Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

ĐẬP TAM HIỆP GÓT CHÂN ARCHILLES CỦA ĐẠI LỤC - Sơn Nghị



Theo huyền thoại Hy Lạp, lúc Achilles mới sinh, người mẹ tiên nhúng Achilles xuống sông Styx nên da thịt Achilles cứng như sắt và trở thành bất tử. Nhưng khi nhúng xuống nước, người mẹ giữ đứa bé bằng gót chân. Và chính gót chân không chạm vào nước nên da thịt chỗ gót chân mềm yếu như người bình thường. Kẻ thù của Achilles luôn tìm cách đâm vào gót chân của Achilles, cách duy nhất để giết chàng. Sau này, thành ngữ “gót chân Achilles” đồng nghĩa với tử huyệt của một người, của một quốc gia. Tấn công vào “gót chân Achilles” của kẻ thù sẽ dễ dàng dẫn đến chiến thắng.
<!>

Gần đây, eo biển Đài Loan lại dậy sóng vì Đại Lục đe dọa sẽ tấn công chiếm Trung Hoa Dân Quốc chỉ trong 24 giờ. Đài Loan nằm trong tình trạng phòng thủ, sẵn sàng đối đầu với lực lượng Đại Lục nếu cuộc xâm lăng xảy ra. Vì ở trong thế yếu, từ đất đai, nhân lực, tài lực đến vũ khí, Đài Loan bắt buộc phải tấn công chớp nhoáng vào tử huyệt của Đại Lục một khi chiến tranh xảy ra.

Tử huyệt đó là đập Tam Hiệp [1], nằm trên sông Dương Tử [2].

Từ ngày họ Tập nắm quyền sinh sát tại Đại Lục, đập Tam Hiệp trở thành một đề tài bàn cãi về thế lợi và hại, và khi tình hình tại eo biển Đài Loan sôi bỏng trở lại, nó lại trở thành một đề tài nóng sốt, không phải bàn về thảm họa của lũ lụt, mà là khả năng đập Tam Hiệp bị tấn công và làm thế nào để phòng thủ. Các nhà chiến lược nghĩ đến tình huống “thiên nga đen” (black swan), một thành ngữ dùng để chỉ một sự kiện không thể đoán trước, nằm ngoài dự đoán theo suy nghĩ thông thường và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Đập Tam Hiệp là công trình dự trữ nước lớn nhất thế giới, một thành quả vĩ đại về ngành xây dựng của người dân Đại Lục. Nhưng đồng thời nó giống như một chảo nước khổng lồ sẵn sàng đổ ập lên đầu 600 triệu người dân Đại Lục. Năm 2020, trên mạng xã hội truyền đi một đoạn phim [3] mô phỏng hậu quả trầm trọng sẽ xảy ra nếu đập Tam Hiệp bị vỡ. Chẳng biết ai tạo ra đoạn phim này, nhưng căn cứ vào các dữ liệu và cách trình bày chuyên nghiệp, cư dân mạng cho rằng nguồn gốc xuất phát từ trong Đại Lục.
Nếu đập bị vỡ, nước lũ tích trữ cao gần 100 mét lao nhanh xuống vùng đất thấp dọc theo sông Dương Tử. Vì tường bê-tông và núi chắn hai bên nên nước lũ chỉ có một đường thoát là đâm thẳng về phía trước. Nước lũ không thể phân tán sang hai bên nên tốc độ tăng dần và vượt quá 100 km một giờ. Chiều dài của con sông từ đập Tam Hiệp đến thành phố Nghi Xương là 50 km và chỉ cần 30 phút nước lũ sẽ tràn đến thành phố này và có thể phá hủy đập Gezhouba trên đường đi. Khối nước khổng lồ cao 20 mét dễ dàng quét sạch thành phố Nghi Xương với tốc độ 70 km/giờ. Sau khi vượt qua Nghi Xương, nước lũ tràn vào các thị trấn ven sông với tốc độ không dưới 60 km/giờ. Chiều cao của nước lũ vẫn giữ khoảng 15 đến 20 mét và đổ vào đồng bằng hạ lưu như hình cánh quạt. Nước lũ tản mác nên độ cao chỉ còn 8m, và tốc độ giảm xuống còn 25 km/giờ nhưng nước trên sông Dương Tử vẫn chảy với tốc độ không dưới 35 km/giờ. Nước lũ tràn vào đồng bằng và chảy đến Vũ Hán.


Lấy đập Tam Hiệp làm mốc thì lưu vực của sông Dương Tử chia làm ba. Phía trên thành phố Nghi Xương thuộc tỉnh Hồ Bắc là thượng lưu, từ Nghi Xương đến An Khánh là trung lưu, và đất Giang Tô và Thượng Hải là vùng hạ lưu. Mặc dù tỉnh Triết Giang không gần sông Dương Tử nhưng nhiều con sông trong khu vực đó đều đổ dồn vào sông Dương Tử, và được xem là lưu vực của con sông này. Do đó vùng trung lưu và hạ lưu bao gồm bảy tỉnh và các thành phố lớn như Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tô, Giang Tây, Thượng Hải, và Triết Giang. Trong mùa lũ, mực nước của đập Tam Hiệp cao hơn mực nước biển từ 145 đến 175 mét. Nếu nó sụp đổ, nước lũ sẽ nhận chìm các vùng từ Nghi Xương đến Vũ Hán, đến Nam Kinh rồi Thượng Hải. Đồng bằng sông Dương Tử, vùng kinh tế nông nghiệp phát triển nhất của Đại Lục sẽ nằm chìm trong một biển nước mênh mông do lũ lụt.

Không ai muốn chiến tranh cả nhưng số phận chỉ mành treo chuông của hàng trăm triệu người dân Đại Lục trông như thanh gươm Damocles [4] đang treo lơ lửng trên đầu là điều chúng ta cần bàn luận. Edward Goldsmith, một chuyên gia người Anh về đập chắn và hồ chứa cho rằng tấn công vào các hồ chứa chính là phương cách nhằm triệt hạ đối phương hữu hiệu. Đảng cộng sản Tàu biết điều này và đã nhiều lần khẳng định và trấn an dân chúng rằng đập Tam Hiệp đủ kiên cố chịu đựng được một cuộc tấn công bằng bom hạt nhân cỡ nhỏ.

Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu tiên vào năm 1997, các hãng truyền thông Hồng Kông tiết lộ rằng ủy ban quân sự của đảng cộng sản Tàu đã phê duyệt một trung đoàn an ninh đặc biệt cho đập Tam Hiệp; bao gồm 4 nhóm tên lửa bảo vệ bầu trời, một đội trực thăng lục quân lớn, 8 xuồng cao tốc tuần tra và 24 phi đội cơ động bảo đảm phản công chớp nhoáng trong mọi tình huống. Tổng cộng 4.600 binh lính luôn túc trực 24/7 để bảo vệ đập. Nhưng thực tế cho thấy ngay cả một lực lượng phòng vệ như vậy cũng chưa đủ sức bảo vệ đập Tam Hiệp nếu chiến tranh xảy ra.

Vì thế đảng cộng sản Tàu cấp tốc tăng cường hệ thống phòng thủ. Năm 2013, thủ tướng Lý Khắc Cường ký một nghị định của hội đồng nhà nước ban hành bốn cấp quy định về phòng thủ cho đập Tam Hiệp. Trước hết là xác định phạm vi của khu vực an ninh đập Tam Hiệp bao gồm trung tâm đập Tam Hiệp và các khu vực xung quanh được chia thành các khu vực an ninh trên ba mặt: bằng đường bộ, trên đường thủy và trên không, thiết lập hệ thống an ninh của trung tâm đập Tam Hiệp bằng cách tạo ra một cơ chế phối hợp an ninh bốn cấp bao gồm chính quyền trung ương tỉnh Hồ Bắc, thành phố Nghi Xương, và trung tâm của đập. Câu hỏi đặt ra là hệ thống an ninh như thế có giữ đập Tam Hiệp an toàn từ góc độ quân sự hay không?

Câu trả lời đơn giản là không. Đập Tam Hiệp không an toàn từ góc nhìn chiến lược phòng thủ. Trước khi xây dựng đập Tam Hiệp vào đầu năm 1991, một giáo sư vật lý trong Đại Lục viết một bài báo bàn về trường hợp chiến tranh xảy ra. Trong đó, ông giải thích cho dù hệ thống an ninh chặt chẽ và phòng thủ vững chắc đến đâu nhưng ông tin chắc rằng đập Tam Hiệp sẽ trở thành mục tiêu tấn công của kẻ thù với công nghệ tên lửa ngày càng hiện đại. Với kỹ thuật tên lửa hiện nay – nhiều nước đang sở hữu và tiếp tục phát triển, hoàn thiện – hệ thống bảo vệ đập Tam Hiệp xem như bất lực.

Tuy nhiên, nếu ngược dòng thờ gian, trở lại vào năm 1986, thời của Đặng Tiểu Bình, nhiều nghiên cứu về hệ thống phòng thủ đập Tam Hiệp đều đưa ra nhiều lập luận ngược lại. Một trong những điểm chính được nêu ra là Đại Lục sẽ có đủ thời gian, cụ thể là 14 ngày hoặc 7 ngày để xả cạn nước đập Tam Hiệp trước khi chiến tranh nổ ra [5]. Thứ hai, một cựu tổng giám đốc của dự án đập Tam Hiệp tin chắc đập chắn vẫn đứng vững đối với các loại bom và vũ khí thông thường. Giả thuyết này dựa trên nguyên tắc một cuộc chiến không hạn chế của Đại Lục, có nghĩa là nếu bất kỳ ai dám phát động chiến tranh hoặc tấn công đập Tam Hiệp, đảng cộng sản sẽ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng dân Mỹ nhát đảm và sợ chết [6], không dám đối đầu với Đại Lục trong chiến tranh hạt nhân. Do đó, người ta suy luận rằng dự án đập Tam Hiệp của Đại Lục sẽ không bao giờ là mục tiêu tấn công từ bên ngoài. Đồng thời, nhiều lần Bắc Kinh và hệ thống truyền thông cả nước lên tiếng bàn luận về sự kiên cố của đập Tam Hiệp có thể chịu được sức tấn công của một quả bom hạt nhân cỡ nhỏ. Lối tuyên truyền này tạo cho người dân Đại Lục một ảo tưởng rằng phải cần vũ khí hạt nhân mới có thể phá hủy đập Tam Hiệp.

Thực ra chẳng cần đến bom nguyên tử hoặc vũ khí hạt nhân. Khá dễ dàng phá hủy một đập chắn, cho dù nó được xây dựng kiên cố đến mấy. Đại Lục xây gần 100.000 đập chắn, vừa cũ vừa mới. Nhiều đập chắn phải bị phá hủy bằng thuốc nổ trước khi xây đập mới. Ví dụ, vào năm 2013, Đại Lục cho nổ phá hủy hồ chứa Fengnan thuộc tỉnh Hà Bắc do quân Nhật xây dựng và xây một đập chắn mới sát bên cạnh. Không tốn nhiều thuốc nổ để làm nổ tung đập chắn cũ.
Trong Thế chiến II, vào tháng 5/1943, lực lượng không quân Anh thả bom làm nổ hai đập chắn quan trọng nhất của Đức (hồ chứa Möhne và Eder) chỉ trong một đêm [7]. Vào thời điểm đó, kỹ thuật chiến tranh giới hạn nên việc phá hủy một đập chắn kiên cố bằng máy bay là điều bất khả thi. Không thể thực hiện được vì máy bay phải mang theo ít nhất 40 tấn thuốc nổ (đập chắn quá vững chắc) và thả ở độ cao bốn chục nghìn bộ thì mới có hiệu quả. Nhưng trọng tải của máy bay lúc đó chỉ được tối đa là 14 tấn và bay ở độ cao tối đa chỉ hơn 20 nghìn bộ.


Ts. Barnes Wallis, nhà khoa học người Anh, phát minh quả bom nhồi (bouncing bomb) hình cầu để giải quyết bài toán hóc búa. Khi đụng mặt nước, bom không chìm ngay nhưng nẩy như người ta nhồi quả bóng. Vừa nẩy vừa tiến về phía trước do lực thả ở độ cao 60 bộ, bom “nhảy” qua những mạng lưới nằm chằng chịt dưới nước để cản ngư lôi bắn đi từ xa với mục đích phá hủy đập chắn. Khi hết lực nẩy, bom chìm đúng ngay chân đập và phát nổ. Chiến dịch Chastise của lực lượng không quân Anh trả một giá rất đắt: 19 máy bay ném bom bị bắn hạ và 53 phi công thuộc phi đoàn 617 thiệt mạng. Kết quả là 400 triệu tấn nước lũ tràn xuống thung lũng Ruhr khi đập vỡ, hơn 30.000 binh lính thiệt mạng tại chỗ, hơn 200 nhà máy bị nuốt chửng ở hạ nguồn, hơn 20 thị trấn lân cận cũng bị ảnh hưởng. Hai đập chắn quan trọng bị phá hủy làm thiệt hại cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh sự thất bại của Đức trong Thế chiến II.

Đảng cộng sản Tàu đẩy mạnh tuyên truyền nhằm trấn an dư luận rằng bất cứ ai tàn phá đập Tam Hiệp là phạm tội ác chống lại nhân loại. Điều này đúng khi đứng trên bình diện nhân đạo nhưng chính cuộc khủng hoảng leo thang ở eo biển Đài Loan gần đây do họ Tập chủ trương gây thêm nhiều lo lắng cho thế giới và một khi chiến tranh nổ ra, những chuyện không hề nghĩ đến sẽ đến, những chuyện chỉ nằm trong tưởng tượng sẽ thành sự thật, và chắc chắn có nhiều chuyện bất ngờ sẽ xảy ra.

Ngày 9 tháng 8, 2022 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung hoa Dân quốc Joseph Wu nói, “Xét về phạm vi các vụ thử tên lửa, Đại Lục rõ ràng đang tìm cách ngăn cản các nước khác can thiệp vào nỗ lực xâm lược Đài Loan. Cuộc diễn tập với các chiến thuật và vũ khí tối tân hạng nặng cho chúng ta một hình ảnh rõ ràng về tham vọng địa chiến lược của Đại Lục vuợt hẳn ra ngoài ranh giới Đài Loan. Nói cách khác, ý định thực sự của Đại Lục đằng sau các cuộc tập trận quân sự này là nhằm thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan và toàn bộ khu vực biển Đông.” Đánh giá từ các cuộc tập trận quân sự của Đại Lục bắt đầu vào ngày 4/8/2022, rõ ràng là một khi cuộc chiến ở eo biển Đài Loan khởi sự, chắc chắn đó không phải là cuộc chiến tranh quy ước như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Cả châu Âu và Hoa Kỳ đang cố gắng hết sức để ngăn chặn Ukraine tấn công trở ngược lại lãnh thổ của Nga vì sợ Nga trả đũa bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân. Một khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, khả năng kéo các nước khác vào vòng chiến lên rất cao, và đó là khởi sự của một kết thúc vì Thế chiến III có thể xảy ra. Cuộc tập trận quân sự vừa qua chứng tỏ Đại Lục sẽ sử dụng tên lửa và máy bay đập nát Đài Loan trước khi đem quân đổ bộ. Nếu Đại Lục sử dụng tên lửa và máy bay, không lẽ Đài Loan chịu ngồi yên để chịu trận, để hứng bom? Và tại sao Đài Loan lại không sử dụng tên lửa để phản công? Đại Lục tuyên bố phá hủy đập Tam Hiệp là tội ác chống nhân loại, nhưng khi đem quân xâm chiếm nước khác bằng vũ khí hiện đại và buộc nước đó không được bắn tên lửa phá hủy đập Tam Hiệp thì có hợp lý không? Chính họ Tập tự mâu thuẫn với lối lý luận của trẻ con.

Vào ngày 12 tháng 6 năm 2022, Chủ tịch Lập pháp Yu Shyi-kun của Đài Loan loan báo tên lửa Yun Feng siêu thanh do Đài Loan chế tạo bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Tên lửa này có tầm bắn 2000 km và có thể phóng tới Bắc Kinh. Ông nói rằng chính sức tự lực tự cường và sự hỗ trợ tinh thần và vật chất từ các quốc gia là động lực quan trọng nhất đối với Đài Loan. Từ cuộc chiến Nga-Ukraine, Đài Loan càng hiểu rõ nhiệm vụ của mỗi người dân trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng phải chiến đấu chống lại kẻ xâm lăng. Sau cuộc khủng hoảng tại eo biển Đài Loan năm 1996, Đài Loan bắt đầu phát triển tên lửa Yun Feng. Đó là tên lửa siêu thanh đất đối đất [8], một trong số ít tài sản chiến lược của Đài Loan được chế tạo để nhắm vào miền bắc và miền trung Đại Lục. Nếu vẽ một vòng tròn với bán kính 2000 km thì đập Tam Hiệp nằm trong tầm tấn công của tên lửa Yun Feng. Ông Yu Shyi-kun nói tiếp, “…khi giữ chức Thủ tướng, tôi biết Bắc Kinh nằm trong tầm tấn công của tên lửa Yun Feng nhưng phải giữ bí mật. Tất nhiên Đài Loan không muốn xâm lược Đại Lục, càng không muốn chủ động tấn công Bắc Kinh và đập Tam Hiệp nhưng trước khi Bắc Kinh tấn công Đài Loan thì phải nghĩ rằng Đài Loan cũng có khả năng tấn công Bắc Kinh.”

Năm 2018, thành viên ban cố vấn quốc phòng Đài Loan và chuyên gia quân sự Song Zhaowen đăng tải một bài viết trên Facebook, trong đó ông khẳng định tên lửa Yun Feng có tầm bắn xa hơn 2000 km và có thể đạt tốc độ Mach 3; gấp 3 lần tốc độ âm thanh. Với vận tốc phóng đi hơn 1 km/s, tên lửa siêu thanh rất khó bị bắn hạ với hệ thống chống tên lửa thông thường. Vào thời điểm đó, ông nói rằng nếu trong tương lai có trên 500 tên lửa Yun Feng tầm cao, Đài Loan có thể tự vệ và chống trả hữu hiệu bất cứ sự đe dọa nào đến sự an sinh của 23 triệu dân xứ Đài. Vào ngày 13/6/2022, Song Zhaowen ra thông báo rằng Đài Loan đạt được kỹ thuật để sản xuất hàng loạt tên lửa. Phần kỹ thuật đặc biệt là tên lửa Yun Feng được phủ một lớp sơn vô hình khó bị radar phát hiện. Nếu Đài Loan thực sự tấn công bằng tên lửa thì chắc chắn đập Tam Hiệp sẽ bị đánh sập.

Khi lượng nước khổng lồ đổ tràn xuống hạ lưu, các hạ tầng cơ sở phục vụ chiến tranh của Đại Lục sẽ bị tê liệt vì từ Vũ Hán đến Nam Kinh và đến Thượng Hải đều bị lũ lụt. Toàn bộ giao thông Bắc Nam sẽ bị gián đoạn và tuyến đường sắt Quảng Châu – Bắc Kinh sẽ bị cắt đứt. Nếu giao thông Bắc Nam bị gián đoạn thì miền bắc khó kiểm soát các bộ phận đầu não nằm ở miền nam. Thêm nữa, quân đội phía nam không thể dàn quân và khai triển giúp miền bắc. Các hoạt động sản xuất kinh tế cũng bị gián đoạn hoặc ngưng trệ.

Vào cuối năm 1988, một số tác giả Đại Lục cùng xuất bản một cuốn sách với tựa đề là “Sông Dương Tử! Sông Dương Tử!” Đây là cuốn sách ghi lại những nghiên cứu sâu sắc, và một tác giả chỉ ra rằng khu vực xung quanh đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc là nơi quân đội Đại Lục đang đóng quân. Khoảng 90% lính không quân của Đại Lục và 80% sư đoàn cơ giới tập trung ở khu vực này. Nếu kẻ thù ném bom đập Tam Hiệp, chắc chắn Đại Lục sẽ mất thế thượng phong trong cuộc chiến; vì khu vực của chủ lực quân đồn trú bị tràn ngập nước [9]. Thêm vào đó, nhiều tướng lãnh Đại Lục khoa trương quá lố với dân chúng. Ví dụ, một tướng nói, tôi có thể chinh phục Đài Loan trong ba ngày và tướng khác nói, sau 24 giờ tôi sẽ uống cà phê tại phủ tổng thống ở Đài Loan. Trước sức ép từ phía Đại Lục ngày càng lớn, và những lời nói ngạo mạn ngày càng tăng có thể Đài Loan sẽ tấn công bất ngờ để tự vệ [10]. Theo binh pháp, cách phòng thủ tốt nhất vẫn là tấn công. Dĩ nhiên, Đại Lục vẫn có thể tấn công Đài Loan bất ngờ mà không cần cảnh báo trước. Cuối cùng, có lẽ đập Tam Hiệp sẽ không có thời gian 7 ngày hoặc 14 ngày để xả nước như Đại Lục tính toán.

Sau vụ thảm sát quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, Giang Trạch Dân nắm giữ chức vụ tổng bí thư của đảng cộng sản Tàu. Ông muốn khởi công dự án đập Tam Hiệp và tìm mọi biện pháp để thúc đẩy bộ Chính trị bật đèn xanh cho dự án. Cuối cùng, họ Giang và các đồng chí thân cận đạt được mục đích. Thủ tướng Lý Bằng, dưới thời của Tổng bí thư Giang, viết trong cuốn hồi ký kể lại rằng từ năm 1989, tất cả các quyết định lớn liên quan đến dự án đập Tam Hiệp đều do họ Giang đề nghị và ép mọi người đồng thuận. Năm 1994, khi khởi công, hiện diện trong buổi lễ chỉ có Giang Trạch Dân và Lý Bằng, ngoài ra không có một nhân vật nào khác trong Bộ Chính trị. Năm 2009, trong ngày mừng hoàn thành đập Tam Hiệp, các lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản như Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều không có mặt. Có lẽ họ chẳng cảm thấy vinh dự gì về công trình mà chỉ là một di hại cho thế hệ mai sau và tương lai Đại Lục. Có thể họ nhận ra đập Tam Hiệp là một sai lầm nghiêm trọng nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Bây giờ chỉ còn một con đường trước mặt chứ không thể thối lui. Công trình quá vĩ đại nên không thể quay ngược dòng thời gian để tháo gỡ từng mảng công trình, hoặc để suy xét, một lần nữa thật nghiêm chỉnh, những ý kiến – cho dù trái chiều – dựa trên các nghiên cứu khoa học, chứ không phải dựa trên quyền lực và “danh tiếng” của một cá nhân.
Đại Lục không bao giờ thiếu những người có đầu óc sáng suốt và thực sự yêu nước. Trong các tác giả của cuốn sách Sông Dương Tử nói trên, nổi bật là Gs. Ts. Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) [11] thuộc trường Đh. Thanh Hoa. Ông là người duy nhất phản đối dự án Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng [12] năm 1957 vì đập chắn ngăn chặn phù sa và trầm tích (sediments) chảy xuống hạ lưu, đi ngược lại thiên nhiên, gây thảm họa cho nông dân sinh sống dọc theo bờ sông và thành thị nằm ở hạ lưu sông Hoàng. Ông bị Mao kết tội có tư tưởng hữu khuynh, kẻ thù của giai cấp vô sản, và bị đày đi lao động khổ sai năm 1958. Mãn hạn tù khổ sai, khi trở về lại vướng vào cuộc Cách mạng Văn hóa, ông cũng bị đám Hồng quân bêu rếu công khai giữa đường phố với cái mũ trí thức tiểu tư sản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, và suýt bị chúng giết. Ông sống nhục nhã suốt 22 năm, và mãi đến tháng 2/1980 ông mới được phục hồi chức vụ và danh tiếng [13]. Đầu thập niên 1990, một lần nữa ông lên tiếng ngăn cản dự án đập Tam Hiệp. Sáu lần, ông gửi kiến ​​nghị phản đối việc xây dựng các đập chắn trên sông Dương Tử, và dĩ nhiên những kẻ cầm quyền phớt lờ không nghe. Thật may mắn vì lần này họ không chụp cho ông cái mũ “phản động” như thời Mao. Chính ông là người viết thư cho TT Clinton giải thích về sự quan trọng của các trầm tích trên sông Dương Tử, gây thảm họa về sau. Do đó, Hoa Kỳ quyết định không ủng hộ dự án này.


Vị giáo sư khả kính cả đời chỉ biết nói sự thật, quan tâm lo lắng cho đất nước và người dân, viết bản điều trần, trong đó ông trình bày chi tiết 12 mặt trái của dự án.

1. Đầu tiên là sự sụp đổ của bờ kè chính ở hạ lưu sông Dương Tử
2. Cản trở tàu bè qua lại trên sông
3. Vấn đề di dời dân chúng hai bên bờ sông và sự đền bù không thỏa đáng
4. Vấn đề tích tụ trầm tích gây mực nước dâng cao ở thượng nguồn
5. Phẩm chất nước suy giảm
6. Phát điện không đủ
7. Thời tiết bất thường
8. Động đất thường xuyên
9. Gia tăng sự truyền nhiễm loại sán (Schistosoma) xuống sông Hàn thuộc hạ lưu sông Dương Tử
10. Suy thoái hệ sinh thái
11. Lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn
12. Kẻ thù phá hủy đập bằng cách đặt thuốc nổ hoặc bỏ bom

Con trai của ông, Huang Guanhong, sau đó nói thêm rằng việc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ tạo ra một điểm yếu trong việc phòng thủ quốc gia và thực sự giúp kẻ thù triệt hạ Đại Lục nếu chiến tranh xảy ra. Chẳng cần bom nguyên tử vì vài quả bom thông thường đủ phá hủy đập chắn. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đại Lục Trương An Bình cũng đưa ra lập luận tương tự. Lúc cuối đời, giáo sư Hoàng lâm bệnh nặng và rơi vào hôn mê, miệng ông vẫn lẩm bẩm “đập Tam Hiệp, đập Tam Hiệp… không nên xây, đừng xây.” Ông chết không nhắm mắt vào tháng 8/2001 với nỗi ấm ức trong lòng. Đúng như ông dự đoán, kể từ khi hoàn thành đập Tam Hiệp vào năm 2009, thời tiết nóng lạnh bất thường, và thay đổi đột ngột. Thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, hạn hán lớn, nhiệt độ tăng, lũ lụt, động đất xảy ra liên tục.

Ngày 25/7/2022, thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, trời đang sáng bỗng tối sầm, bầu trời trở nên xanh thẫm, và đổ cơn mưa dông nặng hạt [14]. Ngày 26/7/2022, bão cấp 12 bất ngờ thổi ào ạt vào thành phố Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô [15]. Ngày 6/8/2022, nhiệt độ ở Thượng Hải tăng vọt nhưng tiếp theo lại là một trận mưa đá, những cục đá to bằng quả trứng [16]. Mới đây, ngày 4/9/2022, hai tỉnh Triết Giang và Giang Tô bị tàn phá vì cơn bão Hinnamnor thổi ngang với vận tốc chóng mặt 260 km/g [17]. Dân cư mạng tự hỏi tại sao những trận cuồng phong chỉ rơi vào Đại Lục, mà không thổi đến Đài Loan hoặc Nhật Bản.

Đến nay, ai cũng thấy rõ 11 trong 12 tiên đoán của Gs. Hoàng đã là sự thật [18], chỉ còn dự đoán cuối cùng. Một ngày nào đó, đập Tam Hiệp bị đối phương phá hủy thì Gs. Hoàng đúng là nhà tiên tri của thời đại. Lúc đó, liệu đảng cộng sản Tàu còn tồn tại để chứng kiến thảm họa đổ ập lên đầu 600 triệu người dân hay không.

Trong bối cảnh thách thức chiến tranh với Đài Loan hiện nay, Đại Lục ngày càng lộ rõ dã tâm muốn xâm chiếm hòn đảo Trung hoa Dân quốc. Nhiều học giả tiên đoán Đại Lục sẽ xâm chiếm Đài Loan trong năm 2024, trước đợt bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 12/6/2022, tại Tân Gia Ba, Thượng tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Đại Lục Ngụy Phượng Hòa mạnh mẽ lên tiếng, “Nếu một ai dám tách Đài Loan ra khỏi Đại Lục, quân đội chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu, và chiến đấu đến cùng cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Đây là sự lựa chọn duy nhất của Đại Lục.” Dân chúng hoàn toàn ủng hộ lời tuyên bố đanh thép của viên tướng họ Ngụy.

Hầu hết dân chúng bị tẩy não nên không hiểu được hiểm họa đang treo trên đầu của gần nửa dân số Đại Lục. Họ cũng chẳng hiểu di hại về lâu về dài của của chiến tranh. Có lẽ chỉ khi bị nước lũ nuốt chửng, họ mới nhận ra rằng sự xâm chiếm Đài Loan bằng mọi giá của đảng cộng sản Tàu thực chất là bằng chính mạng sống của họ.

[1] Đập thủy điện lớn nhất thế giới. Dài 2.335m, cao 181m, và chứa 39,3 tỷ mét khối nước. Khởi công xây vào năm 1994, hoàn thành năm 2009. Sản xuất toàn bộ công suất năm 2012.

[2] Còn gọi là Trường Giang, dài 6.300 km. Dài nhất châu Á. Dài thứ 3 trên thế giới, sau Nile & Amazon.

[3] https://www.youtube.com/watch?v=RjHWkCdZdOE

[4] Thành ngữ “Sword of Damocles,” (một giai thoại do triết gia Cicero, 106-43 trước Công nguyên, viết lại) chỉ những quyền lợi được hưởng nhưng phải luôn đối diện với sự nguy hiểm. Thuyền to sóng lớn.

[5] Yếu tố bất ngờ theo binh pháp Tôn Tử không còn hiệu quả. Một khi đối phương thấy Đại Lục xả nước, họ có 14 ngày để chuẩn bị đối phó.

[6] Đại Lục chỉ gờm Hoa Kỳ. Nếu đối phó được với Mỹ là đối phó được với cả thế giới.

[7] https://www.youtube.com/watch?v=o0sWefoW9m0

[8] Đặc tính “ground-to-ground hoặc surface-to-surface” là loại tên lửa được phóng đi từ mặt đất hoặc nằm sâu dưới nước và triệt hạ mục tiêu nằm trên mặt đất hoặc trên mặt biển.

[9] Tôn Tử nói: Nước chảy xiết cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ.

[10] https://thebl.tv/china/taiwan-confirms-it-could-target-three-gorges-dam-with-missiles-to-deter-china-says-expert.html

[11] Năm 1935, Huang Wanli tốt nghiệp thạc sĩ khoa thuỷ văn từ Đh. Cornell, và năm 1937 tốt nghiệp bằng tiến sĩ ngành kỹ sư tại trường Đh. Illinois. Ông là người Trung hoa đầu tiên nhận học vị cao nhất về ngành này.

[12] https://www.smh.com.au/world/one-dam-mistake-after-another-leaves-4-4bn-bill-20040522-gdiz5v.html

[13] http://www.history-of-hydrology.net/mediawiki/index.php?title=Huang_Wanli

[14] https://www.youtube.com/watch?v=o26N-lVAFus

[15] https://www.youtube.com/watch?v=p0DyjKfQbu0

[16] https://www.youtube.com/watch?v=08Q6IuuYksQ

[17] https://www.youtube.com/watch?v=Ay057KaI2-E

[18] https://journal.probeinternational.org/2010/06/12/huang-wanlis-predictions-for-the-three-gorges-come-to-pass/

Không có nhận xét nào: