Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

MÙI TỤC LỤY - Nguyễn Minh Ngọc

          (h
ình minh hoạ)
Nặng nề day trở mình, Nguyên khẽ rên thành tiếng. Đầu nặng như đeo đá, mắt nẩy hoa cà, hoa cải. Mình mẩy ê ẩm, nàng đưa tay sờ lên gương mặt sưng vếu. Hoang mang... Tự nhiên, nước mắt cứ ứa ra hai bên khóe mắt và rơi xuống tấm nệm bọc da cũ kỹ. Ô hay, mình ở chốn nào đây nhỉ? Xung quanh, sao lại có lắm giường đến thế, ngổn ngang kẻ nằm người ngồi. Những gương mặt âu lo vón lại. Chả ai nói với ai câu nào. Có tiếng thở dài đánh sượt. Thời gian như ngưng trệ. Nàng nom rõ cả những bình truyền với dây treo lủng lẳng đầu giường. “Thì ra mình đương ở phòng cấp cứu...”. Một nhân viên mang blu xám lướt tới, cô này khẽ đụng vào tay Nguyên:
<!>
- À, chị tỉnh rồi!
- Đây là đâu vậy, cô?
Nàng ngơ ngác hỏi.
- Dạ, đây là bệnh viện quận, chị bị đánh té xỉu trên phố, người ta chở chị vô đây cấp cứu.
- Chết, vậy còn xe của tôi…
Nàng thảng thốt, pha chút hốt hoảng. - Dạ, nó cũng được người dân đưa về gởi trong bãi giữ xe của bệnh viện rồi. Chị yên tâm.
- Vậy, cám ơn cô nhiều.
Nàng lóng ngóng móc điện thoại ra gọi cho anh. Giọng méo. Nàng nghe như có tiếng bát đũa rơi đánh xoảng. Hình như anh đang trong một cuộc nhậu nào đó. Anh an ủi:
- Em chờ chút, anh tới liền.
Nàng hình dung ra cảnh anh sấp ngửa chạy bổ xuống hầm để xe…

Tỉnh trí lại, Nguyên lần hồi chắp nối các sự kiện. Kể từ sau ngày nàng và hắn đưa nhau ra tòa xử thuận tình ly hôn, mấy mẹ con bà cháu luôn sống trong cảnh thấp thỏm, bất an. Duyên do cũng bởi tại nàng không “cưa đứt, đục suốt”, cả nể với kẻ đã cạn tình. Dù đã rất hận gã đàn ông gian trá, chỉ biết hưởng lạc, nhưng phút cuối đứng trước tòa, nàng lại nghĩ khác. Hắn đã cuốn gói ra khỏi nhà và đi thuê chỗ khác để tá túc. Nghĩ cũng tội, ngoại lục thập rồi vẫn như loài chó hoang. Ai cũng nghĩ nàng sắt đá, nhưng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài. Hóa ra, bên trong, lắm lúc nàng như cọng bún, hay mủi lòng và “can tội” thương người. Thành ra, trong cơn giận, em gái kế nàng không kìm được, đã nói hỗn: “Bà chị ơi, sao bà ngu vậy?”

Thương nhầm người tất sẽ hại đến thân. Lúc tòa hỏi đến mục phân chia tài sản, chả hiểu sao bỗng dưng nàng lại thấy cám cảnh thay cho hắn. Tài sản đứng tên chung chỉ có mỗi ngôi nhà chứ đâu có nhiều nhặn gì, dù sao thì hai người cũng đã có hàng chục năm “đầu ấp, má kề”, lẽ nào lại không thể thỏa thuận dàn xếp êm thắm được với nhau! Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, nàng vẫn tin vào chút phần người còn sót lại của hắn. Nhưng một lần nữa, nàng lại bé cái nhầm. Hóa ra những kẻ khoác áo trí thức một khi đã xỏ giày họ “lưu” thì không biết đâu là giới hạn cuối cùng! Quả thật, nàng không thể ngờ hắn lại có thể táng tận lương tâm đến thế. Chưa đầy một tháng sau, hắn thuê mấy tên đầu trọc, khoe hình xăm trổ kỳ quái trên tay xông đến ngôi nhà mấy mẹ con nàng đang ở. Thoạt nhìn bản mặt những kẻ “đâm cha, chém chú”, nghe giọng nói, nàng biết đây là đám giang hồ đất Bắc mà hắn đã thuê. Cả bọn hùng hổ chửi bới, đe nẹt đòi phải chia nhà ngay tức khắc. Nàng sập cửa không cho vào nhà, chúng liền dùng cưa máy phá cửa sắt. Hàng phố được một phen náo loạn. Bao người đứng trong nhà ngó sang, chẳng ai muốn dây với hủi. Nguyên hối hả gọi vào máy của công an phường, nghe tiếng gắt gỏng: Có việc gì đấy? Nàng luống cuống trình báo, câu nọ xọ câu kia. Bên kia đầu dây buông thõng một câu: Biết rồi, chờ đấy! Mãi tới khi đám người kia phá xong cửa và bỏ đi, mới thấy bóng một cảnh phục cưỡi xe máy vè vè đến ngó nghiêng một lúc. Anh này yêu cầu Nguyên viết đơn tường trình rồi mang lên nộp cho công an phường. Buổi chiều, trong khi con trai kêu thợ sắt đến hàn lại cửa, nàng lếch thếch lên phường theo hẹn. Người trực ban lật đi lật lại tờ đơn rồi vặn vẹo hỏi nàng trên trời dưới đất. Rằng nhà chị có chắc là đám người này do ông chồng cũ phái đến, hay chị có mắc míu chi với đám giang hồ này? Ối trời, đến nước này thì... Nguyên cười nhạt rồi đứng lên, chả cần bẩm báo nữa. Rõ phí cả hơi!

Dong xe ra khỏi cổng, Nguyên vừa cho xe nổ máy, sắp rồ ga thì ngay bên đường phía trước có tiếng gọi giật giọng. Hơi hoảng, song nàng vẫn cố trấn tĩnh. Nhòm kỹ thì hóa ra người chạy xe ôm vẫn hay chờ khách đầu con hẻm nhà nàng. Anh ta bước tới hỏi:
- Nguyên có việc chi mà cả hai ông bà cùng lên phường vậy?
Suýt nữa thì nàng buột miệng nhưng kịp ghìm lại. Nàng vả lả:
- Anh thấy nhà tôi lên đây lúc nào?
- Cuối giờ buổi sáng nay….
Chó chết! Vậy là hắn đã lo “dọn bãi” và “lót ổ” trước rồi. Hết phim.
Không đầy nửa tháng sau, một bữa thằng Quân con trai nàng có việc sang quận 8. Khi nó đang chạy xe trên cầu chữ Y thì bất ngờ bị hai gã thanh niên chặn đường. Một đứa nhảy xuống rút bình hơi cay xịt vào mặt Quân, còn đứa kia xáp vô đấm tới tấp. May mà thằng bé từng theo học võ nên biết cách đỡ và tránh đòn, nhưng nó cũng đành bỏ dở công chuyện với một bên con mắt sưng húp về nhà. Tiếp đó, vợ thằng Quân đi làm cũng bị hai đứa lạ mặt chặn đánh làm vỡ kính mắt, gây chảy máu. Nhìn gương mặt con trai rồi con dâu, hồn vía Nguyên bay hết cả lên sân thượng. Và hai hôm sau, thì đến lượt nàng bị xử. Vừa ra khỏi nhà được một quãng, lúc đang chờ đèn đỏ, nàng bị hai thằng choai con lách lên tông mạnh bánh xe vào gót chân. Mất đà, nàng chới với té khụy xuống đường. Kết quả, cái chân trái bị trẹo, mất gần tháng trời điều trị, nàng mới đi lại được...

Chừng 15 phút sau, anh xuất hiện ngay đầu giường của Nguyên. Nhìn gương mặt hum húp biến dạng của nàng, anh không giấu được niềm xót thương và lòng căm uất. Biết là Nguyên chưa có miếng gì vô bụng, anh vội buông tay nàng. Tong tả băng qua đường, anh sục vô căn-tin của một bệnh viện lớn, hỏi mua tô cháo thịt băm đương hôi hổi nóng. Mang về, anh đỡ nàng nửa nằm nửa ngồi trên gối rồi đỡ tô cháo vừa thổi vừa động viên nàng ráng ăn vài miếng để uống thuốc. Ngắc ngứ mãi rồi nàng cũng nhắm mắt nhắm mũi nuốt gần hết tô cháo. Chờ Nguyên uống xong mấy viên trụ sinh, anh đỡ nàng nằm xuống nệm và kéo sửa lại vạt áo bị xô lệch để lộ ra một mảng bụng trắng ngần. Anh lấy điện thoại di động ra “chớp” gương mặt nàng ở nhiều góc độ. “Phải có hình ảnh để làm bằng chứng, nếu không bọn nó sẽ cãi phéng mất, cho dù có bệnh án”. Nàng gật. Anh đỡ cho Nguyên xoay nghiêng, rồi cúi người đưa tay xoa nhẹ lên lưng nàng. Nguyên nói vừa đủ nghe.
- Vừa mới khỏi cái chân, nhằm đúng ngày rằm, gần trưa em tính đến chùa V. ăn mày cửa Phật. Lúc ra khỏi nhà, dường như có linh tính mách bảo điều gì đó, em đã nhòm trước, ngó sau cẩn thận. Nhưng khi chạy xe ra đến phố chính thì đành chào thua, vì dòng người và xe đông nghẹt. Tới lúc chỉ còn cách cổng chùa chừng vài trăm thước, thì bất ngờ một chiếc xe máy phân khối lớn chở hai gã đàn ông vọt lên ép em vào lề. Thằng ngồi sau nhảy xuống lừ lừ như con gấu tiến đến giật phăng mũ bảo hiểm của em. Hắn rút thanh kim loại nện vào đầu, vào trán em. Còn chưa kịp định thần, em đã bị hắn đưa tay giật luôn cặp kính mát và đấm một cú như trời giáng vào mặt. Em hét lên rồi té xuống bên đường, không hay biết gì nữa. Hai thằng kia biến mất giữa dòng người náo loạn….

Nghe lời kể phập phều bay ra từ cặp môi sưng mọng, anh nhìn trân trối. Lòng anh nhói đau. Quân dã man! Không biết nói gì hơn, bàn tay anh xoa xoa lên đôi tay nàng. Bên ngoài, nắng vẫn gắt mấu. Bây giờ ngoài Bắc đã vào giữa đông, vậy mà Sài Gòn vẫn nóng như trong lò than hầm vậy. Liếc nhìn đồng hồ, sực nhớ đến giờ hẹn, anh khẽ gỡ tay Nguyên. Nàng hiểu.
Ghé tiệm ảnh lấy xấp hình vừa rọi xong, anh đút gọn túi áo rồi trở lại bệnh viện, tìm đến phòng y vụ, hỏi lấy bệnh án cho Nguyên. Gặp lúc bệnh viện đương sửa sang cơi nới, khắp nơi ngổn ngang vật liệu xây dựng, rào chắn. Không có lấy một tấm biển chỉ dẫn nào. Anh cứ phải hỏi loạn cả lên. Vòng lên, lộn xuống, cuối cùng anh cũng đến được nơi cần đến. Trong phòng có hai phụ nữ với một người đàn ông. Trước mặt họ ngồn ngộn từng chồng các cặp giấy. Tại đây, khi rút ví nộp tiền lệ phí, anh bị người đàn bà mặt lạnh tanh vặn vẹo đủ thứ:
- Anh quan hệ thế nào với bệnh nhân? Là chồng hay là người tình? Suýt chút nữa thì anh đấm xuống bàn cái rầm. May mà kịp ghìm lại. Anh hất hàm:
- Nếu tôi là người qua đường thì sao? Tôi không được quyền giúp đỡ nạn nhân à?
- Không, anh đừng hiểu lầm. Là chúng tôi muốn hỏi cho sáng sự lẽ…. - Một người bạn của tôi, vậy được chưa? Các người thật quá quắt!
- Đừng nóng nẩy thế, mời anh đóng tiền rồi ký vô đây, ghi rõ họ tên.
“Mẹ kiếp, cái loại bệnh viện như này, sao không dẹp hết đi cho đỡ chật đất! Chẳng thèm ngó ngàng chi đến bệnh nhân, chỉ nhăm nhăm lo đếm tiền và săm soi y như mật thám vậy”.
Anh lầu bầu một mình.
*******
Cao ráo, da trắng nuột nà, môi hồng, tóc mây, mũi thẳng, mắt đen lay láy. Bạn bè mỗi khi nhận xét về Nguyên, thường hay nhắc đến những cụm từ ấy. Dù kẻ ganh ghét đến mấy cũng phải thừa nhận. Người ta bảo, đàn bà đẹp thường ít thông minh; ngược lại, đàn bà thông minh thì không mấy khi xinh đẹp. Lạ một điều là Nguyên lại hội đủ cả hai, nàng vừa xinh đẹp, quyến rũ, lại vừa thông minh sắc sảo. Mà ông trời xưa nay vốn ăn ở bất cân, thường ít khi cho ai tất cả!
Mặc dầu gia đình đã nhiều đời sinh sống ở Hà Nội, nhưng chả hiểu kê khai thế nào mà Nguyên là người duy nhất trong nhà bị ghi quê quán dưới tỉnh. Bố đẻ của Nguyên là một viên chức mẫn cán làm việc cho chính quyền thuộc Pháp. Bởi cái lý lịch ấy, mà lúc học cấp 1 và cấp 2, nàng không được đeo khăn quàng đỏ, đương nhiên lên cấp 3 nàng cũng chẳng được vô “cánh tay mặt”. Ban đầu, có vẻ như hơi bị tủi hổ. Nhưng về sau, thấy mình được tung tăng bay nhảy nhiều hơn chúng bạn, Nguyên lại thấy… khoái. Dù vậy, nàng chưa bao giờ bị cô lập, chỉ vì các môn học “hóc búa” bao giờ nàng cũng đứng nhất nhì lớp. Học giỏi, không chỉ thầy cô quý chuộng mà bạn bè, kể cả đám “con cháu các cụ” cũng chả đứa nào dám nhờn. Nguyên tự nhận mình chịu ảnh hưởng “nghiêm trọng” từ bà nội.

Bố mẹ Nguyên sinh hạ được bốn người con, hai gái, hai trai. Nguyên là chị cả. Bố nàng rất lấy làm hãnh diện. Khi được hỏi han về đường con cái, ông thường tự hào lấy Kiều: “Đầu lòng hai ả Tố Nga”. Mẹ nàng kể lại, lúc ở cữ Nguyên, mới từ nhà thương chuyển về còn nằm “ổ” đã nghe lọt cuộc chuyện trò của mẹ chồng với hàng phố ngoài cửa.
- Cụ ơi, nghe nói mợ cháu vừa mới nở? Là con giai hay con gái hở cụ?
Bà cụ dùng ngón tay trỏ và ngón cái quệt mép, rồi buông thõng một câu:
- Ôi dào, con người đâm!
Nằm ở buồng trong, mẹ nàng nghe mà nẫu hết cả ruột gan. Nhưng sau bình tĩnh ngẫm lại, thủng ý, mẹ nàng bật cười một mình vì sự dí dỏm của bà cụ. Lớn lên, Nguyên được bà nội rèn cặp từ lời ăn tiếng nói đến tề gia nội trợ. Bà nội bảo: “Con này mặt sáng như gương Tàu, đầu đen như váy lĩnh. Được cái thông minh, đĩnh ngộ, nhưng khốn nạn về đường tình ái”. Lớn chút nữa, nhìn đứa cháu đương mơn mởn như nụ hồng chớm hé, có lần bà nội chép miệng: “Tốn giai!”
Ông nội Nguyên từng làm một chức quan kha khá ở tỉnh Đông. Vườn ruộng nhiều, trong nhà có kẻ ở người ăn, con trẻ có vú nuôi. Nhưng bà nội mới là người quyền biến, cắt đặt mọi việc và sai phái kẻ hầu, người hạ. Bà kể khi ông nội đương tại vị, lễ tết lúc nào nhà cũng đông người lui tới viếng thăm, cậy nhờ. Nhưng khi ông trăm tuổi, dưới quê không một ai thò mặt đến. Chờ sắp đến giỗ đầu của ông nội, bà diện sang trọng, đi hài gấm, chĩnh chện mang theo một bọc tiền và thuê hẳn một xe kéo đi tuốt về dưới tỉnh. Bà cho mời tất cả đám quan viên có phẩm hàm cùng những kẻ có máu mặt quanh vùng nơi ngày trước chồng mình làm quan ra đình làng đãi đằng. Mọi người hoan hỉ tề tựu đông đủ, chờ bà mở lời. Khi cỗ bàn đã bầy biện xong, bà nội cầm cây quạt lông chim phe phẩy một vòng:
- Các ông đều là bọn người biết ngậm lông mèo (bút lông), từng gắn bó với ông nhà tôi bao năm ở đây, phải không ạ?
Im lặng.
- Vậy mà, khi ông ấy chầu giời, không ai có được một nhời hỏi thăm là cơn cớ làm sao? Các ông ăn ở như vậy à?
Nói xong, bà phủi quần rồi thong thả bước lên xe kéo, không thèm ngoái lại. Bõ hờn, đến giỗ đầu của chồng, bà đứng khấn trước bài vị, cẩn cáo hết chuyện với ông. Nhân đó, bà cũng tuyên bố con cháu trong nhà từ rày dứt khoát tuyệt giao luôn với chốn cũ quan trường của ông.

Sau này, khi Nguyên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, biết cháu mình có hàng tá trai phố ngấp nghé đến trồng cây si, bà nội luôn quản chế ráo riết. Đi đâu, làm gì nàng cũng đều phải thưa gửi, bô báo địa chỉ. Bà nội kiểm tra tới nơi tới chốn, chớ có hòng mà lòe cụ. Ấy vậy mà Nguyên vẫn tìm cách “lọt lưới, sổng chuồng” được. Muốn đi xem phim, nàng đem quần áo “mồi” giấu nhẹm trong nhà tắm ở dưới tầng trệt. Sau đó, nàng xếp sách vở gọn gàng, rồi khệ nệ bê một chậu quần áo bẩn xuống giả đò như đi giặt. Cũng hứng nước dội ùm ùm, cũng khua chậu xủng xoảng cốt để bà nội nghe như thật. Nhoáng cái, Nguyên đã len lén tót nhanh ra cửa, con bạn thân có chiếc xe đạp Thống Nhất đứng đợi sẵn đầu ngõ. Hai đứa phốc lên xe phi một mạch đến rạp Tháng Tám. Khi bà nội phát hiện được thì chuyện cũng đã rồi. Khuya, nàng mới lò dò về nhà, bố nàng biết ý canh chờ mở cửa cho con gái rồi đưa tọt về phòng riêng của hai chị em. Sáng hôm sau, cơn thịnh nộ của bà nội hả bớt, cùng lắm là ăn mấy cây phất trần vào mông là xong.

Nguyên nhớ bà hay thẽ thọt, gái Hà Nội mà vụng đường nữ công gia chánh nay mai lấy chồng khéo người ta cuốc mả bố lên, con ơi! Giỗ, tết, bao giờ bà cũng đứng bếp, tự tay nấu nướng các thức, bày mâm cỗ đúng lệ bộ và chỉ vẽ cả bí kíp cho cô cháu yêu. Sau này, nàng chua chát bảo: Hóa ra cụ “luyện” mình thành ô-sin ngay từ thuở nhỏ! Đứng bên cạnh, Nguyên chú ý quan sát và ghi vào bộ nhớ hết từng thao tác khéo léo của bà nội. Liếc thấy đĩa nem rán nóng hôi hổi thơm nưng nức mũi, không kìm hãm nổi sự “sung sướng”, lựa lúc bà vừa quay đi, nàng nhón ngay một cái cho vào miệng. Chao ơi, nó ròn tan và ngon điếng cả người. Nghe tiếng nhai rau ráu, bà nội quay lại cầm chiếc đũa cốc ngay vào đầu nàng:
- A, con này giỏi! Đĩ mối lởm trước Thần Hoàng à? Láo!
Nàng cười khì khì:
- Bà nghỉ đi, để cháu làm đỡ cho nào. - Thôi đi chị, tôi không khiến. Giao vào tay chị để các cụ… đói dài, hử?
Về sau khi tuổi đã cao, bà nội bị vấp ngã phải nằm một chỗ. Những lúc muốn giở mình, bà thường gọi người vào trợ giúp. Một lần đương ngồi học bài, nghe bà gọi, Nguyên vội buông bút chạy đến. Ngó thấy vẻ quyền uy thường ngày của bà nhường chỗ cho sự đau đớn, mỏi mệt, nhớ lời mẹ kể, Nguyên bèn vừa luồn tay đỡ bà vừa nói:
- Nào, để con người đâm đỡ bà. Chẳng ngờ lại bị đứa cháu “phản pháo” trong hoàn cảnh éo le, bà nội phì cười:
- Tiên sư chị!
Lạ lùng, câu kháy của nàng tựa như một liều thuốc hồi dương giúp người già gượng dậy được sau một tuần lễ. Tỉnh táo, minh mẫn lạ thường. Nhưng giống ngọn đèn hực lên lần cuối trước khi tắt, non tháng sau thì bà nội đi theo ông nội. Nguyên khóc cạn nước mắt vì không chỉ thương bà nội, nàng cảm nhận sự mất mát lớn…
Đến lượt mình, nàng cũng lại rèn cặp đứa cháu nội đâu vào đó...
*****
Chiều xế. Nắng vẫn nhễ nhại. Anh về cơ quan kêu thêm một “đệ” đến đón Nguyên xuất viện. Ba người đi hai xe máy. Anh chở nàng. Việc đầu tiên là tìm lại vị trí nàng bị đánh, để biết địa bàn ấy thuộc về phường nào, quận nào còn bẩm báo. Muốn thưa kiện lên quận thì trước tiên phải có chứng thực của phường. Loanh quanh mãi rồi họ cũng dò ra trụ sở công an phường. Ở phòng trực, người mặc cảnh phục vừa dụi mắt, vừa hỏi:
- Các bác có việc gì?
Anh và cậu đệ ngồi một bên kín đáo quan sát. Với gương mặt hãy còn đương hum húp, Nguyên tiến đến trước bàn, trình bày. Anh biết là nàng đang phải kìm nén cơn đau. Chưa bao giờ lòng kiêu hãnh của nàng lại bị tổn thương đến thế. Phía đối diện, bộ mặt ngái ngủ che miệng ngáp. Người công an mở ngăn kéo lấy ra 2 tờ giấy A4 đặt trên bàn.:
- Chị viết đi. Tường trình cho thật cụ tỉ vào, thời gian, địa điểm, diễn tiến…. Nói rồi, anh ta đứng dậy bỏ ra ngoài.
Nửa tiếng sau, anh công an trở lại. Nguyên viết kín hai mặt giấy. Nàng hai tay cầm đưa tờ giấy cho người trực:
- Cho tôi gặp trưởng công an phường.
Anh này lắc đầu và để hai tờ giấy xuống bàn. Chiếc quạt trần thổi tờ giấy bay lả tả xuống đất. Một ống tay áo cảnh phục thò xuống nhặt lấy tờ giấy:
- Chúng tôi ghi nhận. Bây giờ, chị cứ để bản tường trình lại đây. Sếp không có nhà. Ngày mai, mời chị quay lại.
- Buổi sáng hay buổi chiều?
- Chị có thể liên lạc trước bằng điện thoại.
Biết không thể làm gì hơn, cả ba người đứng lên chào, lui.
Nắng đã lụi. Tan tầm. Người và xe miên man đan nhau trên đường. Phố xá hầm hập nóng. Hai chiếc xe máy vất vả bám nhau nhích từng chặng, từng chặng. Rồi đèn đường bật sáng. Khi chiếc Future vừa chớm đến vòng xoay Công trường Dân Chủ thì điện thoại trong túi Nguyên rung lên. Công an phường kêu nàng quay lại. Nhìn lưng áo đẫm mồ hôi của anh, nàng ái ngại bảo thôi. Anh gạt đi:
- Không sao đâu em. Có lẽ họ ký rồi nên mới kêu mình lại… Đằng nào thì cũng muộn rồi.
Ba người vòng trở lại. Bứt thoát ra khỏi dòng người và xe cộ lúc này thật không dễ dàng.
Trong phòng trực là một người khác. Vừa nhác thấy chị, người mặc sắc phục nói ngay:
- Đề nghị chị viết lại. Tôi vừa đọc, bản này chưa đạt….
Cậu đệ cùng đi với anh thấy nóng mặt định lên tiếng. Anh ngăn lại.
Gần như ngay tức thì, Nguyên liên tưởng đến “kịch bản” song trùng nơi phường của nàng cư trú. Biết vậy, nhưng nàng vẫn lịch thiệp:
- Cám ơn đồng chí! Nhưng bây giờ, tôi xin phép phải về nhà để uống thuốc. Có gì tôi sẽ quay lại sau vậy.
- Tùy chị. Rồi đừng có trách chúng tôi không làm hết trách nhiệm….
Một cái cười nửa miệng ném theo ba người vừa quay lưng.
Ra đường, Nguyên xiết chặt eo lưng anh và nói như đinh đóng cột.
- Chả hy vọng gì đâu anh ạ. Vì hắn đã đi “tiền trạm” rồi. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà bọn họ lại bày trò để hành mình. Đểu thật!
Cái mũ bảo hiểm phía trước gục gặc. - Ừ, đành… chào thua.

*****
Về đến nhà, Nguyên cố không để con trai và con dâu nhìn rõ mặt mình. Hai đứa vào phòng mẹ hỏi han, nàng trả lời qua quýt để chúng khỏi lo lắng. Thằng cháu đích tôn chạy vô phòng thỏ thẻ:
- Bà nội ơi! Bà vừa có một ngày tồi tệ, phải hông? Con chúc bà nội ngủ ngon!
Nàng hé mền, khẽ cầm lấy tay đứa cháu:
- Ừ, bà bị mệt! Cám ơn cháu. Ngủ ngon cháu yêu của bà!
Đêm xuống trong tĩnh lặng. Cơn đau giày vò Nguyên. Suốt đêm, nàng tìm đủ mọi cách để dỗ dành giấc ngủ nhưng không xong. Đầu óc nàng quay cuồng. Cặp mắt đơ ra thao láo.

*******
Sau khi bố thằng Quân mất, thiên hạ bảo Nguyên vẫn đẹp một cách “dã man”. Gái một con coi mòn con mắt. Lắm đàn ông, kể cả những gã trai tơ vẫn thi nhau nộp đơn xin “được chết”. Nàng biết từ lâu hắn vẫn lì lợm theo đuổi mình. Khi nàng vừa quyết định hâm lại tình yêu thuở học trò với Sáng, người xưa nay vẫn coi Nguyên như thần tượng, thì hắn tăm được. Và hắn quyết định xuất chiêu. Một sớm chủ nhật, Sáng hẹn tới đưa nàng đi điểm tâm. Trang điểm xong và đương ngóng đợi, thì có tiếng gõ cửa. Nàng hấp tấp chạy xuống cầu thang rút chốt. Người hiện ra ở cửa không phải là Sáng, mà là hắn với bó hồng bạch tươi mởn trong tay. Hắn cười nhẹ:
- Anh xin lỗi, hình như Nguyên đợi ai?Nàng lắc đầu:
- Không đâu ạ. Mời anh vào nhà.
Hắn chào bố mẹ nàng, lễ phép trò chuyện với các cụ. Mãi gần trưa, Sáng mới ba chân bốn cẳng đến. Chàng vò đầu bứt tai, trần tình vì sự cố phải đưa mẹ nhập viện. Nhân lúc Nguyên chạy xuống đón khách, hắn nghĩ ra trò tháu cáy, liền trút bỏ quần dài. Khi nhòm thấy hắn mặc quần cộc đương lúi húi sửa soạn lại cái giá sách trong phòng nàng, Sáng chưng hửng ngỡ mình là kẻ đến muộn. Thấy nàng tỏ vẻ không hài lòng, hắn bảo nóng quá, cho anh rất… rất xin lỗi.
Từ bấy trở đi, Sáng lặn một hơi không sủi tăm. Sau này, nhớ lại chàng vẫn rủa xả mình sao hồi ấy lại trẻ con và ngu đến thế không biết! Bà mẹ hiểu đời thì lắc đầu, bảo Sáng: “Duyên do nơi số phận cả thôi, con ơi!”

Chấp nhận gá nghĩa cùng hắn, Nguyên cùng con trai chuyển vào Sài Gòn. Cả hai cùng dạy học, hắn leo lên tới chức trưởng khoa ở một trường đại học. Nguyên tăm tia được miếng đất, cất nhà riêng. Một lần, nàng ra Hà Nội vừa thăm bố mẹ, vừa nộp hồ sơ nghiên cứu sinh ở Viện X. thì hắn dắt bồ nhí về nhà mới. Trời cùng bữa đó, thằng Quân đi học khó ở nên xin về sớm, bắt gặp hai người trong trang phục Eva đương diễn trò khỉ. Hắn mua quà cáp, dỗ dành thằng bé: “Đừng mách mẹ. Chuyện sinh hoạt í mà. Lớn lên rồi con giai sẽ hiểu”. Vì câu chuyện đắng hơn cả mật cóc ấy, nàng “cấm vận” hắn nửa năm liền. Hắn hối lỗi, rồi van vái, thề bồi… đủ cả. Nhiều đêm, thấy hắn quỳ sụp bên giường, Nguyên động lòng trắc ẩn.

Nhưng đến cái bận bà bạn Việt kiều của Nguyên thông báo chuyện hắn đánh thó tiền mừng đám cưới con bà, thì nàng nổi điên. Nhục quá! Giọt nước tràn ly. Nàng thảy cho hắn lá đơn ly hôn. Hắn chối bai bải. Tới khi nàng bật ghi âm lời bà bạn, thì hắn câm bặt. Giở chiêu xin tha thứ không xong, hắn chấp nhận cầm bút ký đánh xoẹt vô lá đơn. Nguyên hiểu mình phải học cách làm bạn với nỗi cô đơn, vì sẽ chẳng bao giờ có ai đó luôn sát cánh, nâng niu bảo vệ mình. Cuộc sống vốn dĩ rất cô đơn, nhưng nàng là người chuộng tự do!
Gần sáng, Nguyên thiếp đi. Trong giấc mơ, nàng thấy đương cùng anh tay trong tay tung tẩy trên hòn đảo ngoài khơi xa. Đã bước sang tuổi “tri thiên mệnh” nhưng nàng vẫn đẹp, vẻ đẹp quý phái. Sáng sáng, nàng vẫn đi tập gym rồi xông hơi; thi thoảng lại vào mátxa. Da dẻ nàng vẫn sáng bóng, mịn màng và mát lạnh. Lắm lúc buồn, nàng chạy xe tới quán quen trên đường Nguyễn Du, kêu một ly Whisky, ngồi ngất ngưởng trên ghế cao nhấm nháp. Thả hồn vào vô định.

Nàng có một lũ bạn thân, cả bọn vẫn tự nhận mình là “nặc nô cửa phủ”, luôn nghĩ ra lắm trò để quậy tưng. Một bữa cả đám rủ nhau khỏa thân để thi bình chọn “vỉ ruồi” của ai đẹp nhất. Đám bạn nái xề, thảy đều kinh ngạc, mọi thứ trên cơ thể nàng đều mướt rượt và chuẩn không cần chỉnh. Nàng nghiễm nhiên đứng đầu bảng về sự đẹp và hấp dẫn. Lại tốn chầu bia với bánh tôm khao cả lũ. Nguyên cay đắng nhớ bà nội vẫn thường nói: “Tiếc quả hồng ngâm đưa cho khỉ vọc”. “Hoài liềm vàng đi cắt cỏ voi”…
Cộc… cộc… cộc!

Tiếng gõ cửa nhẹ cắt ngang giấc mơ của Nguyên và dựng nàng thức dậy. Vậy là sáng bét be rồi. Nàng biết là thằng cháu đích tôn chào để đến trường. Nếp thường ngày của thằng bé, nàng biết vậy nên quấn mền che mặt và lên tiếng:
- Cháu yêu, vào đi.
Thằng bé đẩy cửa bước vào. Ba lô trên lưng, nó tiến lại giường và mở màn:
- Bà nội ơi! Có phải ông nội ghẻ là một kẻ độc ác phải không ạ?
- Cháu không được nói thế, cháu yêu! Đi học ngoan nhé. Bà yêu cháu!

Nguyễn Minh Ngọc

Không có nhận xét nào: