TCPV sẽ xét xử một số vụ kiện quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của người dân Hoa Kỳ. - HOA KỲ – Sau một năm đầy kịch tính với hàng loạt những phán quyết quan trọng gây tranh cãi, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ bắt đầu nhiệm kỳ mới vào ngày 3 tháng 10 trước niềm tin ảm đạm của công chúng vào tòa án. Một cuộc thăm dò ngày 23 tháng 6 của Gallup cho thấy chỉ có 25% công chúng Mỹ tin tưởng vào uy tín của Tòa Án Tối Cao — và đó là trước khi Tòa lật đổ quyền phá thai theo hiến pháp trong vụ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson. Vào tháng 8, sau quyết định lật ngược quyền phá thai, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã ghi lại khoảng cách đảng phái lớn nhất trong quan điểm của Tối Cao Pháp Viện từng được ghi nhận trong 35 năm thăm dò ý kiến.
<!>
Tòa án cũng phải đối mặt với xung đột nội bộ và áp lực: một dự thảo ý kiến xem trước quyết định của Dobbs đã bị lộ ra ngoài vào tháng 5 đưa đến một cuộc điều tra Thống Chế Tòa án, với Chánh án John Roberts tuyên bố vụ lộ tin tức ra ngoài này là một "sự phản bội." Tòa Án cũng phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng gia tăng đòi Thẩm Phán Clarence Thomas phải tách bản thân khỏi các vấn đề liên quan đến bầu cử, trong bối cảnh vợ của Ông là Ginni Thomas là người đang bị điều tra trong vụ bà thúc đẩy các nhà lập pháp GOP lật đổ chiến thắng hợp pháp của Tổng thống Joe Biden.
Một số vụ kiện mới sẽ bắt đầu được TCPV xét xử kể từ ngày 3 tháng 10 năm 2022, với đa số thẩm phán bảo thủ.
Một số vụ kiện quan trọng nhất sắp tới mà Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chọn để xét xử tập trung vào tương lai của Chính Sách Nâng Đỡ (chính sách nâng đỡ dành cho những nhóm sắc dân hay chủng tộc thiểu số), việc đối xử bình đẳng với những người đồng tính, kiểm soát luật bầu cử, và luật lệ về di dân. TCPV sẽ xét xử các vụ kiện này vào mùa thu và có thể sẽ đưa ra phán quyết vào mùa xuân năm 2023, đem đến ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hoa Kỳ.
Việc TCPV đồng ý xét xử lại những trường hợp đã có tiền lệ lâu đời cho thấy tòa án có nhiều khả năng sẽ hành động quyết liệt, và xu hướng và quyết định phán quyết ra sao có vẻ dễ dàng đoán trước.
Về Chính Sách Nâng Đỡ Thiểu Số (Affirmative action)
Được nhận vào đại học và học bổng cao đẳng, đại học là yếu tố có thể thay đổi quỹ đạo của một đời người.
Các ban quản trị trường đại học mong muốn số lượng sinh viên trường mình đa dạng nhưng không mấy rõ ràng đa dạng theo một hình mẫu nào – gồm chủng tộc, dân tộc, giới tính, xu hướng tình dục và mức độ giàu có – những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến quyết định nhận sinh viên vào trường cũng như các quyết định trong việc hỗ trợ tài chánh. Khi nói cụ thể về việc ai không đủ tiêu chuẩn, hay quá dư tiêu chuẩn để được nhận vào đại học, bài toán trở nên hóc búa.
Nhiều nhóm khác nhau cảm thấy họ đang bị đối xử bất công khi bị săm soi chi tiết về hoàn cảnh cụ thể và lý lịch.
TCPV sẽ xét xử hai vụ kiện vào ngày 31 tháng 10 năm 2022, do tổ chức Hiệp Hội Tuyển Sinh Công Bằng (Students for Fair Admissions) đệ đơn. Tổ chức này cho rằng Harvard và các trường khác phân biệt đối xử trắng trợn với sinh viên Châu Á và Da Trắng. Hai vụ này cũng đại diện cho tất cả các ưu tiên khác dựa trên danh tính, bao gồm cả những ưu tiên có lợi cho những người gốc da đen và những bất lợi cho người gốc da trắng.
Hai vụ kiện – một chống lại Harvard và một chống lại University of North Carolina – liên quan đến các cơ sở tư nhân cũng như công lập.
Hiện nay, có chín tiểu bang có luật cấm chương trình nâng đỡ thiểu số (affirmative action) trong tuyển sinh đại học. Mức độ và trọng tâm của các chính sách nhằm đa dạng hóa sinh viên hiện nay cũng rất khác nhau.
Các trường đại học biện minh cho chính sách đa dạng sinh viên của họ lập luận rằng Tu Chính Án Số 14 và sự đảm bảo “luật pháp bảo vệ sự bình đẳng” khuyến khích tạo lợi thế cho các nhóm từng bị áp bức trong lịch sử.
Những người phản đối chính sách nâng đỡ thiểu số cho rằng Tu Chính Án Số 14 nhằm duy trì trạng thái không phân biệt chủng tộc, có nghĩa là tất cả các cá nhân phải được đối xử như nhau, bất kể chủng tộc. Theo quan điểm này, Hiến pháp cấm xem xét vấn đề chủng tộc trong hầu hết các quyết định ảnh hưởng đến sự thăng tiến của cá nhân.
Cốt lõi của xung đột là liệu điều khoản bảo vệ bình đẳng có thật sự bảo vệ sự bình đẳng hoặc công bằng hay không.
Nếu là bình đẳng (equality) – đối xử như nhau đối với tất cả các chủng tộc, không phân biệt chủng tộc nào cả – thì điều này ủng hộ lập luận rằng các trường đại học được quyền không dành ưu tiên đối với các ứng viên thuộc chủng tộc này hơn chủng tộc khác.
Nếu Tu Chính Án Số 14 là để đảm bảo sự công bằng về số lượng (equity) – hoặc nỗ lực tạo ra kết quả bình đẳng cho tất cả mọi người bằng cách ưu tiên cho các nhóm từng bị thiệt thòi trong lịch sử – thì điều này ủng hộ lập luận rằng các luật pháp theo chính sách nâng đỡ là hợp hiến, và thậm chí có thể được yêu cầu phải được áp dụng trong các trường công.
TCPV hiện nay, với đa số bảo thủ, gần như chắc chắn ủng hộ lập luận rằng điều khoản bảo vệ bình đẳng ủng hộ sự bình đẳng (equality) chứ không phải công bằng về công bằng số lượng (equity).
Chẳng hạn, trong một phán quyết năm 2007 đối với các trường trung học công lập, Chánh án John Roberts đã viết rằng “cách để chấm dứt phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc là ngừng phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc.”
Nếu Tòa Án Tối cao bãi bỏ các chính sách tuyển sinh tại Harvard hoặc UNC, có nghĩa tòa sẽ lật ngược tiền lệ hàng thập kỷ. Vào năm 1978, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết trong vụ Regents of the University of California kiện Bakke rằng việc các trường học coi chủng tộc là một yếu tố trong chính sách tuyển sinh là một điều hợp pháp theo Điều Khoản Bảo Vệ Bình đẳng của Tu Chính Án thứ 14, bởi vì thúc đẩy sự đa dạng trong lớp học là một điều cần thiết cho xã hội và đất nước. Quyết định đó đã được nhiều lần giữ nguyên, gần đây nhất là vào năm 2016 của Đại học Fisher kiện Đại học Texas tại Austin, trong đó Abigail Fisher, một phụ nữ da trắng bị Đại học Texas từ chối, đã thách thức sự cân nhắc của trường về chủng tộc trong hệ thống tuyển sinh đại học của mình. Tòa Án Tối cao đã phán quyết rằng chính sách của Đại Học Texas có thể tồn tại. (Sau đó Fisher thành lập Hiệp Hội Tuyển Sinh Công bằng, cùng với cha cô và nhà chiến lược pháp lý bảo thủ Edward Blum, đã đâm đơn kiện cả hai trường hợp này.)
Về Bình Đẳng Đối Với Cộng Đồng Người Đồng Tính và Tự Do Tôn Giáo
Một vụ kiện lớn khác sẽ được đưa ra xét xử là vụ 303 Creative v. Elenis. Lorie Smith, một nhà thiết kế đồ họa, muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh thiết kế đồ họa của mình để bao gồm việc tạo các trang web đám cưới. Nhưng cô ấy không muốn thiết kế trang web đám cưới cho các cặp đồng tính vì lý do tôn giáo, và muốn lưu ý điều này trên trang web của mình cho các khách hàng tiềm năng. Luật Colorado cấm các doanh nghiệp mở cửa cho công chúng phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục hoặc thông báo ý định làm như vậy. TCPV phải xem xét liệu luật của một tiểu bang có thể buộc một công ty tư nhân phải phục vụ khách hàng LGBTQ hay không – hay liệu Tu Chính Án Số 1 có bảo vệ những chủ cơ sở kinh doanh phạm luật vì lý do tôn giáo hay không.
Vụ kiện này sẽ giải quyết mâu thuẫn bấy lâu giữa việc một người được tự do tôn giáo, theo Tu Chính Án Số 1, và quyền lực của tiểu bang để buộc công dân phải thực thi việc đối xử bình đẳng.
Nhưng câu hỏi được đưa ra trong vụ kiện này tập trung vào quyền tự do ngôn luận và biểu đạt nghệ thuật của nhà thiết kế trang web, hơn là động cơ tôn giáo ở trung tâm của mâu thuẫn.
Lịch sử ủng hộ tự do tôn giáo gần đây của TCPV gợi ý rằng nhà thiết kế trang web sẽ thắng thế.
Ai kiểm soát luật bầu cử
Sau một thời gian tràn đầy những nghi ngờ và cáo buộc gian lận bầu cử, TCPV cuối cùng sẽ xác định ai kiểm soát luật bầu cử liên bang ở mỗi tiểu bang. Vụ kiện lớn thứ ba trong nhiệm kỳ này – vụ Moore v. Harper – là về việc kiểm soát luật bầu cử và cái được gọi là lý thuyết về lập pháp tiểu bang độc lập (the independent state legislature theory).
Vào tháng 2, Tòa án Tối cao Bắc Carolina đã hủy bỏ bản đồ bầu cử quốc hội mới do các nhà lập pháp đảng cộng hòa viết ra, cho rằng đây là “hành động đảng đảng phái nghiêm trọng và có chủ đích” ủng hộ đảng Cộng hòa và vi phạm hiến pháp tiểu bang. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đưa vấn đề lên Tòa án tối cao Hoa Kỳ, lập luận rằng tòa án tối cao của Bắc Carolina không có thẩm quyền hủy bỏ bản đồ theo lý thuyết "cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập" - ý tưởng rằng chỉ cơ quan lập pháp tiểu bang mới có thể điều chỉnh các cuộc bầu cử liên bang, không phải các tòa án tiểu bang. Nếu Tòa Án Tối Cao đồng ý, vụ này có thể trao cho các cơ quan lập pháp tiểu bang nhiều quyền lực hơn đối với các cuộc bầu cử và cho phép các cuộc bầu cử liên bang được tiến hành mà không có sự giám sát của các tòa án tiểu bang.
Những người ủng hộ lý thuyết về lập pháp tiểu bang độc lập lập lập luận rằng bởi vì Hiến pháp quy định rằng các quy tắc bầu cử quốc hội “sẽ được định ra ở mỗi tiểu bang bởi Cơ Quan Lập Pháp của bang đó,” quyền này chỉ dành cho cho các cơ quan lập pháp tiểu bang, không dành cho tòa án.
Cách giải thích này có nghĩa là các quy tắc bầu cử không bị ràng buộc bởi hiến pháp của các tiểu bang, thường có các biện pháp bảo vệ bổ sung đối với các cuộc bầu cử “tự do và bình đẳng,” được thực thi bởi các tòa án cấp tiểu bang. Thay vào đó, chỉ có Hiến pháp Hoa Kỳ mới có thể ràng buộc các cơ quan lập pháp tiểu bang – và chỉ các tòa án liên bang, bao gồm cả TCPV, mới có thể xem xét các quyết định này.
Những người chỉ trích học thuyết về lập pháp tiểu bang độc lập thì cho rằng dù Hiến Pháp Hoa Kỳ trao quyền cho các cơ quan lập pháp của tiểu bang giám sát luật bầu cử, thì việc kiểm tra và đối chiếu để ràng buộc các cơ quan lập pháp đó vẫn được áp dụng. Điều này có nghĩa là các viên chức và tòa án cấp tiểu bang giữ vai trò hạn chế quyền lực của cơ quan lập pháp, vốn không có nghĩa là hoàn toàn độc lập.
Những lo ngại về lập pháp tiểu bang độc lập một phần được thúc đẩy bởi hai nỗi sợ hãi. Một là nếu các cơ quan lập pháp tiểu bang thực sự độc lập, họ có thể áp đặt các luật phân biệt đối xử có lợi cho đảng của họ – thường là Đảng Cộng Hòa ở cấp tiểu bang.
Mối lo ngại khác là các cơ quan lập pháp của Đảng Cộng Hòa có thể cố gắng thay đổi nhóm đại cử tri cuối cùng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử và bị mất số phiếu của đại chúng (popular vote) ở các bang có cơ quan lập pháp GOP.
Một phần của vụ kiện này là về lòng tin – liệu người dân Hoa Kỳ có tin tưởng vào các cơ quan lập pháp hay tòa án tiểu bang để giám sát các cuộc bầu cử hợp pháp hay không. Và niềm tin của công chúng thì vốn đang bị thiếu hụt.
Về Chính Sách Nhập Cư
Tối Cao Pháp Viện sẽ xét xử vụ kiện mới nhất trong chuỗi các vụ kiện giữa các tiểu bang do đảng cộng hòa kiểm soát và chính quyền Biden về quyền lực của ngành hành pháp trong việc định hình chính sách nhập cư của Hoa Kỳ. Các vụ kiện tập trung vào các ưu tiên của Cơ Quan Thực Thi Nhập Cư Dân Sự của Bộ An Ninh Nội Địa (DHS), là hướng dẫn cho các sĩ quan về việc bắt giữ và buộc tội. Trong một bản ghi chú vào tháng 9 năm 2021, DHS đã chỉ đạo các quan chức Thực Thi Di Trú và Hải Quan (ICE) ưu tiên loại bỏ những người nhập cư không có giấy tờ có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc an toàn công cộng. “Người ta ước tính rằng có hơn 11 triệu công dân không có giấy tờ hoặc có thể di chuyển được ở Hoa Kỳ,” bản ghi chú này viết. “Chúng ta không có đủ nguồn lực để bắt và tìm cách loại bỏ tất cả những người không phải là công dân này. Do đó, chúng ta cần phải thực thi quyền quyết định của mình và xác định ai là người ưu tiên để áp dụng luật lệ nhập cư.”
Texas và Louisiana đã khởi kiện, cho rằng chính sách này vi phạm luật nhập cư và Đạo luật Thủ tục Hành chính. Một tòa án quận liên bang đã ra phán quyết có lợi cho họ vào tháng 6 và hủy bỏ các hướng dẫn. Sau đó, Chính quyền Biden đã kháng cáo quyết định lên Tòa Án Tối Cao, nơi đã từ chối khôi phục các hướng dẫn vào tháng Bảy và thay vào đó đưa ra các lập luận bằng miệng cho mùa thu. Nếu Texas và Louisiana thắng thế, đó sẽ là một đòn giáng mạnh khác vào khả năng của ngành hành pháp trong việc thiết lập chính sách nhập cư của Hoa Kỳ.
Kết luận
Kết quả của các vụ kiện tụng trong nhiệm kỳ này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và giá trị của người dân Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với các ứng viên xin học đại học, công dân của cộng đồng đồng tính, những người có niềm tin tôn giáo mạnh mẽ, và người di dân.
Vụ kiện về kiểm soát bầu cử của cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ là vụ khó hiểu nhất, và cũng có lẽ là có ảnh hưởng lớn nhất, bởi vì nó phản ánh sự suy giảm lòng tin rộng rãi trong các cuộc bầu cử và những nghi ngờ gian lận ngày càng tăng ở nhiều khía cạnh. Và dù vụ kiện này được phán quyết ra sao đi nữa, nó cũng sẽ làm suy giảm nhận thức về tính chính đáng của nhiều kết quả bầu cử khác trong tương lai.
Vietbao.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét