Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Thầy Nguyễn Văn Trung vừa qua đời ở Canada - fb Nguyễn Vy Khanh


Giáo sư Nguyễn Văn Trung vừa qua đời ở Brossard, tỉnh bang Québec lúc 21:30 tối ngày 19-10-2022, thọ 92 tuổi. Từ sau ngày Thầy định cư ở Montreal năm 1994 (gặp lần đầu khi tôi đến nhà tặng Thầy cuốn Tuyển tập Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng 1 năm 1996 trong đó có đăng bài bà Thuỵ Khuê phỏng vấn "GS Nguyễn Văn Trung và Lục Châu Học - cùng tập có bài Miền Nam Khai Phóng của tôi) và khi tôi chưa về hưu năm 2011 thì gần như mỗi tuần Thầy trò chúng tôi gặp nhau, lúc ở nhà Thầy cô, lúc ở nhà tôi, lúc khác Thầy đến thư viện tôi để cùng đi ăn trưa.
<!>
 Trước khi Thầy sang Canada thì NQB, trưởng nam của Thầy, từng gặp tôi ở thư viện Bộ thuộc chính phủ Québec lúc B làm urbaniste ở đó và đến nhà chúng tôi với cuốn CÂU ĐỐ.
Tôi đã giúp Thầy trong một số dự án, công việc dù đôi khi không được như ý nguyện của Thầy vì "lòng người", "chính trị", v.v.: dự án Thư viện Đ chủng viện SG, xuất bản sách của Thầy, lập nhóm nghiên cứu, v.v. Tôi cũng làm trung gian giúp xuất bản Lục Châu Học và một số sách khác ở trong nước (cũng như giúp một số nhà biên khảo về văn-học miền Nam lục tỉnh,…).
Tôi đang soạn một biên khảo về Thầy, chưa xong thì Thầy đã bỏ trần gian về với Chúa. Trong Văn Học Miền Nam 1954-1975 (1916, tb 2019), tôi đã viết khá nhiều về các sinh hoạt và tác phẩm của GS, ở đây xin ghi lại phần nào chuyện sau 1975:
*
Giáo-sư triết và văn-học Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930 tại tỉnh Hà Nam, và là một nhà phê-bình văn-học hiện-đại thế hệ mới sau 1954, với các bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Du học từ năm 1950 đến 1955 ngành triết-học, ở Toulouse (Pháp) và Louvain (Bỉ). Từ khi về nước đến năm 1975, dạy đại học tại Huế, Sài Gòn, chủ trương các tạp chí tại Huế (Đại Học) và Sài Gòn (Đất Nước, Hành Trình) và cộng tác với nhiều tạp-chí văn-học nghệ-thuật thời bấy giờ và chủ trương tủ sách Nghiên-cứu xã-hội (thuộc NXB Nam Sơn),...
Ông đã là người năng nổ nhất trong việc hướng dẫn, vận động cho một nền văn-nghệ mới và hiện-đại hơn. Với tư cách một trí thức nhập cuộc, ông đặt lại hoặc nêu vấn-đề, phê-bình với luận cứ, nhưng ông cũng bị nhiều hiểu lầm vô tình hoặc cố ý.
Giáo-sư Nguyễn Văn Trung là tác-giả của nhiều công trình biên khảo, nhận định và giáo khoa tất cả đều do nhà xuất-bản Nam Sơn ở Sài-Gòn ấn hành và tái bản. Sau ngày 30-4-1975, ông chuyển sang nghiên cứu về hai mảng văn-học Nam-kỳ thời đầu và văn-học Hán-Nôm Đạo (Thiên Chúa) cũng như nhìn lại những phê phán của ông thời trước đó, như về văn-chương bình dân, về Trương Vĩnh Ký, … Ông đã nghiên cứu ngôn-ngữ văn-học với các Lm. Nguyễn Hưng, Thanh Lãng, các giáo-sư Vũ Văn Kính, Võ Long Tê, nhà văn Thế Uyên, … và đã xuất-bản trong nước sau 1975: Câu Đố Việt-Nam (NXB Tp HCM, 1986; tái-bản 1991), Trương Vĩnh Ký, nhà văn-hóa (NXB Hội Nhà Văn, 1993), Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, truyện ngắn sớm hơn cả viết theo lối Tây phương? (tài liệu học tập, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 1987; NXB Hội Nhà Văn tái bản), Hồ sơ về Lục Châu học tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử ở Miền Nam từ 1865 đến 1930 (NXB Trẻ, 2014).

Sau khi đoàn tụ gia-đình ở Montréal từ năm 1994, ông tiếp tục một số công trình nghiên cứu và lý luận văn-học tham gia, đóng góp cho văn-học hải-ngoại, qua các bài tham luận, biên khảo trên các tạp chí Văn-Học, Triết, Tin Nhà, Đi Tới, v.v. Ông cũng viết hồi-ký nhìn lại những chặng đường đã qua và đã có một số tác-phẩm mới được nhà Nam Sơn (Trịnh Viết Đức, Montreal, Canada) in lại phổ biến hạn chế, có thể kể: Nhận Định tập VII (“Cách mạng và hư vô, 1988-1993”; 1996), VIII (“Công giáo miền Nam trong lòng chế độ) , IX (“triết-học, văn-học, sử học 1975-1993”; 1999), X (“Trong Nước, Ngoài Nước 1994-1998”; 1999), Đọc Sấm Truyền Ca của Lữ Y Đoan (1999), Đạo Chúa Ở Việt-Nam (2000), Hồ Sơ Về Tạp-Chí Hành Trình Sài-Gòn 1964-1965 (2000), Dịch Thuật Và Lý Luận Dịch Thuật (2002),... Bộ hồi-ký “Nhìn Lại Những Chặng Đường Đã Qua” (2000) cũng như một số biên-khảo, nhận định văn-học, tôn giáo và chính-trị hoàn thành sau 1975 đến 1994 cũng được in hạn chế hoặc xuất hiện trên các trang mạng Internet. Hồ Sơ về Lục Châu Học - “dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ xuất bản ở miền Nam (1865-1930), Tìm hiểu Con người ở Vùng đất mới” xong từ thập niên 1980, cuối cùng được xuất-bản ở trong nước (2014).

Trong tập tài liệu “Vấn Đề Công Giáo Đặt Cho Dân Tộc” (1988), ông đã hết lòng chứng minh chống lại cái "thiên kiến hần như đã trở thành chân lý là người công giáo Việt-Nam liên hệ với thực dân đế quốc và lai căng về văn-hóa", thành kiến mà chính một số người công giáo (trong đó có giáo sư thời trước 1975) đã nhìn nhận và từ đó tìm trở về dân-tộc (như nhóm Đối Diện, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, v.v.). Trong chiều hướng thời thượng đó, trong Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (1974), giáo sư Trung đã đưa ra luận điểm bôi đen thành quả đóng góp với dân-tộc, cho rằng việc "sáng lập và sử dụng chữ quốc-ngữ nhằm mục đích cô lập người công giáo Việt-Nam với cộng-đồng dân-tộc bằng cách xóa bỏ chữ Nho, chữ Nôm, ...". Ông tiếc việc có những người ngoài công giáo đã trích dẫn những lập luận của ông thời đó. Ông lập lại và chứng minh thêm qua hai biên khảo khác là Đạo Chúa Ở Việt-Nam (2000) và Dịch Thuật Và Lý Luận Dịch Thuật (2002) cũng như trong “Tài liệu tham khảo” Về Sách Báo Của Tác Giả Công Giáo (Thế Kỷ XVII-XIX) (Tp HCM: Trường Đại học tổng hợp Tp HCM, Khoa Ngữ Văn, 1993).

Trong Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa (Hà-Nội: NXB Hội Nhà Văn, 1993), giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng đã thú nhận đã hiểu sai việc dựng tượng nên đã mạnh tay với Trương Vĩnh Ký trước 1975 (Sđd, tr 46), đã nhiều lần cho biết: “Có thể chúng tôi cũng có trách nhiệm phần nào trong việc dẹp bỏ tượng Trương Vĩnh Ký vì nhiều năm trước 1975, chúng tôi đã đề ra một cuộc vận động phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký về phương diện chính trị và văn hóa” (tr. 44); “Trước 1975 tôi đã viết nhiều bài, sách phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký đặc biệt về chính trị, hơn nữa tôi còn gợi ý khuyến khích một vài bạn trẻ đi vào con đường đó như Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy. Những loạt bài phê phán của chúng tôi đã gây phiền muộn bất mãn trong giới văn hóa miền Nam lúc đó đặc biệt hai người Hồ Hữu Tường và Vương Hồng Sển...“ (“RFI phỏng vấn nhân dịp 100 năm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký“, Đi Tới (Montréal, Canada), số 13, 9-1998, tr. 22. In lại trong Nhận-Định X (Montréal : TGXB, 1999), tr. 151).
Sau 1975, ông hay nói đến phương pháp theo lý luận của Gramsci, tổng bí thư đảng cộng-sản Ý, về luận điểm phải nhìn nhận tính cách gắn bó với dân-tộc của những người theo một tôn giáo (như Thiên Chúa giáo) đã tạo ra được một nền văn-học dân gian như trường hợp Công giáo bình dân Ý.
NXB Nam Sơn và ông Trịnh Viết Đức đã in lại và xuất bản hạn chế một số sách của GS Trung trong số có các tập Nhận Định - ông TVĐ đã mất tại Montréal và các sách này in tối đa là 100 bản cho mỗi cuốn, một số có thể tham khảo ở thư viện thành phố Montreal và ở Hoa-Kỳ.
Tập Nhận Định VII: cách mạng và hư vô” 1996, gồm bài viết từ 1988 đến 1993.
“Nhận Định VIII: “Công giáo miền Nam trong lòng chế độ", 1996, gồm những bài về văn hóa và văn học.
“Nhận Định IX” “triết-học, văn-học, sử học 1975-1993”; 1999; chủ yếu là những nhận định phương pháp luận về nghiên cứu văn hóa Việt-Nam.
“Nhận Định X” "trong nước, ngoài nước 1994-1998" gồm những bài viết khi còn ở trong nước và ở hải ngoại, 1999
Về văn-học hải-ngoại, dù mới sang định cư ông cũng đã suy nghĩ về 20 năm văn-học hải-ngoại trong toàn cảnh của văn-học và lịch-sử Việt-Nam nói chung, từ đó phát hiện các đặc tính và triển vọng của nền văn-học ấy, trên tạp-chí Văn-Học CA (“Văn học hải ngoại?”; số 112, 8-1995):

“Một trong những người thực hiện chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước đối với trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75 là Lữ Phương. Với tư cách thứ trưởng Bộ Văn hoá của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt-Nam, Lữ Phương đứng đầu một ban phân loại tác phẩm, qui định thành phần các người cầm bút. Những ai sống ở Sài Gòn đều đã biết hoặc đã là nạn nhân những hậu quả của chính sách ‘trấn áp’ kể trên. Lữ Phương và một số người khác như Nguyễn Trọng Văn đã trình bầy ‘cơ sở lý luận’ của chính sách khủng bố chủ nghĩa trong những lớp học chính trị và sau đó được Lữ Phương đúc kết thành một cuốn sách nhan đề Cuộc xâm lăng văn hoá của đế quốc Mỹ tại Nam Việt-Nam, Nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội 1981. Trong cuốn sách 250 trang, tác giả đã tố cáo kết án toàn bộ sinh hoạt văn hóa văn-học nghệ thuật, tôn giáo, tư tưởng của mọi cá nhân, tổ chức, đoàn thể... đều nằm trong sách lược xâm lăng của đế quốc do CIA chỉ đạo... Hơn hẳn các tác giả miền Bắc nói về vấn đề này, vì là người tại chỗ, nên Lữ Phương biết khá rõ, có tài liệu, xin trích dẫn mấy đoạn tiêu biểu…” (tr. 18).

Nguyễn Vy Khanh

Không có nhận xét nào: