Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Những nguyên nhân của bệnh mất trí nhớ - Alzheimer - Bảo Anh

Bệnh Alzheimer không phải là nguyên nhân duy nhất gây mất trí nhớ mà còn có thể do căng thẳng, thuốc, thiếu dinh dưỡng Thỉnh thoảng chúng ta có thể quên chìa khóa, ví tiền, một cuộc hẹn trước... trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó là bình thường. Tuy nhiên, việc hay quên trở nên bất thường nếu một người quên mọi thứ và tình trạng đó trước đây chưa từng hoặc hiếm khi mắc phải. Đối với những người ở độ tuổi trung niên trở lên, sự đãng trí có thể gây lo lắng vì nguy cơ của bệnh Alzheimer.

<!>

Theo thông tin đăng tải trên trang Everyday Health, Alzheimer không phải là vấn đề sức khỏe duy nhất có thể dẫn đến chứng hay quên. Mất trí nhớ có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi vì một số lý do. Khi nguyên nhân cơ bản được điều trị, các vấn đề về trí nhớ cũng thường sẽ được cải thiện.

Sau đây là 5 nguyên nhân gây mất trí nhớ mà con người dễ mắc phải trong thời đại hiện nay, bên cạnh bệnh Alzheimer:

Căng thẳng, trầm cảm: Constantine Lyketsos, Giám đốc Trung tâm Điều trị Trí nhớ và Bệnh Alzheimer tại Johns Hopkins Medicine (Mỹ), cho biết căng thẳng hoặc lo lắng đáng kể có thể dẫn đến các vấn đề về sự chú ý và trí nhớ. Điều này phổ biến ở những người có thể phải gánh vác trách nhiệm gia đình, công việc và ngủ không ngon giấc. Thông thường, giảm bớt căng thẳng có thể cải thiện trí nhớ.

Căng thẳng mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến chức năng não, bao gồm một số biện pháp ghi nhớ. Tuy nhiên, chứng rối loạn tâm trạng như trầm cảm có thể cải thiện khi dùng thuốc và tư vấn.

Căng thẳng, lo âu có thể gây mất trí nhớ. Ảnh: Shutterstock

Các vấn đề về giấc ngủ: Thiếu ngủ gây ra mệt mỏi, có thể dẫn đến sương mù não và các vấn đề về trí nhớ. Những người bị mất ngủ và ngưng thở khi ngủ ít có khả năng thực hiện tốt các bài đánh giá được thiết kế để đo trí nhớ so với những người không mắc các chứng bệnh này. Khi không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến trí nhớ điều hướng không gian. Loại trí nhớ này bao gồm khả năng nhớ hướng và nơi bạn đặt mọi thứ, chẳng hạn như chìa khóa.

Lyketsos giải thích rằng, đối với những người bị chứng ngưng thở khi ngủ, quá trình cung cấp oxy lên não bị gián đoạn hàng trăm lần trong đêm. Bộ não bị căng thẳng bởi sự gián đoạn oxy nên họ sẽ thức dậy tạm thời. Chấn thương mà chứng ngưng thở khi ngủ gây ra có thể biểu hiện như một loạt các triệu chứng mất trí nhớ.

Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến trí nhớ bao gồm: thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc chống động kinh, thuốc huyết áp, một số loại thuốc giảm đau, thuốc ngủ.... Các loại thuốc giảm cholesterol được gọi là statin cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc các tác dụng phụ về nhận thức, bao gồm mất trí nhớ và lú lẫn.

Thiếu dinh dưỡng: Vitamin B12 - một trong những vitamin B cần thiết cho chức năng thần kinh bình thường, nếu thiếu có thể dẫn đến lú lẫn và thậm chí là mất trí nhớ. Các yếu tố nguy cơ phát triển sự thiếu hụt vitamin B12 bao gồm: người trên 75 tuổi, bị rối loạn hệ tiêu hóa, tuân theo một chế độ ăn thuần chay hoặc ăn chay nghiêm ngặt, dùng một số loại thuốc, bao gồm metformin, thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chẹn H2 (cả hai đều là thuốc làm giảm axit trong dạ dày) và thuốc tránh thai, uống nhiều rượu.

Mỗi ngày, người lớn nên nhận được khoảng 2,4 microgam vitamin B12 trong chế độ ăn uống từ các sản phẩm sữa, thịt và cá hoặc từ các loại thực phẩm được tăng cường vitamin B12 như ngũ cốc tăng cường.

Ăn uống thiếu dinh dưỡng và thiếu khoa học cũng gây mất trí nhớ. Ảnh: Shutterstock

Đột quỵ thầm lặng: Những thay đổi về khả năng suy nghĩ rõ ràng và di chuyển bình thường có thể đến từ một cơn đột quỵ làm tắc nghẽn các mạch máu chính nuôi não. Các vấn đề về trí nhớ nhẹ cũng có thể phát triển dần dần sau "đột quỵ thầm lặng" hoặc những vấn đề xảy ra mà không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào, ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ hơn.

Những thay đổi này trong chức năng não, có thể từ nhẹ đến nặng, được gọi là suy giảm nhận thức mạch máu. Não dễ bị tổn thương do lưu lượng máu bị tắc nghẽn hoặc giảm làm mất oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết. Những người bị suy giảm trí nhớ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Hay quên có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm các bệnh tim mạch, bao gồm cả đột quỵ.

Ngoài 5 nguyên nhân cơ bản trên, mất trí nhớ còn do một số nguyên nhân ít phổ biến như: nhiễm trùng nặng xung quanh não, chấn thương não nhẹ, các khối u não, phẫu thuật não, hóa trị hoặc xạ trị, nghiện rượu và lạm dụng ma túy đều có thể ảnh hưởng đến trí nhớ...

Khi có vấn đề về trí nhớ, người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ về những lo ngại của mình để có thể giải quyết tình trạng, triệu chứng đang mắc phải. Bác sĩ sẽ trò chuyện và thực hiện các xét nghiệm, bao gồm cả chụp MRI để xác định nguyên nhân.

Bảo Anh 

Không có nhận xét nào: