Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Theo Dòng Thời Sự: Kính Chuyển Những Tin Nóng, Đang Được Chú ý Nhất Trong Ngày! - Lê Văn Hải


Hoa Kỳ: Sôi Nổi! Rộn Ràng Mùa Bầu Cử 2022!
-Đa Số Phiếu Đang Nghiêng Về Phía Đảng Cộng Hòa!
-Có thể đoán trước đảng Cộng hòa Hoa Kỳ sẽ thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện năm nay, nhưng có thể chưa đủ mạnh để chắc chắn chiếm được đa số ở Thượng viện. Đúng như ông Mitch McConnell vẫn lo lắng.
(Ngô Nhân Dụng)
<!>


(Hình: Trong các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, đảng của một vị Tổng thống thường thua phiếu, trong năm nay có lẽ cũng không khác.)

Cuộc nghiên cứu thăm dò dư luận đầu tháng Mười của nhật báo New York Times và Siena College cho thấy trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 sẽ có 49% cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa, 45% cho đảng Dân chủ. Một tháng trước đó, đảng Dân chủ dẫn trước một phần trăm.

Đảng Cộng hòa sẽ chiếm đa số trong Hạ viện và có hy vọng thắng lợi ở cả Thượng viện, hiện đang ngang ngửa với tỷ số 50/50. Hai năm chót trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden ông không có hy vọng ký được một Dự luật nào quan trọng; các chính sách ông theo đuổi trong hai năm qua có thể bị lật ngược lại.

Trong các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, đảng của một vị Tổng thống thường thua phiếu, trong năm nay cũng không khác. Uy tín của Tổng thống Biden đang xuống thấp vì nạn lạm phát lên cao và kinh tế xuống thấp khiến cho đảng Cộng hòa càng nhiều hy vọng sẽ chiếm đa số sau cuộc bầu cử năm nay. Cuộc nghiên cứu dư luận của AP-NORC cho thấy 39% dân Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa điều hành nền kinh tế giỏi hơn, đảng Dân chủ chỉ được 29% tin tưởng. Những nỗ lực của ông Biden và đảng Dân chủ trong 2 năm qua, với các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở, giúp đỡ các công nghiệp kỹ thuật cao chưa đem lại các kết quả tạo niềm tin trong cử tri Mỹ. Trong khi đó, ba phần tư dân Mỹ coi tình trạng tội phạm gia tăng là vấn đề quan trọng nhất, và đảng Dân chủ đang nắm cả quyền Hành pháp và Lập pháp phải chịu trách nhiệm.

Chỉ cần chiếm thêm một ghế Nghị sĩ, đảng Cộng hòa có thể ngăn không cho Tổng thống Biden bổ nhiệm một vị Thẩm phán liên bang hay Ðại sứ nào mới, cũng như các chức vụ trong guồng máy liên bang.

Đảng Cộng hòa có thể ủng hộ một Dự luật cấm phá thai sau 15 tuần lễ, như Nghị sĩ Lindsey Graham đã đề nghị; trong khi Tổng thống Biden đang hứa sẽ đưa ra một Dự luật bảo vệ quyền phá thai. Đạo luật bảo hiểm y tế thời cựu Tổng thống Obama có thể bị cắt giảm, cũng như các biện pháp giảm giá thuốc trị bệnh mà ông Biden mới ban hành. Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) hy vọng sẽ thành Chủ tịch Hạ viện, thay thế bà Nancy Pelosi, nếu được các đại biểu theo cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Dân biểu Cộng hòa Elise Stefanik, New York, đứng hàng thứ ba trong Hạ viện đe dọa sẽ đàn hạch (impeach) Tổng thống Biden khi chiếm đa số, nhưng ông McCarthy chưa đồng ý.

Ông McCarthy đã báo trước sẽ ngăn cản nhiều chương trình đối nội và đối ngoại của ông Joe Biden. Ông sẽ dùng đa số Cộng hòa ở Hạ viện không cho nâng cao “mức trần” các món nợ quốc gia, khiến chính phủ hết tiền xài. Hạ viện có thể không thông qua ngân sách khiến chính phủ phải đóng cửa, như đã xảy ra năm 2013 thời Tổng thống Obama và năm 2018 thời Tổng thống Trump. Ông McCarthy đề nghị cho xét lại hàng năm những chi phí trong chương trình y tế cho người về hưu (Medicare) và Bảo hiểm Xã hội (Social Security) thay vì giữ nguyên như cũ.

Đối ngoại, ông cũng tỏ ý không muốn “ký ngân phiếu trắng” viện trợ quân sự cho Ukraine, như ông Biden đang làm, khiến cho hai nhân vật quan trọng trong đảng Cộng hòa, Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa ở Thượng viện và cựu Phó Tổng thống Mike Pence đều phải lên tiếng phản đối.

Một thành phần cử tri quan trọng là phụ nữ lâu nay vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ, nhưng chính họ đang thay đổi. Phá thai là một vấn đề có thể giúp đảng Dân chủ chiếm ưu thế. Ông Joe Biden đã hứa sẽ đưa ra một Dự luật bảo đảm quyền phá thai sau cuộc bỏ phiếu năm nay, nhằm khích động cử tri nữ; nhưng không biết có thu hút được kết quả ông mong muốn hay không. Trong tháng Chín, các cử tri phụ nữ không theo đảng nào ủng hộ đảng Dân chủ 14% nhiều hơn đảng Cộng hòa. Trong tháng Mười, tỷ số đã lật ngược, Cộng hòa chiếm đa số hơn 18%. Trong số các cử tri không đảng phái, đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế 10%.

Từ đầu năm nay, Nghị sĩ Mitch McConnell tin rằng đảng Cộng hòa sẽ thắng lớn ở Hạ viện nhưng còn tỏ ý lo ngại không thể lật ngược thế cờ trên Thượng viện. Nhưng ưu thế của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử các chức Nghị sĩ đang bị lung lay khiến ông McConnell đang nuôi hy vọng.

Tại tiểu bang Pennsylvania, ứng cử viên Dân chủ John Fetterman từ đầu năm đã dẫn trước Bác sĩ Mehmet Oz, Cộng hòa, người được cựu Tổng thống Donald Trump ủng hộ, nhưng hiện nay ông Mehmet Oz đã thâu hẹp được khoảng cách và có thể qua mặt ông Fetterman vì ông có vấn đề sức khỏe. Trong tuần này, Tổng thống Biden đã đến Pennsylvania ủng hộ gà nhà nhưng chưa biết kết quả sẽ ra sao.

Tại tiểu bang Arizona, ứng cử viên Cộng hòa Blake Masters đang bám sát Nghị sĩ đương nhiệm Mark Kelly, Dân chủ. Các ứng cử viên Nghị sĩ của đảng Dân chủ ở Wisconsin và Nevada, trước đây có vẻ nắm chắc phần thắng, nay cũng đang lung lay. Ở Nevada, ứng cử viên Cộng hòa Adam Laxalt đang chiếm 49% còn Nghị sĩ Catherine Cortez Masto, Dân chủ chỉ được 48% ủng hộ. Ở Wisconsin, phó thống đốc Mandela Barnes, Dân chủ, đã dẫn trước Nghị sĩ Ron Johnson từ đầu nhưng ưu thế đang mất trong hai tuần trước ngày dân bỏ phiếu.


Cuộc tranh cử chức Nghị sĩ ở tiểu bang Georgia còn đang nghiêng ngửa, mặc dù Nghị sĩ Raphael Warnock, Dân chủ khởi hành với nhiều lợi thế. Đối thủ của ông, Herschel Walker được cựu Tổng thống Trump ủng hộ, đã bị mang tiếng có nhiều con riêng với nhiều phụ nữ đến mức ông không nhớ hết được, với mấy bà mẹ của các con ông tố giác ông đã trả tiền cho họ phá thai, nhưng ông Walker vẫn chưa chịu thua. Hầu như dân chúng đã quen nghe các chuyện xì căng đan về tính dục của các chính trị gia nhiều rồi, bây giờ họ có vẻ dửng dưng trước các tin tức ly kỳ, hấp dẫn mới.

Tại tiểu bang Ohio, cuộc tranh cử giữa J.D. Vance (Cộng hòa), và Tim Ryan (Dân chủ) bỗng trở nên hứng thú mặc dù cựu Tổng thống Trump đã thắng ở tiểu bang này hai lần, năm 2016 và 2020, mỗi lần với ưu thế 8%. Dân biểu Tim Ryan, đã đắc cử 10 lần, phải đương đầu với một ứng cử viên Cộng hòa được ông Trump ủng hộ. Ông Ryan đã gây quỹ được 40 triệu Mỹ kim nhưng ngân quỹ tranh cử còn thua ông Vance $2 triệu!

Có thể đoán trước đảng Cộng hòa sẽ thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện năm nay, nhưng chưa đủ mạnh để chắc chắn chiếm được đa số ở Thượng viện, đúng như ông Mitch McConnell vẫn lo lắng. Dù sao cũng có thể đoán trước Tổng thống Joe Biden sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai năm sắp tới khi Kevin McCarthy đóng vai Chủ tịch Hạ viện. Ông sẽ trở thành nhân vật thứ ba có thể lên làm Tổng thống sau Ông Joe Biden và bà Kamala Harris!

Tình Hình Chiến Sự: Ukraine Vẫn trên Đà Chiến Thắng!


Kyiv Khẳng Định Chiếm Thêm Được Nhiều Vị Trí Quan Trọng ở Vùng Kherson!

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 21/10/2022 vừa qua, chính quyền Ukraine khẳng định đã tiến thêm được vào vùng Kherson, nơi chiến tuyến của quân đội Nga đã bị đẩy lùi từ 20 đến 30 cây số trong những tuần lễ gần đây.

Phát biểu tối 21/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh “kết quả tốt” của quân đội trước lực lượng Nga ở miền Nam. Quân Ukraine đã tịch thu được hơn 30 xe thiết giáp Nga cùng với hàng ngàn đầu đạn dùng cho chiến xa và 3 khẩu pháo.

Trước đó, một viên chức cao cấp Ukraine cho biết quân đội đã chiếm lại 88 địa phương trong tay lực lượng Nga ở khu vực Kherson. Trong một bản tổng kết tình hình ngày 13/10, Kyiv chỉ nói để 73 thị trấn và ngôi làng được tái chiếm.

Theo Rybar, kênh Telegram thân Ðiện Cẩm Linh, nơi duy nhất mà lực lượng Nga ở trong thế tấn công là ở khu vực Donetsk, trong lúc quân đội Ukraine tuyên bố đẩy lùi được các cuộc tấn công của Nga ở khu vực này.

Cũng liên quan đến chiến sự tại vùng Kherson, Thủ tướng Ukraine hôm qua đã yêu cầu quốc tế cấp tốc cử một phái đoàn quan sát viên đến đập thủy điện Kakhovka để ngăn việc Nga phá nổ con đập này.

Tối thứ Năm vừa qua, Tổng thống Ukraine đã cáo buộc Nga là đã đặt mìn tại đập thủy điện này nằm ở vùng Kherson, hiện do lực lượng Nga kiểm soát, nhưng đang bị quân đội Ukraine phản công.

Phát biểu với Thượng Đỉnh Liên Hiệp Âu Châu, ông Zelensky khẳng định: “Nếu con đập bị phá hủy (…), kênh đào Bắc Crimea sẽ biến mất”, và đó sẽ là “một thảm họa quy mô lớn…. Hơn 80 thị trấn, bao gồm cả Kherson, sẽ nằm trong vùng nhanh chóng bị lũ lụt”.

Chính quyền Nga ở Kherson đã phủ nhận mọi hoạt động tại đập Kakhovka, tố cáo Tổng thống Zelensky “dối trá”.

Nga Tăng Cường Các Tuyến Phòng Thủ Tại Các Vùng Biên Giới Với Ukraine

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 23/10/2022, Thống đốc các vùng Belgorod và Koursk cho biết các tuyến phòng thủ đã được xây dựng trước khả năng tấn công từ quân đội Ukraine. Trong khi đó, tại Kherson, chính quyền do Nga dựng lên đã kêu gọi người dân “tức thì” di tản.

Trên mạng Telegram, thống đốc Koursk, ông Roman Starovoit khẳng định là đã hoàn tất việc xây dựng hai tuyến phòng thủ. Một tuyến thứ ba sẽ phải được tiến hành từ đây đến ngày 5/11. Ông khẳng định kể từ giờ có thể đương đầu với mọi cuộc tấn công từ Ukraine. Về phần mình, thống đốc vùng Belgorod, ông Viatcheslav Gladkov, hôm qua cho biết chính quyền bắt đầu xây dựng một tuyến phòng thủ trong vùng.

Thông tấn xã AFP nhắc lại, hồi trung tuần tháng 10/2022, nước Nga, hiện đang tiến hành chiến dịch quân sự xâm lược Ukraine, đã tố cáo quân đội Ukraine “gia tăng đáng kể” các cuộc pháo kích nhắm vào nhiều vùng của Nga giáp biên giới với Ukraine.

Trang mạng nhật báo Le Monde hôm 22/10, trích dẫn bản cập nhật hàng ngày mới nhất về cuộc chiến ở Ukraine từ Bộ Quốc phòng Anh, giải thích rằng các lực lượng Nga “tiếp tục gia cố các điểm bắt qua sông Dniepr và đã hoàn thành việc xây dựng một cây cầu xà lan song song với cây cầu Antonivsky bị phá hỏng ở Kherson”.

Trong khi đó, chính quyền Kherson do Nga dựng lên đã kêu gọi các thường dân “tức thì” rời thành phố. Chính quyền chiếm đóng thân Nga trên mạng Telegram còn nói đến “tình hình căng thẳng trên mặt trận” và “nguy hiểm gia tăng từ các cuộc pháo kích ồ ạt”. Khoảng 25 ngàn thường dân đã được di tản trong các chiến dịch di tản diễn rư từ hôm thứ Tư 19/10, theo như một viên chức vùng Kherson.

G7 Lên Án Nga Bắt Cóc Lãnh Đạo Nhà Máy Điện Nguyên Tử Ukraine


(Hình: Nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia của Ukraine.)

- Ngày 23/10/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Nhóm Bảy quốc gia Công nghiệp phát triển (G7) đã lên án việc Nga bắt cóc ban lãnh đạo nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia và kêu gọi ngay lập tức trả lại quyền kiểm soát hoàn toàn nhà máy cho Ukraine.

“Chúng tôi lên án việc Nga liên tục bắt cóc ban lãnh đạo và nhân viên của ZNPP (nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia) của Ukraine”, các Tổng Giám đốc về không phổ biến nguyên tử của G7 cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

“Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức trả lại toàn quyền kiểm soát ZNPP cho chủ sở hữu có chủ quyền hợp pháp là Ukraine”, tuyên bố nói tiếp.

Các lực lượng Nga đã nắm quyền kiểm soát nhà máy nguyên tử lớn nhất Âu Châu kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược Ukraine, vốn khai mào hồi tháng Hai.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Điện Đàm Với Người Đồng Cấp Mỹ



(Hình: Ông Lloyd Austin.)

- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (23/10/2022), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Đây là cuộc trao đổi thứ hai trong 3 ngày. Ông Shoigu cũng có các cuộc điện đàm với ba đối tác khác từ các nước thuộc Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).

Mạc Tư Khoa không cung cấp thông tin chi tiết về cuộc trao đổi với ông Austin, vốn diễn ra sau khi hai người nói chuyện lần đầu tiên hôm thứ Sáu tuần trước kể từ tháng Năm.

Các tuyên bố về các cuộc gọi khác cho biết ông Shoigu đã nói rằng tình hình ở Ukraine đang trở nên tồi tệ hơn.

“Họ đã thảo luận về tình hình Ukraine, vốn đang xấu đi nhanh chóng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết về cuộc điện đàm của ông Shoigu với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu. “Nó đang có xu hướng leo thang không kiểm soát hơn nữa”.

Ông Shoigu cũng đã có các cuộc điện đàm riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Ben Wallace của Anh.

Không có dấu hiệu nào từ phía Nga cho thấy rằng các cuộc trò chuyện đã dẫn tới bất kỳ kết quả tích cực nào. Tuy nhiên, chúng cho thấy Nga và các thành viên của liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đang tích cực duy trì các kênh liên lạc vào thời điểm quốc tế lo ngại về khả năng leo thang nguyên tử.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu đã nói với những người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh về mối quan ngại của Mạc Tư Khoa rằng Ukraine có thể kích nổ một “quả bom bẩn” - một thiết bị có chất phóng xạ.

Nga không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố như vậy.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ Thảo Luận Về Ukraine


(Hình: Ông Sergei Shoigu.)

- Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong một cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật (23/10/2022), Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Bộ này nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã lặp lại những quan ngại mà ông đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp trước đó hôm Chủ Nhật rằng Ukraine có thể sử dụng “bom bẩn” để leo thang xung đột.

Nga không công bố bằng chứng nào để chứng minh cho tuyên bố đó.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ Nhật (23/10) cho biết các lực lượng của nước này tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine trong 24 tiếng đồng hồ qua.

Nga cũng cho biết đã phá hủy một kho đạn lớn ở khu vực Cherkasy, miền Trung Ukraine và đẩy lùi các cuộc phản công của Ukraine dọc theo chiến tuyến ở miền Nam và miền Đông Ukraine.

Thông tấn xã Reuters cho biết không thể xác minh độc lập các tuyên bố trên.

Nga Gia Tăng Phá Hủy Các Hệ Thống Năng Lượng Ukraine, 1,5 Triệu Người Bị Mất Điện

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay vào hôm 22/10/2022, hàng loạt cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine đã phải gánh chịu những đợt oanh kích dữ dội của Nga. Theo chính quyền Kyiv, đã có đến 1,5 triệu dân Ukraine phải sống trong tình trạng bị mất điện, và rất nhiều người có nguy cơ bị chết cóng vào mùa Đông sắp tới

Theo Ukrenergo, tập đoàn điều hành màng lưới năng lượng tại Ukraine, Nga đã dùng phi đạn oanh kích các hệ thống năng lượng chính ở các khu vực phía Tây, gây nên những thiệt hại nặng nề mà quy mô có thể ngang bằng hay vượt quá đợt tấn công ngày 10-12/10 vừa qua.

Trên mạng xã hội, một số viên chức Ukraine đã nói đến gần 1,5 triệu người bị mất điện sau các cuộc tấn công của Nga, trong bối cảnh các biện pháp hạn chế năng lượng đã được “áp đặt” ở một số khu vực, từ thủ đô Kyiv và vùng phụ cận cho đến Volyn, Khmelnytsky, Rivne… ở miền Tây, hay Odessa ở phía Tây-Nam.

Trong thông điệp hàng ngày của mình, vào tối hôm qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định rằng “mục tiêu chính của quân khủng bố Nga là năng lượng”, do đó ông kêu gọi người dân Ukraine nỗ lực tiết kiệm.

Về phần mình, trong một phỏng vấn dành cho nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal đã cảnh báo về nguy cơ nhiều người dân có thể vì chết cóng “đúng theo nghĩa đen” với mùa Đông lạnh giá sắp đến.

Đối với Thủ tướng Ukraine, đó sẽ là một “thảm họa nhân đạo đã được lên kế hoạch mà Âu Châu chưa từng thấy kể từ Ðệ nhị Thế chiến”, khiến cho người dân Ukraine có thể ồ ạt di tản qua Âu Châu vì những cuộc tấn công này của Nga.

Theo các nhà quan sát, kể từ ngày 10/10 vừa qua, Nga đã thay đổi chiến lược tại Ukraine, tập trung không kích phá hủy các cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện, nước, bất chấp thảm họa nhân đạo có thể xẩy ra.


Mỹ Không Thấy Nga Có Dấu Hiệu Nào Muốn Chấm Dứt Gây Hấn ở Ukraine!


(Hình: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (áo đỏ) ngày 21/10/2022 tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Hoa Thịnh Ðốn.)

Ngày 21/10/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ cân nhắc mọi phương cách để thăng tiến ngoại giao với Nga nếu thấy có cơ hội, nhưng tại thời điểm này Mạc Tư Khoa không tỏ dấu sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Phát biểu tại cuộc họp báo với Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, ông Blinken nói “Mọi chỉ dấu bây giờ không thấy sẵn sàng tham gia ngoại giao có ý nghĩa, Tổng thống Putin vẫn tiếp tục đẩy về chiều ngược lại”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục và cân nhắc mọi phương pháp để thăng tiến ngoại giao nếu chúng tôi thấy có cơ hội để thăng tiến bằng cách nào đó, dĩ nhiên chúng tôi sẽ luôn để ý”, ông nói thêm và cho biết rằng Mạc Tư Khoa hiện nay vẫn ngoan cố gây hấn.

Nga tuần này tăng cường các cuộc tấn công phi đạn và tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng điện-nước của Ukraine.

Ukraine và phương Tây gọi đó là chiến dịch uy hiếp thường dân trước mùa Đông.

Trước đây trong tháng, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga sẵn sàng giao tiếp với Mỹ hay với Thổ Nhĩ Kỳ về phương án chấm dứt chiến tranh nhưng chưa nhận được đề nghị thương thuyết nào nghiêm túc.

Cuộc chiến lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều chục năm qua khiến người ta so sánh với cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962 đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh nguyên tử và khơi dậy câu hỏi nên chăng Hoa Thịnh Ðốn và Mạc Tư Khoa ngồi xuống nói chuyện với nhau để tránh mở rộng chiến tranh, kể cả đối đầu về nguyên tử.

Ngoại trưởng Mỹ và các giới chức khác của Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định Mạc Tư Khoa không quan tâm tới ngoại giao ý nghĩa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 21/10 điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc giữa cuộc chiến Ukraine, theo Ngũ Giác Đài. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai người kể từ tháng Năm tới nay.

Trong bài diễn văn trước Hội đồng An ninh mới đây, ông Putin đã thúc đẩy quyền hạn của các thống đốc khu vực của Nga và ra lệnh thành lập một ủy ban điều phối dưới quyền Thủ tướng Mikhail Mishustin để hậu thuẫn ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’.

Trung Quốc Sau Đại Hội Đảng Kỳ Thứ 20: Tập Cẩm Bình Càng lộ Vẻ Độc Tài, Hung Hiểm!

Hồ Cẩm Đào Bị Bắt Buộc Rời Hội Trường Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc: Tập Cận Bình Cảnh Cáo Phe Phản Đối?

- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 22/10/2022, một hình ảnh hiếm có và tạo ra nhiều bình luận về buổi bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX đã được lan truyền rộng rãi: Cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường trước lúc đại hội biểu quyết sửa đổi điều lệ Đảng. Truyền thông chính thức Trung Quốc giải thích rằng cựu lãnh đạo Trung Quốc “cảm thấy không khỏe”.

Trên mạng xã hội Twitter, Tân Hoa Xã khẳng định: “Hồ Cẩm Đào khăng khăng muốn dự phiên bế mạc dù gần đây ông mất nhiều thời gian để hồi phục. Khi ông ấy cảm thấy không được khỏe trong phiên họp, đội ngũ của ông ấy, vì sức khỏe của ông, đã đưa ông đến phòng bên cạnh để nghỉ ngơi. Giờ thì ông ấy đã đỡ hơn nhiều”.

Tuy nhiên, theo giải thích của chuyên gia về Trung Quốc, Jean-Philippe Béja, Giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là đại diện cho một số hiếm hoi các phe nhóm vẫn còn khả năng chống đối Tập Cận Bình. Việc ông bị ép buộc rời ghế ngay giữa phiên bỏ phiếu, trái với ý muốn của ông, và ngay trước sự hiện diện của giới phóng viên, cho thấy đây là một màn phô diễn thuần túy và đơn giản do Tập Cận Bình dàn dựng nhằm loại bỏ mọi hình thức phản đối đường lối chính trị của ông trong tương lai.

Chuyên gia Jean-Philippe Béja phân tích:

“Nói là ông Hồ Cẩm Đào nay đã 80 tuổi, ông ấy bị bệnh, ông ấy sẽ không thể dự hội nghị được… thì thật quá đơn giản. Ở đây, rõ ràng người ta đã cố ý buộc ông phải đứng dậy và ở bên trái Tập Cận Bình, người ta thấy có hai người nắm lấy tay ông và nói rằng “mời ông đi ra”.

Lúc ông ấy đi qua phía sau Tập Cận Bình, ông ấy dường như nói điều gì đó với ông Tập, điều gì thì chúng ta không biết được, nhưng chắc chắn là không phải để nói: “À, cảm ơn nhiều, ông là một nhà lãnh đạo vĩ đại nhất v.v…” rồi mới đi ra.

Khi chúng ta nhìn thấy trong các đại biểu thuộc Đoàn Thanh Niên, vốn dĩ từng là cơ sở quyền lực của Hồ Cẩm Đào, có hai người đã bị gạt ra khỏi Ban Thường vụ và họ công khai loại bỏ Hồ Cẩm Đào ngay giữa đại hội, đây thật sự là một điều quá lớn. Họ gạt ông ấy trước khi bỏ phiếu sửa đổi, điều đó dường như muốn nói rằng những người này khá phản đối việc sửa đổi điều lệ đảng.

Vì vậy, hình ảnh này chỉ nhằm nói rằng: “Hãy nhìn đi, tôi mới là lãnh đạo, chính tôi là nhà lãnh đạo, chính tôi là lãnh đạo”.

Đại Hội Đảng Trung Quốc Bế Mạc, Tập Cận Bình Củng Cố Thêm Quyền Lực Trong Bàn Tay Sắt!

*

(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 22 tháng 10 năm 2022.)

Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc bế mạc đại hội diễn ra 5 năm một lần vào ngày thứ Bảy (22/10/2022), củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và ra mắt một Ủy ban Trung ương Đảng mới thiếu vắng hai viên chức chủ chốt không có quan hệ thân cận với ông Tập.

Ông Tập, 69 tuổi, sẽ tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba kéo dài 5 năm với tư cách là Tổng Bí thư, phá vỡ tiền lệ và củng cố địa vị của ông là người cai trị quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân.

Ban lãnh đạo mới sẽ được công bố vào khoảng trưa (04 giờ 00 GMT) vào Chủ Nhật khi ông Tập bước vào phòng báo chí tại Đại lễ đường Nhân dân, theo sau là các thành viên khác của Ủy Ban Thường vụ mới theo thứ tự thấp dần.

Trong một khoảnh khắc bất thường trong lễ bế mạc, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngồi cạnh ông Tập bị đưa ra khỏi sân khấu. Ông Hồ, 79 tuổi, dường như không chịu rời đi khi các nhân viên phục vụ hộ tống ông ra ngoài. Ông dường như đi lại không vững hôm Chủ Nhật tuần trước khi ông được trợ giúp trên cùng một sân khấu.

Ủy ban Trung ương mới gồm 205 thành viên của đảng, được bầu bởi các đại biểu vào cuối đại hội kéo dài một tuần, không bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm hoặc cựu Bí thư đảng tỉnh Quảng Đông Uông Dương, người được coi là người thay thế tiềm năng làm Thủ tướng.

Các nhà phân tích cho biết việc hai người này bị gạt ra là dấu hiệu cho thấy Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực, sẽ được tiết lộ vào Chủ Nhật, có thể sẽ toàn là những người thân cận với ông Tập.

“Chủ đề chính của đại hội này, như đã thấy trong sửa đổi điều lệ đảng và báo cáo, là làm nổi bật địa vị cốt lõi của ông Tập”, Chen Gang, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Đông Á ở Tân Gia Ba, nói.

“Với đại hội này, quyền lực của ông Tập thậm chí còn tăng lên hơn nữa. Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy sự tập trung quyền lực nhiều hơn xung quanh ông Tập và xung quanh trung tâm”, ông nói.

Ông Lý, sẽ từ chức Thủ tướng vào tháng Ba, và ông Uông, đứng đầu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đều 67 tuổi và do đó đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tuổi của Trung Quốc để phục vụ thêm 5 năm trong Ủy ban Thường vụ, hiện có bảy thành viên.

Cả hai người đều không có quan hệ lâu năm với ông Tập, người có thể sẽ đưa bốn gương mặt mới vào Ủy ban Thường vụ, theo các nhà phân tích và tin tức báo chí.

Ông Lý và ông Uông đều có quan hệ với Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức từng có ảnh hưởng mà các chuyên gia cho là đã mất quyền lực dưới thời ông Tập.

Thủ tướng được giao nhiệm vụ giám sát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù tầm ảnh hưởng của vị trí này được nhiều người cho là đã giảm bớt do ông Tập đã dần dà củng cố quyền kiểm soát của mình trong suốt một thập niên nắm quyền.

Một học giả chính trị ở Bắc Kinh yêu cầu giấu tên vì không được phép nói chuyện với giới truyền thông, nói ông Lý là tiếng nói trái chiều duy nhất trong Ủy ban Thường vụ.

“Có vẻ như ông Tập có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn. Điều đó có nghĩa là ông ấy không còn phải đối mặt với bất cứ sự kháng cự hay kiểm tra và cân bằng quyền lực nào trong Ủy ban Thường vụ. Tất cả các chính sách trong tương lai sẽ được thực hiện theo ý muốn của ông ấy”, học giả này nói.

Các thành viên hiện tại của Ủy Ban Thường vụ là Vương Hỗ Ninh, 67 tuổi và Triệu Lạc Tế, 65 tuổi, đều được tái đắc cử vào Ủy ban Trung ương và dự kiến sẽ được tái bổ nhiệm vào Ủy ban Thường vụ.

Hai ủy viên Ủy Ban Thường vụ khác đã quá tuổi nghỉ hưu.

Đảng đã thông qua các sửa đổi điều lệ nhằm củng cố địa vị cốt lõi của ông Tập và vai trò định hướng của tư tưởng chính trị của ông trong nội bộ đảng có khoảng 96 triệu thành viên.

Trong số các sửa đổi, “Hai xác lập” xác định ông Tập là nhà lãnh đạo “cốt lõi” của đảng và các ý tưởng của ông là các nguyên tắc mang tính chỉ đạo cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc. “Hai bảo vệ” bảo đảm địa vị “cốt lõi” của ông Tập trong đảng và quyền lực tập trung của đảng đối với Trung Quốc.

Một sửa đổi khác quy định “phát triển tinh thần chiến đấu, tăng cường khả năng chiến đấu” trong điều lệ đảng, trong khi một lời kêu gọi phản đối và ngăn chặn những thành phần ly khai đòi độc lập cho Đài Loan cũng lần đầu tiên được đưa vào.

Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách giơ tay tại Đại lễ đường Nhân dân rộng lớn của Bắc Kinh, nơi phần lớn các thủ tục trong tuần đã diễn ra sau những cánh cửa đóng kín.

Tập Cận Bình Củng Cố Quyền Lực, Cất Nhắc Đồng Minh, Tay Chân Mình Vào Ban Thường Vụ

(Thanh Hà)

Ngày 23/10/2022 ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm, đứng đầu một Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm toàn là những người thân cận và trung thành. Ông sẽ được chính thức chỉ định là Chủ tịch nước vào tháng 3/2023. Với một nhiệm kỳ thứ ba, ông Tập, 69 tuổi, trở thành lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông.

Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) Stéphane Lagarde trực tiếp tường thuật buổi lễ ra mắt thành phần lãnh đạo cao cấp nhất tại Trung Quốc diễn ra sáng 23/10:

“Theo đúng nghi thức truyền thống, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc là người đầu tiên bước lên thảm đỏ trong tiếng vỗ tay của cử tọa. Ông dẫn đầu phái đoàn, theo sau là ông Lý Cường, người rất có thể sẽ được chỉ định vào chức vụ Thủ tướng.

6 người đàn ông theo sau Tập Cận Bình đều mặc những bộ y phục sậm màu, đeo cà vạt đỏ, hai tay để sát người, gần như trong tư thế chào cờ, họ đã lắng nghe Tổng Bí thư, nhân vật số 1 của Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu.

Đây không là hình ảnh của một đất nước Trung Hoa tươi cười. Mọi người đã biết trước là với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường về hưu, và với hình ảnh hôm qua của cựu Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi hội trường, ban lãnh đạo mới sẽ bao gồm những người thân tín với ông Tập Cận Bình.

Khi giới thiệu thành phần mới trong Ban Thường Vụ, ông Tập đã nhấn mạnh đây là những gương mặt ‘quen thuộc’. Trong số này, có 2 ủy viên thường vụ trong khóa sắp mãn nhiệm,là các ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), 65 tuổi, hiện là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, và Vương Hộ Ninh (Wang Huning) một nhà tư tưởng của chế độ.

Trong số những người mới được đưa vào Ban Thường vụ để thay thế các nhân vật vừa về hưu, có Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), Phụ tá Chính trị của ông Tập; Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư thành ủy Bắc Kinh; người thứ ba được cất nhắc vào Ban Thường vụ là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Lý Hy (Li Xi), kế đến là Bí thư thành ủy Thượng Hải, ông Lý Cường (Li Qiang) mà thính giả của RFI biết đến nhiều, do việc ông là người ra lệnh phong tỏa hơn 25 triệu dân cư Thượng Hải trong nhiều tuần lễ hồi mùa Xuân vừa qua.

Đây là những bằng chứng cho thấy trong nội bộ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá cao lòng trung thành của các đảng viên hơn là điểm tín nhiệm và được lòng dân của họ”.

Trong bài phát biểu sáng nay tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cam kết sẽ “làm việc không ngơi nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó” trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. “Trung Quốc không thể phát triển mà không có thế giới và thế giới cũng cần có Trung Quốc”.

Bắc Hàn và Nga Mau Mắn Chúc Mừng Tập Cận Bình

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un là hai nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nhanh chóng chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc thêm một nhiệm kỳ 5 năm.

Hãng tin Bắc Hàn KCNA cho biết trong thư chúc mừng lãnh đạo Trung Quốc, ông Kim Jong Un gửi đến ông Tập những lời chúc mừng “nồng ấm nhất” và Bình Nhưỡng rất hân hoan trước viễn cảnh “tương lai tươi sáng trong quan hệ song phương”.

Về phần Tổng thống Nga, Vladimir Putin ngay sáng nay đã chúc mừng ông Tập Cận Bình và cho biết rất hân hạnh tiếp tục đối thoại xây dựng và cùng củng cố quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” giữa Liên Bang Nga với Trung Quốc. Nguyên thủ Nga chúc Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều “thắng lợi”, gửi lời chúc “sức khỏe và và thịnh vượng” đến ông Tập Cận Bình.

Đài Loan Phản Ứng Dè Dặt

Về phía Đài Loan từ chiều qua đã có phản ứng về việc Bắc Kinh đưa vấn đề độc lập của Đài Loan vào bản Điều lệ Đảng được sửa đổi. Thông cáo của chính quyền Đài Bắc kêu gọi Hoa Lục hãy “từ bỏ tư tưởng cũ” với mục đích xâm chiếm hòn đảo này, từ bỏ “chủ trương đối đầu”. Ban lãnh đao mới ở Bắc Kinh nên hướng tới việc “giải quyết xung khắc bằng con đường hòa bình, một cách công bằng và thực tế”

Về phía các chuyên gia, tất cả đồng loạt ghi nhận ông Tập Cận Bình chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ III trong giai đoạn “kinh tế đang gặp khó khăn”. Sau nhiều thập niên tăng trưởng thần kỳ, GDP của Trung Quốc trong năm nay dự trù không tăng quá 3,5%. Nhiều lĩnh vực đang bị chựng lại như ngành du lịch, hàng không dưới tác động các biện pháp nghiêm ngặt chống Covid. Ngành địa ốc đang bên bờ vực thẳm. Chuyên gia Đan Vương, thuộc ngân hàng Trung Quốc Hang Seng được Afp trích dẫn ghi nhận “ít có triển vọng tiêu thụ nội địa hồi phục để trở lại với thời kỳ như hồi cuối 2019, trước khi nổ ra đại dịch”

Ông Tập Cận Bình: Kinh Tế Trung Quốc Có Khả Năng Phục Hồi Cao

- Nền kinh tế Trung Quốc có khả năng phục hồi cao, đủ tiềm năng và dư địa để thực thi, Chủ tịch Tập Cận Bình nói hôm Chủ Nhật (23/10/2022), tại buổi lễ mà Trung Quốc công bố các thành viên mới của cơ quan chính trị cao nhất của nước này, Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Trung Quốc sẽ mở rộng cửa hơn nữa, ông Tập nói thêm với hàng chục nhà báo chen chúc trong một căn phòng bên tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh.

Theo truyền thông nhà nước, ông Tập cũng nói rằng sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới và thế giới cũng cần Trung Quốc.

Ông Tập Cận hôm Chủ Nhật đã giành được một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa có tiền lệ và giới thiệu ban lãnh đạo hàng đầu với những người trung thành, củng cố vị trí của ông là người cai trị quyền lực nhất của đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông.

Bí thư Thượng Hải Lý Cường theo sau ông Tập lên sân khấu tại Đại lễ đường Nhân dân khi Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới được giới thiệu, đưa ông vào hàng ngũ để trở thành Thủ tướng khi ông Lý Khắc Cường nghỉ hưu vào tháng Ba.

Các thành viên khác của Ủy Ban Thường vụ gồm bảy người là Triệu Lạc Tế và Vương Hỗ Ninh, những người tái đắc cử, và các tân thành viên là Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hi. Ông Lý Cường cũng là người mới trong Ủy ban Thường vụ.

Tất cả các thành viên này đều được các nhà phân tích cho là có lòng trung thành và gần gũi với ông Tập, con trai của một nhà cách mạng Đảng Cộng sản, người đã đưa Trung Quốc đi theo hướng độc đoán hơn kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. 

Không có nhận xét nào: