Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :21//10/2022 - DHL


Mỹ xem xét hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan Chính phủ Mỹ đang xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan, giới vận động hành lang cho biết hôm thứ Tư (19/10). Đây được coi là một sáng kiến nhằm tăng tốc chuyển giao vũ khí để tăng cường khả năng răn đe của Đài Bắc đối với Trung Quốc, biến hòn đảo trở thành “con nhím” khó bị Trung Quốc tấn công. Kể từ năm 2017, chính phủ Mỹ đã phê duyệt hơn 20 tỷ USD trong các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự lên hòn đảo dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình, theo tờ Reuters.
<!>
Tuy nhiên, quá trình giao hàng đã bị đình trệ bởi vấn đề thiếu nguồn cung và nhu cầu của một số loại khí tài gia tăng do cuộc xung đột Ukraine.

Khi được hỏi về nỗ lực này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Washington đang xem xét tất cả các phương án để đảm bảo chuyển giao nhanh chóng các khả năng phòng thủ cho Đài Loan".

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cũng từ chối bình luận trực tiếp về vấn đề này, nhưng thừa nhận rằng Mỹ đang cân nhắc các khả năng hợp tác với Đài Loan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan, bà Âu Giang An (Ou Jiangan), cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 20/10 rằng, quan hệ đối tác an ninh Mỹ - Đài Loan là rất vững chắc.
Bà nói, các chính phủ Mỹ đã nhiều lần lặp lại các cam kết an ninh của họ với Đài Loan dựa trên "Đạo luật Quan hệ Đài Loan" và "Sáu đảm bảo". Bên cạnh đó, sức mạnh chiến đấu phi đối xứng của Đài Loan cũng được thảo luận chặt chẽ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao không có bình luận gì thêm về thông tin xung quanh thương vụ hợp tác này.

Bà Âu Giang An nhấn mạnh, trước sự bành trướng quân sự không ngừng và hành vi khiêu khích của Trung Quốc, Đài Loan có đủ quyết tâm để tự vệ.

Ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Đài Loan, cho biết, những khó khăn về việc hợp tác sản xuất vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan xảy ra ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch.

Bên cạnh đó, ông Hammond-Chambers cũng nhấn mạnh rằng, các tập đoàn quân sự muốn hợp tác sản xuất với Đài Loan sẽ cần phải có giấy phép hợp tác sản xuất từ Bộ Quốc phòng và chính quyền liên bang. Quá trình này có thể diễn ra rất phức tạp, bởi nhiều nhà lập pháp không thích ý tưởng cung cấp công nghệ quốc phòng quan trọng cho một đối tác nước ngoài.

Tờ Nikkei của Nhật Bản lần đầu tiên đưa tin về kế hoạch này, trích dẫn 3 nguồn tin ẩn danh cho biết, "Việc hợp tác sản xuất chỉ là một mảnh ghép, không phải là nhân tố thay đổi cục diện trên Eo biển Đài Loan".

Tờ Nikkei cho biết thêm, các khả năng hợp tác bao gồm: Mỹ cung cấp công nghệ sản xuất vũ khí tại Đài Loan hoặc sản xuất vũ khí tại Mỹ và sử dụng các bộ phận của Đài Loan.

Tin tức về kế hoạch này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại một diễn đàn tại Đại học Stanford hôm thứ Hai (17/10) rằng, "Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi việc thống nhất với Đài Loan theo một mốc thời gian gấp gáp hơn nhiều", mặc dù ông không nói rõ ngày tháng.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Chủ nhật (16/10) nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, mà sẽ nỗ lực vì một giải pháp hòa bình.

Văn phòng tổng thống Đài Loan trong tuần này cho biết, hòn đảo sẽ không lùi bước về vấn đề chủ quyền, đồng thời sẽ không thỏa hiệp về tự do và dân chủ.

Các quan chức Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh sử dụng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8 như một cái cớ để thay đổi hiện trạng trên eo biển Đài Loan.

Ukraina nói Nga đang vật lộn để trả tiền cho binh lính


ông chỉ có tinh thần thấp và muốn đào ngũ, quân đội Nga và gia đình của họ cũng phải đối mặt với các vấn đề về lương bổng

Quân đội Ukraina cho biết: “Có những vấn đề đáng kể ở Liên bang Nga với các khoản thanh toán bằng tiền cho các quân nhân tham gia vào cuộc chiến trên lãnh thổ Ukraine. Việc thanh toán các khoản hỗ trợ tài chính cho binh lính đang bị trì hoãn”

“Thân nhân của những người thiệt mạng không nhận được khoản bồi thường đã hứa”,

Đây không phải là báo cáo đầu tiên về việc binh lính Nga không nhận được hỗ trợ tài chính như đã hứa. Vào tháng 8, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, D.C, nói rằng những người lính dự bị và tình nguyện viên của Nga đã phàn nàn rằng họ không được trả lương, không cho ăn đầy đủ hoặc được cung cấp những lợi ích mà họ đã được hứa hẹn

Ngày 15/10, các quan chức quốc phòng Anh cho biết, nhiều lính nghĩa vụ Nga phải tự bỏ tiền mua áo giáp, đặc biệt là loại áo giáp hiện đại 6B45 đang được rao bán trên các trang mua sắm trực tuyến của Nga với giá 40.000 rúp (khoảng 640 đô la Mỹ), tăng so với khoảng 12.000 rúp (khoảng 190 đô la Mỹ) vào tháng Tư.

Phần Lan dự định xây tường biên giới với Nga để ngăn chặn người di cư vượt biên


Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm thứ Ba rằng bà tin sẽ nhận được “sự ủng hộ rộng rãi” trong Quốc hội cho việc xây dựng hàng rào ở biên giới phía đông của đất nước với Nga, một động thái mà Lực lượng Biên phòng Phần Lan đã kêu gọi gần đây.

Theo đề xuất của Lực lượng Biên phòng Phần Lan, nước này sẽ xây dựng hàng rào dọc theo một phần của biên giới dài hơn 1.300km với Nga, hàng rào dài nhất trong số các thành viên của Liên minh châu Âu.

Tổng hàng rào biên giới được đề xuất sẽ dài từ 130km đến 260km, với phần chính nằm xung quanh các chốt kiểm soát biên giới ở đông nam Phần Lan

Theo các báo cáo, một đoạn thử nghiệm hàng rào dài 3km sẽ được xây dựng nhanh chóng, trong khi quyết định cuối cùng về việc xây dựng toàn bộ hàng rào có thể sẽ được giao cho chính phủ tiếp theo vào năm 2023.

Dự án sẽ được hoàn thành trong vòng ba đến bốn năm và ước tính sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu euro, theo ước tính của các quan chức biên giới.

Hiện tại, chỉ có một hàng rào bằng gỗ nhẹ đánh dấu biên giới giữa Phần Lan và Nga. Nhưng sự thù địch đã gia tăng giữa hai nước sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, khi Phần Lan tìm kiếm tư cách thành viên NATO, và Helsinki lo ngại Moscow có thể sử dụng vấn đề di cư để gây áp lực chính trị lên Phần Lan.

Hàng rào được đề xuất sẽ ngăn chặn người nhập cư quy mô lớn vào nước này từ Nga, một viễn cảnh đã bất ngờ thành hiện thực sau lệnh triệu tập quân sự gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Vào cuối tháng 9, chính phủ Phần Lan thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới đối với người Nga đi du lịch hoặc quá cảnh tới đất nước này “cho đến khi có thông báo mới” sau khi ước tính có khoảng 17.000 người Nga đã vượt biên vào để trốn quân dịch ở quê nhà.

Bà Marin nói với các phóng viên sau cuộc họp giữa các bên để thảo luận về đề xuất hôm thứ Ba rằng việc này “nhằm đảm bảo giám sát thích hợp biên giới [phía đông] của Phần Lan trong tương lai.”

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có đủ sự hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ biên giới của chúng tôi để thực hiện kiểm soát biên giới hiệu quả và phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cần chuẩn bị cho bất kỳ tình huống gây rối nào”, bà nói thêm.

Việc xây dựng hàng rào mới đã được cho phép theo một luật mới được Quốc hội Phần Lan thông qua vào tháng 7, khi nước này phê duyệt việc tăng cường hàng rào dọc biên giới Phần Lan với Nga.

“Do hoạt động chính trị và sức ép của Đảng Phần Lan, Quốc hội Phần Lan đã thông qua luật cần thiết vào mùa hè, cho phép tạm thời đóng cửa biên giới phía đông và đình chỉ quy trình xin tị nạn”, chủ tịch Đảng Phần Lan Riikka Purra nói với Newsweek.

Bà nói thêm: “Để bảo vệ hiệu quả biên giới phía đông của Phần Lan, một số phần nhất định của biên giới phải được bảo vệ bằng hàng rào biên giới và các biện pháp kỹ thuật khác. Tất cả các quốc gia có biên giới khác đều đã có hàng rào chống lại Nga.”

Kể từ đầu cuộc chiến, Phần Lan đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga đối với quốc gia láng giềng và ủng hộ độc lập và chủ quyền của Ukraine.

Kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố ý định gia nhập NATO, Nga đã đe dọa hai nước, nói rằng sẽ có “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị” nếu họ tham gia liên minh.

Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Phần Lan cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Phần Lan đang theo dõi tình hình an ninh ở châu Âu rất kỹ lưỡng và chúng tôi đã thực hiện các biện pháp liên quan đến sự chuẩn bị sẵn sàng của mình, chẳng hạn như tăng cường số lượng các cuộc tập trận và mức độ đào tạo bồi dưỡng cho các quân nhân dự bị của chúng tôi.”

Tòa án Nga ra lệnh giam giữ nhà báo bất đồng chính kiến Ovsyannikova


Hãng thông tấn Interfax cho hay, một tòa án Nga hôm 20/10 đã ra lệnh giam giữ nhà báo truyền hình Marina Ovsyannikova, hơn 6 tháng sau khi cô phát biểu trên truyền hình lên án Điện Kremlin đang nói dối về cuộc chiến Ukraine.

Tuần này, luật sư của nhà báo Ovsyannikova cho biết, cô đã rời khỏi Nga sau khi từ chối tuân theo các biện pháp quản thúc tại gia mà cô phải chịu.

“Đối với cô Ovsyannikova, tòa án đã ra lệnh giam giữ cô ấy trong vòng 1 tháng 29 ngày, áp dụng kể từ thời điểm bị cáo bị dẫn độ đến Liên bang Nga hoặc kể từ thời điểm bị bắt tại Liên bang Nga,” Interfax dẫn lời các quan chức tòa án cho hay.

Tuy nhiên, tòa án đã từ chối yêu cầu của các nhà điều tra hồi đầu tháng về việc phát lệnh bắt giữ nữ nhà báo.

Cô Ovsyannikova sinh ra tại Ukraine. Trong một buổi phát sóng trực tiếp hồi tháng 3, cô đã giơ một tấm biển trên truyền hình kêu gọi người Nga không tin vào những lời tuyên truyền. Tấm biển có nội dung: “Hãy ngừng chiến tranh. Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối bạn ở đây.”

Sau đó, cô đã bị phạt 30.000 rúp (460 bảng Anh) vì vi phạm luật biểu tình.

Cô Ovsyannikova tiếp tục phản đối chiến tranh và bị quản thúc tại gia với cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch về lực lượng vũ trang sau một cuộc biểu tình vào tháng 7 khi cô đứng trên bờ sông đối diện với Điện Kremlin và giơ một tấm áp phích gọi ông Putin là kẻ giết người và những người lính của ông ta là phát xít. Lực lượng an ninh đã đột kích vào nhà của cô vào tháng 8.

Nữ nhà báo Ovsyannikova phải đối mặt với án tù 10 năm theo quy định được quốc hội phê chuẩn sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2.

Việc quản thúc tại gia của cô kéo dài đến ngày 9/10, nhưng cô đã bỏ trốn cùng con gái 11 tuổi. Cô cho biết trong một bài đăng trực tuyến:“Tôi tự coi mình là người hoàn toàn vô tội… Tôi từ chối tuân thủ các biện pháp hạn chế áp đặt đối với tôi kể từ ngày 30/9/2022 và tự giải thoát cho mình.”

Ba Lan mua gần 300 pháo phản lực Hàn Quốc


Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak ngày 20/10 cho biết lô đầu tiên gồm 18 bệ phóng pháo phản lực Chunmoo sẽ được chuyển giao vào năm 2023 để bảo vệ miền đông Ba Lan. Các vũ khí này do Hanwha Defense, đơn vị quốc phòng của Tập đoàn Hanwha Hàn Quốc, sản xuất.

Thỏa thuận được công bố khi các công ty Hàn Quốc vận chuyển lô xe tăng và pháo đầu tiên tới Ba Lan.

Trước đó, hai nước đã ký hợp đồng vũ khí trị giá 5,8 tỷ USD tại Warsaw vào tháng 7.

Công ty Hyundai Rotem cho biết lô khí tài đầu tiên gồm 10 xe tăng K2 Black Panther trong số 180 xe tăng sẽ được bàn giao vào năm 2025. Trong khi đó, Hanwha Defense xác nhận đang gửi 24 pháo tự hành K9, trong số 212 chiếc sẽ được chuyển giao vào năm 2026.

Ba Lan cũng đã đồng ý mua 48 máy bay chiến đấu FA-50 từ Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết các máy bay này sẽ được chuyển giao vào năm tới.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak dự kiến sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup tại Seoul vào ngày 18/10, nhưng rốt cuộc hai bên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 19/10 do trục trặc về lịch trình.

Hàn Quốc đang trở thành đối tác mới của chính phủ Ba Lan trong các giao dịch vũ khí. Ngày 27/7, hai bên đã ký một thỏa thuận vũ khí bao gồm 1.000 xe tăng chiến đấu K2, 672 lựu pháo K-9 và 48 máy bay chiến đấu FA-50 do các công ty Hàn Quốc phát triển. Thỏa thuận này ước tính lên tới 40 nghìn tỷ won (28,17 tỷ USD).

Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ với các nước thành viên NATO. Hàn Quốc muốn thiết lập quan hệ liên minh với các quốc gia thành viên NATO trong các lĩnh vực không phổ biến hạt nhân, chống tấn công mạng, chống khủng bố và các lĩnh vực khác.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về an ninh của nhiều quốc gia thành viên NATO, trong đó có Ba Lan. Ba Lan tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP và tăng quy mô quân đội lên hơn 2 lần.

Không có nhận xét nào: