Nga lộ mặt dùng khí đốt làm công cụ chính trịẢnh minh họa. REUTERS - DADO RUVIC - Thụy My Lần đầu tiên Matxcơva hầu như nhìn nhận việc dùng khí đốt làm vũ khí chính trị, sau nhiều lần viện đủ mọi lý do kỹ thuật để ngưng cung cấp cho châu Âu. Số khí này bị đốt bỏ - một thảm họa môi trường và kinh tế, trong khi cuộc xâm lăng Ukraina khiến Nga khó hồi phục trước năm 2030.
Lần đầu tiên ba binh chủng Trung Quốc tập trận với Nga
Le Figaro chú ý đến việc « Putin muốn củng cố sức mạnh quân sự tại Châu Á-Thái Bình Dương », trong khi « Bắc Kinh hỗ trợ đồng minh Nga đối phó với Hoa Kỳ ». « Đối tác không giới hạn » giữa đôi bên trải rộng xa khỏi biển Okhotsk : quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok ở vùng Viễn Đông Nga, nhằm gây áp lực lên Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á. Vostok 2022 có sự tham gia của 50.000 binh sĩ thuộc 14 nước chủ yếu ở Trung Á và Đông Á. Riêng với Trung Quốc, lần đầu tiên cả ba binh chủng lục quân, không quân và hải quân cùng có mặt với 2.000 lính và 300 xe quân sự, khoảng 20 phi cơ và trực thăng. Một đội tàu trong đó có khu trục hạm thế hệ mới nhất Nam Xương (Nanchang) type 055 vượt qua eo biển Tsushima.
Cuộc tập trận này khẳng định Bắc Kinh vẫn ngầm ủng hộ Matxcơva trong cuộc đối đầu với phương Tây, và ngược lại Kremlin cũng lên tiếng hòa giọng với Trung Quốc khi bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Nhà nghiên cứu Trương Hân (Zhang Xin) ở Thượng Hải nhận định : « Hợp tác quân sự Nga-Trung rất chặt chẽ trong hơn một chục năm qua, và sự kiện cả ba binh chủng tham gia Vostok 2022 cho thấy đôi bên ngày càng tin nhau hơn. Trung Quốc ít có dịp phối hợp liên quân, nên sẽ thu được nhiều kinh nghiệm ». Tuy vậy Bắc Kinh thận trọng nhấn mạnh việc tập trận với Nga « không liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina », nhằm giữ một sự trung lập bề ngoài.
Gấu Nga chỉ để dọa Nhật và tiếp xăng dầu
Con rồng Trung Quốc có lợi khi sát cánh với gấu Nga tại Thái Bình Dương, cho dù không hề ảo tưởng về năng lực của Matxcơva - đã yếu đi rất nhiều khi xâm lược Ukraina. Hơn hai phần ba số quân Nga ở Viễn Đông đã bị gởi đi tham gia « chiến dịch đặc biệt ». Nhưng phối hợp với Nga có thể dọa được Nhật Bản trong viễn cảnh xung đột với Đài Loan : các phi cơ Nga từ tây bắc sẽ gây được áp lực với người Nhật. Tokyo vốn căng thẳng với Bắc Kinh lẫn Matxcơva do tranh chấp quần đảo Kurils, lo ngại trước quan hệ hợp tác Nga-Trung.
Tuy vậy Trung Quốc vẫn chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình để so găng với Hoa Kỳ. Đinh Nhất Phàm (Ding Yifan), giám đốc một cơ quan tư vấn chính phủ ở Bắc Kinh khẳng định « Chúng tôi không cần Nga để giải quyết vấn đề Đài Loan, Giải phóng quân Trung Quốc hiện đại hơn quân đội Nga nhiều ». Điều này cho thấy quan hệ đối tác mất cân bằng, trọng lượng luôn nghiêng về Trung Quốc. Nga chỉ có ích lợi về năng lượng : trong trường hợp chiến tranh, xăng dầu không còn đến được bằng đường biển thì Matxcơva có thể tiếp tế qua đường bộ.
Về phía Nga, Ivan Chilov, phó chỉ huy trưởng chiến hạm chống tàu ngầm Marréchal Chapochnikov nói rằng nếu trong các cuộc tập trận NATO hải quân Anh, Pháp, Tây Ban Nha phối hợp chặt chẽ, thì Nga với Trung Quốc trong tương lai cũng vậy. Nhưng Pavel Felgenhauer, chuyên gia Nga về quốc phòng nhắc nhở, Bắc Kinh có thể là đối tác chiến lược với Nga, nhưng việc liên minh thì không bao giờ. Đôi bên vẫn nghi ngờ lẫn nhau, và Bắc Kinh từng cảnh báo Matxcơva về việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở Ukraina.
Tiếp tục phản công, Ukraina tái chiếm một số làng miền nam
Về tình hình Ukraina, Le Monde cho biết quân đội nước này đã bẻ gãy được tuyến phòng vệ của quân Nga và chiếm được nhiều địa điểm ở miền nam. Một sĩ quan tác chiến Ukraina giấu tên kể lại, quân Nga đã huy động rất nhiều phương tiện, tốn nhiều công sức để củng cố công sự tại vùng đất mà họ định tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga. Trong mỗi làng, lực lượng Ukraina đều phải đối mặt với xe tăng, pháo binh, những cánh đồng gài đầy mìn nên tiến khá chậm. Tuy nhiên họ cảm thấy tâm trạng sợ hãi bao phủ lên lính Nga. Ở tuyến đầu, nơi lính tráng bị coi là bia thịt, họ thường bỏ chạy mà không chiến đấu. Và theo tình báo quân đội Ukraina, các sĩ quan Nga ở sở chỉ huy bất ngờ khi bị đánh vào sâu như vậy.
Dân Kherson di tản dưới mưa bom
Đặc phái viên Le Monde ở Zaporijia thuật lại « Cuộc chạy trốn dưới mưa bom của cư dân Kherson ». Những đoàn xe hơi, xe minibus liên tục chạy vào Epicentr, ngoại ô Zaporijia. Đó là điểm đến duy nhất của người dân ở những vùng bị Nga chiếm đóng : 1.500 người/ngày, và từ đầu cuộc chiến đến nay đã là 240.000 người. Rất nhiều người tình nguyện, cảnh sát, quân nhân giúp làm thủ tục và hướng dẫn họ. Hầu hết bảng số xe mang chữ BT của Kherson : những ngày gần đây những người di tản kiệt lực nhưng mừng rỡ khi đến nơi đều từ Kherson - đang chịu đựng những trận oanh kích của lực lượng Ukraina nhằm tái chiếm.
Oleksandr, công nhân xây dựng 38 tuổi mệt mỏi thuật lại chuyến đi đầy gian nan giữa những trận bom và trạm kiểm soát, nỗi sợ, chờ đợi dưới nắng nóng trong dòng xe kéo dài vô tận. Phó thị trưởng Kherson cũng đang tị nạn tại Zaporijia, đã cho mở một trại tạm cư. Olena, một trong những người đang tạm ngụ kể lại, cô đăng ký vào một nhóm trên Telegram để được các tình nguyện viên giúp ra đi miễn phí nhưng không mấy hy vọng, vì nhiều người phải trả tiền để được ra khỏi Kherson. Tình hình đang xấu đi, trước cuộc phản công chỉ có khoảng 6 báo động oanh kích một ngày, nhưng nay thì thường xuyên.
Một hôm Olena nhận được một cuộc gọi giấu số, một giọng nói ngắn gọn « Cô đã sẵn sàng chưa ? ». Tuy trong lòng không hề muốn ra đi nhưng cô biết khó có cơ hội khác, nên trả lời vâng. « Cô sẽ ra đi ngày mai ». Bảy giờ sáng hôm sau, một người tình nguyện đưa Olena và năm đứa con ra khỏi khu phố đầy xe tăng, ngôi chợ cháy đen và nhiều căn nhà đã bị phá hủy. Giờ đây tuy phải chen chúc trong chiếc giường tầng ở khu tạm cư, mẹ con cô đều có nụ cười rạng rỡ.
Matxcơva lộ mặt dùng khí đốt làm vũ khí chính trị
Liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bài « Khí đốt, vũ khí chính trị của Matxcơva », Le Monde nhận thấy lần này mọi chuyện đã quá rõ. Khi loan báo ngưng cung cấp khí đốt cho Liên Hiệp Châu Âu (EU) qua đường ống Nord Stream 1, lần đầu tiên Matxcơva hầu như nhìn nhận việc gây sức ép, sau nhiều lần viện đủ mọi lý do kỹ thuật để làm chậm lại hoặc cắt nguồn khí. Điện Kremlin hôm thứ Hai 05/09 nói rằng sẽ không cung ứng lại đầy đủ nếu « tập thể phương Tây » không dỡ bỏ trừng phạt.
Ban đầu chỉ tạm ngưng hôm 31/08 để duy tu theo lịch trong ba ngày, nhưng đến 03/09 Gazprom loan báo không cung cấp tiếp vì phải tháo dỡ một động cơ của tua-bin khí. Lập tức chính nhà sản xuất tua-bin Siemens Energy lên tiếng, khẳng định đây không phải là lý do kỹ thuật để cho ngưng hệ thống. Chuyên gia Mikhail Kroutikhine cho biết, việc bảo trì các tua-bin không bị ảnh hưởng bởi cấm vận. Có 8 tua-bin để vận hành thì Gazprom nói rằng 3 chiếc không hoạt động, 1 bị kẹt ở Đức vì Nga tìm cách ngăn trở, 4 chiếc còn lại đều nằm ở Nga.
Loan báo của Matxcơva khiến giá khí đốt tăng vọt lên 242 euro/MWh, trong khi cách đó một năm chỉ là 28 euro/MWh; chứng khoán châu Âu xuống giá. Theo ông Kroutikhine, mục tiêu của Nga rất rõ : chứng tỏ Gazprom sẵn sàng để cho dân châu Âu rét run trong mùa đông năm nay, trừ phi EU hủy bỏ hoặc ít nhất là giảm nhẹ trừng phạt và ngưng hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Đốt bỏ khí đốt trong lúc kinh tế xuống dốc
Báo chí Nga từ nhiều ngày qua tỏ ra đắc chí. Komsomolskaia Pravda viết « Một cuộc khủng hoảng kinh tế khổng lồ cùng với những đảo lộn xã hội sẽ diễn ra ». Phó thủ tướng Nga Alexandre Novak tuyên bố « Chúng ta đang thấy sự sụp đổ các thị trường năng lượng châu Âu (...) Nhưng chưa phải là hết, vì vẫn còn đang trong mùa hè nóng nực, mùa đông chưa đến... ». Tuy nhiên Kremlin tránh không nói khí đốt không bán cho châu Âu được sử dụng vào việc gì : chỉ có thể đốt bỏ số lượng khí khổng lồ này, một thảm họa môi trường và kinh tế ! Matxcơva không có khả năng dự trữ và không thể hướng các đường ống dẫn khí sang châu Âu qua nơi khác.
Điều nghịch lý là Nga tỏ thái độ vô cùng cứng rắn đối với EU vào lúc các nhà lãnh đạo ở Matxcơva nhận ra tầm cỡ cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước mình. Một bản báo cáo mật trong nội bộ hôm thứ Hai bị rơi vào tay hãng tin Bloomberg, trong đó dự báo kinh tế Nga xuống dốc nhanh chóng. Hai trong số ba kịch bản nhận định chỉ có thể trở lại với mức độ trước chiến tranh vào khoảng năm 2030.
Đám tang sơ sài, phân ưu chiếu lệ cho cha đẻ glasnost
Cũng về nước Nga, sự nghiệp của nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô vừa quá cố Mikhail Gorbatchev và mối quan hệ với Putin cũng như phương Tây tiếp tục được nhiều tờ báo đề cập đến. Nhà cựu ngoại giao Pháp Hubert Védrine trên Le Figaro tiếc nuối« Từ Gorbatchev tới Putin, những cơ hội mất đi của chúng ta ». Gorbatchev lên nắm quyền năm 1985, khi lãnh đạo toàn những ông già bệnh tật. Ông muốn thay đổi sâu sắc để cứu vãn Liên Xô, chứ không phải để làm biến mất.
Gorbatchev can đảm tung ra perestroika (cải tổ), nhưng làm thế nào xây dựng được trên đống tro hoang tàn? Tiếp theo là glasnost (minh bạch), nhưng tự do ngôn luận lại làm hại cho ông. Védrine cho rằng Gorbatchev có cơ hội thành công nếu chủ trương glasnost không được đưa ra từ đầu, mà sau khi có được quan hệ đối tác với phương Tây để tiến hành cải tổ và hội nhập với thế giới. Quá tin tưởng vào Liên bang Xô viết đa sắc tộc, ông không lường được việc những lực lượng quốc gia (Nga, Ukraina, Kazakhstan, Kapkaz, Baltic…) trỗi dậy.
Le Monde tố cáo « đám tang đại hạ giá »dành cho Mikhail Gorbatchev, bức điện chia buồn của Vladimir Putin gởi cho gia đình ông mang lời lẽ khô khốc tối đa. Công chúng chỉ có hai tiếng đồng hồ để chào vĩnh biệt nhân vật đã làm thay đổi số phận của hàng trăm triệu người trên thế giới. Do quá đông người đến viếng, phải kéo dài thành bốn tiếng mà vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đợi trên đường phố để rồi thất vọng. Nhà chính trị học Andrei Gratchev viết trên Libération, Mikhail Gorbatchev không có được quốc tang lẫn sự hiện diện của các nguyên thủ, trừ thủ tướng Hungary. Thi hài Gorbatchev cũng được đặt trong Nhà Nghiệp đoàn như Lênin, Stalin, Brejnev, nhưng điểm khác biệt là các nhà lãnh đạo này chỉ thôi cầm quyền khi đã chết.
Biển máu tránh được thời Gorbatchev, nay đang diễn ra
Gratchev tự hỏi, Vladimir Putin nghĩ gì khi đứng trước di hài của người tiền nhiệm. Nếu không có perestroika, Putin vẫn sẽ tiếp tục là một sĩ quan KGB bình thường còn Gorbatchev vẫn là ông chủ điện Kremlin, làm tổng bí thư suốt đời. Mikhail Gorbatchev mất đi quyền lực nhưng để lại phía sau một đất nước được giải thoát khỏi một chế độ độc tài thuộc loại hung bạo nhất, một châu Âu đoàn kết và một thế giới tránh xa được chiến tranh nguyên tử. Ngược lại, Vladimir Putin muốn tái lập chế độ toàn trị, độc đảng kiểu mới, coi sức mạnh quân sự là cột trụ cho chính sách đối ngoại.
Trong khi Gorbatchev rút quân Liên Xô khỏi Đông Âu và Afghanistan, giúp bức tường Berlin sụp đổ dẫn đến thống nhất nước Đức, thì Putin không ngần ngại gởi quân ra nước ngoài, đưa chiến tranh quay lại với châu Âu và tranh chấp những đường biên giới đã có. « Chiến dịch quân sự đặc biệt » của ông ta ở Ukraina có nguy cơ biến thành một phiên bản mới của lò lửa Afghanistan đối với người xô-viết, đã đẩy nhanh hồi kết của Liên Xô. Ngay cả nếu Vladimir Putin vượt qua được kỷ lục cầm quyền lâu năm của Brejvev, xích gần lại thần tượng Stalin của ông, vẫn không thể mơ đến một chỗ trong đền Panthéon của lịch sử nước Nga và thế giới.
Đối với nhà văn Luba Jurgenson sinh ở Nga và định cư tại Pháp, năm 1975 khi rời Liên Xô, bà vẫn nghĩ rằng chế độ chỉ có thể sụp đổ trong biển máu. Tuy nhiên Liên Xô đã tự giải thể một cách êm thắm, ngỡ như trong mơ. Nền độc lập được trao cho các nước cộng hòa xô-viết như Ukraina, các nước Baltic, hầu như là siêu thực. Nhưng biển máu từng tránh được nay đã diễn ra, không phải do Liên Xô mà là nước Nga của Putin ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét