họ vẫn đứng lên lấy lại một số ghế”, ông nói và cho rằng kết quả ‘sự cân bằng ở Quốc hội là điều tốt’.

Bác sĩ Hội nói Đảng Dân chủ có kết quả tốt hơn mong đợi là ‘ở chiến thuật tranh cử tốt’.

Về sự lựa chọn giữa ông Donald Trump và ông Ron DeSantis, ông Hội nói ‘trong Đảng Cộng hòa số đông cử tri vẫn có khuynh hướng ủng hộ ông Trump’.

“Bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump có rất nhiều thành quả ngoại trừ dịch COVID-19”, ông nói và cho biết bản thân ông vẫn ủng hộ ông Trump.

“Tuy nhiên, người lớn tuổi sức khỏe đi xuống nhanh lắm, nếu hai năm tới ông Trump vẫn còn khỏe thì tôi sẽ ủng hộ ông ấy”, ông nói thêm.

Ðiện Cẩm Linh: Bầu Cử Giữa Kỳ Của Mỹ, Phe Nào Thắng, Cũng Sẽ Không Thay Đổi Mối Quan Hệ Tồi Tệ Mạc Tư Khoa-Hoa Thịnh Ðốn


(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov.)

- Thông tấn xã Reuters dẫn truyền thông nhà nước Nga loan tin cho hay hôm 9/11/2022, Ðiện Cẩm Linh cho biết cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ sẽ không cải thiện mối quan hệ “xấu” giữa Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Ðốn, trong khi Nga bác bỏ cáo buộc rằng họ can thiệp vào cuộc bỏ phiếu của Mỹ.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Những cuộc bầu cử này là quan trọng, nhưng không cần thiết phải phóng đại tầm quan trọng của chúng trong ngắn hạn và trung hạn đối với quan hệ của chúng ta”.

Ông nói thêm: “Những cuộc bầu cử này không thể thay đổi bất cứ điều gì thiết yếu. Các mối quan hệ vẫn đang, và sẽ vẫn tồi tệ”.

Ông Peskov cho biết Mạc Tư Khoa đã quá quen với việc nghe mọi người nói rằng Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ nên không chú ý đến các đợt cáo buộc mới.

Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh cũng nói với các phóng viên rằng còn quá sớm để nói về một cuộc đối thoại với Hoa Kỳ về việc gia hạn Hiệp ước Vũ khí Nguyên tử START mới.

Bắc Hàn Bắn Thêm Một Phi Đạn-Đạn Đạo, Chào Mừng, Nhắc Nhở! Vào Lúc Mỹ Kiểm Phiếu Bầu Cử Giữa Kỳ!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay Cộng sản Bắc Hàn tiếp tục loạt thử phi đạn. Vụ thử mới nhất diễn ra ngày 9/11/2022, đúng lúc Hoa Kỳ đang kiểm phiếu cuộc bầu cử giữa kỳ. Từ đầu tháng 11, Bình Nhưỡng đã bắn tổng cộng 35 loại phi đạn khác nhau, trong đó có một phi đạn-đạn đạo liên lục địa hôm 3/11, nhưng theo Hán Thành có lẽ vụ bắn thử này đã thất bại.

Theo quân đội Nam Hàn, “một phi đạn-đạn đạo tầm ngắn được Bắc Hàn bắn từ Sukchon, tỉnh Nam Pyongan, vào lúc 3 giờ 31 chiều (giờ địa phương)” ra biển Nhật Bản. Chính quyền Tokyo cũng xác nhận trên Twitter rằng Bình Nhưỡng “đã phóng một phi đạn được cho là đạn đạo”.

Phía quân đội Nam Hàn khẳng định vẫn “tăng cường theo dõi và cảnh giác” và “luôn trong tình trạng chuẩn bị đầy đủ bằng cách hợp tác chặc chẽ với Hoa Kỳ”.

Cũng trong ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Nam Hàn thông báo kết quả phân tích một mảnh vỡ của phi đạn Bắc Hàn rơi ở biển Nhật Bản hôm 2/11. Mảnh vỡ được vớt hôm 6/11 có những đặc điểm của phi đạn địa đối không SA-5 của Bắc Hàn. Một viên chức quân sự tại Hán Thành cho biết “Bắc Hàn nhập nhiều loại phi đạn của Liên Xô trong quá khứ”, nhưng “khó xác minh được là phi đạn này (rơi ở biển Nhật Bản) do Bắc Hàn hay Nga sản xuất”.

Theo giải thích của Bộ Quốc phòng Nam Hàn, được Yonhap trích dẫn, loại phi đạn này cũng có thể được dùng làm phi đạn địa đối địa, trong khi gần đây Nga cũng sử dụng loại phi đạn này trong các vụ tấn công ở Ukraine.


Bầu Cử Giữa Kỳ Mỹ: Đảng Cộng Hòa Kiểm Soát Hạ Viện, Kết Quả Sít Sao Tại Thượng Viện

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của hãng thông tấn AP cho hay tại Hoa Kỳ, tiếp sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11/2022 là giai đoạn kiểm phiếu.

Khoảng cách giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sít sao hơn so với các dự phóng. Khả năng “kháng cự” của đảng Dân chủ cầm quyền cao hơn mong đợi. Thế nhưng, theo một số kết quả sơ khởi, phe Cộng hòa có khuynh hướng chiếm đa số tại Hạ viện.

Ngày 8/11/2022, cử tri Mỹ được kêu gọi bầu lại 435 ghế ở Hạ viện và 35 Thượng Nghị sĩ cùng với Thống đốc của nhiều tiểu bang và các lãnh đạo cấp địa phương.

Một số kết quả đã được công bố. Theo hãng tin Mỹ AP, trong cuộc chạy đua giành chức Thống đốc tại các tiểu bang, đảng Dân chủ thất bại tại Florida, Texas và Georgia, nhưng giành được thắng lợi ở các tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Trước mắt, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ dự báo đa số tại Hạ viện sẽ về tay đảng Cộng hòa. Dân biểu Kevin McCarthy có triển vọng thay thế Nancy Pelosi làm Chủ tịch Hạ viện. Liên quan đến Thượng viện, vẫn chưa có kết quả kiểm phiếu sau cùng. Đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ tùy thuộc vào kết quả ở các tiểu bang Arizona, Nevada và Wisconsin.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ bất ngờ giành được một thắng lợi quan trọng tại tiểu bang Pennsylvania như tường thuật của thông tín viên Guillaume Naudin của Đài RFI từ Hoa Thịnh Ðốn:

“Đây là một điều bất ngờ vì mọi người không nghĩ là đã nhanh chóng có kết quả kiểm phiếu như vậy. Đó là kết quả bầu Thượng Nghị sĩ tại Pennsylvania. Theo nhiều phương tiện truyền thông Mỹ, như đài NBC, CNN, hay nhật báo New York Times, ứng cử viên đảng Dân chủ, John Fetterman, giành được thắng lợi, đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa là ông Mehmet Oz. Điều này hơi bất ngờ. Bởi vì người ta đã nghĩ là phải chờ rất lâu mới có kết quả kiểm phiếu ở tiểu bang này. Thắng lợi này có thể giúp đảng Dân chủ có đa số lớn hơn tại Thượng viện so với tình hình hiện nay. Vẫn còn phải chờ kết quả kiểm phiếu của các nơi khác và có thể tác động đến tương quan tại Thượng viện.

Còn tại Hạ viện, cho đến lúc này, vẫn chưa rõ bên nào chiếm đa số. Dường như có nhiều khả năng là phe Cộng hòa sẽ chiếm đa số, nhưng khoảng cách với đảng Dân chủ thấp hơn nhiều so với dự báo. Không có làn sóng đỏ, bỏ phiếu cho phe Cộng hòa như đảng này mong đợi.

Trong số một vài kết quả chính thức đáng chú ý, đó là trường hợp Ron DeSantis đắc cử Thống đốc tiểu bang Florida. Ông này có tham vọng ra tranh cử Tổng thống Mỹ, và đây không là một tin vui đối với Donald Trump. Một tin khác khiến cựu Tổng thống Hoa Kỳ phật lòng: trong cuộc tranh cử chức Thống đốc tiểu bang Pennsylvania, ứng viên đảng Dân chủ Josh Shapiro đánh bại Doug Mastriano, một trong những chính khách từng phát biểu mạnh mẽ bác bỏ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2020. Lần này, Mastriano vẫn chưa chính thức nhìn nhận thất bại sau cuộc bầu cử hôm 8/11.

Tại tiểu bang Georgia, Thống đốc Brian Kemp của đảng Cộng hòa đã dễ dàng qua mặt đối thủ Stacey Abrams. Brian Kemp là người từng từ chối tìm kiếm 12.000 lá phiếu cần thiết để ông Donald Trump tuyên bố đắc cử hồi năm 2020. Kể từ đó, Kemp bị cựu Tổng thống Mỹ ghét cay ghét đắng. Brian Kemp vừa đắc cử vẻ vang. Đó có thể là một thông điệp từ phía cử tri Hoa Kỳ”.

Bầu Cử Giữa Kỳ Mỹ: Ron Desantis, Thuộc Đảng Cộng Hòa, Tái Đắc Cử Thống Đốc Tiểu Bang Florida

- Ngày 9/11/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại tiểu bang Florida, phe Cộng hòa giành chiến thắng lớn ở cả hai viện Quốc hội Mỹ, điều không mấy gây ngạc nhiên. Nhưng tâm điểm chú ý là chiến thắng ấn tượng của ông Ron Desantis trong cuộc bầu cử Thống đốc tiểu bang.

Chiến thắng lớn này củng cố vị thế của nhân vật thuộc phe Cộng hòa, người đang được coi là ứng viên tiềm năng cho kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2024. Rất có thể, Ron Desantis sẽ là đối thủ cạnh tranh với Donald Trump trong cuộc đua tới đây vào Tòa Bạch Ốc. Thông tín viên David Thomson của Đài RFI tại Miami tường trình:

Thậm chí có thể gọi là sóng thần đỏ ở tiểu bang Florida, với chiến thắng ngoạn mục của Thống đốc tiểu bang Ron Desantis, tái thắng cử với 59% phiếu. Một đà tiến ấn tượng khi mà vào năm 2018, nhờ sự ủng hộ của Donald Trump, ông Ron Desantis đã giành chiến thắng sát sao, chỉ hơn đối thủ có 0,5% phiếu bầu.

Vị Thống đốc tiểu bang này gần như là không được biết đến trước đại dịch Covid-19, nhưng giờ đây là người hùng của phe bảo thủ Mỹ. Trong lúc đại dịch, ông là người chủ trương kiên quyết chống các biện pháp đeo khẩu trang, cách ly và chích ngừa bắt buộc. Chính với những thành quả đó, ông đã tiến hành cuộc vận động tranh cử. Trong bài diễn văn sau chiến thắng tối qua, ông đã bày tỏ vui mừng về kết quả đó. Ông nói: “Chúng ta đã bảo vệ quyền tự do chống lại tư tưởng xu thời phải đạo…. Florida đã trở thành nơi ẩn trú cho lý trí khi thế giới trở nên điên rồ”.

Chiến thắng của ông rất quan trọng, bởi Ron Desantis đang được nhiều người cho là sẽ ra ứng cử Tổng thống Mỹ tới đây. Tại Florida, đảng Cộng hòa cũng đã giữ được ghế Thượng Nghị sĩ và giành thêm ít nhất 4 ghế tại Hạ viện.

Trong làn sóng đỏ này, có một trường hợp đặc biệt của phe Dân chủ đáng được ghi nhận. Đó là chiến thắng rất ấn tượng tại Orlando của ứng viên đầu tiên thuộc thế hệ mới, ông Maxwell Frost, một người Mỹ gốc Cuba 25 tuổi. Trong chiến dịch tranh cử, ông vẫn còn là tài xế Uber nhưng tối qua, Maxwell Frost đã trở thành Dân biểu trẻ nhất ở Hạ viện.

Cuộc Đua Vào Quốc Hội Mỹ Rất Sít Sao, Không Xảy Ra Làn Sóng Đỏ’ của Đảng Cộng Hòa


(Hình: Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ ngày 8/11/2022.)

Đảng Cộng hòa đạt được thắng lợi khiêm tốn trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ trong khi đảng Dân chủ đã đạt kết quả tốt hơn dự kiến, và cho đến sáng ngày 9/11/2022 quyền kiểm soát Quốc hội và chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa rõ ràng, theo thông tấn xã Reuters.

Nhiều cuộc đua gay cấn nhất diễn ra rất sít sao chưa thể phân định kết quả, nhưng các đảng viên Cộng hòa thừa nhận rằng họ chưa tạo được “làn sóng đỏ” chiến thắng trong cuộc bầu cử như họ đã tham vọng.

Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa có khả năng sẽ giành được đa số sít sao, điều này sẽ cho phép họ chặn các ưu tiên Lập pháp của ông Biden và mở các cuộc điều tra về chính quyền và gia đình của ông.

Theo dự đoán của Edison Research, đến sáng ngày 9/11, đảng Cộng hòa giành được sáu ghế Hạ viện từ đảng Dân chủ, nhiều hơn một ghế so với mức tối thiểu họ cần để chiếm quyền kiểm soát Hạ viện.

Nhưng đảng Dân chủ đã làm tốt hơn nhiều so với những gì nhiều người mong đợi.

Trong chiến thắng quan trọng dành cho Tổng thống Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân chủ John Fetterman đã giành chiếc ghế Thượng viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa nắm giữ ở tiểu bang Pennsylvania, đánh bại Bác sĩ nổi tiếng Mehmet Oz và củng cố cơ hội cho đảng của ông kiểm soát Thượng viện.

Bầu không khí tại Tòa Bạch Ốc được cải thiện trong đêm qua, với các Phụ tá trước đó từng lo lắng đã ăn mừng chiến thắng của ông Fetterman và nói rằng họ vẫn hy vọng nắm giữ Thượng viện.

Ông Biden đăng một bức ảnh của mình trên Twitter vui vẻ chúc mừng một số người chiến thắng của đảng Dân chủ qua điện thoại.

Quyền kiểm soát của Thượng viện phụ thuộc vào các cuộc so kè khác ở các tiểu bang Arizona, Georgia và Nevada, nơi các lá phiếu vẫn đang được kiểm đếm.

Cuộc đua ở tiểu bang Georgia dường như phải bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 6/12 vì cả hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chưa đạt được 50% số phiếu cần thiết để giành chiến thắng.

Nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, họ có khả năng sẽ làm tê liệt chương trình nghị sự của ông Biden và cũng có thể chặn viện trợ cho Ukraine, mặc dù các nhà phân tích cho rằng họ có nhiều khả năng làm chậm hoặc cắt giảm dòng hỗ trợ quốc phòng và kinh tế.

Với thế đa số ở Hạ viện, đảng Cộng hòa sẽ có thể sử dụng mức trần nợ liên bang làm đòn bẩy để yêu cầu cắt giảm chi tiêu sâu. Họ cũng sẽ tìm cách đặt chính sách giảm thuế cá nhân năm 2017 của cựu Tổng thống Donald Trump thành luật vĩnh viễn và bảo vệ việc cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Lãnh đạo khối Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy trước đó từng hy vọng ăn mừng một chiến thắng vang dội sẽ đưa ông trở thành Chủ tich Hạ viện.

Thay vào đó, ông phải giải quyết lời hứa với những người ủng hộ: “Khi bạn thức dậy vào ngày mai, chúng tôi sẽ chiếm đa số và (Chủ tịch Hạ viện phe Dân chủ) Nancy Pelosi sẽ biến thành thiểu số”, ông nói vào tối ngày 8/11.

Theo phân tích của thông tấn xã Reuters dựa trên nhà dự báo phi đảng phái hàng đầu, chỉ có 13 trong số 53 cuộc đua cạnh tranh nhất đã được quyết định, làm tăng khả năng rằng kết quả cuối cùng có thể phải mất một thời gian nữa mới có được.

Ông Stuart Cole, nhà Kinh tế vĩ mô đứng đầu tại công ty Equiti Capital, cho biết bế tắc đảng phái giữa Tổng thống và Quốc hội và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ ngăn cản bất kỳ đợt tăng thuế nào và hạn chế chi tiêu của chính phủ, có nghĩa là lãi suất sẽ không phải tăng nhiều để kiềm chế lạm phát.

Chưa Xuất Hiện ‘Làn Sóng Đỏ’

Đảng chiếm Tòa Bạch Ốc hầu như luôn mất ghế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của Tổng thống, và ông Biden phải vật lộn với sự ủng hộ thấp của công chúng.

Nhưng hy vọng của đảng Cộng hòa về một “làn sóng đỏ” chiến thắng đã lịm dần khi đảng Dân chủ cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong một số cuộc đua quan trọng. Đảng Dân chủ được dự đoán là người chiến thắng 11 trong số 13 cuộc tranh cử sắp được quyết định.

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với đài NBC trong một cuộc phỏng vấn: “Chắc chắn không phải là làn sóng của đảng Cộng hòa, đó là điều chắc chắn”.

Bà Pelosi cho biết trong một tuyên bố: “Rõ ràng là các thành viên Đảng Dân chủ Hạ viện và các ứng cử viên đang làm tốt hơn mong đợi của cả nước”.

Ông Trump, người đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn các ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho Quốc hội và đang ám chỉ mạnh mẽ về cuộc tranh cử Tổng thống lần thứ ba vào năm 2024, đạt được những kết quả trái ngược nhau.

Ông đã chiến thắng ở tiểu bang Ohio, nơi tác giả J.D. Vance đã giành được một ghế Thượng viện cho phe Cộng hòa. Nhưng người dẫn chương trình truyền hình và Bác sĩ phẫu thuật tim Mehmet Oz đã không thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào Thượng viện tiểu bang Pennsylvania.

Các đồng minh của ông Trump cũng gặp khó khăn trong các cuộc đua vào Thượng viện ở các tiểu bang Arizona, Georgia và Nevada, nơi các lá phiếu vẫn đang được kiểm đếm.

Trong khi đó Thống đốc Florida Ron DeSantis, nhân vật có thể là người thách thức chính trong Đảng Cộng hòa với ông Trump vào năm 2024, đã tô điểm thêm cho hồ sơ tranh cử tranh cử của mình với chiến thắng đối thủ Dân chủ Charlie Crist gần 20 điểm phần trăm, Edison dự đoán.

Sự tức giận của cử tri đối với quyết định hồi tháng Sáu của Tòa án Tối cao về việc lật ngược quyền phá thai trên toàn quốc đã giúp đảng Dân chủ giảm thiểu được thiệt hại của họ.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy vấn đề lạm phát cao và quyền phá thai là mối quan tâm hàng đầu của cử tri. Tội phạm, trọng tâm chính trong thông điệp của Đảng Cộng hòa trong những tuần cuối cùng của chiến dịch, cũng là một vấn đề hàng đầu.

Cộng Hòa Thắng Nhưng Không Thắng Lớn Như Niềm Mong Ước!

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy dân Mỹ muốn bày tỏ nỗi bất mãn về Tổng thống Joe Biden, nhưng không muốn dồn hết quyền lực cho đảng Cộng hòa.)

Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện sắp tới, những người ủng hộ Tổng thống Trump chiếm đa số.

Đáng lẽ đảng Cộng hòa phải đại thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 8 tháng 11. Trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của một Tổng thống, đảng đối lập thường chiếm ưu thế. Thời Bill Clinton năm 1994, Đảng Dân chủ mất 54 ghế ở Hạ viện; năm 2010 Barack Obama mất tới 63 ghế. Uy tín Tổng thống Joe Biden đang xuống thấp, chỉ được 43% dân chúng ủng hộ, 55% chống, theo cuộc nghiên cứu dư luận của nhật báo Wall Street Journal. Đáng lẽ đảng Cộng hòa phải chiếm thêm ít nhất 60 ghế Dân biểu, nhưng chưa đạt được một phần ba.

Kết quả cuộc bỏ phiếu cho thấy dân Mỹ muốn bày tỏ nỗi bất mãn về Tổng thống Joe Biden, nhưng không muốn dồn hết quyền lực cho đảng Cộng hòa. Các cử tri tỏ ra lo lắng nhất về tình trạng kinh tế và lạm phát, và tin rằng đảng Cộng hòa có khả năng cải thiện hơn. Nhưng nhiều người cũng muốn bảo vệ quyền được phá thai, nghiêng về phía đảng Dân chủ. Dân chúng các tiểu bang Michigan, California và Vermont bỏ phiếu cho các đề án bảo đảm quyền phá thai. Tại Kentucky, dân đã bác bỏ một đề án xóa bỏ quyền phá thai đã ghi trong Hiến pháp; giống như dân Kansas trước đây.

Trên Thượng viện, kết quả còn tùy thuộc cuộc kiểm phiếu ở ba tiểu bang, Arizona, Nevada, và Georgia, nơi dân sẽ phải bỏ phiếu lại vì chắc không ứng cử viên nào được trên 50% số phiếu.

Hai đảng chạy đua hào hứng trong các cuộc bầu Thống đốc một số tiểu bang. Đảng Dân chủ đã giành được các tiểu bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania; đảng Cộng hòa giữ được Arkansas, Texas, Florida.

Tại Arkansas, phụ nữ đắc cử Thống đốc là bà Sarah Huckabee Sanders, nguyên tùy viên báo chí của Tổng thống Donald Trump. Bà Maura Heale là nữ Thống đốc đầu tiên của tiểu bang Massachusetts, và công khai nhận là đồng tính, đã giật được ghế từ đảng Cộng hòa. Ông Wes Moore cũng vậy, trở thành vị Thống đốc da đen đầu tiên của Maryland. Ở Michigan, bà Tudor Dixon chịu thua đối thủ thuộc đảng Dân chủ. Tại Kansas, bà Laura Kelly, Dân chủ tái đắc cử.

Cựu Tổng thống Donald Trump vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảng Cộng hòa nhưng không còn mạnh như trước. Trong số 291 ứng cử viên theo ông Trump không công nhận ông Biden thắng năm 2020, có 165 người hy vọng sẽ đắc cử, theo nhật báo The Washington Post. Họ sẽ là một khối Dân biểu lớn, quyết định việc chọn một vị Chủ tịch Hạ viện và các hành đồng ngăn cản chính sách chi tiêu của chính phủ Biden trong hai năm tới. Ngoài ra, đến năm 2024, Hạ viện có quyền công nhận kết quả cuộc kiểm phiếu bầu Tổng thống hoặc bác bỏ.

Nhưng nhiều ứng cử viên thành công hay thất bại cũng không do vì được ông Trump ủng hộ hay không.

Ở tiểu bang New Hampshire, ứng cử viên Don Bolduc mặc dù đã được ông Trump nhiệt liệt ủng hộ vẫn thua Nghị sĩ Maggie Hassan; còn Thống đốc Chris Sununu, Cộng hòa, từng nặng lời đả kích ông Trump lại được tái cử.

Tại Pennsylvania, hai ông Mehmet Oz, và Doug Mastriano, đều được ông Trump đến tận nơi giúp sức nhưng đều thất bại khi tranh chức Nghị sĩ và Thống đốc. Nhưng ông J.D. Vance, đã thắng chức Nghị sĩ ở Ohio sau khi được ông Trump cổ động.

Tại Michigan, ông Trump đã chọn John Gibbs, thay cho Dân biểu Peter Meijer trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ vì ông Meijer đã bỏ phiếu đàn hạch ông Trump; nhưng ông Gibbs đã thua Hillary Scholten. Tại Raleigh, North Carolina, Bo Hines được ông Trump khen ngợi như một ngôi sao đang lên trong đảng, cũng thua đối thủ Wiley Nickel.
Dân biểu Lauren Boebert (Cộng hòa –Colorado) là người ủng hộ Tổng thống Trump hết mình, đã thua đối thủ Adam Frish, mặc dù ông Trump đã thắng ông Biden hơn 8% tại đơn vị đó.

Bà Kari Lake ở Arizona đã chụp hình cảnh bà đi hút bụi tấm thảm đỏ trước khi ông Donald Trump tới thăm tiểu bang, được ông Trump chọn trong kỳ bầu cử sơ bộ. Nhưng bà vẫn thất cử trước ứng cử viên Dân chủ Katie Hobbs với tỷ số sát nút. Dư luận cho rằng nếu Karrin Taylor Robson, một ứng cử viên Cộng hòa khác tranh cử, thì có thể đã thắng Katie Hobbs.

Trong khi đó, ông Brian Kemp, Thống đốc tiểu bang Georgia và ông Brad Raffensperger, Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang, đã bị ông Trump chống mạnh nhất vì không chịu thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2020, năm nay cả hai đều tái đắc cử.

Nhiều nhà quan sát nghĩ rằng các hoạt động của cựu Tổng thống Trump chọn ứng cử viên theo ý mình có thể khiến nhiều cử tri không ủng hộ những người đó. Những người được ông chọn đều tuyên bố không công nhận ông Biden là Tổng thống. Nếu ông Trump đứng ngoài không can thiệp thì kết quả có thể tốt hơn cho đảng Cộng hòa.

Một người bị ông Trump đả kích ngay trước ngày bỏ phiếu là Thống đốc Ron DeSantis. Ông Ron DeSantis thắng ở Florida vượt qua đối thủ 20%, đặc biệt chiếm được Miami-Dade và Palm Beach là những khu xưa nay dân chúng vẫn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ. Ông sẽ là một đối thủ đáng ngại cho ông Trump khi giành vai trò ứng cử Tổng thống cho đảng Cộng hòa năm 2024. Vì chủ trương chính trị của ông giống như của ông Trump, nhưng với một nhân cách hoàn toàn khác biệt. Năm 2020 ông Trump thắng ở Florida nhưng chỉ hơn ông Biden 3%.

Một cuộc bỏ phiếu quan trọng nhưng ít được dư luận chú ý là việc bầu chọn những viên chức cấp tiểu bang, những người sẽ đếm phiếu và ghi nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2024. Nhiều ứng cử viên công khai phủ nhận kết quả cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống năm 2020; họ có thể quyết định kết quả năm 2024. Trong số đó có ông Matthew DePerno, Cộng hòa, ứng cử chức Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Michigan; nhưng ông đã công nhận mình thất cử trước đối thủ Dana Nessel, đảng Dân chủ. Ông Tim Michels, Cộng hòa, ứng cử viên chức Thống đốc Wisconsin, còn mạnh bạo hơn, ông hứa sẽ xóa bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2020, không công nhận ông Joe Biden đắc cử. Sáng ngày 9 tháng 11, ông Michels đã tuyên bố chịu thua Thống đốc Tony Evers, Dân chủ.

Cuối cùng, cuộc bỏ phiếu ngày 8 tháng 11 đã diễn ra trong trật tự, an toàn. Không có người nào chỉ tố cáo gian lận mà không đưa ra bằng chứng để từ chối không chấp nhận mình bị thua. Không có những cuộc biểu tình phản đối của những người ủng hộ các người thất cử.

Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện sắp tới, những người ủng hộ Tổng thống Trump chiếm đa số. Các Dân biểu Cộng hòa có thể đề nghị xóa bỏ các luật tăng thuế và bảo vệ môi trường. Họ có thể cắt bớt ngân sách của cơ quan Thuế Vụ (IRS), năm 2021 mới được tăng thêm để tuyển thêm 80 ngàn nhân viên. Họ sẽ ngăn cản các chương trình của Tổng thống Biden bằng cách không cấp thêm ngân khoản và không cho chính phủ vay thêm nợ. Nhưng kết quả sau cùng còn tùy thuộc Thượng viện. Dù kết quả việc bầu cử còn chưa ngã ngũ nhưng bao giờ cũng cần có 60 Nghị sĩ ủng hộ thì các Dự luật mới được thông qua.

Tình Hình Chiến Sự:

Nga Phải Rút Khỏi Kherson: Chiến Thắng Ấn Tượng của Ukraine, Một Trang Sử Đen Tối Cho Quân Đội Nga!

(Thụy My)
Vì sao Nga liên tiếp thất bại? Trên thực tế, những cái tát đã nhận được rất sớm, những thành công ban đầu là nhờ tính bất ngờ của cuộc xâm lăng. Ukraine nay giữ thế công, và đang tiến gần đến chiến thắng. Phải rút quân khỏi Kherson, Mạc Tư Khoa sẽ dựng lên câu chuyện yêu chuộng hòa bình - Nga luôn tìm ra một cái cớ đẹp đẽ cho các cuộc rút quân, thực chất là bại trận.

Le Figaro đặt câu hỏi “Tại sao Nga từ bỏ Kherson?” với Cédric Mas - nhà sử học quân sự, Viện trưởng Action Résilience, vốn theo dõi chặt chẽ cuộc chiến Ukraine ngay từ đầu.

Bị Sức Ép Lớn Từ Ukraine, Nga Đành Rút Khỏi Kherson

Ông Mas đồng ý rằng nên thận trọng, chờ đợi sự xác nhận của phía Kyiv, đến khi lực lượng Ukraine được bố trí tại tất cả các vị trí ở tả ngạn sông Dniepr. Tuy vậy cuộc rút quân này đã được chuẩn bị từ lâu. Trước hết quân Nga chuyển đi các vũ khí hạng nặng, rồi phá hủy dần tất cả những gì không mang theo được như cầu, trạm tiếp vận...sau đó dân chúng bị buộc di tản. Một trong những dấu hiệu đáng mừng trong vụ này là việc Nga phá luôn cả những chiếc phà (cho thấy họ không quay lại). Mặt khác việc tiến quân của Ukraine sẽ phức tạp, vì chắc chắn Nga gài lại chất nổ hoặc mìn để làm chậm bước tiến và gây thương vong cho Ukraine.

Tại trọng điểm Kherson, có 20.000 đến 30.000 lính Nga đóng quân với những thiết bị nặng và những đội quân thiện chiến, trong đó có lính dù. Nhưng một số quân nhân này mới đây đã được thay thế bằng lính quân dịch. Nga cho rằng sẽ vô ích khi duy trì một trọng điểm mà không làm được gì. Cần phải chống chọi qua mùa Đông, di tản quân ra khỏi những vùng có thể bị thiệt hại nặng. Đối với quân Nga, bảo vệ tả ngạn sông Dniepr dễ hơn là chiến đấu với dòng sông ở phía sau, trước một quân đội Ukraine không ngừng gây áp lực.

Nếu việc rút quân được xác nhận, có hai điều lưu ý. Trước hết là ưu thế quân sự của Ukraine trước quân Nga, bắt đầu từ trận phản công Kharkiv. Lực lượng Ukraine ngày càng đông hơn và nay có chất lượng tốt hơn. Tiếp đến là tinh thần quân Nga xuống thấp, họ biết rằng chỉ là vật hy sinh nên không muốn chiến đấu. Chính sách do Ðiện Cẩm Linh định ra là giữ những vùng đất chiếm được bằng mọi giá, đã vấp phải bức tường sự thật. Ngay cả nếu muốn giữ, chưa chắc lính tráng đã muốn, thế nên quân đội Nga thà rút lui còn hơn chịu bại trận.

Lại Bại Trận, Putin Có Thể Biện Minh Ra Sao?

Làm thế nào Vladimir Putin có thể biện minh cho thất bại quân sự mới này? Chuyên gia Cédric Mas trên Le Figaro cho rằng rất nên theo dõi xem Nga tuyên truyền như thế nào. Theo ông, Mạc Tư Khoa sẽ dựng lên câu chuyện yêu chuộng hòa bình, mở cửa ngoại giao - một trò giả dối vì chính Nga đã chiếm đóng, lưu đày dân chúng, bạo lực, cướp bóc ở những vùng đất chiếm được. Những từ ngữ và diễn văn loại này sẽ được bộ máy tuyên truyền khai triển rộng rãi, kể cả với người dân và dư luận phương Tây. Họ muốn làm người ta tin rằng Nga vẫn luôn hùng mạnh, muốn gì cũng được ở Ukraine, trong khi những dấu hiệu thất bại ngày càng dồn dập.

Và tại sao Nga liên tiếp bại trận? Trên thực tế, những cái tát đã nhận được rất sớm. Sau khi cố chiếm Kyiv, quân Nga ở miền Bắc và miền Đông phải rút đi vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư để tập trung hoặc tái phối trí. Cuối tháng Sáu, phải rút khỏi đảo Rắn để “tỏ thiện chí”. Mỗi lần như vậy Mạc Tư Khoa đều tìm ra một cái cớ đẹp đẽ cho các cuộc rút quân, thực chất là bại trận.

Ukraine Ngày Càng Chiếm Ưu Thế Trong Thế Công

Cũng theo Le Figaro, những thành công lớn đầu tiên của Nga là nhờ tính bất ngờ của cuộc xâm lăng. Việc chiếm Mariupol, Severodonetsk hay Lyssychansk rất vất vả và phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Quân đội Nga bộc lộ những hạn chế khó thể khắc phục. Tại Kherson, áp lực đã bắt đầu từ cuối tháng Sáu và cuộc phản công khởi sự từ 28/08. Bị đánh ráo riết, buộc lòng phải rút quân là một thất bại mới của Mạc Tư Khoa trước Kyiv, vốn từ lâu đã loan báo mục tiêu tái chiếm Kherson. Điều này có nghĩa là Ukraine duy trì thế công, và dần dà áp đặt được ý định của mình lên đối thủ.

Về tác động quân sự của việc triệt thoái khỏi Kherson, chuyên gia thấy rằng phía Nga bảo tồn được lực lượng, không đến nỗi chạy vắt giò lên cổ như ở Kharkiv. Những đội quân phải vất vả chống đỡ ở phía Bắc sông Dniepr nay chuyển sang phía Nam để tái khai triển tại các mặt trận khác, hoặc dọc theo dòng sông. Ukraine sẽ khó khăn hơn vì phải tấn công vượt sông hay một địa điểm khác của Nga. Tuy nhiên sự kiện này chứng tỏ Ukraine ngày càng chiếm ưu thế, họ nay ở thế công, có thể chủ động chọn lựa địa điểm cho những trận đánh sắp tới, và đang tiến gần đến chiến thắng.

Kherson, Khói Lửa Chiến Trường

Trên thực địa, đặc phái viên Le Figaro thấy rằng “Trên mặt trận Kherson, cuộc tấn công của Ukraine đã mang lại kết quả”. Mới hôm thứ Ba, làng Doudtchani còn chìm trong những ngọn lửa và ầm vang tiếng pháo. Những cột khói lớn bốc lên xung quanh, các drone bay ở tầm thấp, những phi đạn Grad được bắn đi hàng loạt, không khí như có tích điện. Tại một trạm gác, một người lính Ukraine râu ria tiến gần xe của nhà báo Pháp, hét lớn: “Các anh có muốn sống không? Hãy quay lại ngay!”. Họ quay đầu nhưng đường lớn đã bị rào chắn, phải men theo đường đất. Một quân nhân vẻ bơ phờ hỏi xin bánh mì.

Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, một sự im lặng tương đối bao trùm lên Doudtchani. Hôm thứ Tư (10/11), lữ đoàn Bộ binh Cơ giới 60 Ukraine đã chiếm lại ngôi làng nằm cạnh bờ Đông dòng Dniepr, có vài ngàn dân trước chiến tranh, tiến thêm một bước về Kherson. Họ đã giải phóng phần đất phía Nam của làng, chia cắt bởi một nhánh sông, đẩy lùi quân Nga. Ở chiều ngược lại, vài đơn vị Pháo binh tiếp tục tiến về phía Bắc, các toán Bộ binh và công binh phụ trách gỡ mìn, giữ an ninh cho vùng tái chiếm. Nhiều nguồn tin quân sự khẳng định cuộc tấn công Kherson - được chính thức thông báo vào đầu tháng Chín - chừng như đã đạt được thành quả. Hôm qua Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Shoigu ra lệnh rút lực lượng đóng ở bờ Đông Dniepr, tức là có cả thất bại ở Doudtchani vài tiếng đồng hồ trước đó.

Cuộc đột phá vào Kherson diễn ra theo nhiều hướng. Ngắn nhất là Mikolaiv, cảng Hắc Hải mà Ukraine kiên quyết bảo vệ dù Nga oanh tạc hàng ngày. Hướng thứ hai từ Đông-Bắc Kherson, ở bờ Tây sông Dniepr.

Việc tái chiếm Doutchani giúp mở đường sang Berislav cách đó 50 kilomet, ở một ngã tư chiến lược: bên trái là bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập, bên phải là Kherson. Chiếc cầu trên con đường cuối cùng này đã bị Nga đánh sập hôm qua. Trận đánh Doudtchari khá gay go, và một drone đã tấn công vào trạm gác chỉ vài phút sau khi chiếc xe của nhà báo Pháp quay đi, làm nhiều người chết. Người trung sĩ mà phóng viên Le Figaro đã tiếp xúc lo lắng gọi điện để biết còn sống hay không, anh đau buồn vì các đồng đội đã hy sinh.

Thua Trận Kherson: Một Trang Sử Đen Tối Cho Quân Đội Nga

La Croix dẫn lời phát ngôn viên quân khu miền Nam của Ukraine tỏ ra thận trọng trước “hoạt động chiến tranh tâm lý” của Nga, nghi ngờ là một cái bẫy. Tuy nhiên tất cả các nhà quan sát đều không đồng ý. Chuyên gia về quân đội Nga Rob Lee viết trên Twitter “Đó là một chiến thắng ấn tượng của Ukraine. Vấn đề bây giờ là quân Nga làm thế nào có thể rút đi mà không chịu thiệt hại nặng về sinh mạng và thiết bị”. Bởi vì rút quân là một hoạt động nguy hiểm, và nếu thực sự có việc này thì Ukraine nên buộc Nga phải trả một cái giá đắt.

Mục trực tuyến của Le Monde nhận định “Việc rút khỏi Kherson chỉ là một trận đánh thất bại của Nga, nhưng đối với Ukraine là một bước tiến về hòa bình”. Tờ báo nhấn mạnh đó là một cái tát nẩy lửa cả về chính trị lẫn quân sự cho Mạc Tư Khoa. Quân Nga đã cố gắng bảo vệ các vị trí ở phía Bắc Kherson cho tới cùng nhưng lực bất tòng tâm.

Những nhân vật diều hâu trên truyền thông đành dịu giọng ủng hộ “một quyết định khó khăn”. Nay những chỉ trích chỉ có được trên mạng xã hội: “nhục nhã”, “quân phản bội” … và lo ngại cho tương lai của Crimea. Trang web của Courrier International trích ý kiến của các phóng viên Nga chuyên bám theo đoàn quân cho rằng việc phải rút khỏi Kherson là “một trang sử đen tối cho quân đội Nga, một trang bi kịch”, “thất bại quân sự trầm trọng nhất của nước Nga kể từ năm 1991”.

Ukraine Thận Trọng, Phòng Hờ Trước Việc Nga Rút Quân Khỏi Kherson

(Thanh Hà)
Trong cuộc họp chiều ngày 9/11/2022 với tướng Sergueï Sourovokine, chỉ huy trưởng chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serguei Choigu ra lệnh “bắt đầu rút quân” khỏi Kherson bên bờ Tây sông Dniepro, để tăng cường khả năng phòng thủ ở bờ Đông con sông này. Cuối tháng 9/2022 Tổng thống Vladimir Putin vừa sáp nhập Kherson vào Liên Bang Nga.

Kherson nằm sát cạnh bán đảo Crimea mà Nga đã thôn tính từ hồi 2014 và khu vực này được coi là một địa điểm chiến lược ở miền Nam Ukraine.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, Nga rút quân khỏi Kherson sau khi đã di tản 115.000 dân cư trong vùng về phía “bờ Đông sông Dniepr”. Trong cuộc họp được phát trực tiếp trên đài truyền hình với Bộ trưởng Quốc phòng Choigu, tướng Sourovokin nhìn nhận đây là một quyết định “không dễ” nhưng vẫn phải làm để bảo toàn sinh mạng cho các quân nhân Nga.

Hồi tháng 9/2022 Nga đã rút quân khỏi vùng Kharkiv ở phía Đông-Bắc Ukraine. Giới quan sát nói đến một “thất bại quân sự ê chề” của Nga và một thắng lợi to lớn của quân đội Ukraine.

Thế nhưng bản thân chính quyền Kyiv tỏ ra nghi ngờ về ý đồ của Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh phải “rất thận trọng”, có thể đây là chiến thuật để gài bẫy đối phương, như giải thích của thông tín viên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) Stéphane Siohan từ thủ đô Ukraine:

“Từ nhiều ngày qua giới quan sát đã đồn đoán về ý định của quân đội Nga rút khỏi tả ngạn, tức bên bờ Tây sông Dniepro trong vùng Kherson. Đây là nơi diễn ra chiến sự khốc liệt, từ mùa Hè đến nay.

Có nhiều dấu hiệu báo trước Nga thoái lui, thí dụ như việc di tản một số cơ quan hành chính do quân Nga kiểm soát.

Dù vậy chính quyền Ukraine tỏ ra thận trọng. Ông Mykhailo Podoliak, Cố vấn thân cận của Tổng thống Volodymyr Zelensky, tuyên bố ‘chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga rời khỏi Kherson mà không có giao tranh. Một phần lực lượng của Nga vẫn được duy trì trong thành phố’. Viên chức này nói thêm, chừng nào quốc kỳ Ukraine chưa tung bay ở Kherson thì thật vô nghĩa khi nói về việc Nga rút ra khỏi nơi đây.

Dù vậy, tại Ukraine việc Ðiện Cẩm Linh thông báo từ bỏ Kherson cũng được coi như một thắng lợi mới, sau khi Nga đã phải rời khỏi thủ đô Kyiv hồi mùa Xuân vừa qua hay rút khỏi Kharkiv vào mùa Thu này.

Đành rằng có khả năng là Ðiện Cẩm Linh muốn thúc ép Kyiv đàm phán để câu giờ, một số chuyên gia lo ngại đây là một thủ thuật của Nga thu hút quân Ukraine tập trung vào Kherson hay cũng có thể là để Nga củng cố lực lượng tấn công trên những mặt trận khác”.

Mỹ: Nga Thiệt Hại 100.000 Quân Trên Chiến Trường Ukraine

Trong cuộc hội thảo của tổ chức mang tên New York Economic Club, tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley hôm 9/11/2022 cho biết, đã có hơn 100.000 quân nhân Nga thiệt mạng hay bị thương từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine. Phía Ukraine cũng bị thiệt hại tương đương.

Tuy nhiên, tướng Milley tỏ ra tin tưởng vào một giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột, khi mà “một thắng lợi quân sự là điều bất khả thi đối với cả Nga lẫn Ukraine”.


Rút Quân Khỏi Kherson: Một Thất Bại Quân Sự của Nga, Nhưng Ukraine Vẫn Cảnh Giác

(Thanh Hà)

Nga rút quân khỏi Kherson, chiến tranh Ukraine vẫn chưa tới hồi kết. Mạc Tư Khoa tính toán những gì với thông báo rút quân khỏi một địa điểm “chiến lược” sát cạnh bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine? Tại sao Kyiv lo ngại khi quân thù thoái lui?

Mới chỉ 6 tuần lễ trước, Tổng thống Vladimir Putin đã long trọng thông báo Kherson cùng với 3 vùng khác của Ukraine thuộc về Liên Bang Nga. Nhưng đến ngày 9/11/2022 Bộ trưởng Quốc phòng, Serguei Choigu ra lệnh “rút quân” khỏi Kherson. Kèm theo đó là hình ảnh lính Nga phá hủy những cây cầu và một phần cơ sở để “chận đường” quân Ukraine truy kích họ về bên kia bờ sông Dniepr.

Tổng thống Vladimir Putin tới nay vẫn chưa lên tiếng. Nhiều nguồn tin thân cận với Ðiện Cẩm Linh, ngay cả phe “diều hâu” đã nhanh chóng đánh giá đây là một quyết định “sáng suốt” để bảo toàn mạng sống cho các quân nhân Nga.

Trong khi đó truyền thông phương Tây đồng loạt nói đến “thất bại to lớn cả về quân sự lẫn chính trị” của Nga, bởi vì “càng lúc càng khó giữ Kherson trước đà tiến của quân đội Ukraine”. Mất Kherson, hay ít ra là một phần khu vực này, Nga mất ngả tiếp viện cho quân đội.

Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đây là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy “quân đội Nga đang có vấn đề”.

Thế nhưng Kyiv lại tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng Ukraine cần cảnh giác cao độ trước những ý đồ thâm hiểm của “quân thù”, bởi Nga không có một chút “thiện chí” nào qua quyết định quân sự nói trên.

Cố vấn thân cận với Tổng thống Ukraine, ông Podoliak, khẳng định quân Nga vẫn còn hiện diện trong thành phố. Phát ngôn viên bộ tư lệnh Ukraine khu vực miền Nam bà Natalia Gumeniuk báo động đây chỉ là một màn nhằm lôi kéo quân Ukraine vào một tình thế “hiểm nghèo hơn”, tình hình ở Kherson vẫn “chưa ngã ngũ”. Rất nhiều nhà quan sát tại Kyiv cho rằng việc Nga thông báo rút quân khỏi Kherson nhằm “cài bẫy đối phương” nhất là khi mà từ đầu chiến tranh đến nay, lời nói của Mạc Tư Khoa luôn trái ngược với việc làm.

Trên thực tế, Nga chỉ “rút quân” khỏi bờ Tây sông Dniepr, khúc chảy qua thành phố Kherson để tập trung sức lực về phía bên kia con sông là bờ Đông chứ chưa phải là rút lui khỏi toàn bộ vùng Kherson. Chính quyền và giới quân sự Ukraine chưa trông thấy dấu hiệu nào có thể cho là phía Nga đã dễ dàng buông súng trong khu vực này.

Từ nhiều ngày qua Kyiv lo ngại “rơi vào bẫy” của Mạc Tư Khoa bởi vì gài bẫy đối phương là một chiến thuật mà Ukraine cũng là một “cao thủ”. Có lẽ giới lãnh đạo ở Ukraine biết rõ hơn ai hết, ông Putin khó có thể để mất Kherson khi mà Sắc lệnh sáp nhập vùng đất này với lãnh thổ Nga còn chưa ráo mực. Kherson, với 280.000 dân cư trước chiến tranh, là thành phố lớn nhất trong khu vực miền Nam Ukraine và là một chặng thiết yếu trên con đường mở ra hải cảng Odessa bên bờ Biển Đen.

Ngoài ra, từ cuối thế kỷ 18, Kherson đã là biểu tượng của chính sách Đại Nga mà Vladimir Putin hằng ấp ủ và cũng vì muốn mở lại những trang sử huy hoàng từ thời Catherine Đại Đế mà Ðiện Cẩm Linh tiến hành “chiến dịch đặc biệt” xâm chiếm Ukraine.

Vậy thì làm thế nào mà Mạc Tư Khoa với Vladimir Putin và những Cố vấn trong cánh diều hâu nhất lại có thể chấp nhận lùi bước? Làm thế nào để Ðiện Cẩm Linh giải thích với công luận trong nước về một thất bại “quân sự” sau khi đã huy động 300.000 lính dự bị để “bảo vệ tổ quốc”?

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga ẩn chứa một phần sự thật: Quân đội Ukraine với trang thiết bị của phương Tây, mà đứng đầu là phi đạn Himars của Mỹ, càng lúc càng trở nên “lợi hại”. Ukraine tập trung nhắm vào các tuyến đường tiếp liệu huyết mạch cho quân đội Nga ở hai bên bờ con sông Dniepr khiến đối phương càng lúc càng bị “cô lập”. Tình hình đã xấu đi thêm hàng tuần đến nỗi ngày 18/10/2022 phía Nga đã phải “thay đổi chiến thuật”, bắt đầu tính đến chuyện rút quân. Cùng lúc chính quyền thân Nga tại đây viện lý do nhân đạo, di tản hơn 100.000 dân cư.

Trả lời báo Le Figaro, chuyên gia về lịch sử quân đội của Pháp, Cédric Mas, giải thích: bỏ bờ Tây, tập trung về bờ Đông sông Dniepr là một quyết định khôn ngoan, bởi không ai đương đầu với địch trong thế có một con sông ở sau lưng mình. Còn về phía Ukraine thì để tấn công đối phương, sẽ phải vượt qua được con sông. Đó không là chuyện dễ làm.

Hơn nữa, tập trung lực lượng vào một điểm duy nhất cũng là thượng sách, để cho binh sĩ đỡ “vất vả” trong lúc tinh thần các quân nhân Nga không được tốt gì cho lắm.

Điểm thứ ba như nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận: có nhiều khả năng Nga tìm cách câu giờ, cố gắng cầm cự cho qua mùa Đông để chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô vào mùa Xuân sắp tới. Khi đó những tân binh mới vừa bị điều động đã đủ vững vàng.

Vladimir Putin được cho là vẫn còn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và Mạc Tư Khoa vẫn còn có nhiều nước cờ lợi hại trên hồ sơ Ukraine. Sau cùng ngay cả trong trường hợp thực sự bị đẩy vào đường cùng, cả về quân sự lẫn chính trị, thì điều đó lại càng khiến Tổng thống Nga trở nên “nguy hiểm hơn” như Pierre Haski chuyên về địa chính trị trên tạp chí L’Obs và đài phát thanh France Inter đánh giá.

Người Dân Kherson Mừng Rỡ, Hân Hoan Chào Đón Quân Ukraine Tiến Vào Sau Khi Quân Nga Tháo Chạy!


(Hình: Quân Ukraine đang tiến vào Kherson sau khi quân Nga rút lui.)

Quân Ukraine đã được người dân ở trung tâm Kherson vui mừng chào đón hôm 11/11/2022, sau khi Nga từ bỏ thủ đô khu vực duy nhất mà họ chiếm được kể từ cuộc xâm lược vào tháng Hai.

Nga cho biết họ đã rút 30.000 lính sang bên kia sông Dnipro mà không mất một nhân mạng nào, nhưng người dân Ukraine đã kể về cuộc rút lui hỗn loạn mà ở đó quân đội Nga từ bỏ quân phục, vứt bỏ vũ khí và chết đuối khi cố gắng chạy trốn.

Đoạn băng được thông tấn xã Reuters xác minh cho thấy hàng chục người dân Ukraine reo hò và hô vang các khẩu hiệu chiến thắng tại quảng trường trung tâm của Kherson, nơi những người lính Ukraine đầu tiên đến chụp ảnh selfie trong đám đông.

Hai người đàn ông nhấc bổng một nữ quân nhân lên vai và ném cô lên không trung. Một số cư dân quấn cờ Ukraine quanh mình. Một người đàn ông khóc vì vui sướng.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine cho biết Kherson trở lại dưới sự kiểm soát của Ukraine và ra lệnh cho bất kỳ binh lính Nga nào còn lại đầu hàng quân Ukraine.

Người dân địa phương đã đặt cờ Ukraine trên quảng trường khi tin tức về cuộc chiếm đóng kết thúc sau hơn tám tháng được loan ra.

“Vinh quang cho Ukraine! Vinh quang cho các anh hùng! Vinh quang cho đất nước!”, một người đàn ông hét lên trong một đoạn băng khác được thông tấn xã Reuters xác minh.

Khi quân Ukraine tiến lên trong một trong những cuộc rút lui mau lẹ và nhục nhã nhất của Nga trong cuộc chiến, dân làng đã ra khỏi nơi ẩn náu để kể lại quân Nga đã giết dân và cướp bóc như thế nào.

Serhiy Khlan, thành viên của hội đồng khu vực Kherson của Ukraine, cho biết thành phố này hiện gần như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân Ukraine.

Một lượng lớn binh sĩ Nga đã chết đuối trên sông khi cố gắng bỏ chạy và những người khác đã thay quần áo dân sự, ông nói và khuyên người dân không nên rời nhà cửa trong khi giới chức đang tìm kiếm lính Nga còn sót lại.

Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của bộ chỉ huy miền Nam của quân đội Ukraine, cho biết ‘không loại trừ các hoạt động phá hoại của quân Nga trong trang phục dân sự’.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã hoàn tất rút quân khỏi bờ tây sông Dnipro, nơi Kherson tọa lạc, chỉ hai ngày sau khi Mạc Tư Khoa tuyên bố rút lui.

“Không một thiết bị quân sự hoặc vũ khí nào được bỏ lại ở hữu ngạn (phía Tây). Tất cả các binh lính Nga đều vượt qua tả ngạn”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết và nói thêm rằng Nga không bị mất nhân mạng hay thiết bị nào.

Bước tiến của Ukraine diễn ra nhanh hơn nhiều so với các viên chức Ukraine nghĩ chỉ vài tiếng đồng hồ trước đó. Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã nói với thông tấn xã Reuters hôm 10/11 rằng mất ít nhất một tuần để Nga rút khỏi Kherson. Ông ước tính Nga vẫn còn 40.000 quân trong khu vực, và cho biết thông tin tình báo cho thấy quân của họ vẫn ở trong và xung quanh thành phố.

Cố Vấn An Ninh Nga và Iran Thảo Luận Về Tình Hình Ukraine

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tổng hợp tin của các hãng thông tấn quốc tế cho hay hôm 9/11/2022, Cố vấn An ninh Nga và Iran thảo luận về tình hình Ukraine. Đôi bên đặc biệt chú ý đến các biện pháp “hợp tác an ninh” và đối phó với các hành vi “can thiệp của phương Tây” vào công việc nội bộ hai nước.

Theo hãng tin Anh Reuters, thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Nikolai Patrushev, đến Tehran và hội đàm với đồng cấp Iran, Ali Shamkhani. Đôi bên đã trao đổi về các biện pháp hợp tác an ninh và nhằm “ngăn chặn tình báo phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của hai nước”.

Hãng thông tấn TASS của Nga trích dẫn một nguồn tin từ chính quyền Mạc Tư Khoa cho biết thêm, trong cuộc họp hôm nay, hai viên chức của Hội Đồng An Ninh Nga và Iran còn đề cập đến việc đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và thương mại song phương nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bản tin của Nga không đi sâu thêm vào chi tiết.

Thông tấn xã Reuters nhắc lại Nikolai Patrushev là một nhân vật thân tín với Tổng thống Vladimir Putin. Iran và Nga cùng đang bị phương Tây trừng phạt kinh tế.

Chính quyền Kyiv và Âu-Mỹ cáo buộc Iran cung cấp drone cho Mạc Tư Khoa để quân đội Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Cuối tuần qua, Tehran thừa nhận đã cung cấp drone cho Nga, nhưng các thương vụ này đã “diễn ra trước khi chiến tranh Ukraine khai mào”.

Trong khi đó, kênh truyền hình SkyNews của Anh hôm qua tiết lộ Nga đã chuyển 140 triệu Euro tiền mặt và nhiều loại vũ khí đạn dược đến Tehran hồi tháng 8/2022 để đổi lấy drone của Iran. Số tiền đó đã được chuyển tới Iran bằng đường hàng không.

Ukraine Tái Khẳng Định, Không Nhượng Một Tấc Đất ở Miền Đông Cho Nga!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tối 8/11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa tái khẳng định sẽ không nhượng “một tấc đất” trong các cuộc giao tranh với Nga ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Trước đó, ông Zelensky cũng đặt điều kiện tái lập toàn vẹn lãnh thổ trước khi đàm phán hòa bình với Mạc Tư Khoa.

Các cuộc giao tranh hiện diễn ra quanh các thành phố Bakhmut, Soledar và Avdiivka, ở vùng công nghiệp miền Đông. Trong video điểm tin hàng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết “hoạt động của quân chiếm đóng (Nga) vẫn ở cường độ rất cao - có hàng chục vụ tấn công xảy ra mỗi ngày”, nhưng quân Nga “chịu nhiều thiệt hại vô cùng lớn”. Ông tái khẳng định “sẽ không nhượng một tấc đất nào” ở miền Đông.

Trên chiến trường miền Nam, nhiều viên chức địa phương thân Nga cho biết quân Ukraine tiến từ thành phố này sang thành phố khác. Xe tăng của quân đội Ukraine đã vào thành phố Snihurivka, một trong ba mũi tiến công của quân Ukraine, và đẩy quân Nga khỏi khu vực này, theo ông Vitaliy Kim, Thống đốc vùng Mykolaiv lân cận. Tuy nhiên, thông tấn xã Reuters chưa kiểm chứng được thông tin trên.

Chính trường Hoa Kỳ, nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine, có thể thay đổi sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Ngày 8/11, Tổng thống Zelensky kêu gọi người dân Mỹ “duy trì tình đoàn kết không lay chuyển như hiện nay” cho đến khi “tái lập hòa bình” ở Ukraine. Ông cũng cảm ơn “Tổng thống Biden, hai đảng ở Quốc hội và mọi người dân Mỹ” vì sự ủng hộ tài chánh, quân sự và ngoại giao quan trọng cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga ngày 24/2.

Về phía Anh, tối 8/11, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết Luân Đôn đang chuẩn bị gửi thêm cho quân đội Ukraine 12.000 túi đồ chống giá lạnh và 150 lều giữ ấm.

Đến Lượt Thủy Quân Lục Chiến Nga, Tố Cáo Cấp Trên Nướng Quân!

(Thụy My)

Hai thất bại quân sự lớn mới đây khiến trên 500 tân binh uổng mạng và 300 Thủy quân Lục chiến thương vong một cách vô nghĩa trên đất Ukraine, đã gây phản ứng dữ dội tại Nga, kể cả các blogger thân Ðiện Cẩm Linh. Những người sống sót tố cáo cấp trên tìm kiếm huy chương bất kể sinh mạng của lính.

Tuy tựa chính có khác nhau, từ bạo lực của phe sinh thái quá “tả”, vấn đề trợ tử cho đến việc hãng xe Renault tổ chức lại hoạt động, nhưng bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và chiến tranh ở Ukraine vẫn là thời sự quốc tế được chú ý nhất.

Ukraine Trước Chiến Lược “Chiến Tranh Địa Ngục” của Nga

Le Monde chạy tựa trang nhất “Ukraine: Chiến tranh của Nga nhắm vào tâm lý thường dân”: Nếu không thắng được cuộc chiến thì biến chiến tranh thành không thể chịu đựng nổi đối với đối thủ. Hơn 250 ngày sau khi tung ra “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Nga đứng trước thực tế là dù hỏa lực áp đảo và bắt thêm hàng trăm ngàn lính quân dịch, quân đội Nga không thể thắng nổi, ít nhất là trong những tháng tới.

Từ khi chiếm được Severodonetsk rồi Lyssychansk vào đầu mùa Hè ở Donbass, quân Nga không còn tiến lên được chút nào, ngược lại phải vất vả trước lực lượng Ukraine đang dần dà tái chiếm lãnh thổ. Trong tháng Mười, Kyiv đã thu hồi được gần 3.000 cây số vuông ở đông-bắc và miền Nam.

Vladimir Putin bèn chuyển sang tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu để biến cuộc sống người dân thành địa ngục - không điện nước, không lò sưởi. Ông ta cho ồ ạt đánh vào các nhà máy điện, mạng lưới sưởi ấm, thiết bị viễn thông…. Chỉ riêng trong ngày 31/10, có đến 60 phi đạn và drone tự sát ập xuống các thành phố Ukraine, làm hai phần ba dân Kyiv không có nước dùng. Putin hy vọng dân chúng không còn ủng hộ ông Volodymyr Zelensky, và áp lực lên các đồng minh của Kyiv cũng nặng thêm.

Thua Trên Chiến Địa, Mạc Tư Khoa Muốn Gây Thảm Họa Nhân Đạo

Mục tiêu các cuộc oanh kích rõ ràng không phải là quân sự: Lực lượng Ukraine tập trung ở miền Đông và miền Nam, cách xa các thành phố bị oanh tạc. Một chiến lược có thể coi là tội ác chiến tranh, nhưng Tổng thống Nga muốn thường dân Ukraine phải sống khốn khổ, nhất là trong mùa Đông, khi nhiệt độ xuống rất thấp dưới 0°C và đêm dài hơn. Le Monde dẫn lời Bộ trưởng Năng Lượng Ukraine, Herman Halushchenko: “Mục đích của Nga là tạo ra thảm họa nhân đạo và làm cho người dân chúng tôi chết rét”.

Vladimir Putin trông đợi dân chúng đòi hỏi Tổng thống Volodymyr Zelensky phải ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời các đồng minh cũng phải chịu thêm sức ép. Âu Châu buộc phải xuất cảng điện sang Ukraine và đối mặt với làn sóng tị nạn thứ hai, trong khi 7 triệu dân Ukraine đã di tản. Nhiều gia đình thà ra đi một thời gian ngắn còn hơn chịu đựng một mùa Đông không điện nước, lò sưởi, dưới sự đe dọa của phi đạn. Chính quyền Ukraine đã sửa chữa mọi thứ có thể sau các cuộc oanh kích của Nga để tái lập mạng lưới điện nước, nhưng có nguy cơ thiếu phụ tùng vì hệ thống điện có từ thời Liên Xô không tương thích với phương Tây.

Pháp có sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế ngày 13/12 để “giúp Ukraine đối phó với mùa Đông”, nhưng có thể đã trễ. Kyiv không có cách nào khác là trông cậy vào hệ thống phòng không. Đức đã đưa sang giàn phi đạn IRIS-T đầu tiên rất hiệu quả, Hoa Kỳ sắp viện trợ hai giàn Nasams, Pháp cam kết chuyển giao phi đạn Crotale, nhưng vẫn chưa thể đủ. Không có sự hỗ trợ nhiều hơn của phương Tây, mùa Đông sẽ dài dằng dặc và khó khăn cho người Ukraine.

Nga Đánh Phá, Dân Ukraine Giúp Nhau Trong Cảnh Thiếu Điện

Đặc phái viên Le Monde cho hay trong bối cảnh đó, thường dân Ukraine không chịu bó tay mà xúc tiến những hoạt động tương trợ. Chẳng hạn khu phố Podil ở Kyiv từ đầu cuộc xâm lăng đã lập ra nhóm Podolianochka (người Podil), nhằm hướng dẫn cách chế bom xăng ném vào xe tăng Nga, cách mua và bắn súng, mua bộ đàm và pin dự phòng…Sau khi quân Nga rút đi, tinh thần tập thể vẫn tồn tại. Mạng Podolianochka giúp tìm ra thuốc men, vac-xin ngừa cúm, chuẩn bị các căn nhà có lò sưởi kiểu xưa và tích trữ củi, để cư dân có thể tập hợp lại nếu một ngày nào đó hoàn toàn không còn hệ thống sưởi. Do ở gần nhà ga Pasazhyrskyi, họ còn tiếp nhận những khách đi tàu bị kẹt lại vì giới nghiêm.

Một mạng lưới khác trên Telegram, Susitska Slobidka (láng giềng khu phố), từ 300 thành viên đã tăng lên 1.400. Họ thông tin cho nhau về các hầm trú ẩn, chỉ dẫn nơi còn bán đèn cầy hay những sợi cáp dài để câu sang các nhà hàng xóm không có máy phát điện. Việc chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng suông sẻ. Các tình nguyện viên điều hành mạng phải luôn cảnh giác để phát giác và xóa những tin vịt của hacker Nga tung ra nhằm gieo rắc sợ hãi.
Về phía Đô trưởng Vitali Klitschko loan báo chuẩn bị “1.000 địa điểm sưởi ấm” phân bổ trong thành phố, với các máy phát điện và dự trữ nước uống, trong trường hợp thủ đô hoàn toàn không còn điện, nước, hệ thống sưởi.

Tác Động của Mùa Đông Lên Tương Quan Lực Lượng

Đối với quân đội, đứng trước mùa Đông, các chuyên gia đặt vấn đề tác động của thời tiết đối với tính cơ động của xe quân sự và những khó khăn về tiếp liệu. Băng giá xuất hiện ở miền Bắc và những cơn mưa bắt đầu rơi xuống miền Nam Ukraine. Trên lý thuyết, mùa Đông mang lại lợi thế cho quân phòng thủ.

Mưa và bùn lầy làm xe bọc thép khó tiến được, cũng như những khẩu đại bác đặt trên xe, loại Caesar của Pháp; chưa kể dấu vết để lại trên nền đất xốp khiến kẻ thù dễ phát giác. Xe tăng dù có bánh xích cũng khó di chuyển, quân Nga đã phải bỏ lại nhiều chiếc T-72, T-80 trong trận đánh Kyiv. Gió và sương mù làm hạn chế việc sử dụng các drone. Thêm vào đó là hiện tượng “rapoutitsa” biến đường sá thành một biển bùn lầy, quân Nga cố thủ trong các công sự có lợi hơn là Ukraine phải tiến công ở Kherson và Kharkiv.

Nhưng khi thời tiết giá lạnh làm mặt đất đông cứng, xe bọc thép di chuyển được, tương quan lực lượng có thể đảo ngược. Theo nhà nghiên cứu Joseph Henrotin trên Le Monde, quân đội Ukraine được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với lạnh giá. Từ mùa Hè, phương Tây đã loan báo viện trợ các trang phục đặc biệt như áo khoác, găng, nón len, giày bốt.... Gia Nã Ðại hứa tặng 500.000 món, Anh 195.000, Đức vài trăm ngàn.... Ngược lại, những hình ảnh trên mạng cho thấy tân binh Nga phải tự túc trang bị.

Chuyên gia Yohann Michel của IISS nhắc nhở, ở -15°C người lính có nguy cơ chết nếu không mặc đủ ấm và ăn uống đầy đủ, trong khi nhiệt độ có thể xuống đến -20°C thậm chí -30°C tại một số vùng của Ukraine như ở Luhansk. Bên cạnh đó chuỗi tiếp tế của Nga thường xuyên bị Himars tấn công, mà nhu cầu năng lượng của người lính tăng gấp đôi trong mùa Đông, quân Nga cũng biết rằng không thể trông cậy vào dân địa phương để được nuôi ăn như đối thủ. Tuy nhiên, giới quân sự cho rằng phải thận trong vì người Nga quen chịu đựng cái lạnh.

Nga: 500 Tân Binh Bỏ Mạng, 300 Lính Thủy Thương Vong Vô Nghĩa

Ngoài mặt trận, lính Nga tố cáo bị dùng làm bia đỡ đạn, hàng trăm lính quân dịch bị thiệt mạng một cách phi lý. Sau khi Le Figaro hôm qua đưa tin về vụ hơn 500 lính Nga bị đem con bỏ chợ khiến hàng trăm tân binh tử thương, Le Monde số đề ngày hôm nay cho biết tiểu đoàn này có 570 người ở vùng Voronej sát biên giới Ukraine vừa bị động viên, họ bị quăng ra tiền tuyến mà không hề được chuẩn bị.

Bài viết được minh họa bằng hình ảnh thảm thương ít thấy trên báo Pháp: những xác lính Nga bị đồng đội bỏ rơi khi rút lui, nằm đầy trên một con đường ở Lyman (Donbass). Một người lính sống sót kể lại với báo mạng Nga Verstka, sau ba ngày liên tục bị oanh kích bằng pháo, rốc-kết, moọc-chê, trực thăng, cả tiểu đoàn chỉ có 40 người may mắn thoát chết, chỉ huy thì đã chạy mất trước đó. Kênh truyền hình cáp độc lập Dojd đưa ra con số 31 tân binh còn sống. Chủ Nhật (6/11), kênh Telegram Vesti Voronej do Thống đốc vùng Alexander Goussev kiểm soát đưa tin ông này đã gặp gỡ và đối thoại với thân nhân lính quân dịch, nhưng không đề cập đến con số thiệt hại.

Cùng ngày, một lá thư phổ biến trên mạng xã hội, xuất phát từ các quân nhân chuyên nghiệp của lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 155 thuộc hạm đội Thái Bình Dương. Lá thư gởi cho Thống đốc vùng Primorié (cực đông Nga), ông Oleg Kojemiako, cũng được các blogger thân Ðiện Cẩm Linh chia sẻ rộng rãi, cho biết “300 lính đã bị tử thương, bị thương hay mất tích” tại một mặt trận khác ở Tây-Nam Donetsk.

Vừa Gia Nhập NATO: Tân Thủ Tướng Thụy Điển Công Du Thổ Nhĩ Kỳ

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tân Thủ tướng Thụy Điển dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Ankara, thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Stockholm gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong cuộc gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan hôm 8/11/2022, Thủ tướng Ulf Kristersson khẳng định Stockholm nỗ lực chống khủng bố. Tuần sau, Quốc hội Thụy Điển biểu quyết thắt chặt luật chống khủng bố, thỏa mãn một phần đòi hỏi của Ankara.

Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ lực lượng người Kurdistan đòi ly khai. Ankara coi các lực lượng PKK và YPG của người Kurdistan là thành phần “khủng bố”, đe dọa an ninh quốc gia. Đây là lý do vì sao tới nay Tổng thống Erdogan do dự trong việc chấp thuận để hai nước Bắc Âu này gia nhập NATO. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm thông tin:

“Về phía Thổ Nhĩ Kỳ thông điệp đã rõ ràng: Thụy Điển sẽ gia nhập NATO một khi cho dẫn độ những phần tử mà Ankara coi là khủng bố. Điều này không chỉ liên quan đến đảng Lao Động Kurdistan - PKK mà còn bao gồm luôn cả những người trung thành với giáo sĩ Fethullah Gülen. Ông này bị Ankara cáo buộc có dính líu đến cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.

Theo quan điểm của Tổng thống Recep Tayypi Erdogan, đây không đơn thuần là vấn đề về số lượng những kẻ khủng bố mà còn liên quan đến thái độ của Thụy Điển. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: ‘30-70 hay một trăm người: Đó là những chủ đề có thể được thảo luận. Một khi văn bản ghi nhớ được áp dụng đầy đủ, chúng tôi thành thật mong muốn việc Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương được thực hiện’.

Về phần mình, Thủ tướng Ulf Kristersson nhấn mạnh đến quyết tâm của Thụy Điển đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố. Ông nói: ‘Thụy Điển sẽ thực thi tất cả điểm đã cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã thực thi một phần lớn những điểm trong bản thỏa thuận và đang tiếp tục đáp ứng một số điểm khác trong văn bản này.

Từ nay đến cuối năm và đầu 2023, Thụy Điển sẽ có những bước tiến lớn. Chẳng hạn như tăng cường các công cụ pháp lý trong lĩnh vực chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia bất luận đó là những hoạt động khủng bố nhắm vào Thụy Điển hay Thổ Nhĩ Kỳ’.

Bước kế tiếp, đến cuối tháng này, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp nhau tại Stockholm. Bởi vì Ankara không còn phản đối mạnh mẽ việc Thụy Điển gia nhập khối NATO nữa”.

COP27: Các Đảo Quốc Muốn Lập Quỹ Khắc Phục Hậu Quả Vì Biến Đổi Khí Hậu

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 9/11/2022, tại COP27, phái đoàn các nước bắt đầu đàm phán để đạt được một thỏa thuận tham vọng hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điểm chính được đưa vào chương trình nghị sự là thiệt hại mà các nước phía Nam phải gánh chịu vì biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Antigua và Barbuda, đại diện cho các đảo quốc, khẳng định “phải lập một quỹ khắc phục thiệt hại trong hội nghị COP lần này”. Theo thông tấn xã AFP, các đảo quốc cũng muốn đánh thuế các đại tập đoàn dầu khí siêu lợi nhuận để khắc phục hậu quả thiên tai mà họ là nạn nhân chính. Còn Tổng thống Senegal, kiêm Chủ tịch Liên Hiệp Phi Châu, nhấn mạnh “phải tuân thủ nguyên tắc nước gây ô nhiễm phải chi trả”.

Theo một báo cáo thực hiện cho ban Chủ tịch thượng đỉnh COP27 được công bố ngày 8/11, các nước phía Nam cần hơn 2.000 tỉ Mỹ kim hàng năm từ giờ đến năm 2030 để tài trợ cho hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nhiều hồ sơ quan trọng lại bị loại khỏi chương trình nghị sự, theo tường thuật của đặc phái viên RFI Jeanne Richard từ Sharm el Sheikh (Ai Cập):

“Ba vấn đề quan trọng đã bị loại khỏi lịch trình chính thức của các nhà thương thuyết trong COP lần này.

Trước tiên, đó là yêu cầu mạnh mẽ của Liên Hiệp Âu Châu, do Pháp khởi xướng, về tầm quan trọng của việc “xanh hóa” đầu tư tư nhân (đầu tư tư nhân vào lĩnh vực môi trường). Tiếp theo là việc theo dõi những lời hứa được đưa ra năm 2021. Đó là những lời hứa tăng gấp đôi viện trợ giúp nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc theo dõi này do các nước Phi Châu yêu cầu.

Cuối cùng, trong khi chỉ có 29 nước trên tổng số 196 nước thông báo những tham vọng mới về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì nhiều quốc gia, đặc biệt là Thụy Sĩ, yêu cầu những tham vọng mới này phải được công bố hàng năm như các nước đã cam kết trong hội nghị lần trước.

Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán không chính thức, các nước tiếp tục vận động để những điểm này được đưa vào tuyên bố cuối cùng của COP 27. Họ không từ bỏ ý định là phải đạt được những tiến bộ từ nay đến cuối hội nghị”.

Cam Bốt Thắt Chặt An Ninh Tại Nam Vang Trước Ngày Họp Thượng Đỉnh ASEAN

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay các cuộc họp thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) lần thứ 40 và 41, cùng với các cuộc họp liên quan khai mạc vào thứ Năm, 10/11/2022, tại thủ đô Nam Vang của Cam Bốt.

Từ nhiều ngày qua, chính quyền Cam Bốt đã tăng cường bảo vệ an ninh cho các cuộc họp thượng đỉnh này. Từ Nam Vang, đặc phái viên Thanh Phương tường trình:

Không phải trong những ngày gần đến thượng đỉnh ASEAN, mà ngay từ ngày 18/10/2022, cảnh sát Cam Bốt đã bắt đầu có những hoạt động nhằm tăng cường an ninh, trật tự công cộng và an toàn tại Nam Vang.

Để bảo đảm an ninh cho các đại biểu khi họ vừa đặt chân đến Cam Bốt, Lữ đoàn 70, một đơn vị tinh nhuệ của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cam Bốt đã được khai triển ngay tại Phi trường Quốc tế Nam Vang. An ninh càng được thắt chặt tại phi trường hôm 9/10 vì có nhiều lãnh đạo ASEAN đến để chuẩn bị dự họp ngày mai. Hơn nữa, dự thượng đỉnh lần này còn có Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với lãnh đạo các quốc gia quan trọng khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn.

Trên đường từ phi trường đến khách sạn Sokha Phnom Penh, nơi diễn ra thượng đỉnh ASEAN, mỗi ngã tư đều có những toán binh lính cùng với cảnh sát canh gác cẩn mật. Còn tại nơi diễn ra thượng đỉnh, quân đội đã khai triển nhiều xe thiết giáp trấn giữ cùng với các lực lượng đặc nhiệm.

Tổng cộng, chính quyền Cam Bốt huy động khoảng hơn 12 ngàn cảnh sát và binh lính để bảo đảm an toàn cho các phái đoàn dự thượng đỉnh ASEAN, cũng như cho gần 2.000 phóng viên, bao gồm nhà báo của Cam Bốt và nhà báo từ 30 nước đến Nam Vang để đưa tin về thượng đỉnh.

Ngay từ ngày 17/10, Đô trưởng Nam Vang, Khuong Sreng, đã triệu tập một phiên họp, chỉ thị cho lực lượng cảnh sát mỗi ngày phải tiến hành khám xét để phát giác vũ khí, chất nổ cất giấu tại những khu vực “nhạy cảm” ở thủ đô, nhất những khu vực gần nơi phái đoàn các nước lưu trú trong thời gian thượng đỉnh.

Chính quyền thành phố Nam Vang cũng đã ra lệnh cấm các cuộc biểu tình trong thời gian diễn ra các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN. Cụ thể, họ đã yêu cầu các nhân viên của công ty giải trí NagaWorld, đang tranh chấp lao động với chủ, tạm thời ngưng các cuộc tập hợp phản đối ở những nơi công cộng trong những ngày này.

Ngoài ra, xe cộ sẽ bị cấm lưu thông trên một số trục lộ trong thủ đô Cam Bốt gần nơi diễn ra hội nghị. Không những thế, chính quyền còn yêu cầu các xe cứu thương ở Nam Vang không được hụ còi trong những ngày này để không ảnh hưởng đến công việc của lực lượng an ninh.

Tổng Thống Phi Luật Tân Marcos Sẽ Nêu Tình Hình Miến Ðiện Tại Thượng Đỉnh ASEAN


(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr.)

MANILA (VOA) - Hôm 9/11/2022, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr cho biết tình hình ở Miến Ðiện sẽ nằm trong một số vấn đề sẽ được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, theo thông tấn xã Reuters.

Tổng thống Marcos cho biết trong một bài phát biểu trước khi khởi hành đến Cam Bốt, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN: “Chúng tôi cũng sẽ nêu các vấn đề khu vực như đại dịch và tình hình ở Miến Ðiện, diễn biến ở Biển Đông và cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine cùng những vấn đề quan trọng khác”.

Ngôi Sao Bóng Rổ Mỹ Griner Bị Chuyển Đến Trại Tù Hình Sự ở Nga


 (Hình: Cô Brittney Griner, ngày 26/7/2022.)

- Tuần trước, chính quyền Nga đã chuyển ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner từ một trung tâm giam giữ bên ngoài Mạc Tư Khoa và cô hiện đang trên đường đến một nơi giam giữ tội phạm hình sự không được tiết lộ, thông tấn xã Reuters dẫn lời nhóm Luật sư của cô cho biết hôm 9/11/2022.

Người từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic bị bắt vào ngày 17/2 - một tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine - tại một phi trường ở Mạc Tư Khoa, nơi cô bị phát giác có mang theo hộp chứa dầu cần sa, loại bị cấm ở Nga, trong hành lý.

Cô Griner, 32 tuổi, bị kết án 9 năm tù vào ngày 4/8 vì tội tàng trữ và buôn lậu ma túy. Cô nhận tội, nhưng nói rằng cô đã phạm một “sai lầm trung thực” và không có ý vi phạm pháp luật.

Nhóm pháp lý của cô cho biết trong một tuyên bố rằng cô đã bị chuyển từ một trung tâm giam giữ gần thủ đô của Nga vào ngày 4/11 đến một trại tù hình sự, nhưng cả vị trí hiện tại và điểm đến sắp tới của cô đều không được biết.

Theo các thủ tục của Nga, các Luật sư của cô và Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ sẽ được thông báo khi cô ấy đến trại giam, nhưng sẽ mất đến hai tuần để điều đó xảy ra.

Việc chuyển đến các trại tù hình sự có thể tốn nhiều thời gian vì các nhóm tù nhân được tập hợp và chuyển đến các địa điểm khác nhau trên khắp đất nước lớn nhất thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chỉ đạo chính quyền của ông “yêu cầu những nơi giam giữ cô ở Nga cải thiện việc đối xử với cô và các điều kiện mà cô có thể bị buộc phải chịu đựng trong tù”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 9/11 rằng cô Griner đang bị chuyển đến một “trại tù hình sự xa xôi” và cho biết Hoa Kỳ mong nhà chức trách Nga cho các viên chức Tòa Ðại sứ của Mỹ quyền thăm gặp cô Brittney và những người Mỹ khác bị giam giữ ở Nga.

Các Luật sư của cô Griner vẫn chưa cho biết liệu họ sẽ tìm cách kháng cáo thêm nữa đối với bản án của cô hay không sau khi một tòa án Nga bác bỏ một kháng cáo vào ngày 25/10.

Facebook Sẽ Cắt 11.000 Việc Làm


(Hình: Logo của Meta.)

Hôm 9/11/2022, Meta Platforms Inc, công ty mẹ của Facebook, cho biết họ sẽ cắt giảm hơn 11.000 việc làm, tương đương 13% lực lượng lao động, trong một trong những đợt sa thải lớn nhất trong năm do Meta phải xoay sở với chi phí tăng cao do kế hoạch tiến mạnh vào không gian ảo (metaverse) trong bối cảnh thị trường quảng cáo yếu kém, theo thông tấn xã Reuters.

Việc sa thải hàng loạt này, lần đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta, theo sau hàng ngàn vụ cắt giảm việc làm tại các công ty kỹ thuật lớn khác bao gồm Twitter thuộc sở hữu của Elon Musk và Microsoft Corp.

Giai đoạn bùng phát trong thời gian đại dịch đã thúc đẩy các công ty kỹ thuật phát triển mạnh, và giá của các công ty này bị điều chỉnh lại trong năm nay trong tình hình lạm phát cao so trong hàng thập kỷ và lãi suất tăng nhanh.

Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg cho biết trong một thông điệp gửi tới nhân viên: “Không chỉ thương mại trực tuyến đã trở lại với xu hướng trước đây, mà kinh tế vĩ mô suy thoái, cạnh tranh gia tăng và quảng cáo báo hiệu thất thoát đã khiến doanh thu của chúng ta thấp hơn nhiều so với dự kiến”.

“Tôi nhận sai, và tôi xin chịu trách nhiệm về điều đó”, ông Zuckerberg nói thêm.

Công ty cũng có kế hoạch cắt giảm chi tiêu và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng đến hết quý đầu tiên.

Cho đến nay những lo ngại về việc chi tiêu mạnh tay đã làm mất đi hơn 2/3 giá trị thị trường của Meta trong năm nay.

Meta sẽ trả 16 tuần lương cơ bản và 2 tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc, cũng như trả lương cho tất cả ngày phép chưa dùng như một phần của gói thôi việc, công ty cho biết.

Các nhân viên bị ảnh hưởng cũng sẽ nhận được cổ phiếu của họ vào ngày 15/11 và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trong 6 tháng, theo Meta.

Công ty không tiết lộ khoản phí chính xác cho việc sa thải, nhưng cho biết con số này đã được bao gồm trong dự toán chi phí năm 2022 được công bố trước đó là từ 85 tỉ đến 87 tỉ Mỹ kim.

Tính đến cuối tháng Chín, Meta có 87.314 nhân viên.

Bộ Công Thương: Xăng Có Thể Tăng 100.000 Đồng/Lít Chỉ Là Tin Đồn


(Hình: Người dân chen lấn mua xăng.)

- Đại diện Bộ Công thương vừa lên tiếng bác tin đồn, đang lan truyền trên mạng xã hội, về việc giá xăng dầu có thể tăng lên đến 100 ngàn đồng/lít.

Đại diện Bộ Công thương nói trên tờ Vietnamplus trong ngày 9/11/2022 rằng những thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là không có căn cứ và khẳng định tin giá xăng có thể tăng lên 100 ngàn đồng chỉ là thông tin đồn đoán.

Cũng theo Bộ Công thương, hiện liên bộ Công thương và Tài chánh đang phối hợp rà soát, tính toán để điều chỉnh mức chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Vừa qua, Bộ Tài chánh đã có công văn gửi Bộ Công thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu; đồng thời, đề nghị thời gian thực hiện nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11/2022. Ngoài ra, Bộ Tài chánh cũng thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ ngoại quốc về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập cảng cũng như tính các chi phí phát sinh thực tế trong việc đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng.

Theo Bộ Công thương, nếu các điều chỉnh trên được thực hiện, các doanh nghiệp sẽ được cập nhật chi phí phát sinh trong giá bán để tháo gỡ khó khăn.

Hôm đầu tháng 11, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng bán lẻ tại thị trường Việt Nam vẫn vượt ngưỡng 22.750 đồng/lít. Liên tiếp trong nhiều tháng gần đây, các cây xăng tại nhiều tỉnh, thành đều giăng bảng ngừng bán hoặc bán nhỏ giọt. Lý do các chủ xây xăng đưa ra là do kinh doanh thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí.

Một cửa hàng bán xăng tại Hà Nội trong ngày 6/11 đã ngừng bán và trả lại giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho Sở Công thương.

Nhiều người dân Hà Nội cho biết họ đã chứng kiến cảnh vật vã giữa đêm xếp hàng đong xăng tại Sài Gòn và các tỉnh, thành phía Nam, giờ đến phiên họ phải “cầu cứu” vì không có xăng để đổ.

Trước tình trạng khan hiếm xăng, hàng loạt kiểu mua, bán xăng lẻ (kiểu cục gạch) đua nhau mọc lên. Bộ Công thương hôm 4/11 ban hành chỉ thị yêu cầu quản lý thị trường ngăn chặn, giải quyết các hành vi găm hàng, bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai, v.v…. Tuy nhiên ba ngày sau đó, Bộ này đã lên tiếng với truyền thông đính chính, chỉ thị trên chỉ nhằm giải quyết các hành vi bán xăng dầu qua trụ bơm lắc, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai của người dân.

Bộ Tài Chánh Quyết Định Tăng Định Mức Chi Phí Đưa Xăng Dầu Từ Ngoại Quốc Về Việt Nam


(Hình: Khách hàng mua xăng tại một cây xăng ở Hà Nội hôm 10/3/2022.)

- Chi phí định mức đưa xăng dầu từ ngoại quốc về Việt Nam sẽ được tăng từ 60 đến 660 đồng một lít, tùy loại sản phẩm, bắt đầu từ ngày 11/11/2022, theo quy định mới của Bộ Tài chánh.

Theo truyền thông nhà nước, quy định này được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo thông báo mới của Bộ Tài chánh, định mức chi phí này đối với xăng E5RON92 sẽ tăng thêm 290 đồng/ lít thành 640 đồng/lít, xăng RON95 là 560 đồng/ lít lên thành 1.280 đồng/ lít. Mức tăng cao nhất là đối với dầu hỏa, tăng thêm 660 đồng/lít thành 1.740 đồng/lít.

Riêng đối với premium trong nước, Bộ Tài chánh xác định không phát sinh đột biến như chi phí đưa xăng dầu từ ngoại quốc về Việt Nam. Bộ này cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá định kỳ vào cuối năm 2022 và thông báo áp dụng vào ngày 10/1/2023.

Nhiều tỉnh thành ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm xăng. Một trong các nguyên nhân được các thương nhân bán xăng dầu đưa ra là mức chiết khấu thấp, thu không đủ bù chi.

Trong một giải trình trước Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chánh Hồ Đức Phớc cho biết nhu cầu xăng của Việt Nam là khoảng 19,2 triệu tấn một năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập cảng không đạt kế hoạch đề ra. Trong quý ba, nhập cảng xăng dầu giảm 35-40% nên vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Không có nhận xét nào: