Liên Âu lập « Quỹ đặc biệt » tài trợ cho Ukraina mua vũ khí phòng thủ
Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu chụp hình lưu niệm sau cuộc họp thượng đỉnh ở Praha, CH Séc, ngày 07/10/2022. AP - Petr David Josek Thùy Dương
Tại thượng đỉnh không chính thức hôm qua, 07/10/2022, ở thủ đô Praha của CH Séc, hiện là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, 27 nước thành viên đã cố đạt được một lập trường chung nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến tranh Ukraina. Một chủ đề quan trọng khác của mà Liên Hiệp Châu Âu nay trở nên đồng thuận hơn, đó là tiếp tục viện trợ cho Ukraina để Kiev mua sắm thiết bị, vũ khí phòng thủ đối phó với quân xâm lược.
<!>
Từ Praha, thông tín viên Anastasia Becchio gửi về bài tường trình :
Lần thứ 2 trong vòng 2 ngày, Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến với các nhà lãnh đạo châu Âu, đề nghị họ nỗ lực hơn nữa : « Quý vị hãy tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược để chúng tôi phòng thủ, tự vệ trước áp lực của Nga. Quý vị hãy tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược ở châu Âu để luôn luôn sẵn sàng bảo vệ không gian chung của chúng ta ».
Sau cuộc họp thượng đỉnh không chính thức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo về việc lập một quỹ đặc biệt để Ukraina mua sắm trực tiếp từ nhà sản xuất các loại thiết bị mà nước này cần nhất.
Nguyên thủ Pháp phát biểu : « Bước đầu, quỹ đặc biệt sẽ gồm 100 triệu euro để Ukraina có thể mua sắm các loại thiết bị tương đương với những thiết bị mà chúng tôi đã có thể cung cấp. Như vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp cùng một thể loại vũ khí : vũ khí tự vệ, phòng thủ. Và chúng tôi đang thảo luận với các đối tác Đan Mạch để giao những loại vũ khí đó. Đây là một cuộc thảo luận về một số khía cạnh kỹ thuật và cuộc thảo luận sắp hoàn thành. Dẫu sao đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã sẵn sàng để đồng tài trợ để cho phép cung cấp một số thiết bị của hệ thống pháo Ceasar vốn đã cho thấy là có hiệu quả trên thực địa.
Nếu các cuộc thảo luận thành công, sẽ có thêm 6 khẩu pháo Caesar được bổ sung vào số 18 khẩu đã được giao cho quân đội Ukraina.
Về việc đối phó với sự bùng nổ giá năng lượng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo 27 nước đã quyết định thiết lập « các cơ chế tương trợ tài chính của châu Âu ». Tuy nhiên, hiện giờ giới lãnh đạo Liên Âu vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể. Ủy Ban Châu Âu sẽ phải cụ thể hóa ý tưởng từ nay cho đến thượng đỉnh Liên Âu vào ngày 20 và 21/10.
Cũng trong ngày hôm qua, theo AFP, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thông báo giải ngân 1,3 tỉ đô la để khẩn cấp tài trợ cho Ukraina, bởi GDP 2022 của Ukraina được dự báo là sẽ sụt giảm 35% so với năm 2021 và nhu cầu tài chính của Kiev vẫn rất cao.
Báo Mỹ: Tổng thống Putin càng lúc càng bị giới thân cận chỉ trích
Tổng thống Vladimir Putin dự một cuộc họp qua video tại tư dinh của ông ở ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 06/10/2022. AP - Gavriil Grigorov
Thanh Hà
Theo nhật báo Hoa Kỳ Washignton Post ngày 07/10/2022 « một nhân vật thân tín với Vladimir Putin » đã trực tiếp chỉ trích tổng thống Nga phạm phải nhiều sai lầm và xử ký kém cỏi trong chiến dịch Ukraina.
Trích dẫn nhiều nguồn tin tình báo Mỹ, tờ Washington Post cho biết những thông tin liên quan đến rạn nứt giữa Vladimir Putin và các cố vấn thân cận đã được chuyển tới tổng thống Joe Biden và nhiều quan chức Hoa Kỳ.
Danh tính nhân vật thân cận với tổng thống Putin dám chỉ trích ông đã được giữ kín. Nhưng theo tờ báo này « nhóm cộng tác viên thân cận của Vladimir Putin bao gồm các cựu nhân viên KGB và những người trong chính quyền thời thập niên 1990 của thành phố Saint - Petersbourg » mà Vladimir Putin từng là phó thị trưởng.
Những người chỉ trích ông Putin « dường như rất lo ngại trước các thất bại quân sự liên tiếp trong thời gian gần đây » tại Ukraina. Họ xem những thất bại đó là hậu quả của việc tổng thống Nga « đánh giá sai lệch » về tình hình và từ những thiếu sót « nghiêm trọng về quân sự ». Báo Washington Post nói đến một « điểm gẫy» trong quan hệ giữa tổng thống Putin với các cộng tác viên thân tín nhất. Cũng tờ báo Hoa Kỳ trích lời một doanh nhân Nga có liên hệ chặt chẽ với các giới chức trong chính quyền Matxcơva, theo đó, « những tuần lễ sắp tới sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của ông Putin, cũng như đối với chính sách của Kremlin về xung đột Ukraina ».
Matxcơva đã bác bỏ các tin đồn về một sự rạn nứt ở đỉnh cao quyền lực. Về phía các nhà quan sát châu Âu được Washington trích dẫn, một số người cho rằng, nếu có dám chỉ trích Vladimir Putin thì đó cũng chỉ là những lời chỉ trích « sau lưng » chủ nhân điện Kremlin mà thôi. Một nguồn tin từ các quốc gia trong vùng biển Baltic khẳng định Nga vẫn « tiếp tục nỗ lực chiến tranh và không có dấu hiệu cho thấy điều ngược lại ».
Paris kêu gọi công dân Pháp nhanh chóng rời khỏi Iran
Phụ nữ Pháp tuần hành ở Paris để ủng hộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Iran, ngày 0210/2022. © AP Photo/Aurelien Morissard
Thanh Phương
Hôm qua, 07/10/2022, bộ Ngoại Giao Pháp ra lời cảnh báo các công dân Pháp đang có mặt ở Iran nên nhanh chóng rời khỏi nước này do có nguy cơ rất cao là họ “bị bắt giam tùy tiện và bị xét xử không công bằng”. Bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh nguy cơ này có thể xảy ra kể cả đối với những người chỉ đến Iran để du lịch.
Lời cảnh báo nói trên được đưa ra sau khi đài truyền hình chính thức của Iran chiếu đoạn video “thú tội” của hai công dân Pháp Cécile Kohler và Jacques Paris bị bắt vào tháng 5 vừa qua. Bộ Ngoại giao Pháp xem đoạn video này là “một sự dàn dựng đáng phẫn nộ”, đồng thời yêu cầu Teheran trả tự do “ngay lập tức” cho hai công dân Pháp
Gia đình của Cécile Kohler và Jacques Paris hôm qua cũng đã tố cáo hai công dân Pháp này đang bị giam giữ trong những điều kiện “ vô nhân đạo” vì những lý do “ngụy tạo” và đang bị một “áp lực tâm lý không thể tưởng tượng nổi.”
Từ Téhéran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình:
“Yêu cầu này được đưa ra sau các vụ bắt giữ nhiều công dân châu Âu, trong đó có ít nhất một người Pháp, trong các cuộc biểu tình ba tuần qua, và nhất là sau khi chính quyền cho chiếu trên đài truyền hình các lời “thú tội” của hai nhà hoạt động công đoàn người Pháp Cécile Kohler và Jacques Paris.
Họ đã bị bắt vào tháng 5 vừa khi đi du lịch ở Iran. Trên thực tế, họ đã đến Iran để tiếp xúc với các nhà hoạt động công đoàn Iran. Trong lời thú tội, hai công dân Pháp này xác nhận họ là những nhân viên của cơ quan tình báo Pháp đến Iran để phân phát tiền cho các nhà hoạt động công đoàn và khuyến khích họ tiếp tục biểu tình để tạo điều kiện phát động một cuộc cách mạng.
Đoạn phim nói trên không chỉ chiếu lời thú tội của hai nhà hoạt động công đoàn Pháp, mà còn có cả các cuộc họp kín giữa họ với các nhà hoạt động công đoàn Iran. Bình luận viên của đài truyền hình khẳng định hai nhà hoạt động công đoàn Pháp đã bị theo dõi ngay khi họ vừa đặt chân đến Iran. Nhất cử nhất động của họ đều bị quay phim.
Vụ này chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn quan hệ giữa Iran không chỉ với Pháp mà còn với các nước phương Tây khác, vào lúc chính quyền Teheran cảnh cáo các nước châu Âu không nên kích động phong trào phản kháng đã làm rung chuyển nước Cộng hòa Hồi Giáo từ 3 tuần qua.”
Ireland lo ngại về nguy cơ hệ thống cáp dưới đáy biển bị Nga tấn công
Ảnh minh họa: Khu trục hạm Đô đốc Gorshkov của Nga thả neo trên sông Neva, nhân ngày Hải Quân tại Saint-Petersburg, Nga, 31/07/2022. AP - Dmitri Lovetsky
Thùy Dương
Dublin ngày càng cảnh giác về hoạt động hải quân của Nga và lo ngại về sự an toàn của hệ thống dây cáp của Ireland dưới đáy biển. Chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 07/10/2022 cũng đã đề cập đến nguy cơ này tại thượng đỉnh Liên Âu ở Praha. Hệ thống cáp biển này cho phép thực hiện các giao dịch tài chính, hoạt động thương mại hoặc cung cấp đường truyền internet phục vụ cuộc sống thường nhật.
Nhiều chuyên gia cho rằng châu Âu cần có sự hợp tác để bảo đảm an toàn cho các hệ thống cáp ngầm này.
Từ Dublin, thông tín viên Laura Taouchanov cho biết thêm chi tiết :
Ba phần tư số dây cáp ở bắc bán cầu đi qua hoặc được đặt gần vùng biển của Ireland. Điều nghịch lý là vị trí chiến lược này lại hoàn toàn không được thể hiện trong hoạt động của lực lượng hải quân. David Murphy, giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược quân sự của Ireland, lấy làm tiếc về điều này. Ông nhấn mạnh : « Hải quân hoạt động giống như một lực lượng tuần duyên. Chúng tôi có 6 tàu, mà không tàu nào có khả năng lặn xuống. Điều này thật đáng lo ngại và tôi nghĩ rằng bất kỳ nước châu Âu nào cũng sẽ thắc mắc là trong bối cảnh hiện nay, tại sao một hòn đảo như Ireland lại không có lực lượng hải quân thật sự. Lập luận vẫn được đưa ra là Ireland giữ thế trung lập nên không cần phải phòng thủ. Lập luận như vậy thật là điên rồ ! »
Robert McCabe, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Coventry, giải thích rằng 97% thông tin liên lạc của thế giới được truyền qua những dây cáp này, cho nên đây là một thách thức mang tầm quốc tế. Ông nói : « Các dây cáp này rất dễ bị tấn công và trong thời gian vừa qua, Nga đã tiến hành một số cuộc tập trận gần đó. Mối đe dọa từ Nga đang gia tăng ở Ireland. Nhưng đây không phải là trách nhiệm của riêng quốc gia nào, mà châu Âu cần có một đối sách đa phương.»
Các chuyên gia cảnh báo nếu không có sự hợp tác này, ngân sách quốc phòng của Ireland sẽ không bao giờ đủ để lập được một hạm đội tàu ngầm phòng thủ vững chắc.
Bắc Triều Tiên tố cáo Mỹ là một « mối đe dọa quân sự »
Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Busan, Hàn Quốc, ngày 23/09/2022. Bắc Triều Tiên xem việc triển khai tàu sân bay này là một "mối đe dọa quân sự". AP - Lee Jin-man
Thanh Hà
Trong một thông cáo ngày 08/10/2022, bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên trong xem việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến bán đảo Triều Tiên là một « mối đe dọa trực tiếp về quân sự ». Bình Nhưỡng còn tuyên bố loạt bắn thử tên lửa trong hai tuần qua là « hành động tự vệ chính đáng ».
Một ngày sau khi cụm tàu sân bay Hoa Kỳ bắt đầu các hoạt động tập trận chung với Hải Quân Hàn Quốc ngoài khơi bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng xem đây là một sự kiện lớn « bắn đi tín hiệu xấu về tình hình trong khu vực ». Hãng thông tấn KCNA trích lời một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Bắc Triều Tiên xem chiến dịch tập trận chung Mỹ-Hàn là « hành vi mang tính khiêu khích và là một mối đe dọa cao độ » đối với an ninh quốc gia. Vẫn theo quan chức này, việc Hoa Kỳ điều tàu sân bay đến bán đảo Triều Tiên được xem như một « bài tập chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng ». Do vậy, Bắc Triều Tiên khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển vũ khí nguyên tử để đối phó với « đe dọa hạt nhân của Hoa Kỳ ».
Hãng tin Mỹ AP nhắc lại, trong hai tuần qua, Bắc Triều Tiên đã bắn 10 tên lửa đạn đạo ra biển và đây là nhịp độ « dồn dập chưa từng thấy ». Chủ tịch Kim Jong Un từng tuyên bố chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên là một tiến trình « không thể đảo ngược ». Thứ Ba vừa qua, Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa đạn đạo tầm trung ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. Theo một số nhà quan sát, thông điệp kèm theo vụ bắn thử này là vũ khí Bắc Triều Tiên có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ, mà trước hết là trong vùng Thái Bình Dương
Cũng trong ngày hôm nay, Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng Bắc Triều Tiên giải thích vụ thử tên lửa vừa qua là một hành động « tự vệ » trước « những đe dọa quân sự trực tiếp xuất phát từ Hoa Kỳ ». Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO trực thuộc Liên Hiệp Quốc, đang họp tại Montréal, hôm 07/10 đã mạnh mẽ chỉ trích Bắc Triều Tiên về những đợt bắn thử tên lửa « đe dọa ngành hàng không dân dụng ».
Về phía Washington, hôm 07/10, Hoa Kỳ vừa ban hành thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào hai quan chức và 3 doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên với lý do tham gia vào các hoạt động xuất khẩu dầu hỏa trái phép. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết, trong một cuộc họp trực tuyến, Washington, Seoul và Tokyo đã đồng ý «tiếp tục phối hợp chặt chẽ » để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét