Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Nhìn lại một chặng đường H.O. – Những khoảng sương mù - Huy Phương


Hồi mà những đợt đồng bào tỵ nạn mới sang đây, không làm sao tránh khỏi những khó khăn gặp phải thuở ban đầu, có người đưa ra hình ảnh một chuyến xe đò ngày xưa mà chúng ta thường gặp ở quê nhà. Đó là những chuyến xe không đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người, có người phải đứng, có người phải đu sau bậc cửa lên xuống, lớp trong lớp ngoài. Hồi mới sang Mỹ có lúc tôi làm nghề tống thơ văn, là người đưa thư, giao hồ sơ, giấy tờ từ chỗ này sang chỗ khác, Mỹ gọi nghề này là “courier”, một trong những nghề hạng bét, lương thấp (cỡ $5.25 thời điểm 1992+ thêm mấy xu cho một mile), vất vả vì mỗi ngày phải chạy trung bình 150 miles.
<!>
 Job này chỉ có part time, vì không ai có thể chịu nổi lái xe liên tục mỗi ngày tám tiếng, không có xe nào chịu đựng nổi thời gian và đoạn đường dài như thế. Chỉ có dân cùng đường mới nhận công việc này. Tôi là thứ “courier” ngân hàng, nghĩa là phải chạy sớm giao giấy tờ từ ngân hàng này sang ngân hàng kia, để nhân viên có thể sắp xếp, sẵn sàng mở cửa lúc 9 hay 10 giờ sáng.
Nhà ở Westminster, tôi phải dậy lúc 4 giờ sáng, lên nhận bao bì để bắt đầu “round” của tôi xuất phát từ hãng chính đặt trụ sở tại đường Mac Arthur, Irvine, lúc 5 giờ sáng. Trong vòng bốn tiếng rưỡi đồng hồ, tôi phải sử dụng hầu hết xa lộ trong Quận Cam và Los Angeles, ghé tám thành phố Orange, Montebello, Commerce, Whittier, Los Angeles, La Habra, Yorba Linda và Garden Grove, về lại Irvine lúc 9:30 sáng.

Về mùa Ðông, lúc 5 giờ sáng thời tiết rất lạnh và ngoài trời hãy còn tối lắm. Khổ nhất là những khoảng đường sương mù trong buổi sớm mà tôi thường gặp nhất là trên đoạn đường 405 South gần phi trường John Wayne, nó chỉ kéo dài khoảng 3 miles nhưng phải đi mất gần nửa giờ đồng hồ. Sương mù lúc ấy dầy đặc đến nỗi chúng ta không thấy gì trong khoảng mười thước trước mặt. Nếu đứng lại là chấp nhận xe đằng sau sẽ húc vào mình, mà lái đi thì không khác gì bịt mắt quờ quạng trong bóng tối. Trường hợp ấy, gần như phải lái chậm, mắt mở to căng thẳng nhìn kỹ xuống mặt đường kẻo xe lấn qua lane khác hay thúc vào đít xe trước. Trên xa lộ cũng không thể nào tấp vào lề để chờ sương tan hay lái vào exit để mong một chỗ sáng sủa hơn, sương mù y như rừng rậm không có lối ra hay biển mênh mông không thấy bến bờ.

Ôi! Cuộc đời của tôi hay của những người bạn thiếu may mắn đã có bao nhiêu lần phải gặp những khoảng sương mù như thế?
Hồi mới làm người tị nạn sang Mỹ, hết trợ cấp, việc làm khó kiếm, nhất là đối với những tên già không già mà trẻ không trẻ, thầy lỡ thầy mà thợ lỡ thợ như tôi, lấy đâu ra một công việc vài ba đồng mà lo nhà, lo xe, lo cơm, lo áo. Nếu nằm nhà thì chẳng khác gì cái xe đứng lại trên xa lộ trong trời sương mù, đành phải chạy chầm chậm và mong mỏi cái thời sương mù ấy sớm chấm dứt. Trong cái khoảng sương mù ấy, tôi đã phải bỏ Cali ra đi về miền Ðông giá lạnh để tìm một việc làm đắp đổi, chờ lúc trời quang, mây tạnh mới trở về đây. Trừ những người tốt số, đời của mỗi người có lẽ đều có một khoảng sương mù như thế. Thời gian tù tội, thất nghiệp, phá sản, ly dị, trầm uất… Những người lính giữ nước cũng không mong cuộc đời sáng sủa, trôi chảy, cái khoảng sương mù là quãng đời trong trại tập trung sau khi tan hàng, buông súng. Ðôi khi, lòng chúng ta nhen nhúm lên một ngọn lửa hy vọng rằng “có lẽ ta đâu mãi thế này”, để rồi cuối cùng cũng ra khỏi cái khoảng sương mù đó để bước tới một vùng quang đãng nắng ấm.

Trong những khoảng sương mù, ráng giữ cho lòng kiên nhẫn, bình tĩnh, tự tin và giữ con đường đi thẳng. Trong tình thế này, chúng ta không bao giờ có thể quay trở lại con đường cũ hay vùng bỏ chạy ra khỏi con đường chúng ta đang phải đi. Muốn ra khỏi những khoảng sương mù, chúng ta chỉ còn một lối đi tới và phải luôn luôn giữ con đường thẳng, dù có hết sức nóng lòng, chúng ta cũng không thể đi hay chạy nhanh lên. Hồi mà những đợt đồng bào tỵ nạn mới sang đây, không làm sao tránh khỏi những khó khăn gặp phải thuở ban đầu, có người đưa ra hình ảnh một chuyến xe đò ngày xưa mà chúng ta thường gặp ở quê nhà. Ðó là những chuyến xe không đủ chỗ ngồi cho tất cả mọi người, có người phải đứng, có người phải đu sau bậc cửa lên xuống, lớp trong lớp ngoài. Nhưng chuyến xe chạy qua một vài đoạn đường dài, có kẻ lên người xuống, chúng ta thoạt đầu phải đu ngoài cửa xe, nhưng cuối cùng ai cũng có được một chỗ ngồi trong xe, và chúng ta cũng có một chỗ ngồi như thế.

Hồi mới sang đây, chúng ta đầy lòng lo sợ, không biết rồi mai đây, xứ lạ quê người, sống làm sao đây. Cha mẹ thì không còn trẻ, con cái chưa lớn lên, tất cả đều tạm bợ, chưa có gì ổn định cho cuộc sống. Bây giờ sau bao nhiêu năm, như qua cái khoảng sương mù ấy, như qua cái đoạn đường mà chúng ta phải đeo bên cửa chiếc xe đò ấy, chúng ta thấy gì? Có người trở thành giàu có, thành công trên đất Mỹ vì chúng ta cũng biết rằng đây là “đất cơ hội”, có gia đình con cái chiếm những học vị cao, hãnh diện đi vào dòng chính của nước Mỹ.

Nếu chúng ta đã không giàu có, con cái chúng ta cũng chỉ đỗ đạt làng nhàng, có công việc làm vừa phải, thì chúng ta giờ đây cũng chẳng có gì phải lo lắng gì cho cuộc sống hôm nay. Ðó là cuộc sống ổn định trên xứ người. Ðó là chúng ta đã đi qua những khoảng sương mù ấy, như ngày trước trong câu chuyện tôi kể hầu các bạn ở trên, tôi đã dọ dẫm, lần mò đi trong đám sương mù dày đặc ấy để tôi cũng như các bạn, chúng ta đã có thể tiếp tục chạy trên xa lộ sáng hôm nay với một tốc độ khá cao, mà không còn phải lo sợ, buồn phiền gì nữa.

Huy Phương

Không có nhận xét nào: