Càng Ngày, Putin Dồn Vào Chân Tường! Liên Hiệp Quốc Công Khai Bác Lời Kêu Gọi Bỏ Phiếu Kín của Nga Về Việc Sáp Nhập Các Vùng Ukraine!
(Hình: Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya phát biểu hôm 10/10/2022.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 10/10/2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bác bỏ lời kêu gọi của Nga đề nghị Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu kín trong những ngày sau của tuần này về việc có hay không lên án động thái của Mạc Tư Khoa, sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine.
Với 107 phiếu thuận, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai, chứ không phải bỏ phiếu kín, về một Dự thảo Nghị quyết lên án “cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp!” và “âm mưu thôn tính bất hợp pháp!” của Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết cuộc bỏ phiếu về Nghị quyết này có thể sẽ diễn ra vào 12/10 hoặc 13/10.
Hôm 10/10, chỉ có 13 quốc gia phản đối tổ chức một cuộc bỏ phiếu công khai về Dự thảo Nghị quyết này, 39 quốc gia khác bỏ phiếu trắng và các quốc gia còn lại, bao gồm cả Nga, Trung Quốc, và Việt Nam, không bỏ phiếu.
Mạc Tư Khoa đã sáp nhập bốn khu vực bị chiếm đóng một phần ở Ukraine - Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Ukraine và các đồng minh đã lên án cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp và mang tính ép buộc.
Dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia không công nhận động thái của Nga và tái khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hôm 10/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hối thúc cộng đồng quốc tế vạch rõ rằng hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ông Blinken nói trong một tuyên bố: “Bây giờ là lúc để lên tiếng ủng hộ Ukraine; không phải là lúc để bỏ phiếu trắng, xoa dịu những lời lẽ hay những lời ngụy biện theo những tuyên bố trung lập. Các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đang bị đe dọa”.
Tổng Thống Nga Tiếp Lãnh Đạo Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 11/10/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp ông Rafael Grossi, lãnh đạo Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (AIEA), tại Saint-Petersburg. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga bắn phi đạn vào các cơ sở hạ tầng, kể cả năng lượng của Ukraine.
Theo báo chí Nga, tâm điểm của cuộc gặp giữa Vladimir Putin và lãnh đạo Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) là nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu nằm trong vùng Zaporijjia của Ukraine, vùng mà Putin đã ký Sắc lệnh sáp nhập vào Nga hồi tuần trước. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Anissa El Jabri của Đài RFI cho biết thêm:
Tại Nga, chuyến công du của Rafael Grossi được nói đến một cách tích cực. Một chuyên gia, được nhật báo Vedomosti trích dẫn, nhận định, phương pháp tiếp cận vấn đề của lãnh đạo AIEA là “có chừng mực và mang tính ngoại giao”, “ông ấy sẽ cố gắng đạt được một đồng thuận”.
Nhưng nếu AIEA muốn lập một khu vực an toàn xung quanh nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Âu Châu thì mục tiêu này sẽ không đạt được. Theo chính quyền địa phương Zaporijiia thân Nga, Mạc Tư Khoa bác bỏ mọi ý tưởng phi quân sự hóa khu vực này. Thậm chí ngay ở Energodar, thành phố đặt nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, cũng không còn nước và điện kể từ sau các vụ oanh kích của Ukraine. Thứ Bảy (8/10) là ngày mà mối lo ngại lên tới mức cao nhất: nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia đã buộc phải sử dụng máy phát điện dự phòng.
Một đề tài khác dự kiến được bàn thảo có liên quan đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga Rosatom: Hiện tại, các Kỹ sư của Rosatom cũng đang có mặt tại nhà máy điện nguyên tử Zaporijiia, trong khi đó Ukraine muốn trừng phạt Cơ quan Nguyên tử năng Nga. Còn phía Nga lại muốn bảo đảm Rosatom có thể tiếp tục các hoạt động ở ngoại quốc, nhất là vì Rosatom đang phải xây dựng hai nhà lò phản ứng nguyên tử cho nhà máy điện nguyên tử duy nhất tại Hung Gia Lợi.
Tức Giận Rồi Trả Thù! Nga Lại Phóng Phi Đạn Bừa Bãi Vào Các Cơ Sở Hạ Tầng Năng Lượng của Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay một số cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở miền Tây Ukraine sáng 11/10/2022 lại trúng phi đạn trong đợt oanh kích mới của Nga. Thống đốc vùng Lviv, Maksym Kozytski, thông báo có ba vụ nổ tại hai địa điểm cơ sở hạ tầng trong vùng.
Theo thông báo của thị trưởng của thành phố cùng tên, thủ phủ vùng Lviv, Andriï Sadovy, “một cuộc tấn công bằng phi đạn vào một cơ sở hạ tầng quan trọng” khiến 30% thành phố mất điện. Cư dân thành phố được kêu gọi dự trữ nước sinh hoạt do nguồn cung cấp nước sạch ở hai khu vực trong thành phố bị hư hại. Thị trưởng Andriï Sadovy cảnh báo vấn đề có thể lan rộng ra toàn bộ thành phố Lviv.
Tại thủ đô Kyiv, theo thông tấn xã AFP, dù còi báo động vang lên nhiều lần trong suốt 5 tiếng đồng hồ sáng hôm nay, nhưng Kyiv không bi trúng lên lửa. Công ty điện lực DTEK phục vụ thủ đô Kyiv thông báo từ hôm nay 11/10 điện bị cúp thường xuyên và luân phiên do mạng điện bị hư hại sau loạt phi đạn của Nga hôm 10/10.
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng hôm 11/10 thông báo đã cho tiến hành các vụ oanh kích ồ ạt mới nhắm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng về điện tại Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Igor Konachenkov, khẳng định: “Hôm nay (thứ Ba 11/10), các lực lượng vũ trang Nga đã tiếp tục oanh kích ồ ạt với các vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, từ các căn cứ trên bộ và trên biển, nhắm vào các cơ sở quân sự và cơ sở điện của Ukraine”. Viên chức này khẳng định quân đội Nga đã bắn trúng tất cả các mục tiêu nhắm tới.
Kyiv Rất Lo Ngại! Nga Tiếp Tục Bắn Phá Mạng Lưới Năng Lượng!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay đợt tập kích ồ ạt phi đạn liên lục địa của Nga trên khắp lãnh thổ Ukraine ngày 10/10/2022 đã làm ít nhất 19 người chết và hơn một trăm người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hỏng, theo tổng kết mới nhất của chính quyền Kyiv.
Hôm 11/10, tình hình nhìn chung yên tĩnh nhưng rất mong manh. Kyiv lo ngại Mạc Tư Khoa tiếp tục các cuộc tấn công, đặc biệt nhằm phá hủy mạng lưới cung cấp năng lượng khi mùa Đông đang đến. Thông tín viên Stéphane Siohan của Đài RFI tại thủ đô Kyiv của Ukraine cho biết thêm thông tin:
“Sáng thứ Ba, một hồi còi báo động phòng không đã vang lên trong khắp các vùng của Ukraine vào khoảng 8 giờ. Cùng lúc, người dân Kyiv được yêu cầu trú ẩn.
Một drone loại Shahed-136 do Iran sản xuất đã tấn công một nhà máy điện gần Vinnytsia, địa phương nằm giữa miền Tây của đất nước. Sau đợt 85 phi đạn ồ ạt tấn công vào Ukraine ngày hôm qua, tổng kết thiệt hại mới nhất cho biết có 19 người bị thiệt mạng.
Giờ đây dường như chiến lược của Ðiện Cẩm Linh là phá mạng lưới điện, gây nhiều thiệt hại và phá vỡ hệ thống cung cấp năng lượng, sưởi ấm trong khi mà nhiệt độ ở Ukraine bắt đầu xuống gần 0° vào ban đêm.
Hôm qua, ít nhất có 2 nhà máy điện gần trung tâm Kyiv đã bị các phi đạn liên lục địa nhắm tới. Điện đã bị cắt trong nhiều tiếng đồng hồ và Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công theo cách này. Tại Kyiv, người ta dự tính trong những ngày và tuần tới, sẽ còn có thêm các cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công.
Ngoài ra, sáng ngày thứ Ba này, quân Nga một lần nữa tiếp tục bám sát thành phố Zaporijja. Tại đó nhiều khu dân cư đã bị oanh kích”.
Tình Báo Anh Có Chương Trình Theo Dõi Xem Nga Có Dấu Hiệu Nào Tính Dùng Vũ Khí Nguyên Tử Không
(Hình: Nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia của Ukraine.)
- Anh dự liệu sẽ thấy được các chỉ dấu về việc liệu Nga bắt đầu xem xét khai triển kho vũ khí nguyên tử của họ hay chưa trong cuộc chiến với Ukraine, người đứng đầu bộ máy tình báo Anh cho biết hôm 11/10/2022, vị này cũng nhắc lại rằng bất kỳ lời lẽ nào về việc sử dụng vũ khí như vậy đều rất nguy hiểm, theo thông tấn xã Reuters.
Sau hơn 7 tháng từ khi cuộc chiến diễn ra, ông Jeremy Fleming, Giám đốc cơ quan tình báo GCHQ, nói với Đài BBC rằng Nga đang thiếu vũ khí, bạn hữu và binh lính.
Ông Fleming cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cho đến nay vẫn tuân theo học thuyết quân sự lâu năm về việc không sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cơ quan tình báo của ông Flemming sẽ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy điều này có thể thay đổi.
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thấy các chỉ dấu về việc liệu họ bắt đầu đi theo con đường đó hay chưa”, ông nói, song không nói rõ thêm rằng những chỉ dấu đó có thể là gì.
“Nhưng chúng ta phải thống nhất rõ về điều đó, nếu họ tính đến điều đó, đấy sẽ là một thảm họa theo cách mà nhiều người đã đề cập”.
Ông Fleming cũng nói rằng ông chắc chắn là ông Putin đang lo lắng về các hiểm họa của sự leo thang và đó có thể là một dấu hiệu cho thấy tại sao “ông ấy chưa chuyển sang những hình thức tiến hành chiến tranh khác”.
Xuống Nước! Ngoại Trưởng Nga: Mạc Tư Khoa Sẵn Sàng Đàm Phán Với Phương Tây, Đang Chờ Đề Xuất Nghiêm Túc!
(Hình: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 11/10/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mạc Tư Khoa sẵn sàng đàm phán với phương Tây về cuộc chiến Ukraine nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị đàm phán nghiêm túc nào.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách chấm dứt chiến tranh, hiện đã sang tháng thứ 8.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng các viên chức bao gồm cả phát ngôn viên an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc John Kirby từng nói là Hoa Kỳ sẵn sàng đàm phán, còn Nga lại từ chối. Nhưng “đó là một lời nói dối”, ông Lavrov nói. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đề nghị nghiêm túc nào để liên lạc”, vẫn lời ông.
Ông cũng cho hay Nga sẽ không khước từ một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 11 của Nhóm G- 20 ở Nam Dương và sẽ xem xét đề xuất này nếu họ nhận được.
Ngoại trưởng Lavrov nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng chúng tôi không bao giờ từ chối các cuộc gặp. Nếu có đề xuất, chúng tôi sẽ xem xét”.
Bình luận về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây, Ngoại trưởng Lavrov nói Mạc Tư Khoa sẽ sẵn sàng lắng nghe bất kỳ đề xuất nào, nhưng không thể nói trước liệu điều này có dẫn đến kết quả hay không.
Ông cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ có cơ hội đưa ra đề xuất với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cả hai đến thăm Kazakhstan trong tuần này.
Ngoại trưởng Lavrov lưu ý rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ vào cuối tháng Ba.
Gia Nã Ðại Cử 40 Chuyên Gia Công Binh Đến Ba Lan Để Huấn Luyện Binh Sĩ Ukraine
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Gia Nã Ðại Anita Anand.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 11/10/2022, Gia Nã Ðại nói rằng họ sẽ cử thêm 40 chuyên gia công binh để hỗ trợ các nỗ lực của Ba Lan trong việc huấn luyện các lực lượng Ukraine, như một phần trong cam kết tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Lực lượng Vũ trang Gia Nã Ðại đã huấn luyện hơn 33.000 nhân viên an ninh và quân sự Ukraine kể từ năm 2015, nhưng đã tạm dừng các nỗ lực huấn luyện kể từ tháng Hai.
“Hôm nay, tôi thông báo rằng trong những tuần tới, Gia Nã Ðại sẽ khai triển khoảng 40 chuyên gia công binh đến Ba Lan để giúp Lực lượng Ba Lan đào tạo các đặc công Ukraine về trinh sát công binh, chất nổ, đặt mìn và rà phá mìn”, Bộ trưởng Quốc phòng Gia Nã Ðại Anita Anand phát biểu trong một cuộc họp báo ở Warsaw.
Các lực lượng Gia Nã Ðại cũng đã giúp đỡ quân đội và chính phủ Ba Lan trong việc hỗ trợ các trung tâm tiếp nhận người tị nạn và đã giúp hỗ trợ các chương trình đào tạo tại Anh.
Bà Anand cho biết khóa đào tạo bổ sung “sẽ hỗ trợ cho việc đào tạo những tân binh Ukraine tại Anh, và cho việc Gia Nã Ðại đào tạo các quân nhân Ukraine về cách sử dụng pháo M777 mà chúng tôi đã tặng cho Ukraine”.
Tổng Thống Mỹ Hứa Tiếp Tục Cung Cấp Hệ Thống Phòng Thủ Phi Đạn Tiên Tiến Cho Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 10/10/2022, sau khi Nga ồ ạt nã phi đạn vào nhiều thành phố Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa với đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky là Hoa Thịnh Ðốn “tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì Ukraine cần để phòng thủ, kể cả các hệ thống tiên tiến” về phòng không.
Thông cáo của Tòa Bạch Ốc được đưa ra hôm 10/10 sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ và Ukraine. Hoa Kỳ đã cam kết trợ giúp cho Ukraine các bệ phóng phi đạn đất đối không NASAMS tiên tiến: hai bệ phóng sẽ được giao trong những tuần hoặc tháng tới, và 6 bệ phóng phi đạn khác sẽ được cung cấp theo khuôn khổ chương trình viện trợ dài hạn. Hệ thống phi đạn đất đối không NASAMS do nhà sản xuất Mỹ Raytheon và tập đoàn Kongsberg của Na Uy hợp tác chế tạo.
Trên Twitter, Tổng thống Ukraine gọi đó là “một cuộc nói chuyện hiệu quả”. Tổng thống Zelensky cũng coi “phòng không hiện là ưu tiên số 1 trong hợp tác quốc phòng” giữa hai nước. Cuối ngày hôm qua, ông cho biết: “Trong số 84 phi đạn Nga phóng đến Ukraine, có 43 phi đạn đã bị bắn hạ. Trong số 24 drone của Nga, có 13 chiếc bị bắn hạ”.
Cũng trong ngày 10/10, chính phủ Đức cam kết cung cấp cho Ukraine trong những ngày tới hệ thống phòng không Iris-T với tầm bắn cao 20 cây số và xa 40 cây số. Theo thông tấn xã AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Christine Lambrecht, khẳng định loạt tấn công bằng phi đạn của Nga hôm qua cho thấy rõ ràng là cần khẩn trương giao các hệ thống phòng không cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng cho biết thêm là có thể cung cấp thêm cho Ukraine 3 hệ thống vào năm 2023.
Nga Để Ngỏ! Không Dám Đóng Cửa! Khả Năng Một Cuộc Gặp Putin – Biden Tại G20
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 11/10/2022, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov nói rằng Mạc Tư Khoa để ngỏ khả năng cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, nhân cuộc họp thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nam Dương.
Thông tấn xã Reuters cho biết, trên kênh truyền hình nhà nước, Ngoại trưởng Nga nói: “Chúng tôi không ngừng nói là chúng tôi chưa bao giờ từ chối một cuộc họp. Nếu như có lời đề nghị, chúng tôi sẽ xem xét”.
Khi được hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đón tiếp những cuộc thương lượng như thế, lãnh đạo ngành ngoại giao Nga nêu rõ Mạc Tư Khoa sẵn sàng lắng nghe mọi đề xuất có liên quan đến đàm phán hòa bình nhưng không thể dự báo trước kết quả một tiến trình như thế.
Ngược lại ông đánh giá các phát biểu của viên chức Mỹ - trong đó có phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, ông John Kirby là “dối trá”. Theo đó, Hoa Kỳ dường như sẵn sàng thảo luận nhưng vấp phải sự từ chối của Nga.
Ngoại trưởng Serguei Lavrov khẳng định, “chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào cho một cuộc tiếp xúc”.
Chiến Tranh Ukraine: Bị Đồn Vào Chân Tường! Nga Trả Đũa Kyiv, Ồ Ạt Nã Phi Đạn Vào Nhiều Thành Phố Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 10/10/2022, chính quyền Kyiv cho biết nhiều thành phố của Ukraine đã bị oanh kích. Thủ đô Kyiv, lần đầu tiên từ 3 tháng qua cũng đã bị nhắm đến. Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky tố cáo Nga tìm cách “xóa sổ” Ukraine trên bản đồ thế giới.
Hai ngày sau vụ nổ đánh sập một phần cầu Crimea, nối liền Nga với bán đảo bị chiếm đóng và sáp nhập vào Nga năm 2014, quân đội Nga đã phóng tổng cộng 75 phi đạn nhắm vào nhiều thành phố Ukraine, trong số này có 41 phi đạn đã bị bắn chặn, theo như tuyên bố của tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valerii Zaloujnii trên mạng Telegram.
Tổng thống Zelensky cho biết thêm là Nga đã sử dụng “drone chiến đấu” và nhắm bắn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, nhằm mục đích “gây hỗn loạn và xáo trộn”. Trong đoạn video đăng trên các trang mạng xã hội, Tổng thống Ukraine tố cáo các cuộc tấn công bằng “hàng chục phi đạn” và drone Shahed của Iran nhắm vào nhiều nơi, từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây. Thủ đô Ukraine cũng bị oanh kích, làm 5 người chết ở thủ đô và 12 người khác bị thương. Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Stephane Siohan của Đài RFI cho biết thêm:
“Đây là lần đầu tiên trung tâm thủ đô Kyiv bị trúng phi đạn, ngay giữa lòng thủ đô. Nhiều phi đạn đã rớt xuống phố Volodymyrska, một trong những trục lộ chính của thủ đô nằm giữa Đại học quốc gia và nhà hát kịch Opera. Nhiều xe hơi đã bốc cháy, hiện chưa có con số thương vong chính xác từ chính quyền, nhưng dường như đã có bốn vụ nổ tại trung tâm thành phố.
Những vụ nổ này còn tiếp diễn khoảng gần một tiếng và hai tiếng nổ khác cũng được nghe thấy ở phía tả ngạn của thành phố, và một nhà máy sản xuất điện nằm bên bờ sông Dniepr đã bị dội bom. Nhiều thành phố khác cũng bị oanh kích. Trong đêm, nhiều cuộc pháo kích ồ ạt đã đổ xuống Zaporijjia. Sáng nay, người ta còn đưa tin nhiều phi đạn đã nả xuống thành phố Dnipro, trung đông Ukraine. Một điểm mới là nhiều thành phố cho đến giờ vẫn nằm xa chiến tuyến, ở phía Tây như Lviv, Ternopil dường như cũng bị tấn công, theo thông tin từ Phủ Tổng thống.
Dường như Nga bắt đầu trả đũa vụ tấn công nhắm vào cầu Crimea. Ngày hôm nay hứa hẹn sẽ rất nóng bỏng tại Ukaina trước khi có cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc Gia tại Nga”.
Thị trưởng thành phố Lviv, Andrii Sadovii hôm 10/10 cho biết “một phần thành phố giờ không có điện” và hệ quả là “không có nước nóng”, sau khi thành phố bị trúng một phi đạn của Nga.
Vụ Tấn Công Phi Đạn Vô Nhân Đạo Bừa Bãi của Nga ở Zaporizhzhia, Làm 13 Người Chết!
(Hình: Nhân viên cấp cứu tại hiện trường vụ tấn công.)
- Các viên chức Ukraine cho biết, một cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga vào sáng sớm hôm Chủ Nhật (9/10/2022) đã đánh trúng một khu chung cư và các tòa nhà dân cư khác ở thành phố Zaporizhzhia, miền Đông-Nam Ukraine, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 87 người khác bị thương, trong đó có 10 trẻ em.
Vụ tấn công lúc rạng sáng ở Zaporizhzhia hôm Chủ Nhật là vụ tấn công thứ hai ở thành phố này trong 3 ngày.
Ông Oleksandr Starukh, Thống đốc vùng Zaporizhzhia, cho biết rằng máy bay Nga đã phóng ít nhất 12 quả phi đạn, phá hủy một phần khu chung cư 9 tầng, san bằng 5 tòa nhà dân cư khác và làm hư hại nhiều tòa nhà khác.
Các viên chức khu vực cho biết ít nhất 13 người chết và 87 người khác bị thương, trong đó 60 người phải nhập viện. Những người bị thương bao gồm 10 trẻ em.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lên án vụ tấn công là “hết sức ác độc” của những người mà ông gọi là “dã man và khủng bố”, đồng thời thề rằng những kẻ chịu trách nhiệm sẽ bị đưa ra công lý.
Thành phố Zaporizhzhia, cách nhà máy điện nguyên tử do Nga nắm giữ khoảng 52 cây số (30 dặm), đã bị pháo kích thường xuyên trong những tuần gần đây, với 19 người thiệt mạng hôm thứ Năm tuần trước.
Nga Ồ Ạt Bắn Phá Ukraine: Âu Châu Mạnh Mẽ Lên Án, G7 Họp Khẩn Cấp!
- Ngày 10/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay ngay sau việc Nga ồ ạt nã phi đạn bắn phá nhiều thành phố Ukraine, Liên Hiệp Âu Châu cùng nhiều nước thành viên mạnh mẽ lên án Mạc Tư Khoa “phạm tội ác chiến tranh”.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) còn cho rằng thủ phạm của những vụ tấn công nhắm vào thường dân “phải trả giá”. Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi Belarus không nên tham gia vào “hành động gây hấn bạo tàn do Nga tiến hành”. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Tổng thống Belarus, ông Alexandre Loukachenko tố cáo Ukraine chuẩn bị một cuộc tấn công nhắm vào Belarus. Vị lãnh đạo này tuyên bố Minsk và Mạc Tư Khoa sẽ khai triển binh sĩ hai nước nhưng không nêu rõ địa điểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc trao đổi điện đàm với đồng nhiệm Ukraine đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, tái khẳng định “sự cam kết của Pháp gia tăng hậu thuẫn Ukraine kể cả trên phương diện trang thiết bị quân sự”.
Về phần mình, Thủ tướng Đức thông báo mở một cuộc họp khẩn khối G7 qua cầu truyền hình với sự tham dự của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ngoại trưởng Anh, James Cleverly cũng đồng thanh tố cáo các cuộc nã pháo của Nga là “không thể chấp nhận”. Lãnh đạo ngoại giao Anh nhắc lại sự “hậu thuẫn tinh thần và cụ thể” của Luân Đôn đối với Kyiv.
EU Lên Án Vụ Tấn Công Phi Đạn ‘Man Rợ, Tàn Bạo’ của Nga, Cảnh Cáo Belarus!
(Hình: Một tòa chung cư bị phi đạn Nga đánh trúng ở Zaporizhzhia, Ukraine, 9/10/2022.)
- Hôm thứ Hai (10/10/2022), khi lên án các cuộc tấn công phi đạn của Nga đánh vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, Ủy ban Âu Châu dùng từ “man rợ”, đồng thời Ủy ban này cũng cảnh cáo Belarus chớ có giúp đồng minh Nga giết hại dân thường.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu (EU), ông Josep Borrell nói rằng các hành động của Nga “không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”, và ông nói thêm trong một bài đăng trên Twitter rằng viện trợ quân sự của khối EU dành cho Ukraine đang trên đường đến.
Nga đã tấn công các thành phố trên khắp Ukraine vào giờ cao điểm. Đây rõ ràng là hành động tấn công trả thù sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng vụ nổ trên cây cầu của Nga nối với Crimea là một vụ tấn công khủng bố.
Peter Stano, phát ngôn viên của cơ quan Hành pháp của Liên Hiệp Âu Châu, nói trong cuộc họp báo hàng ngày của Ủy ban Âu Châu: “Đó là những cuộc tấn công man rợ và hèn hạ nhắm vào những thường dân vô tội trên đường đi làm và đi học vào buổi sáng”.
Ông mô tả các cuộc tấn công đó là sự vi phạm luật nhân đạo quốc tế và nói rằng giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Nga sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác này và các tội ác chiến tranh khác.
Ủy ban Âu Châu thúc giục Belarus hãy kiềm chế, tránh can dự vào “hành động bất hợp pháp tàn bạo” của Nga vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Cụ thể, Ủy ban yêu cầu Minsk ngừng ngay việc cho phép sử dụng lãnh thổ Belarus làm nơi xuất phát để thực hiện các cuộc tấn công bằng phi đạn và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái rất gần đây nhằm vào dân thường Ukraine.
“Bất kỳ hành động nào tiếp theo và đặc biệt là việc quân đội Belarus dính líu trực tiếp vào cuộc chiến này, trái với ý chí của đại đa số người dân Belarus, sẽ bị đáp lại bằng các biện pháp hạn chế mới và mạnh mẽ”, ông Stano nói.
Tổng thống Belarus, ông Alexander Lukashenko hôm 10/10 cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội khai triển cùng với các lực lượng Nga gần Ukraine để đáp lại điều mà ông cho là có mối đe dọa rõ ràng đối với Belarus từ phía Kyiv và những nước hậu thuẫn ở phương Tây.
Hai Ngoại Trưởng Blinken, Kuleba Điện Đàm: Mỹ Tiếp Tục Ủng Hộ Ukraine Sau Khi Nga ‘Tấn Công Kinh Hoàng Dã Man!’
(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba.)
- Hôm thứ Hai (10/10/2022), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết rằng ông đã đàm thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine sau “các cuộc tấn công kinh hoàng” của Nga.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp trợ giúp kinh tế, nhân đạo và an ninh ổn định để Ukraine có thể tự vệ và chăm sóc nhân dân của họ”, ông Blinken cho hay trong một bài đăng trên Twitter.
Cũng hôm 10/10, Ủy ban Âu Châu dùng từ “man rợ” khi lên án các cuộc tấn công phi đạn của Nga đánh vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine, đồng thời Ủy ban này cũng cảnh cáo Belarus chớ có giúp đồng minh Nga giết hại dân thường.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu (EU) Josep Borrell nói rằng các hành động của Nga “không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”, và ông nói thêm trong một bài đăng trên Twitter rằng viện trợ quân sự của khối EU dành cho Ukraine đang trên đường đến.
Nga đã tấn công các thành phố trên khắp Ukraine vào giờ cao điểm. Đây rõ ràng là hành động tấn công trả thù sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng vụ nổ trên cây cầu của Nga nối với Crimea là một vụ tấn công khủng bố.
Càng Ngày Càng Thất Bại! 44 Nước Trong Cộng Đồng Chính Trị Âu Châu Hội Họp, Cô Lập Nga!
(Hình: Cộng đồng Chính trị Âu Châu (EPC) họp thượng đỉnh tại Lâu đài Prague ở Prague, thủ đô của Cộng hòa Czech, ngày 6/10/2022.)
Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu (EU) và các nước láng giềng từ Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau ngày 6/10/2022 để thảo luận về tình hình khẩn cấp an ninh và năng lượng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, một hội nghị thượng đỉnh mang tính biểu tượng cho thấy sự cô lập của Mạc Tư Khoa.
Cuộc gặp tại Prague là cuộc họp khai mạc của Cộng đồng Chính trị Âu Châu (EPC), đứa con tinh thần của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quy tụ 27 quốc gia thành viên EU và 17 quốc gia Âu Châu khác trên cơ sở bình đẳng.
Một số nước đang chờ gia nhập khối EU trong khi Anh là quốc gia duy nhất rời bỏ khối này.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đang bận đương đầu với một cuộc tranh luận quan trọng tại Quốc hội nên số lượng nhà lãnh đạo tham gia sự kiện này còn 43 người so với dự kiến ban đầu là 44 người.
Cuộc gặp tại khu cổ kính của Lâu đài Prague là một sự thể hiện tinh thần đoàn kết cho một lục địa sa lầy trong nhiều cuộc khủng hoảng - từ hậu quả an ninh của cuộc chiến ở Ukraine đến khủng hoảng năng lượng và suy thoái trước mắt đã làm tiêu tan hy vọng phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch COVID.
“Cuộc họp này là một cách tìm kiếm một trật tự mới mà không có Nga”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói và cho biết thêm rằng Mạc Tư Khoa có thể không phải lúc nào cũng bị loại trừ nhưng hiện tại, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin “không có cửa”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, phát biểu tại cuộc họp thông qua kết nối video, kêu gọi các nhà lãnh đạo biến cộng đồng chính trị mới thành một “cộng đồng hòa bình của Âu Châu”.
“Hãy để ngày hôm nay là điểm khởi đầu. Điểm mà từ đó Âu Châu và toàn bộ thế giới tự do sẽ tiến tới hòa bình được bảo đảm cho tất cả chúng ta. Điều đó có thể xảy ra”, ông nói, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo “chỉ đạo tất cả sức mạnh khả dĩ của Âu Châu để chấm dứt chiến tranh”.
Điểm đặc biệt ở Prague là Thủ tướng Anh Liz Truss, người - chịu áp lực ở nhà chỉ sau vài tuần nhậm chức - đã tham gia cùng các nhà lãnh đạo EU.
Quyết định tham dự hội nghị thượng đỉnh của bà khiến một số người hy vọng về việc thiết lập lại quan hệ giữa Brussels và Luân Đôn, xây dựng trên một giai điệu ấm áp hơn trong những tuần gần đây trong bối cảnh hai bên đối đầu về các Thỏa thuận Thương mại hậu Brexit cho Bắc Ái Nhĩ Lan.
Bà Truss nói các nhà lãnh đạo Âu Châu đã thống nhất đoàn kết với Ukraine và sẽ rời hội nghị thượng đỉnh “với quyết tâm tập thể lớn hơn để chống lại sự xâm lược của Nga”.
“Những gì chúng tôi đã thấy ở Prague là một sự thể hiện mạnh mẽ của tình đoàn kết với Ukraine và các nguyên tắc tự do và dân chủ”, bà nói trong một tuyên bố.
Một viên chức EU nói sự tham gia của bà Truss là đáng khích lệ.
“Tôi nghĩ ấn tượng khá tích cực khi Anh tham gia vào các chủ đề: an ninh, ổn định, kinh tế, di cư và cung cấp, hỗ trợ cho Ukraine”, viên chức này nói.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine chắc chắn sẽ vẫn là trọng tâm của câu lạc bộ mới vì các nhà lãnh đạo của EPC phôi thai có thể sẽ gặp nhau vào lần tới tại Moldova, nước nhỏ bé nhiều khó khăn và là láng giềng của Ukraine.
Quy mô rộng lớn của diễn đàn này sẽ là một trở ngại lớn trong việc đưa ra chính sách cụ thể, cũng như sự đa dạng về chính trị và văn hóa, và sự cạnh tranh truyền thống giữa nhiều thành viên, từ Armenia và Azerbaijan cho đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào ngày 7/10, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU sẽ có cuộc gặp riêng tại Prague. Căng thẳng sẽ bùng phát về gói hỗ trợ năng lượng 200 tỉ Euro của Đức mà nhiều nước coi là cạnh tranh gây tổn hại trong thị trường duy nhất của khối.
Các nước EU cũng sẽ cố gắng giải quyết những khác biệt về cách giới hạn giá khí đốt để kiềm chế chi phí năng lượng tăng cao đang làm gia tăng lạm phát trong toàn khối.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU đã chung quyết chấp thuận đợt chế tài thứ tám chống lại Mạc Tư Khoa về cuộc xâm lược Ukraine, nhưng cho biết việc thực thi giới hạn giá trần đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga nằm trong gói này đòi hỏi nhiều việc làm hơn.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Thảo Luận Về Việc Nga Sáp Nhập 4 Tỉnh của Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay kể từ hôm 10/10/2022, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bắt đầu thảo luận về một Nghị quyết lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine. Phương Tây muốn chứng minh Nga đang bị cô lập trên trường quốc tế. Quyết định được đưa ra sau khi một văn bản với nội dung tương tự đã bị ngăn chặn tại Hội Đồng Bảo An.
Theo hãng tin Pháp AFP, trên nguyên tắc, Dự thảo Nghị quyết sẽ được thảo luận cho đến Thứ Tư (12/10) trước khi được 193 thành viên biểu quyết.
Hôm 30/9/2022, trên cương vị thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ Nghị quyết lên án Mạc Tư Khoa sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, gồm Donetsk và Lugansk ở miền Đông, Zaporijjia và Kherson ở miền Nam. Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tây và Gabon vắng mặt.
Từ đầu chiến tranh Ukraine, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã 2 lần biểu quyết lên án Nga. Đến tháng 4/2022, trong cuộc biểu quyết thứ ba, Mạc Tư Khoa bị loại ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Hoa Kỳ Nói Sẽ Tiếp Tục Hỗ Trợ An Ninh Cho Ukraine
(Hình: Ông John Kirby.)
- Hôm Chủ Nhật (9/10/2022), Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận về vụ nổ làm hư hỏng cây cầu đường bộ và đường sắt của Nga tới Crimea nhưng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tòa Bạch Ốc cũng nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc chiến và có thể kết thúc cuộc chiến nếu ông chọn làm vậy.
“Chúng tôi thực sự không có thêm bất cứ điều gì để nói thêm về các tin tức về vụ nổ trên cây cầu. Tôi không có thêm bất cứ điều gì sáng hôm nay”, phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với chương trình “This Week” của Kênh ABC.
“Điều tôi có thể nói với bạn là ông Putin đã bắt đầu cuộc chiến này, và ông Putin có thể kết thúc nó ngay hôm nay, chỉ đơn giản bằng cách đưa quân ra khỏi nước này [Ukraine]”.
Liên Hiệp Âu Châu Lập “Quỹ Đặc Biệt” Tài Trợ Cho Ukraine Mua Vũ Khí Phòng Thủ
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay tại thượng đỉnh không chính thức hôm 7/10/2022, ở thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, hiện là Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Âu Châu (EU), 27 nước thành viên đã cố đạt được một lập trường chung nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng do tác động của chiến tranh Ukraine.
Một chủ đề quan trọng khác của mà Liên Hiệp Âu Châu nay trở nên đồng thuận hơn, đó là tiếp tục viện trợ cho Ukraine để Kyiv mua sắm thiết bị, vũ khí phòng thủ đối phó với quân xâm lược. Từ Prague, thông tín viên Anastasia Becchio gửi về bài tường trình:
Lần thứ 2 trong vòng 2 ngày, Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến với các nhà lãnh đạo Âu Châu, đề nghị họ nỗ lực hơn nữa: “Quý vị hãy tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược để chúng tôi phòng thủ, tự vệ trước áp lực của Nga. Quý vị hãy tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược ở Âu Châu để luôn luôn sẵn sàng bảo vệ không gian chung của chúng ta”.
Sau cuộc họp thượng đỉnh không chính thức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo về việc lập một quỹ đặc biệt để Ukraine mua sắm trực tiếp từ nhà sản xuất các loại thiết bị mà nước này cần nhất.
Nguyên thủ Pháp phát biểu: “Bước đầu, quỹ đặc biệt sẽ gồm 100 triệu Euro để Ukraine có thể mua sắm các loại thiết bị tương đương với những thiết bị mà chúng tôi đã có thể cung cấp. Như vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục cung cấp cùng một thể loại vũ khí: vũ khí tự vệ, phòng thủ. Và chúng tôi đang thảo luận với các đối tác Đan Mạch để giao những loại vũ khí đó. Đây là một cuộc thảo luận về một số khía cạnh kỹ thuật và cuộc thảo luận sắp hoàn thành. Dẫu sao đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã sẵn sàng để đồng tài trợ để cho phép cung cấp một số thiết bị của hệ thống pháo Ceasar vốn đã cho thấy là có hiệu quả trên thực địa.
Nếu các cuộc thảo luận thành công, sẽ có thêm 6 khẩu pháo Caesar được bổ sung vào số 18 khẩu đã được giao cho quân đội Ukraine.
Về việc đối phó với sự bùng nổ giá năng lượng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo 27 nước đã quyết định thiết lập “các cơ chế tương trợ tài chánh của Âu Châu”. Tuy nhiên, hiện giờ giới lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể. Ủy Ban Âu Châu sẽ phải cụ thể hóa ý tưởng từ nay cho đến thượng đỉnh Liên Hiệp Âu Châu vào ngày 20 và 21/10.
Cũng trong ngày 7/10, theo thông tấn xã AFP, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo giải ngân 1,3 tỉ Mỹ kim để khẩn cấp tài trợ cho Ukraine, bởi GDP 2022 của Ukraine được dự báo là sẽ sụt giảm 35% so với năm 2021 và nhu cầu tài chánh của Kyiv vẫn rất cao.
Đức Kêu Gọi NATO Hành Động Nhiều Hơn Nữa Để Tự Vệ Trước Sự Điên Cuồng của Ông Putin
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht.)
- Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) phải làm nhiều hơn nữa để tự bảo vệ mình trước nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói hôm thứ Bảy (8/10/2022), bởi vì chúng ta “không thể biết được sự vĩ cuồng của ông Putin có thể còn đi xa đến đâu”.
“Có một điều chắc chắn: tình hình hiện tại đồng nghĩa là chúng ta cần phải cùng nhau làm nhiều hơn nữa”, bà Lambrecht nói khi đến thăm quân đội Đức được khai triển ở Lithuania.
“Cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine ngày càng tàn bạo và vô đạo đức hơn. Việc Nga đe dọa bằng vũ khí nguyên tử cho thấy nhà cầm quyền Nga chẳng thèm đếm xỉa gì”, vẫn lời bà.
Hoa Kỳ gần đây nhiều lần nói rằng họ chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử bất chấp việc ông Putin khua chiêng gõ trống về vũ khí nguyên tử.
Đức đã khai triển những binh sĩ đầu tiên của họ tới thành viên NATO Lithuania, ở biên giới với Nga, vào năm 2017 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Đức đã đồng ý tăng cường lực lượng đáng kể ở Lithuania vào tháng Sáu để đối phó với cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga vào Ukraine.
Bà Lambrecht khánh thành một trung tâm chỉ huy thường trực của Đức tại Lithuania hôm 7/10, mà theo bà sẽ giúp di chuyển một lữ đoàn quân từ Đức đến Lithuania trong 10 ngày nếu cần. Một lữ đoàn NATO có quy mô 3.000-5.000 quân.
Bà Lambrecht cho biết các cuộc tập trận thường xuyên ở Lithuania sẽ giúp di chuyển quân nhanh chóng nếu cần, để ghép vào 1.000 quân thường trực của Đức ở Lithuania.
“Chúng tôi sát cánh với các đồng minh của mình”, bà Lambrecht nói.
“Chúng ta đã nghe thấy những lời đe dọa của Nga đối với Lithuania, nước đang thực hiện các lệnh trừng phạt của Âu Châu ở biên giới với Kaliningrad. Đây gần như không phải là những lời đe dọa đầu tiên và chúng ta phải xem xét chúng một cách nghiêm túc và sẵn sàng đối phó”, bà nói thêm.
Báo Mỹ: Tổng Thống Putin Càng Lúc Càng Bị Giới Thân Cận Chỉ Trích Gay Gắt!
- Theo nhật báo Hoa Kỳ Washington Post ngày 7/10/2022 “một nhân vật thân tín với Vladimir Putin” đã trực tiếp chỉ trích Tổng thống Nga phạm phải nhiều sai lầm và xử ký kém cỏi trong chiến dịch Ukraine.
Trích dẫn nhiều nguồn tin tình báo Mỹ, tờ Washington Post cho biết những thông tin liên quan đến rạn nứt giữa Vladimir Putin và các Cố vấn thân cận đã được chuyển tới Tổng thống Joe Biden và nhiều viên chức Hoa Kỳ.
Danh tính nhân vật thân cận với Tổng thống Putin dám chỉ trích ông đã được giữ kín. Nhưng theo tờ báo này “nhóm cộng tác viên thân cận của Vladimir Putin bao gồm các cựu nhân viên KGB và những người trong chính quyền thời thập niên 1990 của thành phố Saint - Petersbourg” mà Vladimir Putin từng là Phó Thị trưởng.
Những người chỉ trích ông Putin “dường như rất lo ngại trước các thất bại quân sự liên tiếp trong thời gian gần đây” tại Ukraine. Họ xem những thất bại đó là hậu quả của việc Tổng thống Nga “đánh giá sai lệch” về tình hình và từ những thiếu sót “nghiêm trọng về quân sự”. Báo Washington Post nói đến một “điểm gẫy” trong quan hệ giữa Tổng thống Putin với các cộng tác viên thân tín nhất. Cũng tờ báo Hoa Kỳ trích lời một doanh nhân Nga có liên hệ chặt chẽ với các giới chức trong chính quyền Mạc Tư Khoa, theo đó, “những tuần lễ sắp tới sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của ông Putin, cũng như đối với chính sách của Ðiện Cẩm Linh về xung đột Ukraine”.
Mạc Tư Khoa đã bác bỏ các tin đồn về một sự rạn nứt ở đỉnh cao quyền lực. Về phía các nhà quan sát Âu Châu được Hoa Thịnh Ðốn trích dẫn, một số người cho rằng, nếu có dám chỉ trích Vladimir Putin thì đó cũng chỉ là những lời chỉ trích “sau lưng” chủ nhân Ðiện Cẩm Linh mà thôi. Một nguồn tin từ các quốc gia trong vùng biển Baltic khẳng định Nga vẫn “tiếp tục nỗ lực chiến tranh và không có dấu hiệu cho thấy điều ngược lại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét