Quả tình tôi chẳng muốn nhắc lại giai đoạn bi thương ấy làm gì, nhưng trong tâm hồn tôi những vết sẹo ấy vẫn còn hằn sâu đâu dễ phai mờ! Giống như trục trái đất nghiêng với trục vuông góc đi qua mặt phẳng xích đạo một góc 23,4 độ, dù tôi có muốn thẳng người để quên đi, nhưng những hệ quả cứ kéo trì mình về phía ấy. Thì thôi! Ta cứ để nó nằm trong tâm tưởng, không cổ suý thì chắc chẳng đụng chạm gì tới ai. Cuối đông năm 71 đầu xuân năm 72, tôi dẫn trung đội của mình lang thang đội nắng dầm sương đầu ghềnh cuối bãi để nghe mùa xuân về.
<!>
Mất mấy tháng trời không được một lần nằm ngủ trên cái giường sắt nhà binh trong trại sĩ quan độc thân của đơn vị, bỗng có lệnh triệu hồi và xe GMC chở thẳng ra phi trường Tân Sơn Nhứt.
Cứ rong ruỗi ngoài bờ ngoài bụi, không ở hậu cứ nên có biết mô tê gì tin tức thời sự hay chiến cuộc gì đâu? Nhưng thấy cái kiểu nầy là đoán sắp có chuyển biến lớn rồi đây.
Vừa đổ quân nhập chung với đơn vị ở Hot point là lên đường ngay. Không khí rất khẩn trương, nghe như ngọn lửa mùa hè ấy đã lan về tới chỗ đóng quân của chúng tôi rát mặt. Từng toán, từng toán được phái đi...
Hai đêm sau, toán của Trung sĩ nhất Vũ bị bắn tan xác trên vùng trời Quảng Trị không nhặt được một mảnh xương tan vì nó nằm trong vùng chiến sự sôi bỏng mà người ta hay gọi là vùng hỏa tuyến có nghĩa là tuyến lửa. Đủ loại lửa đã rực cháy ở đó ngày đêm.
Đó là những con đại bàng đầu tiên của đơn vị tôi bị gãy cánh trong cái mùa hè chết tiệt ấy!
Người lính hy sinh để bảo vệ tổ quốc trong chiến tranh là lẽ thường, nhưng sao tôi lại nhớ đến Vũ nhiều...
Rồi lần lượt những đồng đội kế tiếp của tôi cũng gia nhập chung để hát khúc nhạc bi tráng ngày càng thê thiết.
*****
Tháng 9 về... nghe như có tiếng gọi đi về phía ấy để tưởng nhớ...
Ừ, đi thì đi!
Có lẽ đây là chuyến đi xa cuối cùng của một người đã ở ngưỡng thất thập. Tới chừng tuổi đó, có những điều người ta có muốn lắm, thôi thúc lắm cũng không thể nào thực hiện được.
Coi lại túi tiền, liệu cơm gắp mắm, tôi leo lên xe đò... cho nó lành!
Xe đi đến đèo Hải Vân, tôi nhớ hai câu thơ của Nhất Tuấn, một tiền bối trong binh chủng:
“Ngày con đi sương mù giăng đỉnh núi
Đèo Hải Vân mây trắng vẫn thiên thu”.
Bây giờ thì người ta đã làm hầm chui qua đèo rồi nên tôi không còn dịp được nhìn thấy những đám mây trắng trên đỉnh đèo của thi sĩ nữa.
Xe chui ra khỏi hầm đã thấy Lăng Cô trước mắt. Thị trấn chỉ thoáng vụt qua xa xa qua cửa sổ xe đò vì đường sá bây giờ đã rất phẳng phiu.
Qua khỏi Huế, tôi ước chừng xe đang chạy trên đoạn đường mà năm 72 người ta đặt cho nó cái tên Đại lộ kinh hoàng vì thấy tấm bảng ghi tên Cầu Dài 1 bên vệ đường xuất hiện thoáng qua rất nhanh trong tầm mắt cắm ở đầu một cây cầu ngắn.
Hết Cầu Dài 1 đến Cầu Dài 2 rồi Cầu Trắng. Khung cảnh hai bên đường đã thay đổi hoàn toàn, nhà cửa mọc lên san sát chứng tỏ sức sống đã hồi sinh trù phú từ rất lâu và người dân đã quên hẳn cái quá khứ đau buồn to lớn cũ... Duy chỉ có tên những địa danh, những cây cầu vẫn giữ nguyên giúp ký ức tôi sống lại.
Rồi tên cầu Thạch Hãn xuất hiện trong tầm nhìn. Tôi xuống xe ở bên kia đầu cầu lúc đồng hồ đeo tay chỉ 2:30 chiều sau hơn 30 tiếng đồng hồ chịu dằn xóc và thiếu ngủ.
Bây giờ người ta đã làm thêm một cây cầu đúc song hành với cây cầu cũ dành cho xe các loại chạy, còn cây cầu sắt vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt dành riêng cho tàu hỏa, có hai con đường nhựa nhỏ cặp hai bên làm con đường dân sinh dành cho xe gắn máy nhưng cũng đã bị chắn một đường phía thượng nguồn. Tôi đoán con đường cặp hông cầu ấy chắc đã bị yếu, sợ gây nguy hiểm cho người đi qua.
Buổi xế trưa nên con đường vắng tanh bởi chắc ít ai muốn phơi mình dưới cái nắng chói chang muốn nổ đom đóm mắt của xứ Quảng Trị. Tôi muốn chụp một tấm hình trước cây cầu vang tiếng ấy nhưng chẳng có ai để nhờ.
Ngẩn ngơ hơn 10 phút dưới nắng, bỗng có một phụ nữ chạy chiếc xe tay ga xịch tới rồi ngừng lại khá gần tôi.
Chẳng lẽ cứ đứng hoài chịu trận, tôi đánh bạo tới gần lên tiếng:
- O ơi! Tui có thể làm phiền O một chút không?
- Dạ! Có chi khôn Ôn?
- Tui muốn nhờ O chớp hộ cho cái bóng tui đứng ở đầu cầu ni. Có làm phiền O không?
Cô mở khẩu trang ra lịch sự trả lời tôi kèm theo một nụ cười rất tươi:
- Dạ! Khôn răng mô!
Ui chao! Tiếng “dạ” chết người!
Đưa tay nhận lại chiếc điện thoại sau khi Cô đã chụp giúp xong, tôi... đứng hình, không biết nói gì hơn sau lời cám ơn cụt ngủn.
Mất một phút yên lặng rồi với vẻ ngượng ngập, cô nối tiếp câu chuyện đang dở dang:
- Chừng nào Ôn về lại trong nớ?
- Chưa biết chắc O à.
- Rứa thì nếu Ôn còn chưa về, hai ngày nữa chính quyền sẽ tổ chức lễ kỷ niệm chi đó cây cầu ni, chắc là có đông người lắm! Ôn ở lại coi cho vui.
Tôi khẽ thở dài, một cái buồn nhè nhẹ dâng lên trong lòng nhưng tránh lộ ra mặt.
Tôi đứng ở đầu cầu Thạch Hãn và nhớ tới chuyện ngày xưa.
Hiệp định Paris năm 73 ngưng bắn ký kết giữa các bên và ai đang ở đâu cứ giữ nguyên vị trí ở đó.
Niềm trông đợi nhất của những người lính là gì? Không còn súng nổ đạn bay, không còn lửa cháy người chết, không còn những cuộc hành quân đầy nguy hiểm và gian khổ là mừng lắm rồi! Nàng Hoà bình còn bay lượn ở đâu xa, hiện tại ta cứ tận hưởng những ngày yên bình dù mong manh cũng mừng, bởi vì những người lính ở cả hai bên đã nằm lại trên mảnh đất nầy nhiều vô kể.
Rồi những chuyến trao trả tù binh giữa hai bên ở địa điểm bờ bắc sông Thạch Hãn. Niềm vui của những con chim bị giam cầm nay được trả tự do cộng gộp với niềm vui không còn gánh lấy sự hiểm nguy hàng ngày khiến không khí nhuốm vẻ tưng bừng hơn. Tuy ai cũng biết đó là cái thanh bình giả tạo và ngắn ngủi, nhưng trước mắt cứ vui mừng cái đã.
Ngó quanh quất với một chút phân vân, tôi thả bước xuống dốc cầu bước vào một quán cà phê xoàng xoàng đang vắng khách. Gọi một ly cà phê uống cho tỉnh táo để tính chuyện tiếp theo.
Cậu bé phục vụ với mái tóc nhuộm màu khói có vẻ lanh lợi và vui vẻ, tôi níu lại hỏi chuyện về cây cầu, về dòng sông trước mặt, nó trả lời:
- Sau nì, người ta hốt cát dưới sông còn chộ nhiều đầu lâu và xương người lắm Ôn nờ!
Thảng thốt, tôi buột miệng buông ra một câu hỏi ngây ngô:
- Của ai vậy?
- Nỏ biết! Nhưng có nhiều. Người ta cứ gom chôn lại chung một chỗ rồi mần tiếp thôi Ôn ơi!
Tôi hơi lặng người. Chỉ là một dòng sông nhỏ, nhưng ở đó đã xảy ra biết bao nhiêu trận đánh làm máu nhuộm đỏ cả nước sông. Những xác người chìm xuống rồi nổi lên trôi lặng lờ theo con nước, lại phân hủy để xương tàn lại chìm xuống đáy sông. Hồn phách những người đã chết ở đó liệu có siêu sinh không? Thân nhân họ có biết không? Tổ quốc nào đã ghi ơn họ? Hay đêm đêm những giọng hát bi ai lạc loài vẫn trải dài trên mặt sông lạnh, lướt ngang qua ngọn sóng mà khóc thương cho số phận hẩm hiu không nơi nương tựa để hưởng chút khói hương?
Thấy quán vắng khách, tôi hỏi cậu có xe gắn máy không? Cậu gật đầu nên tôi đề nghị cậu chở giúp tôi đi một vòng quanh thị xã. Cậu vui vẻ nhận lời:
- Nếu trở về trước 5 giờ chiều thì được Ôn à. Lúc đó mới bắt đầu có khách buổi tối.
Thỏa thuận xong, cậu dắt xe ra đưa tôi đi ngay.
Tôi nhờ cậu chở đến Cổ thành. Thị xã Quảng Trị không lớn lắm nên chỉ ít phút sau chúng tôi đã đến nơi.
Gần tới ngày kỷ niệm tháng 9 của Cổ thành nên có rất nhiều xe ca chở các đoàn cựu chiến binh các tỉnh với băng-rôn căng trước đầu xe viết rằng trở về chiến trường xưa viếng đồng đội, đồng chí đậu phía cổng chính. Họ coi đây như một tượng đài chiến thắng.
Không có chỗ giữ xe nên cậu cứ dựng xe đại trên vỉa hè gần cổng chính mà đi vào trong.
Cổ thành Quảng Trị đã được người ta tôn tạo lại nên ngăn nắp và đẹp. Có một hào nước sâu bao quanh thành với những hàng lan can bê tông hai bên. Sao họ không trồng sen dưới hào cho đẹp nhỉ?
Qua một cây cầu bê tông nhỏ có lan can, thấy một khoảng sân rộng rồi tới tường thành có cổng vòm như những thành quách ngày xưa. Người ta lôi ở đâu về hai khẩu thần công nòng lớn mà ngắn có chút xíu làm cảnh đặt hai bên cổng thành. Nếu bắn đạn thật thì tôi e tầm tác xạ hiệu quả chỉ độ khoảng trăm mét là cùng. Phía trên cổng vòm cũng có một vọng lâu cách điệu. Cái đáng quý là ở phía bên trái cổng chính và cổng sau cổ thành vẫn còn hiện hữu một vài đoạn của bức tường thành cổ nay đã phủ cỏ rêu xanh mướt. Bên trong đã được tạo thành một công viên cây xanh đẹp và lớn nhất thị xã với những cụm tượng nho nhỏ rải rác và Nhà Tưởng niệm.
Người ta đã tôn tạo nó cho đẹp hơn và vào cửa tự do chớ không phải phục dựng Cổ thành để biến nó thành một khu du lịch tham quan có thu phí.
Tôi không mô tả hiện trạng một di tích lịch sử đặc biệt hay nhắc lại trận đánh lịch sử 81 ngày đêm ở đó làm chi? Người ta có thể đọc được ở rất nhiều tài liệu. Cái mà tôi muốn nói ở đây là mục đích chuyến trở về và tâm tình của tôi đối với những đồng đội đã ngã xuống đền nợ nước ở chốn nầy.
Đứng ngắm nghía kỳ đài đã được làm mới đẹp và rất cao ở vị trí cũ, tôi tự nhủ đây chính là một trong chuỗi những phi lý của chiến tranh. Với ý đồ chính trị muốn chiếm lợi thế trên bàn đàm phán, biết bao nhiêu thanh niên của hai phía đã bị đẩy vào đây đổ xương đổ máu hay bị phanh thây chỉ có mục đích là chiếm lấy một chỗ cắm cờ.
Tôi đứng quay lưng lại phía kỳ đài, mắt hướng về phía cổng làm động tác chào kính.
Các bạn có hiểu ý nghĩa hành động đó của tôi không?
Tôi nghĩ anh linh những đồng đội của tôi đã bị tan xương nát thịt một cách oan ức vì bom pháo của các phi tuần oanh tạc và hải pháo của quân đội đồng minh bắn vào từ biển ở chốn nầy vẫn còn quanh quẩn trên đầu cây ngọn cỏ quanh đây, đêm đêm vẫn cất tiếng khóc ai oán vì không nơi nương tựa. Kỳ đài Cổ thành bây giờ tất nhiên đâu phải dành cho họ?
Tôi đến đây thăm viếng và làm động tác chào kính về phía cây cầu dẫn vào, nơi những bước chân đầm đìa máu lửa, thậm chí phải trườn bò dưới lưới đạn quân địch của những đồng đội đã nhọc nhằn tiến lên từng tấc đất để giành lại phần đất của non sông mình mà tưởng nhớ tới họ. Có lẽ họ sẽ hiểu giùm tôi.
Tôi lủi thủi ra cổng rồi vòng lại phía sau ngắm nghía toàn cảnh Cổ thành như một lời chào từ biệt.
Nhìn lại đồng hồ tay thì đã gần sát với thời gian thỏa thuận, tôi đưa một ít tiền để cậu đổ xăng và một chút tiền công để cậu quay về chỗ làm.
Rồi tôi thẫn thờ bước một mình trên con đường làng lần đầu tiên dẫm chân lên mà nghĩ ngợi mông lung.
Đứng ở đây nhìn mông quạnh một hồi, dưng không tôi lại nhớ đến gia đình Bác Phan Chánh Phú người Hải Lăng mà tôi đã được sống cùng một thời gian. Tôi nhớ những lát cá ngừ kho với ớt bột đỏ quạch trong những bữa cơm, tôi nhớ những chén chè đậu xanh đánh pha hạt sen phơi sương thơm lừng thỉnh thoảng bác đãi tôi, tôi nhớ cả tên họ những người con của bác: Phan Thị Hải Hồng, Phan Gia Minh, Phan Thị Cảnh... Sở dĩ tôi nhắc cả tên họ những anh chị vì biết đâu những dòng chữ nầy tình cờ lọt vào mắt họ mà nhớ lại một quãng đời và nhớ lại tôi chăng?
Chiến tranh lôi tôi đi, hơn nửa thế kỷ tôi chưa hề gặp lại họ một lần. Không biết giờ nầy ai còn ai mất và sống ở phương trời nào? Chắc là họ không còn nhớ tới tôi đâu!
Một chiếc lá rơi chạm vào vai áo khi tôi nhớ tới họ đã để lại trong tim tôi âm thanh của một nốt nhạc trầm ngậm ngùi.
Tôi đến ga xe lửa Đông Hà tìm đường về. Nhẩm lại số tiền còn trong túi vừa đủ cho một vé xe lửa về Sàigòn và một cuốc xe ôm từ ga Hòa Hưng về nhà, tôi bèn ngồi ở phòng đợi ga Đông Hà ba tiếng rưỡi đồng hồ chờ chuyến tàu Thống Nhất SE5 xuất phát từ Hà Nội để quay trở lại Sàigòn ngay trong đêm.
Ngày 16 tháng 9 năm 1972, Nam quân đã dựng cờ trên cổng tường phía tây, biểu tượng cho việc hoàn tất cuộc tái chiếm Cổ thành Quảng Trị sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt với Bắc quân.
Hùng Bi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét