Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Nguyễn Tường Thiết: Sứ mệnh của cô Aki Tanaka

Tháng 3 năm 2020 thành phố nơi tôi ở trải qua một biến cố chưa từng xẩy ra trong lịch sử của thành phố này: Seattle là tâm điểm của đại dịch Coronavirus đang lan tràn khắp nước Mỹ. Tất cả những người lớn tuổi đều đuợc khuyến cáo nên tự cách ly bằng cách không nên ra khỏi nhà ngoại trừ trường hợp thật cần thiết. Giam mình ở nhà mãi không có việc gì làm, cũng như tất cả các bạn bè của tôi lúc này, tôi có rất nhiều thì giờ mò mẫm trên máy vi tính. Và thật tình cờ tôi tìm lại được bức thư sau đây, bức thư mang tên “Sứ Mệnh” do cô Aki Tanaka gửi tôi năm năm về trước.

<!>

From: Aki Tanaka

To: Thiet Tuong Nguyen

Sent: Saturday, May 9, 2015, 05:19:15 PM PDT

Subject: “Sứ Mệnh”

 “Bác Thiết thân mến,

 “Cháu cám ơn bác Thiết đã gửi cho cháu “Nho Phong” và tài liệu “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ở Nhật, cô Mori Erisa (Người Nhật gốc Việt, đang dậy tiếng Việt ở trường cháu) là người chuyên nghiên cứu về “Nhân văn Giai phẩm” ạ.”

 “Mấy ngày nay, cháu suy nghĩ về “Sứ Mệnh” mà bác Thiết nói với cháu tại quán nhậu hải sản k/s Shinagawa. Từ khi cháu đi Mỹ 2013 tham dự hội thảo Tự Lực Văn Đoàn cháu luôn luôn cảm thấy có “sứ mệnh” trong việc bảo tồn Văn học VN đã xoá đi trong nước bởi chế độ VN hiện hành. Và cháu biết rõ là các bác – các cô liên quan đến văn học VN ấy bây giờ đã lớn tuổi và các con – các cháu đang ở Mỹ hoặc ở các nước khác, không còn đọc tiếng Việt nữa và không quan tâm đến văn học. Còn cháu, cháu cũng nhận ra rằng mình là người nước ngoài (không dính líu đến chính trị VN), như vậy mới có thể dễ tiếp cận với các tài liệu – các thông tin... Trong bụng cháu, cháu đã nghĩ như vậy, mà hôm đó, bác Thiết giải thích thế hệ thứ 1 – 2 – 3 và nói ra “Sứ mệnh” thì cháu lại khẳng định hơn và suy nghĩ nhiều hơn. Cháu biết vấn đề này là vấn đề cấp thiết, khi cháu nhận thông tin ông Nguyễn Xuân Hoàng mất, cháu càng cảm thấy như vậy. Mà cháu làm được cái gì bây giờ? Cháu đang dịch luận văn tốt nghiệp của cháu sang tiếng Việt. Cháu định đi Hà Nội để tìm kiếm tài liệu... mà cháu lo sợ, mỗi mình cháu làm được cái gì...”

 “Xin lỗi bác, cháu tâm sự tản mạn như vậy... Những suy nghĩ này luôn nằm trong đầu cháu khi cháu đứng trước mặt với “sứ mệnh” của cháu.

 Cháu Aki Tanaka.”

 Bức thư làm tôi suy nghĩ. Năm năm trước tôi đã nói gì với cô Aki Tanaka để khiến cô ta phải trăn trở thậm chí lo sợ khi đối diện với cái “sứ mệnh” mà cô tự đặt cho mình: bảo tồn văn học Việt Nam đã xoá đi trong nước bởi chế độ VN hiện hành”.

Cô Aki Tanaka là ai? Tôi quen cô trong trường hợp nào? Tại sao một người Nhật Bản trẻ tuổi như cô lại thiết tha với tiếng Việt và hơn nữa lại yêu mến văn hoá Việt Nam như thế? Từ sự quen biết cô Aki mở ra một sự hiểu biết mới cho tôi: Trường đại học ngoại ngữ Tokyo – phân khoa Việt ngữ, mà cô Aki là sản phẩm. Tại ngôi trường đó, vị thầy dậy cô Aki về văn hoá Việt Nam là giáo sư Kagaguchi Kenichi. Vị thầy dậy giáo sư Kawaguchi về văn hoá Việt Nam là giáo sư Takeuchi Yonosuke, người đã từng giảng dậy tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam tại trường Đại Học Văn khoa Sài Gòn năm 1960 và cũng là người sáng lập phân khoa Việt ngữ đầu tiên của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo vào năm 1964. 

Câu chuyện dài dòng trải qua ba thế hệ. Hôm nay tôi muốn thuật lại câu chuyện này một phần vì muốn chia sẻ sự hiểu biết của mình về ba lớp người Nhật Bản đã từng yêu quý gia sản văn hoá của nhóm TLVĐ và văn hoá của nước Việt Nam nói chung, phần khác tôi viết bài này cũng là để tiêu thì giờ vì con vi-rút quái ác kia nó đang cầm chân tôi trong nhà suốt một tháng nay. Hồi nhỏ đọc quyển “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale Carnegie bản dịch Nguyễn Hiến Lê tôi nhớ trong đó có câu: “Nếu Trời chỉ cho bạn một quả chanh thì bạn hãy ráng tự pha cho mình một ly nước chanh ngon”. Bây giờ trong hoàn cảnh này tôi cũng ráng pha một ly nước chanh, còn có “ngon” hay không là tùy khẩu vị của độc giả.

 Để giới thiệu Aki Tanaka, tôi xin trích lại một đoạn viết của ký giả Mặc Lâm, biên tập viên đài RFA, trong bài “Aki Tanaka - Một người bạn của Tự Lực Văn Đoàn”:

 “Chẳng những tại miền Bắc Tự Lực Văn Đoàn bị cấm xuất hiện nhưng sau năm 1975 ngay cả khi hai miền Nam Bắc đã hoàn toàn thống nhất thì số phận của nó cũng không may mắn gì hơn, vẫn bị vùi dập, che dấu và cấm đoán ngay trong từng tủ sách gia đình. Những tên tuổi như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo... hoàn toàn biến mất trong mái trường xã hội chủ nghĩa, mãi tới hơn hai mươi năm sau một vài tác phẩm của họ mới được in lại từ những chiếc máy in của nhà nước với nội dung bị cắt xén cho vừa với tầm nhìn của cách mạng vô sản, vốn bất đồng với các tác gỉa này...

 Vậy mà từ nước Nhật xa xăm, lại xuất hiện những con người yêu văn hoá Việt Nam trong đó Tự Lực Văn Đoàn được nhắc tới như một dấu son của nền văn học Việt.

 Một trong những người ấy là cô sinh viên Aki Tanaka.”. 

Tôi quen biết cô Aki cách đây bẩy năm, do một sự tình cờ. Khoảng đầu năm 2013 trên mạng lưới toàn cầu có loan tin “một người Nhật Bản tên là Aki Tanaka muốn liên lạc với ông Nguyễn Tường Bách để phỏng vấn ông về Tự Lực Văn Đoàn, ai biết được địa chỉ ông Bách xin mách dùm”. Lời nhắn này đến tay một người bạn của tôi ở Seattle là nhà văn Lê Hữu. Anh bạn báo cho tôi biết có một “ông” người Nhật Bản tên Tanaka muốn liên lạc với chú Bách tôi, anh hỏi tôi có thể giúp “ông ta” được không, nếu được anh ấy sẽ môi giới hai người trực tiếp liên lạc với nhau. Mấy ngày sau tôi nhận được email với lời mở đầu như sau: “Thưa bác Nguyễn Tường Thiết. Cháu tên là Aki Tanaka, người Nhật Bản, phái nữ, 36 tuổi...”. Lời tự giới thiệu ngắn gọn và chính xác ấy cho tôi biết cô gái Nhật không những biết rõ phong tục nước ta, mà còn là người tế nhị, cô ta tự giới thiệu ngay như thế cốt để tránh cho tôi một sự khó xử trong cách xưng hô khá phức tạp của người Việt mình. Tôi trả lời cô Aki là chú Nguyễn Tường Bách tôi hiện ở California, nhưng chú đã 97 tuổi và rất yếu, khó có thể trả lời một cuộc phỏng vấn. Tôi cũng đề nghị với cô là với tư cách một người con của nhà văn Nhất Linh, người sáng lập TLVĐ, tôi có thể giúp cô phần nào trong việc tìm hiểu và nghiên cứu của cô về TLVĐ.

Và từ đó chúng tôi trao đổi thường xuyên email với nhau. Tôi được biết cô Aki sinh năm 1977 tại Kyoto, Nhật Bản, đã từng sống ở Việt Nam 13 năm, là sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, phân khoa Việt ngữ. Gọi tắt là TUFS (Tokyo University of Foreign Studies), trường Đại học này tọa lạc tại Fuchu, phía Tây Tokyo, thành lập năm 1899 là một đại học ngoại ngữ lâu đời nhất tại Nhật Bản. Đây cũng là một trong những trung tâm lớn trên thế giới về đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ. Khoảng 50 ngôn ngữ trên thế giới được giảng dậy, trong đó phân nửa là ngôn ngữ Châu Á. Riêng Việt ngữ được giảng dậy từ năm 1964 tính đến nay đã gần 60 năm. 

 Trên 60 năm về trước trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn được xây cất trên một khoảng đất rộng ở góc đường Nguyễn Trung Trực, Gia Long. Tại trụ sở này ĐHVK khai giảng niên khoá đầu tiên 1957-58. Đầu năm 1960 một người Nhật Bản tên là Takeuchi Yonosuke được mời tới dậy tiếng Nhật cho sinh viên trường này. Sinh năm 1922 tại tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản, giáo sư Takeuchi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Osaka năm 1941, khoa tiếng Pháp. Trong thời gian hơn 10 năm dậy học ở trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vị giáo sư này tỏ ra mê say văn hoá Việt Nam một cách đặc biệt. Ông để tâm nghiên cứu về Truyện Kiều và Tự Lực Văn Đoàn. Trong gần ba năm từ năm 1960 đến năm 1963 tôi không biết là giáo sư Takeuchi, trong lúc tìm hiểu về Tự Lực Văn Đoàn, có đến tiếp xúc với thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh hay không. Tôi hình dung là nếu có cuộc gặp gỡ thì chắc hẳn hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, vì giáo sư Takeuchi tốt nghiệp khoa Pháp ngữ tại trường ngoại ngữ Osaka. Một năm sau khi thân phụ tôi qua đời giáo sư Takeuchi Yonosuke sáng lập phân khoa Việt ngữ đầu tiên cho trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo năm 1964 và giảng dậy văn học Việt Nam từ năm 1965 cho đến năm 1984. Ông qua đời năm 1999. Công trình nghiên cứu chính của giáo sư Takeuchi là Tự Lực Văn Đoàn và Bối cảnh nhóm văn học này (1966), Nguyễn Du và Kim Vân Kiều Tân Truyện (1966). Về tác phẩm dịch sang tiếng Nhật của ông quan trọng nhất có Nguyễn Du Kim Vân Kiều (chữ nôm), xuất bản năm 1975, ngoài ra ông còn là dịch giả Chinh Phụ Ngâm, Lục Vân Tiên, Đoạn Tuyệt (1983), Hồn Bướm Mơ Tiên (1984)... Cô Aki giới thiệu tôi với vị thầy của cô là giáo sư Kawaguchi Kenichi. Chúng tôi sau đó liên lạc với nhau qua email. Vào tháng bẩy năm 2013, nhân dịp kỷ tưởng niệm 50 năm ngày mất của người sáng lập Tự Lực Văn Đoàn, báo Diễn Đàn Thế Kỷ và nhật báo Người Việt ở California phối hợp tổ chức hai buổi “Triển lãm và hội thảo về Báo Phong Hoá & Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn”. Ban Tổ chức Hội thảo viết thư mời giáo sư Kawaguchi và cô Aki sang Mỹ tham dự hai buổi triển lãm và hội thảo ấy và hai người nhận lời.

 Giáo sư Kawaguchi Kenichi sinh năm 1949 tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Tokyo năm 1976, tốt nghiệp Cao học cùng trường năm 1981. Sau khi vị thầy của ông là giáo sư sáng lập phân khoa Việt ngữ Takeuchi Yonosuke nghỉ hưu năm 1984, ông thay thế giảng dậy văn hoá Việt Nam ở trường cho đến năm 2013. Hiện tại ông là Giáo sư Danh dự của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. 

 Công trình nghiên cứu chính của ông Kawaguchi là Quá trình hình thành văn học cận đại Việt Nam (1986), Văn học hiện đại Việt Nam (I) - Tiểu thuyết (1987), Văn học hiện đại Việt Nam (II) – Thơ (1988), Thạch Lam – Tác phẩm và Quan niệm văn học (1996), Nhân vật trong Tiểu thuyết của Nhất Linh (1999). Những tác phẩm dịch sang tiếng Nhật của ông bao gồm Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng (dịch chung với GS Takeuchi Yonosuke, 1984), Nắng Trong Vườn tập truyên ngắn của Thạch Lam (2000), Những truyện ngắn của Nhất Linh và Khái Hưng... 

 Trong cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tổ chức tại Quận Cam, California, ngày 7 tháng 7 năm 2013, bằng tiếng Việt, giáo sư Kawaguchi đã thuyết trình về đề tài Tự Lực Văn Đoàn và văn học cận đại Việt Nam; trong đó ông khẳng định “TLVĐ là nhóm văn học đặc sắc đa dạng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong quá trình hình thành văn học hiện đại Việt Nam”. Cũng trong buổi hội thảo này, vào ngày hôm trước, cô Aki phát biểu vài ý kiến về Tự Lực Văn Đoàn. Bằng tiếng Việt trôi chẩy và duyên dáng cô gái Nhật Bản này đã chinh phục và làm ngạc nhiên không ít khán thính gỉa đông đảo của hội trường nhật báo Người Việt. Cô nói trong bài phát biểu: “Tên tôi là Aki Tanaka, tên Aki nghĩa là mùa thu. Tôi đã sống ở Việt Nam khoảng 13 năm. Chủ yếu tôi ở Sài Gòn và cũng ở Hải Phòng, Hà Nội một hai năm. Khoảng 10 năm trước tôi có gặp được một ông người Việt tên là Huy Tưởng ở Sài Gòn. Ông Huy Tưởng mở quán Cao lầu ở gần nhà trọ tôi. Chiều nào ông Huy Tưởng rảnh rỗi hay rủ tôi đi nhậu ở quán Huế, cũng ở gần đó. Ông cho tôi mượn vài cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn, chẳng hạn như Hồn Bướm Mơ Tiên, Đôi Bạn... Ông nói cách dùng tiếng Việt của TLVĐ là chính xác, vì vậy phù hợp cho những người học tiếng Việt. Tôi đọc thì cảm thấy dễ đọc, sau này mới biết lý do là một trong mười tôn chỉ của TLVĐ có viết: “Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”. 

 Hai năm sau ngày gặp cô Aki và giáo sư Kawaguchi tại cuộc hội thảo ở California tôi có dịp tìm hiểu và nói chuyện lâu hơn với cô Aki khi cô từ nước Nhật bay qua Seattle thăm vợ chồng tôi, và sau đó vào mùa Xuân năm 2015 vợ chồng tôi làm chuyến du ngoạn đầu tiên thăm xứ Hoa Đào và được cả hai thầy trò người Nhật nói rành tiếng Việt hướng dẫn đi thăm những thắng cảnh của thành phố Tokyo.Tại Seattle trong quán cà phê Starbucks bên hồ Green Lake hai bác cháu đã thủ thỉ với nhau suốt một buổi sáng. Tôi rủ cô đến quán cà phê này vì sau ngày về hưu tôi thường đến đây gõ bài trên laptop, chẳng hạn như bài Đỉnh Gió Hú của tôi được viết ở đây. Sáng hôm ấy chúng tôi bàn đủ mọi thứ chuyện, từ chuyện văn học Việt nam, chuyện Tự Lực Văn Đoàn đến chuyện đời tư của cô và lý do nào đã khiến cô chọn học một thứ sinh ngữ mà khi tốt nghiệp chắn chắn không dễ dàng giúp cô kiếm sống. Về chuyện văn học trong số các nhà văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cô chọn Khái Hưng là tác giả nghiên cứu. Không giống như các vị thầy của cô khi nghiên cứu về Khái Hưng thường chú trọng tới tác phẩm đầu tiên của ông là Hồn Bướm Mơ Tiên, cô để tâm nghiên cứu tác phẩm sau cùng của Khái Hưng là cuốn Băn Khoăn mà cô chọn là đề tài cho một luận án tiến sĩ của cô. Băn khoăn với tác phẩm này cô tự hỏi vì sao tác phẩm sau cùng của Khái Hưng đầu tiên đặt tên là Thanh Đức, sau này lại đổi thành Băn Khoăn? Có phải ông Nhất Linh sau này đã đổi nhan đề cuốn sách không, dựa vào tựa một truyện ngắn của ông Làm gì mà băn khoăn thế trong tập truyện Người Quay Tơ? Cô Aki không cho tôi biết lý do nào đã khiến cô mê say học tiếng Việt và nghiên cứu văn hoá Việt Nam, ngay cả khi tôi hỏi cô có phải trong thời gian ở Việt Nam cô đã có một mối tình nào với một chàng trai nước Việt để khiến cô yêu văn hoá Việt đến như thế, cô chỉ cười không trả lời.  

Hôm ấy tôi hỏi cô Aki là trong thời gian mười ba năm sống ở Sài Gòn và Hà Nội với cương vị một người Nhật Bản cô có nhận xét nào về người Việt Nam nói chung. Cô Aki nói: “Những người cháu được tiếp xúc ở Việt Nam rất tốt bụng. Có một điều lạ là trước khi sang Mỹ dự cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn cháu đinh ninh chỉ có một loại người Việt cháu biết, nhưng khi sang Mỹ, tiếp xúc với các cô các bác, cháu thấy rõ là có một loại người Việt khác, khác từ cách ăn nói, khác từ cách cư xử, mà cháu không hiểu vì sao?”. Tôi trả lời cô Aki: “Cháu còn trẻ nên khi về Việt Nam cháu chỉ tiếp xúc với những người trẻ như cháu, những người mà đa số sinh ra đời sau biến cố tháng Tư năm 1975. Còn những người lớn tuổi như bác hoặc những người lớn tuổi ở VN mà cháu chưa có cơ hội gặp đã sống nửa đời người dưới một chế độ khác, chế độ ấy tôn vinh những giá trị văn hoá trong đó có Tự Lực Văn Đoàn mà nay đã bị xoá đi ở trong nước bởi chế độ hiện hành. Bác cho là ảnh hưởng của hai nền văn hoá giáo dục giữa hai thể chế chính trị tạo nên hai lớp người Việt khác nhau mà cháu đã nhận xét thấy”. 

Bẩy năm trước vào tháng 7 năm 2013 tôi được hân hạnh đón tiếp giáo sư Kawaguchi Kennichi tại phi trường Los Angeles khi ông bay từ Nhật sang Mỹ tham dự cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn. Hai năm sau vào mùa Xuân năm 2015 vợ chồng tôi lại được giáo sư Kawaguchi đón tiếp tại phi trường Haneda ở Tokyo khi chúng tôi đi thăm nước Nhật lần đầu tiên. Trong thời gian chúng tôi ở Nhật giáo sư huớng dẫn chúng tôi đi thăm nhiều thắng cảnh ở Tokyo chẳng hạn như Tháp Tokyo SkyTree, Hoàng cung Tokyo, Công viên Shinjuku Gyoen, Khu Asakusa với ngôi chùa Phật giáo Senso-ji nổi tiếng... Cô Aki cũng dẫn chúng tôi thăm ngôi đền Meiji Jingu là nơi thờ phụng Minh Trị Thiên Hoàng. Ngoài ra giáo sư Kawaguchi còn để cả một ngày lái xe chở cô Aki và vợ chồng tôi đi thăm một thắng cảnh rất nổi tiếng ở cách xa Tokyo 120 cây số, đó là một hệ thống các đền chùa Nikko, thuộc tỉnh Tochigi. Buổi chiều hôm đó trên đường trở về Tokyo giáo sư Kawaguchi chở chúng tôi đến nhà ông tại thành phố Ibaraki, do đó chúng tôi có dịp gặp toàn thể gia đình ông.

 Trong ngày cuối cuộc du ngoạn Nhật Bản, trước khi chia tay, giáo sư Kawaguchi nói ông hy vọng được gặp lại vợ chồng tôi năm năm sau tại Tokyo. Tôi hỏi ông tại sao lại năm năm thì ông trả lời: Bởi vì Thế Vận Hội sẽ được tổ chức tại thành phố này vào tháng Bẩy năm 2020. Lúc ấy cả ông Kawaguchi lẫn tôi đều không thể ngờ rằng năm năm sau đại dịch Coronavirus xẩy ra làm tê liệt thế giới khiến Thế Vận Hội không tiến hành như dự trù. Trong hoàn cảnh này chắc chắn chúng tôi sẽ không đi du lịch vào mùa Hè năm nay và chúng tôi chỉ biết cầu chúc giáo sư Kawaguchi và toàn gia được an khang trong mùa đại dịch.

Trở lại chuyện bức thư “Sứ mệnh” của cô Aki Tanaka mà hôm nay tôi tình cờ tìm thấy, tôi sẽ viết thư hỏi thăm cô và ông Kawaguchi, đồng thời trấn an cô không phải lo lắng nữa về cái “sứ mệnh” bảo tồn Văn học Việt Nam đã bị xoá đi trong nước bởi chế độ hiện hành, như cô đã viết cho tôi năm năm trước. Bởi vì ở hải ngoại đã có một số người thiện chí (Phạm Thảo Nguyên, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Phú Minh, Phạm Lệ Hương, Lê Thành Tôn, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết) thực hiện được việc bảo tồn này. Bằng cách điện toán hoá toàn bộ báo Phong Hoá & Ngày Nay và scan lại tất cả sách của nhóm TLVĐ từ ấn bản gốc in trong thập niên 1930 hoặc ấn bản in ở Sài Gòn trước năm 1975, gia sản văn hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã được cứu vãn, bảo tồn và lưu giữ để có thể phổ biến rộng rãi bất cứ người nào cần đến nó, bây giờ và mãi mãi về sau. 

Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi, Aki Tanaka... tượng trưng cho ba thế hệ người Nhật Bản yêu quý gia sản văn hoá của nhóm TLVĐ và nền văn hoá của nước Việt Nam nói chung, có công phổ biến và quảng bá những giá trị văn hoá này trên khắp thế giới; với tư cách là hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.  

Nguyễn Tường Thiết

Không có gì lạ trong nền giáo dục Việt Nam

Ngày 9 tháng 1 năm 2007, trong trò chơi “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3 Hà Nội, do MC Lại Văn Sâm điều khiển, người được mời lên chiếc “ghế nóng” tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.

Câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”

Cô giảng viên Đại học Sư phạm suy nghĩ một lát rồi nói:

- Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. – Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không.

- Vậy chị kết luận ai không phải anh em ruột với ba người kia?

- Tôi đề nghị cho tôi được hưởng quyền trợ giúp, gọi điện thoại cho người thân.

- Chị muốn gọi cho ai?

- Cho anh Nam, một bạn đồng nghiệp cũng dạy trong trường. Anh Nam là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng, chắc chắn anh ấy biết.

Phòng máy liên lạc với người tên Nam đang chờ sẵn ở nhà để trợ giúp, “cứu bồ” cho cô Tâm.

Cô Tâm lập lại câu hỏi như chương trình đã hỏi: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn…”, “Anh cho em biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai không phải là anh em ruột với ba người kia…” Đầu dây có tiếng trả lời rất lớn và dứt khoát, nghe rõ mồn một:

- Hoàng Đạo, Hoàng Đạo không phải là anh em ruột với Nhất Linh, Thạch Lam và Khái Hưng.

- Chắc chắn không anh?

- Chắc trăm phần trăm.

- Ba mươi giây của chị đã hết. Xin chị cho biết câu trả lời.

- Tôi tin vào kiến thức của người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi trả lời, Hoàng Đạo không phải anh em ruột với ba người kia.

- Chị quyết định như thế?

- Vâng, câu trả lời của tôi là phương án B, Hoàng Đạo.

- Sai. Giải đáp của chúng tôi là phương án D, Khái Hưng. Khái Hưng không phải anh em ruột với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1906, em ruột nhà văn Nhất Linh, anh ruột nhà văn Thạch Lam. Như vậy phần thưởng của chị từ năm triệu đồng còn lại một triệu đồng. Nhưng không sao, chúng ta lấy vui làm chính. Xin cám ơn chị đã tham dự chương trình.

Câu chuyện về cô giáo giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Thái Bình thật ra không có gì lạ trong nền giáo dục Việt Nam bởi lẽ chương trình giáo dục không hề có bốn chữ Tự Lực Văn Đoàn mặc dù đây là một nhóm tác giả quan trọng bậc nhất trong nền văn học hiện đại của Việt Nam. Điều làm cho Tự Lực Văn Đoàn bị gạt ra khỏi dòng văn học là chủ trương chính trị của nó. Nguyễn Tường Tam, thủ lãnh của nhóm cũng là một chính khách với quan điểm chính trị đi ngược lại hoàn toàn quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới văn học, nâng cao dân trí, chống cường quyền phong kiến, bài thực dân, trong đó không quên những người cùng khổ và bị áp bức dưới bất cứ hình thức nào. Sức mạnh của Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu từ sự ủng hộ của trí thức tiểu tư sản sau đó lan rộng trong quần chúng bình dân và ảnh hưởng trực tiếp tới nền báo chí An Nam đang có xu hướng hòa nhịp cùng đời sống đô thị.

Chẳng những tại miền Bắc Tự Lực Văn Đoàn bị cấm xuất hiện nhưng sau năm 1975 ngay cả khi hai miền Nam Bắc đã hoàn toàn thống nhất thì số phận của nó cũng không may mắn gì hơn, vẫn bị vùi dập, che dấu và cấm đoán ngay trong từng tù sách gia đình. Những tên tuổi như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Hoàng Đạo… hoàn toàn biến mất trong mái trường xã hội chủ nghĩa, mãi tới hơn hai mươi năm sau một vài tác phẩm của họ mới được in lại từ những chiếc máy in của nhà nước với nội dung bị cắt xén cho vừa với tầm nhìn của cách mạng vô sản, vốn bất đồng với các tác giả này.

Aki Tanaka

Vậy mà từ nước Nhật xa xăm, lại xuất hiện những con người yêu văn hóa Việt Nam trong đó Tự Lực Văn Đoàn được nhắc tới như một dấu son của nền văn học Việt.

Một trong những người ấy là cô sinh viên Aki Tanaka.

Từ Tokyo, Aki Tanaka đã lặn lội tới Việt Nam, tìm hiểu về Tự Lực Văn Đoàn với mục đích học chữ Việt để rồi mê đắm nó đến nỗi bỏ hơn 13 năm theo dõi, nghiên cứu, viết tham luận rồi luận án về Tự Lực Văn Đoàn. Aki đã bay sang Hoa Kỳ nơi có khá nhiều tư liệu lẫn thân nhân của các tác giả để từ đó thấy yêu mến thêm nhóm tác giả đặc biệt này.

Mặc Lâm có duyên may gặp Aki Tanaka tại California trong lần cô sang Mỹ tìm kiếm thêm tư liệu về nhà văn Khái Hưng, người mà Aki Tanaka đặc biệt yêu thích. Cuộc phỏng vấn ngắn nhằm mang cô sinh viên người Nhật này tới gần với người Việt Nam hơn bởi cô đáng được người Việt mở lòng ra đón nhận như một người bạn chân thành của văn hóa Việt.

Aki Tanaka, trước tiên cho biết thời gian đầu cô tới Việt Nam:

Aki Tanaka: Khoảng năm 2000 khi sang Việt Nam tôi đã gặp ông Huy Tưởng thì ông ấy nói nếu Aki muốn học tiếng Việt thì nên tìm đọc Tự Lực Văn Đoàn để biết được tiếng Việt chính xác cho nên tôi đã tìm mua các cuốn sách về Tự Lực Văn Đoàn. Ban đầu thì tôi không hiểu hết, chỉ hiểu sơ sơ thôi nhưng mà đã cảm thấy tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn rất hay cho nên tiếp tục mua sách Tự Lực Văn Đoàn. Ước mơ của tôi là muốn nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó cảm thấy là điều thực tế chỉ là ước mơ thôi.

Mặc Lâm: Aki vừa nói là tìm mua những cuốn sách Tự Lực Văn Đoàn trong nước, không biết là sách cũ đã được in từ xưa hay những cuốn vừa được in lại trong nước?

Aki Tanaka: Tôi chỉ mua được sách tái bản thôi lúc đó không để ý là sách của nhà nước in hay sách cũ nó có gì khác nhau hay là sự khác biệt như thế nào cho nên chỉ mua được sách tái bản thôi.

Mặc Lâm: Sau này khi nghiên cứu sâu về Tự Lực Văn Đoàn thì Aki có thấy sự khác biệt nào giữa bản in gốc và bản in đã được in lại sau năm 1975 và nếu có thì những khác biệt ấy có quan trọng không?

Aki Tanaka: Dạ có. Tôi có học với thầy giáo người Nhật thì thầy này sử dụng sách cũ là sách trước 75 còn tôi thì cầm sách tái bản mới. Cuốn tôi thất vọng nhất là cuốn Đời mưa gió. Khi hai người đọc chung với nhau thì chúng tôi phát hiện sách tái bản và sách gốc nó khác biệt nhau. Tôi thấy nếu mình nghiên cứu văn học Việt Nam mà có sự khác biệt quá nhiều như thế này, mà mình là người phân tích mà tài liệu sai thì rất nguy hiểm cho việc nghiên cứu của mình.

Mặc Lâm: Khi Aki sang Mỹ để tìm gặp thân nhân những người trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì Aki đã gặp được ai và câu chuyện gặp gỡ ấy như thế nào?

Aki Tanaka: Hai năm trước có một buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Mỹ lúc đó gia đình con cháu của nhóm Tự Lực Văn Đoàn tập họp lại cho nên lúc đó tôi gặp được nhiều người nhưng lúc đó tôi không có dịp nói chuyện nhiều với họ. Tháng Ba năm nay tôi có dịp thăm riêng ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của ông Khái Hưng và Nguyễn Tường Thiết là con trai út của ông Nhất Linh. Tôi đã thăm được hai người này.

Mặc Lâm: Về ông Nguyễn Tường Thiết là con ruột thì đã đành rồi riêng về ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của Khái Hưng thì Aki có nắm vững những nhận định hay lời kể lại của ông Triệu có chính xác và phù hợp với những gì Aki tìm hiểu không?

Aki Tanaka: Aki cũng biết được sơ sơ thôi vì lúc ông Khái Hưng mất thì ông Triệu còn rất nhỏ cho nên ông Triệu không biết gì nhiều. Tuy nhiên ông Triệu có cung cấp một số tài liệu cho Aki.

Mặc Lâm: Trong khi nghiên cứu Tự Lực Văn Đoàn và có dịp gặp gỡ hay thông qua tư liệu thì tác già nào trong nhóm làm cho Aki ấn tượng và yêu thích nhất?

Aki Tanaka: Tôi rất thích ông Khái Hưng. Lý do ông là người có tư tưởng sâu sắc nhất trong Tự Lực Văn Đoàn cho nên đọc tác phẩm của ông thì thấy rất hay.

Mặc Lâm: Nhưng rất nhiều người cho rằng ông Nhất Linh là người lãnh đạo của nhóm và là linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn … Aki thấy thế nào về tác phẩm của ông?

Aki Tanaka: Theo tôi thì Nhất Linh là một người hành động, ông có cái ý tưởng cách mạng tuy nhiên so với ông Nhất Linh thì ông Khái Hưng là người suy nghĩ và theo sự tìm hiểu của tôi thì ông Khái Hưng không quan tâm mấy đến chính trị.

Mặc Lâm: Trong một thời gian khá dài sống ở Việt Nam Aki quan sát và thấy giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên khoa văn họ có chú ý tới Tự Lực Văn Đoàn hay không?

Aki Tanaka: Tôi thấy họ không chú ý đâu. Tôi nói chuyện với bạn bè đồng nghiệp với cái ý là tôi thích Tự Lực Văn Đoàn nhưng bạn bè đồng nghiệp của tôi lại không biết Tự Lực Văn Đoàn là ai nữa! Bây giờ ở Việt Nam không giảng dạy tác phẩm của nhóm này cho nên không ai biết, không được ai quan tâm đến.

Mặc Lâm: Có một thời gian rất dài Aki đã sang Mỹ tiếp xúc với người viết văn hay hoạt động văn hóa…Aki thấy họ có còn tha thiết khi nói về Tự Lực Văn Đoàn nữa hay không hoặc thời gian đã quá lâu khiến họ dần dần quên Tự Lực Văn Đoàn luôn, không giống như cách đây 40 năm?

Aki Tanaka: Do tôi tiếp xúc với nhiều người làm văn nghệ cho nên họ thường bảo rất còn quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn và họ muốn bảo tồn tác phẩm của nhóm này cho con cháu để sau biết được việc làm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho đời sau. Tôi cảm thấy như vậy

Mặc Lâm: Aki cũng có bạn bè người Nhật yêu mến văn hóa Việt Nam trong số họ có ai nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn như Aki hay không?

Aki Tanaka: Thầy cũ của tôi đã nghỉ hưu rồi ông ấy hồi trước cũng có nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn trong trường đại học của tôi và ông cũng đã dạy Tự Lực Văn Đoàn cho sinh viên Nhật. Nhưng bây giờ vị giáo sư mới không quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn nên không dạy nữa cho nên sinh viên không biết gì về Tự Lực Văn Đoàn nữa

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn Aki Tanaka rất nhiều và hy vọng những công trình nghiên cứu của Aki về Tự Lực Văn Đoàn sẽ mang lại nhiều kết quả mong đợi.

Không có nhận xét nào: