Thông báo cho biết thêm là tổng giám đốc AIEA sẽ báo cáo với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về chuyến công tác của ông.
Báo cáo của AIEA rất được mong đợi. Trong bối cảnh cả hai bên Nga và Ukraina liên tục tố cáo lẫn nhau về các vụ pháo kich gây nguy hiểm cho nhà máy, mọi người rất muốn biết quan điểm của cơ quan quốc tế. Phát biểu vào hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng là báo cáo của AIEA sẽ “khách quan”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cũng đã thảo luận qua điện thoại với đồng nhiệm Ukraina về nhà máy Zaporijjia.
Tình hình tại nhà máy này vẫn rất căng thẳng. Vào hôm qua, lò phản ứng hạt nhân cuối cùng còn vận hành đã cắt đứt kết nối với mạng lưới điện. Trong một thông cáo, cơ quan AIEA giải thích là đường kết nối với một nhà máy nhiệt điện gần đó, "đã bị cố tình ngắt đi để dập tăt một vụ hỏa hoạn”. Riêng lò phản ứng không bị hư hại.
Các mối quan ngại về an toàn của nhà máy Zaporijjia lại càng gia tăng vào lúc các lực lượng Ukraina tiến hành các cuộc phản công ở phía nam và phía đông. Hôm qua, Ukraina đã khoe chiến thắng khi cho công bố hình ảnh binh sĩ của mình giương cao quốc kỳ trên thị trấn Vysokopyllya ở tỉnh Kherson vừa chiếm lại được từ lực lượng chiếm đóng Nga.
Nga tiếp tục cho là Ukraina đã bị thảm bại trong các cuộc tấn công, nhưng trong một thông báo hiếm hoi về cuộc phản công của Ukraina, hãng thông tấn TASS hôm 05/09, dẫn lời một quan chức do Matxcơva bố trí tại khu vực Kherson, cho biết kế hoạch trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga đã bị hoãn do tình hình an ninh.
Liên Âu kêu gọi tân thủ tướng Anh “tôn trọng hoàn toàn” các thỏa thuận hậu Brexit
Đương kim ngoại trưởng Anh Liz Truss, sau khi có kết quả thắng cử chủ tịch đảng Bảo Thủ để trở thành thủ tướng kế nhiệm Boris Johnson, Luân Đôn, ngày 05/09/2022. REUTERS - PHIL NOBLE
Trọng Nghĩa
Bà Liz Truss vào hôm nay, 06/09/2022 đã chính thức trở thành thủ tướng Anh sau khi được nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm. Ngay từ hôm qua, sau khi bà được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo Thủ, bước cần thiết để lên lãnh đạo tân chính phủ, chính quyền nhiều nước đã gởi thông điệp chúc mừng đến Luân Đôn. Đáng chú ý là thông điệp chúc mừng của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó bà nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “tôn trọng hoàn toàn” các thỏa thuận EU-Anh Quốc.
Tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu không phải không có chủ ý. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet phân tích:
« Các định chế châu Âu lo ngại rằng bà Liz Truss sẽ thực hiện những lời đe dọa của bà đối với các thỏa thuận hậu Brexit. Một số người cho rằng bà đã có cam kết rất rõ ràng đối với thành phần cứng rắn nhất của đảng Bảo Thủ, do đó bà có thể yêu cầu thông qua dự luật hủy bỏ nghị định thư về Bắc Ireland.
Trong nhóm vận động tranh cử của bà Liz Truss, việc kích hoạt điều 16 nổi tiếng của thỏa thuận hậu Brexit đã được công khai gợi lên. Đây là một điều khoản dự trù việc khẩn cấp đình chỉ áp dụng thỏa thuận. Theo đảng Bảo Thủ, điều đó sẽ cho phép Anh đề ra những biện pháp đơn phương đối với Ireland.
Rủi ro sẽ là nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thương mại thực sự với Liên Hiệp Châu Âu. Tại Nghị Viện Châu Âu, đồng chủ tịch của nhóm môi trường, Philippe Lamberts, cho rằng đó có thể là một cách để lái dư luận Anh ra khỏi các vấn đề thực tế vào lúc này.
Người duy nhất hơi lạc quan một chút là chủ tịch của nhóm xã hội, bà IratxeGarcía. Theo nhân vật này, bà Liz Truss đã quen với việc thay đổi lập trường. Thậm chí chính bà đã vận động chống Brexit vào thời điểm nước Anh trưng cầu dân ý ».
Matxcơva không hy vọng cải thiện được quan hệ với Luân Đôn
Với việc Liz Truss lên làm thủ tướng Anh, Nga không “mong đợi những thay đổi” theo chiều hướng tốt hơn trong quan hệ với Vương Quốc Anh, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.
Theo hãng thông tấn Nga Tass, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitri Peskov vào hôm nay, 06/09, đã khẳng định: “Nếu căn cứ vào những tuyên bố của bà Truss được đưa ra khi bà vẫn còn là ngoại trưởng Anh, có thể nói một cách chắc chắn rằng không nên chờ đợi những thay đổi theo hướng tốt hơn”.
Bất chấp trừng phạt, Nga kiếm được hơn 158 tỉ đô la nhờ xuất khẩu dầu khí
Logo của Gazprom tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 15/06/2022. © OLGA MALTSEVA / AFP
Thu Hằng
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì xâm chiếm Ukraina, Matxcơva vẫn thu được hơn 158 tỉ đô la từ xuất khẩu dầu khí trong quý 1/2022, nhờ giá bán tăng vọt. Trong báo cáo được công bố ngày 05/09, Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Khí sạch (CREA) nhấn mạnh phần lớn số lượng xuất khẩu được chuyển sang Liên Hiệp Châu Âu.
Tác giả chính của báo cáo Lauri Myllyvirta nêu « kể từ đầu cuộc chiến, ít nhất 43 tỉ euro đã vào ngân khố Nhà nước Nga (năm 2021, ngân sách liên bang là 230 tỉ euro) nhờ các khoản thuế và thuế hải quan ». Để so sánh, tác giả báo cáo lấy ví dụ « tổng thu nhập này cao hơn cả chi phí quân sự của Nga, được thẩm định khoảng 100 tỉ euro, trong khi thiệt hại về cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở Ukraina vào khoảng 110 tỉ euro ».
Theo báo Le Monde, Matxcơva đã biết khéo léo bù khối lượng xuất khẩu bị giảm do lệnh trừng phạt và chính sách giảm nhập khẩu của Liên Hiệp Châu Âu bằng giá bán tăng vọt, kể cả tại thị trường châu Âu. Ví dụ, chỉ trong hai tháng 07 và 08, khối lượng khí đốt xuất khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng thu nhập tăng 30%. Kết quả là « khối lượng nhập khẩu khí đốt của khách hàng giảm 70%, nhưng thu nhập từ xuất khẩu của Nga gần như không đổi ».
Trong quý 1/2022, Liên Hiệp Châu Âu vẫn là nhà nhập khẩu chất đốt lớn nhất của Nga (85 tỉ euro), tiếp theo là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Trong nội bộ Liên Âu, Đức là khách hàng lớn nhất của Nga, sau đó là Hà Lan, Ý, Ba Lan và Pháp. Ngày 05/09, tổng thống Nga Putin thẳng thừng đe dọa Liên Hiệp Châu Âu là sẽ tiếp tục ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 chừng nào Bruxelles chưa dỡ hết các biện pháp trừng phạt.
Về dầu thô, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ngày 05/09 tại Vladivostok, bộ trưởng Năng Lượng Nikolai Chulginov cho biết Nga sẽ xuất khẩu nhiều hơn sang châu Á nếu phương Tây áp dụng giá trần đối với loại nhiên liệu này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trước khi xảy ra chiến tranh Ukraina, Nga xuất khẩu khoảng một nửa khối lượng dầu thô sang châu Âu.
Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ phơi bày những điểm bất đồng
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu (P) và đồng nhiệm Pháp Catherine Colonna, Ankara, ngày 05/09/2022. AFP - STR
Minh Anh
Hôm qua, 05/09/2022, trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm Ankara ngắn ngủi, ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã bày tỏ những điểm bất đồng giữa hai nước trong nhiều hồ sơ quốc tế : Cuộc chiến tại Ukraina, Syria, căng thẳng giữa Athens và Ankara…
Từ Istanbul, thông tín viên đài RFI Anne Andlauer cho biết cụ thể :
Mevlut Cavusoglu đã không đả động đến lời ám chỉ của ngoại trưởng Catherine Colonna khi bà kêu gọi "tránh mọi leo thang khẩu chiến hay mọi hành động khiêu khích" giữa Athens và Ankara, sau những phát biểu gần đây của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào nước láng giềng Hy Lạp.
Ông ấy cũng chẳng có phản ứng gì khi ngoại trưởng Pháp cảnh cáo chống lại "bất kỳ sáng kiến gây bất ổn nào" ở phía bắc Syria, khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đang có ý định tiến hành một cuộc tấn công mới, và kể cả khi ngoại trưởng Catherine Colonna nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc không nên để Nga luồn lách các biện pháp trừng phạt có liên quan đến cuộc chiến tại Ukraina, những biện pháp trừng phạt mà Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp dụng.
Lãnh đạo ngoại giao Thổ thích đề cập trở lại việc Emmanuel Macron kêu gọi chống lại "các chiến dịch tuyên truyền bài Pháp", nhất là tại châu Phi, khi nêu đích danh Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Mevlut Cavusoglu đánh giá phát biểu này là "đáng tiếc", và cho rằng "nếu có thái độ bài Pháp ở châu Phi, không nên tìm kiếm ở phía Thổ Nhĩ Kỳ, mà đó là những sai lầm của quá khứ" khi nhắc đến thời kỳ thực dân.
Về phần mình, bà Catherine Colonna đã đáp lại rằng "chúng tôi không bàn đến chủ nghĩa thực dân mới liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, thì chúng ta cũng không nên nói đến điều này liên quan đến Pháp", và nhắc đến "những khó khăn thông tin giải thích về vai trò của Pháp tại châu Phi".
Tổng thống Putin thông qua chính sách đối ngoại mới dựa trên khái niệm “Thế giới Nga”
Ảnh tư liệu : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin
Minh Anh
Thứ Hai, ngày 05/09/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông qua học thuyết đối ngoại mới dựa trên khái niệm « Russian World - Thế giới Nga ». Theo đó, Matxcơva tăng cường quan hệ hợp tác với các quốc gia văn hóa Slave, Trung Quốc và Ấn Độ và xa hơn nữa là thắt chặt quan hệ với Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Học thuyết đối ngoại mới, còn được gọi là « chính sách nhân đạo », dài 31 trang, cho rằng nước Nga phải « bảo vệ, gìn giữ và thúc đẩy các giá trị truyền thống và hệ tư tưởng của thế giới Nga ».
Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, dù được trình bày như là một chiến lược của « quyền lực mềm », nhưng học thuyết mới này đề cập đến nhiều ý tưởng liên quan đến chính trị và tôn giáo Nga. Một số nhân vật chủ trương đường lối cứng rắn đã sử dụng những ý tưởng này để biện minh cho hành động Nga xâm chiếm một số vùng lãnh thổ của Ukraina và sự hậu thuẫn của Nga đối với hai vùng ly khai thân Nga ở phía đông Ukraina.
Học thuyết mới có đoạn ghi : « Liên bang Nga ủng hộ những đồng bào định cư ở nước ngoài trong việc công nhận quyền của họ, bảo vệ các lợi ích của họ và để duy trì bản sắc văn hóa Nga của họ ». Chính sách đối ngoại cũng nêu rằng các mối liên hệ giữa nước Nga và đồng bào của mình định cư ở nước ngoài sẽ cho phép Matxcơva « củng cố hình ảnh quốc gia dân chủ nỗ lực tạo lập một thế giới đa cực trên trường quốc tế. »
Cuối cùng, học thuyết mới về đối ngoại khẳng định Nga phải tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các nước văn hóa Slave, Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như là phải thắt chặt các mối liên hệ với Trung Đông, châu Mỹ Latinh và châu Phi. Và nhất là Matxcơva cũng phải phát triển các mối quan hệ với các vùng ly khai Abkhasia và Nam Ossetia tách ra từ Gruzia, các nước cộng hòa ly khai tự phong Louhansk và Donetsk ở phía Đông Ukraina .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét