Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Ngày Giỗ Nhớ Mẹ - Sương Lam

Đây là bài số sáu trăm ba mươi hai (632) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Trong tuần qua một cô em văn nghệ trong nhóm Cô Gái Việt đã tâm tình nhân 20 năm giỗ Má của em qua các sinh hoạt văn nghệ như sau :
<!>



Kim Oanh

Một người bạn ở Úc cũng cảm thông lời tâm tình của cô em văn nghệ này nên đã viết một bài thơ để tặng em.

Mời qúy bạn thưởng lãm. Cám ơn anh Bùi Đức Hùng.

Bài Xướng
Má Là Tất Cả
Tác Giả : Kim Oanh

Ngày và Nơi sáng tác : 24/09/2022, Melbourne, Úc Châu

Bài Họa
Má Vẫn Về Thăm!
Hai mươi năm! Hai mươi mùa Đông trút lá!
Má đi rồi! Một đêm nằm mộng thấy Má về thăm!
Má không nói gì! Lặng lẽ ngồi, vẻ mặt u trầm!
Giật mình tỉnh dậy! Lòng Con xót xa thương nhớ!

Thuở còn trong Viện, Má kiên cường níu từng nhịp thở!
Giọng đã lạc! Đôi mắt Má vẫn long lanh ấm áp đến ngày nay!
Giỗ Má hằng năm là dịp để con cháu xum vầy
Dù trời đẹp, nắng vàng hay bỗng mưa tuôn rét mướt!

Má vẫn tự hào nét đẹp xinh
Của con cháu Má đọng trên hình
Tâm thành cúi lạy cầu xin Má
Phù hộ thông qua mọi sự tình!
Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 30/09/2022

Riêng người viết cũng đã giới thìệu tâm tình này trên Board Ngày Của Cha Mẹ website Pinterest của người viết để các thân hữu khác cảm thông nỗi buồn nhớ Mẹ trong ngày giỗ.

Kính mời qúy bạn vào xem:

Board Ngày Của Cha Mẹ



Nhân ngày giỗ mẹ tôi tháng 9 vừa qua, người viết cũng xin phép tâm tình đôi lời để nhớ về mẹ tôi . Hy vọng sẽ nhận được sự cảm thông của qúy bạn.

Tháng Chín âm lịch hằng năm, ba chị em chúng tôi ở Mỹ hợp nhau ỡ nhà người viết để làm giỗ tiệc chay tưởng nhớ đến cha mẹ chúng tôi cùng một lúc cho tiện vì ba má tôi cũng mất vào tháng 9 âm lịch. Mẹ tôi mất năm 76 tuổi, còn ba tôi mất năm 99 tuổi, kể như cũng thuộc hàng thượng thọ rồi.
Mời xem Youtube
Đám giỗ Ba Má tại nhà Minh & Sương Lam ngày 7 Tháng 9 năm 2022


Hai năm vừa qua vì Covid 19 nên gia đình Nguyễn Hữu ở xứ Mỹ không có tổ chức đám giỗ Ba Má tại nhà Minh & Sương Lam như thông lệ hằng năm.

Năm 2022, tất cả thành viên cao niên gia đình Nguyễn Hữu đều được chích 4 mũi vaccine Covid 19 nên đồng ý tổ chức họp mặt gia đình làm đám giỗ Ba Má tại nhà Minh Sương Lam như thông lệ hằng năm. Các thành viên trẻ tuổi người đi làm, kẻ đi học nên được miễn lễ không tham dự vào tiệc chay đám giỗ này. Một chút lòng thành của các con tưởng nhớ công ơn Ba Má. Chắc Ba Má trên cao cũng vui lòng chứng dám.

Hinh ảnh: Sư cô Huệ Hương, Minh & Sương Lam, Thành & Hương.

Âm nhạc: Nhạc Thiền Đạo từ các CD về Mẹ của Nhạc sĩ Võ Tá Hân * Tạ Ơn Sinh Thành. * Cúng Giỗ Mẹ

Cầu nguyện Phật Trời gia hộ và Ba Má phù hộ cho các thành viên con cháu gia đình Nguyễn Hữu được ngày an lành, đêm an lành, tất cả các thời đều an lành trong ánh từ quang của chư Phật.

Xin click vào link dưới đây để xem youtube


Ba mẹ tôi dù không thuộc hàng "danh gia vọng tộc" nhưng giáo dục con cái rất nghiêm khắc, đạo đức,. Tôi nhớ mãi lời dạy của ba má tôi đã dạy: "Làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó" và sống như thế nào để "trên thuận với thiên lý, dưới hòa với nhân đạo". Các chị em chúng tôi được như ngày nay cũng là nhờ ân đức của cha mẹ chúng tôi.

Mẹ tôi không phải là người tài cao học rộng gì cả nên không truyền đạt lại cho tôi những tinh hoa văn học nhưng tôi đã học ở mẹ tôi đức tính nhẫn nại, hy sinh, lòng thương người và vật của mẹ tôi.

Tôi còn nhớ khi tôi còn nhỏ sống ở Phú Nhuận, tôi và các em tôi có một lần mua ốc gạo và cua sống đem về nhà để luộc ăn. Mẹ tôi đã thấy và bà bảo chúng tôi phải đến sông Cầu Kiệu thả hết xuống sông đám cua ốc này vì mẹ tôi không muốn chúng tôi mang tội sát sinh.

Khi tôi học ban Sinh Lý Hoá (SPCN) ở Đại Học Khoa học Saigon năm 1963, trong giờ thực tập mổ xẻ con cá lóc tôi không biết đâp đầu con cá lóc tươi như thế nào đến nỗi anh bạn trong nhóm phải cười nhạo tôi là một phụ nữ “dở”, không dám giết cá thì làm sao có thể “giỏi” về gia chánh nữ công nấu ăn cho chồng con được. Tôi chỉ biết cười mỉm chi đáp lễ mà không dám hó hé gì thêm nữa vì “bị rầy” đúng quá rồi!

Hơn thế nữa, mỗi lần nhà trường bắt mổ một con vật nào đó là tôi phải trốn học “cúp cua” chạy vào rạp ciné Rex lánh nạn vì tôi rất sợ cầm con dao mổ. Nếu bắt buộc phải thực hành việc mổ các con vật trong phòng thí nghiệm, tôi lại mổ tầm bậy tầm bạ lung tung. Mấy ông bạn cùng nhóm khi thấy người đẹp đang tròn xoe đôi mắt nai và đang hét oai oái thì các chàng xung phong ra tay cứu nguy giúp đỡ người đẹp ngay. Khoẻ quá! Nhưng đến kỳ thi cuối khóa năm thứ nhất ở Đại Học Khoa Học, tôi đành phải bỏ cuộc thi vì biết rằng tôi không có duyên với cái bằng Cử Nhân Khoa học chút nào với cái tính nghệ sĩ và lòng thương yêu loài vật của tôi.

Tôi đi lấy chồng không đem theo một chút của hồi môn nào về nghệ thuật nấu ăn cả vì tôi có nấu bếp ở nhà bao giờ đâu. Ba mẹ tôi chỉ mong tôi học hành chăm giỏi và ngoan hiền là đủ rồi, còn mọi việc khác thì đã có ba mẹ tôi lo và có người giúp việc lo rồi. Ở bậc Trung học, tuy tôi không học giỏi đứng đầu lớp nhưng tôi cũng thuộc loại học sinh nằm trong nhóm “top ten” trong lớp là ba mẹ tôi sung sướng và hãnh diện vì tôi rồi. “Nhân vô thập toàn” mà lị! Smile!

Cũng may sau đó, tôi trúng tuyển vào trường Quốc Gia Hành Chánh và thành hôn với một người không quan tâm đến chữ “công” trong tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” ngày xưa cho lắm nên tôi vẫn sống hạnh phúc trong sự thương yêu của chồng tôi. Ông chồng của tôi còn mua tặng tôi nồi nấu cơm hiệu National nhỏ xíu để nấu cơm khi cần thiết, còn thức ăn thì thì đã có bà nấu cơm tháng phụ trách rồi. Khoẻ re!

Tuy nhiên, nhờ trời thương, phú cho tôi cái tính ham học hỏi và biết phát huy sáng kiến nên bây giờ theo năm tháng tôi cũng biết nấu ăn tạm đủ để làm cho chồng con hài lòng về tài nấu nướng của tôi. Tôi không màng sự khen chê của người khác về tài nấu nướng của tôi, vì thú thật về phương diện ẩm thực, mỗi người có một khẩu vị và ý thích khác nhau, tôi nấu ăn như thế nào miễn là chồng con tôi không chê tôi nấu ăn dở là được rồi. Mời xem Sương Lam nấu ăn ở Mỹ





Trong những lúc gia đình tôi gặp hoàn cảnh khốn khổ nhất, chính Mẹ tôi là người là người chịu thương chịu khó “thân cò lặn lội bờ ao” tìm cách mưu sinh cho cả gia đình chúng tôi mà không một lời than thở. Mẹ tôi cũng đã nhịn ăn nhịn mặc tìm đường cho con cái vượt biên đi tìm tự do và đi thăm nuôi chồng con nơi chốn lao tù sau cuộc đổi đời. Bao nhiêu gánh nặng gia đình chồng chất trên đôi vai gầy của mẹ tôi.

Hình như người phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ các thế hệ trước đa số chỉ biết thương chồng, hy sinh cho con mà thôi. Xin mời quý bạn đọc những mẩu chuyện ngắn dưới đây. Rất đơn sơ, rất giản dị nhưng đã nói lên tình thương yêu của Mẹ dành cho con như thế nào:

Lương tâm
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này đi cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?

Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!

( Nguồn: sưu tầm trên internet)
Kính mời qúy bạn vào xem youtube Cha Mẹ qua nét đẹp của thư pháp do người viết thực hiện để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay nhé.



Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 632-ORTB 1060-10052022)
Sương Lam





Không có nhận xét nào: