Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

Theo Dòng Thời Sự: Những Tin Nóng Đang Được Chú Ý Nhất! - Lê Văn Hải


Quân Nga Liên Tục Bỏ Vũ Khí Tháo Chạy, Có Thể Coi Như Putin Đã Bại Trận Trước Ukraine? Tổng Thống Mỹ Cảnh Báo Nguy Cơ Con Người “Tận Thế” Bằng Nguyên Tử! - Ngày 7/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay vào lúc quân đội Nga bị đẩy lui trên chiến trường Ukraine, Mạc Tư Khoa đe dọa sử dụng “mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ”, hàm ý kể cả vũ khí nguyên tử, Tổng thống Mỹ Joe Biden báo động: “Chúng ta chưa bao giờ đối mặt với kịch bản tận thế kể từ thời Kennedy”.
<!>
Tham dự một cuộc họp tại New York nhằm gây quỹ cho đảng Dân chủ hôm 6/10, Tổng thống Hoa Kỳ so sánh việc Mạc Tư Khoa đe dọa sử dụng “mọi phương tiện để bảo vệ lãnh thổ” với khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962. Khi đó Liên Xô đã điều phi đạn đến Cuba, sát cạnh lãnh thổ Hoa Kỳ. Đó cũng là một giai đoạn, dưới thời Tổng thống John F. Kennedy và lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, Nikita Khrushev, bang giao giữa Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa rất căng thẳng.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại, tới nay Tòa Bạch Ốc vẫn khẳng định không có thông tin cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử để giải quyết dứt điểm xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Hoa Kỳ theo dõi sát tình hình. Cũng nhân cuộc họp hôm qua tại New York, Tổng thống Biden lưu ý, Vladimir Putin “không đùa khi ông nêu lên khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuận hay vũ khí hóa học, vũ khí sinh học”, bởi vì theo chủ nhân Tòa Bạch Ốc, quân đội Nga quá tồi. Joe Biden nói là ông không biết Vladimir Putin sẽ phải làm gì để thoát khỏi bế tắc hiện nay mà “không mất thể diện, và không mất một phần lớn quyền lực” tại Nga.

Tại Ukraine, quân đội của chính quyền Kyiv tiếp tục chiến dịch phản công trên nhiều mặt trận từ đầu tháng Chín tới nay, giành lại từ tay quân đội Nga được gần hết khu vực trong vùng Kharkiv ở phía Đông-Bắc. Lực lượng Ukraine cũng đã chiếm lại được nhiều địa điểm then chốt tại miền Đông. Hôm 6/10, Tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận “chỉ riêng từ ngày 1/10 quân Ukraine đã giành lại được hơn 500 cây số vuông chung quanh khu vực Kherson, giải phóng hàng chục các thành phố và thị trấn”.

Với đà tiến này, phát biểu qua cầu truyền hình với các lãnh đạo 44 nước Âu Châu họp tại Prague trong khuôn khổ thượng đỉnh Cộng Đồng Chính Trị Âu Châu, ông Zelensky kêu gọi quốc tế tăng viện trợ quân sự cho Kyiv để “thiết giáp của Nga không tiến vào Warsaw hay Prague”.

Cũng trong ngày 6/10, Ðại sứ Pháp tại Mạc Tư Khoa, Pierre Lévy bị Bộ Ngoại giao Nga triệu mời lên nhằm phản đối Paris cung cấp vũ khí cho Ukraine. Lệnh triệu Ðại sứ Pháp diễn ra đúng vào lúc, Tổng thống Emmanuel Macron đang tham dự thượng đỉnh ở Prague và xác nhận “nghiên cứu khả năng giao thêm 12 khẩu đại bác Caesar cho Kyiv”. Từ tháng Hai đến nay, Pháp đã cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong đó có 18 khẩu Caesar.

Sau Những Thất Bại Liên Tiếp Tại Ukraine, Quân Đội Nga Đang Bị Dồn Vào Chân Tường! Tổng Thống Biden Cảnh Báo: Lời Đe Dọa của Ông Putin Mang Lại Nguy Cơ Chiến Tranh Hủy Diệt Con Người!

*


(Hình: Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án lời đe dọa nguyên tử của Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đưa ra nhận định rằng lời đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử ở Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa thế giới đến gần ‘Armageddon’ hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ cuộc Khủng hoảng phi đạn Cuba trong thời Chiến tranh Lạnh. ‘Armageddon’ - một thuật ngữ trong Kinh Thánh - thường được hiểu là cuộc chiến tranh cuối cùng hủy diệt cả thế giới.

Ông Putin vừa ăn mừng sinh nhật lần thứ 70 với lời chúc mừng nồng nhiệt từ các viên chức Nga. Nhưng với cuộc xâm lược của ông đã bước qua tháng thứ 7, dường như ông ít tham gia các sự kiện trước công chúng, trái ngược với chỉ một tuần trước, khi ông tổ chức một buổi hòa nhạc lớn trên Quảng trường Đỏ để tuyên bố sáp nhập gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Ông Biden cho rằng viễn cảnh bại trận có thể khiến ông Putin tuyệt vọng đến mức sử dụng vũ khí nguyên tử, rủi ro lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ John Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đối đầu về vụ phi đạn ở Cuba vào năm 1962.

“Chúng ta đã không đối mặt với viễn cảnh Armageddon kể từ thời Tổng thống Kennedy và cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba”, ông Biden phát biểu tại New York. “Lần đầu tiên kể từ Khủng hoảng phi đạn Cuba, chúng ta lại có mối đe dọa trực tiếp về sử dụng vũ khí nguyên tử, nếu trên thực tế mọi việc vẫn tiếp tục đi theo đường hướng hiện nay”.

Ông Putin ‘không đùa khi nói về khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật hoặc vũ khí sinh học hoặc hóa học, bởi vì quân đội của ông ta có thể nói là đang chiến đấu quá tệ”, ông Biden nói.

Mối lo ngại cho đến nay là viễn cảnh Nga khai triển cái gọi là vũ khí nguyên tử ‘chiến thuật’ - thiết bị tầm ngắn sử dụng trên chiến trường - thay vì vũ khí ‘chiến lược’ lắp trên các phi đạn tầm xa mà Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa đã dự trữ kể từ Chiến tranh Lạnh.

Nhưng ông Biden cho rằng nó không tạo ra khác biệt nhiều: “Tôi không nghĩ có khả năng dễ dàng (sử dụng) vũ khí nguyên tử chiến thuật mà không dẫn đến chiến tranh hủy diệt”.

Ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo của Chechnya, khu vực từng ly khai mà ông Putin đã tái chiếm hai thập kỷ trước, đã chúc mừng ‘một trong những nhân vật có ảnh hưởng và nổi bật nhất trong thời đại chúng ta, người yêu nước số một trên thế giới’.

Nhưng các sự kiện ăn mừng công khai dường như rất chừng mực. Một đoạn video được lan truyền trên các kênh mạng xã hội thân Nga cho thấy một đám đông vài trăm thanh niên ở trung tâm St Petersburg vẫy cờ Nga. Họ được quay từ trên cao trong lúc cầm những chiếc ô màu đỏ thể hiện dòng chữ ‘Putin - Tổng thống của tôi’.

Ông Putin đã cảnh báo rằng ông sẽ sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết, bao gồm cả kho vũ khí nguyên tử của Nga, để bảo vệ đất Nga, mà bây giờ ông nói bao gồm bốn khu vực Ukraine vừa được sáp nhập.

Trong bài phát biểu trước Viện Lowy của Úc Ðại Lợi, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskiy cho rằng Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nên thực hiện tấn công phủ đầu vào Nga để ngăn chặn nước này sử dụng vũ khí nguyên tử.

Ba Lan Đề Nghị Mỹ Đặt Vũ Khí Nguyên Tử Trên Lãnh Thổ của Mình!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 5/10/2022, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết đã đề xuất với Mỹ bố trí các phi đạn gắn đầu đạn nguyên tử trên lãnh thổ của mình.

Mặc dù yêu cầu này khó được chấp thuận, nhưng điều này cho thấy đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền, dường như vì mục tiêu đối nội và tranh cử, đang muốn tỏ lập trường rất cứng rắn đối với Nga. Từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, thông tín viên Martin Chabal của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:

“Điều quan trọng đối với đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền là tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Nga và Belarus. Cuộc bầu cử Lập pháp Ba Lan sẽ được tổ chức vào năm 2023. Và lẽ đương nhiên, cuộc chiến ở Ukraine vẫn sẽ hằn sâu trong tâm trí người dân Ba Lan. Vì vậy, đảng đang gia tăng những quyết định mang tính biểu tượng.

Yêu cầu mới nhất của Tổng thống Andrzej Duda về việc đặt vũ khí nguyên tử của Mỹ trên đất Ba Lan chắc chắn sẽ không được chấp thuận. Điều đó không mang tính chiến lược quân sự và Hoa Kỳ cũng chưa nhận được yêu cầu chính thức từ phía Ba Lan. Nhưng bằng cách áp dụng lập trường cứng rắn này, Ba Lan tỏ ra là một trong những quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu cứng rắn nhất đối với Nga.

Đáng chú ý, Ba Lan là nước duy nhất tại Âu Châu từ chối cho nhập cảnh mọi công dân Nga trên lãnh thổ của mình, ngay cả khi họ có thị thực Schengen.

Và vào đầu tháng này, đại diện đảng Pháp luật và Công lý đã rầm rộ tổ chức lễ khánh thành một kênh đào tới biển Baltic và một đường ống dẫn khí. Hai cơ sở hạ tầng này được xây dựng để tránh nhập cảng khí đốt Nga.

Với sự cứng rắn này, đảng Pháp luật và Công lý đang cố gắng thể hiện là tổ chức bảo vệ lợi ích của người dân Ba Lan và Âu Châu. Đảng này hy vọng các cử tri sẽ nhớ điều đó khi họ bỏ phiếu vào năm tới”.


Chiến Tranh Ukraine Có Vẻ Đến Hồi Kết: Các Kịch Bản Của Nga Sử Dụng Vũ Khí Nguyên Tử!

(Trọng Thành)

Cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động bước sang một khúc quanh mới vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022. Sau hàng loạt thất bại nặng, chính quyền Nga quyết định động viên bán phần, khẩn cấp trưng cầu dân ý tại các vùng chiếm đóng để nhanh chóng sáp nhập. Mạc Tư Khoa đe dọa dùng cả vũ khí nguyên tử, để bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ”, ngăn chặn đà tiến của quân đội Ukraine.

Từ đầu chiến tranh đến nay, chính quyền Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Cho đến nay Ðiện Cẩm Linh vẫn chỉ dừng ở đe dọa. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nguy cơ Nga biến đe dọa thành hiện thực lần này cần được xem xét nghiêm túc hơn. Truyền thông phương Tây dường như bắt đầu đề cập nhiều hơn đến các kịch bản sử dụng vũ khí nguyên tử cụ thể của chính quyền Nga trong chiến tranh Ukraine.

Bên cạnh nhóm các chuyên gia đặt trọng tâm và niềm tin vào chiến lược răn đe và hành xử khéo léo của chính quyền Mỹ và các đồng minh, đủ sức cản Nga dùng vũ khí nguyên tử, nhiều chuyên gia khác lại nhấn mạnh đến xác suất tuy thấp, nhưng một khi đã xảy ra, việc Nga dùng vũ khí nguyên tử kiểu gì, các hậu quả để lại đều sẽ có thể là những thảm họa khôn lường mang tính toàn cầu.

Vụ Nổ Kinh Hoàng Giữa Không Trung

Đầu tháng 10/2022, tuần báo L’Obs đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione, người đã 35 năm nay theo dõi vấn đề các hiểm họa nguyên tử quân sự, và dấn thân trong nhiều hoạt động giải trừ nguyên tử. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề “Putin và vũ khí nguyên tử: bốn kịch bản kinh hoàng theo Joe Cirincione“, vị chuyên gia nói đến 4 kịch bản.

Thứ nhất, Putin sẽ cho nổ một phi đạn nguyên tử tại Biển Đen, và để gây ấn tượng hơn thì tại một vùng không có người ở tại Ukraine. Có thể là sẽ không có người chết, không có thiệt hại lớn nào. Nhưng đây sẽ là một cú sốc với toàn thế giới. Thế giới sẽ phải sững sờ, bởi chưa bao giờ một vũ khí nguyên tử được sử dụng kể từ Ðệ nhị Thế chiến, và lần thử bom nguyên tử ngoài không trung cuối cùng là vào năm 1980, tại Trung Quốc (kể từ sau vụ thử này, mọi vụ thử nguyên tử mới đều được thực hiện dưới lòng đất).

Kịch bản thứ nhất này không phải là chuyện giả tưởng bởi đã nằm trong một số phát triển mới của học thuyết nguyên tử Nga, đặc biệt với khái niệm “Leo thang để buộc đối phương xuống thang” (dùng vũ khí nguyên tử gọi là chiến thuật để buộc đối phương chấm dứt một cuộc chiến tranh quy ước, bất lợi cho Nga). Hiện tại, chính quyền Putin để một không khí mơ hồ bao phủ lên khái niệm này.

Vũ Khí “Nguyên Tử Chiến Thuật” – Một Hiroshima Thứ Hai

Nếu hành động đe dọa này không khiến các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, chính quyền Putin có thể chuyển sang một kịch bản thứ hai.

Đó là sử dụng một vũ khí nguyên tử gọi là có “sức công phá thấp” để nhắm vào một mục tiêu quân sự, hay một nơi tập trung quân, một căn cứ Không quân, một quân cảng…. Một vũ khí nguyên tử như trên thường được gọi là “vũ khí nguyên tử chiến thuật”, có sức nổ dưới 10 kilotonne đến 100 kilotonne. Hiện tại nước Nga sở hữu khoảng 1.900 đầu đạn nguyên tử “chiến thuật” như trên, mà giới chuyên gia nhiều nước Âu Châu gọi là vũ khí nguyên tử “phi chiến lược”. Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh kho vũ khí này. Hiện nước Mỹ sở hữu khoảng 200 vũ khí nguyên tử có sức nổ từ 0,3 kilotonne đến 170 kilotonne (trong số đó có khoảng 100 bom B61 (sức công phá tương đương với vụ Hiroshima) được bố trí tại năm nước Âu Châu, Đức, Ý Ðại Lợi, Hòa Lan, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay Mỹ và Nga không có Hiệp định nào liên quan đến loại vũ khí này.

Để so sánh tác giả dẫn ra trường hợp vụ nổ tại Hiroshima (Nhật Bản), năm 1945. Trái bom do Mỹ thả với sức nổ 15 kilotonne, ngay lập tức khiến 70.000 người thiệt mạng, chưa kể người bị thương và chết sau đó do phóng xạ. Một vụ nổ 10 kilotonne giới chuyên môn thường gọi là “có sức công phá thấp”, tương đương với 20.000 trái bom B-52 nửa tấn mỗi trái, thả xuống đồng loạt. Như vậy, người chết sẽ rất nhiều, các thiệt hại vật chất là ghê gớm.

Một hành động như vậy của chính quyền Nga cũng chắc chắn sẽ nhận được các trả đũa ghê gớm từ Hoa Kỳ. Nga sẽ ngay lập tức bị cô lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Nhiều nước vốn trung lập cho đến nay sẽ phải tỏ thái độ. Ukraine có thể được trợ giúp vũ khí dồn dập. Hoa Kỳ và các đồng minh thậm chí có thể tấn công vào đơn vị quân đội Nga nơi phóng phi đạn nguyên tử.

Kịch Bản Giả Điên

Để giành lại thế thượng phong, chính quyền Putin có thể đi tiếp kịch bản thứ ba. Sử dụng các loại bom nguyên tử có sức công phá đến 50 kilotonne, tức mạnh gấp ba hay bốn lần trái bom tại Hiroshima. Hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng. Mức độ hủy diệt là chưa từng có kể từ sau Ðệ nhị Thế chiến. Kịch bản này được chuyên gia Joseph Cirincione gọi là “giả điên”.

Kịch bản thứ ba này hướng đến mục tiêu làm phân hóa hàng ngũ của NATO. Đòn nguyên tử này có thể đánh gục tinh thần chính quyền nhiều nước phương Tây, với suy nghĩ: “không nên tiếp tục…, Ukraine không đáng để chúng ta phải hy sinh an ninh quốc gia”. Tất nhiên, nước Mỹ sẽ không nhường bước.

Hoa Kỳ chắc chắn sẽ trả đũa. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, trong những thập niên gần đây, khác với Nga, nước Mỹ đã phát triển rất nhiều hệ thống vũ khí quy ước, chính xác và mạnh, có thể ngay lập tức giáng cho phía Nga những đòn thảm khốc. Vấn đề là chiến tranh còn có thể dừng lại được nữa hay không? “Một mô phỏng của Đại học Princeton về cuộc xung đột Mỹ-Nga bắt đầu bằng việc sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật, dự đoán sẽ leo thang nhanh chóng khiến hơn 90 triệu người chết và bị thương” (“What are Tactical Nuclear Weapons?“ của Union of Concerned Scientists, đăng ngày 1/6/2022).

Kịch Bản Trực Tiếp Tấn Công NATO

Nếu không khuất phục được các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, theo chuyên gia Joseph Cirincione, chính quyền Putin có thể chọn một kịch bản leo thang liều lĩnh khác. Đó là tấn công ngay một nước Âu Châu, thành viên Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Một quốc gia Trung Âu, cụ thể như Ba Lan có thể là một cái đích. Putin có thể đánh vào một căn cứ Không quân Ba Lan, nơi thường xuyên có các chuyến bay vận tải đi Ukraine, với một đầu đạn có sức công chẳng hạn phá gấp ba lần Hiroshima. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nước Mỹ chắc chắn cũng đã tính sẵn đến các phương án đáp trả với kịch bản này. Đòn trả đũa rất có thể sẽ là nguyên tử.

Vấn đề chủ yếu theo tác giả là, khi đã bước vào cuộc đối đầu bằng vũ khí nguyên tử, hai bên có còn khả năng dừng lại không? Bước vào vòng xoáy của việc trả đũa nguyên tử là một con đường khó có lối ra. Vị chuyên gia Mỹ dẫn lại câu của cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trong Hồi ký, đó là ông không chắc mình sẽ bấm nút trả đũa nguyên tử hay không cho dù nước Mỹ và đồng minh bị tấn công nguyên tử đầu tiên. “Làm như vậy được lợi gì?”, Ronal Reagan đặt câu hỏi. Cá nhân Tổng thống Mỹ là người có quyền khởi động cuộc tấn công nguyên tử. Đặt mình vào vị trí của một Tổng thống Mỹ, ắt hẳn không ít người cũng đặt câu hỏi như vậy. Bởi đằng sau quyết định đó là số phận của cả nhân loại.

“Răn Đe Nguyên Tử” Chỉ Có Nghĩa Khi Đối Thủ Biết Cân Nhắc Thiệt Hơn

Chuyên gia Joseph Cirincione đặc biệt chú ý đến thách thức vô cùng nan giải với phương Tây, đó là xác định đúng lãnh đạo tối cao Nga thuộc loại người nào: Một người rất duy lý hay là một kẻ hoang tưởng. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nếu là người rất duy lý Putin chỉ coi vũ khí nguyên tử như một phương tiện cần thiết, để dùng khi cần thiết, “nhằm đạt được một ưu thế về quân sự, thậm chí một ưu thế mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh này”. Theo cách hình dung này, Putin sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc có dùng vũ khí nguyên tử hay không, và dùng như thế nào. Đây là “một quyết định mà lãnh đạo Nga đã hoàn toàn không coi nhẹ, bằng chứng là bất chấp nhiều thất bại, nhưng ông ta vẫn chưa dùng”. Nếu tình hình tồi tệ hơn, ông ta có thể tính đến việc sử dụng, nhưng vẫn theo cách tính toán của một con người lý trí.

Trong trường hợp thứ hai, Putin là một người khác hẳn. Tác giả dùng đến các tính từ “hoang tưởng”, “hoang tưởng tự đại” để nói về lãnh đạo Nga. Căn cứ vào bài diễn văn nói về việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine của lãnh đạo Nga, chuyên gia Joseph Cirincione cho rằng rất có thể “mức độ đoạn tuyệt với hiện thực” hay mức độ hoang tưởng của ông Putin đã ở mức rất cao. Joseph Cirincione nhấn mạnh là trong trường hợp này, “các biện pháp răn đe nguyên tử” hay các đe dọa khác của các cường quốc nguyên tử đối với lãnh đạo Nga sẽ không còn có ý nghĩa thực sự. Chính sách răn đe nguyên tử (hay dùng đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt để buộc đối phương không dám xuống tay) dựa trên giả định là đối tác phải là người duy lý, có khả năng cân nhắc thiệt hơn.

Cho đến nay, các tính toán của phương Tây vẫn dựa trên khả năng Putin là một người duy lý. Tuy nhiên, nếu kẻ sở hữu vũ khí nguyên tử không phải là một con người như vậy, thì cần phải dự đoán một cách hành xử hoàn toàn khác.

Vũ Khí Nguyên Tử “Chiến Thuật” Đưa Nhân Loại Vào Chiến Tranh Nguyên Tử

Thông điệp chủ yếu của chuyên gia vũ khí nguyên tử Mỹ là cần phải từ bỏ quan điểm cố hữu về khả năng duy trì vũ khí nguyên tử như một phương tiện “răn đe”, để ngăn chặn chiến tranh, nhất là khi chủ nhân của hệ thống vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới có thể là một kẻ “hoang tưởng”. Chỉ có giải trừ vũ khí nguyên tử mới là con đường giúp nhân loại giải thoát khỏi nguy cơ hủy diệt lơ lửng.

Cũng như nhiều chuyên gia khác, Joseph Cirincione chỉ trích xu thế coi việc sử dụng các vũ khí nguyên tử gọi là “chiến thuật” trở thành một chuyện tương đối bình thường. Báo chí Mỹ dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis (trong một cuộc điều trần năm 2018), đã nhận định: “Không có cái gọi là vũ khí nguyên tử chiến thuật, mọi vũ khí nguyên tử khi được đưa ra sử dụng đều có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa chiến lược” (bài “Putin’s tactical nuclear weapons could pack the same punch as atomic bombs dropped on Japan”, CNN 27/9/2022).

Tổ chức Union of Concerned Scientists (UCS) của giới khoa học hàng đầu nước Mỹ, nổi tiếng về các vận động giải trừ nguyên tử từ nhiều thập niên nay, cũng lên án mạnh mẽ khái niệm vũ khí nguyên tử “chiến thuật”, có nguy cơ đẩy nhân loại vào thảm họa chiến tranh nguyên tử.

Con Đường Điên Cuồng của Putin: Từ Cam Kết Ổn Định Đến Đe Dọa Nguyên Tử!

*

(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin.)

Khi bước sang tuổi 70 vào ngày thứ Sáu (7/10/2022), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận thấy mình đang đứng trước một mắt bão do chính ông tạo ra: Quân đội của ông đang phải chịu những thất bại nhục nhã ở Ukraine. Hàng trăm ngàn người Nga đang chạy trốn lệnh động viên của ông, và các Phụ tá hàng đầu của ông đang công khai lăng mạ các nhà lãnh đạo quân đội.

Với khả năng điều động bị thu hẹp, ông Putin đã nhiều lần ra hiệu rằng ông có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ lợi ích của Nga ở Ukraine - một đe dọa phá vỡ những tuyên bố về sự ổn định mà ông đã lặp đi lặp lại trong suốt 22 năm cầm quyền của mình.

“Đây thực sự là một khoảnh khắc khó khăn đối với ông ấy, nhưng ông ấy không thể buộc tội bất kỳ ai khác. Ông ấy đã tự mình làm điều đó”, Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao tại Viện Carnegie nói. “Và ông ấy đang tiến thẳng đến những vấn đề lớn”.

Bằng cách khơi mào cuộc chiến thảm khốc ở Ukraine, cuộc xung đột quân sự lớn nhất Âu Châu kể từ Ðệ nhị Thế chiến, Putin đã phá vỡ một khế ước xã hội bất thành văn, trong đó người Nga ngầm đồng ý từ bỏ các quyền tự do chính trị thời hậu Xô Viết để đổi lấy sự thịnh vượng tương đối và ổn định nội bộ.

Ông Mikhail Zygar, một nhà báo từng có nhiều mối quan hệ với giới thượng lưu Ðiện Cẩm Linh và đã xuất bản một cuốn sách bán chạy nhất về Putin và những người chung quanh ông, lưu ý rằng cuộc xâm lược diễn ra hoàn toàn bất ngờ không chỉ đối với công chúng mà còn đối với các cộng sự thân cận nhất của chính Putin.

“Tất cả họ đều bị sốc”, ông Zygar nói. “Không ai trong số họ muốn thấy những phát triển diễn ra theo cách như vậy chỉ vì họ sẽ mất tất cả. Bây giờ tất cả đều vấy máu, và tất cả đều hiểu rằng họ không còn nơi nào để chạy. “

Stanislav Belkovsky, nhà tư vấn chính trị lâu năm với các mối quan hệ rộng rãi giữa các giai cấp thống trị, đã mô tả cuộc xâm lược là một cơ chế “tự hủy hoại đối với Putin, chế độ của ông ta và Liên bang Nga”.

Khi quân đội Nga rút lui dưới đòn tấn công của các lực lượng Ukraine được trang bị vũ khí phương Tây, Putin đã nâng cao nguy cơ bằng cách sáp nhập 4 khu vực của Ukraine và tuyên bố động viên một phần tới 300.000 quân dự bị để củng cố chiến tuyến đang sụp đổ.

Lệnh động viên được tổ chức kém đã gây ra sự hỗn loạn trên diện rộng. Quân đội đang phải vật lộn để trang bị cho tân binh, nhiều người trong số họ được yêu cầu phải tự mua bộ dụng cụ y tế và những thứ cơ bản khác và phải ngủ trên sàn nhà trong khi chờ được đưa ra mặt trận.

Các mạng xã hội đã xôn xao với các cuộc thảo luận về cách né tránh việc tuyển dụng, và hàng trăm ngàn người đàn ông đã chạy trốn lệnh động viên, tràn qua biên giới của Nga với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.

Ông Kolesnikov lưu ý, việc động viên đã làm xói mòn cơ sở ủng hộ cốt lõi của Putin và tạo tiền đề cho những biến động chính trị tiềm tàng. “Sau khi động viên một phần, không thể giải thích với bất kỳ ai rằng ông ấy đã ổn định hệ thống. Ông ấy đã phá vỡ nền tảng của sự ổn định”. Kolesnikov nói.

Những thất bại về quân sự cũng đưa đến sự xúc phạm công khai từ một số Phụ tá hàng đầu của Putin đối với các nhà lãnh đạo quân sự. Ðiện Cẩm Linh đã không làm gì để ngăn chặn những lời chỉ trích, một tín hiệu cho thấy Putin có thể sử dụng nó để tạo tiền đề cho một sự sắp xếp lớn đối với các tướng lãnh hàng đầu và đổ lỗi cho họ về những thất bại.

Ông Belkovsky nói: “Cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái quyền lực trong những người thân cận của ông Putin có thể làm mất ổn định hệ thống và làm suy yếu đáng kể khả năng kiểm soát của Putin đối với tình hình đất nước”.

Tình trạng hỗn loạn ngày càng gia tăng đánh dấu sự tương phản rõ rệt với hình ảnh ổn định mà Putin đã vun đắp kể từ khi nắm quyền lãnh đạo vào năm 2000. Ông đã nhiều lần mô tả thời kỳ cầm quyền hỗn loạn của người tiền nhiệm Boris Yeltsin, là thời kỳ suy tàn khi sự giàu có của quốc gia bị các ông trùm có liên hệ với Ðiện Cẩm Linh và phương Tây ăn cắp trong khi hàng triệu người chìm trong nghèo đói.

Người Nga đã háo hức chấp nhận những lời hứa của Putin là sẽ khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước họ trong bối cảnh nền kinh tế thịnh vượng nhờ dầu mỏ, và phần lớn họ tỏ ra thờ ơ với cuộc đàn áp không ngừng của Ðiện Cẩm Linh đối với các quyền tự do chính trị.

Những người trong cuộc, những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng suy nghĩ của Putin nói rằng ông vẫn tin rằng mình có thể trở thành người chiến thắng.

Belkovsky cho rằng Putin hy vọng giành chiến thắng bằng cách sử dụng năng lượng như một công cụ gây áp lực. Bằng cách giảm lượng khí đốt đến Âu Châu và đạt được thỏa thuận với OPEC để giảm sản lượng dầu, ông có thể đẩy giá lên và gây áp lực lên Mỹ và các đồng minh.

Belkovsky nói, Putin muốn phương Tây ngầm chấp nhận nguyên trạng ở Ukraine, nối lại hợp tác năng lượng với Nga, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây tê liệt nhất, và bỏ phong toả tài sản của Nga.

Belkovsky nói: “Ông ấy vẫn tin rằng mình sẽ đạt được mục tiêu trong cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây, nơi tình hình ở chiến tuyến Ukraine chỉ là một yếu tố quan trọng, nhưng không mang tính quyết định”.

Đồng thời, ông Putin đe dọa sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện có sẵn” để bảo vệ các lãnh thổ Ukraine mới được sáp nhập trong một nỗ lực mạnh mẽ để buôc Ukrane và đồng minh phương Tây lùi bước.

Mỹ và các đồng minh cho biết họ không xem nhẹ những lời đe dọa của Putin nhưng sẽ không nhượng bộ những gì họ mô tả là tống tiền để buộc phương Tây từ bỏ Ukraine. Ukraine tuyên bố sẽ gây sức ép phản công bất chấp luận điệu của Nga.

Ông Kolesnikov mô tả các mối đe dọa nguyên tử của ông Putin là phản ánh của sự tuyệt vọng ngày càng tăng.

Kolesnikov nói: “Đây là bước cuối cùng đối với ông ấy theo nghĩa rằng đây là một động thái tự sát”. “Nếu ông ấy sẵn sàng bước tới, điều đó có nghĩa là chúng ta đang chứng kiến một nhà độc tài thậm chí còn tồi tệ hơn cả Stalin”.

Một số nhà quan sát cho rằng NATO có thể tấn công Nga bằng vũ khí thông thường nếu Putin nhấn nút nguyên tử.

Belkovsky cảnh báo rằng Putin tin chắc rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không dám đáp trả nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử năng suất thấp ở Ukraine.

“Nếu Hoa Kỳ tin rằng không có sự sẵn sàng về mặt tâm lý cho điều đó, thì đó là sai lầm”, ông nói.

Ông Zygar đã so sánh nhà lãnh đạo Nga với một phi công chiến đấu cố gắng giành chiến thắng trong một trận không chiến bằng cách tấn công trực diện kẻ thù và chờ đối thủ tránh đi trước.

Ông Zygar nói: “Ông ấy nghĩ rằng ông ấy có bản lĩnh và tin rằng ông ấy phải leo thang đến cùng”.

Ông lưu ý rằng các chuyên gia đã thất bại trong việc dự đoán việc ông Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xâm lược hiện tại chỉ vì họ đang sử dụng các tiêu chí hợp lý.

Ông nói: “Nhận thức trước đây của chúng ta về các giới hạn hợp lý đều đã được chứng minh là sai”. “Không có giới hạn nào như vậy cả”.

SOS! Bắt Đầu Chiến Tranh Hạt Nhân, Bom Nguyên Tử của Putin Đánh Chỗ Nào?

(Ngô Nhân Dụng)


(Hình: Ông Vladimir Putin nói lững lờ nước đôi để có thể thay đổi, nhích lằn ranh giới đó về phía sau, tùy theo tình thế.)

Cuối cùng, dù sử dụng đến vũ khí nguyên tử, Vladimir Putin cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông hoàng đế vẫn chưa mặc quần!

Tình trạng của Tổng thống Vladimir Putin bây giờ coi giống như ông vua trong chuyện cổ tích bị một em bé chỉ tay cười: “Ông vua không mặc quần!”

Ông vua nghe một bác thợ may quảng cáo thứ gấm lụa đặt biệt, vì những người gian trá không thấy gì hết, chỉ có ai lương thiện mới thấy. Nhà vua không thấy chi hết, nhưng phải nói rằng mình nhìn thấy gấm lụa lộng lẫy. Quần thần cũng nói rằng mình thấy gấm lụa đẹp. Từ trên xuống dưới đồng lõa lừa gạt lẫn nhau.

Cái áo gấm của ông Putin là quân đội Nga. Ông nghe các tướng báo cáo quân Nga mạnh nhất thế giới, tóm cổ xứ Ukraine bỏ túi như chơi. Rồi chính ông tin như vậy. Quần thần của ông nói dối theo, và đám báo, đài nịnh hót mãi cho dân chúng Nga cũng phải tin.

Ông vua đặt bác thợ may cho mình một bộ quần áo bằng gấm lụa muôn màu. Bác đo, cắt, may vá, rồi mời ngài ngự mặc thử quần áo mới. Cả triều đình không thấy vua mặc chi hết, nhưng đều trầm trồ khen áo đẹp. Cho đến lúc một em bé tới, chỉ tay cười: “Ủa! Nhà Vua không mặc quần!”

Ông Putin đưa quân qua đánh Ukraine là lúc ông mặc thử bộ quần áo mới. Lúc đó, cả thế giới mới trông thấy sự thật: Quân đội Nga không hùng mạnh như thiên hạ vẫn sợ!

Tiến vào nước Ukraine, trước khi đụng trận, nhiều chiếc xe chở quân của Nga đã nằm ụ bên đường, vì bánh xe hư không được thay thế, và xe hết xăng! Sĩ quan hay tài xế đã quen bán xăng chợ đen để cải thiện lương bổng không biết từ bao đời rồi. Nhiều chiếc “xe tăng” loại tối tân nhất, mới chế tạo, chưa được dùng, đã bị vứt bỏ, vì lính tráng bỏ chạy đâu hết. Không quân Nga nhiều máy bay gấp trăm lần quân Ukraine, nhưng không làm chủ bầu trời. Nga nhiều xe thiết giáp gấp trăm lần Ukraine, nhưng bản tin quân sự của Nga có lúc lại giải thích rằng quân Nga phải rút lui vì Ukraine nhiều xe tăng quá. Quân Nga có vũ khí nhưng không đem dùng?

Các vị tướng lãnh Nga, không biết được học binh pháp ở đâu, đưa cả đoàn xe chở lính, kéo theo đại pháo, nằm tắc ứ gần một tuần lễ không nhúc nhích được, trên quãng đường 40 cây số tiến đến thủ đô Kyiv. Cuối cùng, tiến không được, đánh không xong, bị bắn tỉa trên đường rút lui. Các ông tướng Nga phải ra trận tiền thúc đẩy, ra lệnh cho lính, chưa có cuộc chiến tranh nào tướng lãnh chết nhiều trong một thời gian ngắn như vậy.

Đầu tháng 10 năm 2022, quân Ukraine tấn công tái chiếm các vùng từ phía Bắc qua phía Đông, quân Nga mới rút khỏi Lyman, một trung tâm tiếp liệu cho 3 tỉnh. Ở phía Nam, quân Ukraine cũng thắt chặt thêm vòng vây. Ông Putin làm lễ sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine vào nước Đại Nga. Nhưng ai cũng nhìn thấy rồi: Ông Vua lộ nguyên hình không mặc quần áo!

Chuyện cổ tích kể đến đó là hết. Vì ông Vua không có vũ khí nguyên tử!

Quân đội Nga có thể bất lực vì tham nhũng, thối nát, nhưng nước Nga vẫn còn bom nguyên tử. Ông Putin có 2.000 trái bom mạnh từ 10 đến 200 ngàn tấn chất nổ, có thể bắn bằng súng hoặc phi đạn. Đó là sức mạnh tàn phá và tiêu diệt có thật; không thể so sánh với tấm áo gấm trong suốt!

Ông Putin đã chính thức đe dọa sẽ đánh bằng “bất cứ thứ vũ khí nào;” nhấn mạnh: “Nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa”. Trong ngôn ngữ chính trị quốc tế, đó là vạch một “lằn ranh đỏ!” Nếu đối thủ bước qua lằn ranh đỏ, họ sẽ lãnh hậu quả!

Để kích thích tinh thần đám lính Nga ở Ukraine, ông Putin còn nói rõ, nếu chiến tranh nguyên tử xảy ra, lính Nga “chết sẽ được lên thiên đường như các thánh tử vì đạo, trong khi quân địch bị tiêu diệt”. Một cựu sĩ quan KGB mà nói không khác gì các giáo sĩ Hồi Giáo người Iran! Ông Putin đã cho chiếu cảnh các chú lính Nga trẻ măng mới được động viên đứng xếp hàng cho một vị linh mục ban phép lành bằng nhang khói. Vị Giáo phụ Chính Thống giáo Nga đã báo trước, các tử sĩ Nga đều có sẵn chiếu khán lên thiên đường!

Không chỉ một mình ông Putin đe dọa. Báo đài của chính phủ Nga nhắc đi nhắc lại những lời dọa nạt của ông và không quên nhắc cho dân Nga biết họ có bao nhiêu vũ khí nguyên tử chưa bao giờ dùng tới.

Vậy khi nào thì Ukraine sẽ bị coi là bước qua lằn ranh đỏ, để lãnh bom nguyên tử? Khi quân đội Ukraine đánh vào đất đai bốn tỉnh của Ukraine mà Nga đã chiếm một phần, đã tổ chức bầu cử ma, và chính thức nhập vào Nga? Nhưng thế thì trễ quá; vì lính Ukraine đã tấn công vào đó gần tháng nay rồi!

Hay là lằn ranh đỏ sẽ do quân Nga quyết định? Khi nào lính Nga bỏ chạy hết ra khỏi nước Ukraine thì coi như Ukraine đã vượt qua lằn ranh đỏ? Hay là chỉ khi Ukraine tấn công đòi chiếm lại Crimea thì mới coi là lằn ranh đỏ?

Ông Vladimir Putin nói lững lờ nước đôi để có thể thay đổi, nhích lằn ranh giới đó về phía sau, tùy theo tình thế.

Nhưng bất cứ một lời đe dọa nào, nếu nhắc lại nhiều lần quá, lâu ngày sẽ “hết thiêng”. Putin dọa dùng bom nguyên tử nhưng cũng không ai biết bom sẽ đánh vào đâu. Ông không thể đánh bom vào các đoàn quân Ukraine đang vây hãm và tấn công quân Nga, vì lính cả hai bên sẽ cùng chết. Nếu binh sĩ Nga nghi rằng ông Putin sẽ đánh quân Ukraine bằng bom nguyên tử thì chắc chắn họ sẽ bỏ chạy xa, thật xa, trước khi bom được sử dụng.

Cho nên, nếu ông Putin dùng bom nguyên tử, ông sẽ bảo đảm chỉ đánh vào những nơi quân Nga đã bỏ chạy hết rồi. Nhưng quân đội Ukraine cũng không dại gì mà tập trung cho ông Putin thả bom.

Cuối cùng, ông Putin chỉ còn một mục tiêu để đánh bom nguyên tử, là các thành phố lớn và thủ đô Ukraine. Ông Putin mới nhắc tới hai trái bom mà Tổng thống Mỹ Harry S. Truman cho thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945, coi đó là một tiền lệ. Ông mới hé lộ có thể sẽ đánh vào các “đầu não quyết định” của Ukraine.

Nếu ông Putin làm đúng như vậy, thì chính phủ Ukraine có chịu đầu hàng như Thiên Hoàng nước Nhật 77 năm trước đây không? Không chắc. Người Ukraine cũng biết chuẩn bị đối phó, nếu ông Tổng thống tử trận thì guồng máy chỉ huy vẫn chạy. Cả thế giới sẽ lên án tội ác chiến tranh của Putin. NATO và Mỹ có lý do để viện trợ cho Ukraine nhiều vũ khí mới hơn. Dân Ukraine sẽ nức lòng chiến đấu mạnh hơn. Thanh niên Nga đã bỏ chạy gần 300 ngàn người để trốn lính, ai bị bắt ra mặt trận chắc sẽ bỏ trốn nhiều hơn.

Cuối cùng, dù sử dụng đến vũ khí nguyên tử, Vladimir Putin cũng không thay đổi được kết quả cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông hoàng đế vẫn chưa mặc quần!

Nga Thất Bại Quân Sự Liên Tục: Các Lực Lượng Ukraine Giải Phóng Thêm Lãnh Thổ ở Miền Đông-Bắc


(Hình: Binh sĩ Ukraine tại thị trấn Kupiansk mới được giải phóng.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Năm (6/10/2022), một viên tướng Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đã tiến thêm khoảng 55 cây số trong 2 tuần qua trong cuộc phản công lại lực lượng Nga ở khu vực Kharkiv, Đông-Bắc Ukraine.

Chuẩn tướng Oleksiy Gromov nói trong một cuộc họp báo rằng Ukraine đã lấy lại 93 khu dân cư và giải phóng hơn 2.400 cây số vuông trong khu vực, chỉ tính riêng từ ngày 21/9.

Thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng độc lập về phát biểu của ông Gromov.

Các lực lượng Ukraine đã tiến quân ở miền Đông và miền Nam đất nước trong khuôn khổ cuộc phản công mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói hôm 4/10 là đã đạt được những bước tiến lớn và nhanh chóng.

Ông Gromov cho biết quân Nga đang chiến đấu để làm chậm bước tiến của Ukraine vượt ra khỏi Kupiansk, một thị trấn đầu mối về đường sắt mới được giải phóng. Viên tướng nói rằng việc để mất thị trấn làm cho công tác hậu cần của Nga bị phức tạp thêm đáng kể ở trong khu vực.

“Theo hướng Kupiansk-Svatove, quân địch đang cố làm chậm bước tiến của lực lượng chúng tôi”, ông Gromov nói.

Tình Hình Chiến Sự: Nga Lùi Dần, Quân Ukraine Tiếp Tục Đà Tiến Mạnh ở Miền Nam!

- Ngày 6/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay thêm 3 ngôi làng (Novovoskressenske, Novogrygorivka và Petropavlivka) ở tỉnh Kherson, miền Nam, đã được quân đội Ukraine giải phóng chỉ riêng ngày 5/10, theo thông báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông khẳng định “đà tiến vẫn được duy trì”.

Ở mặt trận miền Đông, Thống đốc Ukraine của tỉnh Luhansk khẳng định “cuộc phản công giờ chính thức bắt đầu. Nhiều địa phương đã được giải phóng”, sau khi quân đội Ukraine chọc thủng được một tuyến phòng thủ của Nga. Trong khi đó, ở tỉnh Donetsk lân cận, Mạc Tư Khoa khẳng định đã “oanh kích ồ ạt” khu vực gần thành phố Lyman (tỉnh Donetsk) vừa mới được Kyiv chiếm lại, gây thiệt hại nặng nề cho quân Ukraine. Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên của Ðiện Cẩm Linh, tuyên bố Mạc Tư Khoa sẽ “chiếm lại” những vùng đất đã bị mất.

Trước đó, Nga đã dùng drone do Iran sản xuất để tấn công một doanh trại ở Bila Tserkva, ngoại ô thủ đô Kyiv. Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kyiv cho biết cụ thể:

“Hai giờ sáng qua, 12 drone tự sát đã bay trên thành phố Bila Tserkva, nơi có doanh trại quân đội, cách phía Nam thủ đô Kyiv 90 cây số. Sáu chiếc đã bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ, nhưng 6 chiếc còn lại đã rơi trong khu chỉ huy của lữ đoàn cơ động 72, nằm ở trung tâm thành phố. Thiệt hại rất lớn: Ít nhất 5 tòa nhà bị phá hủy, nhưng chỉ có một người lính bị thương trong vụ tấn công.

Quan sát bước đầu tại chỗ cho thấy vụ tấn công được tiến hành bằng drone do Iran sản xuất. Trên các mảnh vỡ, người ta có thể đọc được chữ “Geran-2”, tên của những chiếc drone loại Shahed-136 trong quân đội Nga.

Từ nhiều tuần qua, vài trăm chiếc drone tự sát dường như đã được cung cấp cho quân đội Nga, và đã được sử dụng ở Odessa và Mykolaiv. Những thiết bị này rất khó bị hệ thống phòng không phát giác và giúp cho quân đội Nga tiếp tục tấn công cách xa chiến tuyến và tiết kiệm được phi đạn liên lục địa loại Calibre mà dường như Nga đã sử dụng hơn 60% số lượng có sẵn”.

Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin trấn an là tình hình quân sự sẽ “ổn định” ở bốn vùng lãnh thổ Ukraine vừa bị sáp nhập, dù quân Nga chịu nhiều tổn thất và bị quân Ukraine đẩy lui trên chiến trường. Ông Putin cũng khẳng định quân đội Nga sẽ “phát triển một cách hòa bình” những vùng chiếm từ Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Nga cũng ký Sắc lệnh chiếm quyền sở hữu nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia. Trước đó, Giám đốc người Ukraine của nhà máy đã bị quân Nga bắt giữ, nhưng đã được thả sau đó.


Sau Những Thất Bại Liên Tiếp Tại Ukraine, Quân Đội Nga Bị Dồn Vào Chân Tường! Có Nguy Cơ Chấm Dức Chiến Tranh Bằng Vũ Khí Nguyên Tử!

(Thanh Hà)

Việc lính Nga tháo chạy khỏi vùng chiến lược Kherson ở miền Nam Ukraine và ngay cả tại các vùng lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa vừa tuyên bố sáp nhập vào Liên Bang Nga, đã làm rộ lên những chỉ trích gay gắt nhắm vào quân đội Nga.

Tức nước vỡ bờ: Không chỉ có công luận mà ngay cả trong giới lãnh đạo tại Mạc Tư Khoa đã công khai bày tỏ phẫn nộ về “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Tổng thống Putin phát động để xâm chiếm Ukraine. Cho đến tận tháng 9 vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga, các viên chức trong chính quyền, các chuyên gia đều trước sau như một, xem việc Mạc Tư Khoa điều quân sang Ukraine là một “nghĩa vụ cao cả”. Mọi tiếng nói phản chiến đều bị khép vào tội bôi nhọ quân đội và với tội danh này, bị cáo cơ thể bị xử phạt tù.

Nhưng lệnh động viên lính dự bị mà Tổng thống Vladimir Putin ban hành hôm 21/9/2022 khiến công luận Nga không còn không còn tránh né từ “chiến tranh”. Tiếp theo đó là hình ảnh dân Nga tìm mọi cách để trốn lệnh động viên và lần đầu tiên trong lịch sử, công dân của một quốc gia đem quân xâm lược một nước khác lại phải ồ ạt đi tị nạn.

Những thất bại liên tiếp của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine là một bước ngoặt trong cuộc chiến mà Mạc Tư Khoa đã khai mào. Dấu hiệu gần đây nhất là phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại Hạ viện Nga, tướng Andreï Kartapolov hôm 5/10/2022. Ông cho rằng đã đến lúc quân đội phải “nói thật” với công luận về những thất bại quân sự. Vào lúc quân đội Ukraine đã giải phóng thị trấn Lyman, trong vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, một mắt xích quan trọng về mặt hậu cần, Bộ Quốc phòng Nga vẫn khẳng định đang “ồ ạt tấn công” và quân đội Nga đang “giáng cho kẻ thù những thiệt hại nặng nề”. Về tình hình tại miền Nam Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cũng có giọng điệu tương tự.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng tại viện Duma đòi Bộ Quốc phòng Nga phải “nói sự thật” với dân khi ông trả lời Vladimir Soloviov, nhà báo nổi tiếng là “một người yêu nước”, là cái loa phóng thanh của Ðiện Cẩm Linh. Ngay Soloviov gần đây đã không còn ngần ngại cho rằng quân đội Nga đang “tự bắn vào chân mình”, khi để những cho những kẻ “bất tài” chỉ huy chiến dịch Ukraine. Thân trọng hơn, một phóng viên chiến trường của báo chí chính thức là ông Alexandre Kots thì dám tường thuật rằng “không có tin vui từ chiến trường Ukraine trong những ngày sắp tới”.

Một nhà quan sát khác trên đài truyền hình nhà nước không ngần ngại lưu ý khán giả “quân đội Nga chỉ tiến được từng thước đất một, nhưng lại tuyên bố chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác” trên lãnh thổ Ukraine. Các phương tiện truyền thông Nga không còn vòng vo khi nêu bật những “khó khăn” quân đội Nga vấp phải trên trận địa và thừa nhận Nga trong tình trạng “thiếu quân” để tiếp tục sứ mệnh “giải phóng Ukraine”, như Vladimir Putin đã thông báo hôm 24/2/2022 khi biện minh cho việc đưa quân xâm chiếm nước láng giềng.

Trong tuần, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya, ông Ramzan Kadyrov đã táo bạo chỉ trích luôn cả một số tướng lĩnh Nga. Trước mắt, Kadyrov mới chỉ “đánh ở vòng ngoài”, nhắm vào Alexandre Lapine, lãnh đạo các chiến dịch trong vùng Donetsk. Kadyrov xem ông này là một “kẻ ăn hại”, thiếu sót trong việc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, tiếp liệu, đạn dược cho những người lính đang cầm súng ở tại địa điểm chiến lược như Donetsk. Trong mắt của Kadyrov, người vừa được Tổng thống Vladimir Putin thăng hàm thượng tướng, với thành tích thảm hại đó, Alexandre Lapine chỉ xứng đáng là “thằng lính quèn”. Ramzan Kadyrov còn cho rằng Nga nên dùng bom nguyên tử loại nhẹ để giải quyết vấn đề Ukraine.

Không hiểu rằng, việc Tổng thống Putin vừa phong thượng tướng, cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ quân đội Nga, cho ông Kadyrov có phải là một lời cảnh cáo chủ nhân Ðiện Cẩm Linh gián tiếp gửi đến các tướng lĩnh ở cấp cao nhất trong hàng ngũ quân đội và bên Bộ Quốc phòng Nga?. Trong trường hợp giả thuyết này được xác nhận thì rõ ràng quân đội Nga, mà đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Choigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valeri Guerassimov đang chịu búa rìu từ tứ phía: công luận, chính giới, Tổng thống Putin và phe diều hâu Nga.

Vẫn trong kịch bản này, câu hỏi kế tiếp là làn sóng phẫn nộ hiện đang nhắm vào quân đội Nga có dừng lại ở đó, hay sẽ tràn vào tận Ðiện Cẩm Linh? Một số nhà bình luận và Chính trị học tại Mạc Tư Khoa thiên về giả thuyết Vladimir Putin sẽ bị lật đổ. Đầu tháng trước, hơn một chục chính khách Nga, ở cấp địa phương, đã ký một bản kiến nghị đòi Tổng thống Putin từ chức và thậm chí là phải bị xét xử về tội phản bội nước Nga, vì “Vladimir Putin là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước Nga” như một nghị viên thành phố Saint-Petersbourg, quê hương của ông Putin, đã ghi nhận.

Không ai có thể dự báo về tương lai. Chỉ biết rằng lớp sơn bề ngoài về sức mạnh của quân đội Nga, về quyền lực của chủ nhân Ðiện Cẩm Linh ngày càng để lộ nhiều vết rạn nứt.



Không Còn Sức Kháng Cự, Quân Nga Liên Tục Thua Chạy, Có Thể Coi Putin Đã Bại Trận Trước Ukraine?

(Thụy My)

Những quân cờ domino lần lượt rơi xuống tại ba trong số bốn vùng mới bị “sáp nhập”, Nga lần lượt mất hết vị trí này đến vị trí khác tại vùng đất chiến lược Kherson và Donbass. Mạc Tư Khoa cũng bị mất một phần lớn vũ khí hạng nặng, một điều hiếm thấy chỉ sau gần 7 tháng chiến tranh. Đặc biệt chiến trường Lyman là nỗi kinh hoàng của lính Nga.

Quân Nga Liên Tiếp Bị Đẩy Lùi ở 3 Vùng Bị Sáp Nhập

Les Echos nói về “Thất bại mới của quân Nga tại Ukraine”. Nga lần lượt mất hết vị trí này đến vị trí khác tại vùng đất chiến lược Kherson và Donbass, chỉ trong vài ngày phải lùi hơn 20 kilomet. Nhưng Vladimir Putin nói rằng tình hình vẫn “ổn định”.

Hôm qua, tại ba trong số bốn vùng mới bị “sáp nhập”, những quân cờ domino lần lượt rơi xuống. Tại Kherson, vốn rất quan trọng để kiểm soát vùng duyên hải, sau đợt tấn công của Ukraine mặt trận đã lùi lại 26 kilomet về hướng Nam sông Dniepr, Snihurnivka và Davydiv Brid đã được tái chiếm. Bước tiến này mở ra khả năng tiêu diệt hoặc buộc đầu hàng đội quân Nga đang kẹt tại đây, vì không còn cầu để xe bọc thép qua sông. Trong vài ngày tới, họ ở thế bị vây hãm. Kherson thất thủ sẽ là một cái tát trời giáng cho Ðiện Cẩm Linh, vì đây là vùng quan trọng duy nhất bị quân Nga chiếm ngay từ đầu cuộc xâm lăng.

Song song đó, ở miền Đông-Bắc, quân đội Ukraine nhanh chóng củng cố các vị trí ở Donetsk và Lugansk, bị Mạc Tư Khoa và quân ly khai kiểm soát từ 2014. Ukraine tiếp tục tấn công sau chiến thắng Lyman, mục tiêu sắp tới là thành phố Kreminna và Mylovié. Trên tất cả mặt trận, Kyiv đã cắt hầu hết đường tiếp tế của Nga, và đang oanh kích những tuyến còn lại. Quân Nga không còn đủ xe bọc thép để trấn giữ, và tấn công lại càng không thể. La Croix cho biết giờ đây Nga chỉ còn có thể tiếp liệu bằng những phương tiện tạm bợ như phà, cầu phao dưới lưới lửa đạn pháo chính xác của Ukraine.

Sắp Thất Thủ, Vẫn Ra Quyết Định Chiếm “Vĩnh Viễn”

Theo La Croix, hơn bao giờ hết quân đội Nga phải chịu đựng nhịp độ do lực lượng Ukraine áp đặt. Bước tiến ở Kherson là kết quả của chiến dịch từ cuối mùa Hè, nhằm đuổi quân Nga khỏi hữu ngạn sông Dniepr. Cuộc phản công được loan báo rầm rộ, khiến Mạc Tư Khoa phải điều hơn 20.000 lính đến Kherson, trong đó có những đơn vị tinh nhuệ. Nhờ vậy Kyiv bất ngờ tấn công ở miền Bắc khiến lính Nga phải tháo chạy khỏi Kharkiv, đồng thời thu hút 1/6 quân đội Nga tại những khu vực rất khó tiếp tế. Kherson đang trở thành một “hòn đảo”.

Việc quân Nga bị đẩy lùi ở Kherson và quân Ukraine dấn lên ở Lugansk khiến các nhà bình luận quân sự Mạc Tư Khoa cay cú. Alexander Kots, một người nhiều ảnh hưởng trên Telegram, viết: “Sắp tới sẽ không có tin vui nào ở Kherson lẫn Lugansk”. Kênh Rossiya 1 cũng lặp lại nhận định này. Nhưng Ðiện Cẩm Linh cố trấn an rằng các tân binh sắp được đưa ra mặt trận sẽ làm thay đổi tình hình. Ngoài việc khẳng định bốn vùng mới sáp nhập “vĩnh viễn” thuộc về Liên bang Nga, Vladimir Putin còn ký quyết định thâu tóm luôn nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia của Ukraine.

Dấu hiệu cho thấy sự lúng túng là phải mất đến 5 ngày Ðiện Cẩm Linh mới cụ thể hóa đường biên giới. Les Echos nhận thấy việc sáp nhập những vùng đất mà quân Nga sắp sửa thất thủ là sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử. Dù vậy, Andreï Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội đã kêu gọi quân đội “ngưng nói láo” về những thất bại ở Ukraine. Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị đợt trừng phạt thứ tám, tập trung vào những tay chân thân tín của Putin.

Nga Mất Phần Lớn Vũ Khí Hạng Nặng Sau 7 Tháng Chiến Tranh

Les Echos cũng cho biết “Nga bị mất một phần lớn vũ khí hạng nặng”, một điều hiếm thấy chỉ sau gần 7 tháng chiến tranh. Một phần mười số chiến đấu cơ, chiến hạm và giàn phi đạn, phân nửa số xe tăng có thể hoạt động và 40% xe bọc thép bị tiêu hủy, đó là thiệt hại của quân đội Nga kể từ đầu cuộc xâm lăng. Ukraine đã trở thành nghĩa trang lớn nhất cho xe bọc thép Nga. Trang web Oryx đếm được 1.250 xe tăng bị phá hủy, đã được xác định qua những hình ảnh từ smartphone có ngày tháng và địa điểm cụ thể, con số này cao gấp 9 lần số xe tăng bị mất ở A Phú Hãn trong 10 năm.

Về xe bọc thép nhất là xe chở lính (IFV) có hỏa lực kém hơn, ít nhất 2.200 chiếc đã bị tiêu hủy, theo Oryx. Nếu tính cả số xác xe không được nhận ra hay đã tan tành không thể nhận dạng, tỉ lệ lên đến 45%. Đa số chuyên gia cho rằng một đội quân viễn chinh không thể hoạt động hiệu quả khi bị mất trên 40% số vũ khí hạng nặng. Mạc Tư Khoa có gần 8.000 xe tăng, nhưng hầu hết quá cũ để chiến đấu, hoặc để ngoài trời hơn 40 năm qua không bảo trì, không đủ phụ tùng thay thế. Ukraine cũng mất 277 xe tăng, nhưng nay số chiến xa sở hữu lại cao hơn lúc ban đầu, vì được các láng giềng hỗ trợ và tịch thu được 421 xe tăng của Nga.

Thiệt hại của Pháo binh, Không quân và Hải quân ít hơn. Chỉ có 118/1.300 phi đạn Grad và Uragan bị phá hủy, khoảng 50/464 Sukhoi các loại vì phi cơ Nga dè dặt hơn trước phi đạn phòng không của Ukraine. Hạm đội sau khi mất soái hạm Moskva đã thu mình lại ở cảng Novorossiysk, không tham gia tác chiến, ngoài việc thỉnh thoảng bắn vài quả Kalibr. Kho phi đạn liên lục địa, vốn lợi hại nhờ chính xác và khó bắn chặn, sắp cạn kiệt: đã bắn vào Ukraine 2.500 quả trong khi tình báo phương Tây đánh giá Nga có tổng cộng 3.000 quả. Nga khó thể thay thế vì thiếu linh kiện điện tử.

Dùng Drone Iran Thay Cho Phi Đạn Thông Minh Sắp Cạn

Đặc phái viên Libération tại Bila Tserkva, phía Nam Kyiv ghi nhận trong ngày 5/10 đã có 6 drone tự sát do Iran cung cấp tấn công vào một căn cứ quân sự của Ukraine. Loại vũ khí này đang thay thế dần các phi đạn-đạn đạo Nga
Trong khi những người lính của lữ đoàn 72, một trong những đơn vị tinh nhuệ của quân đội Ukraine, đối đầu với quân Nga ở Horlivka (Donbass), Mạc Tư Khoa đã chọn tổng hành dinh của lữ đoàn để trả đũa bằng các drone hủy diệt mua của Iran. Việc phải dùng đến các thiết bị bay không người lái Shahed-136, Shahed-129 và Mohajer-6 chứng tỏ Nga đang thiếu phi đạn-đạn đạo loại Kalibr, trị giá đến 6 triệu Mỹ kim một quả.

Ngoại trưởng Iran Nasser Kanaani vội vàng chối cãi: “Cộng hòa Hồi giáo Iran coi thông tin nói rằng cung cấp drone cho Nga chống lại Ukraine là không có cơ sở”. Nhưng những mảnh vụn của drone ghi rõ chữ “Geran-2”, tên của Nga dành cho Shahed-136, loại drone tự sát mà Teheran đã cung cấp khoảng mấy trăm chiếc cho Mạc Tư Khoa. Phát ngôn viên Không quân Ukraine khẳng định Nga đang chuyển qua dùng hàng loạt drone loại này để tiết kiệm phi đạn có độ chính xác cao.

Lyman, Nỗi Kinh Hoàng của Quân Nga

Trên chiến trường Donbass, đặc phái viên Le Monde mô tả “Tại Lyman vừa được giải phóng, cảnh kinh hoàng sau trận đánh”. Cuộc chinh phục Lyman kéo dài và dữ dội, vì sau vụ chạy trốn nhục nhã ở Izyum, Mạc Tư Khoa ra lệnh phải tử thủ. Khung cảnh thật đáng sợ. Những xác chết không chỉ là những người lính ngã xuống trong chiến đấu - điều bình thường trên các chiến trường. Dọc theo một con đường ở Lyman, nhiều thi thể lính Nga nằm trên những băng-ca quân đội. Không ai hiểu tại sao những người lính bị thương này không được đưa về hậu cứ mà lại bị đồng đội bỏ rơi.

Người dân duy nhất xuất hiện trên ngưỡng cửa chỉ biết “có 3 xác bị để lại vào buổi tối trước khi quân Nga rút chạy và hôm sau thêm 14 xác nữa”. Bà run rẩy nói với các binh sĩ Ukraine: “Mùi hôi thật kinh khủng, chó đã ăn mất hai xác. Bao giờ các anh mới thu dọn những thi thể này?”. Nhưng toán tuần tra không thể chạm vào trước khi đội dò mìn tới, vì quân Nga thường gài lựu đạn dưới các xác chết. Một sĩ quan Ukraine cho rằng quân Nga không chỉ bỏ lại các binh sĩ tử trận mà cả những người bị thương nặng, họ hoảng loạn vì sĩ quan đã chạy trước lính; và đôi khi còn nhằm dành chỗ trên xe để chở “chiến lợi phẩm” cướp được.

Những người lính tiểu đoàn vệ binh quốc gia Dnipro-1 kể lại, đơn vị của họ phối hợp với lữ đoàn cơ giới 66 và tiểu đoàn phòng vệ lãnh thổ 106 tấn công từ Sloviansk vào phía Nam Lyman. Việc băng qua rừng hết sức gian khổ, và trước đó phải vượt sông Donets. Để tránh bị phát giác, các ca-nô không dùng động cơ mà được kéo qua bằng ròng rọc và dây tời. Đợt tấn công đầu vào làng Chtchourove thất bại vì mìn quá nhiều, binh sĩ phải lội ruộng, nước ngập đến đùi. Quân Nga bị bất ngờ bèn rút lui và gọi pháo bắn vào, đội quân tiền phương của Ukraine báo với chỉ huy cho bắc cầu phao đưa xe tăng và pháo qua sông để đẩy nhanh tấn công.

Dù chiến thắng, đại tá Iouri Bereza chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 vẫn giữ vẻ trầm tĩnh. Ông cho rằng bước ngoặt thực sự chỉ đến khi nào biên giới trở lại như trước ngày 24/2, giai đoạn kế tiếp là giải phóng hoàn toàn Donetsk và Lugansk (Donbass), rồi đến Crimea. Ukraine đã chứng minh Nga là “người khổng lồ chân đất sét”, và nay cần nhanh chóng có thêm vũ khí trước khi Mạc Tư Khoa gởi thêm những “bia thịt” mới. Theo ông, nếu bất ngờ, thần tốc là đồng minh của Ukraine, thì thời gian lại là đồng minh của Nga.

Tuyên Bố Chống Thực Dân, Putin Xua Người Thiểu Số Ra Đỡ Đạn

Về mặt tuyên truyền, trong bài diễn văn mới nhất Tổng thống Nga tự cho mình là thành lũy chống lại “chế độ thực dân mới” của phương Tây. Le Monde cho rằng Vladimir Putin đã cố tình bỏ quên các hoạt động của lính đánh thuê Wagner ở Phi Châu.

Tờ báo mỉa mai, những “nô lệ ở thế gian” có thể trông cậy vào người bảo vệ mới mẻ này, để chống lại một phương Tây “ăn bám, cướp bóc thế giới”. Trong khi đó Mạc Tư Khoa không ngừng hỗ trợ quân sự cho các chế độ độc tài từ Trung Phi tới Mali, theo CSIS là khoảng 15 nước, thông qua Wagner để có thể phủi trách nhiệm. Nhờ đó Nga thu được nhiều lá phiếu ủng hộ của Phi Châu ở Hội Đồng Bảo An cũng như Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc; sự hiện diện của lính đánh thuê giúp Nga thâu tóm nhiều mỏ đất hiếm, vàng và uranium.

Theo nhà sử học Botakoz Kassymbekova, việc khoác lên chiếc áo chống thực dân còn nhằm mục đích đối nội, biến hóa cuộc xâm lược Ukraine thành cuộc kháng chiến chống lại sự tấn công của phương Tây. Bà lưu ý, trước đó Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã có tuyên bố hướng về “nhân dân các lãnh thổ thuộc Nga”, khẳng định “Không ai bị bắt buộc tham gia một cuộc chiến tranh nhục nhã. Người Daghestan không việc gì phải chết ở Ukraine. Người Chechnya, người Ingush, Ossetia, Kavkaz...cũng vậy”. Botakoz Kassymbekova nhắc nhở bối cảnh là sự phẫn nộ từ việc bắt lính ồ ạt nơi các sắc tộc thiểu số, nhất là ở Daghestan và Buryat. Khó thể nói rằng bảo vệ những dân tộc bị đàn áp, nhưng lại xua họ ra làm bia đỡ đạn.

Có Thể Coi Như Putin Đã Bại Trận?

Nhìn chung, “phải chăng Vladimir Putin đã bại trận?”, đó là câu hỏi mà Le Figaro đặt ra cho hai vị tướng đồng thời là nhà nghiên cứu Olivier Kempf và François Chauvancy. Sau khi giải phóng hai vùng đất chiến lược là Izyum và Lyman, quân đội Ukraine còn chiếm được mấy chục địa phương ở Kherson và vào được Lugansk, vốn bị quân Nga kiểm soát toàn bộ. Liệu nhịp độ này sẽ chậm lại vào mùa Đông, hay ngược lại, có thể đánh bại hoàn toàn quân Nga?

Theo tướng Chauvancy, tiền tuyến kéo dài trên 1.000 kilomet trong khi đội quân viễn chinh chỉ có 150.000 đã mệt mỏi, lại không ngừng bị điều sang nhiều mặt trận nhưng chưa được thay thế; và vũ khí giờ đây kém tân tiến so với Ukraine. Tuy nhiên Kyiv cần phải tăng tốc trước khi phía Nga được tăng viện. Mạc Tư Khoa thì phải cầm cự cho đến mùa Đông, bổ sung lính, vũ khí, và còn phải cứu 20.000 quân đang kẹt ở Kherson. Nếu Kherson thất thủ, Putin khó thể giữ được chiếc ghế; nhưng người lên thay ông ta có thể hiếu chiến hơn.

Tướng Kempf nhận thấy quân đội Ukraine có khả năng chịu được những cú sốc trong những cuộc chiến kéo dài, và điểm yếu của quân đội Nga còn là cách tổ chức và chỉ huy chứ không chỉ vũ khí và đội ngũ. Hãy còn quá sớm để nói đến thắng bại, vì chiến tranh còn là chính trị chứ không chỉ quân sự. Người ta bại trận khi chấp nhận thất bại, nhưng trong diễn văn hôm sáp nhập bốn vùng đất của Ukraine, Vladimir Putin cho thấy không sẵn sàng nhận ra thực tế, mà muốn lao vào một cuộc chiến kéo dài. Dù quân Nga liên tục hứng đòn, nhưng chưa hẳn chính quyền mới, nếu có, muốn chấm dứt chiến tranh.

Giải Nobel Hòa Bình 2022, Được Trao Cho Các Cá Nhân và Tổ Chức ở Ukraine, Nga và Belarus
*

(Hình: Ales Bialiatski, người đứng đầu tổ chức nhân quyền Belarusian Vyasna, nhận được tin ông đoạt giải Nobel Hòa bình khi đang ngồi tù ở Belarus.)

Nhà hoạt động Belarus đang ngồi tù Ales Byalyatski, tổ chức nhân quyền Nga Memorial và Trung tâm Tự do Dân sự của Ukraine cùng chia nhau giải Nobel Hòa bình năm 2022 hôm 7/10, chiến thắng làm nổi bật tầm quan trọng của xã hội dân sự đối với hòa bình và dân chủ.

Giải thưởng được nhiều người coi là sự lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, khiến nó trở thành một trong những giải Nobel gây tranh cãi chính trị nhất trong nhiều thập kỷ.

“Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn tôn vinh ba nhà ủng hộ nhân quyền, dân chủ và chung sống hòa bình nổi bật ở các nước lân cận nhau là Belarus, Nga và Ukraine”, Chủ tịch ủy ban Berit Reiss-Andersen cho biết.

Bà nói với Reuters: “Không phải là một người, một tổ chức, một cách giải quyết nhanh chóng. Mà chính là sự chung tay nỗ lực của số đông mà chúng ta gọi là xã hội dân sự có thể đứng lên chống lại các nhà nước độc tài và các vi phạm nhân quyền”.

Bà kêu gọi Belarus thả tự do cho Byalyatski và nói rằng giải thưởng này không nhằm vào ông Putin.

Cảnh sát an ninh Belarus hồi tháng 7 năm 2021 đã đột kích các văn phòng và tư gia của các Luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền, bắt giữ Byalyatski cùng những người khác trong một cuộc đàn áp nhằm vào những người chống đối Tổng thống Lukashenko.

Nhà chức trách đã tiến đến đóng cửa các phương tiện truyền thông không phải của nhà nước và các tổ chức nhân quyền sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng 8 năm 2021 để phản đối cuộc bầu cử Tổng thống mà phe đối lập cho là gian lận.

“Ủy ban Nobel gửi thông điệp rằng các quyền tự do chính trị, nhân quyền và xã hội dân sự tích cực là một phần của hòa bình”, ông Dan Smith, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nói với Reuters.

Giải thưởng sẽ củng cố tinh thần cho Byalyatski và giúp tăng sức mạnh của Trung tâm Tự do Dân sự, một tổ chức nhân quyền độc lập của Ukraine, vốn cũng tập trung vào chống tham nhũng, ông nói.

“Mặc dù Memorial đã bị đóng cửa ở Nga, nhưng nó vẫn tồn tại như một ý tưởng rằng chỉ trích quyền lực là đúng đắn và rằng sự thật cũng như lịch sử rất quan trọng”, ông Smith nói thêm.

Tại Geneva, Ðại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết Mạc Tư Khoa không quan tâm đến giải thưởng này. “Chúng tôi không quan tâm đến chuyện này”, ông Gennady Gatilov nói với Reuters.

Còn tại Belarus, truyền thông nhà nước không đưa tin về giải thưởng.

Được thành lập vào năm 1989 để giúp đỡ các nạn nhân bị đàn áp chính trị dưới thời Liên Xô và thân nhân của họ, Memorial vận động cho dân chủ và dân quyền ở Nga và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Người đồng sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Memorial là Sakharov, người đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1975.

Memorial, tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất của Nga, đã nhận lệnh phải giải tán vào tháng 12 năm 2021 vì vi phạm luật yêu cầu một số nhóm xã hội dân sự phải đăng ký như đặc vụ ngoại quốc.

Thành viên hội đồng của Memorial, Anke Giesen, hôm 7/10 nói rằng giành được giải Nobel là sự công nhận những đóng góp nhân quyền của tổ chức và của các đồng nghiệp tiếp tục phải chịu ‘các cuộc tấn công và trả thù không tả hết bằng lời’ ở Nga.

Giải thưởng cho Memorial là giải thưởng thứ hai liên tiếp cho một cá nhân hay đơn vị Nga, sau giải thưởng dành cho nhà báo Dmitry Muratov hồi năm 2021, nhận cùng với nhà báo Maria Ressa của Phi Luật Tân.

Giám đốc điều hành Trung tâm Tự do Dân sự Ukraine, Oleksandra Romantsova, cho biết giành được giải Nobel là ‘điều tuyệt vời’.

“Thật tuyệt, xin cảm ơn”, bà nói với thư ký của ủy ban giải thưởng, Olav Njoelstad, trong cuộc điện đàm được quay và phát sóng trên truyền hình Na Uy.

Giải thưởng trao cho Byalyatski có thể thu hút mọi người chú ý đến khoảng 1.350 tù nhân chính trị ở Belarus, chính trị gia đối lập lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya nói với Reuters.

“Tôi thực sự tự hào khi thấy Ales Byalyatski đoạt giải”, bà nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Ông ấy dành cả đời để bảo vệ nhân quyền ở đất nước chúng tôi”.

“Ông ấy phải ngồi tù lần thứ hai, điều này cho thấy chế độ liên tục đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền ở Belarus như thế nào”.

Giải Nobel Văn Học 2022 Vinh Danh Nhà Văn Pháp Annie Ernaux


(Hình: Các tác phẩm của nhà văn Pháp Annie Ernaux được trưng bày tại Viện Hàn lâm Thuỵ Điển sau lễ công bố giải Nobel 2022 hôm 6/10/2022.)

- Đài Á Châu Tự Do đưa tin cho hay vào chiều ngày 6/10/2022 (theo giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Nữ Văn sĩ người Pháp Annie Ernaux là khôi nguyên giải Nobel Văn học 2022. Bà được vinh danh nhờ có nhiều thành tựu trong mảng tự truyện gắn liền với Xã hội học.

Theo đó, giải Nobel Văn học năm nay dành cho nữ văn sĩ Annie Ernaux, 82 tuổi, là phần thưởng cho ‘lòng can đảm và sự nhạy bén giúp bà khám phá ra cội rễ, sự xa cách và những hạn chế chung của hồi ức cá nhân’.

Viện Hàn lâm Thụy Điển giải thích rằng bà Annie Ernaux đã kiên trì và từ những góc nhìn khác nhau đã xem xét một cuộc sống ghi dấu bằng những cách biệt rõ mạnh về giới tính, ngôn ngữ và giai cấp.

Tác phẩm đầu tay Les Armories Vides của bà ra đời vào năm 1974; tuy nhiên đến năm 2008 khi tác phẩm Les Années được xuất bản, tiếng tăm của bà mới nổi trên toàn thế giới. Tác phẩm này vào năm 2017 được dịch ra Anh ngữ với tựa The Years.

Thế Giới Vẫn Còn Khổ Vì Những Nhà Lãnh Đạo Điên Cuồng: Bắc Hàn Bắn Thêm 2 Phi Đạn Đáp Trả Mỹ và Nam Hàn!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại thêm căng thẳng. Hôm 6/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn 2 phi đạn về phía biển Nhật Bản.

Như vậy là chỉ cách nhau hai ngày, Bắc Hàn hai lần bắn phi đạn nhằm đáp trả “các biện pháp trả đũa” của Hán Thành và Hoa Thịnh Ðốn và các cuộc tập trận Mỹ-Hàn. Thông tín viên Trần Công của Đài RFI tường trình từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn:

“Vào lúc 6 giờ sáng hôm nay, Bắc Hàn đã phóng 2 phi đạn-đạn đạo tầm ngắn (SRBM) về phía Đông-Bắc của biển Nhật Bản. Đây là một mục tiêu mới của Bắc Hàn, thay vì đảo Risom như thường lệ. 2 phi đạn này cũng được bắn từ một địa điểm mới là Samseok, một khu vực nằm ở phía Đông phi trường Sunan, khá xa khu vực trung tâm của Bình Nhưỡng. Đây cũng được xem là điều bất thường trong lần phóng này của Bắc Hàn.

Ngoài mục tiêu thị uy và đáp lại việc Mỹ đưa hàng không mẫu hạm Reagan quay trở lại Nam Hàn, vụ phóng phi đạn hôm nay còn gửi một thông điệp mới đến chính quyền Hán Thành: kể cả khi phi trường Sunan bị tấn công phủ đầu, nếu chiến tranh xảy ra, Bắc Hàn vẫn có thể phản công từ những vị trí khác.

Theo tính toán, hai loại phi đạn được bắn lần này là KN-23 và KN-24, với tầm bắn của cả hai đều được ghi nhận là tăng so với các lần bắn trước đây và bao phủ được toàn bộ lãnh thổ Nam Hàn. Điều này cho thấy Bắc Hàn đang theo đuổi việc cải tiến các loại phi đạn và toàn bộ Nam Hàn sẽ phải đối mặt với phi đạn tầm ngắn của Bắc Hàn nếu chiến tranh xảy ra.

Văn phòng Tổng thống Nam Hàn đã họp khẩn cấp với Ủy ban Thường Vụ Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để thảo luận về các biện pháp đối phó. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân khẳng định rằng thế trận phòng thủ liên hợp sẽ được củng cố hơn nữa để đối phó với bất kỳ đe dọa nào đến từ Bắc Hàn. Ông lên án vụ bắn phi đạn của Bắc Hàn là một thách thức không thể coi thường đối với cộng đồng quốc tế”.

Theo thông tấn xã AFP, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngay lập tức lên án vụ thử phi đạn lần thứ 6 chỉ trong vòng hai tuần, xem đây là “điều hoàn toàn không chấp nhận được”.

Vụ bắn phi đạn sáng 6/10 diễn ra chỉ ít tiếng đồng hồ sau cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được triệu tập theo đề nghị của Pháp, Anh, Albania, Na Uy và Ái Nhĩ Lan, bàn về vụ thử phi đạn trước đó của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo thông tấn xã AFP, các nước trong Hội đồng vẫn bị chia rẽ. Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ “đầu độc” môi trường an ninh trong vùng Đông Á với “các cuộc tập trận do Mỹ và nhiều nước khác trong vùng tiến hành”. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield lên án “nỗ lực hiển nhiên của Trung Quốc và Nga để thưởng cho những hành động xấu” của Bắc Hàn. Bà kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích Soo Kim của tổ chức nghiên cứu và tham vấn Rand Corporation dự báo Bắc Hàn sẽ tiếp tục thử phi đạn, vì “vào thời điểm này, đối với ông Kim Jong Un, lùi bước hoặc dừng các hành động gây hấn có thể sẽ gây phản tác dụng đối với các lợi ích của ông ấy. Đó là chưa kể đến nguồn nhân lực và tài chánh đã đổ vào những vụ thử vũ khí này”.

Mỹ và Nam Hàn Tập Trận Với Hàng Không Mẫu Hạm, Đáp Trả Việc Bắc Hàn Phóng Phi Đạn


(Hình: Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn.)

- Hôm 7/10/2022, Nam Hàn và Mỹ bắt đầu các cuộc tập trận chung trên biển với một hàng không mẫu hạm của Mỹ, quân đội Nam Hàn cho biết, một ngày sau khi họ điều động chiến đấu cơ để đáp lại hoạt động rõ ràng là một cuộc tập trận ném bom của Bắc Hàn.

Các cuộc tập trận này sẽ diễn ra ở vùng biển phía Đông của Nam Hàn vào 2 ngày 7 và 8/10, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn cho biết. Cuộc tập trận diễn ra sau khi Bắc Hàn phóng 2 phi đạn-đạn đạo cùng loại xuống biển hôm 6/10, và sau đó đã khai triển máy bay chiến đấu gần biên giới với Nam Hàn.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường năng lực chiến đấu và sẵn sàng đáp trả mọi hành động khiêu khích của Bắc Hàn thông qua các cuộc tập trận chung với nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Mỹ”, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn cho biết.

Nhóm tác chiến của Mỹ đã tham gia vào các cuộc tập trận phòng thủ phi đạn ba bên với các chiến hạm của Nhật Bản và Nam Hàn trong tuần này, được châm ngòi bởi việc Bắc Hàn phóng thử một phi đạn-đạn đạo bay qua một phần lãnh thổ Nhật Bản hôm 4/10.

Các viên chức quốc phòng cấp cao của Nhật, Hàn và Mỹ đã thảo luận về những diễn biến mới nhất trong cuộc điện đàm hôm 7/10, lên án các vụ phóng của Bắc Hàn và đồng ý rằng các cuộc tập trận hàng hải 3 bên gần đây đã giúp cải thiện khả năng đáp trả Bắc Hàn, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Lee Jong-sup, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết các hành động khiêu khích của Bắc Hàn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của khu vực. Ông nhấn mạnh lực lượng của ông sẽ tích cực hỗ trợ các nỗ lực răn đe và đáp trả mối đe dọa từ Bắc Hàn, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố khác.

Ông Lee cũng đã họp với các viên chức cấp cao để thảo luận về các vụ phóng mới nhất và đánh giá hệ thống phòng thủ ‘ba trục’ của Nam Hàn được thiết kế nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự của Bắc Hàn, bao gồm kế hoạch chiến tranh trong đó có tấn công phủ đầu nếu cần.

“Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải gửi thông điệp rõ ràng rằng phát triển nguyên tử và phi đạn sẽ khiến mọi việc khó khăn hơn cho Bắc Hàn”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Đặc phái viên nguyên tử của Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã có cuộc điện đàm và tuyên bố sẽ tăng gấp đôi nỗ lực chặn các nguồn lực tài trợ cho chương trình nguyên tử và phi đạn của Bắc Hàn bằng cách tịch thu tiền điện tử, và ngăn chặn nỗ lực né tránh lệnh trừng phạt bằng cách chuyển hàng từ tàu nọ sang tàu kia giữa biển bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao Nam Hàn cho biết trong một tuyên bố.

Khan Hiếm Xăng Dầu! Mỹ Bất Bình Về Quyết Định Giảm Quota Dầu Mỗi Ngày của OPEC+

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Đại diện của 13 nước thành viên Tổ chức các nước xuất cảng dầu lửa (OPEC) và 10 đồng minh đã họp tại Vienna (thủ đô của Áo), ngày 5/10/2022, sau hơn hai năm phải họp trực tuyến vì dịch Covid-19. Nhóm OPEC+ nhất trí giảm bớt sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 11. Quyết định này đã khiến Hoa Kỳ bất bình.

Đây là đợt cắt giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch Covid-19 và có thể sẽ làm tăng giá dầu. Ngay sau thông báo của OPEC+, giá dầu trên thị trường vào lúc 5 giờ 20 chiều (giờ quốc tế) đã tăng khoảng 2%, lên thành 93,43 Mỹ kim/thùng Brent Biển Bắc và 87,86 Mỹ kim/thùng WTI.

Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ bị Hoa Kỳ coi là “hùa” theo Mạc Tư Khoa và là “một sai lầm”, theo phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre. Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ “thất vọng về quyết định có tầm nhìn ngắn”, đồng thời thông báo sẽ tham vấn Quốc hội Mỹ “về các công cụ và cơ chế bổ sung cho phép giảm bớt quyền kiểm soát” của nhóm các nhà sản xuất trên thị trường năng lượng.

Theo thông tấn xã AFP, quyết định của OPEC+ sẽ giúp Nga có thêm ngân sách, trong bối cảnh lệnh cấm vận dầu lửa Nga của Liên Hiệp Âu Châu sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 12. Do đó, theo Tổng Giám đốc tập đoàn TotalEnergies, phát biểu bên lề một hội thảo ở Luân Đôn, “Nga có lý do ủng hộ việc cắt giảm này, vì Mạc Tư Khoa không chắc tìm được khách hàng mua dầu của họ”.

Cũng trong ngày 5/10, phía Nga đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu, trong đó có biện pháp áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Theo Phó Thủ tướng Nga Alexandre Novak, phụ trách Năng lượng, chính sách này “vi phạm các cơ chế của thị trường” và có thể “có tác động rất xấu” cho ngành công nghiệp thế giới.

Cuộc họp tiếp theo của nhóm OPEC+ dự kiến diễn ra ngày 04/12, sau đó tổ chức này có thể trở lại với nhịp độ 6 tháng họp một lần như trước đại dịch.

Việt Nam: Tân Tổng Lãnh Sự Mỹ, Susan Burns, Bắt Đầu Nhiệm Kỳ ở Sài Gòn


(Hình: Bà Susan Burns trình thư Lãnh sự cho ông Doãn Hoàng Minh, Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, hôm 4/10/2022.)

- Nhà ngoại giao chuyên nghiệp Susan Burns vừa chính thức bắt đầu nhiệm kỳ của chức Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn, sau khi bà trình thư Lãnh sự cho Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tuần này.

“Chúng tôi rất vui mừng được chào đón tân Tổng Lãnh sự Susan Burns đến Tp. HCM! Bà đã trình thư Lãnh sự tại Hà Nội đầu tuần này”, cơ quan đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ loan tin trên trang Facebook chính thức hôm 6/10.

Hôm 4/10, Quyền Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Doãn Hoàng Minh tiếp nhận Giấy Ủy nhiệm Lãnh sự và trao Giấy chấp nhận Lãnh sự cho bà Susan Burns, theo Báo Quốc tế.

Bà Susan Burns đến thành phố lớn nhất của Việt Nam thay cho Tổng Lãnh sự tiền nhiệm Marie Damour, người vừa được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Fiji.

Trước khi giữ chức Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, bà Burns đảm nhiệm vị trí Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á Lục địa thuộc Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Trước đó, bà là Giám đốc phụ trách Chiến lược và Đào tạo khu vực thuộc Vụ các Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, theo trang web của Tổng Lãnh sự.

Bà Burns từng làm việc tại Kampala, Uganda; và Kathmandu, Nepal; ở vị trí Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, cũng như đã từng công tác tại Krakow, Ba Lan, Vụ các vấn đề Âu Châu và Á-Âu, Ghana và Đài Loan.

Cũng theo thông tin từ Tòa tổng Lãnh sự, bà Burns được phong hàm Viên chức Ngoại giao cao cấp năm 2018 và được trao giải thưởng Edward R. Murrow của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vì sự Xuất Sắc trong Hoạt động Ngoại giao Công chúng năm 2017. Bà đã học tiếng Trung, Ba Lan, Nepal, Việt Nam và Pháp.

Theo Nga Từ Đầu Cuộc Chiến Xâm Lăng: Việt Nam Nói Gì Về Việc Nga Sáp Nhập 4 Khu Vực của Ukraine?


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong buổi lễ tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát tại 4 khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine vào ngày 30/9/2022.)

- Khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về việc Nga sáp nhập 4 khu vực của Ukraine, hôm 6/10/2022, đại diện Bộ Ngoại giao nói Việt Nam “quan tâm, theo dõi chặt chẽ” diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói.

Trước đó, hôm 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật và hoàn tất quá trình sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, thuộc miền Nam và miền Đông Ukraine, vào Nga sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý mà các chính phủ phương Tây và Kyiv nói là nguỵ tạo, vi phạm luật pháp quốc tế và mang tính cưỡng ép, không mang tính đại diện.

Theo thông tấn xã Reuters, các khu vực của Ukraine bị Nga sáp nhập không phải tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Nga và các lực lượng Ukraine gần đây đã đẩy lùi đối phương.

Cùng với nhiều nước phương Tây, Liên Hiệp Quốc cũng lên án động thái sáp nhập các khu vực Ukraine của Nga.

Một Dự thảo Nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý của Nga đã được soạn thảo và 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc dự kiến sẽ xem xét quyết định vào ngày 12/10.

Hãng thông tấn Anh cho biết Nga hiện đang vận động Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu kín thay vì bỏ phiếu công khai về việc có nên lên án Nga sáp nhập bốn khu vực của Ukraine hay không.

Kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine, mà Mạc Tư Khoa gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”, Liên Hiệp Quốc đã vài lần thực hiện bỏ phiếu lên án, chống lại hành động của Mạc Tư Khoa. Trong các cuộc bỏ phiếu này, Việt Nam đều bỏ phiếu trắng. Riêng trong cuộc bỏ phiếu về Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/4, Việt Nam chọn phiếu đỏ và nằm trong thiểu số 24 quốc gia chống lại Nghị quyết này.

Tại cuộc họp báo ngày 6/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam là “thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và sẵn sàng đóng góp vào quá trình thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình.

Không có nhận xét nào: