Ngoại Trưởng Mỹ: Trung Quốc Đẩy Nhanh Mốc Thời Gian Nhanh Hơn Dự Tính, Để Chiếm Đài Loan!
- Theo tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 18/10/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Bắc Kinh muốn chiếm Đài Loan “trong một thời hạn nhanh hơn nhiều” so với dự kiến. Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ cảnh báo, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đang dẫn dắt đất nước theo hướng hung hăng, quyết chiến hơn.
Phát biểu tại diễn đàn Đại học Stanford hôm 17/10, Ngoại trưởng Mỹ mô tả Trung Quốc thời Tập Cận Bình “khác” trước đây, “đàn áp nhiều hơn ở trong nước, hung hăng hơn ở bên ngoài”, đặt ra nhiều “thách thức cho lợi ích cũng như là các giá trị” của nước Mỹ.
Lãnh đạo ngoại giao Mỹ chỉ trích Bắc Kinh “tạo ra những căng thẳng to lớn” khi thay đổi cách tiếp cận đối với đảo Đài Loan mà Trung Quốc luôn cho là một phần lãnh thổ của mình, và đơn phương bác bỏ nguyên trạng. Ngoại trưởng Blinken cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc đang theo đuổi một chính sách tái hợp nhất “trong một thời hạn nhanh hơn nhiều”, nhưng không nêu rõ ước tính hay một thời hạn cụ thể.
Dù vậy, theo Ngoại trưởng Mỹ, Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh vẫn “duy trì nhiều khía cạnh hợp tác”. Theo ông, một số vấn đề lớn khó khăn chỉ có thể giải quyết được nếu có sự hợp tác giữa hai nước như biến đổi khí hậu, y tế thế giới và cuộc chiến chống thuốc phiện.
Những phát biểu này của ông Blinken được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang tiến hành Đại Hội đảng Cộng sản lần thứ XX. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường “hợp nhất hòa bình” với Đài Loan nhưng cũng không loại trừ khả năng dùng vũ lực.
Tòa Lãnh Sự Trung Quốc ở Anh Xử Như Du Đãng: “Bọn Gây Rối Xâm Nhập Phi Pháp” Người Biểu Tình: “Bị Lôi Vào, Bị Đánh Hội Đồng!”
(Hình: Cảnh sát tại khuôn viên Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, Anh.)
Hôm 18/10/2022, Trung Quốc cáo buộc “các phần tử gây rối” đã xâm nhập bất hợp pháp vào Tòa Lãnh sự của họ ở Manchester, Anh, sau một sự việc xảy ra hôm 16/10, khi đó, người ta nhìn thấy một người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, bị lôi vào khuôn viên của phái bộ và bị đánh đập, theo thông tấn xã Reuters.
Cảnh sát Anh đang điều tra sự việc xảy ra trong cuộc biểu tình phản đối Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhân viên an ninh đã vào trong khuôn viên Tòa Lãnh sự để giải cứu một người đàn ông mà họ nói rằng “bị lôi” vào bên trong và bị một số người đàn ông hành hung.
Cuộc biểu tình với sự tham gia của 30-40 người, bao gồm cả người Hồng Kông hiện đang sinh sống tại Anh, diễn ra trước phiên khai mạc đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi ông Tập được cho là sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.
Đoạn ghi hình do BBC đăng tải cho thấy một người đàn ông đội mũ lưỡi trai đen và buộc tóc đuôi ngựa bị kéo qua cổng vào khuôn viên Lãnh sự, ở đó, ông bị 5 người đàn ông đấm đá khi ông nằm trên mặt đất.
Anh Triệu Đặc Sứ Trung Quốc, Yêu Cầu: “Tôn Trọng Quyền Biểu Tình Ôn Hòa” Không Dùng Bạo Lực Với Người Biểu Tình!
(Hình: Một người đàn ông bị xô đẩy tại cổng Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Manchester, Anh, trong cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình ngày 16/10/2022.)
Anh triệu tập Đại biện lâm thời của Trung Quốc ở Luân Đôn và nói rõ rằng phải tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa, sau vụ một người biểu tình chống ông Tập Cận Bình bị kéo vào khuôn viên Tòa Lãnh sự Trung Quốc tại Manchester (Anh) và bị đánh ‘hội đồng’.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ rất lo ngại về cái mà họ gọi là “cảnh bạo lực rõ rành rành”
Xử Giống Như Băng Đảng trên đất nước Anh!
Cuộc biểu tình, với sự tham gia của 30-40 người trong đó có người Hồng Kông hiện đang sinh sống tại Anh, diễn ra khi bắt đầu đại hội năm năm một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi ông Tập được cho là sẽ giành được nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba.
Đoạn phim do BBC đăng tải cho thấy một người đàn ông đội mũ lưỡi trai đen và buộc tóc đuôi ngựa bị kéo qua cổng vào khu lãnh sự, nơi ông bị 5 người đấm đá hành hung.
Nhà Lập pháp người Anh Alicia Kearns cho biết tổng lãnh sự của Trung Quốc tại Manchester, Zheng Xiyuan, “đã nhìn thấy rõ và có thể có liên quan đến vụ tấn công này”.
Cảnh sát Anh cho biết nạn nhân đã qua đêm trong bệnh viện để điều trị và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Nạn nhân tên là Bob, khoảng 30 tuổi, mới từ Hồng Kông di cư sang Anh, theo một người bạn thân của ông ta.
Được đài truyền hình Sky News của Anh phỏng vấn, ông Bob nói ông lo sợ cho tính mạng của mình, đồng thời cho thấy những vết cắt trên mặt và những vết bầm tím trên cơ thể sau vụ hành hung.
Ông Bob nói với kênh tin tức này: “Họ giống như những tên xã hội đen, làm những việc như xã hội đen. Chớ có làm thế. Đây không phải ở Trung Quốc. Đây là Vương quốc Anh!”.
Tại Sao Các Nước Phi Châu Quan Tâm Đến Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc
(Phan Minh)
*
Đại Hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 khai mạc hôm 16/10/2022, tại Bắc Kinh và các nước Phi Châu rất quan tâm đến sự kiện này. Đó là nội dung bài viết được đăng hôm 14/10 trên trang mạng Nhật The Diplomat. Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) xin giới thiệu.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức Đại Hội để vạch ra quỹ đạo phát triển của đất nước trong 5 đến 10 năm tới trong bối cảnh Đảng theo đuổi các mục tiêu muốn đạt được vào năm 2035.
Mỗi khi có Đại Hội Đảng, giới quan sát thường rất quan tâm đến việc ai sẽ được bổ nhiêm vào các vị trí lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Về Đại Hội lần thứ 20 năm nay, một số chuyên gia cho rằng việc ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, Tổng Bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nếu tiếp tục nắm giữ cả 3 chức vụ trên, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Tuy gây tranh cãi, nhưng việc tổ chức chính trị nội bộ Trung Quốc không phải là chủ đề duy nhất hay là chủ đề chính mà các nhà quan sát Phi Châu chú ý tới, khi nói về Đại Hội Đảng lần này. Mặc dù các nước Phi Châu cũng như các nước khác chỉ là khán giả quan sát sự kiện này, nhưng nhiều kế hoạch và chính sách quan trọng sẽ được quyết định tại Đại Hội có thể có ảnh hưởng đến quan hệ Phi Châu, Trung Quốc trong tương lai. Và chính các chính sách này mà giới quan sát Phi Châu quan tâm đến nhiều nhất.
Cho đến nay, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết sự chênh lệch giữa tín dụng và nhu cầu phát triển. Hầu hết các nước Phi Châu đã chủ động tìm kiếm các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc, ước tính chung khoảng 160 tỉ Mỹ kim trong vòng 20 năm để tài trợ các dự án như xây dựng cây cầu dài nhất ở Senegal, cầu Foundiougne, hoặc tuyến đường sắt dài 3.800 cây số chạy từ thủ đô Nairobi của Kenya đến miền duyên hải của đất nước. Ngoài ra, với 52 quốc gia Phi Châu ký kết, BRI ở một mức độ nào đó đã thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án công nghiệp hóa và cơ sở hạ tầng của Phi Châu. Mặc dù đây là một kết quả ấn tượng, nhưng các khoản vay của Trung Quốc vẫn chiếm 8,7% tổng số nợ của Phi Châu.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có duy trì cam kết của họ hay không? Bất kể Trung Quốc có kỳ vọng như thế nào đối với việc tăng trưởng trong nước, các chỉ số về xu hướng tăng lên và các đề xuất đổi mới từ Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của FOCAC và BRI sẽ được quan tâm.
Về phần Trung Quốc, dường như cho đến lúc này, ông Tập vẫn tiếp tục nắm quyền, mặc dù đội ngũ lãnh đạo của ông có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, đối với các chính phủ Phi Châu, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách đề ra tại châu lục này có thể còn đáng quan tâm hơn đến những vấn đề quản lý, lãnh đạo đất nước.
Mỹ Cảnh Báo Chuẩn Bị: Trung Quốc Sẽ Xâm Lược Đài Loan Sớm Hơn Mọi Dự Kiến!
(Hình: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trả lời câu hỏi của báo chí tại Đại học Stanford, California hôm 17/10/2022.)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 17/10/2022 cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định xâm lược Đài Loan sớm hơn dự kiến.
Ngoại trưởng Mỹ đưa ra phát biểu này tại một sự kiện ở trường Đại học Stanford ở California. Ông đồng thời cũng nói: “Đã có một thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với Đài Loan trong những năm gần đây”.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc đã có “một quyết định quan trọng rằng nguyên trạng là không còn được chấp nhận và rằng Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất ở thời hạn sớm hơn”.
Bắc Kinh từ trước đến nay luôn coi Đài Loan là một lãnh thổ không thể tách rời và chỉ chờ được thống nhất.
Trong một phản ứng chính thức trước phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Đài Loan Trương Đông Hàm (Chang Tun-han) nói rằng:
“Đài Loan là một đất nước độc lập và có chủ quyền, và dân chủ, tự do là niềm tin và cách nhìn của người dân Đài Loan”.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã leo thang vào tháng Tám vừa qua khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan và sau đó là một loạt các chuyến thăm khác của các Dân biểu Mỹ đến đảo quốc độc lập này bất chấp những phản đối của Bắc Kinh vốn coi Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.
Phát biểu trước gần 2,300 đại biểu dự Đại hội, ông Tập Cận Bình nói: “Giải quyết câu hỏi về đài Loan là vấn đề của Trung Quốc, một vấn đề cần phải giải quyết bởi người Trung Quốc”.
“Thống nhất hoàn toàn đất nước chúng ta cần phải được thực hiện gấp và nó có thể làm được mà không còn nghi ngờ gì nữa” - Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.
Mộng Làm Bá Chủ! Nhưng Vẫn Có Những Vết Rạn Nứt Trong Giấc Mộng Kinh Tế Trung Hoa
(Thanh Hà)
Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”. Ngày 18/10/2022 Bắc Kinh hoãn công bố tỷ lệ tăng trưởng của Quý/2022 và hàng loạt các chỉ số kinh tế như dự kiến. Sự kiện hãn hữu này làm dấy lên câu hỏi phải chăng do kết quả không được như mong đợi vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc họp Đại hội?
Có thêm nhiều trở ngại ngăn cản Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế số 1 thế giới khi mà ba chìa khóa từng lđem lại “phép lạ” và tăng trưởng thần kỳ cho nước đông dân nhất địa cầu không còn phù hợp với thực tế. Dân số đang trên đà lão hóa, Trung Quốc không còn có thể trông cậy vào nguồn nhân lực dồi dào để tiếp tục là công xưởng xuất cảng ra thế giới. Đòn bẩy thứ nhì là đầu tư nội địa cũng bắt đầu “hết thiêng” khi mà nhu cầu trang bị cơ sở hạ tầng bão hòa. Yếu tố thứ ba đe dọa tham vọng kinh tế của Bắc Kinh, công luận Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai tại một quốc gia mà các chính sách xã hội gần như trống vắng.
Theo giới quan sát, đó là những thách thức nghiêm trọng nhất chờ đợi ông Tập Cận Bình trước một nhiệm kỳ mới. Trong khi đó chính sách “zero Covid” và những tác động kèm theo về kinh tế, xã hội; khủng hoảng địa ốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chiến tranh Ukraine và những tác động đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, khủng hoảng về năng lượng... chỉ là những nguyên nhân gây thêm khó khăn cho Tập Cận Bình trong mục tiêu từ nay cho đến kỷ niệm 100 ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, thống lĩnh kinh tế toàn cầu.
Bệnh Thành Tích
Vào lúc mà nhiều câu hỏi đang dấy lên chung quanh mức độ hiệu quả của đầu tư Trung Quốc, của các doanh nghiệp Nhà nước, về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong tiến trình hiện hóa mô hình kinh tế, thì dường như đây không phải là điều được ông Tập Cận Bình quan tâm, ít ra là trong bài phát biểu khai mạc Đại Hội Đảng lần này. Về mặt xã hội, vào lúc mà gần 20% thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp, hàng chục triệu gia đình bất mãn và không được có lấy lại được vốn đầu tư vào nhà đất hay không, một số nhà quan sát châm biếm đặt câu hỏi: trước những dấu hiệu bất mãn trong công luận bắt đầu nhen nhúm đó đây tại Hoa Lục chính quyền trung ương xoa dịu dân tình bằng cách đầu tư vào các chính sách xã hội, hay sẽ tăng ngân sách cho các cơ quan kiểm duyệt trên các mạng xã hội?
Luân Đôn Sẽ Chặn Bắc Kinh Tuyển Dụng Phi Công Không Quân Anh!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay ngày 18/10/2022, chính phủ Anh cho biết sẽ có những biện pháp “kiên quyết” nhằm chặn đứng các nỗ lực của Bắc Kinh tuyển dụng phi công Không quân Anh để đào tạo cho phi công quân đội Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh, trả lời hãng tin Pháp AFP tuyên bố: “Chúng tôi sẽ có các biện pháp kiên quyết nhằm chấm dứt các ý đồ chiêu dụ các phi công, đã về hưu hay còn tại ngũ, trong lực lượng Không quân Anh để đào tạo phi công cho Quân đội Giải phóng Nhân dân” của Trung Quốc.
Theo truyền thông Anh, hơn 30 cựu phi công Anh đã chấp nhận những đề nghị từ Trung Quốc với khoản thù lao ít nhất là 240 ngàn bảng Anh (tức khoảng 276 ngàn Euro). Trong số này, nhiều người trong độ tuổi khoảng 50 vừa rời Không quân Anh. Phương thức tuyển dụng này bắt đầu diễn ra vào năm 2019, nhưng thời gian gần đây tăng mạnh.
Hãng tin Pháp nhắc lại, Luân Đôn xem Trung Quốc là “mối đe dọa số một” cho an ninh đất nước và ở cấp độ thế giới. Quan hệ giữa hai nước cũng xuống cấp nghiêm trọng do chính sách trấn áp của Bắc Kinh tại cựu thuộc địa Hồng Kông, rồi việc gạt trừ Hoa Vi ra khỏi các dự án mạng 5G tại Anh Quốc, mối bận tâm của Anh về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc cũng như tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Che Dấu: Trung Quốc Hoãn Công Bố Tỉ Lệ Tăng Trưởng Giữa Lúc Diễn Ra Đại Hội XX Đảng Cộng Sản
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay trong ngày thứ ba của Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, 18/10/2022, một diễn biến bất ngờ gây nhiều chú ý. Chính quyền Bắc Kinh hoãn công bố các số liệu liên quan đến tỉ lệ tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế vốn thường được coi là một thành tựu căn bản bảo đảm uy tín của chế độ, tuy nhiên chính quyền Tập Cận Bình cuối cùng đã quyết định không công bố số liệu như dự kiến. Trước đó, ngày thứ Sáu, 14/10, các số liệu liên quan đến hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng Chín cũng đã bị hoãn công bố. Thông tín viên Stéphane Lagarde của Đài RFI có mặt tại phòng họp báo ở Bắc Kinh gửi về bài phóng sự:
Đây là hội nghị được truyền hình phục vụ cho các nhiếp ảnh gia Trung Quốc. Mối quan tâm hướng về phòng dành cho báo chí, cũng như các màn hình khổng lồ truyền lại các hình ảnh tại Đại lễ đường Nhân dân, nơi diễn ra Đại Hội. Ở lối vào, một trong số phóng viên nhiếp ảnh liên tục bấm máy ghi hình cận cảnh khách bước vào. “Tôi làm việc cho tạp chí Kiến trúc Trung Quốc”, nhiếp ảnh gia này trả lời một cách rất nghiêm túc.
Hãng tin Anh Reuters đặt câu hỏi: mục tiêu tăng trưởng 5,5% GDP trong năm nay liệu có thể đạt được hay không, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa giảm dự phóng tăng trưởng xuống còn 3,2%? Chính phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển đầy quyền lực đích thân trả lời, nhưng không giải đáp trực tiếp câu hỏi. Ông Triệu Thần Hân (Zhao Chenxin) giải thích rằng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi, rằng “các chỉ số cơ bản đều tốt”, thị trường lao động ổn định, không có lạm phát như các nơi khác.
Không có số liệu nào được đưa ra, tuy nhiên, người phụ trách kế hoạch hóa kinh tế Trung Quốc tuyên bố là đã có một sự phục hồi đáng chú ý trong quý ba vừa qua. Bài trả lời của ông Triệu Thần Hân chứa đầy những lời lẽ ca tụng sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người sắp bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba, đứng đầu một đội ngũ những người thân cận ủng hộ ông trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nga Bất Ngờ Mở Những Cuộc Tấn Công Tàn Bạo, Pháo Vào Khắp Các Thành Phố Của Ukraine!
Ðiện Cẩm Linh Đe Dọa: Các Vùng Đất Sáp Nhập Từ Ukraine Được Bảo Vệ Bằng Vũ Khí Nguyên Tử Nga!
(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov.)
Hôm 18/10/2022, Mạc Tư Khoa cho biết 4 khu vực của Ukraine bị Nga tuyên bố sáp nhập vào tháng trước giờ đây được bảo vệ bằng kho vũ khí nguyên tử của Nga, theo thông tấn xã Reuters.
Tuyên bố từ Ðiện Cẩm Linh được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gay gắt, khi cả Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Nga dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự trong thời gian tới để kiểm tra mức độ sẵn sàng của lực lượng vũ khí nguyên tử của họ.
Khi được các phóng viên hỏi liệu các khu vực này có nằm dưới cái ô nguyên tử của Mạc Tư Khoa hay không, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Tất cả những lãnh thổ này là những phần không thể xâm phạm của Liên bang Nga và chúng đều được bảo vệ. Các nơi này được bảo vệ an ninh ở mức độ tương tự như phần còn lại của lãnh thổ Nga”.
Vào tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Mạc Tư Khoa sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử nếu cần để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/10 cho rằng lời đe dọa của ông Putin đã đưa thế giới đến gần “Armageddon” hơn bất kỳ lúc nào kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962, khi nhiều người lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể sắp xảy ra. Armageddon - một thuật ngữ trong Kinh Thánh - thường được hiểu là cuộc chiến tranh cuối cùng hủy diệt cả thế giới.
NATO đang tiến hành các cuộc tập trận về mức độ sẵn sàng nguyên tử trong tuần này và cho biết họ dự báo rằng Nga cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận nguyên tử của riêng mình, nhưng ông Peskov cho biết ông không có thông tin gì về điều đó.
Ông Peskov nói: “Có một hệ thống thông báo được thiết lập để thông báo về việc tiến hành các cuộc tập trận và điều này được thực hiện thông qua các kênh của Bộ Quốc phòng”.
Nga Bất Ngờ Tấn Công Dồn Dập Vào Các Mục Tiêu Cơ Sở Hạ Tầng Khắp Ukraine, Nhắm Mục Tiêu Điện và Nước
*
(Hình: Khói bốc lên ở ngoại ô Kyiv, Ukraine, ngày 18/10/2022.)
Phi đạn của Nga bắn vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraine vào sáng ngày 18/10/2022, giữa lúc Mạc Tư Khoa tăng cường hoạt động, dường như là một chiến dịch có chủ ý nhằm phá hủy các cơ sở điện và nước trước mùa Đông, theo thông tấn xã Reuters.
Thị trưởng thành phố Zhytomyr, một thành phố có 263.000 dân, cho biết các cuộc tấn công đã đánh sập nguồn cung cấp điện và nước, và hai vụ nổ đã làm rung chuyển một cơ sở năng lượng ở phía Đông-Nam thành phố Dnipro, thành phố gần 1 triệu dân, gây thiệt hại nghiêm trọng, theo ông Kyrylo Tymoshenko, một Phụ tá Tổng thống Ukraine.
Một nhân chứng của Reuters cho hay tại cảng Mykolaiv, miền Nam Ukraine, một phi đạn đã lao vào một tòa nhà chung cư khiến ít nhất một người đàn ông thiệt mạng, các vụ nổ đã được nghe thấy và khói bốc lên ở thủ đô Kyiv.
Ngoài ra, cũng có tin tức về việc các cơ sở cung cấp điện đang được nhắm mục tiêu ở thành phố Kharkiv, một thành phố có dân số trước chiến tranh là 1,43 triệu người, gần với biên giới Nga.
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy cáo buộc Nga khủng bố và giết hại dân thường bằng các cuộc không kích diễn ra một ngày sau khi máy bay không người lái tấn công Kyiv và các thành phố khác khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
“Ukraine đang bị quân chiếm đóng nã đạn. Chúng tiếp tục ra tay khủng bố và giết hại dân thường”, ông Zelenskyy viết trên mạng Telegram.
Hiện chưa có thông tin về số người thiệt mạng trong các cuộc tấn công này.
Nga tiến hành các cuộc không kích mới nhất hôm 18/10 sau khi Hoa Kỳ cảnh báo rằng họ sẽ buộc Mạc Tư Khoa phải chịu trách nhiệm về bất kỳ tội ác chiến tranh nào.
Bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nói với các phóng viên hôm 17/10 rằng Tòa Bạch Ốc “lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công phi đạn của Nga”.
Nga Oanh Kích Vào Hệ Thống Điện và Nước ở Nhiều Thành Phố Ukraine!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay sáng 18/10/2022, Nga tiếp tục loạt tấn công trên diện rộng các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Ukraine. Nhiều thành phố đã bị mất điện và nước chỉ một ngày sau loạt oanh kích bằng drone tự sát khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.
Cả hai thành phố lớn nhất của Ukraine, Kyiv và Kharkiv, đều trở thành mục tiêu oanh kích của quân đội Nga. Tại Kyiv, một Cố vấn của phủ Tổng thống Ukraine cho biết “có ba vụ tấn công vào nhà máy điện” ở phía Đông thủ đô, cụ thể là “nhiều vụ nổ đã xảy ra ở quận Desnyanskyi”, Đông-Bắc Kyiv, theo thị trưởng Kyiv.
Nhà máy điện ở thành phố Jytomyr, phía Tây thủ đô Kyiv, bị hai vụ oanh kích. Nước và điện đã bị cắt, trong khi “các bệnh viện đang phải dùng nguồn điện dự phòng”. Ở miền Trung Ukraine, hai vụ tấn công của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng ở thành phố Dnipro gây nhiều “thiệt hại nghiêm trọng” khiến nhiều khu phố mất điện.
Một nhà máy công nghiệp ở thành phố Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng bị oanh kích. Theo thị trưởng, “hai vụ nổ trong thành phố xảy ra chỉ trong vòng 5 phút”.
Cùng lúc, Ukraine cũng cáo buộc Nga “bắt cóc” hai nhà lãnh đạo nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, hiện do quân Nga kiểm soát. Giám đốc tin học Oleg Kostiukov và Phụ tá Tổng Giám đốc Oleg Ocheka đã “bị đưa đến một nơi không được rõ”. Trong thông cáo đăng trên mạng xã hội ngày 18/10, cơ quan Energoatom kêu gọi Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi “nỗ lực hết sức” để hai viên chức trên được trả tự do.
Nga Sẽ Khai Triển 9.000 Binh Sĩ và 170 Xe Tăng Tại Belarus
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm thứ Hai (17/10/2022), Bộ Quốc phòng Belarus thông báo Nga sẽ khai triển đến 9.000 binh sĩ và khoảng 170 xe tăng tại Belarus để thành lập một lực lượng quân sự chung giữa hai nước.
Thông tấn xã AFP trích dẫn giải thích của Bộ trưởng Quốc phòng Valéri Revenko cho biết thêm là trong khuôn khổ chương trình hợp tác quân sự quốc tế này, Nga sẽ còn gởi đến 200 xe bọc thép và 100 loại vũ khí và đạn cối trên 100 ly. Các đơn vị Nga này sẽ được bố trí tại “4 trại huấn luyện ở miền Đông và trung Belarus”, tham gia các khóa đào tạo “bắn súng và bắn phi đạn phòng không”.
Chính quyền Belarus khẳng định lực lượng mới này chỉ nhằm phòng thủ, bảo vệ các đường biên giới trước mối đe dọa đến từ Ukraine. Tổng thống Belarus, ông Alexandre Lukachenko tuần rồi cáo buộc Ba Lan, Litva và Ukraine chuẩn bị các hành động tấn công “khủng bố” và kích động “nổi dậy” tại Belarus, khi thông báo việc khai triển nhóm quân nhân khu vực. Thông báo của Belarus đưa ra vào thời điểm quân Nga vấp phải nhiều thất bại trên chiến trường
Chiến Tranh Ukraine: Lần Đầu Tiên, Liên Hiệp Âu Châu Dồn Lực ủng Hộ Một Nước!
(Thu Hằng)*
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, Liên Hiệp Âu Châu (EU) viện trợ cho chính quyền Kyiv 3 tỉ Euro với khoản viện trợ mới nhất 500 triệu Euro được công bố hôm 17/10. Cùng lúc, Ngoại trưởng 27 nước cũng phê chuẩn chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine, được gọi là “EUMAM Ukraine”.
Đây là “lần đầu tiên”, Liên Hiệp Âu Châu hợp lực hỗ trợ Ukraine, theo nhận định của một nhà ngoại giao ở Brussels, “chưa bao giờ chúng ta có một chiến dịch ở quy mô như vậy”. Chương trình dự kiến kéo dài 2 năm, tập trung huấn luyện khoảng 15.000 quân nhân Ukraine trên lãnh thổ các nước thành viên muốn tham gia và được điều phối từ Brussels. Cụ thể, 12.000 quân Ukraine sẽ được “huấn luyện cơ bản” và khoảng 2.800 người “được huấn luyện chuyên môn”, theo yêu cầu của chính quyền Kyiv, như dò phá mìn, Pháo binh, điều khiển radar….
Chương Trình Huấn Luyện Lớn Nhất Ngoài Lãnh Thổ Ukraine
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell, “EUMAM Ukraine là chương trình huấn luyện lớn mạnh nhất bên ngoài lãnh thổ Ukraine”. Trước mắt, có ba nước tiếp nhận quân nhân Ukraine là Ba Lan, do có vị trí chiến lược, là “cửa ngõ ra vào Liên Hiệp Âu Châu”, tiếp theo là Đức và Pháp, hai nhà viện trợ vũ khí lớn cho Kyiv. Quân nhân Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng pháo Caesar và hệ thống phòng không Crotale được Paris viện trợ và xe bọc thép Marder do Bá Linh gửi. Chương trình này bổ trợ cho các khóa huấn luyện của Mỹ và Anh.
Như vậy, sắp tới, Kyiv sẽ nhận được hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ, hệ thống địa đối không Hawk tầm trung của Tây Ban Nha. Đức đã giao hệ thống Iris-T đời mới nhất. Còn Tổng thống Pháp hứa giao “radar, hệ thống phi đạn và nhiều phi đạn”, nhưng không nêu chi tiết. Tuy nhiên, theo một viên chức quân sự Mỹ, được AFP trích dẫn, có thể là hệ thống SAMP/T còn được gọi là “Mamba” do Ý Ðại Lợi và Pháp sản xuất.
Ông Putin Hiện Đang “An Toàn Cầm Quyền” Nhưng Đầy Rủi Ro Hãy Còn ở Phía Trước
(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)
Việc cầm quyền của ông Vladimir Putin ở Nga vẫn vững chắc bất chấp những thất bại quân sự ở Ukraine, một cuộc động viên chắp vá, và đấu đá chính trị nội bộ, theo tám nguồn thạo tin, nhưng một số người nói rằng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng nếu có dấu hiệu bị đánh bại hoàn toàn.
Hầu hết trong số này nói rằng Tổng thống Nga đang ở một trong những điểm khó khăn nhất trong hơn hai thập niên cầm quyền vì vấn đề Ukraine, nơi các lực lượng xâm lược của ông đã bị đẩy lùi ở nhiều địa điểm bởi một Kyiv được phương Tây vũ trang.
Nhưng các nguồn tin này, trong đó có các nhà ngoại giao và viên chức chính phủ phương Tây đương nhiệm và tiền nhiệm, cho biết không có mối đe dọa sắp tới nào rõ ràng từ các giới thân cận, quân đội, hoặc cơ quan tình báo của ông Putin.
Ông Anthony Brenton, cựu Ðại sứ Anh tại Nga, nói: “Hiện tại, ông Putin vẫn còn giữ vững được”.
Ông nói ông tin rằng nhà lãnh đạo Nga hy vọng đàm phán về Ukraine, có thể là với người Mỹ, và hy vọng vận may chiến trường đang suy yếu của Mạc Tư Khoa sẽ tăng lên bất chấp những gì phương Tây nói là thiếu nhân lực, khí tài và thậm chí là cả phi đạn.
Lên nắm quyền từ năm 1999, ông Putin đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và chiến tranh trong nước, và hơn một lần đối mặt với các cuộc biểu tình lớn trên đường phố trước khi loại bỏ bất kỳ phe đối lập thực sự nào một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của người đàn ông 70 tuổi này ở Ukraine kể từ ngày 24/2 năm nay đã tạo ra cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962 và gây nên các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây đối với Nga chưa từng có từ trước đến nay.
Quân đội của Putin đã chịu những cuộc rút lui nhục nhã cũng như tổn thất nặng nề, và hàng trăm ngàn người Nga đã phải trốn ra ngoại quốc để tránh đi lính. Ông Putin cũng đã đe dọa dùng nguyên tử mà một số người coi là dấu hiệu của sự tuyệt vọng.
Một số đồng minh - từ nhà lãnh đạo Chechnya được Ðiện Cẩm Linh hậu thuẫn, cho đến người đứng đầu một tổ chức lính đánh thuê - đã cáo buộc các chỉ huy quân sự Nga giải quyết sai cuộc chiến.
Ông Brenton cho biết không có lời chỉ trích công khai nào đối với ông Putin từ giới chính trị hoặc giới kinh doanh ưu tú hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có động thái chống lại Putin, nhưng điều đó có thể không kéo dài.
“Nếu họ tiếp tục rút lui vào mùa Xuân, đến tháng Ba, tháng Tư năm sau, thì tôi nghĩ tại thời điểm đó mọi thứ sẽ trở nên thực sự rắc rối cho ông Putin - không phải ở cấp độ công chúng bình dân, mà ở cấp độ những thành phần ưu tú”.
Tòa Bạch Ốc: Mỹ Sẽ Buộc Nga Chịu Trách Nhiệm Về “Tội Ác Chiến Tranh” Tiêu Diệt Con Người!
(Hình: Một ngôi mộ tập thể được phát giác tại Bucha, ngoại ô Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 3/4/2022. )
Mỹ sẽ buộc Nga chịu trách nhiệm về “tội ác chiến tranh”, Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 17/10/2022, vài tiếng đồng hồ sau khi Nga tấn công các thành phố của Ukraine bằng máy bay không người lái trong giờ cao điểm buổi sáng, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng trong một tòa chung cư ở Kyiv.
Hãng tin Interfax-Ukraine cho hay những người sử dụng Telegram báo cáo có các vụ nổ ở thị trấn Fastiv bên ngoài Kyiv cũng như tại cảng Odesa.
Lính Ukraine nã pháo tìm cách bắn hạ các máy bay không người lái của Nga sau khi các vụ nổ làm rúng động thủ đô Kyiv sáng 17/10.
Phát ngôn nhân Karine Jean-Pierre của Tổng thống Mỹ nói Tòa Bạch Ốc cực lực lên án các cuộc tấn công phi đạn của Nga hôm nay và rằng hành động này “tiếp tục chứng tỏ sự tàn bạo của ông Putin”.
Nhắc đến gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu Mỹ kim mới được công bố cho Ukraine vào thứ Sáu tuần trước, bà Jean-Pierre nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Ukraine chừng nào họ vẫn còn cần”.
Ngũ Giác Đài đang xem xét việc chi trả cho mạng vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk vốn giúp khôi phục thông tin liên lạc ở Ukraine, tờ Politico ngày 17/10 đưa tin, dẫn lời hai viên chức Mỹ tham gia vào các cuộc thảo luận.
Trong ngày 17/10, Nga và Ukraine đã thực hiện một trong những vụ hoán đổi tù nhân lớn nhất của cuộc chiến cho đến nay, trao đổi tổng cộng 218 người bị giam giữ, trong đó có 108 phụ nữ Ukraine, các viên chức hai bên cho biết.
Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, nói có 12 thường dân trong số những phụ nữ được trả tự do.
Ông cho biết thêm rằng 37 phụ nữ trong số này đã bị bắt sau khi lực lượng Nga đánh chiếm nhà máy thép Azovstal khổng lồ ở thành phố cảng Mariupol vào tháng Năm.
Bộ Nội vụ Ukraine cho biết một số phụ nữ đã phải ngồi tù từ năm 2019 sau khi bị chính quyền thân Mạc Tư Khoa ở các khu vực phía Đông bắt giữ.
Mỹ Đe Dọa Trừng Phạt Quốc Gia, Doanh Nghiệp Hợp Tác Với Chương Trình Drone Iran
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay sau các vụ tấn công tại Ukraine bằng drone, bị tình nghi do Iran sản xuất, hôm 17/10/2022, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt các nước, các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền Tehran trong chương trình chế tạo drone.
Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Vedant Patel, trong buổi họp báo hàng ngày, nhấn mạnh là “liên minh Iran - Nga đang được củng cố cần phải coi là một hiểm họa nghiêm trọng với đối với toàn thế giới”, và Hoa Kỳ “sẽ không lưỡng lự khi sử dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người chịu trách nhiệm chính”. Trừng phạt không chỉ nhắm vào giới chức Iran mà “tất cả những ai có các hoạt động phối hợp với Iran trong việc phát triển drone, hoặc phi đạn-đạn đạo, hoặc tham gia vào việc vận chuyển các vũ khí của Iran sang Nga”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết thêm là việc Mạc Tư Khoa phải sử dụng đến các vũ khí của Iran cho thấy quân đội Nga đang chịu một “áp lực ghê gớm”, sau nhiều thất bại tại Ukraine, buộc Mạc Tư Khoa phải tìm mua cả các nguồn vũ khí với chất lượng “ít đáng tin cậy” như của Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedan Patel thông báo, nhiều drone Iran bán cho Nga bị trục trặc, theo tin tức tình báo.
Đài France 24 dẫn lại thông tin của Hoa Thịnh Ðốn Post, công bố hôm Chủ Nhật (16/10), theo đó Iran có thể chuẩn bị cung cấp nhiều phi đạn tầm ngắn cho Nga, như Fateh-110 và Zolfaghar, có thể tấn công các mục tiêu tương ứng là 300 cây số và 700 cây số.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong một buổi trao đổi với báo giới tại Đại học Stanford, California, hôm 17/10, cũng ghi nhận việc quân đội Nga gia tăng tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự, nhà máy điện, bệnh viện… là “một dấu hiệu cho thấy sự tuyệt vọng của Nga”.
Tình Hình Iran Vẫn Xáo Trộn!
Trấn Áp Người Biểu Tình: Liên Hiệp Âu Châu Trừng Phạt Nhiều Viên Chức Iran
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Ngoại trưởng các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU), trong cuộc họp ngày 17/10/2022, tại Luxembourg, đã thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào cảnh sát đạo đức và 11 lãnh đạo Iran có can dự vào việc trấn áp các cuộc biểu tình bùng phát sau cái chết của Mahsa Amini.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, trong số này, có Bộ trưởng Kỹ thuật về Thông tin và Viễn thông, Issa Zarepour và lãnh đạo cảnh sát đạo đức Iran, Mohammad Rostami Cheshmeh Gachi. Những trừng phạt này bao gồm cấm visa nhập cảnh và phong tỏa tài sản tại Liên Hiệp Âu Châu.
Danh sách trừng phạt này được lập trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà tù Evin ở Tehran làm 8 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Nhà tù này cũng là nơi giam giữ các tù nhân chính trị Iran và nhiều người ngoại quốc trong đó có nữ học giả song tịch Pháp-Iran, Fariba Adelkhah, và một người Mỹ Siamak Namazi. Những người này hiện đều an toàn.
Cuối tháng 9/2022, Liên Hiệp Âu Châu đã đánh giá việc cảnh sát Iran sử dụng vũ lực “phổ biến và không tương xứng” nhắm vào người biểu tình Iran, sau cái chết của thiếu nữ người Kurdistan Mahsa Amini, là “không gì biện minh được và không thể chấp nhận”.
Ngay sau thông báo của Liên Hiệp Âu Châu, Iran cảnh báo sẽ đáp trả tức thì những biện pháp này.
Bắc Hàn Vẫn Là Mối Đe Dọa!
Nhật Bản Sẽ Áp Đặt Các Biện Pháp Trừng Phạt Bổ Sung Đối Với Bắc Hàn
(Hình: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Nhật Bản sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Bắc Hàn bằng cách đóng băng tài sản của các nhóm liên quan đến việc phát triển phi đạn.
Thông tấn xã Reuters dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno nói trong một cuộc họp thường kỳ hôm 18/10/2022.
Ông Matsuno nói: “Chúng tôi không thể dung thứ cho các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Hàn đe dọa an ninh của Nhật Bản cũng như hòa bình và an ninh quốc tế”.
Thời Sự Việt Nam:
Bỏ Phiếu Trắng ở Liên Hiệp Quốc, Ủng Hộ Chiến Tranh Xâm Lăng, Việt Nam Coi Như Chấp Nhận Mất Biển Đông!
(Bình luận của Hoàng Yên Trần)
Cộng Đồng Thế Giới Lên Án Nga
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine đã bước sang khúc quanh mới sau bảy tháng chiến sự. Cuối tháng Chín, chính quyền Putin quyết định sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine, đây là một quyết định vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế.
Ngày 30/9/2022, một Dự thảo Nghị quyết lên án hành động này của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bị bác bỏ với lá phiếu phủ quyết của Nga. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết lên án Nga một lần nữa lại được đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12/10, đã có nhiều dự đoán không mấy lạc quan rằng Nghị quyết có khả năng chỉ đạt được từ 100 đến 140 phiếu thuận, có nghĩa là ít hơn nhiều so với Nghị quyết đầu tiên ngày 2/3 lên án Nga xâm lược (141 phiếu). Theo nhiều nhà quan sát, sự sụt giảm số lượng nước ủng hộ sẽ tác động không nhỏ đến tính “chính đáng” của các nỗ lực hậu thuẫn Ukraine từ phía các quốc gia đồng minh, đối tác. Nhiều cuộc vận động ngoại giao để thu hút sự ủng hộ Nghị quyết đã diễn ra và cuối cùng cũng đã nhận được 143 phiếu thuận (5 phiếu chống và 35 phiếu trắng).
Sự Nguy Hiểm Đối Với Việt Nam
Cách thể hiện thái độ của Việt Nam về vấn đề này có rất nhiều điều mâu thuẫn.
Ngày 6/10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.[3]
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.[4]
Hành động sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào đất Nga là một tiền lệ rất xấu, đặc biệt đe dọa tới những quốc gia nhỏ và vừa như Việt Nam, có thể bị một cường quốc thực hiện tương tự. Tuy vậy, Việt Nam lại chọn cách theo Trung Quốc bỏ phiếu trắng trước sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc cốt lõi của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cần phải nhắc lại, nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một nguyên tắc hàng đầu của Liên Hiệp Quốc và của luật pháp quốc tế nói chung.
Mặc dù Cam Bốt là một nước nhỏ và rất thân thiết với Trung Quốc, nhưng Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cũng đã thẳng thắn ủng hộ Nghị quyết lên án Nga, và ông còn phát biểu: “Việc cưỡng bức sáp nhập các khu vực từ một quốc gia có chủ quyền là vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, điều này không thể chấp nhận được”.[5]
Sự xâm lược của Nga tại Ukraine sẽ là một bài học tuyệt vời cho Trung Quốc. Sự phản ứng của cộng đồng quốc tế sẽ là một trắc nghiệm cho Trung Quốc trước âm mưu gia tăng việc chiếm đóng trên Biển Đông để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Rất có khả năng Trung Quốc trong thời gian sắp tới sẽ ra các quyết định sáp nhập các khu vực trên Biển Đông vào trong lãnh thổ của Trung Quốc như Nga đã làm với Ukraine. Trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ làm gì để kêu gọi sự ủng hộ của thế giới?
Quốc Hội Ra Rả Trấn An: Người Dân và Doanh Nghiệp Yên Tâm Về Tiền Gửi ở SCB
(Hình: Chi nhánh của Ngân hàng SCB ở phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Sài Gòn, hôm 8/10/2022.)
- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay hôm 17/10/2022, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam nói rằng người dân và doanh nghiệp có thể yên tâm về tiền gửi ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tại họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khóa 15, phóng viên báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi đối với ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - về những sự việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng những sự việc liên quan “gây nhiều hệ lụy, mất niềm tin”.
Vào ngày 8/10 vừa qua, Bộ Công an thông báo Quyết định ký ngày 7/10 khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan”. Đồng thời, Bộ Công an cũng thông báo Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng ba người khác là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngay sau khi có thông báo, nhiều người dân đã đổ ra các chi nhánh của SCB để rút tiền vì cho rằng Vạn Thịnh Phát đứng đằng sau SCB. Ngân hàng SCB đã ra thông báo bác bỏ tin bà Lan tham gia vào việc quản lý ngân hàng này nhưng người dân vẫn tiếp tục đến SCB rút tiền.
Trước tình hình này, ngày 15/10, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Nhận định về tình hình của SCB, ông Nguyễn Minh Sơn nói: “Vấn đề này thời gian gần đây cũng làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng hơi xáo trộn. Qua phản ánh của báo chí, những ngày đầu tiên người dân đã kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn”.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tình hình đã lắng xuống.
“Qua buổi họp báo hôm nay, mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng phải bảo đảm cho người gửi tiền”. – Ông Sơn phát biểu.
Hết Nhà Nước, Giờ Đến Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng SCB Cam Kết Bảo Đảm Mọi Quyền Lợi Cho Người Gửi Tiền
Nội dung bức thư được đăng trên trang web của ngân hàng có đoạn viết:
“Trong những ngày qua, các tin đồn thất thiệt trên thị trường đã tác động không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu của SCB. Việc khối lượng giao dịch đột ngột tăng trong thời gian ngắn đã khiến chất lượng dịch vụ trong quá trình phục vụ khách hàng ít nhiều bị ảnh hưởng”.
SCB đang phải đối diện với tình trạng khách hàng ồ ạt kéo đến rút tiền kể từ ngày 8/10 vừa qua sau khi Bộ Công an thông báo Quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan”. Cùng quyết định khởi tố là Lệnh bắt tạm giam đối với Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng ba người khác là đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nhiều người dân cho rằng SCB thuộc Vạn Thịnh Phát nên lo ngại sẽ mất tiền gửi, mặc dù SCB ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định bà Trương Mỹ Lan không giữ vai trò quản lý ở ngân hàng này.
Một số người dân nhắn tin cho Ðài Á Châu Tự Do (RFA) rằng họ bị nợ lương từ tuần trước do công ty có tiền gửi ở SCB và không rút được.
Hôm 15/10, Ngân hàng Nhà nước công bố việc phải áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với SCB, một biện pháp được áp dụng khi ngân hàng có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Trong bức thư của mình, Chủ tịch Vũ Anh Đức cho biết việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước “là các biện pháp nghiệp vụ để tăng cường hoạt động cho SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung”.
Các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước bao gồm cả việc cơ cấu lại Hội đồng Quản trị được xác định là “nhằm hỗ trợ cho SCB nhanh chóng hoạt động ổn định trở lại”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét