Mỹ-Hàn họp lại Nhóm tư vấn Chiến lược răn đe cấp cao Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Seoul ngày 20/05/2022. AP - Kim Min-hee Trần Công Theo hãng tin Yonhap, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc họp nhóm Tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao (EDSCG) tại Washington vào ngày 16/09/2022. Đây sẽ là cuộc họp thứ ba của nhóm, nhưng là cuộc họp đầu tiên sau 4 năm 8 tháng. Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình : « Thứ trưởng ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Cho Hyun Dong và thứ trưởng Quốc Phòng Shin Beom Cheol sẽ sang Mỹ để họp với Bonnie Jenkins, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, và Colin Karl, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về Chính sách.
Theo thông tin từ chính phủ Seoul, cuộc họp tập trung vào các biện pháp răn đe toàn diện với Bắc Triều Tiên, bao gồm các biện pháp tăng cường hiệu quả của việc “răn đe mở rộng” trong các khu vực an ninh quan trọng. Từ góc độ này, nhóm tư vấn sẽ thảo luận sâu về các biện pháp cụ thể, chẳng hạn như triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ tại Hàn Quốc, nếu Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Việc tổ chức cuộc họp này đã được bộ trưởng bộ Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và Hàn Quốc Lee Jong Sup thảo luận hồi tháng 7 khi ông Lee Jong Sup có chuyến thăm Washington. Trong chuyến đi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc đã tuyên bố, “nếu Mỹ có ý định rõ ràng trong việc bảo vệ Hàn Quốc khỏi mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, thậm chí là nguy cơ tấn công trên đất liền, thì phải có một cơ chế nào đó để hỗ trợ và đó chính là Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao”.
Nhóm này được Mỹ và Hàn Quốc đồng ý thành lập tại hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng (2+2) vào tháng 10/2016 và đã có cuộc họp đầu tiên vào tháng 12 cùng năm. Cuộc họp tiếp theo của nhóm đã được tổ chức vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, kể từ đó, Nhóm tư vấn chiến lược răn đe mở rộng cấp cao Mỹ-Hàn đã không được tổ chức để thể hiện không khí hòa giải liên Triều và mở đường cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. »
Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường hợp tác an ninh, tập trận chung nhiều hơn
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và bộ trưởng bộ Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 08/09/2022. AP - Rodrigo Reyes Marin
Trọng Nghĩa
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước Nhật Bản và Ấn Độ mở ra hôm nay, 08/09/2022 tại Tokyo, ngoại trưởng Nhật xác nhận hai nước “ngày càng có nhu cầu” tăng cường hợp tác an ninh. Một cách cụ thể, Tokyo và New Delhi nhất trí gia tăng các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai bên.
Cuộc họp giữa hai bộ trưởng Ngoại Giao Yoshimasa Hayashi và Quốc Phòng Yasukazu Hamada của Nhật Bản với các đồng nhiệm Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Rajnat Singh được tổ chức đúng vào một thời điểm nhạy cảm, khi Nga tổ chức một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia lớn ở vùng Viễn Đông, với sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ngoại trưởng Nhật Hayashi, hai nước hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả ở bên trong lẫn bên ngoài Ấn Độ - Thái Bình Dương, do đó cần phải thúc đẩy những hợp tác cụ thể và bền vững. Ngoại trưởng Nhật đã liệt kê một loạt thách thức, từ cuộc chiến của Nga tại Ukraina, cho đến các hành động ngày càng quyết đoán và bức hiếp láng giềng của Trung Quốc, trong đó có việc leo thang căng thẳng gần Đài Loan, cũng như các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trước đó, Nhật Bản đã đề xuất cơ chế đối thoại an ninh “2 + 2” đầu tiên với Ấn Độ vào năm 2019, và nay hy vọng sẽ siết chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương thông qua các cuộc tập trận chung và các dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Hamada, tại cuộc hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ, hai bên đều ghi nhận sự phát triển trong những năm gần đây của các cuộc tập trận song phương và đa quốc gia có cả hai nước tham gia, cũng như các chương trình hợp tác quốc phòng Nhật - Ấn khác. Hai bên đồng ý mở rộng và nâng hợp tác này lên những “tầm cao mới”. Một cách cụ thể, một cuộc tập trận không quân chung đầu tiên, huy động chiến đấu cơ của hai nước, đang được lên kế hoạch.
Theo hãng tin Mỹ AP, Tokyo đã phản đối Matxcơva về cuộc tập trận đang diễn ra ở vùng Viễn Đông Nga, kể cả tại vùng quần đảo đảo tranh chấp do Nga nắm giữ mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản cũng nêu lên “mối quan ngại nghiêm trọng” về các cuộc tập trận hải quân do Nga và Trung Quốc phối hợp tổ chức ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của Nhật Bản vào cuối tuần qua.
Các quan chức bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho biết là Tokyo đã cảnh báo New Delhi : không nên tham gia các cuộc tập trận trên các đảo mà Nhật đang tranh chấp với Nga. Quân đội Ấn Độ chỉ tham gia các cuộc tập trận trên bộ ở các khu vực khác.
Các quan chức bộ Ngoại Giao Nhật Bản hôm 07/08 cũng cho biết Nhật Bản muốn đẩy mạnh các cuộc tập trận chung và hợp tác phát triển và chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự với Ấn Độ.
Nhật Bản hy vọng sẽ mở rộng việc chuyển giao thiết bị quân sự để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng yếu ớt của mình trong khi cố gắng tăng cường năng lực quân sự và gia tăng chi tiêu quốc phòng, để đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đến từ Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.
Nhật Bản cũng muốn Ấn Độ khẳng định thêm sự ủng hộ đối với “tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà Nhật Bản đang thúc đẩy với Hoa Kỳ trong khuôn khổ Bộ Tứ, bao gồm cả Úc, để đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực.
Hội đồng Bảo An : Matxcơva cưỡng bức dân thường Ukraina di tản sang Nga
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield trả lời báo chí trước khi dự cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, ngày 07/09/2022. REUTERS - DAVID DEE DELGADO
Thùy Dương
Trong cuộc họp tại New York hôm qua, 07/09/2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đề cập đến số phận của những thường dân Ukraina bị Matxcơva đưa vào các « trại thanh lọc » và bị cưỡng bức di tản. Nhiều tổ chức phi chính phủ, chính quyền Hoa Kỳ và nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc khẳng định có bằng chứng về Matxcơva triển khai một hệ thống cưỡng bức di dân.
Hoa Kỳ, nước đề xuất cuộc họp này của Hội Đồng Bảo An, hôm qua tố cáo chính Văn phòng tổng thống Vladimir Putin trực tiếp tổ chức cưỡng bức thường dân Ukraina di tản sang Nga. Một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ nhận định các chiến dịch cưỡng bức di dân nằm trong khuôn khổ những nỗ lực của Matxcơva nhằm « sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ của Ukraina » mà Nga đã chiếm đóng.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten giải thích :
Vài tuần sau khi chiến tranh nổ ra, các nhà ngoại giao đã lo ngại và nói về các « trại thanh lọc » do quân Nga thiết lập tại những vùng lãnh thổ Ukraina mà họ chiếm đóng. Hôm qua, tại New York, các thông tin chi tiết đã được công bố : các hành vi bạo lực về thể xác và tâm lý, các vụ tra tấn, lục soát người và chia rẽ các gia đình dường như là số phận dành cho các thường dân Ukraina bị đưa vào các trại thanh lọc trước khi bị cưỡng bức di tản sang Nga.
Có khoảng từ 900.000 đến 1,6 triệu người Ukraina là nạn nhân của hệ thống này. Các trường hợp nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái, cũng như trẻ em nói chung, được Ilze Brands Kehris, phó tổng thư ký về nhân quyền, đặc biệt quan tâm.
Quan chức Liên Hiệp Quốc phát biểu: « Có những cáo buộc đáng tin cậy về việc cưỡng ép và đưa trẻ em không có người đi kèm đến vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng hoặc đưa sang Liên bang Nga. Chúng tôi lo ngại về việc nhà chức trách Nga đã thông qua một thủ tục đã được đơn giản hóa để cấp quốc tịch Nga cho những trẻ em không có cha mẹ trông nom và về việc những em nhỏ này được xem là đủ tiêu chuẩn để được các gia đình Nga nhận làm con nuôi.
Đối với đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas Greenfield, những vụ cưỡng bức di tản như vậy có thể cấu thành « tội ác chiến tranh ». Trong khi đó, đại sứ Nga chỉ trích cuộc họp của Hội Đồng Bảo An và gọi những cáo buộc nói trên là một « chặng mới quan trọng trong chiến dịch làm sai lệch thông tin do Ukraina và phương Tây phát động ».
Chiến tranh Ukraina :Kiev xác nhận đã phản công tại Crimée
Ảnh chụp từ trên không: Căn cứ không quân Saki bị cháy sau cuộc tấn công, Novofedorivka, Crimée, ngày 10/08/2022. via REUTERS - MAXAR TECHNOLOGIES
Thanh Hà
Ngày 07/09/2022, tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valery Zaloujny lần đầu tiên xác nhận vào tháng trước, Kiev đã mở đợt oanh kích vào các căn cứ quân sự của Nga tại Crimée, vùng lãnh thổ đã bị Matxcơva sáp nhập từ 2014. Cùng lúc Kiev ghi được một số thắng lợi cả tại các khu vực đông nam và đông bắc Ukraina.
« Ukraina đã thành công trong các đợt oanh kích nhắm vào các căn cứ quân sự của kẻ thù, đặc biệt là vào sân bay Saki ». Tổng tư lệnh quân đội Ukraina trong bài viết được hãng thông tấn chính thức Ukrinform đăng tải xác nhận chiến dịch này đã diễn ra vào tháng 8 vừa qua và ông đe dọa Kiev sẽ « tiếp tục » hành động theo hướng này vào năm tới. Tướng Zaloujny khẳng định quyết tâm « dịch chuyển mặt trận đến Crimée » và tiết lộ thêm một số chi tiết về các đợt oanh kích của quân đội Ukraina hồi tháng trước, như vụ phi trường quân sự tại Saki tại Crimée đầu tháng 8/2022 bị trúng hỏa tiễn làm 1 người chết và nhiều người bị thương, đồng thời đã đã phá hủy một số kho đạn của quân đội Nga.
Phát biểu tối qua (07/09/2022) tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận quân đội Ukraina đã giành lại được một số địa điểm trong vùng Kharkiv, đông bắc Ukraina. Ông không đi sâu vào chi tiết, nhưng theo giới quan sát, chiến dịch phản công của quân đội Ukraina đang « tăng tốc », đặc biệt là tại khu vực miền nam, chung quanh Kherson.
Thông tín viên RFI từ Kiev Stéphane Siohan ghi nhận những bước tiến rõ rệt của quân đội Ukraina :
Thứ Tư, chính quyền Kiev xác nhận quân đội Ukraina đã tấn công các địa điểm ở Balakleia và Volokhiv Yar, gần thành phố Izioum, nằm giữa Kharkiv và Donbass (bắc và đông Ukraina). Tối qua, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định quân đội đã gặt hái được một số thắng lợi tại Kharkiv, nhưng ông tránh nêu đích danh những địa điểm có giao tranh. Mặc dù bộ tham mưu ra lệnh giữ bí mật thông tin, một số quân nhân Ukraina tham gia chiến dịch phản công đôi khi đã quá hào hứng, không thể kềm chế, nên đã đăng tải hình ảnh, video trên các mạng xã hội, để lộ chiến thuật của quân đội Ukraina.
Quân đội Ukraina đang tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng, tăng cường mặt trận ở phía thành phố Koupiansk và bao vây quân Nga tại một địa điểm chiến lược là thành phố Iziuoum. Từ nhiều tuần qua, Kremlin đã đưa quân đang đóng ở khu vực đông bắc Ukraina xuống miền nam để tăng viện cho Kherson. Ukraina tận dụng cơ hội này để phản công, chiếm lại lợi thế trong vùng đông bắc. Theo thuật ngữ quân sự, chiến tranh vẫn còn trong vùng mây mù, nhưng dường như quân đội Ukraina đang lấy lại tinh thần.
Thêm 650 triệu đô la viện trợ vũ khí của Hoa Kỳ cho Ukraina
Vào lúc Ukraina thông báo giành lại được một số địa điểm từ tay quân đội Nga, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm nay 08/09/2022 họp với các nước đồng minh tại căn cứ không quân Ramstein, Đức, để bàn về kế hoạch tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Trên nguyên tắc, tại cuộc họp nhằm phối hợp các hoạt động hỗ trợ Ukraina đối phó với quân Nga, Hoa Kỳ sẽ thông báo chuyển giao cho Kiev thêm thiết bị quân sự với tổng trị giá lên tới 675 triệu đô la.
Ủy Ban Châu Âu công bố kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế Vladivostok, Viễn Đông Nga, 07/09/2022. AP - Sergei Bobylev
Thanh Hà
Hôm qua, 07/09/2022, Ủy Ban Châu Âu công bố kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt của Nga, bất chấp lời đe dọa của tổng thống Vladimir Putin ngừng cung cấp dầu hỏa và khí đốt và kể cả than đá cho mọi khách hàng muốn « áp giá trần » đối với năng lượng của Nga.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen đề nghị một loạt các biện pháp để khống chế giá năng lượng đang tăng mạnh, gây thiệt hại cho kinh tế Liên Hiệp Châu Âu. Mục tiêu thứ nhì trong kế hoạch này là nhằm « cắt giảm nguồn thu nhập của Nga để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh ».
Kế hoạch sẽ là trọng tâm cuộc họp bất thường giữa bộ trưởng Năng Lượng 27 thành viên trong khối vào ngày mai, 09/09/2022.
Thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles tường trình:
« Điều đầu tiên mà Ủy Ban Châu Âu đề nghị là vào giờ cao điểm, mọi người phải khống chế mức tiêu thụ, bởi vì đó là lúc mà các nhà máy điện ngốn nhiều khí đốt nhất. Đề nghị thứ hai là yêu cầu các tập đoàn điện lực hoàn trả lại một số tiền trong khoản thu nhập phụ trội cao hơn rất nhiều so với giá thành. Và thứ ba là đề nghị các tập đoàn dầu khí tham gia vào nỗ lực chung, tức là đóng thuế trên các khoản tiền lãi quá lớn thu được trong thời gian qua. Số tiền này sẽ được rót cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong tình trạng bấp bênh nhất.
Bên cạnh đó Ủy Ban Châu Âu cũng chủ trương áp dụng một mức giá tối đa đối với khí đốt mua của Nga. Chủ tịch Ủy Ban, bà Ursula Von Der Leyen, giải thích : « Chúng ta đều biết các biện pháp trừng phạt đã khiến kinh tế Nga hoạt động chậm lại một cách đáng kể, và kèm theo là những tác động tiêu cực nặng nề. Nhưng ông Putin đã phần nào hóa giải được những tác động đó, nhờ các khoản thu nhập từ các hoạt động xuất khẩu năng lượng hóa thạch. Chúng ta bắt buộc phải cắt giảm thu nhập của Nga, khoản tiền mà Putin dùng để tài trợ cho cuộc chiến tranh khủng khiếp đang diễn ra tại Ukraina. Nỗ lực của châu Âu trong những tháng qua đang đem lại kết quả. Khi chiến tranh khai mào, Liên Hiệp Châu Âu lệ thuộc đến 40 % vào khí đốt của Nga, giờ đây tỷ lệ đó rơi xuống chỉ còn 9 % » Thứ Sáu này, một số bộ trưởng Năng lượng trong khối một lần nữa có thể lại vận động để tách bạch giá điện với giá khí đốt ».
Tuần trước, tập đoàn khí đốt Gazprom đã thông báo vì lý do « kỹ thuật » ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1. Giới quan sát coi đây là bước đầu báo trước Nga sẽ ngưng hoàn toàn xuất khẩu năng lượng sang Liên Âu. Kremlin vẫn dùng năng lượng để mặc cả, đòi Âu Mỹ ngừng trừng phạt Matxcơva về việc xâm chiếm Ukraina.
Thượng nghị sĩ Pháp: Đài Loan là « một đối tác » bảo đảm ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương
Thượng nghị sĩ Pháp gặp phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức ( William Lai ) ở phủ tổng thống, Đài Bắc, 08/08/2022. AFP - HANDOUT
Thùy Dương
Trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan đặc biệt gia tăng từ sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi đầu tháng 8, dẫn đầu phái đoàn 5 thượng nghĩ sĩ Pháp đến thăm Đài Loan, ông Cyril Pellevat hôm nay, 08/09/2022, khẳng định Đài Loan là « một đối tác » bảo đảm sự ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là chuyến thăm thứ 4 của phái đoàn thượng nghị sĩ Pháp trong vòng một năm và cũng là chuyến thăm có quy mô lớn nhất từ châu Âu đến Đài Loan kể từ khi quân đội Trung Quốc tập trận quanh đảo Đài Loan để phản đối chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ.
Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình :
« Các chuyến thăm của các nghị sĩ là điều bình thường và thường xuyên diễn ra. Đó là thông điệp mà 4 thượng nghị sĩ Pháp nhắc lại vào sáng hôm nay trong khuôn khổ một chuyến thăm 5 ngày tại Đài Loan. Trong số các thượng nghị sĩ này, có bà Brigitte Devésa của vùng Bouches du Rhone. Bà nói : « Chuyến đi tìm hiểu này đã được lên kế hoạch từ lâu. Chúng tôi không đến đây để làm gia tăng căng thẳng, mà ngược lại, để xoa dịu tình hình ».
Thời điểm diễn ra chuyến thăm này vẫn mang tính biểu tượng. Sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng trước, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận quanh đảo Đài Loan. Tuy nhiên, không thể có chuyện các nghị sĩ Pháp hủy bỏ chuyến thăm này.
Dẫn đầu phái đoàn, thượng nghị sĩ của vùng Haute-Savoie, Cyril Pellevat, phát biểu : « Hiện nay, chúng ta thấy Đài Loan có các giá trị, và đó là những giá trị mà chúng ta có thể có ở Pháp, trong đó có tự do, bình đẳng, bác ái. Về nhân quyền, chúng ta có những điểm tương đồng trong cách thức vận hành nền dân chủ. Có những cuộc trao đổi mà chúng ta cần có ở mọi cấp độ. Là nghị sĩ, chúng tôi hiện diện để duy trì những điều đó ».
Chất bán dẫn, chống làm sai lệch thông tin và cả vấn đề về an ninh khu vực đều sẽ nằm trong các nội dung thảo luận giữa phái đoàn nghị sĩ Pháp với các quan chức Đài Loan. Chính phủ Đài Loan đã hoan ngệnh : « Chuyến thăm này là bằng chứng về tình hữu nghị sâu sắc giữa Đài Loan và Pháp ».
Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào ».
Trong khi đó, 8 nghị sĩ Quốc Hội Mỹ cũng có chuyến thăm Đài Bắc từ hôm thứ Ba 06/08 và hôm nay, 08/09, họ rời đảo Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét