Điểm Nóng Thời Cuộc: Tình Hình Thời Sự Sau Khi Nga Sát Nhập 4 Vùng Của Ukrain - Tổng thống Volodymyr Zelensky lên án Nga ký Sắc lệnh sát nhập: “Chúng ta phải giải phóng toàn bộ vùng đất của mình, và đây sẽ là bằng chứng tốt nhất cho thấy luật pháp quốc tế và giá trị con người, không thể bị phá vỡ bởi bất kỳ quốc gia khủng bố nào!…”
Cuộc Chiến Vào Giai Đoạn Quyết Liệt! Một Sống Một Còn!
Tin Vui: Ukraine Giành Lại Đô Thị Quan Trọng Chiến Lược Lyman Ngay Sau Tuyên Bố Sáp Nhập của Nga!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay chiều ngày 1/10/2022, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo các lực lượng Ukraine đã tiến vào thành phố chiến lược Lyman, miền Đông Ukraine.
Theo nhiều nhà quan sát, đây là chiến thắng quan trọng nhất của quân đội Ukraine kể từ đợt phản công tháng Chín tại các vùng miền Đông và Đông-Bắc. Thông tin về chiến thắng được đưa ra đúng vào lúc Ðiện Cẩm Linh vừa tuyên bố sáp nhập 4 vùng đất của Ukraine vào Nga, bao gồm thành phố Lyman.
Trên trang mạng Twitter, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo: “Các đơn vị đổ bộ đường không của Ukraine đã vào Lyman, vào được Donetsk”. Thông tin đi kèm đoạn video cho thấy hai người lính đang treo lá quốc kỳ hai màu vàng – xanh da trời trên một lối vào thành phố. Cùng lúc Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo cho biết các lực lượng Nga “rút khỏi Lyman về các vị trí thuận lợi hơn, để tránh nguy cơ bị bao vây”.
Theo hãng tin Ukraine Interfax, trước đó, phát ngôn viên của các lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine, Serguiï Tcherevatiï, thông báo có “khoảng từ 5.000 đến 5.500 quân Nga” đang bị bao vây tại thành phố Lyman và các vùng ngoại vi trong những ngày gần đây. Thống đốc tỉnh Lugansk của chính quyền Ukraine, ông Serguiï Gaïdaï, khẳng định: quân Nga bị vây hãm tại chảo lửa Lyman, chỉ có ba lựa chọn: “tháo chạy, tử chiến tại chỗ hoặc đầu hàng”.
Vì sao việc Lyman thất thủ là một đòn nặng nề đối với quân đội Nga, trả lời RFI, tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Défense Nationale (Quốc phòng) giải thích: “Thành phố này nắm tại một tụ điểm hậu cần quan trọng, nơi giao cắt của nhiều tuyến đường bộ và đường sắt”, cho phép Nga cung cấp đạn dược, khí tài và nhu yếu phẩm cho các đơn vị trên tuyến đầu, đặc biệt tại tỉnh Lugansk. Quân Nga đã chiếm được Lyman từ tháng 5/2022.
Đối với quân đội Ukraine, việc chiếm lại được thành phố tạo một bàn đạp cho đà tiến tiếp theo của cuộc phản công với đích ngắm chủ yếu là tỉnh Lugansk, nơi quân Nga hiện kiểm soát gần như toàn bộ. Thành phố chiến lược Izyum nằm ở Đông-Nam tỉnh Kharkiv, sát với vùng cực Bắc tỉnh Donestk. Izyum cách biên giới Nga khoảng 100 cây số, và nằm cách thành phố Sevrodonetsk (tỉnh Lugansk) khoảng 30 cây số.
Ngay sau thắng lợi tại Lyman, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua báo trước các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiếp tục giành thêm nhiều thành phố khác thuộc tỉnh Donetsk “trong tuần tới”. Tổng thống Ukraine khẳng định nội bộ chính quyền Nga đang bối rối sau thất bại ở Lyman, “bắt đầu đổ lỗi cho nhau, tìm kiếm thủ phạm, và quy tội cho các tướng lĩnh …. Đây là dấu hiệu đáng báo động đầu tiên có thể thấy ở mọi cấp chính quyền Nga”.
Nguyên thủ Ukraine cảnh báo: “Chừng nào các vị không giải quyết được vấn đề gốc rễ, tức quyết định khởi động cuộc chiến tranh điên rồ chống Ukraine này, các vị sẽ trở thành những con dê tế thần. Và hết kẻ này đến kẻ khác sẽ bị loại trừ, bởi các vị không chấp nhận rằng cuộc chiến này là một sai lầm lịch sử của nước Nga”.
Chiến Thắng Lớn! Lực Lượng Ukraine Phá Vỡ Chiến Tuyến Của Nga Trong Cuộc Tiến Công Lớn Về Phía Nam!
*
(Hình: Ông Anton Gerashchenko, một Cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine.)
Hôm 3/10/2022, các lực lượng Ukraine đạt được bước đột phá lớn nhất ở miền Nam kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, phá vỡ các chiến tuyến của Nga và tiến nhanh dọc theo sông Dnipro, đe dọa đường tiếp tế cho hàng ngàn quân Nga.
Kyiv đưa ra rất ít thông tin về những thắng lợi, nhưng các nguồn tin Nga thừa nhận rằng một cuộc tấn công của xe tăng Ukraine đã tiến sâu hàng chục cây số dọc theo bờ tây của con sông, chiếm lại một số ngôi làng trên đường đi.
Bước đột phá này tương tự những thành công gần đây của Ukraine ở phía Đông vốn xoay chuyển tình thế, ngay cả khi Mạc Tư Khoa cố gắng nâng cao lợi thế bằng cách sáp nhập lãnh thổ, ra lệnh động viên và đe dọa trả đũa nguyên tử.
“Tin tức đang căng thẳng, hãy nói theo cách đó, bởi vì, đúng là đã có những bước đột phá”, ông Vladimir Saldo, nhà lãnh đạo do Nga bổ nhiệm tại các khu vực chiếm đóng ở tỉnh Kherson của Ukraine, nói với kênh truyền hình nhà nước Nga.
Trong khi Kyiv vẫn chưa đưa ra tin tức về các diễn biến, các viên chức quân sự và khu vực đã tiết lộ một số chi tiết.
Các binh sĩ thuộc Lữ đoàn 128 của Ukraine đã giương cao lá cờ xanh và vàng của đất nước ở Myrolyubivka, một ngôi làng nằm giữa mặt trận cũ và Dnipro, theo một đoạn video do Bộ Quốc phòng công bố.
Ông Anton Gerashchenko, một Cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, đăng một bức ảnh các binh sĩ Ukraine chụp với quốc kỳ phủ trên bức tượng vàng của một thiên thần tại một ngôi làng mà ông nói là Mikhailivka, trên bờ sông cách mặt trận trước kia khoảng 20 cây số.
Ông Serhiy Khlan, một thành viên hội đồng khu vực Kherson, cũng liệt kê Osokorivka, Mykhailivka, Khreschenikvka và Zoloto Balka là những ngôi làng mà Ukraine tái chiếm, hoặc nơi đã có những tấm ảnh chụp của quân đội Ukraine.
Thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng ngay các bức hình này được ghi lại ở đâu.
Chiến Thuật Tương Tự Phía Đông
Cuộc tiến công ở phía Nam phản ánh các chiến thuật đã mang lại cho Kyiv những thắng lợi lớn kể từ đầu tháng Chín ở miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng của họ nhanh chóng chiếm giữ lãnh thổ để giành quyền kiểm soát các tuyến tiếp tế của Nga, cắt đứt các lực lượng lớn hơn của Nga và buộc họ phải rút lui.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau buổi hòa nhạc trên Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa hôm 30/9, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia mãi mãi là lãnh thổ của Nga, Ukraine đã tái chiếm Lyman, pháo đài chính của Nga ở phía Bắc tỉnh Donetsk.
Điều đó đã mở ra con đường cho Ukraine tiến sâu vào tỉnh Luhansk, đe dọa các tuyến đường tiếp tế chính đến lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa đã chiếm được trong một số trận chiến đẫm máu nhất vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Ở phía Nam, cuộc tiến công của Ukraine nhắm vào các đường tiếp tế cho khoảng 25.000 quân Nga ở bờ Tây sông Dnipro. Ukraine đã phá hủy các cây cầu chính, buộc lực lượng Nga phải sử dụng các cầu vượt tạm thời. Một bước tiến đáng kể dọc theo phía hạ lưu con sông có thể cắt đứt hoàn toàn quân Nga.
Trả đũa những thất bại của Nga trên chiến trường trong tháng qua, ông Putin đã leo thang chiến tranh - tuyên bố sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng, huy động hàng chục ngàn quân trừ bị và đe dọa trả đũa nguyên tử.
Truyền thông Nga hôm 3/10 đưa tin chỉ huy quân khu phía Tây của Nga, giáp Ukraine, đã mất chức. Đây là thông tin mới nhất trong loạt viên chức hàng đầu bị sa thải sau thất bại.
Ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo thân Putin của tỉnh Chechnya thuộc Nga, yêu cầu tước huy chương và đẩy ra tiền tuyến người chỉ huy lực lượng Nga ở miền Đông Ukraine.
Ông Kadyrov cũng cho rằng Nga nên sử dụng vũ khí nguyên tử. Putin và các viên chức khác đã nói rằng họ có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ lãnh thổ Nga, bao gồm cả các tỉnh mới sáp nhập.
Canh bạc lớn khác của ông Putin, đợt huy động quân sự hàng loạt đầu tiên của Nga kể từ Ðệ nhị Thế chiến, đã chìm trong hỗn loạn. Hàng chục ngàn người đàn ông Nga đã được gọi động viên, trong khi hàng chục ngàn người khác đã bỏ trốn ra ngoại quốc. Các nước phương Tây cho rằng Mạc Tư Khoa thiếu nguồn cung cấp và nhân lực để đào tạo hoặc trang bị cho lính nghĩa vụ mới.
Ông Mikhail Degtyarev, Thống đốc vùng Khabarovsk ở Viễn Đông Nga, ngày 3/10 cho biết khoảng phân nửa trong số những người được động viên đã được phát giác không phù hợp và đã được trả về nhà. Ông đã sa thải chính ủy quân sự của khu vực.
NATO, Mỹ, Tin Tưởng Quân Đội Ukraine Chắc Chắn Có Thể Đẩy Lùi Quân Xâm Lược Nga!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay việc quân đội Ukraine hôm 2/10/2022 giải phóng thành phố chiến lược Lyman, miền Đông Ukraine, mà Tổng thống Nga vừa tuyên bố sát nhập vào Liên bang Nga, làm tăng thêm niềm tin của phương Tây vào năng lực của các lực lượng vũ trang Ukraine.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ NBC, hôm 2/10/2022, Tổng Thư ký khối Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định: Chiến thắng này cho thấy quân đội Ukraine đang tiến bước, và có khả năng đẩy lùi được quân Nga. Tổng Thư ký NATO cũng nhấn mạnh là việc duy trì các hỗ trợ đối với Kyiv là “phương tiện tốt nhất để chống lại chính sách sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ Ukraine của Mạc Tư Khoa”. Ông Jens Stoltenberg một lần nữa cảnh báo việc Mạc Tư Khoa liều lĩnh sử dụng vũ khí nguyên tử sẽ khiến Nga phải gánh chịu các hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xác nhận các lực lượng vũ trang Ukraine đã “đã làm rất, rất tốt ở khu vực Kharkiv”. Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc phản công tại tỉnh Kherson (miền Nam) diễn ra chậm hơn một chút, nhưng quân đội Ukraine cũng đang có nhiều tiến bộ.
Về tình hình tại chỗ, sau khi giành lại được thành phố chiến lược Lyman hôm qua, quân đội Ukraine tiếp tục tiến xa hơn về phía Đông, trực tiếp đe dọa nhiều tuyến giao thông chiến lược của quân Nga tại vùng Donbass. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (IWS), có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, dẫn một số nguồn tin Nga, cho hay các lực lượng Nga sau khi rút khỏi khu vực Lyman có khả năng dồn lực lượng về bảo vệ các vị trí xung quanh thị trấn Kreminna (Lugansk) và xa lộ R66 nối liền Kreminna với Svatove, một thành phố chiến lược khác thuộc tỉnh Lugansk, cách Lyman khoảng 50 cây số về phía Đông-Bắc.
Việc Lyman thất thủ gây nhiều phản ứng bất bình trong nội bộ chính quyền Nga. Viện ISW dẫn một số nguồn tin cho biết nhiều nhà bình luận quân sự Nga đã chỉ trích chính quyền “thất bại trong việc cung cấp đủ nguồn lực cho quân đội, cũng như việc thiếu minh bạch về tình hình chiến sự”. Các nhà tuyên truyền của Ðiện Cẩm Linh thậm chí đã cắt ngang một phát biểu của cựu Phó Tư lệnh Quân khu phía Nam của Nga, tướng Andrey Gurulyov, trong một chương trình trực tiếp, khi viên tướng này bắt đầu quy lỗi cho chỉ huy quân sự cấp cao hơn về thất bại tại Lyman.
Tổng thống Cộng hòa Tchetchenia (thuộc Nga), Ramzan Kadyrov, đã lên án thượng tướng Alexander Lapin, chỉ huy cụm tập đoàn quân Trung tâm, trong “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine, phụ trách Lyman, và cáo buộc tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov “che giấu thất bại tại Lyman”. Theo ISW hôm qua, các chỉ trích trực tiếp của Tổng thống Tchetchenia nhắm vào thượng tướng Lapin có thể coi là một hành động “tấn công gián tiếp” nhắm vào uy tín của Tổng thống Putin.
Nhiều Nước Liên Hiệp Âu Châu Viện Trợ Ào Ạt, Giao Thêm Nhiều Vũ Khí Cho Ukraine!
- Ngày 3/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay nhiều nước Liên Hiệp Âu Châu thông báo sẽ cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Ukraine.
Ngày 2/10, chính quyền Bá Linh cho biết Đức, Đan Mạch và Na Uy sẽ giao cho Kyiv 16 khẩu pháo tự hành ngay từ năm 2023. Còn Pháp sẽ cung cấp 20 xe bọc thép Bastion, sau khi có tin Paris sẽ giao thêm cho Kyiv từ 6 đến 12 đại bác Caesar.
Thông báo được Bá Linh đưa ra sau chuyến thăm thành phố cảng Odessa, miền Nam Ukraine, của Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht. Đức, Na Uy và Đan Mạch nhất trí tài trợ toàn bộ số pháo Zuzana-2, do Slovakia sản xuất, với tổng trị giá 92 triệu Euro. Theo dự kiến, Ukraine sẽ nhận được từ năm 2023.
Về phía Pháp, sau thông tin sẽ giao thêm đại bác Caesar, trang La Tribune ngày 3/10 cho biết Paris sẽ cung cấp 20 xe thiết giáp Bastion nặng 12,5 tấn, có thể chở 10 người, cho chính quyền Kyiv. Bộ Quân lực Pháp đang hoàn tất hợp đồng với nhà sản xuất Arquus, thuộc tập đoàn Thụy Điển Volvo. Xe Bastion được quân đội nhiều nước Phi Châu sử dụng.
Ukraine tìm cách tăng cường kho vũ khí hạng nặng để đẩy lùi quân Nga. Tuy nhiên, Đức vẫn từ chối giao xe tăng Leopard, theo yêu cầu của chính quyền Kyiv, vì cho rằng một quyết định như vậy phải được thảo luận với các đồng minh phương Tây. Để trấn an Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht khẳng định trên đài truyền hình Đức ARD1 rằng Bá Linh “sẽ tiếp tục cam kết bằng nhiều cách khác nhau”.
Về mặt ngoại giao, theo thông tấn xã AFP, Liên Hiệp Âu Châu (EU) sẽ tổ chức một cuộc họp toàn Âu Châu ngày 6/10 tại Praha (CH Czech) để phối hợp đáp trả Nga. Tiếp theo, ngày 7/10, lãnh đạo của 27 nước sẽ họp thượng đỉnh phi chính thức về ba chủ đề: Cuộc chiến của Nga tại Ukraine, năng lượng, tình hình kinh tế. Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel khẳng định “sẽ thảo luận về cách tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ kinh tế, quân sự, chính trị và tài chánh cho Ukraine chừng nào còn cần thiết”.
Bầu Cử Latvia: Đảng Phái Thân Phương Tây Thắng Lớn, Phe Thân Nga Suy Yếu Thê Thảm!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay theo kết quả chính thức công bố tối 2/10/2022, đảng cánh trung của Thủ tướng mãn nhiệm Krisjanis Karins đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Latvia, quốc gia vùng Baltic 2 triệu dân, thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU). Trong số các đảng thân Nga chỉ có duy nhất một đảng giành được quá 5% phiếu bầu.
Thông tấn xã AFP dẫn thông báo của Ủy ban Bầu cử Trung ương Latvia, cho hay đảng Jaunā Vienotība (New Unity - Đoàn Kết Mới) của Thủ tướng Krisjanis Karins được 18,97% phiếu bầu, và trở thành lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội, với 26 Nghị sĩ trên tổng số 100. Tổng cộng 7 đảng phái chính trị hiện diện tại Quốc hội. Hai đảng cánh trung khác, gồm liên đảng Apvienotais Saraksts (AS - gồm đảng Xanh và nhiều đảng phái địa phương) và đảng trung hữu NA đạt lần lượt 11,01% và 9,29% phiếu bầu, có khả năng tham gia liên minh cùng với đảng của Thủ tướng mãn nhiệm, để lập chính phủ.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine đã đóng vai trò lớn trong việc cán cân nghiêng hẳn về phía đảng của Thủ tướng mãn nhiệm và liên đảng AS. Trả lời thông tấn xã AFP, nhà chính trị học Filips Rajevskis giải thích, uy tín của hai đảng phái nói trên gia tăng do lập trường dứt khoát “bảo vệ an ninh quốc gia”, chống cuộc xâm lăng của Nga.
Đảng Xã hội Dân chủ Saskana (tạm dịch là Hài Hòa), vốn gần gũi với thiểu số nói tiếng Nga tại Latvia với 30% dân số, thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử vừa qua. Đảng Hài Hòa vốn thường xuyên dẫn đầu trong các cuộc bầu cử Quốc hội Latvia từ một thập niên nay. Với số cử tri ủng hộ dưới 5% phiếu bầu, đảng Saskana không lọt vào Quốc hội. Đảng duy nhất được thiểu số nói tiếng Nga ủng hộ, lọt vào Quốc hội, là đảng trung hữu JV, với 11 Dân biểu đắc cử.
Bầu cử Quốc hội cũng diễn ra tại Bảo Gia Lợi hôm 2/10. Đảng bảo thủ Gerb của Thủ tướng Boiko Borissov về đầu, nhưng số phiếu bầu chỉ khoảng từ 23 đến 25% theo kết quả sơ bộ. Theo nhà Chính trị học Daniel Smilov, tình hình có thể còn khó khăn hơn sau cuộc bầu cử này, khi đảng của Thủ tướng mãn nhiệm không lập được liên minh để có được đa số tại Quốc hội. Đảng đối thủ cánh trung của chính trị gia Kiril Petkov (đạt khoảng 20% phiếu) từ chối liên minh với đảng của Thủ tướng mãn nhiệm.
Đây là lần thứ tư trong vòng 18 tháng Bảo Gia Lợi tổ chức bầu cử. Quốc gia Đông Âu này có nguy cơ tiếp tục chìm trong giai đoạn bất ổn chính trị trầm trọng nhất kể từ khi khối Cộng sản sụp đổ năm 1989. Bên cạnh nạn tham nhũng, cử tri Bảo Gia Lợi đặc biệt lo lắng về tình hình lạm phát tăng vọt (20%).
Tỉ lệ tham gia cuộc bầu cử hôm 2/10 thấp kỷ lục (25% cử tri đi bầu, tính đến 4 giờ chiều). Không loại trừ khả năng quốc gia nghèo nhất Liên Hiệp Âu Châu sẽ phải bầu lại Quốc hội.
Đồng Minh Thân Cận của Putin Chế Giễu Cỗ Máy Chiến Tranh của Nga!
*
(Hình: Ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo của nước Cộng hòa Chechnya miền Nam Nga.)
Việc lực lượng Nga rút khỏi một thị trấn quan trọng chiến lược ở miền Đông Ukraine đã thúc đẩy hai đồng minh quyền lực của Tổng thống Vladimir Putin làm một điều hiếm thấy ở nước Nga hiện đại: Công khai chế giễu tướng lãnh hàng đầu của cỗ máy chiến tranh.
Việc Nga mất pháo đài Lyman, khiến các phần phía Tây của khu vực Luhansk bị đe dọa, khiến ông Ramzan Kadyrov, lãnh đạo của nước Cộng hòa Chechnya miền Nam Nga tức giận.
Ông Kadyrov, người gần gũi với ông Putin kể từ khi cha ông và cựu Tổng thống Chechnya, Akhmad, bị giết trong một vụ đánh bom năm 2004 ở Grozny, gợi ý rằng Nga nên xem xét sử dụng một vũ khí nguyên tử chiến thuật nhỏ ở Ukraine để đáp trả sự mất mát.
Cảnh báo nguyên tử này gây chú ý, nhưng sự mắng nhiếc công khai của ông đối với các tướng lãnh hàng đầu của Nga có thể cũng đáng kể ở một nước Nga nơi mà những lời chỉ trích công khai các cấp lãnh đạo cao nhất về nỗ lực chiến tranh là điều cấm kỵ.
“Sự lạm dụng quyền hành trong quân đội sẽ dẫn tới chuyện không hay”, ông Kadyrov nói và nói thêm rằng chỉ huy lực lượng Nga trong khu vực nên bị tước huy chương và phái ra tiền tuyến cầm súng để rửa nhục bằng máu.
Sự khinh thường công khai như vậy đối với các tướng lãnh điều hành cuộc chiến của Nga là rất quan trọng vì nó cho thấy mức độ thất vọng trong giới thượng lưu của ông Putin về việc tiến hành cuộc chiến, đồng thời đâm toạc những câu chuyện được kiểm soát cẩn thận của Ðiện Cẩm Linh.
Ông Kadyrov, người ủng hộ chiến tranh và đã cử nhiều đơn vị Chechnya của riêng mình tham chiến, nói rằng những lời chỉ trích của ông là sự thật cay đắng về một lực lượng chiến đấu của Nga mà ông cho rằng đã cho phép những kẻ tầm thường không tài năng có thể làm cho đất nước thất bại.
Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận. Các viên chức Nga cho biết lịch sử chiến tranh của Nga cho thấy rằng giao tranh thường bắt đầu tồi tệ cho đến khi quân đội có thể được tổ chức hợp lý.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Kadyrov hôm 3/10, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Người đứng đầu các khu vực có quyền bày tỏ quan điểm của mình”.
Những Bước Lùi
Hơn 7 tháng sau cuộc chiến khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và gây ra cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962, mục tiêu chiến tranh cơ bản nhất của Nga cũng chưa đạt được.
Đội quân khổng lồ của một cựu siêu cường đã bị khuất phục trên chiến trường bởi một lực lượng nhỏ hơn nhiều của Ukraine được hỗ trợ với vũ khí, thông tin tình báo và Cố vấn từ các cường quốc phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Trong một bước lùi mới đối với Mạc Tư Khoa hôm 3/10, một viên chức do Nga bổ nhiệm đã xác nhận các tiến bộ của Ukraine dọc theo bờ Tây sông Dnipro ở khu vực Kherson ở miền Nam Ukraine, một trong 4 khu vực mà ông Putin tuyên bố sáp nhập vào tuần trước.
Bà Tatiana Stanovaya, học giả tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cho biết thất bại ở Ukraine có thể làm suy yếu ông Putin.
Bà Stanovaya nói: “Cho đến tháng Chín, giới tinh hoa Nga đã đưa ra lựa chọn thực dụng là ủng hộ Putin như một người bảo đảm chống lại thất bại”.
“Nhưng các vấn đề đã tiến triển cho đến nay, họ có thể phải lựa chọn trong số các kịch bản thua cuộc khác nhau. Điều đó khiến ông Putin dễ bị tổn thương hơn nhiều, vì ông ấy có thể thấy rằng ông ấy và giới tinh hoa rơi vào các kịch bản khác nhau”.
Ông Putin cáo buộc phương Tây đang cố gắng sử dụng Ukraine để tiêu diệt chính Nga nhưng nói rằng Mạc Tư Khoa sẽ thắng trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở đó.
Trong một cuộc phỏng vấn đầy xúc động với một người dẫn chương trình ủng hộ Ðiện Cẩm Linh hôm thứ Bảy, ông Andrey Gurulyov, một tướng đã nghỉ hưu và là thành viên của Hạ viện thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin, nói rằng ông không thể giải thích sự sụp đổ của Lyman. Sau đó, ông nói rằng quân đội bảo vệ thị trấn đã bị tiêu diệt bởi “một hệ thống... nói dối liên tục” khiến cấp trên che đậy các vấn đề bên trong quân đội Nga.
Trên truyền hình nhà nước Nga, sự nhục nhã dường như đã ngấm vào những lời đe dọa dùng vũ lực thông thường.
“Tôi thực sự muốn chúng ta tấn công Kyiv và chiếm vào ngày mai, nhưng tôi biết rằng việc động viên một phần sẽ mất thời gian”, người dẫn chương trình Vladimir Solovyov nói trên kênh truyền hình nhà nước Rossiya 1.
“Trong một khoảng thời gian nhất định, mọi thứ sẽ không dễ dàng đối với chúng ta. Chúng ta không nên mong đợi tin tốt ngay bây giờ”.
Tướng Lãnh Hàng Đầu
Ông Kadyrov của Chechnya cho biết ông đã nêu khả năng thất bại tại Lyman hai tuần trước với ông Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Nga, nhưng ông Gerasimov đã bác bỏ ý kiến này.
Ông Gerasimov, 67 tuổi, là người quyền lực thứ ba trong quân đội Nga, sau ông Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Ông Shoigu đã cử ông Gerasimov vào chức vụ quân sự hàng đầu chỉ vài ngày sau khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2012.
“Tôi không biết Bộ Quốc phòng báo cáo gì với Tổng tư lệnh tối cao (Putin), nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn”, ông Kadyrov, người đã rơi nước mắt vì những người đã ngã xuống tại một buổi lễ ở Ðiện Cẩm Linh vào tuần trước. Tại buổi lễ này, Nga chính thức sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Khi được hỏi về nhận xét của ông Kadyrov, người sáng lập đầy quyền lực của Nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã chúc mừng nhà lãnh đạo Chechnya và nói rằng “Tất cả những tên khốn này nên được đưa đi chân trần ra mặt trận với súng tự động”.
Khi được hỏi liệu lời nói của ông có nên được coi là lời chỉ trích đối với Bộ Quốc phòng hay không, ông Prigozhin đã trả lời rằng “Những tuyên bố này không phải là chỉ trích, mà chỉ đơn thuần là biểu hiện của tình yêu và sự ủng hộ”
Lý Do Sáp Nhập Lãnh Thổ Ukraine: Một Nước Cờ Hiểm Độc của Ông Putin?
(Minh Anh)
*
Thứ Sáu (30/9/2022), Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập 4 vùng chiếm đóng và ly khai của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin thật sự tính gì khi đặt cược leo thang xung đột qua việc sáp nhập một phần lãnh thổ phía Đông và nam của Ukraine?
Để hiểu được nước cờ của ông Putin, chỉ cần nghe theo những giải thích của hai chính khách Nga, Konstantin Zatulin – viên chức cao cấp tại Nghị Viện Duma, thuộc đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất – và Andranik Migranyan, Giáo sư Viện Quan Hệ Quốc Tế Mạc Tư Khoa, cựu Cố vấn Tổng thống Nga, khi trả lời trang mạng thông tin Aljazeera của Qatar, đăng ngày 29/9/2022.
Cả hai nhân vật này khẳng định, quyết định huy động binh sĩ dự bị và trưng cầu dân ý sáp nhập lãnh thổ của Tổng thống Putin nhằm chứng tỏ với phương Tây rằng Nga không có ý định từ bỏ các mục tiêu chính trị và quân sự tại Ukraine bất chấp các thất bại gần đây. Vì vậy, sẽ không có chuyện lùi bước hay có những nhượng bộ nào. Đối với ông Putin, đây là một cuộc chiến của nước Nga để bảo vệ sự sinh tồn và vị thế của Nga trên trường thế giới, chống lại các nỗ lực gây chia rẽ hay giáng những thiệt hại không gì bù đắp được cho Nga.
Sự việc cũng cho thấy, Nga quyết tâm thay đổi triệt để tình thế và đặt phương Tây cũng như là Ukraine trong một thế bất lợi. Quyết định này xem như khép lại mọi cánh cửa đàm phán và mở ra khả năng “thủ tiêu hoàn toàn” Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập. Bởi vì, kể từ giờ, bất kỳ một vùng lãnh thổ nào mà Nga chiếm được từ Ukraine đều có thể bị sáp nhập vào Nga.
Đối với nhà nghiên cứu về Nga, bà Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, khi trả lời phỏng vấn tuần báo L’Express của Pháp, đây còn là một cam kết của ông Putin đối với phe “diều hâu” mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc tại Nga. Chủ nhân Ðiện Cẩm Linh muốn chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đi đến cùng và ông đã đặt sự việc trong thế không thể đảo ngược. Nhà nghiên cứu này lưu ý, “điều số 67 trong Hiến pháp mới của Nga quy định, không ai có thể chuyển nhượng lãnh thổ Nga. Điều đó cũng liên quan đến người kế nhiệm, sẽ bị trói buộc vì điều khoản này”.
Hơn nữa, chiến lược sáp nhập lãnh thổ của Nga còn có một mục tiêu khác: Làm cho Ukraine và nhất là phương Tây, hiện đang chịu áp lực kép là khí đốt và an ninh, phải sợ hãi. Hai chính khách Nga khẳng định Mạc Tư Khoa muốn phương Tây ngừng vũ trang cho Ukraine và gây sức ép với Kyiv, buộc nước này phải chấp nhận các điều kiện chấm dứt chiến tranh của Nga.
Chỉ có điều như quan sát của nhà địa chính trị học Anatol Lieven, Viện Quincy của Mỹ, trong cuộc xung đột này, chính quyền Biden đã đáp trả hành động gây hấn của Nga bằng cách tăng cường hỗ trợ Ukraine. Và mỗi lần như thế, Mạc Tư Khoa đã phản ứng không phải bằng cách lùi bước mà là leo thang quân sự.
Và hành động này của Nga đang làm cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cuối cùng thêm phần phức tạp, dập tắt hy vọng một cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv. Trong hoàn cảnh bế tắc này và trước hành động ngày càng quyết liệt của Nga, nhà địa chính trị học Anatol Lieven, cho rằng chính quyền Biden phải có trách nhiệm lớn hơn trong các nỗ lực ngoại giao nhằm kềm hãm và hạn chế xung đột.
Nếu chu kỳ leo thang này tiếp tục không được kiểm soát, thì viễn cảnh xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga có nhiều xác suất nổ ra. Theo chuyên gia Anatol Lieven, tình hình hiện nay đặc biệt nguy hiểm, những bài học từ thời Chiến Tranh Lạnh, như việc chính quyền Eisenhower từ bỏ dùng quân sự để đẩy lùi Liên Xô ở Đông Âu, hay cuộc khủng hoảng “Vịnh Con Heo” ở Cuba là những kinh nghiệm quý giá mà Mỹ cùng với phương Tây cần phải nhớ đến.
Tòa Bảo Hiến Nga Chấp Thuận Hiệp Ước Sáp Nhập 4 Vùng Lãnh Thổ của Ukraine
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trước những khó khăn vấp phải trên chiến trường do các cuộc phản công của Kyiv từ đầu tháng Chín, Nga cấp tốc xúc tiến quy trình hợp thức hóa việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine. Ngày 3/10/2022, Quốc hội Nga xem xét và thông qua Dự thảo luật phê chuẩn các Hiệp ước.
Sau lễ ký kết các văn bản sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine được tổ chức hoành tráng tại Ðiện Cẩm Linh hôm thứ Sáu (30/9) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo 4 vùng ly khai và chiếm đóng, Tòa Bảo hiến Nga hôm Chủ Nhật (2/10) cho rằng những Hiệp ước trên là “phù hợp với Hiến pháp”.
Ông Viatcheslav Volodine, Chủ tịch Hạ viện Duma cho biết các Nghị sĩ hôm 3/10 sẽ xem xét và thông qua trong ngày một Dự thảo luật trước khi đệ trình lên Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện).
Tuy nhiên, việc Nga quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine đã bị cộng đồng quốc tế phản đối. Giáo Hoàng Phanxicô đã “cầu khẩn” Tổng thống Nga “ngưng vòng xoáy bạo lực và chết chóc” tại Ukraine và lấy làm tiếc rằng hành động này của Nga đi ngược với “luật lệ quốc tế”. Về phần mình, lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell nhận định tuyên bố sáp nhập lãnh thổ của Nga còn làm “cho việc chấm dứt chiến tranh thêm phần khó khăn, và gần như bất khả”.
Hôm 2/10, chín vị Tổng thống của các nước Đông-Trung Âu, thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố “không bao giờ công nhận các mưu toan sáp nhập một vùng lãnh thổ Ukraine của Nga”.
Trên trang mạng của phủ Tổng thống Ba Lan, thông cáo chung của chín nước (Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Lỗ Ma Ni và Slovakia) khẳng định “không thể giữ mãi im lặng trước hành động vi phạm trắng trợn luật quốc tế từ Liên bang Nga”.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, ngày 30/9, Tổng thống Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Zaporijjia và Kherson vào lãnh thổ Nga.
Ðiện Cẩm Linh Lại Tuyên Truyền: Nga Sẽ Tham Khảo Ý Kiến Cư Dân Về Biên Giới Các Khu Vực Ukraine Sáp Nhập!
(Hình: Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh - Dmitry Peskov.)
MOSCOW (VOA) - Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm thứ Hai (3/10/2022), Ðiện Cẩm Linh nói rằng họ sẽ tham khảo ý kiến của các cư dân sống ở hai trong số các khu vực Ukraine mà họ đã sáp nhập vào tuần trước - Kherson và Zaporizhzhia - về cách xác định biên giới của họ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của những người sống ở những khu vực này”, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
Nga đã chính thức tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine vào tuần trước, nhưng không vùng nào hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng của Mạc Tư Khoa. Còn các lực lượng của Ukraine thì tiếp tục tiến về phía Nam.
Bộ Tài Chánh Nga Tuyên Bố Có Quỹ Hỗ Trợ 4 Khu Vực Ukraine Mới Sáp Nhập!
(Hình: Bộ trưởng Tài chánh Nga - Anton Siluanov.)
- Ngày 3/10/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Bộ trưởng Tài chánh Nga, Anton Siluanov, nói trước Quốc hội rằng Nga có quỹ để hỗ trợ 4 khu vực của Ukraine mà Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu sáp nhập vào tuần trước, và các quỹ này là một phần ngân sách của đất nước.
Nga đã tuyên bố sáp nhập các khu vực sau khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine. Các chính phủ phương Tây và Kyiv nói các cuộc bỏ phiếu vi phạm luật pháp quốc tế và mang tính cưỡng chế, không mang tính đại diện.
“Ưu tiên trong 3 năm tới sẽ là việc hội nhập hoàn toàn của các khu vực mới”, Bộ trưởng Siluanov nói nhưng không cho biết sẽ chi ra bao nhiêu.
“Ngân sách liên bang có các nguồn lực cần thiết cho việc này, cho cả việc cung cấp các tiêu chuẩn xã hội hiện tại... cũng như quỹ dành cho việc khôi phục kinh tế của các khu vực mới của Liên bang Nga”, Bộ trưởng Nga nói thêm.
Nga có kế hoạch thu vào 27,7 ngàn tỉ Rúp và chi ra 29 ngàn tỉ Rúp trong năm nay, dẫn đến thâm hụt 1,3 ngàn tỉ Rúp hoặc 0,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo Bộ Tài chánh Nga.
Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 2% GDP vào năm tới trước khi giảm xuống 0,7% GDP vào năm 2025.
Nga đã dự chi 6,6 ngàn tỉ Rúp, tương đương gần một phần tư tổng chi tiêu của nước này, vào năm sau, theo một bản Dự thảo ngân sách nhà nước được công bố vào tuần trước.
Thái Độ Ủng Hộ Nga Xâm Lược Ukraine Phản Ánh Tâm Lý Thù Địch Phương Tây Có Nguồn Gốc Ý Thức Hệ
(Bài phân tích của Tiến sĩ Phạm Quý Thọ)
*
(Hình: Cờ Ukraine trước một căn nhà bị phá hủy gần Izyum, miền Đông Ukraine hôm 1/10/2022.)
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã diễn ra hơn bảy tháng tính từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào ngày 24/2/2022. Ngày 21/9, ông Putin đã thông báo huy động 300 ngàn quân dự bị và đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Trước đó một ngày, 4 vùng lãnh thổ của Ukraine: Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson tuyên bố ‘trưng cầu dân ý’ về việc sáp nhập vào Nga…. Ngày 30/9 ông Putin công khai tuyên bố 4 vùng trên ‘thuộc về Nga’ và rằng: “Bất chấp mọi khó khăn, họ đã mang trong mình tình yêu dành cho nước Nga, và tình cảm này không ai có thể triệt tiêu được”. Ngay sau đó Tổng thống Volodymyr Zelensky lên án Nga ký Sắc lệnh sáp nhập, gửi đơn gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải phóng toàn bộ vùng đất của mình, và đây sẽ là bằng chứng tốt nhất cho thấy luật pháp quốc tế và giá trị con người không thể bị phá vỡ bởi bất kỳ quốc gia khủng bố nào…”. Cuộc chiến tranh sang giai đoạn khốc liệt nhất.
Tâm Lý Thù Địch
Bất chấp những thất bại và bước lùi gần đây trên chiến trường ở miền Đông Ukraine cho thấy dấu hiệu Putin sa lầy và đang rơi vào tuyệt vọng, sự lên án của Liên Hiệp Quốc lên án vi phạm luật pháp quốc tế, tình thế khó khăn và cô lập của nước Nga, một bộ phận giới tinh hoa Việt Nam vẫn khăng khăng thái độ ủng hộ các quyết định của Tổng thống Putin về cuộc chiến. Ngay từ giai đoạn đầu, thái độ cuồng Putin đạt đỉnh điểm với ý kiến rằng Putin có công phục hồi sức mạnh của nước Nga về kinh tế và quân sự, và ảo tưởng ‘lấy lại những gì đã mất’ từ thời Liên bang Xô Viết (viết tắt tiếng Nga là CCCP). Cho đến bây giờ chính quyền Ukraine vẫn bị coi là xấu xa, mang tư tưởng phát xít, bài Nga và thân phương Tây, Mỹ và NATO đe dọa an ninh của Nga và áp đặt cuộc chơi để thống trị thế giới… Thái độ này ngày càng trở nên cực đoan khi cho rằng diễn biến và phân tích chiến sự bất lợi cho Nga chỉ là “tin rác” tuyên truyền, Tổng thống Putin đã bị dồn vào chân tường, những gì ông ta làm và sẽ làm đều có tiền lệ như can thiệp của NATO vào Kosovo, Mỹ xâm lược Irắc và ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản… và, rằng chẳng lẽ ông Putin “quỳ xuống van xin” Mỹ và phương Tây!?
Ký ức về một thời đã qua nhưng vẫn sâu nặng về người Nga ‘tốt bụng’ và đất nước hùng vĩ, hoài niệm văn hóa bao dung và tình cảm quốc tế, sự giúp đỡ vô tư… là một trong những nguyên nhân của thái độ ủng hộ Putin bất chấp bối cảnh thực tế đang thay đổi mạnh mẽ. Hơn thế, đằng sau tâm lý thù địch Mỹ và phương Tây là chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng… mang cội nguồn ý thức hệ Cộng sản, được cho là có ưu thế trong điều kiện chiến tranh.
Níu Kéo
Thái độ ủng hộ Tổng thống Putin xuất phát từ tâm lý thù địch mang nguồn gốc ý thức hệ Cộng sản còn ‘sâu nặng’ trong một bộ phận trí thức, giới tinh hoa, các thế hệ lớn tuổi, từng học tập, lao động, công tác ở Liên Xô cũ hoặc những người được hưởng lợi từ chế độ và cố níu kéo để duy trì.
Thực tế cho thấy chủ nghĩa mang tên nhà tư tưởng K. Marx (Mác) (1818-1883) dẫn dắt xã hội hướng tới một tầm nhìn không tưởng về chủ nghĩa Cộng sản, trong đó cá nhân cần được giải phóng khỏi “ý thức sai lầm” của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, ông đã không thể ‘thiết kế’ con đường dẫn đến điều không tưởng này. Những môn đệ theo ông đã tiến hành cách mạng Xã hội chủ nghĩa, phá huỷ tất cả những gì thuộc về chủ nghĩa Tư bản, về chính trị, kinh tế và đạo đức. Như chúng ta biết, về mặt chính trị, chủ nghĩa Mác tìm cách phá hủy pháp quyền, tam quyền phân lập và tự do ngôn luận để thiết lập chế độ chuyên chế dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản, xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Về mặt kinh tế, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như một công xưởng khổng lồ, được tạo dựng sau quá trình quốc hữu hóa, xóa bỏ sở hữu tư nhân và thị trường. Về mặt đạo đức, nó tìm cách tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân, tự do tôn giáo và tư tưởng độc lập…. Và trên đống đổ nát này, một nhà nước được cai trị bởi một tầng lớp tinh hoa toàn năng.
Hệ tư tưởng này khá phức tạp để nhận diện đầy đủ nhưng ngày càng suy thoái khi việc thử nghiệm trong thế kỷ 20 đã thất bại, hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Liên Xô (CCCP) tan rã, Venezuela lụn bại.... Tuy nhiên, nó còn ‘sức sống’ trong vài quốc gia có chế độ Đảng Cộng sản toàn trị theo mô hình Trung Quốc thực dụng, trong đó có Việt Nam. Theo đó, dưới sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản: “tầng lớp tinh hoa toàn năng” được tổ chức trong bộ máy đặc quyền đặc lợi tiến hành chính sách thực dụng “cải cách và mở cửa”, chuyển đổi nền kinh tế theo thị trường để tránh sụp đổ chế độ.
Trong bối cảnh như vậy một bộ phận giới tinh hoa có cơ hội níu kéo khi biện minh, rằng khó khăn trên con đường tiến đến chủ nghĩa Xã hội là tạm thời, thị trường chỉ là công cụ chứ không là chủ nghĩa Tư bản, chính sách thực dụng là sách lược… và, tăng trưởng vẫn được nỗ lực duy trì như sự bảo đảm cho chế độ và tính chính danh của Đảng CS…. Cách thực hành tư tưởng và chính sách thực dụng như trên, trước hết, khiến nền kinh tế phụ thuộc hơn vào ngoại quốc đầu tư mà thực chất là vốn tư bản và, về tư tưởng chính trị, làm nảy sinh ‘thứ tín ngưỡng’ có nguồn gốc ý thức hệ Cộng sản.
Tín Ngưỡng
Ý thức hệ này đang là thứ tín ngưỡng. Tín ngưỡng là sự biểu thị cảm giác hay tin chắc vào điều gì đó được cho là tồn tại hoặc có thật. Niềm tin vào một xã hội tốt đẹp, theo tuyên truyền là chủ nghĩa Xã hội, trước hết, được hình thành trong quá khứ đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ bóc lột, bất công... Niềm tin này đã từng tạo sức mạnh giúp nhiều thế hệ vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng hy vọng. Tuy nhiên, quá trình vận hành tư tưởng thực dụng, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường mà vẫn duy trì chế độ Đảng Cộng sản toàn trị, càng lâu càng bộc lộ những bất cập và mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị đối nghịch, giữa thượng tầng kiến trúc và cấu trúc hạ tầng, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất…. Và, hậu quả để lại là nghiêm trọng, điển hình là quốc nạn tham nhũng, tiêu cực và bê bối của bộ phận lãnh đạo đảng viên khiến Đảng Cộng sản đã buộc phải thừa nhận là do sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Khi niềm tin không được củng cố bởi thực tế và không được làm sáng tỏ bởi lý luận, mà chỉ dựa vào tuyên truyền, thì nó dần trở thành thứ tín ngưỡng, tôn giáo.
Bức tranh thực tế với gam màu sáng tối tương phản giữa người Cộng sản ‘nguyên thuỷ’ và ‘tín đồ’ ý thức hệ là không thể biện minh. Sự cam kết kiên cường theo chủ nghĩa Mác và hành động theo nó như một lý do để sống, một lý do để hy sinh như cha ông họ trong chiến tranh giành độc lập dân tộc tương phản với thái độ thực dụng và cơ hội chính trị, trong đó bộ phận không nhỏ lãnh đạo lợi dụng quyền chức để trục lợi và giàu lên nhanh chóng, tạo nguồn cơn bất công xã hội, khoét sâu hố ngăn cách giàu nghèo. “Đội quân tiên phong” theo lời kêu gọi của Mác ra khỏi “tháp ngà”, thoát khỏi “quá khứ bụi bặm” chủ nghĩa Tư bản, coi bản thân như một tác nhân của sự thay đổi chứ không phải là học giả đơn thuần tương phản với lời kêu gọi hành động của Mác - “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” chỉ dành cho tầng lớp cần lao, những người dân bình thường đang nỗ lực tự thích nghi với thị trường, vật lộn tự cứu mình….
Thứ ‘tín ngưỡng ý thức hệ’ bộc lộ rõ ràng hơn qua nhận thức và thái độ của một bộ phận giới tinh hoa đối với cuộc chiến Nga – Ukraine, với biểu hiện bề ngoài là trung thành với lý tưởng nhưng thực ra ẩn chứa động cơ trục lợi, cơ hội. Nó cần được nhận diện rõ ràng hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội để giảm thiểu nguy cơ đối với chính sách cải cách với tư tưởng thực dụng, có thể chỉ là sách lược, nhưng không “thù địch” với phương Tây và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tiên Đoán Thời Cuộc: Được Gì, Mất Gì Nếu Nga Bại Trận ở Ukraine?
(Thụy My)
*
Người dân Nga chẳng mất mát gì nếu Putin thua trận: Kyiv không hề có ý định chiếm đất của Nga, Zelensky chưa bao giờ muốn “phi quốc xã hóa” Mạc Tư Khoa. Nhân dân Ukraine thì đã chứng minh họ không còn gì để mất trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Thế giới cũng sẽ được lợi nếu Nga thất trận, khi ngăn chận được nguy cơ trật tự quốc tế bị đảo lộn dẫn đến những cuộc xung đột khác.
Lyman Vừa Bị Putin Sáp Nhập, Ukraine Đã Tái Chiếm
Một ngày sau khi Nga tuyên bố sáp nhập “vĩnh viễn”, Ukraine chiếm lại thành phố Lyman thuộc Donetsk. Le Figaro nhận địnhđây là thất bại nặng nề cho Tổng thống Nga. Số quân Nga bị bắt hoặc bị giết vẫn chưa rõ, nhưng theo Serhiy Haidai, Thống đốc Ukraine của tỉnh Luhansk, thì lúc đó tại Lyman có khoảng 5.000 quân Nga. Những người lính này chỉ có ba chọn lựa: “Chạy trốn, đầu hàng hay là chết”. Lực lượng Ukraine tiếp tục tấn công vào Kreminna, và Tổng thống Zelensky hôm qua đã khẳng định “trong một tuần nữa, sẽ có nhiều lá cờ Ukraine hơn ở Donbass”.
Chiến lược ở Kharkiv hồi tháng Chín dường như được sử dụng lại: Lợi dụng một tuyến phòng thủ kém vững chắc của Nga, lần lượt bao vây từng nút hậu cần một. Theo Mykhaïlo Podolyak, một trong những Cố vấn thân cận của Zelensky, mục tiêu cuối cùng là Donetsk hoặc Luhansk để gây tuyệt vọng cho quân Nga; sau đó chừng 3 tháng rưỡi nữa là cuộc chiến có thể kết thúc.
Lyman thất thủ trong bối cảnh đã được tuyên bố là một thành phố của Liên bang Nga, và lệnh tử thủ bị áp đặt từ trên cao. Về phía Nga, sau khi im lặng và chối cãi, Bộ Quốc phòng nói rằng do “bị đe dọa bao vây” nên Nga rút khỏi Lyman về những hướng “thuận lợi hơn”. Tờ báo nhắc lại câu nói của nhà văn Soljenitsyne từ thời Liên Xô năm 1972: “Tất cả những ai chọn lựa bạo lực đều phải dối trá”.
Chiến Thắng Lyman của Ukraine Làm Nội Bộ Nga Chia Rẽ
Libération cho biết “Chiến thắng của Ukraine ở Lyman gây chia rẽ giữa những người thân cận với Putin và bộ tổng tham mưu Nga”. Tờ báo cũng ghi nhậnLyman chỉ “thuộc về Nga” trên giấy. Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau những tiếng hô “hura” của các nhà lãnh đạo Nga trên quảng trường Đỏ, một video ngắn cho thấy hai quân nhân Ukraine tươi cười treo lá cờ hai màu xanh vàng lên tấm pa-nô ở lối vào thành phố. Chiến thắng này tiếp theo Kharkiv, không phải “ăn may”, đã phá vỡ tuyến phòng ngự của Nga dọc theo các con sông Donets và Oskil.
Nếu hồi tháng Năm việc quân Nga chiếm được Lyman mang tính quyết định để tiến về Luhansk, giành được Sievierodonetsk và Lyssytchansk một tháng sau, thì bây giờ có thể ngược lại. Ukraine nay bảo vệ được Sloviansk, cách Lyman 20 kilomet và Kramatorsk, thủ phủ vùng giải phóng ở Donetsk. Nga vẫn còn có thể bắn phi đạn sang, nhưng khó tấn công nổi hai thành phố này. Nếu Nga điều quân từ Kherson sang tăng viện thì sẽ làm yếu đi mặt trận phía Nam, ngõ cụt này gây chia rẽ trong nội bộ Mạc Tư Khoa. Cả hai phe quân đội và Ðiện Cẩm Linh chỉ trích lẫn nhau là bất tài.
Thủ lãnh Chechnya, Ramzan Kadyrov khẳng định đã báo cho tướng Valery Gerassimov là những người lính ở Lyman bị bỏ rơi, không đủ đạn dược, không có phương tiện thông tin. Nhà tài phiệt Evgueny Prigojine sáng lập công ty lính đánh thuê Wagner cũng về phe. Ngược lại, cựu tướng Andreï Gouroulev khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình nói rằng không thể hiểu được tại sao bại trận ở Lyman, vì “các báo cáo luôn tỏ ra tích cực, có nghĩa là nói láo. Hệ thống này không phải hoạt động từ dưới lên trên, mà từ trên xuống dưới”. Lập tức đường liên lạc Skype là ông Gouroulev sử dụng bỗng bị cắt ngang, bỏ lại người dẫn chương trình đơn độc trên màn hình.
Đức Giáo Hoàng “Nài Nỉ” Putin Ngưng Chiến
Trong bài xã luận “Putin, ngõ cụt”, La Croix nhấn mạnh việc Vladimir Putin đặt những vùng đang có chiến sự vào bên trong biên giới mới do Nga vẽ ra, đe dọa “bảo vệ lãnh thổ” bằng vũ khí nguyên tử khiến lo ngại ngày càng tăng ở Âu Châu. Hôm 2/10 trước quảng trường Thánh Phêrô, Đức giáo hoàng Phanxicô đã phải “nài nỉ” Putin hãy ngưng “vòng xoáy bạo lực”.
Ngài cho biết “vô cùng đau buồn” trước “những dòng sông máu và nước mắt”, đặt câu hỏi “Còn phải đổ bao nhiêu máu nữa?”, chỉ trích sự đe dọa “vô nghĩa” về nguyên tử trong một cuộc chiến “điên rồ”. Theo một số nhân vật ở Vatican, đây là lần đầu tiên người đứng đầu giáo hội Công giáo đưa ra lời kêu gọi như vậy trước khi đọc Kinh Truyền Tin, kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962.
Nước Nga của Putin: Hitler Cộng Thêm Vũ Khí Nguyên Tử
Về phía Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không đàm phán với đối thủ này, và kêu gọi người Nga nên thay thế Putin. Tình hình cho thấy chiến tranh không thể sớm kết thúc. Càng khó ngăn cản Vladimir Putin hơn, khi ông ta chừng như đang sống trong một thế giới ảo. Ông chủ Ðiện Cẩm Linh vẫn giữ một cách nhìn hoang tưởng về lịch sử, coi phương Tây là “hệ thống thực dân mới” nhằm cướp bóc thế giới và tìm cách hủy diệt nước Nga.
Nhà sử học Jacques Julliard trên Le Figaro nhận định hôm 30/9, Vladimir Putin khi thả rơi chiếc mặt nạ, tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của một nước khác dù không kiểm soát được toàn bộ, đã đánh dấu chấm hết cho mọi thương thảo.
Một sĩ quan KGB bình thường leo lên đến đỉnh cao quyền lực tại một đất nước thiếu vắng cơ chế dân chủ, một con người lúng túng trước tầm cỡ chiếc áo mà định mệnh đã trao cho, sau khi sai lầm nặng nề trong phân tích tình hình, đã tuyên chiến với toàn bộ phương Tây. Ông ta đưa ra một loạt cáo buộc, từ thực dân, đế quốc cho đến diệt chủng, phân biệt chủng tộc, nô lệ. Tác giả cho rằng ngay cả bạo chúa Stalin vẫn là một con gấu thận trọng, chưa bao giờ là một kẻ phiêu lưu, biết chấp nhận một tình huống cụ thể. Còn Putin rốt cuộc đã tin vào những dối trá của chính mình. Nếu chủ nghĩa Cộng sản theo Lênin là xô-viết cộng với điện khí hóa, thì nước Nga của Putin là Hitler năm 1938 cộng thêm vũ khí nguyên tử.
Ông Chủ Ðiện Cẩm Linh Đóng Mọi Cánh Cửa Đối Thoại
Cũng rất ấn tượng với bài diễn văn vô cùng hiếu chiến, xa rời thực tế, Le Monde ra từ hôm trước, trong bài xã luận “Putin: Sự chọn lựa đi đến tận cùng” cho rằng ông chủ Ðiện Cẩm Linh đã mang lại hình ảnh một con người chìm đắm trong thù hận, tự giam hãm mình và nay không còn đường lui.
Nhà lãnh đạo nước Nga đã biến hóa cuộc chiến tranh do chính mình gây ra thành một cuộc chiến giữa các nền văn minh, thành cuộc đấu tranh cho sự tồn tại trước “kẻ thù” phương Tây. Putin nói rằng phương Tây “đi ngược lại với nhân loại, với sự thật, tự do và công lý”, trong khi dối trá và dùi cui đang ngự trị ở nước Nga của ông ta, với những vụ bắt bớ và “tự tử” khó giải thích. Ông nhấn mạnh “sự độc tài của giới tinh hoa phương Tây đang chống lại mọi xã hội, kể cả nhân dân nước họ”; tuy người ta không hiểu tại sao bao nhiêu con người lại cứ mong mỏi được sống tại phương Tây độc tài này.
Chỉ trong vài tháng, Vladimir Putin đã khép lại mọi cánh cửa đối thoại và ngoại giao, dấn sâu vào một cuộc chiến không theo bất cứ quy luật nào và không tuân theo bất kỳ giá trị đạo đức nào. Số phận của ông từ giờ trở đi hoàn toàn lệ thuộc với tiếng súng. Và nếu đó là cuộc đấu tranh để tồn tại, thì chỉ liên quan đến Putin chứ không phải nước Nga.
Kinh Tế Nga Sa Sút: Quảng Cáo Hiếm Dần, Người Lao Động Bị Bắt Lính
Trên lãnh vực kinh tế, thông tín viên Les Echos tại Mạc Tư Khoa cho biết nạn nhân đầu tiên của lệnh động viên từng phần chính là nền kinh tế Nga. Tính cả 300.000 người bị bắt lính và 260.000 người đã đào thoát, thì Nga đang thiếu hụt khoảng nửa triệu lao động. Thống đốc các vùng liên tục nhận được các cuộc gọi của những công ty xin miễn quân dịch cho nhân viên của mình. Một chủ doanh nghiệp ở Mạc Tư Khoa thổ lộ ông có bốn nam quản lý, thì đã có hai bị động viên và hai người khác đã bỏ trốn.
Chảy máu chất xám đặc biệt quan trọng trong lãnh vực kỹ thuật, nhưng các chuyên gia điện toán trẻ đã chạy ra ngoại quốc có thể làm việc từ xa. Có những nhà quản lý rời nhà về nông thôn để tránh bị chính thức nhận lệnh triệu tập. Nhưng những người lao động chân tay đành chịu thua: chỉ riêng tập đoàn Auchan của Pháp đã có đến 2.300 nhân viên phải nhập ngũ. Nông nghiệp và xây dựng là hai lãnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất vì đa số tân binh là từ những vùng quê nghèo. Ước tính GDP của Nga sẽ bị mất khoảng 0,5%.
Hiện nay chưa có con số chính thức nào được công bố, nhưng những dấu hiệu u ám đã xuất hiện. Tại Mạc Tư Khoa, nhiều pa-nô quảng cáo trên đường phố cũng như métro nay đầy hình ảnh những người lính được coi là “anh hùng”. Đó là để tuyên truyền, nhưng cũng nhằm lấp chỗ trống: Khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu cảm nhận được, những quảng cáo thương mại thực sự ngày càng hiếm hoi.
Pháp Sắp Giao Thêm Đại Pháo Caesar Cho Kyiv
Về phía Paris đang chuẩn bị cung cấp một loạt đại pháo Caesar mới cho Ukraine, lấy từ một đơn đặt hàng của Đan Mạch. Đợt này sẽ có từ 6 đến 12 khẩu so với yêu cầu của Kyiv là 15 khẩu, Caesar có ưu điểm tìm ra và phá hủy pháo của địch trước khi quân địch nhận ra được. Đây là kết quả thương lượng giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky và nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Những khẩu Caesar sản xuất cho Đan Mạch nặng hơn so với của quân đội Pháp (32 tấn thay vì 18 tấn) và uy lực mãnh liệt hơn nhiều. Được đặt trên giàn gồm 16 bánh xe thay vì 12, loại đại pháo này có thể mang đến 36 quả pháo (model dành cho Pháp chỉ mang 18 quả); ca-bin được trang bị chống đạn mạnh hơn.
Từ đầu cuộc chiến, Emmanuel Macron thường xuyên bị cáo buộc không giúp đỡ nhiều cho Kyiv, Pháp chỉ đứng thứ 11 trong số các nước viện trợ vũ khí. Tuy nhiên theo danh sách mà Élysée cung cấp cho Le Monde, ngoài 18 khẩu Caesar đã tặng, quân đội Pháp thường xuyên cung cấp cho lực lượng Ukraine các xe bọc thép, xe chở lính, phi đạn chống tăng Milan, phi đạn phòng không Mistral, trang bị cho các chiến binh (nón sắt, áo giáp, kính hồng ngoại nhìn ban đêm, lương khô, trang bị phòng độc, vật liệu y tế), đạn dược “tất cả kích cỡ”, xăng dầu…. Còn hệ thống phóng rốc-kết thì Lục quân Pháp chỉ có đúng 13 giàn, Không quân 8 giàn và còn phải đưa sang Lỗ Ma Ni để phòng ngừa Nga tấn công cảng Constanta trên Hắc Hải.
Nga Bại Trận ở Ukraine? Tất Cả Đều Có Lợi!
Nữ Dân biểu Âu Châu Nathalie Loiseaunhận định trên Les Echos, nếu Nga bại trận ở Ukraine, chẳng có ai thiệt hại mà tất cả đều có lợi. Nhân dân Nga chẳng mất mát gì nếu Putin thua trận: Kyiv không hề có ý định chiếm đất của Nga, và Volodymyr Zelensky chưa bao giờ muốn “phi quốc xã hóa” Mạc Tư Khoa; chỉ muốn chủ quyền và ý hướng dân chủ của mình được tôn trọng. Quân đội Nga cũng chẳng có gì để mất, sau những nhục nhã đã phải gánh chịu vì lớp chỉ huy tham nhũng và bất tài.
Tại sao những người Nga không chọn binh nghiệp lại phải chết ở nơi xa nhà, vì một Tổng thống không biết cách ra khỏi ngõ cụt mà chính ông ta đã tạo ra? Dân Nga càng từ chối ra trận, kháng cự lại lệnh động viên, thì cuộc chiến vô nghĩa, đẫm máu này càng sớm kết thúc. Có ai ở Nga muốn chết cho Donbass, vì một cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu tiến hành dưới họng súng? Chẳng có ai cả.
Còn nhân dân Ukraine đã chứng minh họ không có gì để mất trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trước quân đội thứ nhì thế giới, Ukraine đã khiến tất cả những dự báo đều bị sai lạc. Ngay cả trước khi được phương Tây viện trợ, họ đã đẩy lùi quân Nga khỏi Kyiv; và rồi đến cuộc thảm sát Bucha, sự phẫn nộ khi sơn hà nguy biến đã đoàn kết toàn dân. Không chỉ là chống xâm lược, mà còn chống lại bạo tàn, và Ukraine ngày càng thuyết phục mọi người là họ sẽ thắng. Bởi vì họ không còn sợ gì nữa cả.
Cuộc Phiêu Lưu Quân Sự Phải Dừng Lại
Thế giới cũng sẽ được lợi nếu Nga thất trận. Đặt được pháp luật đứng trên luật của kẻ mạnh, là bảo vệ một trật tự quốc tế đang bị lăm le đảo lộn ở Đài Loan, Armenia…, trấn an một thế giới đang có nguy cơ bị dẫn đến xung đột trầm trọng.
Chính Vladimir Putin đã chọn lựa gây đau khổ cho Ukraine và cho dân tộc mình, chỉ vì muốn khôi phục một quá khứ đế quốc, vì tự mãn và ngoan cố, vì muốn giữ ghế bằng mọi giá. Trong khi trước đó các nước đã cố gắng tìm cách đưa Mạc Tư Khoa ra khỏi cuộc chiến tranh lạnh, thiết lập quan hệ đối tác trong nhiều lãnh vực bất chấp những cuộc phiêu lưu quân sự của Putin tại Gruzia, Syria, Crimea.
Theo tác giả, mọi việc phải dừng lại ở Ukraine. Phương Tây sẽ mất tất cả nếu không viện trợ tiếp cho Kyiv hoặc không trừng phạt Mạc Tư Khoa, vì Vladimir Putin không chỉ muốn làm Ukraine quy phục mà còn ra sức làm yếu đi các nền Dân chủ. Những thiệt thòi kinh tế trong cuộc khủng hoảng hiện nay không là gì cả so với những gì mà dân tộc Ukraine đang can đảm chịu đựng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét