Ảnh: nathan-dumlao-unsplash
Đề tài Thú Mua Sách khá rộng, thỉnh thoảng có người bàn đến rải rác đâu đó. Phải mất nhiều thời gian để sưu tập, đọc và đúc kết để viết thành một quyển sách đọc… mệt nghỉ. Vì vậy, người viết chỉ tản mạn về thú mua sách của người Sài Gòn xưa trước năm 1975 và giai đoạn bản lề của tháng Tư đen lịch sử; đồng thời ghi lại những hồi ức của mình về thú chơi tao nhã nầy Theo lẽ thường, muốn có sách đọc phải có sách trong tay. Nếu không đủ tiền hoặc muốn tiết kiệm phải mượn hoặc mướn sách trước khi mua sách. Bạn có thể mượn sách của người thân, bạn bè hoặc của Thư viện. Mà những đối tượng nầy làm gì có đủ các loại sách mình ưa thích.
<!>
Mượn sách ở Thư viện có cái lợi là có nhiều đầu sách để chọn; nhưng bị lệ thuộc vào giờ giấc hành chánh, và phải trả đúng thời hạn. Chẳng may cuốn sách bị hư hao mất mát, phải đền. Còn mướn sách phải ký quỹ và trả đúng thời hạn. Sách mướn sang tay nhiều người thường bị “giày vò”. Nếu chẳng may tới phiên mình nượn, lỡ làm hư mòn mất mát phải đền như mượn sách ở Thư viện. Sách mướn còn có cái bất lợi khác.
Chẳng hạn, một bộ Tam Quốc Chí năm cuốn, có khi chỉ mướn được bốn cuốn; trong số ấy, thỉnh thoảng thiếu mấy trang, đang coi tới hồi gay cấn bị mất hứng. Việc cho mướn sách thời trước năm 1975 ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam có lúc người ta làm ăn khấm khá đã đẻ ra nhiều tiệm cho mướn sách và cái một nghề mới là nghề cho mướn sách – đa số là những tay “lái sách” chuyên nghiệp. Cụ Vương Hồng Sển – một tay chơi sách sành điệu – đã so sánh cái nghề cho mướn sách giống như một cái nghề… hơi khiếm nhã (!).
Hồi nhỏ tôi rất mê sách. Quyển sách đầu tiên hun đúc biết bao tình cảm tuổi thơ là Quốc Văn Giáo Khoa Thư khi tôi còn học lớp Ba trường làng. Thời bấy giờ, ở một làng quê xa xôi, người lớn chưa có thói quen hoặc không dư dả để mua sách thì cậu học trò nhỏ “ăn chưa no, lo chưa tới” như tôi làm gì có tiền để mua sách.
Nhưng nhờ một duyên may, tôi đã đọc được mấy bộ truyện Tàu nổi tiếng và vài cuốn tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh do ông Tám – em ông Nội tôi – mướn ở Sài Gòn đem về cho Ba tôi mượn đọc. Tôi cũng được thừa hưởng cái “kho sách” nho nhỏ ấy. Đây là cái duyên đưa tôi làm quen với truyện Tàu và đâm ra “ghiền” truyện Tàu lúc nào không biết. Trong số sách mướn/mượn, có lúc ai đó viết nguệch ngoạc bằng mực tím mấy câu thơ lục bát sai vần ở trang đầu sách: Có tiền mua lấy mà coi / Có của cho mượn mất công đi đòi.
Từ năm 1962, sau khi thi đậu Trung học Đệ Nhứt Cấp, tôi một mình một thân lên Sài Gòn để theo đuổi việc học và tìm kế sanh nhai. Những năm tháng theo học các lớp Đệ Nhị Cấp, rồi Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi tiếp tục làm quen với sách vở. Trước tiên, để vừa học vừa làm, tôi nhận chân Thơ ký trong việc soạn sách giáo khoa cho vị Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Gia Định. Thời gian nầy, tôi để ý và thèm thuồng Tủ Sách Gia Đình của ông.
Có lần tôi hỏi mượn được mấy quyển sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh để đem về nhà đọc. Tôi đặt sách lên ba-ga xe đạp, ràng rịt cẩn thận rồi hí hửng chạy nhanh về nhà trọ. “Họa vô đơn chí”, về đến nhà thì mấy quyển sách không cánh mà bay. Tôi chỉ còn xuống nước hết lời xin lỗi “khổ chủ” và hứa sẽ đền trả. Nhưng vị Hiệu trưởng tốt bụng đã an ủi vỗ về và khuyên tôi sau nầy nên cẩn thận. Từ ấy, tôi nung nấu việc sở hữu những quyển sách mình ưa thích. Muốn vậy, trước hết phải có tiền. Đối với những gia đình khá giả, việc chi tiền mua sách thật dễ dàng như trở bàn tay. Đối với một học sinh vừa học vừa làm như tôi là cả một vấn đề
!
Ảnh: pexels-johnmark-smith
Những năm tháng theo học tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tôi tiếp tục vừa học vừa làm để nuôi sống bản thân và dành dụm một ít tiền để mua sách. Công việc hợp với khả năng, sở thích là giảng dạy một số giờ ở bậc Trung học. Từ ấy tôi yên tâm theo đuổi việc học và bắt đầu mua sách – đặc biệt là loại sách văn học liên quan tới chương trình học ít thấy ở Thư viện. Thời bấy giờ, Sài Gòn có nhiều hiệu sách lớn nổi tiếng như Khai Trí (đường Lê Lợi), Sống Mới (đường Phạm Ngũ Lão), Lửa Thiêng (đường Đinh Tiên Hoàng), Xuân Thu (đường Tự Do) và Lá Bối (ở chúng cư Minh Mạng).
Muốn mua sách bất cứ loại nào – thường là sách mới xuất bản, bạn cứ đến thẳng các hiệu sách lớn ấy. Trước khi mua, bạn cũng nên lướt qua các trang quảng cáo ở một số báo, đặc biệt là Nguyệt san Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam như Nhật Tiến đã giới thiệu: “Đây là một bản ghi một cách tóm tắt toàn bộ tên những cuốn sách vừa ra trong tháng, kể cả sách giáo khoa với vài thông tin ngắn gọn như tên sách, tên tác giả, tên nhà xuất bản, khổ sách, số trang và giá tiền”.
Ngoài ra bạn cũng nên đến các chợ sách cũ – nói đúng hơn là “chợ sách chạy” trên đường Lê Lợi hoặc chỗ mua/bán sách cân ký lô ở ngã tư Trần Quý Cáp-Phan Đình Phùng để chọn mua sách cũ mình ưa thích.
Như đã thưa ở trên, tôi rất mê sách, thèm sách và cũng có cái thú mua sách như các tiền bối ở Sài Gòn. Mỗi khi có cuốn sách mới nào hợp “gu” vừa xuất bản là tôi chạy ngay ra tiệm sách mua cho kỳ được. Có lần đi “săn” sách, lục lạo tìm cuốn nầy lại thấy cuốn kia, bèn chụp ngay. Cùng một cảm giác với TS Charles Van Doren khi tâm sự: “Tôi thích mùi mực giấy, và chắc chắn là say sưa với cảm giác sờ chạm vào cuốn sách” (Thú Đọc Sách, Phạm Quang Định dịch từ cuốn The Joy of Reading, NXB Trẻ).
Nhưng cái bịnh thèm sách trong tôi đã thành mãn tính. Mọi việc chi tiêu phải tiết kiệm tối đa để đủ tiền mua sách. Đôi khi phải nhịn ăn sáng (giống như ông chủ nhà sách Khai Trí thời trẻ) để cái bụng đói ăn sách cho đã thèm! Không riêng gì sách mới ra lò còn nóng hổi, cả sách cũ rẻ tiền bám bụi thời gian, gáy sách lùi xùi, các trang giấy đã ố màu nhưng quý hiếm tôi vẫn thèm. Theo thông lệ, cứ mỗi cuối tuần, tôi thường đi “bát phố” quanh chợ Bến Thành để ngắm phố phường hoa lệ, với nam thanh nữ tú của Hòn Ngọc Viễn Đông – đặc biệt là những tà áo dài tha thướt phất phơ theo gió của các cô thiếu nữ Sài thành kiều diễm. Đồng thời cũng để săn đống sách cũ bày bán la liệt trên lòng lề đường. Mỗi lần ra chợ Sài Gòn để “rửa mắt” và săn sách là tôi cũng chụp được vài ba quyển sách mới và cũ mình ưa thích.
Nhằm đáp ứng công trình nghiên cứu về Ca dao miền Nam, tôi đã bỏ công lục lạo, tìm kiếm hầu “đãi” sách ở các chợ sách mới/cũ Sài Gòn. Trời không phụ kẻ có công. Tôi đã săn và gom được mấy mươi quyển sách liên quan đến đề tài khảo cứu. Để tránh dài dòng, tôi chỉ đơn cử một số sách đã “đãi” được. Đó là Sài Gòn Năm Xưa (Vương Hồng Sển, 1969), các sách của Sơn Nam: Nói Về Miền Nam (1967), Văn Minh Miệt Vườn (1970), Ca Dao Giảng Luận (Thuần Phong, 1970), Đồng Quê (Phi Vân, 1957), Vè Miền Nam (Tiền Giang, 1929), Hò Miền Nam (Lê Thị Minh, 1958) v.v…
Ngoài ra tôi còn “bắt” được các sách quý gồm hơn 20 cuốn như: các truyện thơ bình dân miền Nam thể lục bát do Nguyễn Bá Thời soạn (Thạch Sanh Lý Thông, Trần Minh Khố Chuối- 1967). Ba “bảo thư” quý hơn vàng mà tôi “cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa” và nâng niu cất giữ cho đến ngày nay là: Thơ Sáu Trọng (Nguyễn Bá Thời, 1967), Câu Hát Huê Tình (Đinh Thái Sơn, 1966) và Thơ Thầy Thông Chánh (1971). Trừ quyển Câu Hát Huê Tình thuộc dạng lục bát biến thể, còn tất cả các tập thơ khác đều làm theo thể thơ lục bát…
Bản đánh máy Thơ Thầy Thông Chánh do nhà văn Sơn Nam tặng tôi trong buổi gặp để phỏng vấn về Ca dao miền Nam tại Tòa soạn Nhựt báo Tin Sáng ngày 25 Tháng Tám 1971. Lúc ấy nhà văn mình trần trùng trục để lộ bộ xương cách trí ngồi viết feuilleton cho báo; còn nhà thơ Kiên Giang ngồi ở bàn kế bên thì ăn mặc tương đối chỉnh tề. Sau năm 1975, Huỳnh Ngọc Trảng có sử dụng cuốn Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam (1972) của tôi và tài liệu Thơ Thầy Thông Chánh nầy (?) để soạn quyển Vè Nam Bộ (1988). Phong trào “nói thơ” kiểu “nói thơ Vân Tiên” thời bấy giờ phát triển rộng khắp từ nông thôn tới thành thị miền Nam nhờ các tập thơ lục bát bình dân nầy. Thực dân Pháp cấm lưu hành, tàng trữ, ra lịnh thiêu hủy và cấm nói, cấm kể các truyện thơ có nội dung phản kháng chế độ như Thơ Sáu Trọng, Thơ Thầy Thông Chánh
Ảnh: Facebook Sách cũ Hà Nội
Bàn về thú mua sách, ai cũng nhớ ngay cụ Vương Hồng Sển, một cao nhân chơi sách ở Sài Gòn thời bấy giờ. Ngoài Thú chơi đồ cổ, học giả họ Vương còn có Thú mua sách bởi thuở nhỏ ông là “con sâu đọc sách”. Cũng như nữ văn sĩ Pháp George Sand, ông coi “sách là những người bạn chí thành”, quý hơn cả vợ và bạn (xấu). Có nên gọi ông là “người yêu /quý sách” (Bibliophile), hay “người nghiện sách” (Bibliomane) hoặc “người điên sách” (Bibliomaniaque) – tức người chuyên dành dụm, lượm lặt và “gom” hết bất luận sách nào, thậm chí “chọt” sách của bạn bè và Thư viện.
Trong cái mê sách có ẩn chứa cái “si tình” của người “lậm sách”, họ Vương mê sách đến nỗi phải “mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm ái, vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó”. Mỗi khi ghé ngang hàng sách, mắt ông dán vào kệ sách, gặp được sách ưng ý, giá mắc cách mấy cũng trút túi ra mua, nếu không thì bị “vọp bẻ, chuột rút, muốn rời cửa hàng, rời cũng không được”. Có lúc cao hứng, cụ Vương cũng bắt chước các ông Tây Pierre Dupont và Baudelaire sắm sách gấp đôi: Một cuốn chỉ để chưng trong tủ, không dám cắt trang rọc bìa, sợ cuốn sách “mất tân”; một cuốn để ghi bên lề trang sách những cảm tưởng nhứt thời lúc cao hứng khi đọc, ví như “được tỉ tê tâm sự với một người bạn cố giao bằng xương bằng thịt” (Hơn Nửa Đời Hư).
Cái mê/lậm sách biến thành cái thú, rồi tật mua sách mãn tính của ông cuối cùng khiến người vợ đầu tiên, trẻ đẹp, con nhà giàu, chịu hết nổi phải bỏ đi sau hơn một năm hương lửa hững hờ. Hãy nghe tâm sự của ông: Bên vợ cho 600$ làm vốn và một cái nhà mặt tiền ở số 214 đường De Lagrandière (Gia Long) trị giá 1000$ (ruộng năm 1924 giá 50$/mẫu, vàng 40$/lượng). Ông nhạc còn cung cấp mỗi tháng không nhỏ, cộng với số lương tháng gần 70$. Ông đem tiền mặt mua sách hết, “chỉ trong vòng mấy tháng, kết quả tủ sách không còn chỗ để, mà ái tình đã nhẹ gót ra đi”.
Cũng vì cái tật mê sách “thậm chí quên cả phận sự buồng the… đã hai phen bị giựt vợ, bị cắm sừng mà không tởn” (Hơn Nửa Đời Hư). So với người chơi sách cùng thời và cũng có cái thú mua sách như Đoàn Quan Tấn (biết yêu sách), Phạm Văn Còn (cưng sách như trứng mỏng) và Lê Thọ Xuân (cắp ca cắp củm sưu tập nhiều bộ sách quý giá) thì học giả họ Vương quả là cao thủ, là người điên sách thứ thiệt!
Nhưng trong cái rủi lại có cái may như Tái ông thất mã: nhờ điên sách mà ông hốt được một số bạc lớn. Số là vào Tháng Tám 1926, sau khi một học giả người Pháp rành tiếng Việt là J.C.Boscq qua đời, bà vợ rao bán kho sách của chồng, cụ Vương đã mua “mão” 84 quyển sách với giá 160$, cộng thêm quyển Dictionnaire Chinois-Francais-Latin (do De Guignes soạn, in năm 1813) giá 100$. Sau năm 1954, ông bán quyển Tự điển ấy được 2500$ – một số tiền khá lớn thời bấy giờ.
Có người gán cho cụ Vương Hồng Sển là “ông già kỳ cục” ở cách hành văn: “Văn ông lòng vòng, lục cục lòn hòn, nhưng là tinh túy của đất Nam kỳ” (Nguyễn Gia Việt). Tôi còn thấy ông quá kỳ cục qua việc mua sắm sách, quý trọng sách, “si tình” sách hơn cả vợ. Nhà văn Sơn Nam cho rằng họ Vương chơi đồ cổ “bá quyền”, tôi có thể nói: “Cụ Vương chơi sách bá quyền”!
Ảnh: NXB Trẻ
Kể ra số phận của sách cũng nổi trôi qua bao cuộc dâu bể: Hết Pháp tịch thâu đến Việt Minh cấm tàng trữ. Và vô số sách quý đã lần lượt làm mồi cho bà Hỏa. Có một chuyện thú vị xảy ra ở một trường học nọ ở Sóc Trăng thời Việt Minh lên nắm chánh quyền (1945). Thay vì tịch thâu sách đem đốt, họ ra lịnh cho giáo viên bắt học sinh đào đất chôn hơn 10 ngàn quyển sách – trong đó có một số sách quý như Chuyện Giải Buồn (Paulus Của), Chuyện Đời Xưa (Trương Vĩnh Ký). Ngày xưa nhà Tần đốt sách, chôn học trò (Phần thư, khanh nho) thì bấy giờ, người ta bắt học trò chôn sách!
Số phận của sách càng nghiệt ngã trong thời kỳ bản lề của tháng Tư đen 1975. Nhà nhà người người đều phải giao nộp sách “đồi trụy phản động” cho chánh quyền sở tại. Chứa “sách đồi trụy” trong nhà như chứa đồ quốc cấm, là mầm mống của mọi tai vạ. Vô số sách bị đem đi “hỏa táng”. Có người muốn nhảy vào biển lửa để chết theo sách. Nhiều người đã chôn sách vì quá thương sách.
Người viết phải “trào nước mắt” giao nộp sách của mình sau khi đã cất giấu các sách quý ở một nơi bí mật. Cho đến khi quyết định “bỏ phiếu bằng chân” thì tất cả sách còn lại đã đội nón ra đi, góp phần chật chội cho cái chợ trời sách Sài Gòn vàng thau lẫn lộn. Ôi, số phận của những cuốn sách bán ve chai, giấy gói xôi sao quá đỗi bọt bèo! Hèn chi Quách Tấn lúc túng quẫn đã than: “Ngày xưa nếu biết vàng là quý/ Đã không mua sách chất chật nhà”. Riêng cụ Vương Hồng Sển đã viết thư cho Sở Văn Hoá Thông Tin, xin giữ lại tủ sách, nếu không thì “ông sẽ chết theo sách”…
Ảnh: charl-folscher-unsplash
Ông bà xưa có câu: “Để cho con một rương vàng không bằng một rương sách”. Sách luôn hữu ích cho mọi người mọi giới – đặc biệt cho những ai còn mang nặng nghiệp dĩ văn chương. “Sách là thành quả của một tình yêu trọn đời” mà tác giả cống hiến. Sách là người bạn trung thành, là một từ điển cần thiết và hữu ích. Cho nên nhà thơ Nguyễn Khuyến mặc dầu cất tiếng than cho số phận sách vở buổi Nho học suy tàn “Sách vở ích gì cho buổi ấy”, vẫn khuyên nhủ con cháu không nên lơ là việc đèn sách: “Chín sào tư thổ là nơi ở / Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà”! Jean-Paul Sartre đã ví sách như một tôn giáo và kết luận: “Cái phòng sách, tôi xem nó như một ngôi đền” (La bibliothèque, j’y voyais un temple).
Có người còn cho rằng Sách là người tình lý tưởng. Trong thời đại tin học toàn cầu hiện nay, với sự phát triển của các hình thức xuất bản điện tử (sách đọc, sách nói), người ta càng dễ dàng tiếp cận với “tôn giáo”, với “người tình lý tưởng” bằng một cái… nhấp chuột. Dầu vậy, sách in có giá trị hợp với thị hiếu người mua, vẫn bán chạy. Mấy lúc gần đây thị trường sách cũ bỗng nhiên nở rộ tại các đô thị lớn ở Việt Nam!
Người lớn đến với sách cũ để sống lại những hồi ức về một thời dĩ vãng vàng son đã qua. Còn người trẻ đến với sách xưa để khám phá những giá trị văn hóa xưa cổ bị lãng quên (Ôn cố, tri tân). Chẳng hạn, bộ sách Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển khi đem bán đấu giá, dân Sài Gòn đã mua với giá 35 triệu đồng; còn bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có người dám chi tới 80 triệu đồng để “ẵm” quyển sách cổ ấy…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét