Nhìn những đóa hoa loa kèn vốn tháng 4 mới có lại nở giữa mùa thu, hàng xóm tò mò hỏi chị Dung làm sao mua được, vì không nghĩ nó làm từ đất sét
Tốt nghiệp đại học Xây dựng Hà Nội, nhưng thấy mình không phù hợp với nghề, chị Trương Ngọc Dung, 36 tuổi, về làm việc cho công ty gia đình ở TP Thanh Hóa. Sáu năm trước, tình cờ xem truyền hình về hoa đất sét của Nhật Bản, chị mê mẩn vì chất liệu này có thể lột tả được hết vẻ đẹp tự nhiên của đóa hoa nên đã tham gia một khóa học để thỏa mãn niềm yêu thích.
Học xong, sản phẩm làm ra không đẹp như kỳ vọng nên nữ kiến trúc sư quyết định tự mày mò. Để nắm được cấu trúc của từng bộ phận trên bông hoa, chị Dung lên mạng tìm kiếm, may mắn thì tìm được hình ảnh phân tích chi tiết của bông hoa, còn không, chị phải đặt mua hoa, "tháo tung" để xem xét từng bộ phận, đo kích thước, xem xét màu sắc, trình bày trên bản vẽ trước khi thực hiện. Trong ảnh là bản vẽ và những cánh hoa mẫu đơn được tạo hình từ đất sét trước ghép thành bông hoàn chỉnh.
Nguyên liệu làm hoa đất gồm ba thành phần chủ yếu là: đất sét; xương (kẽm; inox); màu sơn dầu. Mỗi loại hoa có những bộ phận phải đầu tư công sức khác nhau. Là một kiến trúc sư, chị đã được rèn tính kiên trì, độ nhạy cảm về màu sắc lẫn kết cấu, linh hoạt trong xử lý từng loại hoa...
Sau ba năm nghiên cứu, mày mò và khi đã có nhiều kinh nghiệm, chị Dung thay đổi toàn bộ công thức làm hoa, từ đất, màu, đến phương pháp ghép.
Thay vì sử dụng đất của Thái, chị nhập đất sét Nhật Bản để làm bông hoa. Một số loại hoa đòi hỏi cao về độ trắng hoặc độ trong suốt thì nhập trực tiếp từ Nga. Thân, cành hoa trước đây đều được làm từ kẽm Thái Lan, nhưng thời tiết nồm ẩm tại Việt Nam khiến hoa nhanh gỉ sét. Chị phải chuyển sang sử dụng inox - vật liệu cứng hơn nhưng có độ bền cao. Công đoạn cán mỏng, kéo thẳng inox, quấn giấy là công đoạn vất vả, tốn nhiều thời gian nhất.
Mỗi một loại hoa là một công thức khác nhau. Chùm dâu tây được chị Dung hoàn thiện trong 10 ngày. Kỳ công nhất là công đoạn đập inox thật mảnh để tạo thành thân cây.
Có những công đoạn làm hàng nghìn lần mới thành thạo, ví dụ như râu (sợi nhụy) xung quanh đài sen, mỗi một sợi phải mất tới ba công đoạn xử lý, một bông có tầm 300 sợi... Để có được những đóa sen như thế này, từ khâu phân tích chi tiết đến phối màu, lên khuôn, tạo hình và hoàn thiện sản phẩm, chị Dung mất một tháng.
Ưng ý với những sản phẩm làm ra, chị hay đăng ảnh trên trang cá nhân của mình. Nhiều người không tin hoa làm từ đất sét, có người tưởng hoa thật, hỏi mua củ giống ở đâu. "Buồn cười nhất là có người đến tận nơi, nhìn hoa vẫn thắc mắc đâu là thật, đâu là hoa từ đất sét. Hôm qua, bà hàng xóm đến nhà tôi chơi còn hỏi sao giờ là đầu tháng 9 rồi mà vẫn mua được hoa loa kèn", chị Dung kể.
Một số người tìm đến chị Dung để học nghề, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể theo đuổi đến cùng, vì công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn cao. Trong hình là hoa mạn châu sa - những bông hoa mọc thành từng chùm lạ mắt. Tạo hình từ đất sét nhưng nhìn như thật vì thể hiện rõ đặc điểm của hoa: cánh hoa vươn dài, phía trên đài gồm từ 5 - 7 nụ, khi nở xòe ra mọi hướng.
Hoa mãn đình hồng nếu thuận theo tự nhiên chỉ nở vào mùa xuân, nhưng được làm từ đất sét nên có tuổi đời từ 10-20 năm.
Hoa mao lương với đầy đủ cành, nụ, hoa, được đặt trong lọ khiến người thưởng lãm khó phân biệt thật, giả.
"Điều khiến tôi thấy hạnh phúc là tạo ra được một sản phẩm như mình mong đợi, được thưởng thức vẻ đẹp của những bông hoa mỗi ngày và biến hoa vốn thành thứ tưởng như phù phiếm, nở nay, héo mai thành một tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu", chị Dung chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét