Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Trôi Theo Dòng Đời - Đỗ Dung

1-
Vạt nắng Tháng Tư xuyên qua cửa sổ như một dải lụa mềm. Qua mấy ngày mưa gió lê thê, bầu trời ảm đạm; cảnh vật như được hồi sinh! Ngôi nhà của cô con gái chúng tôi nằm giữa một thung lũng bao quanh bằng những đồi cỏ mênh mông, những con đường uốn lượn quanh co nên thơ, những rặng đào trắng, hồng khoe sắc. Hôm nay ngày cuối tuần nên từng nhóm người đi bộ trên đồi, rủ nhau đến những thảm hoa vàng, hoa tím quanh sườn đồi để tạo dáng chụp hình. Nhìn khung cảnh tươi đẹp, yên bình như thế nhưng sao trong tôi vẫn khắc khoải u hoài. Tin tức chiến sự ở Ukraine dồn dập chưa hề thuyên giảm. Chết chóc, đau buồn bao phủ lên cả một dân tộc, kinh động cả thế giới và đang thức tỉnh lương tâm nhân loại toàn cầu.
<!>
Thương xót thường dân Ukraine đang bồng bế nhau chạy loạn trong bom đạn, khói lửa, thêm Tháng Tư đau buồn khiến tôi chạnh nghĩ về quê hương Việt Nam. Những hình ảnh xưa cũ hiện về như một cuốn phim quay chậm.

Buổi sáng hôm ấy con bé em vừa thò đầu qua cánh cửa đã mếu máo nói:
- Chị ơi! Nhà mình bị kiểm kê, họ đóng chốt từ ngày hôm qua, không cho ai ra khỏi nhà, đồ đạc bị niêm phong hết. Sáng nay tụi em vì đi học nên được ra ngoài, mẹ nói em đến báo tin cho chị!
Rồi nó ghé vào tai tôi nói nhỏ:
- Mẹ bảo chị sang nhà bà Tầu lấy mấy gói đồ tụi em quăng sang nhà bà đêm hôm qua.

Nghe em nói mà tôi bàng hoàng, tê điếng. Nhà mẹ tôi không phải là cửa hàng buôn bán hay cơ sở kinh doanh. Qua hai đợt nhà nước đánh Tư Sản, mẹ tôi đã không bị vướng. Bây giờ vì lý do gì và tại sao đây! Con bé em rươm rướm nước mắt còn tôi cũng lo đến ngộp thở. Đợi con bé bình tĩnh lại tôi hỏi em thêm vài điều rồi nói:
- Thôi em đến trường đi học như bình thường cho họ khỏi nghi. Để chị tính!

Nhìn con bé xiêu vẹo đạp xe đi mà không cầm được nước mắt. Bỏ công việc đang làm dở dang, tôi thay bộ quần áo bà ba đen, xách chiếc giỏ cói, đội chiếc nón lá, lấy xe đạp sang nhà bà Tầu “depot” bia và nước ngọt bên cạnh nhà mẹ tôi xem sao.
Đến nơi, liếc sang nhà mẹ, thật kinh hoàng, hai người bộ đội cầm súng lăm lăm gác ngay hai bên cổng. Tôi lạnh cả người, lủi vội vào cửa hàng nhà bà Tầu. May quá tiệm đang không có khách, chỉ có ông chồng bà đang ngồi cưa cây nước đá lớn ra thành những khúc đá nhỏ hơn bỏ vào thùng đựng trấu để khi những người có xe bán đồ giải khát đến mua thì đã sẵn sàng. Bà ta kéo vội tôi vào phòng rồi hổn hển nói:
- Tội nghiệp bà quá cô Ba ơi, trưa hôm qua cả đám bộ đội vô nhà bà, họ có mang súng, vô lục soát, kiểm kê đồ đạc. Lúc đó có mình bà ở nhà, mấy người con đi học hết. Khi mấy người về thì bị nhốt luôn, không ai được ra ngoài. Tôi sợ quá, thương bà quá! Đêm thật khuya tôi nghe như có gì rớt ngoài sân nước, ra coi, ngó lên sân thượng nhà bà thấy mấy người ngoắc, mấy cô xá lia lịa rồi liệng xuống sân nhà tôi hai gói này, may là quấn vải bên ngoài nhiều nên không gây tiếng động. Cũng may nữa là mấy người đóng chốt trong nhà chắc ngủ hết nên không ai biết. Thôi cô đem về cất cho bà. Tôi sợ lắm, lỡ họ biết mà qua nhà tôi thì khổ!

Cám ơn hai ông bà hàng xóm tốt bụng, tôi mua vài chai xá xị bỏ vào chiếc giỏ gắn trước ghi đông xe rồi lặng lẽ đạp xe về mà lòng trĩu nặng âu lo. Cha tôi, một sĩ quan cấp tá quân lực VNCH đang bị nhốt ở trại học tập cải tạo Hà Sơn Bình ngoài bắc không biết ngày nào về. Mẹ tôi với đàn con còn kẹt lại 7 đứa, lớn nhất vừa mới 20, đang học trường Nha còn bé Út mới 7 tuổi. Của cải bị tịch thu hết thì làm sao mà sống đây! Liệu mẹ tôi có chịu đựng nổi qua cơn sóng gió này! Một bầy con tổng cộng 12 đứa, ba người con du học ngoại quốc chưa có công việc vững chắc. Ông anh cả bên Pháp mới ra trường. Hai đứa còn đang học dở dang bên Mỹ. Cô em kế tôi may mắn đi thoát với bên nhà chồng ngay ngày 30/4/75. Tôi đã lập gia đình có hai đứa con nhỏ cũng bị kẹt lại và tang thương không kém.

Ngày hôm sau cô em lớn đi học về ghé nhà tôi kể là khi em về thấy bộ đội gác trước cửa, biết là có biến nên em phóng xe Suzuki chạy đi luôn, là con gái lớn nhất ở nhà nên mẹ tôi giao cho em một cái ruột tượng lúc nào cũng cột chặt vào người, em trở lại trường Nha cất ngay vào tủ khóa riêng trong đó. Đem gửi chiếc Suzuki ở nhà bạn rồi nhờ bạn chở đến đầu đường để đi bộ về nhà.
Vào nhà, khung cảnh thật kinh hoàng. Họ lục tung cả nhà lên, lục hết quần áo, đồ đạc, sách vở trong các ngăn tủ, ngay cả những thứ cất trong ngăn chiếc tủ thờ bằng gỗ cẩm lai ở sát vách cũng bị lôi ra hết. Họ theo sát mẹ tôi, bà đi đâu họ đi theo ngay bén gót. Họ đổ hết đồ đạc ra đầy sàn nhà rồi chất vào thùng những gì họ cho là quý giá, ngay cả những hộp sữa bột để dành cho hai đứa cháu ngoại, những món quà kỷ niệm, những tấm plaque vàng dát mỏng mà bạn bè tặng khi sinh nhật hay ngày tết hoặc những ngày khao vọng gì đó, mấy chuỗi ngọc, vòng đeo tay và hộp nữ trang của mẹ, mấy xúc vải mua sẵn để may quần áo vì nhà con đông. Họ đóng chốt tại nhà, ăn ngủ tại chỗ để lục lọi, kiểm kê tiếp. Họ chiếm phòng sinh hoạt chính của gia đình, cả nhà bị dồn vào một phòng ở dẫy đằng sau, không biết bao giờ họ mới rút đi! Họ niêm phong hết những gì họ tìm thấy và khi khám phá ra mấy giỏ thuốc tây mà mẹ mua bán hàng ngày làm kế sinh nhai thì họ quy mẹ vào diện tư sản mại bản, thêm nữa vì là vợ của sĩ quan cấp tá “ngụy” nên họ bắt mẹ phải đi kinh tế mới!

Tôi nghe em kể mà xót xa. Biết bao công lao mồ hôi nước mắt gây dựng nên cơ nghiệp của cha mẹ tôi mà bỗng dưng người ta tước đoạt hết và cưỡng bách ra khỏi nhà để họ chiếm nốt ngôi nhà của chính cha mẹ tôi đã dựng xây. Tương lai các em tôi sẽ ra sao đây!
Sau khi tịch thu hết cuả cải, đồ đạc họ đem xe đến chở mẹ tôi cùng những người cũng bị kiểm kê đợt đó lên khu kinh tế mới để nhận đất, nhận nhà. Lên đến nơi thấy rừng núi hoang vu, loáng thoáng những mái tranh không tường, không vách. Mẹ tôi nghĩ đến đàn con còn đang đi học mà lại toàn là con gái nhỏ không có sức lao động, không thể khai phá đất hoang. Lên đây thì không thể nào sống được, trước sau gì cũng chết! Mẹ tôi không chịu ở lại và với vài người khác nữa rủ nhau trở về thành phố. Bị dồn đến đường cùng mẹ đi kêu nài khắp nơi, từ ban cải tạo phường, quận đến ban cải tạo thành phố và uỷ ban quân quản, ủy ban nhân dân. Cuối cùng có người mách nước là nếu có nơi để về hồi hương thì không bị ép đi kinh tế mới. May mắn còn cái ruột tượng và hai gói đồ còn giữ được, mẹ tôi mua một căn nhà lá tại Long Thành ngay cây số 80 trên đường đi Vũng Tàu để có địa chỉ hồi hương.

2-
Đầu óc tôi lại bềnh bồng trở về những ngày tháng cũ xám xịt thê lương. Những nhục nhằn, khổ đau của những người đàn bà còn ở lại, phải đối phó với những kẻ đang vênh vang thắng thế, phải đương đầu với những hoàn cảnh khắt khe.

Căn nhà mẹ tôi mua ở Long Thành thấp lè tè, tối om, chỉ nhỏ như một cái buồng, mái tranh, vách lá, nền đất nện. Mẹ tôi ở đó một mình, như bị đầy đọa, ra vào im lìm như cái bóng. Các em tôi may mắn được ở lại Sài Gòn để đi học. Sau nhà có một ao rau muống nước đục ngầu. Quanh nhà có những luống khoai mì ốm yếu, siêu vẹo vì không người tưới bón thường xuyên.
Ngôi nhà cuả mẹ tôi ở Sài Gòn bị phường khóm trưng dụng, nguyên tầng dưới làm kho chứa hàng, chất đầy các cần xé cá khô và những hũ mắm xông mùi nồng nặc. Họ chiếm mấy tầng trên làm nơi cư ngụ. Các em tôi bị dồn vào một phòng ở dẫy nhà sau.

Trên những chuyến xe đò từ Sài Gòn ra Long Thành để thăm mẹ, tôi thường ngồi khóc lặng lẽ vì nghĩ đến mẹ mà thương. Mẹ tôi mới ngoài năm mươi mà tưởng chừng như già lắm, sống quạnh hiu ở một nơi không người thân thích. Nhà một bầy con mà phải một mình sống cô đơn, lủi thủi trong căn nhà lá lụp xụp, ban đêm chỉ có một ngọn đèn dầu leo lét. Mẹ tôi, cô con gái Hà Thành, con một ông giáo mà theo thời cuộc tang thương của đất nước đã trải qua bao cơn bĩ cực, đắng cay. Năm 1944, mười tám tuổi, lên xe hoa về nhà chồng. Hạnh phúc chưa được bao lâu, cửa hàng ở phố Huế do ông bà ngoại giúp vốn để làm ăn vừa mới ổn định thì đầu năm 1946 đã phải bồng đứa con thơ đầu lòng tản cư ra khỏi thành phố. Ngày hồi cư Hà Nội cuối năm 1947 cha mẹ tôi xơ xác, tả tơi, quần áo rách mướp, túi tiền gần cạn. Bà nội, cô Nga còn nhỏ, hai đứa con còn bé xíu, anh tôi mới hơn hai tuổi, tôi mới ra đời được vài tháng. Nhà bà nội tôi chỉ còn là một đống gạch đổ nát và cửa hàng ở phố Huế của mẹ tôi cũng tan hoang, đồ đạc mất sạch. Cha mẹ tôi phải xây dựng lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Mới có chút cơ ngơi thì năm 1954 vì hoàn cảnh đất nước bị chia đôi, hai người lại phải khăn gói ra đi, bỏ lại quê cha, đất tổ, mồ mả tổ tiên. Lần này quần áo lành lặn, tươm tất nhưng gánh trên vai nặng hơn, bà nội tôi và sáu đứa trẻ, cậu Thắng mới 11 tuổi, năm anh em chúng tôi, anh Dũng mới lên chín, em Tuấn còn phải bế trên tay.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tới Sài Gòn, máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc giữa trưa. Trời Sài Gòn nắng gắt, chúng tôi mệt nhoài và nóng nực vì rời Hà Nội từ sáng tinh mơ nên bà và mẹ tôi đã cẩn thận cho chúng tôi mặc áo ấm. Vừa được đưa đến dãy lều vải ngay trước phi trường thì mây đen từ đâu ùn ùn đến và cơn mưa đổ ập xuống. Mỗi người được phát một ổ bánh mì và một ly nước chanh. Chúng tôi co ro ngồi trong lều, vừa ăn vừa nhìn mưa. May qúa ăn xong vừa lúc tạnh, cha tôi đi làm thủ tục giấy tờ và chúng tôi được xe đưa đến nhà thương Bình Dân ở đường Hai Mươi (sau đổi thành đường Phan Thanh Giản). Nhà thương khi ấy mới xây, dùng làm nơi ở tạm cho đồng bào di cư. Mỗi gia đình được phát một chiếc chiếu cói, chiếm ngụ một góc phòng.

Chưa đầy ba mươi tuổi, vào miền nam, cha mẹ tôi phải xây dựng lại từ đầu, từ căn nhà gỗ mái ngói nhỏ xíu trên đường Thành Thái. Nhà tuy nhỏ nhưng miếng đất rộng rãi, xinh xắn có thể phát triển sau này và ở ngay mặt đường lớn sẽ dễ làm nơi buôn bán, nhất là lại vừa số tiền có lúc đó nên chỉ sau 3 ngày cha mẹ tôi đã làm xong mọi thủ tục giấy tờ và chúng tôi rời khỏi nhà thương Bình Dân ngay.
Khi ấy lòng đường Thành Thái rộng, được chia đôi bằng một hàng cây điêp to cao ở giữa. Đứng trong nhà nhìn sang bên kia đường như xa vời vợi vì mỗi nhà đều có một khoảng sân đằng trước cây cối xum xuê.
Căn nhà gỗ nhỏ ngăn hai buồng, cách một sân nước là căn nhà sau mái tôn không cửa, như một quán chợ. Ngay góc phòng có một cầu tiêu nhỏ như một cái tủ áo, liền đó một bàn xây bằng xi măng trên để mấy bếp lò bằng đất nung. Chủ nhà cũ để lại cho hai bộ ván ngựa và 1 cái lu đựng nước.

Các em tôi lần lượt ra đời trong căn nhà đó và do sự chịu thương chịu khó, làm lụng khó nhọc, sự cần kiệm và tháo vát của mẹ tôi, căn nhà phát triển từ từ theo thời gian, từ nhà gỗ sang nhà gạch một tầng nới rộng tới vỉa hè. Đường Thành Thái được tu sửa, hàng cây điệp ở giữa được bứng đi, lòng đường được san bằng và trải nhựa đen bóng thành một đại lộ kéo suốt từ đường Cộng Hoà lên tới chợ An Đông, tiếp nối với đường Hùng Vương, đi thẳng vào Chợ Lớn. Thoạt đầu các xe đò được đậu dọc hai bên đường Thành Thái, kéo dài từ Trần Bình Trọng đến đường Petrus Ký. Mẹ tôi khai trương tiệm tạp hóa Tiến Thịnh ngay khi có bến xe đò lục tỉnh trước cửa. Mẹ tôi bán những vật dụng cần thiết cho khách vãng lai như khăn mặt, sà bông, thuốc đánh răng, thuốc cảm, bông băng, giầy dép, bánh kẹo, những đồ chơi nhỏ để làm quà và đồ ăn vặt. Xung quanh có vài nhà cơi phòng phía ngoài, kê ghế bố cho khách ngủ qua đêm. Các mặt hàng thêm vô từ từ, mẹ tôi đi chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Bình Tây để bổ hàng, bắt đầu là những nhu yếu phẩm cần thiết cho con người như gạo, muối, đường, nước mắm, dầu, dấm, dầu hôi, củi than... Vài năm sau chúng tôi lớn lên, cửa hàng của mẹ khấm khá và nhân số gia tăng, căn nhà được xây lên thành nhà hai tầng với sân thượng có một phòng nhỏ thờ Phật, cũng là phòng riêng cho ông anh cả. Khi xây nhà mẹ tôi dặn nhà thầu đóng cừ và đổ móng thật chắc để mẹ dự trù sẽ xây nhà lên cao hơn khi có thể. Mẹ tôi làm việc bẩy ngày một tuần từ sáng sớm đến nửa khuya, trừ mấy ngày nghỉ Tết và một tuần sau khi sanh em bé. May mắn là có bà nội trông nom săn sóc chúng tôi và cha tôi khi di cư vào nam đã mang lon Thiếu Uý, ông tiến triển đều đều trong binh nghiệp và mỗi tối chăm lo dậy bảo, kiểm soát bài vở các con.

Cuộc sống êm đềm trôi, vài năm sau mẹ tôi lại cơi nhà thêm một tầng nữa và cửa tiệm của mẹ tôi đã phát triển thành một siêu thị nho nhỏ gồm đủ các mặt hàng, bán đủ các đồ dùng, sách vở, giấy bút cho học sinh, thêm một góc chứa vải vóc và đủ các vật dụng cần thiết cho các tiệm may. Các nhu yếu phẩm vẫn còn đầy đủ.

Đến năm 1965, cha tôi khi ấy đã lên cấp tá, đang làm quản lý tại Viện Bài Lao Ngô Quyền thì bà nội tôi mất, anh cả đã đi du học, tôi là chị gái lớn nhất, vừa xong Tú Tài, sắp lên Đại Học. Cha mẹ tôi quyết định dẹp tiệm, bán hết hàng tồn kho, quầy tủ. Thu góp tiền bạc, vay mượn thêm bạn bè để xây căn nhà mái tôn phiá sau thành một dãy nhà bê tông bốn tầng để cho thuê lấy lợi tức vì lương sĩ quan của cha tôi chỉ đủ cho nhu cầu căn bản của gia đình. Cuối năm đó nhà cửa xây xong, có người thuê đầy đủ, mẹ tôi yên chí lo tề gia nội trợ, cho người làm nghỉ việc và dành thời gian cùng cha tôi chăm chút đàn con, uốn nắn một bầy con gái đang tuổi lớn của cha mẹ.

Tưởng cuộc đời cứ thế bình thản trôi. Cha tôi được chuyển về dạy Hành Chánh tại trường Quân Y ở Sài Gòn. Năm 1971 gả chồng cô gái lớn. Năm 1972 gả chồng cô em tiếp theo. Sau khi lo cho hai người con nữa sang Mỹ du học, ông bà bắt đầu vui với hai đứa cháu ngoại thì tang thương ập đến! Ngày Ba Mươi Tháng Tư Oan Nghiệt!!

3-
Đầu óc tôi chập chùng, lùng bùng những hình ảnh Sài Gòn sau ngày đổi chủ, những đau xót, tang thương, những tủi nhục, đọa đầy. Mẹ tôi biết là không thể sống được với chế độ này nên đã từ từ tung các con ra đại dương để đi tìm tương lai, chỉ giữ cô út ở lại với mẹ để chờ bố. May mắn nhờ Trời Phật và tổ tiên che chở, các em tôi đến bến bờ bình an. Cuối cùng sau hơn mười năm tù đầy cha tôi cũng được thả về.

Ngày 20/ 4/ 1990 chúng tôi đã kéo nhau đến phi trường San Francisco để đón ông bà và dì út. Đại gia đình chúng tôi đoàn tụ hết trên đất nước Hoa Kỳ. Anh tôi cũng đã từ Pháp sang sống gần các em từ sau 1975. Mười hai người con của cha mẹ, thêm dâu, rể và các cháu tề tựu hết cho ông bà điểm danh.

Từ trước 1975, với bầy con 12 đứa, cha mẹ tôi đã ấp ủ có một Đỗ Gia Trang, một dẫy nhà hình chữ U gồm 13 phòng lớn. Ông bà một phòng và mỗi gia đình con một giang sơn nhỏ để khi ông bà về hưu thì gia trang này sẽ là nơi con cháu tụ họp vào những ngày Tết, ngày giỗ hay dịp nghỉ hè. Ông sẽ cầm cây gậy chỉ huy để chỉ huy lũ cháu chắt. Cả một gia trang sẽ rộn rã tiếng cười. Cha mẹ chúng tôi đã mua sẵn mấy mẫu đất trên sườn đồi khu Mê Linh, Đà Lạt, trông ngay ra mặt hồ, phong cảnh thật nên thơ để thực hiện giấc mơ đó. Nhưng ai ngờ, đến ngày mất nước! Tất cả các mộng ước của ông bà đều vỡ tan. Nhà đã vẽ nhưng chưa kịp xây thì cha tôi, một sĩ quan cấp tá của Quân Đội VNCH đã phải khăn gói đi tù.

Được sang đoàn tụ với con cháu trong một đất nước thanh bình, thở hít không khí tự do; nhìn đàn con cháu tươi vui, tâm hồn trong sáng, cha mẹ tôi rất mãn nguyện. Luôn nhắc nhở con cháu phải nhớ về cội nguồn dân tộc, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Nhất là anh em phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau khi cần. Đại gia đình dù không sống gần nhau cũng phải ít nhất gặp nhau mỗi năm một lần để giữ sợi dây thân ái.

Giờ đây cha mẹ tôi đã ra người thiên cổ!

Đỗ Dung
Posted by Kim Oanh at 02:00
LongHồVĩnhLong

Không có nhận xét nào: