Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

ÔNG NGUYỄN NHƯ BÁ - Lưu Trọng Văn

              (Lưu Trọng Văn
Lê Quang Vịnh - người bị VNCH kết án tử hình được chuyển thành án chung thân bị đày ra Côn Đảo, sau 30/04/1975 là lãnh đạo ngành giáo dục TP HCM, đọc hồ sơ của Nguyễn Bá - cựu tù cải tạo 5 năm của CHXHCNVN, nói với Nguyễn Bá : "Chuyện tôi và anh cùng bị tù phía bên này hay phía bên kia qua rồi. Tôi mời anh về sở GD lo việc xây dựng cơ sở GD cho tương lai !" Ông Bá gật đầu. Tại một trường học ông được đề nghị thiết kế cầu tiêu. Ông thiết kế cầu tiêu ba ngăn theo tiêu chuẩn quốc tế. Một ngăn chứa phân tươi, một ngăn để vi khuẩn "tiêu diệt" phân tươi, một ngăn lọc và tái chế nước bẩn thành nước không ô nhiễm môi trường. Lúc ấy người ta mời thêm một kiến trúc sư ngoài Bắc vào. Tay KTS trẻ này nói với ông Bá : "Tôi thiết kế hố xí hai ngăn thôi !".
<!>
Ông Bá nghe vậy thì kính nể tài năng của tay KTS trẻ học từ mái trường XHCN quá. Chắc phải giỏi lắm, phải có sáng tạo lắm mới có thể thiết kế hố xí tiết kiệm hẳn một ngăn. Ông Bá bảo : "Hay quá, anh vẽ bản vẽ đi, tôi sẽ cho thi công !"

Ông Bá nhận bản vẽ trên đó có hình hố xí hai ngăn thật. Một ngăn ... ỵ Một ngăn trống. Ỵ đầy ngăn này lấy tro lấp lên, ỵ tiếp ngăn kia.

Ông Bá kể : "Tôi hỏi anh KTS, vậy phân ủ tro đem đi đâu ?". Anh KTS cười : "Ông có biết thế nào là phân xanh, phân chuồng, phân bắc để bón cho rau, cho cây trái không ?". Tôi bảo "Phân xanh, phân chuồng thì tôi biết nhưng phân bắc thì không biết !". Anh KTS lại cười : "Cái mà ông hỏi để làm gì chính là phân bắc đấy !"

Nghe đến đây gã thành thật thú nhận rằng, hồi nhỏ gã sơ tán ở làng quê cũng nghe bà con nông dân gọi cứt của người là phân bắc, nhưng hỏi bà con vì sao gọi vậy thì mỗi người giải thích một kiểu, đến giờ gã vẫn dốt chả hiểu thế nào là đúng. Bạn đọc của gã ai tỏ tường thì mách cho gã nhá !

Trở lại chuyện của ông Bá. Sau cú ... huých trên, ông Bá bỏ ra ngoài kiếm sống bằng nghề khác cho nó ... lành. Và thế là ông trở thành một hoạ sĩ bất đắc dĩ vẽ tranh trên áo thun bán khá chạy.

Bỗng một hôm không hiểu ai mách, một Công ty Giao thông nhà nước mời ông làm giám sát một công trình xây dựng cầu cảng cho cảng Bến Nghé. Ông coi thiết kế thấy vẽ sắt phi 21 nhưng tại hiện trường lại đo được sắt phi 19, người ta "tiết kiệm" 100 tấn sắt để chia nhau. Ông phản ứng. Mọi người nhìn ông với con mắt thương hại cho ông. Ông hiểu tất cả và "tạm biệt ... chim én" ngay. Mất khoản thu nhập lớn vì không kí giám sát nhưng lòng ông thanh thản.

Một hôm có tay người Úc đến tìm ông, đề nghị ông giúp đóng cừ và kết cấu cột bê tông neo khách sạn nổi đặt ở Bến Bạch Đằng, ông đã tính toán chính xác việc neo đậu lên xuống của khách sạn nổi này, làm các ông chủ Úc phải kinh ngạc.

Chính vì "chiến tích" này các chuyên gia Pháp sửa chữa cầu chữ Y đã phải cầu cạnh ông vì họ không thể tính toán được cách gia cố dây neo sắt của cầu chữ Y, khi toàn bộ bản vẽ thiết kế bị thất lạc. Chỉ với cây đục và búa, đục một số vị trí của cầu ông đã vẽ được kết cấu của dây chằng sắt của cầu bên trong khối bê tông, từ đó giúp cho các chuyên gia Pháp tìm ra phương pháp gia cố dây chằng, tăng tải trọng cho cầu. Cho đến hôm nay cầu chữ Y vẫn bền vững chính nhờ tài nghệ của ông.

Còn nhiều công trình nhà cao tầng ở Sài Gòn, Hà Nội đã được xây lên bởi tính toán kết cấu của ông. Vậy tại sao ông vẫn ra đi ? Gã độp hỏi.

Tôi đã 9 lần vượt biên cùng con trai của tôi. Lý do con trai tôi cần phải có tương lai. Vậy thôi. Cha con tôi trong nhà bao giờ cũng có sẵn cái túi đựng mấy hộp sữa, một kí đường, vài bộ quần áo để bất cứ lúc nào có ai gọi là lên đường.

Một lần bị bắt ngay tại Sài Gòn, tôi rút tờ 100 000 đồng nhờ thằng bé đứng trên bờ mua ổ bánh mì. Thằng bé thấy trên tờ 100 000 đồng ấy có dòng chữ tôi ghi số nhà, phố. Nó hiểu ý tìm đến nhà tôi đưa cho vợ tôi tờ 100 000 đồng này rồi chạy đi. Tôi nhớ lắm thằng bé gầy gò, áo quần lôi thôi. Nó giờ ở đâu, làm gì, tôi ước được gặp lại nó chỉ để ôm nó vào lòng. Vợ tôi nhận tờ tiền, hiểu cha con tôi đã bị bắt sẽ tìm cách cứu ra.

Một lần vượt biên tôi lại bị bắt. Tôi không sao liên hệ báo cho vợ tôi biết được. Giấy tờ của tôi là giấy tờ giả. Vợ tôi dò hỏi khắp nơi không biết tôi thoát hay bị bắt ở trại nào. Một hôm có một sĩ quan an ninh vỗ vai tôi hỏi, anh có phải Nguyễn Bá, kĩ sư cầu đường nhà ở Tân Định không. Tôi sợ hãi chối đây đẩy. Nhưng anh ta nói ra những việc tôi làm, tôi đi đâu rất chính xác. Tôi phục lăn an ninh Việt Cộng về tài điều tra, nói ra cả điều chính tôi đã quên từ lâu. Tôi đành thú thật mình là ai và bảo với anh ta, tôi chỉ vượt biên vì thằng con trai này của tôi. Tôi muốn nó được học tử tế. Anh ta im lặng, bỏ đi. Ba hôm sau tôi nhận được đồ ăn vợ tôi gửi vào. Khi tôi ăn món rau muống xào thì nghe cái rốp. Tôi nhè ra. Trong cuống rau muống tôi kéo ra một ống nhựa nhỏ. Bên trong là mẩu giấy ghi : "Anh công an giúp em tìm ra anh. Anh đừng sợ". Thế là một lần nữa vợ tôi lại cứu tôi thoát trại giam.

Lại vượt biên, lại bị bắt. Tôi bị đưa đến Cần Giờ lao động cải tạo. Một ngày tôi phải đào hai khối đất nếu không xong thì không được tắm. Tôi suốt một tuần người đầy bùn hôi thối không được tắm, vì không làm sao đào đủ hai khối đất trong một ngày được. Không chịu nổi dơ bẩn, ngứa ngáy quá mức ... Tôi phải thú thật với ông quản trại tôi là ai, tôi đã làm các công trình gì, tôi chỉ có khả năng thiết kế làm các công trình xây dựng, cầu đường chứ đào đất thì thua. Nghe vậy, ông quản trại dẫn tôi ra một vùng bùn lầy và nói :
"Chúng tôi mất cả đàn dê cho đám kĩ sư Sài Gòn ăn để làm con đập kia, nhưng cứ nước lên một vài lần là con đập vỡ. Anh làm được không ?"
Tôi bảo : "Được, nhưng phải cho tôi chọn 30 người giúp tôi !" - "Được !"
- Nhưng có hai điều kiện nữa. Một, các ông phải cho người canh, vì tù hình sự tôi không quản được, họ bỏ trốn lỗi ở các anh chứ không phải lỗi của tôi ! - "Được ! Hai ?"
- Các anh phải cho họ ăn no và tắm rửa tử tế ! - "Được !"
Khi biết tôi tuyển chọn nhân công được ăn no, tắm sạch, cả trăm tù anh chị, hình sự xin tôi nhận họ. Tôi chọn lựa đâu đó người khỏe, chăm làm và thông minh, cùng làm đập với tôi. Tôi nghiên cứu con nước, dòng chảy, thủy triều, ... rồi thiết kế và thi công đập. Xong.
Quản trại nói : " Hai tuần sau đập không vỡ thì sẽ trả anh tự do !"
Và tôi được tự do. Để rồi lại vượt biên tiếp.
- Lần thứ 9 thì thành công à ? - Gã hỏi.
- Không phải tôi thành công mà con trai tôi thành công. Khi đó con trai tôi chưa tròn 16 tuổi. Con tôi một mình trên đất Mỹ, vừa đi làm kiếm sống vừa học rồi tốt nghiệp hai đại học của Mỹ. Tôi vượt biên làm gì nữa!
- Sao anh giờ này ở Mỹ?
- Đoàn tụ gia đình!

Thôi, gã dừng đây, chuẩn bị ra sân bay San Francisco để bay về Sài Gòn. Nếu bạn đọc ngày hôm sau chưa thấy gã lộ diện, thì do gã đang trên bầu trời vùng không phủ sóng.

Chuyện của ông Bá còn một kì nữa. Ông làm cầu đường bên Mỹ thế nào kể ra nghe cũng thú vị đó. Khi về SG gã sẽ hầu kể nốt.

Kỹ sư Nguyễn Bá khuyên gã nên viết về trường đại học Mỹ khi cùng Trần Gia Định dẫn gã thăm đại học Stanford. Gã hiểu điều gì đã làm nên nước Mỹ : Các trường học. Ông Bá nói, ở Sài Gòn lúc đó trường Kỹ nghệ Phú Thọ mà ông học, nổi tiếng cả châu Á về chất lượng đào tạo. Nói xong ông im lặng.

Gã hiểu sự im lặng ấy đồng nghĩa với câu hỏi : Hiện giờ chất lượng các trường học ở VN ra sao ? Đột nhiên chuyện chuyển qua những giấc mơ.

Lúc này thì nhân vật đi cùng ông Bá là ông Định cao lớn, một thời đẹp giai lên tiếng :
- Tôi học lái phi cơ ở Mỹ về. Chiều 30/04/1975 tôi cảm thấy như mình đang bị ai đó soi mói, rình rập và xua đuổi. Tôi bỏ chạy trên sân bay Trà Nóc đến chiếc A-37. Tôi lái như kẻ bị rượt đuổi ấy. Đáp xuống sân bay Utapao căn cứ Mỹ ở Thái Lan. Một nhóm sĩ quan Mỹ ra đón mà tôi vẫn lăm lăm khẩu súng, tôi nghĩ, người Mỹ đã bỏ cả một đất nước thì họ cũng có thể bỏ tôi. Nhưng do nỗi ám ảnh bị rình rập, rượt đuổi nên tôi không còn cách nào khác chạy trốn.

Ông Bá cười : Tôi cũng bị cảm giác đó. Đến tận bây giờ hiện về trong giấc mơ của tôi nhiều nhất là những cuộc vây bắt. Có nhiều lần trong mơ tôi thấy mình bị bắt ... Sợ quá, tỉnh dậy thấy mình đang ở Mỹ, hú hồn ...

Ông Định kể :
- Tôi có lần mơ, tôi trở về làng tôi. Mơ ngu dễ sợ, tôi thấy rõ mình mặc bộ áo quần phi công lại còn ngồi trên xe Jeep quân sự nữa chớ. Ồi, tôi còn nhớ là chân tôi đi giầy đinh sĩ quan gác lên thành cửa xe Jeep. Khi tới làng thì thấy thấp thoáng những bóng người. Họ cứ nhòm tôi, nhòm vô xe, tôi đi đến đâu cũng thấy bóng họ, tôi bỏ chạy, họ cũng chạy theo ... Khi tay ai đó túm vai mình tôi tỉnh dậy, cảm giác cũng như anh Bá : Hú hồn !

Ông Bá và ông Định dẫn gã đến dãy hành lang ngút mắt của đại học Stanford và tháp cao vút biểu tượng của ngôi trường đào tạo ra nhân tài của nước Mỹ, tạo nên "Giấc mơ Mỹ " với tuyên ngôn bất hủ : "Gió của Tự do thổi". Ông Bá nói : Tôi chỉ mong đám trẻ nước mình trong mơ sẽ chỉ có những giấc mơ đặt chân trên hành lang kia, bước vào giảng đường kia.

Gã hiểu "Gió của Tự do thổi" là thổi đến đâu : Những cánh cửa đại học danh tiếng như Harvard, như Stanford, ... này. Từ đó những tài năng với tâm hồn Tự do cất cánh.

Ông Bá dẫn gã về nhà ông. Vợ ông - bà Nghị vốn là một nữ sinh hoa khôi Sài Gòn đi vắng. Gã nhìn tấm hình của bà vẫn còn nét đẹp dù ở tuổi đã chiều. Gã ngạc nhiên nhà ông Bá lại là một xưởng vẽ trên tường treo đầy tranh. Ông Định nói :
- Tranh ông Bá vẽ đó ! Chắc nhờ cái thủơ vẽ trên áo kiếm sống nên giờ bác Bá thành hoạ sĩ. Bác Bá nhỉ ?

Gã ngắm nhìn những bức chân dung Enstein nhà sáng tạo vĩ đại, cha đẻ của thuyết tương đối, chân dung mẹ Teresa người đàn bà thánh thiện cả đời dâng hiến với lòng nhân ái bất tận, xóa đi bất hạnh kẻ khốn cùng. Rồi chân dung Văn Cao, Trần Dần, Hữu Loan, ... Những tâm hồn mà "Gió của Tự do" không ngừng thổi ngay cả trong những tháng ngày tăm tối của đời mình. Ông Bá nói :
- Cứ mỗi lần mơ thấy bị vây bắt tỉnh dậy, tôi lại vẽ những con người ấy. Vẽ lại giấc mơ khác mà mình muốn để cân bằng lại mình.
Gã độp hỏi ông Bá chuyện mà bạn đọc của gã lúc này muốn biết, ông đã làm việc trên đất Mỹ thế nào ?
- Thì đó tôi vẽ tranh !
- Không, tôi muốn biết ông hành nghề kỹ sư cầu đường của ông ở Mỹ thế nào cơ !
Ông Bá dẫn tôi ra ngoài vườn, nơi có chiếc cổng bằng gỗ và chiếc giếng như ở làng quê Việt. Ông khoe : "Tôi tự làm hết !"

Gió từ Thái Bình Dương thổi, nơi ông Bá bảo cùng các bạn của mình thường hẹn nhau ra nhìn về Biển Đông quê hương, những chiếc lá phong vào thu ửng vàng lay lay rung nắng chiều tạo nên cái mà người xa xứ e ngại : Cảnh buồn ...
Tôi kể anh nghe nhé !

1/ Chúng tôi thi công một con đường để giải tỏa ùn tắc. Mọi việc về kỹ thuật xong đâu đó rồi nhưng có một bà già không chịu rời nhà đi chỗ khác mặc dù chúng tôi nhiều lần vận động bà, xây cho bà căn nhà mới, giá đền bù cao hơn giá nhà thị trường. Bà vẫn không chịu. Lý do bà đưa ra là ngôi nhà này lưu giữ hình bóng người chồng đã mất của bà. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không thể nào đền bù được cho bà hình bóng ẩn hiện trong từng ô cửa, sân vườn, góc bếp, hành lang của người chồng thân yêu của bà.

Điều ngạc nhiên là tất cả láng giềng của bà và dân chúng khu vực, những người đã tình nguyện rời nhà cho con đường, không ai trách bà mà còn ủng hộ bà. Vì bà bây giờ chỉ còn một mình, bà chỉ cảm thấy không cô đơn khi sống trong căn nhà có hình bóng của chồng.
Con đường vẫn phải làm. Ngôi nhà của bà duy nhất vẫn tồn tại và dân chúng xung quanh tự hào về ngôi nhà đó. Họ gọi đó là "Biểu tượng Tình yêu" của khu dân cư của mình.

2/ Chúng tôi làm một con đường qua một khu đất hoang. Ở Mỹ, để được duyệt một dự án rất khó vì các tiêu chuẩn rất cao, không có chuyện cho cầu yếu và đường chờ lún. Càng không có chuyện móc ngoặc giữa nhà đầu tư và nhà thầu. Dự án đâu đó chuẩn bị thi công thì bất ngờ một người dân kiện. Người dân này cho rằng, con đường đi qua một vũng lầy ở đó ông ta thấy có bầy cóc chân đỏ sinh sống. Các chuyên gia bảo vệ động vật nhanh chóng hành động. Mọi việc thi công dừng lại hết. Các chuyên gia bảo vệ động vật di chuyển toàn bộ bùn lầy cùng bầy cóc chân đỏ, ra nơi mới có điều kiện dòng chảy, sinh thái tương tự nơi cũ. Công trình chỉ được phép làm khi các chuyên gia theo dõi bầy cóc chân đỏ đã thích nghi được nơi mới.
Gã hỏi :
- Tốn thêm bao tiền ?
- Một triệu đô la. Chưa kể lãi suất ngân hàng, tiền lương nhân viên vẫn phải trả do công trình bị dừng lại trong mấy tháng !
Gã hỏi :
- Thái độ của nhà đầu tư và nhà thầu đối với người kiện họ thế nào ?
- Họ cám ơn vì nhờ ông ta mà bầy cóc chân đỏ đã được cứu !

3/ Chúng tôi thi công một cầu cảng. Các phương án cọc thông thường bị bác bỏ lý do là ảnh hưởng cuộc sống của bầy cá vốn quen sống ở đó. Tôi đã thất bại không thể nghĩ ra cách nào. Tôi hiểu ra rằng mình chả là gì hết. Đó là nỗi đau, nỗi chua xót cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy tiếc quá nhiều năm tháng cuộc đời mình đã bị uổng phí vì những cái không đáng có. Ông Bá kể xong các mẩu chuyện làm cầu đường ở Mỹ, khác hẳn các mẩu chuyện ông hành nghề ở Việt Nam. Bạn của gã ai muốn hiểu sao thì hiểu ...

Thế rồi, chia tay. Ông Bá sực nhớ điều gì bèn chạy vào trong buồng, đem ra cho gã coi chiếc lược cắt tóc kiêm cạo râu. Ông bảo : "Kỷ vật duy nhất tôi lén lút rị mọ bao tháng trời làm trong tù mà tôi còn giữ được đó !"

Ông Định thân mật bá vai gã kể câu chuyện, mà gã nghĩ không phải tự dưng ông kể trước khi chia tay :
- Khi tôi xuống phi trường Utapao rồi thì một chiếc chiến đấu cơ một người lái của không lực VNCH đáp xuống đường băng. Các sĩ quan Mỹ và tôi ngạcnhiên : Nhô lên từ cửa chiếc máy bay chiến đấu một chỗ ngồi là một mái tóc dài rồi thân hình một cô gái. Mặt cô ngược với đầu máy bay. Điều này chưa từng có trong lịch sử hàng không. Rồi sau đó từ chân rồi bụng của cô gái ngược lại với cô từ từ nhô lên một chàng trai. Mọi người mới hiểu rằng, chàng phi công trẻ kia đã để cho người yêu mình ngồi trên chân mình áp ngực vào mình hai tay và hai chân quặp vào mình trên chiếc ghế duy nhất và bay ...
Gã hiểu rồi. Thông điệp mà ông Định muốn nhắn : Tình yêu !

Nhưng, chưa hết. Cả sân bay vang tiếng vỗ tay khi từ chiếc máy bay kia xuất hiện một cái đầu nữa. Rồi một thân hình nữa. Đó chính là một người bạn thân của viên phi công. Viên phi công đã vứt ba lô dù, vật bảo hộ mạng sống của mình đeo sau lưng để dành chỗ cho bạn. Máy bay có trục trặc thì cùng ... chết. Tình bạn !

Tất cả đọng lại nói cho cùng ở trong ánh mắt của Enstein, mẹ Teresa, Văn Cao, Trần Dần, Hữu Loan, ... các bức chân dung mà ông Bá ngày đêm vẽ : Tình Người !

Không có nhận xét nào: