Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Lên XeTiễn Ai Đi! (BP Viết Cho Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng) - BP

( Cung trầm Tưởng)
Có lần, nhà văn Mai Thảo, con chim đầu đàn của Sáng Tạo, nói với ông Du Tử Lê:“… Anh em Sáng Tạo thích lục bát Cung Trầm Tưởng lắm. Dù nó chỉ làm được ít bài rồi thôi. Chúng tôi từng gọi nó là "Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới’…” . Thoạt mới đọc,! tôi ngạc nhiên lắm : Ủa, lục bát của bà Huyện Thanh Quan thì tôi chỉ biết có mấy câu, qua giai thoại Nguyễn Thị Đào, có gì đâu mà so sánh với tài thơ Cung trầm Tưởng ?!
<!>
Xin nhắc lại giai thoại "Nguyễn thị Đào": sau khi chồng mất tích mấy năm, nhà trống, giường ... không, cô Đào đệ đơn lên Huyện đường, xin phép cho cô lấy chồng khác. Hôm xử, ông Huyện Thanh Quan bận, nên bà Huyện "xử lý thường vụ". Và phê đơn rằng:

Phán cho cô Nguyễn thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng "Xuân bất tái lai"
Lấy chồng thì lấy , lấy ai xin đừng

Đọc lời phê này, cô Đào .. phê quá, sang sông lấy ngay. Ít lâu sau, anh chồng cũ trở về, thấy tấm lụa đào đã phất vào tay đứa khác, nên anh kiện lại ông Huyện. Ông Thanh Quan không biết nói sao, quay sang cằn nhằn bà xã, thì bà tỉnh bơ đáp «Thì tôi đã viết:"lấy CHỒNG (cũ) thì lấy , lấy AI ( khác) xin đừng" mà!

( Cung trầm Tưởng)

Mang 4 câu lục bát đó so sánh với lục bát Cung trầm Tưởng chả nhẽ nhóm Sáng Tạo lại đi chọc quê người mà họ đã đứng ra xuất bản tập thơ ?! Anh Du tử Lê cũng ngạc nhiên như tôi, nên anh hỏi và được ông Mai Thảo trả lời:"… Ờ… thì anh em thấy lục bát của nó mượt mà, óng ả như nhung lụa vậy mà…”

Dường như, lúc sinh tiền, anh Bùi Bảo Trúc có viết, đại khái, thơ lục bát Việt Nam có 4 "dòng thơ" (đổi mới) chính: Nguyễn Du, Huy Cận, Cung trầm Tưởng, Du Tử Lê.

Tôi đồng ý với nhận xét này. Dòng thơ lục bát Nguyễn Du, nhịp thơ lục bát "Kiều", trước Cụ Nguyễn không có ai, sau Cụ cũng không. Nhưng không phải vì thế mà lục bát Việt Nam cụt đường.

Thập niên 30s thế kỷ trước , lục bát lại lên đường. Nó "độc đáo" với Tản Đà, nó "du dương" với Thế Lữ, nó "ca dao"với Nguyễn Bính, nó "tây phương" với Xuân Diệu v.v
Nhưng chỉ với Huy Cận thì nó mới mang một sắc thái mới, rất "cổ kim hòa điệu": những con chữ lạ lẫm Việt Nam trong một không gian Đường thi ấm cúng, những ý tưởng tây phương trong một thể thơ thuần túy đông phương."Em ơi hãy ngủ , anh hầu quạt đây". Thời Huy Cận, có bao nhiêu chàng "hầu quạt" cho người yêu ngủ? Huy Cận là một Trương Vô Kỵ (kẽ lông mày cho Triệu Minh) trong giới cao thủ thi ca tiền chiến.

Tôi không nghĩ lục bát họ Cung chỉ giống thơ bà Huyện Thanh Quan ở chỗ "mượt mà, óng ả" . Nếu lục bát họ Cù giống thơ bà Huyện ở chỗ " buồn buồn" ( nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn / Buồn đêm mưa ) thì lục bát họ Cung, tuy có đỡ hơn tí, nhưng cái vui của ông chỉ là chút nhoẻn miệng tí ti ( Chờ em anh để râu xanh / Lòng xây bốn bức trường thành giam em" / Râu xanh. "Yêu em yêu đến môi mềm Yêu cho tim rụng xuống thềm bụng em…/ Bằng không ) …

Khác với Huy Cận, lục bát của Cung Trầm Tưởng, ngoài cách ngắt nhịp câu thơ, còn xuất hiện nhiều từ "mới", những từ mà, viết riêng ra thì cũ rích, nhưng khi ông mang chúng vào những câu 6, 8, thì chúng là của riêng ông. Made in CTT."Thôi em xanh mắt bồ câu / Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau / Kiếp sau".

Sau 5 năm du học Pháp, 1957, kỹ sư (không quân) Cung thức Cần (tên thật của Cung trầm Tưởng), trở về Sài Gòn, phục vụ trong Không Quân VNCH. 1959, tạo chí Sáng Tạo xuất bản thi phẩm đầu tay của Cung trầm Tưởng: "Tình Ca", với 13 bài thơ. 6 bài được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, nổi tiếng nhất là "Lên Xe Tiễn Em Đi". Từ đó tên tuổi Cung trầm Tưởng "lên ngôi"trong văn chương, nghệ thuật miền Nam.

Tù cải tạo từ 1975 – 1985, 1993 Trung tá Không quân Cung Thức Cần sang Hoa Kỳ theo diện HO. Với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Cung Tiến, ông và gia đình định cự ở tiểu bang Minnesota.

Ông sanh ngày 28/2/1932, mất ngày 9/10/2022, thọ 90 tuổi. Năm 2022 này, họ Cung mất hai người con nổi tiếng. Văn nghệ miền Nam mất hai nghệ sĩ tài hoa và trí thức: Cung Thức Tiến và Cung Thức Cần!

( Từ Trái: Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng)

Những ngày Paris hôm nay, ở "gare Lyon đèn vàng", có ai "cầm tay nhau muốn khóc" khi hay tin người thi sĩ đó ra đi?!

Vĩnh biệt thi sĩ Cung trầm Tưởng!

BP
10/10/2022

Không có nhận xét nào: