Anh Quốc : Charles chính thức được tuyên bố là tân vương
Từ trái sang phải: Thái tử Anh Quốc William, hoàng hậu Camilla, Quốc vương Charles III và chủ tịch Hội đồng Đăng cơ Penny Mordaunt, trước các thành viên của Hội đồng tại phòng Ngai Vàng, cung điện Saint James, Luân Đôn, ngày 10/09/2022. AP - Jonathan Brady - Thanh Phương Hai ngày sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà, hôm nay, 10/09/2022, thái tử Charles chính thức được tuyên bố là tân vương của Anh Quốc, với niên hiệu Charles III. Tuyên ngôn được đọc tại ban công của điện Saint-James ở Luân Đôn, sau cuộc họp của Hội đồng Đăng cơ, quy tụ các nhân vật cao cấp của Anh Quốc.
<!>
Tiếp đến, Quốc Hội Anh sẽ tuyên thệ trung thành với Vua Charles III và trong buổi chiều, tân vương sẽ tiếp thủ tướng Liz Truss và các bộ trưởng chủ chốt của nội các Anh.
Tối hôm qua, lần đầu tiên từ 70 năm qua, quốc ca Anh Quốc bản mới với tựa “ God save the King” (Xin Chúa phù hộ Quốc vương) đã được cất lên, thay cho “ God save the Queen” (Xin Chúa phù hộ Nữ hoàng), bản quốc ca vẫn được hát kể từ khi Elizabeth II lên ngôi vào năm 1952.
Trước đó, từ điện Buckingham, Vua Charles III đã đọc bài diễn văn truyền hình đầu tiên. Từ Luân Đôn, thông tín viên Emilie Vin tường trình :
« Trong trang phục màu đen, đôi mắt đỏ ngầu, Vua Charles III đã ca ngợi di sản của Nữ hoàng Elizabeth II: “Một tấm gương và một nguồn cảm hứng, một khuôn mẫu về lòng yêu thương và sự cảm thông”.
Trong bài diễn văn được ghi hôm qua tại điện Buckingham và được phát vào đầu buổi chiều, ông đã nhắc lại những thời điểm chính yếu trong cuộc đời của cố Nữ hoàng Anh, lời hứa của bà sẽ dành cả cuộc đời để phục vụ thần dân, sự tiếp nối và sức mạnh mà bà là hiện thân.
Khi lần đầu tiên ngỏ lời với thần dân, Vua Charles III cũng đã cam kết suốt đời phục vụ dân Anh. Cho dù Vương quốc Anh và thế giới đã thay đổi nhiều kể từ lễ đăng quang của Elizabeth II, ông khẳng định “các giá trị của chúng ta vẫn tồn tại và sẽ tồn tại” và “vai trò và nghĩa vụ của quốc vương cũng vậy”. Trong một thời gian dài trong cương vị thân vương xứ Wales, Charles thường không tuân thủ yêu cầu về giữ thái độ trung lập, không thiên vị.
Sau khi nói vài câu về người vợ Camilla và hai con trai, với giọng nghẹn ngào, vị Tân vương kết thúc bài phát biểu: “ Mẹ yêu, bây giờ mẹ đang trên đường gặp lại cha, xin cám ơn mẹ”. »
William và Kate được phong Thân vương và Vương phi xứ Wales
Từ trái sang phải: Hoàng tử George, Công nương Kate, hoàng tử Louis, Thái tử William và công chúa Charlotte. AP - Jonathan Brady
Thanh Phương
Hôm qua, 09/09/2022, Vua Charles III đã bổ nhiệm hoàng tử William và công nương Kate làm Thân vương và Vương phi xứ Wales. Cho tới nay, tước vị của hai vợ chồng trưởng nam của Vua Charles III là Công tước và Nữ công tước Cambridge.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tước vị Vương phi xứ Wales vẫn gắn liền với số phận bi thảm của Công nương Diana, qua đời năm 1997 trong một tai nạn giao thông ở Paris. Bà Camilla, người vợ hai của thái tử Charles, đã không hề dùng tước vị đó, mà chọn danh xưng Công tước xứ Cornwall.
William và Kate, Thân vương và Vương phi xứ Wales mới, năm nay đều 40 tuổi, là một cặp vợ chồng Hoàng gia rất được dân Anh mến mộ. Tài khoản Instagram của họ, mà tên đã được đổi từ hôm qua, vẫn được 14 triệu người theo dõi.
Từ nhiều năm qua, William và Kate đã chinh phục cảm tình của dân Anh với hình ảnh một gia đình mẫu mực, hạnh phúc, tân thời, gần gũi công chúng. Trang Instagram của họ thường xuyên đăng các bức ảnh của ba đứa con: hoàng tử George, 9 tuổi, công chúa Charlotte, 7 tuổi và hoàng tử Louis, 4 tuổi.
Theo lời chuyên gia về Hoàng gia Anh Richard Fitzwilliams, được hãng tin AFP trích dẫn, William và Kate thu hút được nhiều người vì họ được xem là hiện thân cho tương lai của vương triều. Theo kết quả một cuộc thăm dò gần đây, Kate là thành viên còn sống của Hoàng gia Anh được lòng dân nhất, theo sát là William, bỏ xa tân vương Charles III.
Với việc thái tử Charles vừa nối ngôi, Thân vương William trở thành người kế vị ngai vàng và chắc chắn là không bao lâu, sẽ lên trị vì Vương quốc Anh, vì nhiều nhà phân tích cho rằng triều đại Charles III chỉ là triều đại chuyển tiếp sang triều đại William.
Nhật hoàng và tổng thống Mỹ sẽ đến dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II
Hoa và nến được người dân đặt trước cổng cung điện Buckingham, tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II, tạ thế ngày 08/09/2022. AP - Martin Meissner
Thu Hằng
Theo dự kiến, tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II diễn ra ngày 19/09/2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Nhật hoàng Naruhito sẽ đến Luân Đôn dự lễ tang. Do nữ hoàng qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland, xa thủ đô Luân Đôn, « Chiến dịch Cầu Luân Đôn » nổi tiếng và được chuẩn bị kĩ lưỡng từng chi tiết một đã được kích hoạt. Thi thể Nữ hoàng được đưa về thủ đô theo tiến trình « Operation Unicorn ».
Đặc phái viên RFI Clea Broadhurst tường trình từ lâu đài Balmoral :
« Hiện giờ, dù có cả một kế hoạch được chuẩn bị chi li, nhưng vẫn chưa biết khi nào thi thể Nữ hoàng sẽ được đưa về Luân Đôn.
Điều mà chúng ta biết là Nữ hoàng đang yên nghỉ tại đây, bên cạnh người thân cận suốt cuối tuần này. Đó cũng là cách để đội ngũ nhân viên phục vụ Nữ hoàng trong suốt những năm qua có thể tưởng nhớ bà ở đây, tại Balmoral, lâu đài được Nữ hoàng thích nhất.
Hàng năm, người đến nghỉ hè ở Balmoral vì Scotland là vùng đất thân thương của bà. Ngoài ra, đó cũng là cách để những người dân tưởng nhớ Nữ hoàng gần hơn khi đặt hoa bên tường rào lâu đài, để lại những lời trìu mến nhất cho Nữ hoàng, cũng như cho người thân của bà.
Tiếp theo, « Chiến dịch Unicorn » sẽ được kích hoạt trong những ngày tới. Thi thể của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được quàn tại Edinburgh để thần dân Scotland có thể đến nhìn bà lần cuối ở điện Holyrood, nằm ở trung tâm thành phố, trước khi được đưa lên tầu Hoàng gia để đến Luân Đôn. Đoàn tầu dự kiến sẽ chạy rất chậm để dọc đường, mọi người có thể bày tỏ lòng tôn kính trong chuyến đi dọc đất nước lần cuối của Nữ hoàng.
Sau đó, thi thể của Nữ hoàng sẽ được đặt ở Phòng Ngai vàng trong Điện Buckingham, tiếp theo là tu viện Westminster trong vài ngày. Mọi chi tiết vẫn chưa rõ ràng và chỉ được biết khi tang lễ được chính thức công bố, dự kiến là hôm nay ».
Phản ứng của Trung Quốc về cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II
Nữ Hoàng Elizabeth II trong tiệc chiêu đãi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Buckingham, Luân Đôn, ngày 20/10/2015. AP - Dominic Lipinski
Thanh Phương
Hôm qua, 09/09/2022, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gởi “lời chia buồn sâu sắc” đến Quốc vương Charles III và Hoàng gia Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Báo chí Trung Quốc cũng đã đưa lên trang nhất sự kiện này.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
« Đã có hơn 700 cuộc thảo luận về sự ra đi vĩnh viễn của Nữ hoàng Anh trên mạng xã hội Weibo. Và một trong những hashtag về cái chết của Elizabeth II đã được trên 30 triệu view, với vô số lời bình về sự kết thúc của một thời kỳ và tình hữu nghị lâu bền giữa hai quốc gia.
Trong lời chia buồn gởi đến Hoàng gia Anh, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại: “Nữ hoàng Elizabeth II là vị vua đầu tiên của Anh Quốc đến thăm Trung Quốc.” Theo Tân Hoa Xã, chủ tịch Trung Quốc còn nhấn mạnh ông rất coi trọng quan hệ Trung – Anh và tuyên bố sẵn sàng làm việc với tân vương Charles III.
Sau chuyến thăm Hoa Kỳ năm 1975, Nữ hoàng Elizabeth II đã đến Bắc Kinh năm 1986, hai năm sau khi ký kết thỏa thuận trao trả cựu thuộc địa Anh cho Trung Quốc. Khi tiếp đón Nữ hoàng Anh, lãnh đạo Trung Quốc thời đó, ông Đặng Tiểu Bình đã nói: “Xin hãy đón nhận sự tiếp đón nồng hậu và rất trân trọng của một người Trung Quốc cao niên” với Nữ hoàng.
Ông đã đón Nữ hoàng Elizabeth II rất long trọng, đưa bà đi thăm Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành và nhất là dành cho bà một đặc ân: Được xuống tham quan đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng tại khu bảo tàng gần thành phố Tây An, miền tây Trung Quốc.
Tình hữu nghị nồng ấm và lâu bền giữa Luân Đôn và Bắc Kinh cũng đã được Nữ hoàng Elizabeth II nêu bật khi bà đọc diễn văn tiếp đón lãnh đạo số một của Trung Quốc tại điện Buckingham năm 2015. Chính quyền Bắc Kinh vẫn đánh giá cao tính ổn định, trường tồn của vương triều Anh Quốc, trong bối cảnh mà quan hệ song phương trong những năm gần đây, dưới thời thủ tướng Boris Johnson thường có sự nghi kỵ lẫn nhau. »
Nga thừa nhận thất trận và gửi quân tăng viện đến miền đông Ukraina
Binh sĩ Ukraina trên một chiếc xe bọc thép gần vùng Bakhmout, ngày 07/09/2022. © AMMAR AWAD/REUTERS
Thu Hằng
Quân Nga cho biết hàng phòng thủ đã bị chọc thủng một phần ở chiến tuyến đông nam Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina và buộc phải gửi quân tăng viện. Ngày 09/09/2022, một quan chức ly khai thừa nhận quân đội Ukraina tiến « rất rõ và nhanh » và đã chiếm lại nhiều vùng đất do Nga chiếm đóng ở vùng biên giới.
Truyền thông Nga đăng nhiều đoạn video cho thấy quân đội Nga triển khai quân về hướng Kharkiv, rất nhiều xe bọc thép, lựu pháo, xe tải chạy trên những con đường không được nêu địa danh.
Còn tại làng Grakove, gần Kharkiv, được quân Ukraina chiếm lại cách đây hai ngày, phóng viên của AFP chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát cho thấy mức độ bạo lực của các cuộc tấn công. Cảnh sát khai quật hai thi thể, có thể là nạn nhân tội ác chiến tranh Nga. Một người đàn ông 61 tuổi, một trong số những cư dân hiếm hoi còn ở lại Grakove, kể lại với AFP là « tình hình rất đáng sợ, bom nổ khắp nơi ».
Ngày 10/09, Ukraina cho biết đã chiếm thêm được thành phố Kupians, ở miền đông. Đây là một địa điểm chiến lược, bị rơi vào tay quân Nga từ nhiều tháng qua. Còn ở mặt trận miền nam, quân đội Ukraina đã tiến sâu thêm vài chục kilomet vào các vùng bị quân Nga chiếm đóng. Kể từ đầu cuộc phản công, Ukraina đã chiếm lại được hơn 30 địa phương, theo thông báo tối 09/09 của tổng thống Volodymyr Zelensky.
Trả lời RFI ngày 09/09, tướng Jérôme Pellistrandi, thuộc Tạp chí Quốc Phòng Pháp, phân tích đà phản công của Ukraina :
« Chủ yếu đó là nhờ các loại vũ khí của pháo binh với hệ thống pháo phản lực HIMARS nổi tiếng của Mỹ cho phép nhắm đến những mục tiêu cách xa đến 80 km và pháo tự hành Caesar mà Pháp cung cấp.
Ngoài ra còn phải kể đến cả một kênh tình báo với những máy bay không người lái giúp thu thập thông tin vô cùng chính xác và hiệu quả. Có thể thấy là những công cụ này cho phép Ukraina nắm lại ưu thế trên thực địa và buộc quân Nga phải chuyển sang thế thủ. Quân Ukraina đánh vào những địa điểm được gọi là « cấp thứ 2 », có nghĩa là hậu phương của Nga, nơi đặt những kho hậu cần nhiên liệu, đạn dược và các sở chỉ huy.
Chúng ta thấy là các cuộc phản công của Ukraina đã được chuẩn bị rất kỹ với việc sử dụng các loại vũ khí cho phép bắn sâu vào khu vực do quân Nga kiểm soát và, nhờ vào khả năng ngắm chính xác mục tiêu và tình báo hiệu quả, còn cho phép vô hiệu hóa quân Nga. Đó là điều đang diễn ra. Có vẻ như quân Ukraina đang chiếm lại nhiều vùng đất từ tay đối thủ Nga ».
Ukraina cần ít nhất 350 tỉ đô la để tái thiết đất nước vì Nga gây chiến
Cuộc chiến do Nga phát động gây thiệt hại khổng lổ cho Ukraina. Theo thẩm định được chính phủ Ukraina, Ủy Ban Châu Âu và Ngân Hàng Thế Giới nêu trong thông cáo chung ngày 09/09, chính quyền Kiev cần « ít nhất 350 tỉ đô la nếu cuộc chiến chấm dứt hôm nay (09/09) » để tái thiết đất nước và hỗ trợ nền kinh tế. 350 tỉ đô la tương đương với 1,5 lần GDP của Ukraina trong năm 2021. Gần 1/3 số tiền này phải được tháo khoán để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp nhất trong ba năm tới.
Cũng trong ngày 09/09, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đợt viện trợ thứ hai, 5 tỉeuro, thông qua hình thức cho vay, trong khuôn khổ gói viện trợ trị giá 9 tỉ euro cho Ukraina trong năm 2022. Gói viện trợ này được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo trong tháng Năm này.
Châu Á - Thái Bình Dương: Mỹ đặt nền móng cho liên minh cạnh tranh với Trung Quốc
Ảnh minh họa: Một cảng biển bốc dỡ hàng hóa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/10/2021. AP - Sakchai Lalit
Thu Hằng
Sau hai ngày đàm phán, ngày 09/09/2022, tại Los Angeles, Mỹ đã đặt được nền móng cho liên minh với 13 nước châu Á-Thái Bình Dương trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ -Thái Bình Dương - IPEF. Các nước tham gia đã đưa ra tuyên bố chung cam kết hợp tác trong bốn lĩnh vực : Thương mại (gồm cả kinh tế số), chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và chống tham nhũng.
Văn bản mà 14 nước thông qua được coi là « lộ trình cho các cuộc đàm phán tương lai », theo bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo. Bà cũng khẳng định thỏa thuận « sẽ tạo nhiều việc làm ở Mỹ cũng như ở các nước khác trong IPEF », trong đó có Việt Nam.
Theo AFP, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương được tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng tháng 05/2022 với hy vọng tái lập trụ cột kinh tế trong chiến lược của ông về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương và cũng nhằm làm đối trọng với sáng kiến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực- RCEP của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào khả năng thực thi của IPEF, vì các điều khoản liên quan đến giảm thuế, hoặc tạo điều kiện thâm nhập thị trường Mỹ đã bị loại khỏi thỏa thuận. Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, người kế nhiệm là ông Joe Biden cũng không đưa Mỹ trở lại hiệp định, do công luận trong nước vẫn lo ngại về nguy cơ việc làm tại Mỹ bị đe dọa.
Ngược lại, dù vẫn mang tính biểu tượng, sáng kiến dường như được giới doanh nhân Mỹ ủng hộ, vì « nếu Mỹ vắng mặt ở trong vùng, thì đó sẽ là một nguy cơ, do Trung Quốc vẫn hỗ trợ (cho những nước trong vùng) về cơ sở hạ tầng ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét