Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Quốc Nam, đời thơ hiên ngang như Quan Vân Trường & Triệu Tử Long trong “Tam Quốc Chí”. * Bài của Trường Giang.


“Trong lúc dân tị nạn Cộng Sản đang được sống an vui, hạnh phúc nơi xứ người, thì có một số người đã nhanh chóng quên mọi sự thống khổ, hiểm nguy lúc vượt biên tìm Tự do. Họ chỉ đắm mình vào những thú vui vật chất tầm thường, mà quên rằng cả dận tộc ta đang quằn quại trong gông cùm Cộng Sản. Quốc Nam thì trái lại, đã hăng hái dấn mình vào các công tác đấu tranh đầy gian khổ, nhằm góp công sức vào việc giải thế đảng Cộng Sản VN độc tài, để đồng bào quốc nội được sống trong một chế độ Dân chủ, Hòa bình và Thịnh vượng. Có thể xác quyết rằng tìm được mẫu người trung kiên, nghĩa khí như Quốc Nam trong thời đại này quả là rất hiếm, khó khăn chẳng khác gì mò kim đáy biển vậy”. (Trường Giang, Bắc California)
<!>
LTS.- Tác giả bài tiểu luận sau đây là lão thi sĩ Trường Giang tuổi Bảo Bình, sinh năm 1928 tại Nam Định, Bắc VN. Ông là Sĩ Quan QLVNCH từ năm 1951 đến 1975. Sau tháng tư năm 1975, ông bị Cộng Sản VN bỏ tù 4,464 ngày đêm. Khởi đầu sáng tác thơ từ tháng 6 năm 1975. Ông đến Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1992, và định cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ. Thi sĩ Trường Giang từng đoạt Giải Nhất đồng hạng Cuộc Thi Thơ Hội Tết Quý Dậu 1993 tại Bắc California. Ông hiện là Chủ Tịch Thi Văn Đoàn Bốn Phương.
Năm 2000, ông đã xuất bản thi tập “MỘT RỪNG CHÍNH KHÍ”. Ngoài ra, thi sĩ cũng đã in chung thơ với các thi nhân khác, trong một số tuyển tập đã ấn hành tại hải ngoại, như: * Bốn Biển Thơ Chung Nối Nhịp Cầu & Một Phía Trời Thơ 1 (1995), * Xuân Thu (1998), * Hoa Giáp Đông Anh & Một Hướng Đi (2000), * Một Phía Trời Thơ 5 (2002), * Thơ Văn Hoa Vàng (2003), * Thi văn Viễn Xứ & Hoa Thơ Bốn Phương 1 (2005), * Thơ Văn Bốn Phương 2, Nam Phong 2 & Thơ Lạc Việt (2006), * Vịnh Sử Việt Nam, Vui tuổi hạc & Bút hoa 4 (2007).

Lần đầu tiên được gặp Quốc Nam là dịp tôi từ San Jose lên Seatle tham dự cuộc biểu tình chống Việt Cộng xin gia nhập vào tổ chức Mậu dịch Quốc tế WTO năm 2006. Trong lần gặp gỡ này, chúng tôi chỉ trao đổi sơ qua với nhau về tình hình đất nước, và chỉ làm quen nhau để có thêm một người bạn mới; rồi ai về nhà nấy, ít khi liên lạc với nhau. Những ngày sau đó, tôi mới được một vài Thi hữu cho đọc một số tài liệu về các hoạt động Văn Học Nghệ Thuật và các công tác Văn hóa, Xã hội khác của Quốc Nam. Từ đó tôi càng hiểu rõ thêm về con người thật của Quốc Nam – một người có ý chí tranh đấu quyết liệt chống chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam.

Quốc Nam đã dẫm đạp lên mọi gian khổ, hiểm nguy, để dấn thân vào con đường tranh đấu, chỉ với mục đích duy nhất là phục vụ đồng bào, đặc biệt là đồng hương tị nạn Cộng Sản. Hoài vọng của nhà thơ là chế độ Cộng Sản tại Việt Nam phải bị triệt tiêu, để đất nước ta sớm trở thành một nước Độc lập, Tự do, Nhân quyền, sánh ngang hàng với các nước văn minh trên hoàn vũ.

Trước khi viết lời cảm nghĩ chân thành nhất về Tác phẩm và Tác giả, tôi muốn liệt kê theo thứ tự thời gian mọi chi tiết liên quan đến nhà thơ Quốc Nam. Có như vậy, chúng ta mới biết rõ được :

a- Tác giả đã đóng góp công sức, tài năng và trí tuệ đến mức độ nào vào :
– Nền Văn hóa Nghệ thuật của nước nhà.
– Các Hội đoàn, Đoàn thể Dân chính thuộc chính Phủ VNCH.

b- Tâm tư tình cảm của Tác giả đối với gia đình và xã hội. Đặc biệt Tác giả đã biểu lộ rõ nét ý chí đấu tranh quyết liệt cho Quê hương đang bị đắm chìm dưới gót sắt của bạo quyền chuyên chính độc tài Cộng Sản.

THÂN THẾ :

Nhà thơ/chiến sĩ văn hóa Quốc Nam, tên thật là Nguyễn Xuân Nam, sinh năm 1944 tại tỉnh Nam Định (Bắc Việt)

QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG:
1956 Bắt đầu làm thơ lúc 12 tuổi
1961 Có văn thơ trên một số báo và nhà xuất bản, được trả tiền nhuận bút từ tuổi 17. Tuyên thệ gia nhập Đảng Đại Việt Cách Mạng.
1963-1964 Giáo Sư Lớp Đệ Tứ (Trung Học Đệ Nhất Cấp)
1964-1965 Thư ký Tòa soạn Tuần San giáo dục Tinh Hoa
1964-1965 Chủ tịch Phong Trào Tự Dân của Công Giáo Việt Nam tại 2 Giáo sứ Hòa Hưng và An Phú, Saigòn
1967 Tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam.
1970-1975 Chủ biên/Phó giám đốc Hãng Thông Tấn “Tin Miền Nam”.
1970-1973 Phó Bí Thư Tỉnh Đảng Bộ Đảng Đại Việt Cách Mạng Hậu nghĩa.
1970-1975 Cán bộ Trung Ương Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam.
1971 Ứng cử viên Dân Biểu Quốc Hội VNCH tỉnh Hậu Nghĩa.
1971-1973 Chủ tịch Khu Hội Phế Binh Quân Khu 3 VNCH
1974-1975 Cán bộ Trung Ương Tổng Liên Đoàn Công Nhân Việt Nam
5/1975 Chủ Bút Bán Bán Nguyệt San Tre Xanh tại Hồng Kông
1976-1986 Chủ Nhiệm/Chủ bút Báo Hoài Hương & Đông Phương
1976-1983 Phó Chủ tịch Liên đoàn Thanh Thiếu Việt tại Hoa Kỳ
1976-2001 Giám Đốc Điều hành Cơ Sở Văn hóa Đông Phương
1987 Trưởng Ủy Ban Sáng lập Giải Quốc Tế Tượng Vàng Việt Nam
1992-1994 Giám đốc một số Phòng thi nhập tịch của Sở di trú INS Hoa Kỳ
1993 Tốt nghiệp Đại Học Meridian Hoa Kỳ (MBA)
1993-Ngày nay: Giám đốc Saigòn Radio SRBS tại tiểu bang Washington
1993 Tổng Giám Đốc Tổ Hợp Truyền Thông SRBS
1999 Hoàn thành Công Viên Tượng Vàng Việt Nam với Tượng Đài cao 12 feet trên khu đất rộng 10,500 square feet tại đô thị Seatle
2000 Tục bản Báo Đông Phương (đình bản năm 1986)
2001-Ngày nay: Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương
2004 Hoàn thành Kỳ Đài Việt Mỹ với cột cờ cao 36 feet
2005 Chủ tịch Ủy Ban Người Việt Cứu Trợ đại thiên tại Nam Á Châu (Tsunami) của Cộng Đồng Người Việt Washington State.
2005-Ngày nay: Trưởng Ủy Ban Sáng Lập Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu.
2006 Trưởng Phái Đoàn Người Việt Tiểu Bang Washington đến New Orléans (Louisiana) cứu trợ nạn nhân bão Katrina.

Ngoài ra Quốc Nam còn là :

a- Người khám phá nhiều tài năng mới về Âm nhạc và Văn chương. Điển hình là 3 nhà văn đã mau chóng thành danh :
– Trường Sơn Lê Xuân Nhị
– Nguyễn Ngọc Ngạn
– Vũ thị Dạ Thảo…

b- Tác giả đặt danh xưng thơ mộng cho 3 Vùng là:

– Thung Lũng Hoa Vàng cho San Jose, California.
– Cao Nguyên Tình Xanh cho Seatle, Washington State
– Hồng Hoa Phố cho Porland, Oregon

Trong thời gian 14 năm (1993-2007), Quốc Nam đã hoàn thành 3 sự kiện Văn Hóa được ghi nhận là một trong những công trình độc đáo nhất hải ngoại gồm :

– 5/2000: Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa Việt Nam mừng thế kỷ 21 tại Tacoma Dome (cầu trường mái bằng gỗ quý lớn nhất hành tinh) với khoảng 3500 quan khách & đồng hương tham dự

– 10/2005: Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu đầu tiên trong dòng lịch sử cận đại ở đô thị Seatle, nhằm vinh danh các cây bút nữ Việt Nam.

– 10/2007: Đại Hội Áo Dài Quê Hương nhằm vinh danh chiếc áo dài của cả Nam & Nữ Việt Nam với mấy trăm tà áo dài tràn ngập sân khấu rộng lớn của Aki Kuro’s Auditorium, Seattle.

SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG :

Đã xuất bản 7 Tác phẩm gồm (không kể 12 quyển truyện thiếu nhi ấn hành bởi Nhà Xuất Bản Thành Phương từ 1961-1965):

1- Tình ca lính Alpha Đỏ 1968 Thơ
2- Người vào cuộc chiến 1969 Thơ
3- Ngả rẽ một đời 1970 Truyện ngắn
4- Thung lũng tội lỗi 1971 Tiểu thuyết
5- Quê hương nước mắt 1987 (tái bản 1987, 89, 91, 2003)
6- Người tình quê hương 1999 (tái bản 2002, 2004)
7- Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh 2009

Do thành quả tốt đẹp liên tục trong quá trình hoạt động đủ mọi ngành, Quốc Nam đã trở thành một trong những người cầm bút được:

a- 9 Tổ chức Người việt tị nạn Cộng Sản có uy tín vinh danh là “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam” ghi theo thứ tự niên biểu như sau :

1992 : Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Ontario (Canada)
1994 : Hội Sinh Hoạt Văn Hóa Việt Nam Tiểu Bang Lousiana
2001 : Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia VN
2001 : Hội Ký giả Việt Nam Hải Ngoại
2004 : Hội Ái Hữu Cựu SVHS Di cư 1954
2005 : Hội Phụ Nữ Mê Linh Washington State.
2008 : Hội Thân Hữu Trường Xuân Washington State.
2009 : Cơ Sở Nguồn Sống với Hòa Thượng/Thi sĩ Tuệ Đàm Tử
2009 : Hội Từ Thiện Sóng Tình Thương (Bắc California).

b- Hai nhân vật nổi tiếng khác như:

– Học giả/Giáo sư Vũ Ký là Nhà Văn Hóa Việt Nam từng được đề nghị tranh giải Nobel Văn Chương năm 2003: “Tuyên dương sự nghiệp toàn diện và đa dạng của Thi Sĩ/Nhà Văn (Quốc Nam) là Nhà Văn Hoá Việt Nam nổi bật trong thời đại ly hương của chúng ta”.
– Tiến sĩ/Bình luận gia Phạm Lễ đều bày tỏ cảm tưởng chân thành: “Nếu danh xưng “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam” để gọi một người Việt Nam chỉ biết cầm súng và cầm bút mưu sinh trong suốt 47 năm (1961-2008), thì Nhà thơ/Nhà báo Quốc Nam quả đúng là mẫu người mà chúng ta thương mến gọi tên ông một cách đúng nghĩa như vậy”.


Xưa nay bất cứ một Văn nhân, Thi sĩ nào khi sáng tác thi ca cũng đều nhắm vào một mối tình. Quốc Nam không thể đi ra ngoài định lệ ấy. Ông cũng làm thơ/viết văn vì một mối tình, nhưng không phải là thứ tình yêu đôi lứa “sớm đào, tối mận lân la” mà là thứ tình cao đẹp hơn. Đó là tình yêu Tổ Quốc, Quê Hương rất đáng tôn vinh, trân quý .

Trong thế giới văn chương của Quốc Nam, tôi không muốn đề cập đến phương thức kỹ thuật sáng tác thi ca, mà chỉ nêu lên phẩm chất, hồn thơ của mỗi bài trong hai thi tập “Quê Hương Nước Mắt (QHNM) + Người Tình Quê Hương (NTQH)” mà thôi. Từ đó, rút ra những nhận xét chân thật nhất dùng làm chất liệu phát biểu sơ lược cảm nghĩ về Tác phẩm & Tác Giả Quốc-Nam.

Bây giờ chúng ta hãy đọc một số bài trong 2 tác phẩm “QHNM + NTQH” để thấy rõ được phần nào “tâm tư, tình cảm tràn đầy đất rộng, ý chí, quyết tâm ngun ngút trời cao” của tác giả Quốc Nam.

Trong suốt quá trình 30 năm Việt Cộng gây ra cuộc chiến đẫm máu mà họ gọi là cuộc chiến tranh :

– Chống Thực dân Pháp xâm lăng (1945-1954)
– Chống Đế Quốc Mỹ, tên sen đầm Quốc Tế (1955-1975)

Quốc Nam đã phải bỏ làng mạc, thôn trang đi tản cư, sống lang thang như một kẻ không nhà. Hồn quê bay bổng qua sông hồ nơi xứ lạ, mà tình thương trong tim óc vẫn đầy ắp nỗi xót xa :

Năm mươi năm tôi bỏ xa làng cũ,
Sống đó đây như một kẻ không nhà.
Linh hồn bay qua sông hồ viễn xứ,
Tình thương vẫn tràn tim óc xót xa… (NTQH tr.91)

Thế nhưng, Đảng Cộng Sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tập đoàn Cộng Sản Đệ Tam Quốc tế Liên xô/Trung cộng vẫn nhân danh Tổ quốc, Nhân dân và công cuộc giải phóng Miền Nam VN, đã gây ra cuộc chiến tranh hủy diệt suốt 30 năm dài đằng đẵng, phá nát làng mạc, ruộng đồng, tắm máu đồng bào trong lửa hận thù, và chôn vùi hàng triệu quân/dân cả hai Miền Nam Bằc…

Bọn vô lương gây máu xương tràn ngập,
Dải đất Miền Nam bom đạn rền vang.
Chúng nhân danh Tổ Quốc, Nhân dân,
Để tắm máu đồng bào trong lửa hận. (NTQH tr.92)

Cũng trong cuộc chiến hủy diệt này, Quốc Nam đã phải dấn thân vào các cuộc hành quân truy lùng địch, phải mang hai chiến thương trên cơ thể, mất đi một phần nào tương lai rực sáng của tuổi thanh xuân:

Và tôi đã lên đường làm lính trận,
Những chuyến hành quân lùng địch miệt mài.
Tuổi trẻ tôi từ đó mất tương lai,
Đốt sạch hết một đời trai rực sáng. (NTQH tr.92)

Quốc Nam là nhân chứng trong nhiều giai đoạn biến động tại Miền Nam VN. Ông biết rõ tập đoàn Quân phiệt tham lam, bất tài làm tay sai cho tài phiệt ngoại bang đã giết chết vị lãnh đạo tài ba, anh minh xuất chúng, và dẹp bỏ Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội vốn là sức mạnh to lớn của QLVNCH. Nguyên nhân thứ 3 làm rung rinh thành lũy chống Cộng là việc triệt thoái Quân Đoàn II ra khỏi vùng Cao Nguyên Trung Việt. Cuối cùng, ông Đại Tướng yếu hèn, bất tài, thân Cộng đã dâng trọn Miền Nam cho Đảng Cộng Sản VN, chôn vùi cả VNCH trong biển máu uất hận, bi thương

* Tôi nhân chứng của một thời lửa động,
Phía Miền Nam, nhóm lãnh đạo bất tài.
Đã giết đi người công chính muôn đời,
Quỹ Quân Đội dẹp theo âm mưu Mỹ.

* Hai nguyên nhân làm rung rinh thành lũy
Và cuối cùng cuộc triệt thoái Cao Nguyên
Dâng trọn đất nước cả hai Miền
Vào bàn tay bọn độc tài ác hại (NTQH tr.93)

Tuy nước mất nhà tan đã phải lưu vong 29 năm dư (1975-2004), Quốc Nam vẫn son sắt một lòng giữ vững niềm tin rằng đất nước Việt Nam phải có ngày tỏa ánh bình minh, Chính Nghĩa Quốc Gia Tự Do, Dân Chủ quyết phải có ngày chiến thắng :
Hăm chín năm lưu đầy nơi hải ngoại,
Tôi vẫn một lòng giữ vững niềm tin.
Tất có ngày đất Việt tỏa bình minh,
Và Chính Nghĩa Tự Dân ta toàn thắng (NTQH tr.93)

Với lòng tin sắt đá ấy, Quốc Nam lại một lần nữa gửi lời tâm huyết cho tuổi trẻ kiên cường Việt Nam hãy quyết tâm ghé vai gánh vác công việc quay bánh xe lịch sử đến vinh quang, với lời hứa rằng thế hệ cha anh vẫn luôn đứng sát cạnh để hỗ trợ cho công cuộc giải phóng dân tộc thoát vòng kiềm tỏa của bạo quyền Cộng Sản:

* Năm mươi năm nói vài lời có thực,
Tôi gửi em tuổi trẻ Việt kiên cường
Lời tâm huyết của nửa đời bất lực,
Giữa cuồng lưu khiến Dân tộc khốn cùng.

* Hãy tiến lên tuổi thanh niên tam thập,
Quay bánh xe lịch sử đến vinh quang.
Có chúng tôi thế hệ trắng kinh hoàng,
Đứng sát cạnh em trên đường cứu nước (NTQH tr.94)

Sau khi Đảng Cộng Sản cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa, nhà thơ mất nước đã cùng hàng triệu đồng bào quyết tâm bỏ nước ra đi tìm Tự Do. Ông đã nhanh chóng được định cư tại đô thị Seatle –nơi mà sau này Ông đã đặt cho một mỹ danh là “Cao Nguyên Tình Xanh”. Khi đã ổn định cuộc sống hàng ngày, thay vì chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ thường tình như một số đồng cảnh vượt biên (nhiều người đã quên hết mọi sự thống khổ, hiểm nguy lúc bước chân xuống thuyền đi tìm Tự Do); thì ngược lại, nhà thơ Quốc Nam luôn luôn cảm thấy ray rứt, đau buồn, nhớ da diết bóng dáng Quê Hương, nơi mà ông đã có phen hàng ngày “đong đầy tủi nhục”:

Về Seatle chiều xuôi mất mát,
Lại một lần trông bóng dáng quê hương.
Đất nước bên kia bờ Thái Bình Dương,
Tôi đã sống những ngày đong tủi nhục. (QHNM tr.33)

Sau chuyến hải hành tìm Tự Do, khi nhìn những đợt sóng gầm phẫn nộ bên bờ Thái Bình Dương, nhà thơ lại hình dung thấy hàng đống xác đồng bào lõa lồ trôi nổi bập bềnh ngoài khơi mà nước mắt dàn dụa ứa trào, tự đáy lòng dâng lên một nỗi đau buồn, uất nghẹn:

Tôi nhìn biển Thái sóng gào phẫn nộ,
Bao đồng bào tôi gục chết lõa lồ.
Trong chuyến hải hành tìm bến Tự Do,
Sao nước mắt tôi biến thành uất hận (QHNM tr.34)

Khi Quốc Nam phải dứt tình bỏ nước ra đi, thân nhân của Ông phải cắn răng ở lại sống khổ đau, tủi nhục dưới chế độ độc tài đảng trị. Họ chỉ lấy gông cùm làm phương tiện đàn áp, khống chế, tước đoạt mọi thứ quyền căn bản mà Thượng Đế đã ban cho con người.

Bỏ nước đi đong mắt lệ tủi hờn,
Con cháu ở lại cả đoàn, cả nhóm.
Nay các anh chị sống đời cay đắng,
Chế độ vô thần giày xéo quê hương (QHNM tr.35)

Trước khi mất nước, nhà thơ Quốc Nam được dưỡng dục trong một chế độ lấy dân làm gốc, luôn luôn lấy Tam Cương / Ngũ Thường làm phương châm xử thế. Nhà thơ đã hứa với Mẹ là sẽ yêu thương đồng loại, và sẽ hiến dâng tất cả những gì mình có để phục vụ xã hội nhân quần.

Tác giả còn cùng Mẹ hiền nguyện cầu xin Thượng Đế cứu Việt Nam thoát ách Cộng Sản bạo tàn, và tâm nguyện theo quân về giải phóng quê hương để con dân Việt Nam lại có ngày sum họp

* Nói với Mẹ tất cả đời con sống,
Xin hiến dâng để phục vụ nhân quần.
Mẹ dặn dò, con nào dám vô tâm,
Đền ơn Mẹ là yêu thương đồng loại.

* Cùng với Mẹ con cầu xin Thượng Đế,
Cứu Việt Nam khỏi ách cộng bạo cuồng.
Con theo quân về giải phóng Quê Hương,
Các con Mẹ lại cùng nhau sum họp.

(QHNM tr.37)

Sống trong một đất nước văn minh, trù phú, nhà thơ Quốc Nam không giờ phút nào quên được cuộc sống cơ cực, lầm than của đồng bào quốc nội. Ông thường sáng tác những bài thơ kêu gọi giới trẻ, biểu tượng và là niềm tin cuối cùng của giòng giống Tiên Long, phải mau mau vùng dậy lật đổ chế độ Cộng Sản bạo tàn. Từ khi xa cố quốc, tinh thần Quốc Nam như tỉnh, như mê, dù cho có dê béo, rượu nồng, cũng không sao phá vỡ được nỗi đau mất nước. Ông da diết nhớ từng dốc đá, nhịp cầu, nơi quê cha, đất Tổ nghèo nàn, đã nuôi dưỡng ông thành người bất khuất:

* Thức đậy đi, hỡi óc tim biển cả,
Tuổi trẻ ơi! Những biểu tượng cuối cùng.
Là niềm tin của giòng giống Tiên Rồng,
Hãy trở lại quê hương làm lịch sử.

* Ta hôn mê những chiều xa cố xứ,
Ly rượu nồng sao phá nổi cơn đau.
Nhớ Việt Nam từng dốc đá, nhịp cầu,
Quê nghèo đã nuôi ta thành bất khuất (QHNM tr.16)

Đã có lời nguyền trở lại quê hương lật đổ bạo quyền Cộng Sản, người Việt tị nạn được ôm đất quê hương mà nước mắt tuôn trào không dứt. Quyết tâm dùng thân xác chôn vùi chế độ Cộng Sản độc tài để cho ánh sáng tự do bừng lên tạo ra một Miền Nam trù phú, như trước thời điểm Đảng Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam:
Ta, tuổi trẻ, một lời nguyền trở lại,
Ôm đất quê hương nước mắt đã tràn.

Nhìn Việt Nam rồi gục chết cũng đành,
Trời phải sáng cho dân ta hạnh phúc (QHNM tr.18)

Quốc Nam là một trong hàng triệu người Việt tị nạn trên xứ người. Vào dịp Tết, ngày trọng đại nhất của truyền thống Văn hóa Việt Nam, đáng lẽ ông cũng chỉ sum họp đón Xuân, mừng Tết cùng với gia đình như trăm nghìn gia đình khác, nhưng nhà thơ chiến sĩ này có bao giờ nghĩ đến thú vui riêng cho cá nhân mình đâu. Ông luôn luôn nhớ và hỏi người em Quê Hương rằng: Tết này ai là người vất vả, gian truân, lạnh lẽo chốn biên cương, để chiến đấu chống giặc thù? Rồi ông lại mở lời yêu cầu giúp ông lên đường càng sớm càng tốt để dựng lại Cờ Vàng trên cố quốc thân yêu:

Đã biết bao năm ta hỏi em,
Tết này ai lạnh lẽo bưng biền?
Giúp ta một buổi đăng trình sớm,
Cắm lại Cờ Vàng trên đất thiêng (QHNM tr.52)

Với lòng tin tuyệt đối vào chính nghĩa của Phong Trào Phục Quốc, Quốc Nam và các bạn đã kết hợp với các Tổ chức chống Cộng ở Quốc nội và Hải ngoại, vừa làm công tác vận động, tuyên truyền, vừa làm bất cứ công việc gì kiếm tiền để yểm trợ tài chánh cho Phong Trào này.

Quốc Nam là một Sĩ Quan QLVNCH đã hai lần bị chiến thương, và đã rời xa quân ngũ từ trước năm 1975. Tuy nhiên, không phút giây nào Ông quên được những khuôn mặt của các chiến hữu anh hùng đã cùng Ông lăn xả vào cuộc chiến chống Cộng khi xưa, và hiện giờ vẫn còn đang kiên trì chiến đấu chống quân thù tại quốc nội. Cuộc sống đầy khổ ải của các đồng đội cũ hiện đang bị đọa đầy dưới ách Cộng Sản bạo tàn luôn luôn hiện ra trước mắt Ông.

Chúng ta hãy đọc một vài trích đọan trong bức thư của Quốc Nam gửi về cho các chiến hữu trong nước, để thấy được nỗi giày vò, ray rứt của Ông đối với Phong trào Phục Quốc ra sao :

“Từ ngày chia tay bạn xa lìa đất nước tới nay đã tròn 7 năm (1975-1982). Bảy năm tôi sống trong dằn vặt nội tâm và luôn luôn muốn làm một cái gì cho bạn và anh em đồng đội đang quằn quại dưới ách thống trị của bọn Cộng Sản bạo tàn.

Tôi đã tự nhận mình là “kẻ đào ngũ của Quê hương khổ đau”, trong khi thực sự tôi đã là một Cựu Chiến Binh bị thương trận 2 lần, và phải rời khỏi quân ngũ trước năm 1975…

Hôm nay là ngày 30-4-1982, tôi đã tự để tang cho Quê hương nghiệt ngã 7 năm tròn… Tôi hy vọng sẽ không còn lâu nữa, những người Việt Quốc gia tâm huyết và nhóm tôi sẽ có thể yểm trợ được cho Phong Trào Phục Quốc hữu hiệu hơn…

Tôi cầu chúc các bạn có đủ nghị lực để cùng toàn dân vùng dậy đánh đổ bạo quyền Cộng Sản, giành lại Tự Do – Thanh Bình – No Ấm cho xứ sở quê hương”. (QHNM 66, 67, 69, 70).

Ở hải ngoại mà còn những thành phần như Quốc Nam và các Tổ chức Quốc gia yêu nước chân chính chống Cộng, thì chế độ Cộng Sản bạo tàn trong nước chắc chắn phải sụp đổ, không thể nào tồn tại được nữa.


Thi văn sĩ Quốc-Nam trong bộ quân phục Dạo Phố Mùa Đông (Jasper) của Trương Võ Bị Quốc Gia VN, ghi hình năm 2021 bởi VP Studio Seattle, lúc Quốc-Nam 77 tuổi.

KẾT LUẬN :

Với nhận xét chưa hoàn toàn đầy đủ và chính xác, tôi có thể nói đôi lời cảm nghĩ về :

A- TÁC GIẢ:

Trong suốt quá trình hoạt động liên tục 48 năm (1961-2009), Quốc Nam đảm trách nhiều chức vụ đủ mọi ngành, đã dược đa số đồng hương ủng hộ. Dù rằng, cũng có một số nhỏ vì chính kiến bất đồng, vì quyến lợi riêng tư tỏ ra ganh ghét, chống đối; nhưng bất cứ sự chống đối nào cũng không làm cho Quốc Nam nhụt chí, sờn lòng. Ông vẫn hiên ngang dũng mãnh như 2 nhân vật anh hùng trong bộ Tam Quốc Chí:

– Quan Vân Trường quá ngũ quan, trảm lục tướng.
– Triệu Tử Long với cây trường thương tả xung hữu đột phá vòng vây phò A Đẩu, Ấu Chúa của Ông.

Quốc Nam đã quyết tâm dùng công sức và trí tuệ đóng góp vào các hoạt động tranh đấu suốt nửa thế kỷ không ngưng nghỉ, và gặt hái được những thành quả to lớn ghi trên, góp công không ít vào nền Văn Hóa Dân Tộc Việt.

Thông thường, ai cũng muốn được vang danh thiên hạ. Quốc Nam thì không. Bởi lẽ, từ ngày lưu vong sang Hoa Kỳ, Quốc Nam vốn dĩ bản tính khiêm nhường, lại “luôn luôn nghĩ mình là kẻ đào ngũ của quê hương khổ đau. Bây giờ sống an lành ở xứ người thì phải tìm cách chuộc tội. Đừng bao giờ mơ tưởng trở về lãnh đạo xứ sở trong tương lai nữa. Hãy dành tất cả chỗ ngồi xứng đáng cho những chiến sĩ đang nằm gai nếm mật trong nước”

Mặt khác, qua cuốn sách nhỏ bé này, Quốc Nam còn muốn gửi gấm tới thế hệ tam thập và tuổi trẻ Việt Nam đầy năng lực : “Hãy dấn thân nhận lãnh vai trò trở lại Quê Hương làm lịch sử. Thế hệ chúng tôi xin làm những viên gạch lót đường cho thế hệ các bạn trẻ tiến lên xoay vần bánh xe lịch sử để một mai “Quê Hương Nước Mắt” sẽ trở thành “Quê Hương Tự Do, Dân Chủ” rợp bóng Cờ Vàng”.

Trong lúc dân tị nạn Cộng Sản đang được sống an vui, hạnh phúc nơi xứ người, thì có một số người đã nhanh chóng quên mọi sự thống khổ, hiểm nguy lúc vượt biên tìm Tự do. Họ chỉ đắm mình vào những thú vui vật chất tầm thường, mà quên rằng cả dận tộc ta đang quằn quại trong gông cùm Cộng Sản. Quốc Nam thì trái lại, đã hăng hái dấn mình vào các công tác đấu tranh đầy gian khổ, nhằm góp công sức vào việc giải thế đảng Cộng Sản VN độc tài, để đồng bào quốc nội được sống trong một chế độ Dân chủ, Hòa bình và Thịnh vượng.

Có thể xác quyết rằng tìm được mẫu người trung kiên, nghĩa khí như Quốc Nam trong thời đại này quả là rất hiếm, khó khăn chẳng khác gì mò kim đáy biển vậy.


B- TÁC PHẨM :

Tuyệt đại đa số các bài trong 2 Thi Tập “QHNM & NTQH” là những tiếng nấc nghẹn ngào, một sự đau nhức rã rời, sự đắng cay tủi nhục, một bản tuyên ngôn chống lại cường quyền, một bản hiệu triệu đồng bào đoàn kết vùng lên lật đổ bạo quyền chuyên chính.

Đọc thơ Quốc Nam, người vô tâm đến đâu cũng thấy xót xa, tủi buồn và giận dữ. Tận đáy lòng, sôi sục căm hờn Đảng Cộng Sản Việt Nam đã u mê gây ra cuộc chiến tranh ý thức hệ dài nhất thế kỷ, phá hủy toàn bộ giang sơn gấm vóc của Tổ tiên Hồng Lạc, làm băng hoại cả một nền Văn Hóa cổ truyền vốn có nền tảng vững chắc với trên 4 ngàn năm lịch sử.

*** Thơ Quốc Nam bi thiết quá và cũng hào hùng quá.

Bi thiết vì mỗi câu, mỗi bài trong 2 tuyển tập thơ văn nói trên đều nói lên được đầy đủ tính chất sự buồn phiền, ray rứt, khổ đau và thống hận. Nó như đang gặm nhấm, vò xé tâm can người đọc, qua những dòng thơ đầy ma lực, níu kéo không cho độc giả rời khỏi tay 2 tuyển tập giá trị này.

Nếu người đọc là một nạn nhân đã từng chịu đựng trong 30 năm chiến tranh hủy diệt, thì cảm giác của độc giả này còn nhức buốt, đau buồn hơn nữa; khó có thể dùng một đoạn văn thơ ngắn ngủi để diễn tả được nội tâm của một nạn nhân thời cuộc đang bị vật vã, dày vò…

Hào hùng vì :

a- Người đọc cảm thấy tận đáy lòng mình đang sôi sục như có một sức mạnh vô hình nào đó, thúc đẩy con người phải vùng lên thực hiện một việc gì có lợi cho nhân quần, xã hội.

b- Phương thức cổ vũ, hô hào đồng bào (nhất là các thành phần trẻ) phải đoàn kết thành một khối sức mạnh tổng hợp, vận động toàn dân lật đổ chế độ độc tài chuyên chính, để đồng bào được sống trong hạnh phúc ấm no.

Nói tóm lại, 2 thi tập “QHNM & NTQH” chứa đựng một rừng chính khí, ý chí cao ngút tận trời xanh. Quả thật là hai viên ngọc quý để lại cho các thế hệ con cháu đời sau hiểu rõ một giai đoạn lịch sử đen tối, đau thương, nghiệt ngã, tránh không tái lập những thảm họa mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đã gây ra đổ vỡ, tan nát cho cả một dân tộc vốn có truyền thống anh hùng siêu đẳng như giòng giống Lạc Việt chúng ta.

San Jose ngày 18-9-2009

TRƯỜNG GIANG

Không có nhận xét nào: