Tôi từng viết về chay hội chùa làng, một bữa cơm đậm vị nghèo của các chùa quê thuở ấy, tôi cũng từng viết bài thơ Chùa Làng như thế này:
Chùa Làng
Sớm Rằm bà dắt lên chùa
Tháng Tư cây lá bỏ bùa tiếng chuông
Chùa làng một nắng hai sương
Sư làng cuốc đất dọn vườn trồng rau
Tam quan trước, ngõ tre sau
Thêm một giếng nước, giàn trầu, gốc chay
Theo bà lạy Bụt nửa ngày
Chỉ mong tới bữa cơm chay chùa làng
<!>
Một bàn cho trẻ lang thang
Được ưu tiên cạnh bên bàn các sư
Chùa làng buổi ấy vô tư
Cơm thập phương độ tâm từ chiêu âm
Hương cau quyện với hương trầm
Tóc tơ thơ dại vọng âm tuổi đời
Bỏ chùa bỏ Bụt rong chơi
Từ tâm quê củi hụt hơi phố phường
Mỏi chân rong ruổi thập phương
Trưa buồn gặp một mùi hương chùa làng
Âm đại hồng chung vang vang
Tiếng trống bát nhã giục sang ấu thời
Bà theo cõi Bụt rong chơi
Tuổi thơ tôi bị bỏ rơi một mình
Chùa làng trong cõi lặng thinh
Bất ngờ giục một hồi kinh động trời
Tháng Tư kinh cũ không thời
Tôi ngồi nhai nốt những lời Bụt xưa…
Bài TOM
Một bàn cho trẻ lang thang
Được ưu tiên cạnh bên bàn các sư
Chùa làng buổi ấy vô tư
Cơm thập phương độ tâm từ chiêu âm
Hương cau quyện với hương trầm
Tóc tơ thơ dại vọng âm tuổi đời
Bỏ chùa bỏ Bụt rong chơi
Từ tâm quê củi hụt hơi phố phường
Mỏi chân rong ruổi thập phương
Trưa buồn gặp một mùi hương chùa làng
Âm đại hồng chung vang vang
Tiếng trống bát nhã giục sang ấu thời
Bà theo cõi Bụt rong chơi
Tuổi thơ tôi bị bỏ rơi một mình
Chùa làng trong cõi lặng thinh
Bất ngờ giục một hồi kinh động trời
Tháng Tư kinh cũ không thời
Tôi ngồi nhai nốt những lời Bụt xưa…
Hình như, cứ mỗi khi tháng Bảy về, tôi lại nhớ đến khung cảnh làng quê xưa, lúc ấy chùa không như chùa bây giờ, sư cũng lạ lắm, hiền hòa và có gì đó huyền bí, thanh bạch, khó nói. Chỉ riêng mùi hương vườn chùa không thôi cũng đủ làm nhớ cả đời, một chút hương trầm, giác, một chút hương hoa cây chay, rồi hương cây hoa đại… mọi thứ quyện vào nhau, không có mùi nước hoa giả tạo, không có những thứ mùi khiến cho người nhạy cảm bị khó chịu như bây giờ… Và tôi nhớ, tượng Đức Phật Thích Ca thờ giữa chánh điện, lúc tôi lạy Ngài, có cảm giác như từ màu áo vàng của Ngài tỏa ra ánh hào quang, đương nhiên đó là trí tưởng tượng của một đứa bé, chứ lúc đó, bức tượng màu vàng, hiền từ của Ngài không thể tỏa hào quang, sau nay khi lớn lên, thôn quê có điện, người ta mới gắn một cái hào quang chạy bằng điện sau lưng Ngài.
Hồi đó, cũng không có màn gắn hoa hồng thắm cho người còn mẹ, hoa hồng trắng người mất mẹ như bây giờ. Đương nhiên đây là lễ Tự Tứ Tăng, Vu Lan Bồn, tức lễ mà bắt đầu từ rằm tháng Tư, Chư Tăng bắt đầu nhập thất, không đi lại, bởi đây là thời gian vạn vật sinh sôi, nảy nở, mỗi bước chân di chuyển của con người trên mặt đất đều có thể làm tổn thương rất nhiều sự sống, giai đoạn từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy là gia đoạn chư Tăng tu tập, an cư kiết hạ, không đi lại, chỉ tu tập, thiền định… Và đến Rằm Tháng Bảy thì Chư Tăng ngồi lại để chia sẻ những gì mình đã thụ đắc, khai ngộ trong quá trình tu tập an cư kiết hạ (Tự Tứ). Chuyện kể rằng Đức Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật đã khóc trong buổi Tự Tứ và thuật lại chuyện thấy được mẹ mình trong lúc thiền định. Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ bị đọa đưới địa ngục và ngài dùng thần lực để đến dâng cơm cho mẹ, nhưng mỗi khi cơm đến miệng mẹ thì hóa thành lửa, mẹ đói khổ, kêu gào, ngài đau đớn nhưng bất lực. Đức Phật bèn kêu gọi các đệ tử nhân lúc thần lực có được do vừa tu tập đang mạnh hãy cùng nhau hợp lực để cứu mẹ Mục Kiền Liên. Và lần đó hình như thành công… Mục Kiền Liên trở thành biểu tượng đại hiếu…
Và lễ gắn hoa hồng để tưởng nhớ đến mẹ trong ngày lễ Vu Lan Bồn nhằm nhắc nhớ đến đức hiếu đạo của ngài Mục Kiên Liên và của bản thân những người nhận đóa hoa hồng… Kỳ thực đây là buồi lễ ý nghĩa, nhưng nó dần bị sân khấu hóa, nó có gì đó mang tính trình diễn và hình như thời đại bây giờ, cái thời đại mà con cái chưa chắc đã nghĩ gì cho cha mẹ, thậm chí không thiếu kẻ có thể bán đứng cha mẹ bất kì giờ nào vì mảnh đất, căn nhà… thường lại là những người diễn rất sâu trong các buổi lễ gắn hoa hồng như thế này, khóc lóc, quì lạy mẹ, ôm lấy mẹ… đủ các kiểu diễn, nhưng ba trăm sáu mươi tư ngày còn lại thì sao? Câu hỏi này bị bỏ ngỏ. Đó là chưa nói đến một số trường hợp ca ngợi mẹ một cách thái quá, không như thật, cứ bịa ra toàn những chuyện thần thánh cho mẹ… Mọi thứ trở nên không thật, và nhất là khi tăng đoàn bây giờ cũng có gì đó rất khó nói… Điều này làm tôi nhớ lại bữa cơm chay hội của chùa làng một thuở…
Hồi đó, các sư thật là hiền và thương tụi trẻ lang thang, trẻ cơ nhỡ, bữa ăn, các sư cho chúng ngồi bàn kề cận mình và dạy cho chúng cách ăn chay hội. Từ việc cho một ít cơm vào bát, sau đó cho rau, canh bí đỏ, các thức củ quả xào, sau nữa là một ít cà ri chay gồm nước cốt dừa, đậu hủ, khoai tây, cà rốt, khoai lang, đậu phụng, đậu tây, các loại nấm… và cuối cùng là cho một ít rau sống gồm cải non, xà lách, rau má, các loại rau dân dã hái trong vườn chùa, rồi chan một ít tương bần pha với chao, xì dầu và một chút ớt bột. Cuối cùng là ngồi ăn, hãy ăn một cách thân thiện và gần gũi, hãy ăn một cách tĩnh tại và hồn nhiên, như có ba, có mẹ đang cùng ngồi ăn với mình, trong lúc này, ngay nơi này… và hãy biết ơn Trời Đất, Tạo Hóa đã ban cho con người thức ăn và ban cho vạn vật sự sống và cảm xúc để biết cảm nhận tình yêu thương chung quanh mình… Bữa cơm chay chùa làng ngày xưa là vậy, các sư đã dạy như vậy!
Và tháng Bảy về, mùa Vu Lan lại về, tôi lại nhớ đến bát cà ri chay cùng bữa cơm chay hội, cách làm bữa cơm chay hội thật đơn giản, một nồi cơm nóng, một ít đậu hủ cắt lát, chiên giòn, một rổ rau thơm, một bát canh bí đỏ, một bát cà ri chay gồm khoai tây, cà rốt, cốt dừa, nấm hương, khoai lang, bột cà ri, vài trái đậu tây và đương nhiên là một ít đậu chủ chiên, một dĩa xào củ quả hoặc một dĩa giá xào thơm và cuối cùng là một chén tương bần pha với chao và xì dầu, ớt bột hoặc ớt dằm. Bữa cơm chay hội có thể bắt đầu. Kính chúc quí vị có một bữa cơm ấm áp và ý vị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét