Có lẽ ai ai trong đời cũng đã có lần đi taxi. Dễ ợt có gì đâu, cứ tìm số điện thoại các hãng taxi rồi bấm số gọi, cho biết địa điểm, xong thì chờ xe tới đón. Nhưng ở quận Cam thì không biết từ bao giờ lại xuất hiện một nghề là lạ, đó là "taxi đưa đón phi trường". Cứ mở các nhật báo ở mục quảng cáo, rao vặt thì thấy ngay hằng hà sa số "Đưa đón - Đi khắp nơi - Dọn nhà - Phi trường - Tuyên thệ - Thi lấy bằng", vân vân và vân vân. Đa số những người làm nghề này là đàn ông (nhưng vẫn có phụ nữ), người Việt Nam.
<!>
Có người làm thêm như một nghề tay trái, nhưng đa số thì xem đây là nghề chính để nuôi sống bản thân và gia đình. Con số các taxi Việt Nam ngày càng đông, và nghề này cũng khá thịnh hành vì dễ làm, thuận tiện về giờ giấc. Dường như người dân ở vùng này ít khi gọi taxi Mỹ vì giá cả mắc hơn, vả lại nói chuyện với taxi Việt Nam thì dễ dàng, khỏi cần suy nghĩ tìm từ ngữ chi cho mệt óc. Thông thường hễ cần thì mình gọi taxi, gặp người nào cũng được, và rất ít ai quan tâm đến việc chọn một người taxi riêng cho mình. Nhưng tôi thì khác...
Tôi quen anh Lâm taxi gần 3 năm nay. Mắt tôi hơi yếu, nên mỗi lần cần đi đâu xa, tôi không dám lái xe mà gọi taxi. Lần đầu tôi mở báo ra xem rồi gọi anh A, lần kế gọi anh B, rồi anh C, anh D... nhưng dần theo năm tháng, tôi quyết định chọn anh Lâm làm người taxi "ruột" mà tôi ưng ý nhất. Bởi anh tính giá phải chăng, anh lại vui tính, lên xe anh hay nói chuyện này, chuyện nọ cho thời gian qua mau, hay có thể do anh và tôi hợp gu chăng? Nên thường khi cần đi đâu, bao giờ tôi cũng gọi anh trước, chỉ khi nào anh kẹt vào ngày giờ tôi cần, thì tôi mới gọi người khác. Nhưng có một điểm mà có lẽ một số hành khách có lẽ không hài lòng cho lắm, như có lần anh tâm sự với tôi, là anh luôn luôn đến đón họ sớm chút hay trễ chút. Tôi còn nhớ lần đó, tôi hẹn anh tới đón lúc 11 giờ rưỡi. Anh hỏi: “Đi sớm chút được không em? 11 giờ 10 anh lại, ráng giúp dùm anh chút đi”. Ngẫm nghĩ thấy cũng không có gì mà ầm ĩ, tôi đồng ý.
Khi lên xe, anh Lâm phân trần: “Em thông cảm dùm. Anh phải mua cháo mang vào cho Má anh. Hôm qua tự dưng bả nói thèm ăn cháo gà. Mà anh không mua là bả giận bỏ cơm cho coi”. Tôi ngạc nhiên lắm, vì có bà mẹ nào mà “nhõng nhẽo” dữ vậy ta. Hỏi ra thì mới biết mẹ anh Lâm đang ở trong viện dưỡng lão từ hơn 6 năm qua. Anh còn nói: “Cám ơn em nha. Nhiều khách khó chịu lắm, họ chỉ muốn đi thật đúng giờ. Sớm chút là họ bỏ, gọi taxi khác. Anh cũng đành chịu mất khách thôi”.
Anh Lâm lái xe vào khu dưỡng lão trên đường Hamster. Anh bảo tôi ngồi trong xe đợi, 10 phút anh quay lại ngay. Tò mò, tôi hỏi: “Em vô được không?”. Anh Lâm gật đầu: “Được chứ, chỉ sợ làm phiền em thôi”. Thế là hai anh em bước vào Garden Park Care Center.
Lần đầu tiên vào khu nursing home, tôi ngơ ngác như con nai vàng, anh Lâm đi đâu tôi cứ theo đó. Sao mà quẹo trái, quẹo phải tùm lum, vậy mà ảnh thuộc lòng mới tài chứ. Bước vào phòng, không thấy ai, anh quay sang tôi nói: “Chắc họ đưa Má anh ra hội trường rồi”, xong anh tất tả quay ra. Hai chúng tôi đang đi trong dãy hành lang thì tôi nghe tiếng cười nói ồn ào vui nhộn văng vẳng ra từ một căn phòng. Lúc đó tôi nghĩ: “Ái chà, người già mà sao còn cười giỡn dữ vậy? Coi bộ cũng yêu đời quá chứ”. Nhưng hỡi ôi, khi bước vô hội trường thì mới biết thực hư. Thì ra tiếng cười giỡn nãy giờ tôi nghe là tiếng cô MC trên màn ảnh đang pha trò trong show ca nhạc. Trước mặt tôi chừng hơn ba chục ông bà lão, mà hơn hai phần ba là bà, chỉ chừng vài ông cụ mà thôi, và ai nấy đều ngồi trên xe lăn.
Tôi quay sang anh Lâm: “Sao đàn bà không vậy anh?”. Anh trả lời ngay không suy nghĩ: “Thì đàn bà bao giờ cũng khổ hơn đàn ông, em không thấy vậy à? Sống thọ mà làm gì, con cái nó thãy mình vô đây chèo queo một mình, sống vậy thì anh thà chết còn sướng hơn”. Tôi thấy vui vui vì cái tính bộc trực, nghĩ gì nói đó của anh taxi này. Tôi chợt nhớ mình có đọc ở đâu đó người ta có nói là đàn bà sống thọ hơn đàn ông vì sức chịu đựng dẻo dai hơn, và đàn bà chịu... khóc hơn đàn ông, và đó cũng là một cách giúp xả stress.
Trước mặt tôi là những gương mặt vô hồn, dửng dưng, im lặng. Tôi lúng túng, và chỉ trong tíc tắc, tôi quyết định mĩm cười, cười với mọi người tôi gặp nơi đây, vì tôi nghĩ có lẽ đó là món quà duy nhất mà với họ, có thể là còn ý nghĩa và giá trị. Tôi quay sang cười: “Chào bác”, “Chào cô”.
Những người đàn bà nhìn tôi, nhưng chẳng ai cười. Gương mặt ai cũng buồn, không chút xúc cảm.
Một cụ già ngồi gục xuống mà nước miếng cứ chảy dài xuống áo. Cụ bên cạnh thì quẹo đầu sang một bên, mắt đờ đẫn, dường như cụ bị tật ở cổ thì phải.
Bỗng dưng có bà cụ trông có vẻ già lắm, nét mặt rất phúc hậu, cụ chắp hai tay xá tôi lia lịa. Tôi sợ mang tội nên lật đật vịn hai tay bà lại và nói: “Cụ khỏe không cụ? Cụ đừng lạy con. Con vào thăm cụ đây”. Anh Lâm bảo: “Bà này sắp bị Alzheimer rồi em ơi. Từ mấy tháng nay ngày nào bả cũng mong chờ con trai và cháu nội vô thăm, mà tụi nó cứ biệt tăm. Bả đang lạy Phật cầu cho con cháu vô thăm đó, chứ không phải lạy em đâu”. Tôi nghe lòng mình thắt lại.
Tôi liền giả bộ: “Má, con tới thăm Má nè. Má khỏe không?”. Bà cụ ngước lên nhìn tôi, nhíu nhíu cặp mắt tèm nhèm mà tôi thấy hai tròng đen đã mờ đục hẳn, bà nhìn một hồi, vẻ hoài nghi, và lát sau bà lắc đầu: “Không, con trai, con trai”, rồi bà lại xá tôi lia lịa. Anh Lâm kéo tay tôi: “Anh đã nói con bả là con trai kia mà, em giả bộ bả đâu có tin”. Tôi nói: “Vậy thì bà cụ còn tỉnh mà anh, còn trí nhớ mà”. Anh Lâm gật đầu: “Chỉ những gì dính líu tới con cháu thì bà nhớ. Còn những việc khác như làm vệ sinh, đi tiểu tiện, ăn uống thì bà quên hết. Có vào đây thì em mới thấm thía tình đời”.
Anh Lâm bước đến và đưa tay đẩy một chiếc xe lăn. Một bác gái chừng ngoài 70, mà tôi đoán là mẹ anh, ngồi ủ rũ trên xe như đang buồn ngủ. Tôi theo anh đưa bác về phòng. Đến nơi, anh đỡ bác lên giường, xong anh bày tô cháo ra trên bàn rồi bảo: “Cháo gà nóng con mới mua, mợ ăn đi kẻo nguội. Còn đây là nước mía, ăn xong mợ nhớ uống. Giờ con phải đưa khách đi, trễ giờ rồi”. Tôi chào bác gái ra về. Bà chỉ gật nhẹ đầu đáp lại.
Lên xe, tôi tò mò hỏi thêm về bác. Anh Lâm kể: “Ba má anh có 5 người con. Xưa kia ba anh là đại úy của 3 đời tổng thống (Vua Bảo Đại, TT Diệm và TT Thiệu). Má anh ở nhà nội trợ lo cho 5 đứa con. Ba anh mang tiếng là đại úy chứ nhà anh nghèo lắm, má anh giỏi xoay xở vô cùng mới đủ sống đó chứ. Sau 75, ba anh ở tù 5 năm rồi sau đó cả nhà được sang Mỹ năm 1989 theo diện HO. Khi mới qua với hai bàn tay trắng, cả ba và má anh đều phải đi làm đủ nghề để sống và nuôi các con. Khi đó mấy anh em cũng lớn rồi, mạnh đứa nào đứa nấy bung ra đi làm.
Tụi anh đứa nào cũng sức trai tráng, ăn mạnh như voi, nên má anh cứ dành hết món ăn nào bổ là nhường cho chồng và các con. Ba anh thì sức khoẻ rất kém sau những năm tù đày, nên ổng cứ bệnh rề rề và qua đời năm 1997 vì bị xuất huyết bao tử. Sau cái chết của ba, má anh càng xuống tinh thần thấy rõ. Lúc này anh và mấy đứa em đã có gia đình riêng. Anh là anh cả, thằng S. có vợ , mua nhà nhưng không dám mang má về ở chung, mặc dù nó là đứa khá giả nhất trong gia đình. Con C. lấy chồng dọn đi Nevada. Thằng A. thì qua ở với vợ bên Thụy Sĩ. Chỉ còn anh và N., cô em gái bệnh tâm thần từ hồi còn ở Việt Nam, nên má ở với anh và nó.
Ông bà mình có câu ‘Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày’. Anh thấy câu này không đúng chút nào. Bởi như gia đình anh nè, tụi em anh có đứa nào nuôi ba má được một ngày nào đâu mà kể. Tội nghiệp ổng bả, cả đời còng lưng nuôi con khôn lớn. Để khi thành danh thì đứa nào cũng sợ chồng, sợ vợ không dám cho ba má ở chung. Ai cũng ca hoài cái điệp khúc ‘Con có gia đình riêng, còn nhiều thứ lo lắm. Thầy mợ ráng tự lo đi’. Đúng là bạc bẽo tình đời”.
Sau khi xổ một tràng cho hả giận, anh Lâm ngừng chút lấy hơi rồi tiếp tục kể: “Xưa kia khi ở Việt Nam má anh đã ít vận động, suốt ngày chỉ ở trong nhà lo việc bếp núc và chăm sóc các con, và có lẽ vậy mà xương má đã yếu. Sang đây thì bác sĩ cho biết là má anh bị thoái hóa cột sống, và các khớp xương ở đầu gối, cổ tay, đều thiếu chất dịch trơn nên cử động đều gây đau đớn lắm. Má không còn đi làm được nữa, và phải đi gặp bác sĩ thường xuyên để chữa trị. Sau 5 năm thì bác sĩ đề nghị với gia đình là cho má anh vô nursing home thì sẽ dễ dàng hơn, vì mấy anh chị em không ai rảnh mà chăm sóc cho má hết”.
Giọng anh Lâm đều đều: “Có ở xứ này mới nhận ra là đa số con cái đều bất hiếu lắm em ơi. Nước Việt Nam mình nghèo, con đi làm không đủ nuôi thân, nên không sao lo cho cha mẹ, mình còn chấp nhận được. Còn ở Mỹ, đứa nào cũng có xe, có nhà, chỉ có mỗi thời gian và lòng hiếu thảo là không có. Mà thời gian có đào ra được, cũng chỉ để dẫn vợ, chồng, con cái đi nghỉ hè, còn ông bà già thì mặc xác họ. Ngày nào vô đây 3 bận là anh tức, anh hận cái bạc bẽo của tình đời. Thằng con mà má anh thương nhất, cũng lại là đứa ham tiền, sợ vợ mà chưa hề đến gặp má, dù chỉ một lần, từ hơn 6 năm má anh vào đây. Anh là thằng má la rầy nhiều nhất, giờ thì chỉ mình anh mỗi ngày 3 cử vào ra, đem cơm nước và săn sóc cho bả”.
- Bộ trong đó họ không lo cho bác ăn uống sao anh?
- Có chứ. Nhưng người già trở tính lắm em ơi. 6 giờ sáng anh phải đích thân pha cà phê mang vô cho má, bởi chỉ có anh là biết cách pha đậm lạt như thế nào thôi, chứ mua ngoài tiệm má anh không chịu uống. Trưa phải mua món canh nào bả thích, còn chiều thì có lúc mua đồ tráng miệng, chè hay món gì nhẹ nhẹ mang vô. Anh thuộc lòng món nào má anh thích, món nào bả không ưa. Mà hễ anh không vô một cữ là bả nhịn không ăn cơm, thành thử khách mà gọi gần đến giờ vô nursing home là anh đành phải từ chối, không nhận khách, bởi vậy mà đời anh nghèo cứ mãi nghèo. Anh thì quê mùa có biết gì về tâm lý đâu, nhưng anh nghe người ta nói rằng người già rất sợ cô đơn, họ sợ bị bỏ rơi.
Chính vì vậy mà họ tìm mọi cách để con cháu chú ý và quan tâm đến họ. Nói theo cách bình dân của mình, thì người già hay “trở chứng” lắm. Anh thì cứ nghĩ đơn giản là ngày xưa lúc còn nhỏ mình cũng quậy ba má làm ổng bả cực khổ, thì giờ nếu má có làm eo làm sách chút cũng không sao. Là con mình phải biết chiều ba má, lỡ mai này má có chết anh sẽ không hối hận chút gì hết cả.
Lần thứ hai đi taxi thì anh Lâm chở tôi ghé vào mang cơm cho bác gái. Hôm ấy bác mới vừa hết chứng nhiễm trùng phổi và được đưa từ nhà thương về. Khi tôi chào, bác chỉ gật nhẹ đầu như mọi lần. Tôi đưa mắt nhìn quanh phòng. Trên đầu giường bác có treo đầy các ảnh Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria cùng cây thánh giá. Tôi muốn bắt chuyện với bác nhưng không biết nói gì, cuối cùng tôi bảo: “Bác nhớ cầu nguyện mỗi ngày nhe bác. Chúa sẽ che chở cho bác”. Bà không nói gì cả mà chỉ gật đầu.
Chiếc giường bên cạnh có một cô trẻ hơn đang nằm dán mắt nhìn trên trần nhà. Tôi ngạc nhiên vì thấy cái tivi đang mở, chiếu bộ phim Đại Hàn thì phải, coi bộ hay và gay cấn lắm, mà sao hai người không ai thèm xem. Tôi bắt chuyện: “Ở đây cũng được quá cô hả? Có tivi để xem phim đỡ buồn”. Cô này nói ngay: “Chán lắm. Phim lúc nào cũng mơ với mộng. Đời ở ngoài mới cay đắng hơn nhiều. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại , nằm đây 3 năm rồi có khác gì nhà tù đâu”. Hỏi thăm tôi được biết là cô bị hư thận, phải lọc thận 4 lần mỗi tuần từ vài năm nay, nhưng chồng cô không rảnh chở cô đi, nên cuối cùng gia đình quyết định cho cô vào đây luôn để... rảnh nợ (theo lời cô nói ). Cô chua chát: “Lúc mới đầu, để thuyết phục tôi chịu vô đây, ổng (chồng cô) hứa là sẽ vào thăm tui dịp cuối tuần, nhưng được đâu vài tháng thì riết rồi cũng bặt tăm luôn. Nghe đồn ổng có bà khác rồi. Cuộc đời khốn nạn lắm”. Cô cay đắng lên tiếng.
Anh Lâm bước vô, đỡ bác gái đi làm vệ sinh. Lúc trở ra, trông bác có vẻ mệt, nên anh dìu đặt mẹ lên giường rồi rủ tôi đi đến bàn trực hỏi thăm về thuốc men của bác. Trên đường đi tôi hỏi nhỏ: “Sao má anh ít nói quá vậy?”. “Còn gì mà nói em”. Giọng anh Lâm bực bội. “Em thử nghĩ 5 đứa con mình nuôi từ nhỏ, cả đời cơ cực vì tụi nó, giờ mình già yếu thì không thấy mặt mũi đứa nào. Nằm ở đây 24 tiếng mỗi ngày, dài lắm em biết hôn. Hơn 6 năm trời, tha hồ mà nuốt nước mắt ngược vào trong. Má anh không nói, nhưng anh biết trong đầu bả nói nhiều lắm, và vì vậy mà đau khổ vô cùng. Những ai độc thân hay không con cái vậy mà sướng. Anh bảo bả nhiều lần rồi, ‘Mợ đừng suy nghĩ nữa. Người khổ là con đây nè. Lo cho mợ, cho vợ, cho con cái, cho đứa em bệnh tâm thần, riết rồi con muốn điên cả đầu và chỉ mong được chết sớm mà thôi’”.
Khi ngồi trên xe, chúng tôi nói chuyện nhiều lắm. Tôi thông cảm cho hoàn cảnh của anh, ngày nào anh cũng vào thăm má 3 cữ, đem cơm, đồ tráng miệng, và nhất là mỗi lần bác sĩ cho thứ thuốc mới là má anh đều làm nư không chịu uống. Anh kể: “Bả nhất định không uống thuốc. Bả cứ nói uống nhiều thuốc quá rồi cũng chết, vậy uống mà làm gì? Anh năn nỉ quá thì cuối cùng bả ra điều kiện là anh phải ngủ lại qua đêm, để lỡ nếu uống thuốc vô mà có bị gì thì anh chở bả đi bệnh viện gấp”.
- Vậy anh có ngủ lại không? Tôi hỏi.
- Dĩ nhiên rồi, đã dụ bả thì phải dụ tới nơi tới chốn chứ. Anh giả bộ trải tấm khăn nằm đại dưới đất, mà phải làm lén nữa chứ. Nhìn trước nhìn sau không thấy bóng nhân viên thì anh mới dám nằm. Hễ nghe tiếng chân ai bước tới là anh bật dậy, nói dối má là anh đi vệ sinh, vậy mà bả tin. Uống thuốc xong một hồi là bả ngủ. Thế là anh chuồn về nhà.
Tôi buồn cười vì óc “sáng tạo” của anh Lâm. Nhưng vẫn còn tò mò, tôi hỏi:
- Sáng mai thức dậy không thấy anh thì bể mánh làm sao?
- Vậy là em chưa biết gì về người già rồi. Ngủ một đêm là họ quên sạch, vô đây là ai cũng gần lú lẫn hết rồi em ơi.
Cách đây hơn một tháng, hai anh em có dịp đi xe chung, và bàn tán về đủ thứ chuyện trên đời, kinh tế xuống dốc, thất nghiệp, rồi về cơn thiên tai tại Nhật. Anh Lâm bảo tôi: “Nói thiệt, thiên tai, chiến tranh, thảm họa hạt nhân gì anh cũng không sợ. Điều duy nhất mà anh sợ là anh chết trước má anh. Bởi anh biết anh mà có bề gì là má anh sẽ không còn sống nổi nữa. 6 năm qua, anh đã trở thành niềm vui và hy vọng của bả mỗi ngày. Có một lần anh bệnh nên nhức đầu quá không dậy nổi, nên sáng và trưa anh không vô.
Đến chiều thì cô nhân viên gọi, cô ta nói là má anh không chịu ăn uống gì hết. Bả cáu gắt với mọi người và cứ ngồi ngóng về hướng cửa. Bởi vậy mà như em biết đó, kinh tế khó khăn, nghề taxi nghèo lắm, nhưng hễ khách có gọi trùng vào giờ anh phải vô thăm má, thì anh luôn luôn chọn má, mà bỏ khách. Không có người khách này, anh hy vọng sẽ còn người khách khác, nhưng má thì anh chỉ có một. Từ bao năm nay chưa bao giờ anh có thể đi chơi đâu với vợ con, cũng may trời thương nên bà xã anh rất thông cảm. Nhiều lúc mệt mỏi quá anh hay to tiếng với má, lúc về nhà thì lại hối hận. Chắc tại anh là đàn ông nên không biết nói dịu dàng em ơi”.
Tôi im lặng. Thấy thương người lái taxi ở vào tuổi trung niên nhưng chưa có được một ngày no đủ. Thương dáng anh lúc nào cũng tất tả. Thương tướng đi của anh bao giờ cũng hối hả. Thương cái lưng anh khòm khòm cứ chúi về phía trước. Có đôi lần anh hơi to tiếng với mẹ anh, và tôi hiểu là vì anh sợ trễ giờ của khách, lo khách sẽ phiền hà, nhưng tấm lòng hiếu thảo của anh thì chưa chắc người con nào khác đã có được.
Tuần rồi có việc cần đi taxi, tôi lại gọi anh Lâm. Giọng anh lo lắng: “Má anh bị gãy xương chân rồi. Em có thể đi sớm nửa tiếng dùm anh được không? Anh vào đó lo cho bả chút rồi mình đi”. Tôi đồng ý.
Trên xe anh kể tôi nghe: “Nửa tháng trước khi đỡ bác lên giường, cô nhân viên vô tình không để ý nên một ống chân của má đập vào thanh giường và gãy. Từ đó má anh phải bó bột và không di chuyển được. Đau đớn mà bả không chịu uống thuốc, hễ anh vào là má cứ cằn nhằn khiến anh nhức cả óc”.
Anh Lâm thở dài chán nản: “Nhiều lúc anh mỏi mệt quá, chỉ muốn được chết cho xong. Nhưng lại nghĩ đến má, anh chết thì ai lo cho bả? Mai này anh già, anh không mong đứa con nào lo cho mình hết. Anh chỉ mong khi nào má mất, anh lo mai táng cho bả đàng hoàng tươm tất, rồi thì anh ước mình sẽ ra đi theo bả cho xong, sống thọ chưa chắc là phúc đức đâu em”.
Chiếc taxi cứ bon bon trên đường. Thấy tôi im lặng, anh Lâm lại bắt chuyện: “Em thấy khổ vậy đó, nhưng chưa phải tận cùng đâu em. Hôm nào tiện anh dẫn em qua khu bên kia, nơi đó chỉ toàn những người bệnh hấp hối, nằm liệt trên giường với đời sống thực vật. Họ không còn biết gì nữa hết, cũng không còn cả cảm xúc. Anh luôn tự an ủi mình là mỗi ngày ra vào những chốn này, mới nhắc nhở cho anh rằng đời là bể khổ, và mình còn sống được ngày nào khỏe mạnh thì đã là hạnh phúc”.
Tự dưng tôi chợt nhớ ra một điều, nên bảo anh:
- Sắp đến ngày lễ Mẹ rồi đó, anh có định mua gì hay làm gì cho bác vui không?
- Anh làm hoài đó chứ, sinh nhật, Tết, Giáng Sinh, anh đều có quà cho bả vui. Nhưng riết rồi cũng chẳng còn ai vui, kể cả má hay anh. Người già vào đây từ từ rồi tim ai cũng chai, mà anh là người nuôi bệnh, tim anh cũng chai từ hồi nào anh không biết nữa.
Tôi góp ý:
- Có lẽ anh bị stress nhiều quá không? Công ăn việc làm, các em bỏ rơi mẹ, áp lực từ nhiều thứ quá nên anh buồn và bất mãn. Nhưng anh cố gắng đi, khi nào mẹ mất thì anh sẽ không hề hối tiếc điều gì cả.
Anh Lâm lặng thinh.
Khi vào trong, như mọi lần, anh Lâm cứ hối mẹ: “Mợ mau lên, kẻo khách đợi”. Tôi bảo: “Từ từ, không sao đâu anh, hôm nay em không gấp”. Trong khi anh Lâm đi tìm người nhân viên để dặn dò điều gì đó, tôi bước lại hỏi thăm bác gái về cái chân đang bó bột. Bác cứ gật gật đầu, có vẻ mỏi mệt. Tôi hỏi: “Sắp đến lễ Mẹ rồi, bác thích hoa gì, anh Lâm sẽ mang vào tặng bác”. Bà lắc đầu: “Không cần”. Tôi không biết nói gì nữa. Nghe có tiếng chân ai bước tới gần, tôi đoán là anh Lâm nên tôi chào bác ra về.
Tôi nói: “Bác đừng buồn. Bác hạnh phúc hơn nhiều người khác lắm, bởi vì ít ra bác cũng còn có được một đứa con hiếu thảo”. Bác gái gật đầu và quay mặt đi. Tôi thoáng thấy giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt bà. Chắc có lẽ ngượng với tôi nên bác quay nhìn nơi khác. Tôi bước đi về hướng cửa phòng, lòng cảm thấy vui, vì tôi hiểu đó là giọt nước mắt hạnh phúc của một người Mẹ.
Rời khu nursing home, tôi tự hỏi biết bao người mẹ, người cha cả cuộc đời hy sinh vì con cháu, để rồi khi bóng xế chiều tàn họ một mình vò võ nơi đây. Vào các viện dưỡng lão như thế này tôi mới càng thấm thía câu nói của ông bà xưa: “Nước mắt chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược?”. Ngày lễ Mẹ sắp đến rồi, hằng trăm ngàn đứa con, thử hỏi có được bao nhiêu người còn nhớ ra là họ vẫn còn có một bà Mẹ tại nơi này?
Đột nhiên tôi nhớ đến Má. Má tôi đang ở xa, và chưa năm nào tôi có dịp mừng lễ Mother's Day cùng Mẹ.
Nhìn đồng hồ. 12 giờ trưa. Mặt trời đứng bóng. Tôi thấy mắt mình cay cay, có lẽ do chói nắng? Và sao tự dưng mũi bắt đầu sụt sịt.
Anh Lâm chợt quay sang hỏi:
- Em sao vậy? Sao mắt đỏ rồi? Nhớ Má hả?
Tôi gật đầu.
- Nhớ thì về thăm Má.
- Bận... Tôi lúng búng. Năm nào lễ Mẹ, em cũng bận đi làm...
Giọng anh Lâm dịu xuống:
- Em gọi thăm Má đi, và cũng đừng buồn. Xứ này ai mà không bận, anh hiểu. Thôi cứ ráng nhớ dùm anh câu này:
“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không?”
Tôi gật đầu, ráng kềm chế để cầm giữ giọt nước mắt. Tiếng anh Lâm nhắc: “Đi em. Trễ giờ rồi”. Xong anh hối hả bước về phía xe. Tôi lầm lũi theo sau.
(Tặng anh Lâm - người lái taxi hiếu thảo)
Trần Thị Tuyết Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét