Ukraine: Tổng Thống Zelensky Thăm Các Thị Trấn Mới Chiếm Lại! Sau khi Quân Nga Tháo Chạy!
*Giây phút cảm động vinh quang: Tại Izium, ông Zelensky chứng kiến Lá quốc kỳ Ukraine màu Xanh và Vàng được kéo lên trước tòa nhà hội đồng thành phố!
VOA Tiếng Việt-Reuters
(Hình AP: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và binh sĩ hát quốc ca, chào cờ khi thăm thành phố Izium, vùng Kharkiv, Ukraine, 14/9/2022.)
Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy nói các thị trấn và làng mạc giành lại được từ tay quân Nga đều đã bị tàn phá, trong khi một thành phố lớn đẩy mạnh nỗ lực hôm thứ Năm (15/9/2022), để sửa chữa hệ thống nước bị hư hại do bị tấn công bằng phi đạn.
Krivyi Rih, thành phố lớn nhất ở miền Trung Ukraine với dân số ước tính khoảng 650.000 người trước chiến tranh, bị 8 quả phi đạn liên lục địa đánh vào hôm 14/9, các viên chức cho biết.
Trong một bài phát biểu qua đường truyền video, được công bố sáng 15/9, ông Zelensky cho hay các phi đạn đánh trúng vào đập của hồ chứa Karachunov. Ông nói rằng hệ thống nước này “không có giá trị quân sự” và hàng trăm ngàn dân thường phụ thuộc vào nó hàng ngày
Oleksandr Vilkul, người đứng đầu chính quyền quân quản ở Krivyi Rih, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng 112 ngôi nhà bị ngập nhưng công việc sửa chữa con đập trên sông Inhulets đang được tiến hành và “nước ngập đang rút xuống”.
Các lực lượng Nga phải hứng chịu thế trận đảo ngược đáng kinh ngạc trong tháng này, sau khi quân đội Ukraine tiến hành tấn công nhanh bằng thiết giáp vào khu vực Kharkiv ở miền Đông-Bắc, buộc Nga phải tháo lui gấp gáp.
Ông Zelensky hôm 14/9 đã bất ngờ đến thăm Izium, nơi mới cách đây 4 ngày còn là thành trì chính của Nga ở khu vực Kharkiv. Tại Izium, ông Zelensky chứng kiến quốc kỳ Ukraine màu xanh và vàng được kéo lên trước tòa nhà hội đồng thành phố.
Ông nói: “Các cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi nhận được bằng chứng là những kẻ chiếm đóng giết người, tra tấn và bắt cóc người dân”, đồng thời cho biết thêm rằng có “bằng chứng về tội ác diệt chủng nhằm vào người Ukraine”.
“Bọn chúng chỉ có phá hủy, bắt giữ và trục xuất mà thôi. Bọn chúng bỏ lại những ngôi làng bị tàn phá, và có những làng không còn sót lại một ngôi nhà nguyên lành nào”, ông Zelensky nói thêm trong bài phát biểu qua đường truyền video.
Nga phủ nhận chuyện họ cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường và thông tấn xã Reuters không thể kiểm chứng ngay các tin tức từ chiến trường.
Bài phát biểu qua video của ông Zelensky được công bố sau khi ông trở lại Kyiv từ vùng Kharkiv.
Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine hôm 15/9 cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công vào một số khu dân cư trên tiền tuyến Kharkiv trong 24 tiếng đồng hồ qua.
Tuy nhiên, các lực lượng của Ukraine tiếp tục củng cố quyền kiểm soát của họ đối với các khu vực mới được giải phóng trong khu vực, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản tin cập nhật hôm 15/9.
Các chính trị gia và viên chức quân sự phương Tây cho rằng còn quá sớm để nói liệu thành công gần đây của Ukraine có đánh dấu một bước ngoặt hay không vì Nga vẫn chưa đánh trả hoàn toàn.
Oleksiy Danilov, thư ký của hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine, đưa ra ý kiến trong một bài đăng lên mạng: “Chúng ta nên tránh hưng phấn quá. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải phóng đất đai của chúng ta và Nga có một lượng lớn vũ khí”.
Chiến thắng ngoạn mục: Ukraine Đã Đánh Lừa Quân Đội Nga Để Chiến Thắng Như Thế Nào
Đức Tâm (RFI 16/9)
*
Chính ở phía Bắc Ukraine, nhắm theo hướng Kharkiv mà quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ, có thể coi là thắng lợi lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến. Bài viết của đặc phái viên Boris Mabillard đăng trên tuần báo Pháp Le Point ngày 11/9/2022, tức là vào lúc quân đội Ukraine phản công, chuẩn bị giành lại được thành phố Izium.
Quân đội Ukraine đã chọc thủng hàng phòng thủ Nga ở phía Đông Kharkiv, một vùng nằm ở phía Bắc Ukraine. Khi đâm mũi giáo vào các tuyến phòng thủ của kẻ thù, quân đội Ukraine đã xuất hiện tại những nơi mà quân Nga không ngờ tới. Cuộc tấn công cộng với yếu tố bất ngờ đã buộc quân đội Nga tháo chạy. Tình trạng vỡ đám trầm trọng đến mức chính quyền Nga, hiếm khi thấy, công khai thừa nhận đã vấp phải những khó khăn. Nhìn theo trục ngang, từ Kharkiv sang phía Đông, các khu làng Balakliia, Volokhiv Yar và Borshchivka lần lượt được giải phóng. Hôm 10/9, phát ngôn viên quân đội Ukraine thông báo đã kiểm soát được Koupiansk, một đầu nút giao thông đường sắt và đường bộ trọng yếu. Lực lượng Ukraine hiện nay đã tới cửa ngõ thành phố Izium, thành phố bị Nga chiếm đóng, có vị trí chiến lược giữa Donbass và Kharkiv và phía Ukraine sắp đánh chiếm được thành phố (ngày 11/9, Izium được giải phóng và ngày 14/9, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bất ngờ tới thăm thành phố này).
Ngoài giá trị quân sự và chiến lược của các lãnh thổ vừa giành lại được, những chiến thắng quân sự này đã giúp nâng cao tinh thần binh sĩ Ukraine. Cuộc phản công tại Kherson ở phía Nam, từ nay liên quan đến ba mặt trận và sẽ sớm tạo ra một bước ngoặt quyết định. Nhất là trong bối cảnh phía Ukraine vẫn tiếp tục đà tiến quân.
Cuộc Tấn Công Theo 3 Thời Điểm
Thứ Hai, 29/08, chính quyền Ukraine thông báo tiến hành một cuộc phản công để giải phóng Kherson ở phía Nam Ukraine. Cùng lúc, Kyiv giữ im lặng tuyệt đối về các chiến dịch quân sự đang diễn ra trên toàn quốc và cấm tuyệt đối các nhà báo ra chiến tuyến. Trong lúc mọi cặp mắt đều hướng về Mikolaiv và Kherson thì quân đội Ukraine đã tiến về phía Đông Slovansk ở vùng Donbass. Rồi trong tuần này, quân đội Ukraine đã tấn công ở phía Đông của Kharkiv. Cuộc tấn công theo ba thời điểm chủ ý đánh lừa bộ tham mưu Nga. Vì nghĩ rằng mục tiêu chính của quân Ukraine là Kherson, bộ tham mưu Nga dã cho tái khai triển lực lượng ở phía Nam, giảm bớt quân ở mặt trận Kharkiv.
Ban đầu rất kín đáo, chính quyền Ukraine không thông báo ngay các thắng lợi quân sự mà họ có thể thu được. Thế nhưng, hình ảnh những ngôi làng được giải phóng mà dân làng và binh sĩ Ukraine đăng trên các mạng xã hội của họ đã phá tan sự im lặng mà bộ tham mưu Ukraine rất muốn duy trì. Do vậy, bộ tham mưu Ukraine buộc phải khẳng định những gì đã được đăng tải trên internet nhưng đồng thời vẫn không cho các nhà báo tới vùng này để tự họ nhìn thấy thực tế các tiến bộ về quân sự của Ukraine.
Cũng tương tự, bên phía Nga, các blogger đã nói đến những khó khăn mà quân đội Nga vấp phải ở Kharkiv và lo lắng về việc quân đội của họ không có phản ứng gì. Hôm 9/9, các kênh truyền hình Nhà nước Nga chiếu hình ảnh điều động lực lượng chi viện và ngày 10/9, Bộ tham mưu Nga thừa nhận bị mất Balakliia và thông qua phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, Igor Konashenkov, thông báo “một sự chuyển quân có tổ chức đối với các lực lượng đang đóng tại Balakliia và Izium sang vùng Donetsk (nước Cộng hòa tự xưng Donetsk)”. Việc giành lại Izioum, nếu thành công, sẽ là một thắng lợi lớn của Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga hồi tháng Hai vừa qua. (Ngày 11/9, Ukraine đã chiếm được Izium).
Vũ Khí của Phương Tây, Một Trong Những Yếu Tố Chủ Chốt Trong Cuộc Phản Công của Ukraine
Việc sử dụng đúng lúc các vũ khí hiện đại mà Âu Châu và Hoa Kỳ cung cấp, chắc chắn, giúp đạt được những thành công này. Sau khi vội vã sử dụng các vũ khí quý giá trong các trận đánh mà không tạo ra được sự khác biệt cũng như dễ bị Nga oanh kích, quân đội Ukraine đã học cách sử dụng các loại vũ khí này một cách có ý thức. Hệ thống phóng rốc-két Himars (M142 High Mobility Artillery Rocket System) pháo tầm xa M777 và hệ thống pháo Howitzer Zuzana 155 mm đã giúp dập nát các tuyến tiếp viện và pháo của Nga. Tình báo Ukraine, được sự trợ giúp của các đồng minh ngoại quốc và chắc hẳn là của cả các kháng chiến quân hiện diện tại vùng bị chiếm đóng, đã xác định khu vực nào trên mặt trận cần tấn công và chỉ ra các mục tiêu cho Pháo binh.
Vào lúc người ta nghĩ rằng không thể đối phó được với chiến thuật rải thảm bom một cách chậm rãi và gây sát thương lớn của Nga nhằm san bằng tất cả rồi sau đó chiến lĩnh lãnh thổ với một nhịp độ không thể ngăn cản được thì phía Ukraine lại áp đặt được nhịp độ chiến sự. Với ba cuộc phản công này, lực lượng Ukraine cho thấy họ có thể chuyển sang tấn công thì tốt hơn là kháng cự. Điều này không chỉ lên tinh thần cho binh sĩ Ukraine và làm suy sụp tinh thần của kẻ thù Nga. Các cuộc tái chiếm này, nếu tiếp tục diễn ra lâu dài, sẽ tạo ra một động lực mà quân đội Ukraine cần có sau những thất bại trong vùng Donbass hồi tháng Sáu và tháng Bẩy. Các cuộc phản công này cũng đưa ra một tín hiệu tích cực cho các đồng minh của Kyiv sau khi họ đã cung cấp vũ khí và đang chờ đợi thắng lợi từ phía Ukraine.
Đức Giáo Hoàng Vào Cuộc: Cung Cấp Vũ Khí Cho Ukraine Tự Vệ Là Chính Đáng Về Mặt Đạo Đức!
VOA Tiếng Việt-Reuters
(Hình REUTERS: Đức Giáo hoàng Francis đến cử hành Thánh lễ tại Nur-Sultan, Kazakhstan, ngày 14/9/2022.)
Ngày 15/9/2022, Đức Giáo hoàng Francis nói việc các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp nước này tự vệ trước sự xâm lược của Nga là chính đáng về mặt đạo đức.
Phát biểu với các phóng viên trên chiếc máy bay trở về sau chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Kazakhstan, Đức Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi Kyiv cởi mở với các cuộc đối thoại chung cuộc, mặc dù nó có thể “khó chịu” vì điều này sẽ gây khó khăn cho phía Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine do Nga xâm lược vào ngày 24/2 đã tạo bối cảnh cho chuyến thăm của Đức Giáo hoàng tới Kazakhstan, nơi Ngài tham dự một đại hội của các lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới.
Trong một cuộc họp báo dài 45 phút trên máy bay, một phóng viên đã hỏi Đức Giáo hoàng rằng liệu việc các nước gửi vũ khí đến Ukraine có đúng về mặt đạo đức hay không.
“Đây là quyết định chính trị có thể chấp nhận được về mặt đạo đức nếu được thực hiện dưới các điều kiện của đạo đức”, Ngài nói.
Đức Giáo hoàng giải thích các nguyên tắc “Chiến tranh chính nghĩa” của Giáo hội Công giáo La Mã, cho phép sử dụng vũ khí sát thương để tự vệ chống lại một quốc gia xâm lược.
“Tự vệ không chỉ là chính đáng mà còn là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước. Ai không tự bảo vệ mình, không bảo vệ cái gì thì nghĩa là không yêu cái đó. Ai bảo vệ cái gì thì chính là họ yêu thương cái đó”, Ngài nói.
Giải thích về sự khác biệt giữa đạo đức hay vô đạo đức trong việc cung cấp vũ khí cho quốc gia khác, Đức Giáo hoàng Francis nói:
“Có thể là vô đạo đức nếu có ý định khiêu khích thêm chiến tranh, hoặc bán vũ khí hoặc bán tống bán tháo vũ khí mà (một quốc gia) không còn cần nữa. Chủ yếu động cơ là yếu tố đáp ứng điều kiện đạo đức của hành động này”, Đức Giáo hoàng nói.
Đức Giáo hoàng cũng được hỏi liệu Ukraine có nên đàm phán với quốc gia đã xâm lược mình hay không và liệu Ukraine có nên vạch “lằn ranh đỏ” tùy vào các hoạt động của Nga để có thể từ chối đàm phán hay không.
Đức Giáo hoàng nói: “Tôi sẽ không loại trừ đối thoại với bất kỳ thế lực nào đang có chiến tranh, ngay cả khi đó là với kẻ xâm lược.... Đôi khi bạn phải thực hiện đối thoại như thế này. Nó khó chịu nhưng phải được thực hiện”, Ngài nói.
Giáo hoàng đã sử dụng từ tiếng Ý Ðại Lợi “puzza” (mùi hoặc hôi thối), tương đương với “bịt mũi” trong tiếng Anh để mô tả làm điều gì đó mà người ta không muốn làm.
Đức Giáo hoàng nói: “Đối thoại luôn là một bước tiến về phía trước, với một bàn tay dang rộng. Bởi vì nếu không, chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình”.
“Đôi khi họ (kẻ gây hấn) không chấp nhận đối thoại. Thật đáng tiếc. Nhưng luôn cần phải đối thoại, hoặc ít nhất là đề nghị. Và điều này tốt cho những người đề nghị”, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh.
Bàn Về Hậu Quả Sau Khi Rút Quân: Putin và Nước Nga, Ai Chịu Trách Nhiệm Về Cuộc Xâm Lăng Ukraine?
Thụy My (RFI )
*
Chiến công vang dội mới đây của Kyiv không thể có được nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Mỹ. Ukraine đang trở thành một Do Thái mới, “toàn dân chống giặc”; còn Putin đang phải chịu sức ép từ phe diều hâu, tuy quân đội Nga hiện đã mất khả năng tấn công. Không chỉ giành cho bằng được chiến thắng, mà kẻ xâm lăng còn phải trả giá, nhưng ai là bị cáo, Putin hay nước Nga?
Báo Le Monde hôm 16/9/2022 chạy tựa “Điện: Các kịch bản cảnh báo cho mùa Đông”. Báo Le Figaro nói về “Khí đốt, điện: Những lý do thực sự của việc tăng giá”. Báo Les Echos lo âu “Năng lượng: Chi phí nặng thêm cho các gia đình và cho Nhà nước”. Báo Libération chơi chữ “Giá năng lượng, một gáo nước ấm” thay vì dùng chữ “gáo nước lạnh” vì chính phủ đã hạn chế mức tăng tối đa là 15%. Riêng báo La Croix đăng ảnh trang nhất các chiến binh Ukraine trên xe tăng và chạy tựa “Hy vọng quay trở lại với Ukraine”. Ở trang trong các báo, bên cạnh vấn đề năng lượng, tình hình Ukraine vẫn là đề tài được chú ý nhất.
Không Có Mỹ Hỗ Trợ, Cuộc Phản Công của Ukraine Khó Thành Công
Trước hết, báo Le Monde cho biết “Phía sau cuộc phản công của quân đội Ukraine là sự ủng hộ lớn lao của Hoa Kỳ”. Không chỉ chuyển giao vũ khí và huấn luyện binh sĩ, Mỹ còn chia sẻ với Ukraine thông tin tình báo. Chính Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công nhận “Chúng tôi không thể tái chiếm những vùng đất này nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ”.
Từ ngày 24/2, Hoa Thịnh Ðốn đã viện trợ 14,5 tỉ Mỹ kim thiết bị quân sự, trong đó 12,5 tỉ lấy trực tiếp từ kho vũ khí của quân đội Mỹ. Để so sánh, ngân sách quốc phòng hàng năm của Ukraine chỉ khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm đến 70% viện trợ quân sự cho Kyiv, thứ nhì là Ba Lan rồi đến Anh, Pháp đứng thứ 11. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trang bị đủ cho cả một quân đội. Có thể kể: Hơn 40.000 phi đạn chống tăng vác vai (trong đó có 8.500 Javelin), 126 đại bác M777 loại 155 ly, 1.400 drone cảm tử (Switchblade và Phoenix Ghost), 20 trực thăng (Mi-17), 1.400 phi đạn phòng không (Stinger), 8 giàn phi đạn địa-không (Nasams), hàng mấy trăm chiếc xe bọc thép (M113, Humvee)….
Không chỉ số lượng mà còn là chất lượng, chẳng hạn 16 giàn phóng rốc-kết đa nòng Himars đã làm thay đổi hẳn bộ mặt chiến trường. Đạn pháo Mỹ cũng giúp đối phó với hỏa lực khủng khiếp của quân Nga. Từ 15.000-20.000 thiết bị Starlink của tỉ phú Elon Musk rất hữu ích cho việc liên lạc của binh sĩ, và Mỹ hứa tặng tiếp. Những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã huấn luyện cho 1.500 quân nhân Ukraine cách sử dụng M777, Himars, drone…Hai chiến hạm Nga bị đánh chìm ở Hắc Hải hồi tháng Sáu bằng phi đạn Harpoon phương Tây là công của các pháo thủ được tập huấn ở Mỹ.
Quan trọng nhất là thông tin tình báo, có thể nói đây là hoạt động quy mô nhất của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỗi ngày, các phi cơ do thám của Không quân Mỹ đều ngang dọc trên Hắc Hải và vùng biên giới Ukraine-Lỗ Ma Ni, thu thập các dữ liệu điện từ của quân Nga. Hình ảnh vệ tinh của Mỹ cũng giúp bộ tham mưu Ukraine bao quát được chiến trường trong thời gian thực. Theo New York Times, cuộc phản công ở Kherson và Kharkiv đã được Ngũ Giác Đài lúc lập ra các phương án giả định để Kyiv chọn lựa cách đánh có nhiều khả năng thành công nhất.
Quân Đội Nga Không Còn Khả Năng Tấn Công
Phóng sự của La Croix mô tả tình hình ở Kharkiv sau khi được giải phóng. Người dân thành phố lớn thứ nhì Ukraine vui mừng vì đuổi được quân Nga, nhưng các vụ oanh tạc vào hệ thống điện nhắc nhở họ biên giới Nga rất gần, và mùa Đông sắp tới sẽ khó khăn. La Croix cũng cho rằng “Quân đội Nga đã mất khả năng tấn công”. Sau thất bại nặng nề ở Kharkiv, Bộ Quốc phòng Nga loan báo “oanh kích ồ ạt vào các đơn vị Ukraine trên tất cả chiến trường”, báo chí nhà nước thì hô hào phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự. Nhưng liệu quân đội Nga có còn đủ sức?
Các chuyên gia không loại trừ giả thiết quân Nga đã đạt đến “ cực điểm ”, theo cách gọi của lý thuyết gia quân sự Carl von Clausewitz, có nghĩa là không tấn công nổi, chỉ có thể phòng vệ. Nhà Sử học Michel Goya nhận định trong thời gian qua quân đội Nga sa sút còn Ukraine mạnh lên. Những đơn vị thiện chiến của Nga chịu thiệt hại nhiều, được thay thế bằng các tân binh hay lính đánh thuê, quân ly khai kém trang bị và thiếu ý chí. Nếu không cải tổ chiều sâu và huy động thêm nhiều quân, Nga không thể tái lập một chiến tuyến vững chắc.
Nhà nghiên cứu Michael Kofman của CNA nhấn mạnh sự sụp đổ nhanh chóng của quân Nga ở Kharkiv “phản ánh các vấn đề về nhân lực và tinh thần của một quân đội bị quá tải”. Chuyên gia Rob Lee, Foreign Policy Resaearch Institute, nhấn mạnh Mạc Tư Khoa bất lực trong việc cho tình báo tham gia các chiến dịch, trong khi hơn một tháng qua đã có tin Ukraine tập trung lực lượng gần Kharkiv. Các nhà phân tích khác nêu thêm truyền thống chỉ có các chỉ huy cấp cao mới được quyết định. Theo Conflict Intelligence Team (CIT), trận vừa rồi bộc lộ những điểm yếu của quân đoàn số 11 và sư đoàn xe tăng trực thuộc.
Trước mắt, Nga không đủ sức để bảo vệ Kherson ở miền Nam và có được tiến bộ tại Donbass ở miền Đông. Ngay cả nếu Vladimir Putin nhận lấy rủi ro chính trị, ra lệnh tổng động viên, sẽ còn phải mất nhiều tháng để huấn luyện lính mới, cũng không có khả năng trang bị cho họ. Và những vấn đề gặp phải trên chiến trường lâu nay vẫn chưa được giải quyết.
Bị Kyiv Lấn Át Trên Chiến Trường, Putin Dưới Áp Lực của Phe Diều Hâu
Les Echos nhận thấy “Putin đang chịu áp lực từ Ukraine và phe diều hâu ở Mạc Tư Khoa”. Sau thắng lợi vang dội của quân đội Ukraine, Vladimir Putin rơi vào tình thế mà ông ta ghét nhất, đó là phải quyết định dưới sức ép. Bên cạnh áp lực về quân sự còn là chính trị. Chiến thắng của địch thủ đã cổ vũ những người chủ trương tự do nhân đó nói lên nhiều bất bình khác, nhưng nhất là những thành phần diều hâu chỉ trích Tổng thống quá mềm yếu. Nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean của IFRI cho biết tình hình hiện rất căng thẳng tại đỉnh cao quyền lực Ðiện Cẩm Linh. Tuy giới tinh hoa, như thường lệ, ủng hộ Tổng thống nhưng lịch sử nước Nga cho thấy tất cả những đảo lộn chính trị không phải từ đường phố mà từ trò chơi ảnh hưởng ở thượng tầng.
Vladimir Putin bỗng dưng bị xầm xì chỉ trích bởi những người lâu nay vẫn lặp lại luận điệu của ông ta. Truyền hình nhà nước nói về “tình thế khó khăn”, trên mạng xã hội các chuyên gia và blogger thân chính quyền chế giễu thất bại của các tướng lãnh và băn khoăn về tinh thần chiến đấu của quân lính. Những chỉ trích công khai và bất thường này có thể là biểu hiện sự bất mãn sâu sắc của một số nhóm thế lực. Hiện thời Putin không bị đe dọa, nhưng một nhân vật từng có ảnh hưởng ở Ðiện Cẩm Linh nhắc nhở: “Giới tinh hoa ủng hộ Sa hoàng, dù là Quân chủ, Cộng sản hay xuất thân từ tình báo như Putin. Cho đến khi họ hiểu rằng Sa hoàng chính là vấn đề, và quyết định giải quyết vấn đề đó”.
“Toàn Quốc Kháng Chiến”, Ukraine Đang Trở Thành Do Thái Mới
Les Echos coi Ukraine là một “Do Thái mới, nơi mỗi người dân đều là chiến sĩ”. Từ chủ doanh nghiệp đến nông dân, xã hội Ukraine từ sáu tháng qua đã quân sự hóa để bảo vệ chủ quyền đất nước. Từ lâu đã thay bộ veste bằng chiếc áo thun màu nhà binh mỗi khi xuất hiện, ông Zelensky trở thành biểu tượng cho xã hội Ukraine trong chiến tranh. Cựu Ðại sứ Mỹ tại Do Thái, David Shapiro nhận thấy Do Thái và Ukraine đều có điểm chung là phải đối mặt với mối đe dọa khổng lồ về an ninh quốc gia, và dân chúng sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.
Câu “Slava ZSU” (Vinh quang cho lực lượng vũ trang Ukraine) thường xuyên xuất hiện trên những bức tường của các thành phố, làng mạc trên toàn quốc, trở thành khẩu hiệu đoàn kết toàn dân chống xâm lăng. Nhiều người dân nay mặc trang phục mang màu sắc quân đội nước mình, hoặc xăm lên người những hình ảnh biểu tượng cho lòng yêu nước. Chương trình giảng dạy trong nhà trường có thêm giáo dục quốc phòng.
Các nhà quan sát cho rằng hiện tượng quân sự hóa là logic, trước thiệt hại to lớn về nhân mạng và cơ sở hạ tầng mà Ukraine phải chịu đựng. Theo số liệu chính thức, đã có 9.000 quân nhân tử trận kể từ đầu cuộc xâm lăng, còn đối với thường dân con số này lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng Mariupol, ước tính đã có đến 21.000 dân thường thiệt mạng trong đợt vây hãm. Trước sự tàn bạo của quân chiếm đóng, không có gì đáng ngạc nhiên khi người dân Ukraine hết sức ủng hộ quân đội nước họ. Quân đội Ukraine hiện có gần 200.000 binh sĩ, lực lượng phòng vệ dân sự 115.000 người, hầu hết xung phong gia nhập trong 3 ngày đầu cuộc xâm lăng.
Simon Franck, một doanh nhân Pháp làm ăn ở Ukraine cho biết ngay sau khi quân Nga tràn sang, có nhiều nhân viên xin nghỉ để ra mặt trận. “Đó là các chuyên viên đồ họa, thảo chương, phụ trách nhân sự… chưa bao giờ có kinh nghiệm chiến đấu”. Lực lượng dân quân này phản ánh trung thực thành phần xã hội Ukraine: các đơn vị ở thành phố lớn gồm doanh nhân, công nhân, giáo viên, cán bộ quản lý, còn ở thôn quê gồm nông dân, nhà buôn…. Với 1,3 triệu khẩu súng đang được luân chuyển, Ukraine nay là một trong những nước mà dân chúng được vũ trang nhiều nhất thế giới, vì điều này liên quan đến sự tồn vong của họ.
Chiến Tranh Ukraine: Bắc Kinh Không Còn Giả Vờ Trung Lập
Về phía Bắc Kinh, Libération lưu ý “Trung Quốc không còn giả vờ trung lập trong cuộc chiến tranh Ukraine”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Âu Châu Josep Borrell hồi tháng Ba đã từng mong muốn Trung Quốc đứng ra làm “trung gian hòa giải”. Thế nhưng Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Chủ tịch Quốc hội, viên chức số 3 của chế độ Trung Quốc vừa ngang nhiênnói rằng Mạc Tư Khoa “đáp trả” Hoa Kỳ và NATO là “lẽ đương nhiên”, cho biết “đã hỗ trợ Nga bằng nhiều cách”.
Bỏ qua việc đánh tráo khái niệm về cuộc xâm lược, tuyên bố của Lật Chiến Thư ít nhất cũng đã xóa đi những nhập nhằng về cái gọi là “trung lập” mà Bắc Kinh vẫn rêu rao hơn 6 tháng qua. Ông ta đã xác nhận quan điểm thù nghịch với phương Tây, đi ngược lại những tuyên bố chính thức. Đồng thời đào sâu thêm những nghịch lý của ngoại giao Trung Quốc, vốn lặp đi lặp lại “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, “giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình”....
Bắc Kinh chưa bao giờ lên án cuộc xâm lăng của Nga, nhưng lại không ngớt tố cáo việc phương Tây trừng phạt Mạc Tư Khoa, bán vũ khí cho Kyiv; và những tháng gần đây, Trung Quốc tranh thủ mua dầu lửa của Nga giá rẻ, tiếp tay cản trở cấm vận. Đang căng thẳng với Hoa Kỳ về Đài Loan, Trung Quốc chơi lá bài “đoàn kết chiến lược” với Nga.
Hòa Giải Ngay Để Nga Hòa Nhập Quốc Tế, Như Đức Hậu Thế Chiến?
Le Monde đặt vấn đề “Cuộc chiến ở Ukraine, thường được coi là chiến tranh thuộc địa hay đế quốc, là của Putin hay của nước Nga?”. Tờ báo thuật lại một khoảnh khắc khó xử hôm 10/9 tại Kyiv, vào cuối hội nghị cấp cao về Ukraine, Yalta European Strategy. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov trên diễn đàn đang phấn khởi trước chiến thắng ở Kharkiv, thì cựu Ðại sứ Đức Wolfgang Ischinger đề nghị nên nghĩ đến hòa giải. Ischinger nêu ví dụ nước Đức bại trận năm 1945, nhưng vài năm sau đã được đứng vào hàng ngũ những nước ngày nay là đồng minh.
Hội trường im lặng một cách lịch sự, rồi cựu Tổng thống Estonia, Kersti Kaljulaid đứng dậy, nhã nhặn nhưng cương quyết, chỉnh lại: Việc đó diễn ra sau khi Đức đã nhận mọi sai lầm, còn Liên Xô thì chưa bao giờ, cho nên thế giới mới lâm vào tình trạng hiện nay. Bà hy vọng Nga sẽ đi theo con đường này. Những tràng pháo tay nở rộ hoan nghênh!
Chỉ trong vài câu ngắn, bà Kaljulaid, 52 tuổi, đã cho thấy tâm trạng của giới tinh hoa Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic: Một chiến thắng chưa đủ, kẻ xâm lăng còn phải trả giá cho tội ác. Tòa án quốc tế sẽ phải làm việc, vì luật quốc tế đã bị vi phạm trắng trợn.
Nước Nga hay Putin Phải Chịu Trách Nhiệm Về Cuộc Xâm Lăng?
Nhưng vấn đề được đặt ra tại những quốc gia nạn nhân của Liên Xô hay người kế thừa là Nga, thậm chí cả hai như trường hợp Ukraine: ai là bị cáo? Phải chăng đó là Vladimir Putin, đã lãnh đạo từ 22 năm qua bằng bàn tay sắt? Hay ê-kíp của ông ta, hoặc chế độ, nước Nga, hay là dân Nga vốn ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lăng - theo các thăm dò? Vấn đề hết sức phức tạp là trách nhiệm tập thể được nêu ra, và trước đó là tranh cãi về visa cho công dân Nga.
Nhiều người cho rằng “Tất cả những người Nga đều phải trả giá chứ không chỉ những người cầm đầu”. Một số có bàn tay vấy máu, số khác ủng hộ bằng sự im lặng. Nga chọn lựa đóng băng tình hình sau thời kỳ Eltsine (1990-1999), không hề tỏ ra ân hận về những tội lỗi trong quá khứ. Ngược với Đức, Nga chưa hề nói “sẽ không bao giờ như thế nữa”, mà còn có tâm lý muốn trả thù. Và như vậy các láng giềng không thể cảm thấy an toàn. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói với Ukraine “Chiến thắng thực sự của các bạn sẽ phải là sự thay đổi chế độ ở Mạc Tư Khoa”.
Theo Le Monde, song song đó còn là sự thay đổi của xã hội. Nhà Sử học Pháp Nicolas Werth nhận định những luận điệu của Putin “đáp ứng sự chờ đợi của một xã hội mất phương hướng sau khi hệ thống xô-viết sụp đổ”. Tương tự, nhà Sử học Ba Lan Marek Cichocki không cho rằng Putin đã tạo ra nước Nga hiện nay, mà nước Nga đã tạo ra Putin. Trong ý nghĩa đó, người Nga có phần trách nhiệm. Nhưng triết gia Hannah Arendt đã viết “Nếu tất cả mọi người đều có lỗi thì chẳng ai có lỗi cả”. Cuộc tranh luận đã mở ra, rất xa so với ý tưởng “tránh sỉ nhục” nước Nga.
Tin Nóng Giờ Chót:
Zelensky gặp tai nạn xe, Putin bị ám sát hụt?
Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn được Ukraine chia sẻ trên tài khoản Twitter. (Ảnh:Twitter)
Cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn đang rất nóng, mới đây thông tin về việc nhà lãnh đạo của 2 nước này gặp ‘tai nạn’ bất ngờ khiến nhiều người chú ý.
Zelensky gặp tai nạn xe
Theo Reuters, ngày 14/9, Người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ukraine thông báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp tai nạn giao thông tại Kyiv. Người phát ngôn cũng cho biết vết thương của Zelensky không nghiêm trọng và cơ quan thực thi pháp luật sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc.
Cũng có thông tin cho rằng một chiếc ô tô đã va chạm với đoàn xe chở tổng thống. Zelensky đã được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe sau vụ tai nạn và không bị thương nặng. Các nhân viên y tế đi cùng Zelensky cũng đã hỗ trợ y tế cho tài xế của Zelensky và chuyển ông lên xe cấp cứu.
Putin bị ám sát hụt?
Cũng trong ngày 14/9/2022, Tờ The Sun dẫn nguồn tin trong điện Kremlin cho biết chiếc xe limousine của TT Putin mới đây đã bị tấn công trong một vụ ám sát, khiến bánh trước bên trái bị nổ lớn và bốc khói đen.
Chiếc xe sau đó đã được di chuyển đến nơi an toàn, TT Putin không hề hấn gì. Tuy nhiên, đã có nhiều vụ bắt giữ sau vụ việc.
Theo kênh Telegram General SVR, một số vệ sĩ của Putin đã biến mất, trong khi thông tin bí mật về các hoạt động của nhà lãnh đạo Nga bị xâm phạm.
Vẫn theo nguồn tin, sau sự cố, ông Putin đã trở về dinh thự trên một đoàn xe dự phòng khác gồm 5 phương tiện được bọc thép. Putin ngồi trên chiếc thứ 3.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm xảy ra vụ ám sát và chưa thể xác minh tuyên bố trên.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh các quan chức Nga đang kêu gọi Putin từ chức, sau khi Moscow hứng chịu những thất bại nặng nề trong cuộc phản công của Ukraine ở Kherson và Kharkiv.
Quân đội Ukraine đã chiếm lại một vùng lãnh thổ rộng lớn khoảng 8.000km2, buộc các lực lượng Nga phải vội vàng rút lui khỏi các thành phố trọng điểm như Izyum và Melitopol, tạo thành đòn giáng mạnh mẽ lên Điện Kremlin.
Putin bất ngờ thừa nhận sự rạn nứt với Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraine
Reuters/ 16/09/2022
Họp thượng đỉnh Trung Quốc-Nga tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/9/2022.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/9 nói ông hiểu rằng ông Tập Cận Bình của Trung Quốc có thắc mắc và quan ngại về tình hình ở Ukraine, bất ngờ thừa nhận sự rạn nứt với Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraine sau một tuần tổn thất nghiêm trọng của Nga trên thực địa.
Kể từ khi Nga xâm lược, Trung Quốc đã có một đường lối thận trọng, chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga nhưng không ủng hộ hoặc hỗ trợ trong chiến dịch quân sự này.
“Chúng tôi đánh giá cao vị thế cân bằng của những người bạn Trung Quốc khi nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine”, ông Putin nói với ông Tập tại cuộc gặp đầu tiên của họ kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
“Chúng tôi hiểu các thắc mắc và quan tâm của các bạn về chuyện này. Trong cuộc họp hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ giải thích quan điểm của mình.”
Ông Tập đã không đề cập đến Ukraine trong các bài phát biểu trước công chúng của mình. Trong phần tường thuật của phía Trung Quốc về cuộc họp cũng không nhắc tới Ukraine. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra ở Uzbekistan bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực.
Sự hỗ trợ của Bắc Kinh được nhiều người coi là cần thiết đối với Moscow, quốc gia cần thị trường xuất khẩu năng lượng và các nguồn nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lần cuối cùng hai người gặp nhau, họ đã ký một thỏa thuận hữu nghị “không có giới hạn” giữa hai nước. Ba tuần sau, Nga xâm lược Ukraine.
Bình luận của Tổng thống Nga cho thấy một sự chuyển đổi của Trung Quốc theo một lập trường chỉ trích hơn, ít nhất là trong vòng riêng tư. Ông Ian Bremmer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia, cho biết đây là “dấu hiệu công khai đầu tiên cho thấy Putin nhận ra áp lực để rút lui.”
“Nga đã trở thành một nước bị khinh rẻ của G7 vì sự xâm lược của họ. Trung Quốc không muốn dính líu vào điều đó”, ông viết trên Twitter, đề cập đến Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby nói rằng Trung Quốc nên phản đối cuộc xâm lược của Nga: “Cả thế giới nên chống lại những gì ông Putin đang làm”, ông Kirby nói với CNN.
‘Sát cánh’
Tại Kyiv, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và nói rằng quá trình gia nhập Liên hiệp châu Âu của Ukraine đang diễn ra tốt đẹp.
“Thật ấn tượng khi thấy tốc độ, sự quyết tâm và sự chuẩn xác mà quý vị đang tiến tới”, bà nói.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ sánh được với sự hy sinh mà người Ukraine đang cống hiến khi họ mất nhà cửa hoặc rơi nước mắt cho những người thân yêu của họ ... Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể đền bù những gì các bạn đã làm với cuộc chiến vì dân chủ, vì nhân loại, vì tôn trọng nguyên tắc luật pháp quốc tế. Nhưng ... bạn có những người bạn châu Âu ở bên cạnh mình, chừng nào còn cần đến,” bà nói.
Lực lượng Ukraine trong thành phố vừa được chiếm lại Kupyansk, trong vùng Kharkiv [Press Service of the State Security Service of Ukraine/Handout via Reuters]
Sau một tuần đạt được thắng lợi nhanh chóng nhất của Ukraine, các quan chức Ukraine cho biết các lực lượng Nga hiện đang củng cố hệ thống phòng thủ và sẽ rất khó để quân đội của Kyiv duy trì tốc độ tiến công của họ.
Tổng thống Putin vẫn chưa công khai bình luận về thất bại mà các lực lượng của ông gánh chịu sau khi quân đội Ukraine thực hiện một cuộc tấn công cơ giới nhanh chóng qua chiến tuyến vào tuần trước. Quân đội Nga đã vội vàng bỏ lại hàng chục xe tăng và xe bọc thép.
Kyiv cho biết họ đã chiếm lại hơn 8.000 km vuông gần tương đương với kích thước của đảo Cyprus. Tốc độ của cuộc tiến công đã nâng cao tinh thần của người Ukraine, làm hài lòng những người ủng hộ phương Tây, những người đã cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và đào tạo, đồng thời nuôi hy vọng đạt được những thắng lợi đáng kể hơn nữa trước khi mùa đông bắt đầu.
Ông Serhiy Gaidai, thống đốc vùng Luhansk, miền đông Ukraine, cho biết đây vẫn sẽ là một cuộc chiến khó khăn để giành quyền kiểm soát khu vực này từ tay Nga, quốc gia thừa nhận đây là một nước độc lập do phe ly khai kiểm soát.
Ông Oleksiy Danilov, thư ký hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, cho biết trong một bài đăng trực tuyến: “Chúng ta nên tránh phấn khích quá mức. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải phóng vùng đất của chúng ta, và Nga có một số lượng lớn vũ khí.”
Các cuộc tấn công phi đạn hàng ngày của Nga vào Ukraine cũng không hề giảm bớt, một ngày sau khi nước này bắn phi đạn hành trình vào một đập chứa nước gần Kryvyi Rih, quê hương của Tổng thống Zelenskyy.
Nhà chức trách thành phố Kharkiv nói đạn pháo của Nga đã bắn trúng một đường ống dẫn khí áp suất cao, trong khi chiến dịch cứu hộ đang được tiến hành ở thành phố Bakhmut với 4 người bị nghi mắc kẹt dưới đống đổ nát sau một cuộc tấn công, ông Pavlo Kyrylenko, thống đốc khu vực Donetsk, cho hay.
Các lực lượng Nga đã mở các cuộc tấn công vào một số khu định cư trên chiến tuyến Kharkiv trong 24 giờ qua, Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết hôm 15/9.
Bên trong thành phố Izyum được tái chiếm
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh nói trong một tin cập nhật rằng các lực lượng của Ukraine đang tiếp tục củng cố quyền kiểm soát của họ đối với vùng đất mới được giải phóng trong khu vực.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 15/9 cho hay áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 22 cá nhân và 2 thực thể đã tạo điều kiện cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó đã cảnh báo Washington nên thận trọng khi nói rằng bất kỳ quyết định nào cung cấp phi đạn tầm xa hơn, các hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất, cho Kyiv sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và khiến Mỹ trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột.
NATO: Các lệnh trừng phạt làm suy yếu khả năng chế tạo vũ khí tiên tiến của Nga
Reuters/ 16/09/2022
Nhiều xe tăng Nga bị tiêu diệt trong cuộc xâm lược vào Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang bắt đầu gây tổn hại đến khả năng chế tạo vũ khí tiên tiến của Nga phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine, một cố vấn quân sự hàng đầu của NATO nói với Reuters hôm thứ Sáu 16/9, mặc dù ông nói thêm rằng ngành công nghiệp Nga vẫn có thể sản xuất "rất nhiều đạn dược".
Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các quốc gia khác đã công bố một số gói trừng phạt đánh vào Moscow sau khi cuộc xâm lược Ukraine nổ ra hôm 24/2, bao gồm cả lệnh cấm bán công nghệ tiên tiến.
Rob Bauer, một đô đốc của Hà Lan, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, nói: “Họ ngày càng bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt - bởi vì một số cụm linh kiện mà họ cần cho hệ thống vũ khí của họ lại là đồ của công nghiệp phương Tây”.
Vẫn ông Bauer nói thêm: “Giờ đây, chúng tôi nhận thấy những dấu hiệu nghiêm trọng đầu tiên về khả năng sản xuất của họ, chẳng hạn như việc thay thế tên lửa hành trình và các loại vũ khí tiên tiến hơn”.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, hôm 13/9 cho biết việc Nga bị mất đi các công nghệ do các lệnh trừng phạt của EU đã gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng của Moscow về duy trì sản xuất vũ khí.
Mặc dù vậy, ông Bauer cho hay: “Theo những gì chúng tôi biết, phía Nga vẫn có một nền tảng công nghiệp đáng kể và có thể sản xuất rất nhiều đạn dược. Và họ vẫn còn rất nhiều đạn dược ”. Ông đưa ra phát biểu này trước cuộc họp kéo dài hai ngày của các quan chức quốc phòng NATO, khai mạc ở Estonia vào chiều 16/9.
Ông Bauer cho rằng khoảng 85% quân đội Nga đã tham chiến ở Ukraine, điều này hạn chế khả năng của Nga về tăng thêm sự hiện diện quân sự, vì nước này không thể tuyên bố tổng động viên mà không tuyên bố chiến tranh.
Ông Bauer nói: “Chúng tôi thấy số lượng tân binh được chuyển đến chỉ có hạn. Và một điều mà chúng tôi chắc chắn, đó là trình độ huấn luyện của những người lính đó không cao lắm”.
Trong tháng này, Ukraine đã khiến Nga choáng váng với một cuộc phản công ở khu vực Kharkiv ở đông bắc, và các quan chức Ukraine cho biết nước này đã giành lại 9.000 km vuông.
Ông Bauer nhận xét rằng cuộc tiến công thành công phần lớn là do hoạt động huấn luyện quân đội Ukraine theo tiêu chuẩn NATO kể từ năm 2014 đã cho phép các đơn vị của họ chủ động.
Ông nói: “Một trong những lý do tại sao họ rất thành công vào lúc này là vì phía Nga đang chiến đấu theo kiểu rất cũ. Mọi đơn vị của Nga đều nhận chỉ đạo từ cấp trên, do đó, nếu tình hình thay đổi, họ vẫn phải chờ lệnh mới. Phía Ukraine tiến nhanh đến nỗi phía Nga không nhận được (lệnh mới) và cứ liên tục phải rút lui”.
tin tong hop (hai).docx
tin tong hop (ba).docx
tin tong hop (mot).docx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét