Buổi tối sau khi cơm nước xong xuôi cả nhà ngồi quanh chiếc bàn gỗ đỏ hình chữ nhật sơn vẹc-ni bóng láng, ở giữa đặt một cây đèn dầu ống khói dài có đế cao bằng thủy tinh màu xanh nước biển. Ba ngồi ở đầu bàn phía trong vách nói với mẹ vừa đủ nghe:
– Em lo thu xếp vài ngày nữa chuyển hết gia đình về Mỹ Tho.
– Sao gấp vậy?
– Anh đã xin được một căn nhà trong trại lính ở dưới đó.
Mẹ yên lặng không nói gì thêm. Mấy năm nay đã quen di chuyển cứ 6 tháng môt lần. Ba đổi đi đâu, Mẹ đem gia đình đi theo đó. Kỳ nầy chưa đầy 3 tháng lại đi, hơn nữa Ba mới xin được căn nhà trong dinh quận Cái Bè.
Cũng là khu trại lính nhưng ở đây khang trang hơn, nhà ngói nền gạch nung màu đỏ liền vách bằng gỗ, một dãy dài 10 căn dành cho gia nhân và lính gát trong dinh. Ông Đội Chánh còn cho Mẹ biết rằng sắp có lệnh mới, các đơn vị đóng ở đâu cố định ở đó không di chuyển nữa. Mẹ mừng lắm, nhất là khi xin được nhà ở đây.
Dinh quận Cái Bè xây theo kiểu dinh thự 2 tầng của người Pháp, mặt tiền hướng ra bờ sông thoáng mát. Đường xá khang trang sạch sẽ, hai bên trồng hai hàng phượng đỏ rực. Bến nước phía trước dinh có bờ kè làm bằng xi măng trộn đá sỏi xây thành bực cấp dài có thể ngồi trên bờ thả chân xuống bậc cấp mà nhìn ra mặt sông gợn sóng lục bình trôi.
Mẹ tiếc mà anh em tôi cũng tiếc vì hồi đó chưa đi học nên buổi trưa thường hay theo tụi nhỏ trong dinh rong chơi dọc theo bờ sông. Có hôm còn ra tới gần cua quẹo trên đường ra cầu sắt nơi có xe thùng của ông Tàu già rao bán “tậu phọng dan.” Sau đó xuống sông gần bờ lội về trước cửa dinh. Hôm nào Mẹ bắt gặp là bị dẫn về nhà nằm cúi xuống đi-văng chờ nhịp roi. Đứa nào đau khóc nhiều thì Mẹ ngưng còn đứa nào mím môi không khóc là Mẹ quát “lì lợm” và nhịp tiếp đủ 10 roi cho chừa. Hứa chừa như sáo nhưng làm sao chừa được. Đường bờ sông gió mát cảnh vật nên thơ hữu tình. Thích lắm.
Ba mướn xe đò chở hết đồ đạc về Mỹ Tho. Trên đường đi xe ghé đậu ở ngoài ngã tư Cai Lậy, Mẹ dẫn hết 3 anh em tôi vào nhà Ngoại ăn cơm, chơi chút chờ bớt nắng rồi mới ra xe về thẳng trại lính Police Communale tỉnh Mỹ Tho.
Lúc bấy giờ, hiệp định Genève vừa mới được ký kết chừng vài tháng, đa số các cơ sở do người Pháp quản lý nay được chuyển giao toàn bộ lại cho chính quyền Quốc Gia. Trại lính Commandos to lớn bề thế 3 dãy nhà lầu 2 tầng hình chữ U trở thành trường Tiểu học Trương Công Định. (sau này đổi là trường Nam Tiểu Học) Trại lính Police Communale được đổi tên thành Cư xá Cảnh Sát Hương Thôn gồm 2 dãy nhà ngói lót gạch nung màu đỏ, mỗi căn được ngăn vách chia làm đôi cho 2 gia đình cư ngụ, xung quanh còn đất trống được cất thêm nhiều dãy nhà lá chạy dọc theo đường Ngô Quyền.
Điều đầu tiên khi về tới đây là lúc qua cổng chừng vài chục mét, trên 1 khu đất trống phía bên trái là 1 vòi phông-tên (fountain) bằng sắt cao cỡ 1 mét đặt trên nền xi măng mỗi bề vuông vức chừng 2 mét vuông. Lần đầu tiên tôi thấy và biết chỗ bơm nước máy.
Về cư xá được vài ngày thì khó khăn nhất cho chúng tôi là đi vệ sinh. Toàn khu chỉ có một dãy nhà lá cất cao lêu khêu theo kiểu nhà sàn chừng 10 căn nhỏ dùng vách lá chung quanh có cầu thang bắt ván đi lên. Phía dưới là các thùng gỗ để đựng phân người. Mỗi ngày có 2 chuyến sáng tối lao công sở rác đem xe thùng đến lấy phân đem đi đổ ở đâu thì không biết. Chỉ biết sau nầy mỗi lần làm biếng học hành thì Mẹ thường hay răn đe:
– Không ráng học giỏi sau nầy lớn lên đi đổ xe thùng.
Sợ thiệt!
Trước đây ở các khu thị tứ Cái Bè, Cai Lậy có đông dân cư sinh sống nhưng vẫn còn đất trống và thường hay nằm sát bờ sông, rạch nên người ta cất những căn nhà chòi đi vệ sinh ở các ao đìa nuôi cá tra, còn nhà tiêu công cộng thường cất hàng dãy nằm ở bờ sông nên tương đối dễ thở hơn.
Được vài năm trong cư xá còn khổ hơn. Ban quản lý cho dở phá dãy nhà vệ sinh cũ xây nhà cầu mới chỉ có ba phòng vệ sinh liền nhau bằng tường trét xi măng lợp tôn, bên trong đặt bàn cầu ngồi dành cho cả nam lẫn nữ. Bên cạnh lối đi vào sát đầu căn có một thùng phuy nước, bên cạnh có máng một cái thau nhỏ. Cứ mỗi lần ai đi xong thì ra múc nước trong thùng dội xuống cầu. Dơ thúi chịu không nổi. Cư xá hơn cả trăm người mà xử dụng ngày cũng như đêm chỉ có 3 gian nhà cầu.
Chừng vài tháng có lao công vệ sinh đến múc phân sền sệt dưới hầm cầu lên trải dàn ra phía sau đám đất rộng ăn thông ra tận phía sau Ty cấp thủy đường ÔB. Nguyễn Trung Long. Giữa trưa trời nắng gắt, Ba chở xe đi học, khi đi ngang qua nhìn thấy 2 mẹ con, đứa bé gái trạc chừng 10 tuổi mặc quần áo đen đang dùng thùng có quai múc phân dưới hầm lên mà vừa sợ vừa thấy tội nghiệp. Tôi hỏi Ba:
– Hôi thúi sao chịu nổi Ba?
– Làm riết quen không thấy mùi hôi thúi nữa.
Được vài năm dãy nhà lá nằm đối diện với nhà Dưỡng lão được giải tỏa để xây cất trường Nữ trung học, một số gia đình di dời vào phía trong và được phép cất nhà riêng nằm chen lẫn giữa khu trường Nữ trung học và trường Nam tiểu học, chạy cặp theo sau lưng là trường bán công Thiên Hộ Dương.
Nhà cửa trong cư xá chật chội chen nhau không theo một hình thể nào cả cho nên cống rảnh nước dơ đen ngòm chảy lòng vòng trước các hiên nhà ra tới miệng cống nhỏ sát bên hẻm trường Nữ Tiểu Học. Mùi hôi thúi xông lên quanh năm suốt tháng không lúc nào ngừng. May là còn có những trận mưa lớn đẩy nước cống đi xa và không khí trong lành chỉ được trong mấy ngày mưa.
Đường vào cư xá Cảnh Sát Hương Thôn nằm đối diện xéo với cổng chùa Phật Ân, bên hông phía trái là tư thất của ông Phó Nội An. Đến những năm cuối thập niên 50, trường Nữ trung học Mỹ Tho đổi tên thành trường Lê Ngọc Hân và xây thêm một dãy lầu (cù lao) phía sau tư thất của ông Phó Nội An, các dãy nhà lợp tole mới cất lại bị giải tỏa, các gia đình lại di dời về khu Cư xá Nguyễn Huỳnh Đức mới xây ở khu vực Chợ Cũ đường vô Chùa Vĩnh Tràng. Tuy đã sát nhập thành Cảnh Sát Quốc Gia, nhưng bảng tên Cư Xá Cảnh Sát Hương Thôn ở đường Ngô Quyền tuy đã bạc màu vàng thếch vẫn còn được giữ nguyên cho đến thời Đệ nhị Cộng hòa.
Sinh hoạt trong cư xá rất vắng lặng, người lớn hầu như đi làm cả ngày, trẻ con không có sân chơi nên ngoài giờ đi học đều ở trong nhà. Chỗ chơi duy nhất là sân cát trước nhà Tiên Sư thờ các tử sĩ Cảnh Sát Quốc Gia. Rộng lớn hơn ở bên kia đường đối diện với cư xá là sân chùa Phật Ân, còn buổi chiều tối là sân cát trường Lê Ngọc Hân. Do đó mà đa phần cha mẹ của các trẻ nhỏ trong cư xá đều cho con cái gia nhập Gia đình Phật tử để sinh hoạt cuối tuần ở chùa Phật Ân.
Đến khoảng vào đầu năm 1960 khi cư xá công chức rất khang trang được xây giáp ranh phía sau chùa Phật Ân và mặt tiền hướng ra đường Nguyễn Trãi có lối đi vào nằm cạnh trụ sở Liên đoàn Lao công Việt Nam với phù điêu phía trước cổng hình đầu trâu thì một số gia đình trong cư xá mới bắt đầu di dời sang bên đó hoặc ra ngoài ở các khu vực khác. Trường Lê Ngọc Hân bắt đầu xây cất rộng ra và mọi người đồn đại với nhau là khu cư xá sẽ bị giải tỏa cho nên các chủ nhà trong cư xá bắt đầu ra ngoài và sang nhượng nhà lại cho người dân, thường là dân quê tị nạn ra thành phố sinh sống.
Vài năm sau, khi trường Lê Ngọc Hân xây tường rào hẳn hoi và thị xã qui hoạch cư xá thành khu dân cư sinh sống chính thức thì dân tứ xứ đổ về đây bắt đầu đông đúc cho nên các Liên gia trưởng vẫn là các ông Ách Được, Ách Giáo, Đội Chánh... huy động đóng góp tiền của để xây hệ thống cống xi măng và hệ thống cầu tiêu tự hủy từng gia đình cũng như chuyền ống nước máy tới từng gia đình không còn đi gánh nước ở phông-tên nữa.
Đúng vào lúc đó thì chính biến ngày 1 tháng 11 xảy ra. Ba tôi bị kết tội theo đảng Cần Lao nên đã bỏ xứ trốn ra Đà Lạt. Nhà cửa bị tịch thu và gia đình tứ tán ra khỏi cư xá từ đó.
Năm 1969 tôi có trở lại xóm cũ xin Bác Giáo cấp lại bản sao tờ khai gia đình trước đây để bổ túc hồ sơ đi học tại Sài Gòn. Đa phần nhà cửa bây giờ đã xây tường lợp mái tole, đường hẻm đã tráng xi măng sạch sẽ. Bạn bè anh em trước đây trong cư xá cũng tản lạc đi khắp nơi đa số là vào lính. Một số ít còn đi học tiếp tục trên đại học
oOo
Thế rồi thế sự thăng trầm, vật đổi sao dời. 25 năm sau, một sự tình cờ xảy ra, tôi đang bị giam ở P15 (Cơ quan chấp pháp, Công an Tiền Giang) với tội danh tổ chức vượt biên.
Trong quá trình làm việc với cán bộ trại giam tôi đã khai đầy đủ việc tổ chức vượt biên, về người, ghe tàu cũng như tiền, vàng. Sau 6 tháng bị giam để lấy cung đầy đủ tại cơ quan chấp pháp, vụ án coi như gần kết thúc và sẽ được đưa xuống khám đường chờ chuyển đi trại cải tạo Mỹ Phước (Vườn Đào) để thi hành án.
Trước khi di chuyển mấy hôm thì cán bộ an ninh ở P12 xuống chấp pháp làm việc tiếp. Nhưng lần nầy không phải vụ vượt biên mà là vụ việc khác. Cán bộ xưng tên và bất ngờ hỏi ngay:
– Anh có biết anh Vĩnh học QGHC với anh không?
– Thưa cán bộ, tôi có biết anh Vĩnh.
– Tôi muốn biết hoạt động của Anh Vĩnh sau ngày 30 tháng 4.
Lúc bấy giờ tôi biết ngay là cán bộ an ninh muốn tìm thêm một số chi tiết ngoài vụ án. Có thể từ lời khai nầy mà lần ra những manh mối vụ án khác.
Tối hôm ấy trở về phòng giam chờ ngày mai sẽ làm việc với cán bộ an ninh, tôi suy nghĩ rất nhiều điều và chuẩn bị sẽ khai những điều gì mà mọi người đã biết và điều gì không nên nói ra. Vì không cẩn thận mình sẽ vướng thêm tội và có thể chuyển vụ án vượt biên đi theo chiều hướng khác. Bản án sẽ nặng hơn. Hình ảnh xóm cũ lại hiện về.
Trong xóm cư xá, tôi có nhiều bạn cùng trang lứa nhưng chơi thân với nhau hơn hết là Vĩnh và Nhiều. Lúc lên 10 tuổi tôi đã biết chơi cờ tướng. Có những buổi trưa sau khi làm hết việc Mẹ giao, còn chút thì giờ rảnh tôi thường hay đến nhà bạn Nhiều ở gần hẻm trường Nữ Tiểu Học ra ngoài sau chái lá chơi cờ tướng với nhau. Hắn rất thông minh, học ít mà nhớ nhiều. Sau nầy 2 đứa cùng lên học ở Trường Luật Sài Gòn, cuối tuần nào cũng cùng về Mỹ Tho vì ghiền cà phê ở quán “Mây Chiều.” Sau khi đậu chứng chỉ năm thứ nhất, hắn không học tiếp lên nữa mà lại thi vào trường Sĩ quan Hải Quân và được gởi sang Mỹ du học.
Năm 1974 hắn bị trọng thương trong trận chiến Hoàng Sa với Trung cộng, nhưng không bị bắt và đem được tàu về tới Sài Gòn. Bạn bè gặp nhau thường hay gọi hắn là “người anh hùng” Hoàng Sa. Hắn chỉ im lặng không biết có chịu hay không, nhưng 2 đứa con trai của hắn đều được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong 3 đứa bạn chơi thân với nhau đều ốm nhách, Vĩnh là đứa nhỏ nhắn hơn hết. Hắn ít tham gia vào các trò chơi con nít. Lúc còn là học sinh Trung học hắn đã tham gia tích cực vào đoàn công tác “Văn Sinh Đất Lành” đi dọn vệ sinh cuối tuần khắp thị xã Mỹ Tho, đặc biệt là thường hay về khơi cống ở xóm cũ. Tổ chức nầy do ông Phó quận Châu Thành, Định Tường thành lập và bảo trợ. Ngoài công tác xã hội như trên đoàn “Văn Sinh Đất Lành” còn tổ chức những buổi ca nhạc hay sinh hoạt cắm trại cho thanh thiếu niên và học sinh trong tỉnh.
Sau nầy lên Sài Gòn tôi và Vĩnh cùng ở chung trong Đại Học Xá Minh Mạng, khu sinh viên “gốc người Mỹ Tho.” Và sau đó cùng thi đậu vào Học Viện QGHC, cư ngụ trong Ký Túc Xá. Ra trường 2 đứa, kẻ trước người sau đều phục vụ ở các tỉnh miền cao nguyên.
Vĩnh tham gia hoạt động chính trị từ rất sớm, năm 20 tuổi hắn đã là đảng viên của một đảng phái quốc gia đang lên lúc bấy giờ ở miền Nam. Cùng mang hoài bảo cách mạng xã hội như nhau, chúng tôi trong thời sinh viên thường hay tham gia vào các đoàn thể xã hội, tôn giáo hay các phong trào cải tiến dân sinh nhưng để hoạt động chính thức trong các đảng phái chính trị thì rất ít.
Sau ngày 30 tháng 4, Vĩnh đi cải tạo theo diện viên chức chế độ cũ và khi được thả về quản chế tại Mỹ Tho. Chúng tôi, anh em QGHC thỉnh thoảng có gặp nhau và toan tính tìm đường vượt biên. Tôi không biết rõ hoạt động của Vĩnh sau ngày miền Nam sụp đổ. Tôi chỉ biết hắn có tên trong vụ án “Sư Đoàn Tiền Giang” qua tường thuật của báo chí tại địa phương.
Hai anh em Trương văn Thân và Trương văn Dậy lãnh mức án tù 10 năm và 20 năm khổ sai. Hoàng văn Ngãi lãnh án tử hình. Ngoài phiên tòa công khai còn có án xử kín tử hình bao nhiêu người thì không ai biết. Ngoài ra còn có đông người bị bắt nguội và xử án ngầm cũng không có công bố, trong số bị bắt có các ông Lê Tấn Trạng, Ngô ngọc Vĩnh... Tôi chỉ biết như vậy thôi.
Cán bộ hỏi:
– Anh có biết xóm cư xá của anh là sào huyệt của “Sư Đoàn Tiền Giang” không?
– Thưa không.
– Anh có biết anh em Minh, Mông, Chí, Nga ….?
– Thưa tôi có biết lúc còn nhỏ, nhưng đã rời cư xá từ năm 1963 nên tôi không biết rõ về sau nầy.
– Xóm của anh toàn là “anh hùng.”
– Thưa tôi không biết.
Nhưng thật ra tôi biết và nhớ hết. Họ là con lính và lớn lên đi lính như bao người dân miền Nam khác. Họ lớn lên ở những khu vực nghèo nàn thiếu thốn như hầu hết ở các trại gia binh. Tuy ít ỏi nhưng họ đã sống và được hưởng những quyền lợi khiêm nhường dành cho con lính cho nên họ không chấp nhận cộng sản là điều có thể hiểu được. Còn có tham gia vào các tổ chức chống lại cộng sản hay không lại là ý thức của từng người không ai bảo họ hay yêu cầu họ phải như thế.
Sau đó, không khai thác được gì thêm tôi bị đưa lên trại cải tạo Mỹ Phước chịu khổ hình ở đó cho đến năm 1989 mới được thả về.
Trong thời gian ở Mỹ Phước tôi có biết một anh bạn tù chính trị đã ở đây cũng hơn 5 năm rồi mà không có án. Lâu ngày tôi khám phá ra là do khai dây chuyền nên anh bị phát hiện là thuộc dư đảng của “Sư Đoàn Tiền Giang.” Anh đã vượt trại nhiều lần nhưng không thoát và anh tin rằng sẽ ở mãi trong tù, trừ khi có phép lạ …
Nhưng rồi thế sự xoay vần anh em cũng ra tù kẻ vượt biên đi trước, người ở lại đi sau theo diện nhân đạo và tùy theo vận mệnh mỗi người, những ai còn sống sót cũng đến được bến bờ tự do. 3 anh em, chỉ riêng Nhiều đi khác đợt và định cư ở tiểu bang khác, còn Vĩnh và một số anh em khác đã từng sống trong cư xá vẫn thường gặp nhau ở đây và vẫn còn sinh hoạt chung với nhau trong các hội đoàn tại Little Saigon.
Thắm thoát mà đã tròn 50 năm tôi chưa hề đặt chân trở về xóm cũ dù chỉ 1 lần. Bao nhiêu chuyện đời trôi qua, kẻ còn người mất tản lạc khắp nơi mà tôi vẫn còn nhớ hoài câu nói của cán bộ an ninh năm nào – xóm của anh toàn là “anh hùng.”
Dù đúng hay sai, dù có là sào huyệt của “Sư Đoàn Tiền Giang” hay không và những người xưa, 2 anh em nhà họ Trương đã mất cùng với những người khác, dù còn sống cho đến nay nhưng vì bất cứ một lý do gì hay uẩn khúc ra sao mà họ vẫn chưa lên tiếng. Đối với tôi trong hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa có ai dám làm 1 việc mà họ đã làm. Thành lập “Sư Đoàn Tiền Giang” chống cộng sản ngay trong lòng quê hương. Dù thất bại họ vẫn xứng là những người anh hùng.
Trần Bạch Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét