Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

LỤA - Nguyễn Thị Lê Na

            Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na
“Lụa! Lụa ơi! Em đó phải không?” Tôi cuống quýt cả chân tay. Lắp bắp mồm miệng. Không tin vào mắt mình. Căn phòng không đủ rộng, để có thể nhìn nhầm. Căn phòng không đủ bé, để tôi kịp chộp lấy tay em. Giây khắc thần tiên, hay địa ngục? Hiện thực, hay giấc mơ? Tháng năm dằng dặc, dồn lại trong tích tắc? Thượng đế lỡ tay, hay số phận chơi trò ú tim? Ánh sáng căn phòng rất thật. Rất thật cả sự lặng phắc. Thật cả tiếng máy điều hòa ro ro êm ái. Cả tiếng chiếc kim đồng hồ treo tường gõ đều như nhịp tim. Trên mặt tôi biểu lộ thế nào, tôi không biết. Nhưng mặt em tôi rõ như ngày ngỏ lời yêu. Đôi mắt đẹp mở to, kinh ngạc, thốt nhìn tôi sững sờ, bất giác lảo đảo. Căn phòng hóa đá giây lát…
<!>
Nơi tôi đến là một ngôi trường chênh vênh trên ngọn đồi vi vút gió. Sau lưng là rừng bạch đàn đang độ xanh lá và những sườn đồi bạt ngàn sim mua, tháng ba nở tím ngan ngát cả một vùng. Những ngày đầu mới đến, tôi mê mẩn lang thang hết khu đồi này đến sườn dốc khác. Hoàng hôn buông xuống, khung cảnh như một bức tranh thủy mặc.
Được phân công làm công tác chủ nhiệm một lớp hơn 40 học sinh, tôi vô cùng lo lắng. Bởi mới ra trường, kinh nghiệm gần như bằng không. Nhưng ngày lại ngày, những cặp mắt ngây thơ nhìn tôi đầy yêu mến và cảm phục. Đôi khi cả ngưỡng mộ nữa giúp tôi tự tin dần lên. Tôi nhớ, tiết học đầu tiên tôi đặt một câu hỏi. Đó là câu hỏi mấu chốt nhằm mở ra nội dung bài giảng. Không có nó, bài giảng cầm chắc thất bại. Thế mà, cả lớp lặng câm, không ai đưa tay xin trả lời. Tôi nhẫn nại gợi ý, bằng những câu hỏi phụ, và bằng cả những lời động viên, nhưng tất cả vẫn lặng im. Có lẽ lúc đó, mặt tôi trông khổ não, tội nghiệp lắm. Tôi sắp rơi vào tuyệt vọng của một giờ giảng không thành, thì ở dãy bàn thứ hai, bên trái, có một cánh tay rụt rè đưa lên. Cánh tay con gái nông quê chớm tuổi dậy thì, sạm nâu nắng gió… Đó là em.
Và tôi có cảm tình với em. Nói đúng hơn, là tôi biết ơn em từ hôm đó. Một chút dịu dàng và độ lượng len lỏi vào tim. Tôi chợt thấy mình hay xem đồng hồ, mong sớm đến giờ lên lớp. Cảm giác lâng lâng. Trên bục, tôi hào hứng say sưa giảng bài. Dưới kia, có một đôi mắt đen mở to, mê đắm nuốt từng lời tôi nói. Cô học trò nhỏ nhắn thùy mị, ngây thơ nào biết tình cảm của tôi lồng theo trong bài giảng. Có phải sau giờ giảng định mệnh ấy, đã làm nảy nở một tình yêu thầm kín? Đôi khi tôi giật mình lo lắng và cố ý tự ngăn cấm, tự xua đuổi nó, nhưng tình yêu vẫn cứ lớn dần, không cách gì cưỡng được.
Tôi thảng hoặc bất ngờ đi kiểm tra việc học của học sinh ở nhà. Mỗi nơi chỉ dừng độ mười lăm phút. Hôm ấy vừa đến nhà em, đúng lúc trời đổ cơn mưa. Lại gặp được cả bố mẹ em, nên cuộc kiểm tra thành ra cuộc viếng thăm với trà nước thân mật. Tôi thầm nể phục ở chốn quê nghèo lam lủ lại có một gia đình gia giáo. Và hình như bố mẹ em nhen nhóm một sự tin cậy vào thầy giáo trẻ. Thi thoảng bố mẹ em nhắn mời tôi về nhà chơi. Tôi mặc nhiên như người con trai lớn trong gia đình. 

Những đêm liên hoan văn nghệ ở trường, khuya em đều để tôi đưa về tận nhà…Đấy là cái thuận lợi, hay lực cản? Đôi khi nghĩ lại, nó như cái phanh, kiềm chế tình yêu của tôi đối với em chăng? Lòng tôi cháy rực khát thèm thổ lộ tình yêu bao nhiêu, lại cố kìm nén bên ngoài bấy nhiêu. Nếu đổ bể, tôi không chỉ mất em, còn mất cả bố mẹ em, gia đình em. Mỗi buổi đến lớp tôi lại như vừa khám phá thêm được một điều gì đó mới mẻ thật đẹp đẽ của cuộc đời. Từ nơi em ngồi như luôn có một vầng sáng lung linh lan tỏa ra cả lớp. Những buổi học nào không có em, bài giảng sao mà khô khan tẻ nhạt. Tôi định bụng đến ngày cuối cấp, khi em thi xong, tôi sẽ ngỏ lời yêu. 

Nhưng ông trời lại bày ra thử thách mới, bắt chúng tôi xa nhaẤy là một chiều, tôi có quyết định chuyển đến một trường điểm của tỉnh. Ngậm ngùi gói ghém đồ đạc, tôi gói luôn cả mối tình đắm say thầm lặng mang theo. Một cái gì dâng lên nghèn nghẹn khó tả trước ngày lên đường. Nửa nuối tiếc dùng dằng không muốn rời xa, nửa thanh thản vui, nghĩ đến em không bị cuốn vào tình yêu của tôi quá sớm, dễ dang dở học hành, rồi dang dở sự nghiệp.

Tôi đã lên lớp mỗi ngày ở ngôi trường mới. Nhưng không ai hay rằng, mỗi giờ giảng của tôi vẫn dành cho em. Dành cho cô học trò mặc áo hoa ngồi bàn thứ hai bên trái ngước đôi mắt đắm đuối nhìn tôi, gương mặt nhập nhòa sau tấm voan trắng mỏng, ngời lên thánh thiện và trong ngần…
Giờ nhớ lại, cái anh giáo trẻ trong tôi cũng có lúc tầm thường. Ngỡ cao thượng, chín chắn, ai ngờ có lúc bồng bột, lửa rơm. Tôi sợ xa mặt cách lòng, em bị các chàng trai khác quyến rũ. Trách em sao được, khi tôi chưa ngỏ một lời dù xa xôi bóng gió? Tôi chưa bỏ nhánh nè trước ngõ nhà em, thì chí ít, cũng nên ngỏ một lời cho em hay. Tự em coi như trái tim mình đã có chủ… Nghĩ thế, tôi đã suốt đêm hồi hộp thức viết, hồi hộp gửi đi một phong thư. Hồi hộp mong chờ, hồi hộp theo dõi bước chân người đưa thư báo hàng ngày đến trường. Hơn thế nữa, tôi suýt kêu lên, tim muốn văng ra khỏi lồng ngực, khi nhận được thư em. Tôi gấp phong thư nhét sâu vào túi áo. Nó thầm thĩ suốt chiều tôi đứng lớp. Vắng người, là tôi lôi nó ra xem nét chữ, ngắm nghía cái phong bì chỉ một màu mực. Tối, tôi đặt phong thư lên bàn viết trước mặt, cố dành niềm vui mở thư em, sau khi đã soạn xong bài. Tôi chơi ú tim với trái tim mình. Khoái trá tận hưởng cảm giác hồi hộp và thắc thỏm lo lắng ngọt ngào…

Nhưng mọi cái đã đi chiều ngược lại. Thư của em lời lẽ dưng dưng, khiến tôi buồn bã vô cùng. Em bảo em còn nhỏ dại, chưa biết chuyện yêu đương, và không muốn tôi phải buồn khổ vì em. Tôi hụt hẫng, như người mất phương hướng. Mất ăn mất ngủ, miệng đắng mấy hôm. Em chưa biết chuyện yêu đương, hay em đã quá biết? Em không muốn tôi buồn khổ vì em, hay em đã có người khác? Tôi từng cảm giác em như hạt nhân, vây quanh quỹ đạo là các chàng trai trẻ trong trường, trong làng trong xã. Trong khi tôi cũng chỉ là chàng sinh viên ra trường mới đứng lớp hai năm. Nghĩa là chất bồng bột, trẻ trai lửa rơm còn ngự trị.

Tôi đã trẻ con hơn cô học trò bé bỏng, đến mức đã nhảy xe buýt hơn 50 cây số, nói là về thăm gia đình em. Thâm tâm, xin lại lá thư ấy, coi như gửi nhầm địa chỉ. Như xưa, sau cơm nước buổi tối, bố mẹ em cho hai thầy trò đi hóng gió một lúc. Em đi bên tôi, một thầy một trò, nói đủ chuyện trường lớp, nhưng tôi vẫn không sao nói được chuyện của mình. Em khéo léo không nhắc chuyện lá thư, nhưng mùi hương từ mái tóc, từ da thịt con gái nhẹ thoảng, còn hơn cả ngàn bức thư em gửi. Tôi nóng ran cả lồng ngực, bấn loạn cả tâm tư. Gặp quãng vắng, tôi bất đồ cầm lấy bàn tay mềm mại và nóng ấm của em. “Lụa! Thầy yêu…”

Không như mường tượng, câu thổ lộ của tôi bị ngắt quãng phũ phàng. Một cái giật tay bất ngờ và dứt khoát, em vùng chạy bay biến, như chạy thoát cạm bẫy chết người. Tôi chưng hửng tựa con chim quý trong tay vừa vụt bay. Thất thần lặng im trong khuya vắng. Tôi hiểu, cánh cửa trái tim em đã đóng chặt. Tình yêu thứ nhất của tôi cũng khép cửa. Tôi tự trách mình không lường ước mọi việc, rằng đã ngộ nhận, ảo tưởng…

Khi tháng ngày nguội lạnh, mối tình đầu thành xa lắc, tôi bất ngờ có thư. Tôi thậm chí không hào hứng mở nó, dù nét chữ em tôi không quên. Trái tim thành chai sạn chăng? Hay trái tim thất tình của tôi còn hờn dỗi? Sau lời xin lỗi chân thành, là những câu lý giải rất người lớn, rằng em quá bất ngờ, và sợ tôi coi thường, sợ tôi đùa giỡn sự ngây thơ bồng bột của con gái, coi như một chiến tích ăn chơi. Cuối thư, bất ngờ, em bảo rằng em cũng yêu tôi, yêu lặng thầm từ lâu lắm, nhưng không dám phá vỡ giới hạn thầy trò, giới hạn mặc định của người đời từ vạn thuở. Lại nữa, con đường học hành, bến bờ sự nghiệp xa tít mù khơi…

Có lẽ em nói đúng. Tôi dè dặt gửi đi bức thư, xin lỗi em về sự đường đột hôm ấy. Từ đây, đường thư hai đứa khá thường xuyên. Em bảo: “Thầy có biết trên đời này, em ghét nhất điều gì không? Đó là sự thay lòng đổi dạ!” Tôi tự thấy điều em nói quá xa lạ, nên đã thề rằng, suốt đời tôi mãi mãi là của em! Chỉ riêng mỗi em! Và chúng tôi hẹn gặp nhau sau khi em tốt nghiệp phổ thông. Đêm ấy, sương lạnh, trăng mờ. Lần đầu tiên tôi như đứa trẻ thơ, chỉ biết vâng lời khi nhìn ánh mắt tình tứ và nghiêm nghị của em. Thế là chúng tôi yêu nhau. Tất cả cứ như chuyện trẻ con. Nhưng chừng ấy thôi cũng đủ cho tôi hạnh phúc rồi. Em đã không biết rằng, tôi dằn vặt đấu tranh thế nào để rồi chìm nghỉm bất lực trước chính tình cảm của mình, chính em đã đánh thức tất cả sự cuồng nhiệt yêu đương của một người đàn ông trong tôi, bởi vẻ đẹp kín đáo dịu dàng của em…

Tôi lặng thầm chờ đợi em kết thúc quãng thời gian học hành. Gia đình cậu mợ thôi thúc tôi mãi chuyện vợ con. Tôi mồ côi cha mẹ rất sớm, ở với gia đình cậu mợ từ nhỏ. Lời của cậu mợ, là lời cha mẹ. Em đồng ý để tôi đưa em về ra mắt gia đình sau khi nghe tôi dự định kế hoạch mai sau. Rằng sẽ nhờ cậu mợ tôi xin việc ở trung tâm thị xã khi em tốt nghiệp xong đại học. Hôm đó, cậu nhìn em từ đầu đến chân, ra chiều ưng ý. Em nép vào tôi run run, khép nép lo lắng như một kỳ sát hạch. Cậu mợ tôi, ai cũng niềm nở ngọt ngào. Tôi vô cùng mãn nguyện…

Nhưng khi em đi rồi, mợ tôi giọng lạnh tanh, bảo:
“Không được! Con gái đẹp thế, mày ngài mắt sắc thế, có đi đóng phim làm mẫu, chứ cưới về, khó mà yên ổn!” Tôi nhìn mợ, chưa kịp mở lời thì cậu tôi, vốn chiều vợ một mực, nhẹ nhàng đế theo:
“Với lại, nếu có xin được việc, thì cậu xin cho các em con trước đã…”
Thấy tôi chết lặng, cậu phân bua: “Hình như con quan niệm hạnh phúc gia đình đơn giản quá. Đẹp đôi mà ngồi hít không khí, sống được không?”
Mợ tôi được thể:
“Thời thế đã khác, không có việc làm, đem nhan sắc mài ra thay cơm được á?”
Tôi cay đắng, vẫn không nguôi hy vọng cậu mợ sẽ nghĩ lại. Nhưng hóa ra, cậu mợ đã bí mật chọn cho tôi một đám khác. Đó là cô con gái rượu vị sếp tổng của cậu. Một cô gái nhan sắc trung bình nhưng lại nắm trong tay mớ cổ phiếu khá lớn của tập đoàn. Một lần, cậu mợ gọi tôi về có việc khẩn. Hóa ra, chỉ để hai trẻ gặp nhau. Trong bữa cơm gia đình, cô ấy thành thượng khách. Cậu mợ tôi lưỡi uốn vồn vã, tay run vồ vập. Cô nàng cố ém cái địa vị cao sang, nói cười rổn rảng, ăn uống tự nhiên. Và kín đáo liếc nhìn tôi mấy lần. Tôi nguội lạnh. Dửng dưng ngồi ăn, dửng dưng lặng thầm, dửng dưng chào ra đi khi xong bữa.

Dường như thấy tôi không có gì lay chuyển, cậu mợ lại gọi tôi về khi chỉ có hai người. Lại rót vào tai tôi những lời dịu ngọt, rằng đàn ông phải có sự nghiệp. Rằng cái nghề gõ đầu trẻ của tôi, lương ba cọc ba đồng, thì sự nghiệp ở đâu? Lấy gì lo đất đai nhà cửa, lo vợ lo con? Và rằng, cậu đã lo cho tôi một suất đi du học ở nước ngoài, mọi thủ tục đã xong, chỉ chờ ngày bay. Ôi, được đi du học nước ngoài, thì còn gì bằng? Thử hỏi, cuộc đời mấy ai được may mắn này? Tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng. Ơn cậu mợ như trời như biển, tôi quên sự bực bội vì bị miệt thị cái nghề cao quý của mình. Tôi chỉ lo làm sao giấu em chuyện này, vì sợ em buồn thêm nữa. Lại thấy mình nhỏ bé và vô tích sự trước cuộc đời bao la, không bờ không bến.

Những ngày cuối cùng bên em, là những giây phút căng thẳng nhất, tôi bần thần như kẻ vừa qua cơn hoảng loạn. Tâm trạng ngổn ngang bao nỗi không thể giãi bày, vừa có chút hèn nhát của kẻ trốn chạy, vừa hào hứng trước miền đất hứa. Lại hí hửng của kẻ muốn dành cho em một hạnh phúc to lớn và bất ngờ. Tôi hình dung vài ba năm ở trời tây trở về, tôi thành một người đàn ông khác, với địa vị khác. Hứa hẹn một công việc làm ăn khá giả dư dật cho em lo cuộc sống gia đình. Nhưng phải xa em là một cực hình. Bóng hình em cứ choáng ngợp tâm trí. Ánh mắt em, nụ cười em, và cả bàn tay mềm mại của em như bóp nghẹt trái tim tôi. Biết bao giờ mới gặp lại em đây? Đêm ấy, trăng phủ lên cả triền đê, tôi gieo vào em niềm tin cậy, trái tim choáng ngợp khối tình, em đã không gìn giữ nữa…

Em đã hờn dỗi, khi tôi nén lòng ấp úng thông báo ngày bay. Có thể em quá bất ngờ. Có thể em cho tôi thiếu chín chắn, hão huyền về một cuộc đổi đời xa ngái. “Anh điên rồi sao? Chim đậu không bắt, đi bắt chim bay!” Tôi không tự ái, bởi em còn cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, làm sao hiếu được nông sâu đường đời? Em vùng vằng bỏ đi. Dáng vẻ quả quyết và dứt khoát. Nhanh đến nỗi tôi không kịp nắm tay kéo lại. Hình ảnh này day dứt tôi không nguôi. Một mình chôn chân trên triền đê, gió hun hút tái tê mặt sông đêm lạnh, tôi rơi vào giữa bủa vây những điều đặt ra và một rừng câu hỏi. Em cạn hẹp trong yêu đương và hạnh phúc vậy sao? Thời đại đã đi qua hàng vạn dặm, còn đâu ai cổ vũ cho kiểu hạnh phúc cam chịu đói nghèo “một túp lều tranh, hai trái tim vàng?”

Ngày bay, giờ bay hiện ra trước mặt. Hình như em có ý lùi lại, tránh mặt. Còn tôi không thể. Tôi dằn lòng ra đi. Nặng trĩu mớ hành lý cậu mợ tôi chuẩn bị. Và nặng trĩu mối tình dở dang ngày chia biệt…
Bất ngờ, ngoài mong ước, là em có mặt tiễn tôi ở sân bay. Nhẹ nhàng và rắn rỏi, như chúng tôi chưa hề có va chạm đêm ấy. Em vẫn hồn nhiên và mềm mại, thậm chí trẻ ngời một vẻ đẹp thuần khiết, khiến bao cặp mắt phải đổ về. Lòng tôi lại réo rắt một niềm hy vọng. Không kịp nhìn rõ trong đôi mắt đẹp thẳm thẳm của em, phản chiếu một thứ ánh sáng mà mãi cho đến sau này tôi vẫn chưa cắt nghĩa được…

Máy bay lơ lửng rời khỏi bầu trời. Tôi lơ lửng trong một mối tình khó thắt buộc. Không thể quay lại. Tôi chậc lưỡi, buông xuôi cho số phận định đoạt. Nhưng mỗi lần nhắm mắt, tâm trí lại ngời lên những đường nét dễ thương của em. Khuôn mặt trái xoan. Đôi mày ngài và đôi mi rợp, thăm thẳm một bầu trời mộng mơ. Đôi mắt như ẩn chứa cả một thế giới huyễn mị. Đôi môi hé nở một bông hồng tươi rói, nơi tôi lúng túng đặt nụ hôn đầu tiên…

Tôi đã già néo đứt dây khi muốn thời gian thử thách tình yêu của em dành cho tôi? Hay tôi bày trò chơi dao, khi mình đang nắm đằng chuôi? Dù quay quắt nhớ, tôi vẫn cố không viết thư cho em. Tôi gặm nhấm một cách thích thú sự chịu đựng nhớ thương của hai kẻ yêu đương say đắm. Một phần vì công việc nơi xứ người không khác trái núi chọc trời mà tôi đơn độc cực nhọc leo lên. Chỉ có em luôn ở trong tim, thầm thĩ dịu dàng, rằng tôi làm được điều ngoài mong đợi ấy.

Tôi may mắn gặp được vị giáo sư hướng dẫn là một người gốc Việt. Và được ông ủng hộ. Nửa ngày vùi đầu vào thư viện, nửa ngày tôi ném mình ra giữa chợ trời. Cái núi ngôn ngữ sừng sững ấy, nhờ thế, tôi đã vượt qua. Cho đến khi hết hạn thời gian, tôi cũng kịp lấy được cái bằng tiến sĩ về ngành quản trị kinh doanh. Đúng như sắp xếp của cậu mợ tôi, tôi bước ra khỏi nghề gõ đầu trẻ, làm lại cuộc đời.
Tôi chưa kịp vui, đã nhận được tin em lấy chồng. Thư do cậu mợ tôi viết. Tôi bần thần mấy hôm. Tôi trách em, rồi lại trách mình. Chính tôi đã làm em tổn thương. Chính tôi đã buông em ra… Đêm sâu, tôi nằm ứa nước mắt một mình. Tôi đã vô tình đẩy tâm hồn trong trắng kia, đôi môi rực lửa kia, vòng ngực căng tròn kia, tấm thân mềm mại kia, cho một gã cha căng chú kiết nào đó. Cuồng lên như một gã điên, tôi lao ra ngoài trời, ngửa mặt cầu cứu thượng đế. Ở đó, chỉ có bầu trời phương xa thẳm đen với triệu triệu vì sao lấp lánh. Tôi dán mắt rất lâu. Ngôi sao nào là em? Ngôi sao nào là tôi? Sao số phận đa đoan đến thế?
******
Đón tôi ở sân bay, bên cạnh cậu mợ, vẫn cô con gái của vị sếp lớn, không khác ngày tôi gặp mặt ở nhà cậu mợ. Nhưng dáng vẻ bây giờ đã khác, phong thái của bà chủ quyền uy. Cô ấy khẽ hất hàm, cậu mợ tôi khúm núm, răm rắp ngồi vào ghế sau. Tôi ngồi ghế trước. Chiếc ô tô giá hàng chục tỉ lao vút đi.
Hai hôm sau, cậu dẫn tôi đến gõ cửa một căn phòng sang trọng, trong cái cơ ngơi đồ sộ, to lớn của tập đoàn. Một người đàn ông độ tuổi năm mươi, béo tốt và đường bệ, nhìn tôi từ đầu đến chân. Ông ta không nói gì, nhưng đôi mắt nheo cười, như muốn nói: “Cậu đấy à?” Rồi ấn ngón tay mủm mỉm vào phím máy điện thoại trên bàn. Tắp lự, một người trung niên xuất hiện. Anh ta ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Tôi thì chưa hiểu đầu cua tai heo, nhưng cậu tôi mừng suýt khóc, khi chúng tôi đứng trước căn phòng, trên cửa có biển đề “Trưởng phòng”.

Tôi đã bước chân vào sự nghiệp mới, sang trọng và quyền lực. Một chân trời mới mở ra. Nhưng lòng bộn bề thắc thỏm và áy náy. Thắc thỏm vì sao mình một bước lên ông? Áy náy không biết giờ em ở đâu? Cuối tuần, tôi phóng về nhà trên chiếc xe trưởng phòng bóng lộn. Cậu mợ tôi, vừa kẻ cả vừa khúm núm trước mỗi cử chỉ của tôi. Nhưng tôi không chú ý. Cái tôi cần, là trả lời câu hỏi, em đã lấy ai, giờ ở đâu?
“Sao con dại dột vấn vương con bé hồ ly tinh đó nữa?”
Mợ tôi liếc mắt như khua nhát kiếm sang cậu tôi, nhưng tôi vẫn không buông, muốn chính mợ trả lời câu hỏi ấy của tôi. Tôi biết, xưa nay, mọi việc đều do một tay mợ sai khiến cậu. “Con đi được mấy tháng, nó mang cái bụng của thằng nào đến đây, hỏi địa chỉ con…”
“Trời ơi! Chuyện tày đình, sao cậu mợ không nói với con lúc đó? Bây giờ cô ấy ở đâu?”

Tôi bất cần, hầm hầm lao ra khỏi nhà.
Đầu tuần, trên bàn làm việc của tôi, một tờ giấy chi tiết thanh toán, ai đã đặt đó tự bao giờ. Tôi liếc qua, và rụng rời tay chân. Một núi tiền đã chi cho tôi, từ khi lên máy bay sang trời Tây, cho đến chỗ ngồi bây giờ. Tôi dựng cả tóc gáy. Gục xuống trên bàn, gờn gợn một cái gì ở đây. Là tôi ngu ngơ trước viễn cảnh làm nên sự nghiệp đổi đời? Hay chính cậu mợ tôi ngu ngơ trước miếng mồi ngon mà hy vọng mình có thể gặm đôi chút? Nhưng chưa hết, chỉ tuần sau, mợ tôi thỏ thẻ nói:
“Bên nhà sếp lớn, muốn cậu mợ đi bỏ miếng trầu cho con…”

Tôi rít lên trong cổ họng:
“Mọi đánh đổi này, là sắp xếp của cậu mợ, phải không?”
Mợ đưa mắt nhìn tôi, thoáng sững sờ, rồi chuyển qua giọng thủ thỉ:
“Cậu mợ không có con trai, nên đặt cả niềm tin vào con. Tương lai sự nghiệp của con, là trăn trở cả đời của cậu mợ, lẽ nào…”
Rồi mợ thút thít khóc.
Đám hỏi to hơn đám cưới thiên hạ. Xe hơi xếp hàng san sát. Phóng viên các báo, các đài truyền hình, chen nhau lấy tin như chen cướp phết. May mà, người ta quay phim, chớp hình sếp lớn là chủ yếu. Tôi sượng sùng muốn giấu mặt biệt tích.
Đám hỏi rộn ràng, chẳng phải là lời bố cáo với thiện hạ, rằng tôi đã là hôn phu của con gái sếp tổng. Cõ lẽ cô ấy cũng nhạy cảm trước vẻ mặt nguội lạnh của tôi, nhưng, cô đã lỡ lên lưng ngựa mất rồi. Chỉ nửa tháng nữa, đám cưới sẽ được tổ chức. Ngày đã chọn. Thiệp đã in.
Hồn tôi phảng phất lưỡng lự. Thảng thốt buồn. Có lẽ cô ấy muốn biến tôi từ ủ dột, thành bất tận tươi vui, nên khi vãn cuộc, khách khứa về hết, chỉ còn lại hai người trong phòng, cô ấy đến bên, xòe bàn tay trắng múp ra trước mặt tôi, nói nhỏ:
“Quà cưới của chúng mình đây. Ta đi xem thôi, anh!”
Tôi choáng ngợp. Không tin được. Khu biệt thự triệu đô, khu vườn khá rộng, bên một hồ nước xanh trong giữa nội đô. Trong khi tôi lạc giữa sự sang trọng choáng lộn, từ phòng khách, phòng nghe nhạc, phòng đọc sách… thì cô đã kéo tôi vào phòng ngủ. Hình như cô ấy muốn sở hữu người đàn ông của mình. Hai cánh tay chắc mập của cô quàng qua cổ tôi như hai gọng kìm, đôi môi mọng bập lấy môi tôi. Giây khắc, cả hai cùng ngả người ra mặt nệm êm ái, thơm tho. Tôi chưa kịp phản ứng, những ngón tay khéo léo của em đã nhanh chóng lột bỏ những gì có trên người... Giá chỉ là một ngôi nhà vài gác bình thường... Và giá cô ấy đừng làm thế, trong tôi đỡ bị đổ vỡ.
Hôm sau nhớ lại, tôi tự thấy mình thông minh đột xuất. Đúng lúc cái thân hình mỡ màng không váy xống của cô trườn lên người mình, tôi chợt rùng mình, co rúm người lại như con tôm, ôm bụng quằn quại. Hai tay úp lên vị trí ruột thừa, mặt nhăn nhó, miệng rền rĩ.
“Anh đau thế lâu chưa?”
Cô ấy dừng lại, lo lắng hỏi.
“Sáng qua, chỉ lâm râm!”

Tôi nói đúng căn bệnh ruột thừa. Cả hai bật dậy, mặc vội quần áo…
Tôi đã đánh đổi tình yêu của Lụa, để suốt đời bên con gái sếp tổng không chút tình, cùng với cơ ngơi choáng lộn, và sự nghiệp ngất trời ư? Với cậu mợ tôi, là một cuộc buôn bán, đổi chác. Và nữa, như mợ tôi nói, cả vạn đàn ông con trai trên đời, nằm mơ cuộc đổi chác này. Nhưng tôi thấy nhạt nhẽo, vô vị quá chừng. Tựa một món sơn hào hải vị thượng hạng không có muối. Trong núi tiền của ấy, không có vị mồ hôi của tôi. Vả chăng, trên thế gian này, có thứ gì thật sự đổi được tình yêu?
Giật mình sực tỉnh trong đêm, tôi thấy một thằng tôi khốn nạn. Một thằng tôi bỉ ổi, đớn hèn. Lụa ơi! Giờ em ở đâu? Cho dẫu giờ đây, em là một thiếu phụ đài các, đề huề gia thất, tôi vẫn không tha thứ cho mình. Tôi sống sao yên một đời, khi chưa gặp lại em, dù giây lát? Tôi bật dậy, gọi điện cho thằng bạn thân thuở dạy học. Hai đứa kéo nhau vào một nhà hàng hạng trung, nhờ chén rượu bù khú, quên nỗi nông sâu ấm lạnh cõi đời. Hai thằng ê a chờ dọn món trong một phòng VIP yên tĩnh. Vài ba cô gái đồng phục màu lá mạ, nhan sắc khả ái, vào ra bưng bê dọn món. Mặc thằng bạn hào hứng trêu đùa, lòng tôi lạnh băng. Hình như giờ, dù chưa nếm trải, tôi đã trơ lì trước chuyện đàn bà con gái. Chỉ còn chờ mỗi rượu, thứ rượu tôi gọi nhà hàng không có sẵn, đang cho người đi lấy.

“Rượu của anh đây!”
Tôi giật thót, lạnh buốt thái dương. Tiếng con gái dịu dàng âm sắc, tha thiết cuộc đời, của người xưa cũ? Nhà nghèo, tằn tiện đủ thứ, nhưng em bao giờ cũng trấn an tôi bằng nụ cười giàu có và âm sắc giọng nói bất chấp núi cao vực thẳm. Vừa khẽ lách cánh cửa bước vào, tay cầm chai rượu màu hổ phách. Vẻ mặt tươi rói của người phục vụ cố chiều lòng khách. Chợt khựng lại. Tôi lắp bắp: “Lụa! Lụa ơi…!”
Chai rượu quý suýt rời đôi tay đẹp. Em cũng suýt khuỵu xuống. Giây khắc đứng lên, em vụt chạy ra khỏi phòng. Tôi như một cái máy, chạy lao theo. Bóng chiếc áo xanh màu lá mạ dừng lại nửa giây, định bế theo con bé chơi một mình giữa sân, nhưng không kịp. Cô lao vào một phòng ở, chốt chặt cửa buồng…
Suốt đêm, hình ảnh em và con bé cứ xoáy vào tôi, như có ngàn vạn kim châm. Con bé chừng 3 tuổi, giống mẹ như đúc. Nó chạy theo tôi, mếu máo khóc:
“Chú ơi, đừng đánh mẹ cháu!”
Tôi ngồi xuống bên cạnh:
“Ba cháu đâu?”
“Ba cháu mất tích rồi, ở nước ngoài. Mẹ bảo thế…”
Hả? Một luồng điện chạy dọc sống lưng. Trời ơi, con gái của tôi đây sao?
Trời vừa sáng, tôi đã lao đến nhà hàng hôm trước. Dự dịnh sẽ nhìn em bằng ánh mắt ngày xưa, sẽ nói với em những câu nói ngày xưa. Tôi sẽ lại có em như bao năm trước. Sẽ đưa mẹ con em về. Tôi đã nghĩ kỹ rồi, sẽ xin thôi việc. Và đưa em lên mé đồi có con đường lớn đi vào di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng với vương quốc hang động đẹp có một không hai. Sẽ cùng em kinh doanh hay làm việc gì đó. Khách nước ngoài giờ đông nườm nượp. Với mấy năm từng trải trời Tây, với vốn ngoại ngữ mình có, tôi sẽ cùng em làm nên sự nghiệp. Cái cục nợ chi phí đi học nước ngoài, sẽ là chuyện nhỏ.

Bà chủ nhà hàng ân cần bảo, hai mẹ con dắt díu nhau đi từ tối qua. Tai tôi ù đặc, lại nghe bồi lời sét đánh: “Tội nghiệp con bé, người yêu bỏ rơi khi bụng mang dạ chửa. Gá phải thằng chồng nghiện ngập, suốt ngày bị đánh. May mà rảy ra được. Đúng là hồng nhan…”
Lụa ơi! Tôi có chui vào gầm trời nào thì cũng không thể đền xóa được thói ích kỷ đớn hèn của mình, sao tôi có thể bắt em chứng minh tình yêu của mình? Sao tôi vô tâm không thấy em gầy đi với những đường gân xanh ở cổ hôm tiễn tôi ra sân bay? Sao ngày ấy tôi không lắc đầu từ chối danh vọng? Giờ đây, có ích gì khi tôi chỉ còn biết lấy nỗi dằn vặt của tình yêu em, lấy từng đêm mơ một dáng hình, lấy những lúc giật mình vì thoáng thấy bóng ai giống dáng em xưa ở cuối đường, đêm khuya hồi tưởng lại quá khứ…

Tôi lao lên bờ đê, nơi cất giấu tình yêu của tôi với em. Như thể chính dòng sông đang tha thiết chảy kia, biết về mối tình lưu lạc của tôi. Sương mai đọng lối cỏ dày, đâu rồi người tình bé nhỏ có đôi mắt buồn không bao giờ nhìn thấy đáy, đâu rồi làn môi trinh trắng ngây thơ vừa nóng bỏng vừa sợ sệt khi tôi đặt lên đó nụ hôn. Đâu rồi cô học trò bất ngờ sững sốt, ngây thơ, mở to đôi mắt kinh ngạc khi tôi lí nhí ngỏ lời yêu... Ký ức ùa về, tôi nghẹn ngào, cay đắng:
“Lụa ơi… Em ở đâu? Tôi đi tìm em!”

NGUYỄN THỊ LÊ NA

Không có nhận xét nào: