Hoa Kỳ cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraina
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2022. REUTERS - BRENDAN MCDERMID
Thanh Phương
Hôm qua, 14/10/2022, Lầu Năm Góc và bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo Washington sẽ cấp thêm một khoản viện trợ quân sự 725 triệu đô la cho Ukraina để giúp nước này chống trả quân xâm lược Nga.
Trong một thông cáo, ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh, với khoản viện trợ mới, tổng viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraina đã lên đến mức chưa từng có là 18,3 tỷ đô la. Lầu Năm Góc thì cho biết viện trợ quân sự mới chủ yếu bao gồm đạn dược cho hệ thống pháo phản lực Himars rất lợi hại, cùng với hơn 23.000 đạn pháo, 5.000 mìn điều khiển từ xa chống xe thiết giáp, 5.000 súng chống tăng và 200 xe vận tải quân sự Humvees.
Về phần nước Pháp, theo nhật báo Le Figaro, Paris sẽ cấp cho Kiev các tên lửa địa đối không tầm ngắn Crotale và hệ thống radar GM20, để tăng cường hệ thống phòng không của quân đội Ukraina.
Trong khi đó, theo hãng tin chính thức SPA, Ả Rập Xê Út hôm nay vừa thông báo cấp một khoản viện trợ nhân đạo 400 triệu đô la cho Ukraina. Cũng theo hãng tin này, hoàng thái tử Mohammed bin Salman đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Ả Rập Xê Út đã từng đóng vai trò trung gian giữa Ukraina và Nga, dẫn đến một cuộc trao đổi tù nhân giữa hai bên.
Về phần nhà tỷ phú Elon Musk, hôm qua ông tuyên bố là công ty SpaceX của ông sẽ không thể tiếp tục tài trợ cho mạng Internet qua vệ tinh Starlink ở Ukraina. Kể từ đầu cuộc chiến tranh ở Ukraina, SpaceX đã cung cấp khoảng 25.000 thiết bị cuối (terminal) để duy trì việc truy cập Internet cho nước này. Theo lời ông Elon Musk, chiến dịch đó đã tiêu tốn 80 triệu đô la cho công ty SpaceX và tổng chi phí từ đây đến cuối năm có thể lên tới 100 triệu đô la.
Mỹ tố cáo Trung Quốc ngăn cản nỗ lực quốc tế giảm nợ cho các nước nghèo
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen phát biểu ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 28/07/2022. REUTERS - JONATHAN ERNST
Trọng Thành
Hôm qua, 14/10/2022, Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ đã chỉ đích danh Trung Quốc một trở lực chính đối với các nỗ lực quốc tế nhằm giảm nợ cho những nước nghèo, đặc biệt là tại châu Phi.
Theo AFP, trong một cuộc họp báo tại trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ở Washington, bộ trưởng Tài Chính Mỹ, bà Janet Yellen; nhấn mạnh ‘‘đã có rất nhiều cuộc thảo luận về những gì có thể làm để đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán và giúp tìm ra một giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề này’’, tuy nhiên các nỗ lực đó đã không đạt kết quả.
Trước đó, trong một cuộc họp với các đồng nhiệm khu vực đồng euro, bộ trưởng Tài Chính Mỹ giải thích đã có ‘‘rất ít quốc gia’’ yêu cầu nợ của họ được xử lý trong khuôn khổ chung của Quỹ Tiền tệ Quốc Tế. Một trong những nguyên nhân căn bản là Trung Quốc ‘‘quốc gia chủ nợ số một thế giới’’ đã không có ‘‘các đóng góp mang tính xây dựng’’.
IMF và Ngân hàng Thế giới thường xuyên kêu gọi Trung Quốc tham gia vào việc tái cơ cấu nợ của các nước nghèo và các nước đang phát triển, thông qua khuôn khổ đàm phán chung do G20 thiết lập.
Thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã buộc nhiều quốc gia phải vay thêm nhiều tiền. Nợ nần của các nước này càng thêm chồng chất do việc tăng lãi suất tín dụng để giúp kiềm chế lạm phát. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ nhấn mạnh là tình hình ở các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác đang ‘‘cực kỳ đáng lo ngại’’.
Tổng số các khoản cho vay chính thức của Trung Quốc ước tính từ 500 đến 1.000 tỷ đô la, tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cuối tháng 9/2022, một cố vấn của bộ trưởng Tài Chính Mỹ đưa ra con số ‘‘không dưới 44 quốc gia hiện đang mắc nợ Trung Quốc với số tiền tương đương khoảng 10% GDP’’.
Hội nghị bộ trưởng Tài Chính G20 không ra được tuyên bố chung
Song song với hội nghị thường niên mùa thu của IMF và Ngân hàng Thế giới, hội nghị các bộ trưởng Tài Chính và thống đốc Ngân hàng Trung Ương nhóm G20 đã họp tại Washington hôm thứ Năm, 13/10, với giảm nợ cho các nước nghèo cũng là một trọng tâm. Nhưng hội nghị rốt cuộc đã không ra được tuyên bố chung.
Đây là lần thứ ba liên tiếp Hội nghị bộ trưởng Tài Chính G20 không ra được tuyên bố chung. Theo AFP, sự hiện diện của Nga trong các cuộc thảo luận đã ngăn cản việc ra được tuyên bố chung. Trả lời báo giới, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva nhấn mạnh cuộc chiến tranh tại Ukraina là nhân tố quan trọng nhất đe dọa nền kinh tế thế giới.
Phát hiện tàu ngầm Nga ngoài khơi vùng Bretagne của Pháp
Ảnh minh họa : Khinh hạm Bretagne ở Brest, Pháp. Ảnh chụp ngày 19/01/2021. AP - Stephane Mahe
Thanh Phương
Tờ nhật báo Pháp Télégramme ngày 13/10/2022 tiết lộ vào cuối tháng 9 vừa qua, một tàu ngầm của Nga đã bị phát hiện ở vùng biển ngoài khơi vùng Bretagne của Pháp.
Cụ thể, vào ngày 29/09/2022, tàu ngầm tấn công Novorossiysk của Nga đã di chuyển trên mặt nước ở vùng vịnh Gascogne ngoài khơi bờ biển vùng Bretagne. Đi kèm theo tàu ngầm này là chiếc tàu kéo Sergey Balk.
Khi chiếc tàu ngầm Nga đang ở tại một địa điểm cách bờ biển khoảng 100 km, tàu hộ tống chống tàu ngầm Normandie của Hải quân Pháp đã hộ tống tàu này di chuyển tiếp trong vùng vịnh Gascogne.
Chính chiếc tàu Normandie, căn cứ tại thành phố Brest, đã phát hiện và theo dõi chiếc tàu ngầm Nga. Theo lời của chỉ huy tàu Normandie, Thomas Vuong, nói với nhật báo Le Parisien, đây là một hoạt động bình thường, bởi vì vùng vịnh Gascogne là khu vực trách nhiệm của tàu và họ có nhiệm vụ kiểm soát mọi hoạt động quân sự ở khu vực này.
Điều bất thường là tàu ngầm Nga đã di chuyển trên mặt nước. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và những căng thẳng do cuộc xung đột này, sự hiện diện của tàu ngầm Nga cũng đã gây sự chú ý đặc biệt từ quân đội các nước châu Âu khác. Một tàu tuần tra của Hải quân Tây Ban Nha đã theo dõi chiếc tàu ngầm này, tiếp đến là Hải quân Anh đã giám sát sau khi tàu ngầm Nga đi qua khu vực ngoài khơi vùng Bretagne của Pháp.
Thật ra, theo tư lệnh Vùng Hải quân Atlantique của Pháp, Olivier Lebas, được tờ Télégramme trích dẫn, việc các tàu ngầm nước ngoài di chuyển ở vùng Vịnh không phải là hiếm. Nhưng hiện chưa ai biết vì sao tàu ngầm Nga lại có mặt trong vùng lãnh hải của Pháp, ở gần bờ biển đến như thế.
Putin: Nga đã "làm đúng như dự trù" trong cuộc chiến tranh Ukraina
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung Á ở Astana, Kazakhstan, ngày 14/10/2022. via REUTERS - SPUTNIK
Trọng Thành
Hôm qua, 14/10/2022, trong một cuộc họp báo tại Astana, thủ đô Kazakhstan, nơi diễn ra thượng đỉnh Nga – Trung Á, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã ‘‘làm đúng như dự trù’’ trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina kéo dài từ gần 8 tháng nay.
Theo hãng tin Pháp AFP, tại thượng đỉnh Trung Á, lãnh đạo Nga lần đầu tiên phải thừa nhận là các đối tác truyền thống, vốn là những nước thuộc Liên Xô cũ, đang ‘‘lo ngại’’ về tình hình tại Ukraina. Ông Putin cũng khẳng định ‘‘trong hiện tại’’ chưa cần thiết phải mở thêm một đợt oanh kích quy mô lớn tại Ukraina, như đợt tấn công ồ ạt đầu tuần này, nhắm vào nhiều cơ sở hạ tầng dân sự và khu dân cư ở Ukraina.
Tổng thống Nga đồng thời cam kết là đợt động viên hàng trăm nghìn tân binh cho chiến trường Ukraina, đang gây nhiều lo ngại trong xã hội Nga, sẽ kết thúc vào cuối tháng này. Thông tín viên Anissa el-Jabri từ Matxcơva cho biết cụ thể:
‘‘ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký các sắc lệnh bổ sung, để làm rõ và giám sát việc động viên binh sĩ cho cuộc chiến tại Ukraina, hơn hai tuần lễ sau khi lệnh động viên được ban hành. Lãnh đạo Nga cho biết cụ thể là, theo số liệu thống kê, đã có 222 nghìn người nhập ngũ, rất gần mục tiêu 300 nghìn. Do đó, tổng thống Nga bảo đảm đợt động viên sẽ dừng lại vào cuối tháng này.
Trong khi chờ đợi, để đốc thúc tinh thần chiến đấu của các tân binh, lãnh đạo Nga nhấn mạnh : ‘Tất cả các công dân được gọi nhập ngũ đều phải trải qua huấn luyện. Khóa đào tạo ban đầu kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Sau đó, tùy theo lĩnh vực quân sự, những người được động viên tham gia vào các đơn vị chiến đấu sẽ được huấn luyện từ 5 đến 15 ngày. Giai đoạn huấn luyện tiếp theo diễn ra trực tiếp tại các đơn vị tham chiến’.
Ông Putin cũng nói rõ, sẽ không thể bảo vệ được 1.100 km chiến tuyến, nếu không có các lực lượng tân binh được động viên trong dịp này. Điều này cho thấy nhiệm vụ mà lãnh đạo Nga giao phó cho họ là phòng thủ. Ít nhất cũng là trong thời điểm hiện tại.
Đối với những người trốn khỏi nước để tránh phải ra mặt trận, đặc biệt là tới vùng vùng Trung Á, nơi ông Putin đang có mặt, tổng thống Nga cho biết muốn đưa ra một câu trả lời ‘pháp lý’, chứ không phải là phản ứng mang tính ‘cảm xúc’. Tổng thống Nga nói đến những trường hợp cụ thể cần xác định rõ. Không có việc thừa nhận hiện tượng đào thoát quy mô lớn. Người phát ngôn điện Kremlin đã đánh giá con số người Nga chạy trốn rất cao, mà tạp chí Forbes đưa ra, là "không chính xác’ ’’.
Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Nga cho biết hiện tại chưa quyết định có tham gia thượng đỉnh G20 tháng 11 tới tại Indonesia hay không. Về khả năng gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhân dịp này, ông Putin khẳng định chưa nhìn thấy lợi ích gì trong một cuộc hội kiến như vậy, và điều này còn phụ thuộc vào việc tổng thống Mỹ ‘‘có sẵn sàng cho các thương lượng với tôi hay không’’.
Điện Kremlin hôm qua thông báo vào tháng 7/2023 sẽ hoàn tất việc sửa chữa cây cầu chiến lược Crimée. Cầu Crimée bắc qua eo biển Kertch, nối liền nước Nga với bán đảo Crimée của Ukraina bị Matxcơva sáp nhập từ năm 2014, vừa bị hư hại một phần ngày 08/10, sau hàng loạt vụ nổ, xảy ra ngay sau ngày sinh nhật ông Putin, 07/10. Chính quyền Putin đã quyết định trả đũa thiệt hại này bằng đợt oanh kích chưa từng có nhắm vào nhiều thành phố lớn của Ukraina.
Iran: Giới tranh đấu kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chế độ
Người dân biểu tình ở Teheran, Iran, ngày 21/09/2022. AP
Trọng Thành
Một tháng sau ngày một nữ sinh người Iran qua đời sau khi bị lực lượng ‘‘cảnh sát đạo đức’’ bắt giam, phong trào phản kháng chống chính quyền Iran tiếp tục, bất chấp các đàn áp khốc liệt. Hôm nay, 15/10/2022, nhiều lời kêu gọi biểu tình tại Iran lan truyền trên các mạng xã hội.
Theo AFP, bất chấp việc nhà cầm quyền Iran ngăn chặn các ứng dụng Instagram và WhatsApp, giới tranh đấu đã đưa lên mạng lời kêu gọi biểu tình với các khẩu hiệu chính như ‘‘Khởi đầu cho sự chấm dứt’’ của chế độ hay ‘‘Đả đảo lãnh đạo độc tài’’, ngụ ý chỉ giáo chủ tối cao Ali Khamenei. Các nhà tranh đấu khuyến khích giới trẻ và đông đảo dân chúng Iran tổ chức biểu tình tại các địa điểm không có lực lượng an ninh.
Phong trào biểu tình gây chấn động Iran từ một tháng nay đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Hôm qua, 14/10, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định ‘‘sát cánh cùng các công dân, những người phụ nữ dũng cảm của Iran’’ và kêu gọi chính quyền Iran chấm dứt đàn áp người dân nước mình. Ít nhất 108 người bị giết hại trong các vụ đàn áp, theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Iran Human Rights (IHR), ở Oslo.
Phong trào biểu tình cũng nhận được nhiều ủng hộ tại Liban. Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
‘‘Chủ nhật tuần trước, cộng đồng người Kurdistan ở Liban đã tổ chức biểu tình ngồi trước trụ sở Liên Hiệp Quốc ở trung tâm thủ đô Beyrouth để tố cáo cái chết của cô Mahsa Amini, người Iran gốc Kurdistan. Những người tham gia bày tỏ sự ủng hộ của họ ‘‘đối với cuộc đấu tranh giải phóng của phụ nữ ở Iran’’ và lên án việc nhà cầm quyền Iran ‘‘liên tục xâm phạm các quyền của người Kurdistan’’.
Trước đó vài ngày, hàng chục người, chủ yếu là phụ nữ, đã biểu tình trước Bảo tàng Quốc gia Beyrouth. Tại đây các khẩu hiệu mạnh mẽ hơn nhiều. ‘‘Cái chết cho kẻ độc tài’’ là tiếng hô có thể được nghe thấy trong đám đông. Từ ‘‘kẻ độc tài’’ nhằm để chỉ lãnh đạo của Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ali Khamenei.
Trên truyền thông, sự tương phản thể hiện rõ ràng trong việc đưa tin về các sự kiện ở Iran. Các kênh truyền hình thân phương Tây dành không gian rộng rãi cho các phóng sự và hình ảnh cho thấy việc đàn áp người biểu tình. Ngược lại, kênh al-Manar của lực lượng Hezbollah ủng hộ chính quyền Iran với việc đưa các tin tức cáo buộc về ‘‘các âm mưu’’ và ‘‘có sự can thiệp của nước ngoài’’ trong phong trào phản kháng’’.
Đổ sốt cà chua vào tranh Van Gogh để đòi Anh ngừng dự án dầu khí mới
Hai nhà hoạt động thuộc nhóm Just Stop Oil tại Bảo tàng Quốc gia ở Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 14/10/2022. AP - Just Stop Oil
Trọng Thành
Sự sống quan trọng hơn nghệ thuật. Các nhà tranh đấu môi trường đã tìm ra một biện pháp mới mang ý nghĩa biểu tượng : Đe dọa hủy hoại một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của danh họa Van Gogh. Với hành động nói trên, giới môi trường muốn gửi đến chính phủ Anh một thông điệp mạnh mẽ, đòi ngừng cấp phép cho các dự án dầu khí mới, thủ phạm của việc khí hậu bị hâm nóng.
Hai nhà hoạt động môi trường, thuộc nhóm ‘‘Just Stop Oil’’ (Hãy ngừng khai thác dầu), đã đổ nước sốt cà chua trong hộp lên kiệt tác ‘‘Hoa Hướng Dương’’' của Van Gogh tại Bảo tàng Quốc gia ở Luân Đôn hôm thứ Sáu 14/10/2022. Bức tranh sáng tác năm 1888 được bảo vệ bằng kính vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có phần khung hơi bị ảnh hưởng. Bảo tàng cho biết tranh đã được trưng bày trở lại ngay trong buổi chiều thứ Sáu.
Hai nhà hoạt động môi trường ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ, nhưng họ đã kịp truyền đi thông điệp mang tính biểu tượng. Một phóng viên chuyên về môi trường, Damien Gayle, đã tung một đoạn video lên mạng Twitter, cho thấy hai phụ nữ trẻ mặc t-shirts, mang dòng chữ ‘‘Just Stop Oil’’, sau khi đổ sốt cà chua lên bức ‘‘Hoa Hướng Dương’’ đã hô lớn : ‘‘Điều gì đáng giá hơn ? Nghệ thuật hay Sự sống ?’’.
Trên Twitter, nhóm ‘‘Just Stop Oil’’ giải thích rõ về ý nghĩa của hành động này : ‘‘Các sáng tạo của con người, thiên tài của nhân loại được trưng bày trong bảo tàng này, nhưng di sản của chúng ta đang bị thu hẹp do các thất bại của chính quyền trong việc hành động vì khí hậu, vì sự sống’’. Tôn chỉ của nhóm tranh đấu môi trường nói trên là : ‘‘Phải chọn sự sống hơn là nghệ thuật’’.
Nhóm ‘‘Just Stop Oil’’ cho biết rõ hơn là đã có ‘‘ biết bao nhiêu người bị chết do hỏa hoạn, khô hạn do biến đổi khí hậu’’, do việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ‘‘không thể cho phép các dự án dầu khí mới’’, bởi chúng sẽ ‘‘hủy diệt mọi thứ’’. Trong một thông điệp khác, Phoebe Plummer, thành viên phong trào 21 tuổi, lên án tình trạng giá cả hàng thiết yếu tăng vọt do năng lượng hóa thạch, khiến đời sống hàng ngày của hàng triệu gia đình bị đe dọa.
Bức họa ‘‘Hoa Hướng Dương’’' nói trên của Van Gogh trị giá 84 triệu đô la, được Bảo tàng Quốc gia Anh mua lại từ năm 1924.
Phong trào ‘‘Just Stop Oil’’ tấn công vào tác phẩm nghệ thuật để đánh động công luận khiến người ta nhớ đến phong trào Suffragette đầu thế kỷ XX. Phong trào tranh đấu của phụ nữ Anh (’’Votes for Women’’), ra đời năm 1903, cũng đã chọn cách tấn công vào các tác phẩm nghệ thuật để giành được quyền bầu cử cho phụ nữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét