Ngọc lấy chồng năm hai mươi hai tuổi. Ngọc được sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng cuộc sống của Ngọc không đến nỗi cơ cực như những đứa trẻ đồng cảnh trong những gia đình đông anh chị em khác. Ngọc là con một, có cha làm nhân viên phát thơ cho một chi nhánh của bưu điện Saigòn. Mẹ làm chủ một xe nước mía trước nhà trong khu phố Bàn Cờ. Năm Ngọc đang học lớp Đệ Lục trường Trung Học Gia Long thì mẹ bị tai nạn nên Ngọc phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ và thay mẹ trông nom xe nước mía. Tết năm đó, gia đình cha mẹ Ngọc về quê ngoài miền Trung ăn Tết.
<!>
Khuya Mồng Hai tết, thành phố bị quân cộng sản giải phóng Miền Nam pháo kích, ông bà ngoại chết và mẹ bị thương, hai tay phải bị cắt bỏ. Mẹ bị mất hai tay, sức khỏe suy yếu nên từ đó mọi việc trong gia đình đều do một tay Ngọc chăm lo.
Một buổi trưa ra về, từ nhà người bạn học thân hồi trước mời dự tiệc mừng vừa đỗ Trung Học phổ thông. Trời đang nắng tốt bỗng một cơn mưa giông ập tới, khách bộ hành chạy tán loạn tìm chỗ tránh mưa. Không may cho Ngọc, con đường Ngọc đứng nằm trong một khu dân cư giàu có, nhà cửa cách biệt, tường cao, cổng đóng kín. Không tìm được nơi tránh mưa, Ngọc đành phải đứng sát người bên thân một gốc me lớn cho khỏi bị ướt. Cơn mưa mỗi lúc một lớn, chiếc nón lá không đủ lớn che toàn cơ thể, nước mưa thấm ướt bộ áo quần trắng dính sát vào cơ thể Ngọc... những thanh-niên đứng cạnh chăm chú nhìn vào người Ngọc, Ngọc thấy xấu hổ, mặt nóng bừng lên. Ngọc hơi gập người lại, khoanh tay trước ngực.. đang lúc bối rối, có một tiếng thắng của xe bên lề đường, sát bên gốc me một giọng nam gọi lớn: "Ngọc! lên xe nhanh lên kẻo ướt hết!" Ngọc ngước đầu lên, thấy một chiếc xe Jeep quân đội đang đậu bên đường.
Thế đang ngồi nơi tay lái... Ngọc chạy vội đến leo lên xe. Thế, người lái xe hỏi:
- Ngọc đi đâu? Mùa nầy ra đường dầu thời tiết tốt xấu đều phải mang theo áo mưa, nay đi đâu mà không mang theo?
Ngọc chưa trả lời thì Thế tiếp:
- Người ướt hết rồi, không chừng bịnh bây giờ.. lấy cái poncho ở ghế sau che người lại cho đỡ lạnh".
Vừa nói Thế vừa đưa mắt nhìn Ngọc... Ngọc thấy mình luống cuống trước cái nhìn của Thế.
Ngọc xoay người ra sau lấy cái poncho nhà binh phủ lên tạm lên mình, vừa hít hà vì lạnh, vừa trả lời:
- Em đến thăm con bạn học cũ vừa đậu Trung Học, về đến đây thì bị mắc mưa... ủa anh đi đâu mà ngang qua chỗ nầy vậy ?"
Thế vừa cho xe lăn bánh vừa trả lời:
Vừa lái xe cho ông Tướng vào họp trong Phủ Tổng Thống, trên đường về nhà ông Tướng chờ lệnh, nên chạy ngang qua đây.
Hai cần gạt nước mưa không kịp làm trôi những hạt mưa lớn, mặt kính xe vẫn lờ mờ hình ảnh phía trước mặt. Thế tập trung nhìn thẳng, gương mặt cương nghị, đẹp trai, bộ đồ lính màu phân ngựa bó sát thân hình cao lớn,vạm vỡ, trên vai mang huy hiệu Trung Sĩ hình chữ V được thêu bằng chỉ kim tuyến óng ánh. Ngọc tính chọc quê Thế:
- Anh mang hai cánh gà chiên bơ nầy lâu rồi sao không xin ông Tướng.. thì vừa lúc xe ngừng trước nhà. Ngọc vội xuống xe chạy vào nhà, chưa kịp nói lời cám ơn, chưa kịp hoàn trả áo poncho thì xe của Thế đã chạy khá xa.
Gia đình cha mẹ Thế giàu có nhất khu phố vì có cơ sở buôn bán máy cày Kubota của Nhật. Thế có bốn anh chị em. Thế là con trai đầu. Lúc nhỏ, Thế và Ngọc học chung cùng trường Tiểu Học Bàn Cờ, nên có khi chơi chung với nhau. Thế học hơn Ngọc ba lớp. Lên Trung Học Thế học trường Trương Vĩnh Ký còn Ngọc vào học Trung Học Gia Long được hai năm thì nghỉ. Thời còn đi học, Thế thích chơi thể thao, bơi lội và luyện tập võ nghệ. Thế là tay thủ môn nổi tiếng của trường và của khu phố. Thế có rất nhiều huy chương và bằng khen về môn Việt Võ Đạo toàn quốc. Ham thể thao nên xao lãng việc học. Thi hỏng Tú Tài I, đến tuổi phải thi hành nghĩa vụ của công dân trong thời chiến, Thế nhập học lớp Hạ Sĩ Quan của trung tâm huấn luyện Đồng Đế, ra trường với cấp bậc Trung Sĩ ngành quân vận, Thế được thuyên chuyển về phục vụ tại Biệt khu Thủ đô Saigòn Gia Định, biệt phái lái xe cho ông Tướng.
Việc Thế lái xe cho ông Tướng có không ít tiếng chì tiếng bấc trong khu phố. Ngày đầu tiên nhận công tác lái xe cho ông Tướng, Thế ghé uống nước mía nhà Ngọc. Thấy Thế có vẻ không vui, Ngọc hỏi:
- Anh Thế có gì không ổn sao mặt mày rầu rĩ vậy?.
Thế thở dài rồi nói một hơi, như muốn trút đi những gì bị kềm hãm trong lòng, nay có người khơi được giòng chảy:
- Người ta nói anh con nhà giàu, cha mẹ dùng tiền lo chạy chọt về làm việc nơi an toàn, tránh tham gia đánh nhau ác liệt với kẻ thù ngoài trận địa... nếu tránh tham dự vào cuộc chiến nầy thì gia đình anh đủ và thừa sức lo cho anh đi du học từ lâu rồi, cần gì phải để vào lính rồi mới lo chạy.. và chưa chắc lo được vào chỗ an toàn như mong muốn! Khi vừa mãn khóa học, được lệnh chuyển về phục vụ tại Biệt khu thủ đô, anh đã trình thượng cấp xin phục vụ trong đơn vị tác chiến, nhưng thượng cấp đã bác yêu cầu của anh.. nói anh có thể lực tốt của một người lính, đồng thời anh lại có võ nghệ, một nhu cầu cần thiết trong quân cách để phục vụ bên cạnh một vị Tướng lãnh... và trong quân ngũ thì chấp hành trước, khiếu nại sau.. anh đã khiếu nại rồi và chưa biết bao lâu nữa mới có trả lời!
Để phá không khí nặng nề đang có, Ngọc chọc quê Thế: "anh có duyên nợ với ông Tướng mà than trách gì. Thời còn đi học không chịu lo học, chỉ lo bơi lội đá bóng, tập võ, luyện tập cơ thể là để nhận lãnh việc ngày hôm nay là đúng rồi, còn than thở gì nữa?”.
Thế đặt mạnh ly nước mía xuống bàn, phản ứng theo lời của Ngọc:
- Lái xe cho ông Tướng thì cũng đành chịu thôi, nhưng làm việc nhà cho ông Tướng cho bà Tướng, cho lũ con ông Tướng thì không chịu được.
Thế đưa tay vỗ vào ngực: "Thân thể to lớn như thế nầy mà làm tà-lọt cho ông Tướng và gia đình ông Tướng thì thảm thật".
Trả tiền nước mía xong, trước khi đi, Thế vừa cười vừa chỉ tay về phía Ngọc:
- Anh cấm Ngọc nhác lại câu nói vừa rồi, tái phạm thì xe nước mía nầy sẽ vắng bóng anh.
Cả hai cùng cười.
Sau ngày cứu Ngọc ra khỏi "cơn mưa", Thế ghé uống nước mía thường xuyên hơn. So với thời còn đi học, chỉ khi nào cùng bạn đi đá bóng về mới ghé. Bạn bè Thế gọi Ngọc là người đẹp của thủ môn tài năng tương lai. Ngọc đỏ mặt, cúi đầu nhưng không quên liếc mắt nhìn Thế. Thế chỉ cười, bảo bạn: "hãy để cho người ta yên" và hôm dó Thế gọi:
- Bé Ngọc! tính tiền nước mía, hôm nay anh bao". Lũ bạn vỗ tay cười vang. Có đứa nói: "kể từ nay tụi nầy sẽ đến uống nước mía ghi sổ, để Thế trả được không bé Ngọc?”
Ngọc không trả lời, Lần đầu tiên nghe Thế và lũ bạn của Thế gọi “bé Ngọc”, Ngọc sượng cả người. Cũng bắt đầu từ ngày hôm đó tiếng bé Ngọc bán cho anh một ly nước mía hoặc bé Ngọc tính tiền nước mía thường xuyên được Thế sử dụng. Rồi những ngày như vậy qua đi cho đến ngày Thế vào quân đội. Một thời gian dài vắng Thế, Ngọc bắt đầu cảm thấy thiếu vắng, trống trải thương nhớ Thế. Đêm nằm không ngủ được, trằn trọc, trở mình... rồi những cơn mơ về sáng, Ngọc được Thế dìu đi trên những con đường đầy hoa.. hương thơm ngào ngạt... và ánh mặt trời buổi sáng chói lọi xua đuổi cơn mê.. Ngọc mở mát, toàn thân ngây ngất như say... Ngọc mỉm cười.. biết mình đang yêu.
Nhưng Ngọc đâu có biết, khi Ngọc cả ngày ở nhà săn sóc cho mẹ, quanh quẩn bên xe nước mía, lo đi chợ, cơm nước, thì Thế có nhiều bạn gái, sang và đẹp. Bạn gái quen của Thế toàn con nhà giàu, học các trường nữ trung học nổi tiêng của Saigòn, ăn mặc hợp thời trang, thường xuyên lui tới nhà Thế..
Một buổi trưa Thế đến mua nước mía, ngoài một ly để uống như thường lệ, Thế mua thêm mấy bịch để mang đi. Ngọc định hỏi mua cho ai mà nhiều vậy.. Thế chưa kip trả lời thì có tiếng nói nữ vang lên từ ống nghe liên hợp phát ra từ máy truyền tin trong xe: “Anh Thế, gần đen giờ rồi, anh đưa em ra bến xe không thì bị trễ". Thế đến bên xe trả lời:
- Em chuẩn bị, anh về ngay. Rồi Thế tắt máy liên hợp.
Tự nhiên Ngọc cảm thấy có chút gì bực bội khi nghe tiếng nói của người nữ và tiếng trả lời của Thế. Lúc Thế đang trả tiền, Ngọc hỏi giọng không vui: "Cô nào gọi anh vậy? bộ vợ sắp cưới của anh phải không?”. Thế trả lời không suy nghĩ: "Ờ, vợ sắp cưới của anh đó". Tự nhiên Thế thấy Ngọc dằn mấy tờ bạc thối lại trên bàn, vội quay lưng đi vào bên trong. Cử chỉ và hành động của Ngọc khiến Thế bật cười, anh hiểu Ngọc đang có tâm trạng của một người thầm yêu bị hụt hẫng. Thế nói lớn:
- Trời ơi, khổ cho tôi, chưa có người yêu thì lấy đâu ra vợ mà cưới... con gái của ông Tướng đó, bữa nay cuối tuần phải đưa quý nữ ra bến xe Đà Lạt đi thăm ông nội, ông ngoại gì trên đó... ghé mua mấy bịch nước mía cho mấy quý tử... uống ly nước miá chưa xong mà đã bị hối rồi... thân làm tà-lọt có khác!
Trước khi rồ máy cho xe chạy, Thế quay mặt vào nói lớn cho Ngọc nghe:
- Vợ sắp cưới của thằng Trung Sĩ tà-lọt nầy là là.. là.. bé Ngọc, chịu hôn ?
Xe lăn bánh, vừa lúc Ngọc xuất hiện, Thế không quên ném cho Ngọc một cái nháy mắt thật lẳng.
*********
Cuộc chiến tranh Quốc Cộng chấm dứt. Tiếng súng không còn nữa, nhưng nỗi đau thương và bi đát còn tàn tệ hơn khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Những người được CS tuyên truyền & tuyển chọn hợp tác làm việc tại chỗ cho cộng quân bắt đầu xuất hiện, họ như những đàn rận nằm trong chăn... làm tay sai đắc lực cho những người trong rừng núi về đồng bằng. Những bắt bớ tù tội, những oan sai cùng chung tay với bọn cai trị mới khiến lòng dân ca thán lên thấu trời xanh. Hàng triệu người bỏ nước ra đi trốn cộng đã bỏ mình trên biển hay trên vùng rừng núi thâm sâu vùng biên giới nước bạn. Những người sĩ quan chiến bại, buông súng đầu hàng, sau đó bị tập trung vào các trại tù cải tạo. Người cha của Ngọc tuy chỉ là một phát thơ bưu điện cũng bị quy kết là ngụy quyền, không cho tiếp tục làm việc.
Ngọc không có tin tức về Thế từ những ngày giao động đó. Ngọc lo lắng về Thế. Hàng ngày đi ngang qua nhà Thế, Ngọc nhìn vào không thấy ai, cửa đóng kín. Những tiếng hoan hô ồn ào của những đoàn biểu tình vắng dần. Những nhóm thanh niên, thiếu nữ đeo băng đỏ, cầm súng Ak, gậy gộc, dao phay mã tấu xông xáo trong phường khóm để tìm ngụy quân, ngụy quyền và ác ôn cũng thưa dần...
Rồi thì một buổi sáng Thế đến nhà Ngọc. Anh ngồi ngay bực cấp trước cửa nhà, mệt mỏi, bơ phờ. Ba Ngọc mời anh vào nhà mời anh một ly trà pha đường. Thế tiếp ly trà vừa để xuống bàn thì bật khóc. Thế cố ngăn tiếng khóc, nên chỉ nghe tiếng ấm ức phát ra từ lồng ngực của anh. Ngọc lấy khăn ướt cho anh lau mặt. Anh ngùng khóc; thở ra, vừa lắc đầu vừa kể cho ba Ngọc, cho mẹ Ngọc cho Ngọc cùng nghe:
- Ông Tướng chết rồi. Ông chết can đảm, anh dũng của một kẻ chiến bại ngay hôm 30 tháng 4. Thân hình ông ngã sấp xuống mặt đất, đầu ông loang máu, khẩu súng vẫn còn trong tay. Ông đã tự sát khi vừa có lệnh buông súng đầu hàng. Buổi sáng hôm đó ông ra lệnh cho tôi bằng mọi giá phải đưa vợ con ông ra bến Tàu Sài gòn.. và nếu vợ con Ông lên tàu được, tôi phải đi theo cùng với vợ con ông không được quay trở về. Nhưng tôi không làm theo lệnh ông Tướng. Vợ con ông Tướng vừa lên tàu, tôi quay trở về, tôi không thể bỏ đi được.
Kể đến đây Thế nhìn thẳng vào mặt Ngọc, lắc đầu nhè nhẹ nói tiếp:
- Và và.. còn gia đình cha mẹ tôi nữa... Tôi không biết làm gì cho ông Tướng.. tôi chỉ biết hạ lá cờ ba sọc treo trên tường sau bàn ông Tướng phủ trên người ông... hồi đó, hồi còn lái xe cho ông Tướng, tôi có mặc cảm làm tôi cho Ông Tướng và gia đình ông, nay ông chết oai dũng như vậy... tôi không cảm thấy còn mặc cảm nữa, ngược lại hãnh diện đã phục vụ cho một vị Tướng trung dũng và anh hùng. Dường như không còn kềm nổi xúc động từ những lời chính mình vừa thốt ra, Thế nhắm mắt lại, dùng bàn tay che mặt, im lặng.
Gia đình cha mẹ Thế bị chính quyền mới qui tội tư sản mại bản, tài sản bị tịch thu, trục xuất mọi nguời ra khỏi nhà, và áp lực đi vùng kinh tế mới. Thế bị một bạn cũ trong đội đá bóng, một cơ sở nằm vùng tố cáo gian là làm việc mật cho ban An Ninh Phượng Hoàng của chính quyền cũ đã đánh phá cách mạng. Đây chỉ là tư thù. Nguyên trước đây người bạn nầy yêu một cô bạn của Thế, cô nầy không đáp lại tình yêu của người nầy mà chỉ yêu Thế, nhưng Thế chỉ để ý Ngọc. Cuộc chiến chấm dứt, người bạn nầy làm công an khu vực vẫn nghĩ Thế là nguyên do khiến người con gái kia hờ hững với tình cảm của y. Thế bị nhốt tù hơn một năm.
Ngày mãn tù về lại xóm cũ, Thế được tin toàn gia đình vượt biển và không nghe tin tức về, e mất tích. Không có bà con thân thích, không nhà cửa, Thế lang thang, đói rách. Cảm thông được hoàn cảnh của Thế, cha mẹ Ngọc đưa Thế về nhà cho ở chung.
Cha Ngọc không có việc làm. Thế không có việc làm. Không có người cung cấp mía tươi ép nước mía... mẹ Ngọc đành bán đôi bông tai ngày cưới để cha Ngọc mua một chiếc xe hai bánh làm phương tiện cho ông và Thế chở hàng hóa cho những người mua bán hàng trong chợ. Công việc siêng năng, nhẫn nại của hai người đàn ông đã tạo được lòng tin của khách hàng trong những chuyến nhận hàng, giao hàng không cần chủ đi theo.. cuộc sống không còn quá eo hẹp.. Cha mẹ Ngọc chấp thuận cho Thế và Ngọc cưới nhau. Năm đó Ngọc vừa đúng mười chín tuổi. Một năm sau thằng Sự, đứa con trai của hai người ra đời. Cùng năm đó cha Ngọc trong một chuyến cùng chở hàng với Thế bị một xe Honda do một người mặc sắc phục quân đội đụng phải rồi bỏ chạy, ông bị bể mắt cá chân.. từ đó ông nghỉ phụ xe, mọi việc chỉ còn mình Thế xoay xở.
*********
Thế kéo xe vừa ra khỏi nhà thì gặp tên công an khu vực. Thế biết nó đang chờ anh như mọi lần trước, anh định kéo xe quay vào nhà nhưng không kịp. Nó hỏi:
- Sáng nay anh có khách chưa, nếu chưa anh ghé nhà tôi kéo mấy thùng hàng xuống khu chợ Cũ cho vợ tôi nhé?
Biết không từ chối được, Thế nhận lời. Nhà nó là nơi tập trung lén lút thu mua đồ cũ của những người cần tiền đem đến bán. Vợ nó có một sạp bán hàng tại chợ Cũ. Thế đã chở hàng cho bà ta nhiều lần nhưng bà luôn luôn khất, ít khi trả tiền ngay mỗi khi Thế hỏi.. Bà biết chồng bà không ưa Thế, hăm dọa Thế, dọa lập danh sách đưa Thế đi làm thủy lợi nhiều tháng.. Để kiếm sống, ít bị làm khó dễ, Thế phải chịu đựng thỉnh thoảng làm chùa cho bà. Vì thế hôm nào có hàng cần chở ra chợ Cũ là sáng hôm đó tên công an đứng đón đường Thế. Thế buồn bực lắm, ráng chịu, không nói cho Ngọc biết sợ Ngọc buồn. Chỉ có cha Ngọc biết, vì ông cũng cùng Thế chở hàng cho vợ tên công an nhiều lần trước đây.
Sự chịu đựng của con người có bản chất chân thật như Thế có một ngày được đền đáp. Khi Sự, đứa con trai của vợ chồng Thế gần được bốn tuổi, nhân ngày sinh nhật của con, Thế đi tìm mua một món quà cho con.
Thế dựng xe bên một sạp nhỏ bán đồ chơi cho con nít. Đang đảo mắt tìm cho con món đồ chơi, có tiếng của tên công-an:
- Tôi đi tìm anh từ sáng đến giờ.. có người trong khu phố đi định cư nước ngoài, người ta hiến nhà cho nhà nước, và nhà được giao cho tôi quản lý... giờ nầy anh đến đó làm sạch sẽ nhà và đi vứt những thứ không cần thiết... tôi sẽ trả công cho anh.
Nghe đến câu"tôi sẽ trả công cho anh", Thế cười thầm trong bụng... chắc là tiền công nầy đến tết Congo mới nhận được. Biết không từ chối được, Thế nhận lời.
Thế biết nếu giả dụ như nói "tôi có hẹn với khách hàng" thì tên công an sẽ làm thinh theo dõi Thế để xác minh.! Nó có vạn sáng kiến để trả thù.
Căn nhà có một tầng lầu, khá đẹp nằm trong một con hẻm tương đối yên tĩnh. Vật dụng trong nhà hầu như không còn gì, có lẽ chủ nhân đã bán hay đã cho những ai đó. Đang dọn dẹp trong nhà tắm thì tên công an vào nhặt mấy hộp kem đánh răng và bàn chải chủ nhân còn bỏ lại vứt vào giỏ đựng rác. Tiếc rẻ, Thế nhặt lại hộp kem đánh răng Hynos có đầu người Phi châu da đen nhe hàm răng trắng bóc. Hộp kem còn căng đầy, Thế cho vào túi áo, xong việc, ra về. Tên công an bảo Thế tối qua nhà nó lấy tiền công. Thế biết đây là cách nói để quỵt tiền công. Thế thản nhiên kéo xe đi, trong đầu không một chút thoáng hiện ý nghĩ sẽ qua nhà tên công an tối hôm đó.
Chiều ngày hôm sau, khi Thế kéo xe vùa vào sân nhà, Ngọc đang đứng trước của chờ anh, mặt lộ nét bồn chồn kỳ lạ. Ngọc bước nhanh đến bên anh, cầm tay kéo anh vào thẳng vào phòng ngủ.
Thế ngạc nhiên trước thái độ khác thường của vợ, chưa kịp hỏi thì Ngọc lấy ống kem Hynos trên bàn dúi vào tay Thế nói:
- Anh xem đi! anh xem đi!".
Thế cầm hộp kem nhìn qua rồi lắc đầu:
- Thì chỉ thấy có cái đầu đen thui và hàm răng trắng bóc của anh chàng Phi-châu chứ có thấy gì khác đâu!
Không chịu được thái độ tỉnh bơ của Thế, Ngọc giựt lại hộp kem từ tay Thế và hối thúc:
- Anh mở tay ra,..mở tay ra..
Thế mở tay ra, nhìn nét căng thẳng trên mặt Ngọc. Ngọc lại nói:
- Anh nhìn đây nầy, vừa mở phần đuôi hộp kem vừa nói:
- Sáng nay em lấy hộp kem ra dùng, em mở nắp, bóp nhiều lần không thấy kem chảy ra, tưởng là kem lâu ngày bị khô, em mở phần đuôi để lấy kem.. em vừa mở ra thì... Ngọc vỗ vỗ nhẹ đuôi hộp kem vào lòng bàn tay Thế... những hạt trong suốt rớt ra trong tiếng Ngọc reo lên vì sung sướng:
- Kim cương.. kim cương"
Hai vợ chồng ôm nhau vui mừng trong im lặng. Thế tự hỏi: để qua mặt hải quan, người ta giấu tài sản bằng cách nầy? Và không hiểu tại sao người ta để sót lại?
Hai vợ chồng đem số kim cương trời cho đó đổi cho một người Tàu trong Chợ Lớn được được bảy cây vàng. Có vàng, Ngọc bàn với chồng tìm cách xoay sở làm ăn. Thế bảo vợ:
- Muốn có cơ sở làm ăn thì phải vào hợp tác xã.. nhưng vào đó sớm muộn rồi cũng mất cả vốn lẫn lời.. từ khi có phong trào hình thành hợp tác xã, bà con nô nức tham gia.. nhưng có cái nào phát triển đâu, mở ra vài tháng thì đóng của vì quản lý kém, không đủ số cung cho cầu, thua lỗ, xã viên nằm nhà.
Thế không muốn theo vết xe đang đổ của hợp tác xã. Thế vẫn tiếp tục kéo xe. Rồi tình cờ Thế gặp lại người em trai của vợ của ông Tướng, nguyên là lính thợ máy tại một đơn vị hải thuyền trong quân đội ở gần bến xe Miền tây.
Qua câu chuyện, Thế được biết gia-đình vợ ông Tướng đang sống an-toàn tại Pháp. Thế rất vui khi nhận được tin nầy. Người em vợ ông Tướng còn tiết lộ cho biết đang liên lạc với một đường dây tổ chức vượt biển, rủ Thế cùng tham dự. Theo dự tính, tàu sẽ khởi hành vài tháng tới khi mùa biển động chấm dứt. Thế đem chuyện nầy bàn với vợ và gia đình vợ. Nếu đồng lòng đi hết thì số vàng phải đóng là mười lăm cây cho năm người. Vì không đủ vàng, cha mẹ Ngọc và Ngọc đề nghị để Thế và Sự đi trước, sau đó sẽ xoay xở tính tiếp khi Thế và con trai đã đến nơi định cư an toàn. Thế từ chối, viện lẽ không có vợ trong chuyến đi, anh sẽ ở lại. Nhưng rồi, không bao lâu sau đó Thế quyết định ra đi. Năm đó, Sự con trai anh lên bốn, đang học lớp Mẫu Giáo.
Vào một buổi cơm tối toàn gia đình, đang ăn, Sự ngước mặt nhìn mẹ, hỏi:
- Mẹ ơi, Ngụy Quân và Ngụy Quyền là gì hả mẹ?
Đang ăn, mọi người ngừng lại nhìn Sự vẻ ái ngại. Cha Ngọc thở dài:
- Chuyện nầy của người lớn, cháu không nên biết bây giờ, mai mốt cháu sẽ hiểu!
Dường như không bằng lòng giải thích của ông ngoại, Sự lắc đầu hai giọt nước mắt chảy ra đọng bên khóe, Sự kể: "giờ học hôm nay, cô giáo hỏi, có mười tên lính Ngụy vào làng cướp phá tài sản của nhân dân ta, bị quân đội Cách mạng bắn chết năm tên, vậy còn sống sót mấy tên?
Hỏi xong, cô giáo hỏi:
- Trong lớp ta có trò nào là con cháu của Ngụy quân, của Ngụy quyền không?
Con chưa trả lời thì có đứa chỉ tay vào con nói:
- Trò Sự là gia đình Ngụy quân Ngụy quyền đó cô! Còn lại năm tên sống sót, trong đó có cha trò Sự.
Đứa lớn nhất lớp lấy một cục phấn ném vào con. Sợ quá, con chạy vào sau lưng cô giáo để trốn. Kể đến đây, Sự lại rơm rớm nước mắt. Ngọc ôm con vào lòng, chảy nước mắt theo con.
Đêm hôm đó, Thế ngồi nhìn con ngủ, hai má con vẫn còn hơi ướt.. Thế cảm thấy rất đau lòng vì đứa con bị sỉ nhục trong lớp học. Con anh đâu có tội gì? Ở lại VN thì nó khó có tương lai khi sự nghi kỳ thù hằn vẫn sẽ tiếp tục tại đây, nơi nó đã được sinh ra trong một quê hương không còn chiến tranh, đất nước đã hòa bình thống nhất? Đau xót, Thế nâng bàn tay con lên hôn... con anh thở đều, khuôn mặt đẹp như Thiên thần..
Thế quàng tay qua vai Ngọc, nói với giọng trầm buồn:
- Ngọc! Anh thay đổi ý định! Anh quyết định đưa thằng Sự vượt biển. Anh không muốn con của chúng ta bị đày đọa trong cái địa ngục trần gian gọi là Xã hội chủ nghĩa nầy."
Trên hai mươi năm đã qua từ ngày Thế mang con đi vượt biển, Ngọc không nhận được bất cứ tin tức của chồng và con. Nỗi đau vì thương nhớ chồng con khiến Ngọc không tha thiết sống nhưng trách nhiệm đối với cha mẹ già đã xua đuổi cái ý tưởng đen tối ấy đi. Mỗi đêm trước giờ đi ngủ Ngọc đốt một nén nhang cắm lên lư hương trên bàn thờ chồng và con để tưởng nhớ. Kể từ ngày Thế dẫn con ra đi cho rằng họ đã chết trên đường đi, Ngọc lấy ngày ấy làm ngày giỗ cho chồng và con... nhìn ảnh con trai ngồi trong lòng chồng, Ngọc cay đắng tủi cho thân phận hẩm hiu của mình, Ngọc muốn một hơi ấm của chồng; một hơi ấm của con, nhưng chỉ là vô vọng.. vô vọng.
Hơn hai mươi năm qua, Ngọc sống trong phận bạc của một người đàn bà tuổi còn xanh nhưng tóc đã điểm bạc; quầng mắt đã thâm và má đã bắt đầu lõm. Một buổi trưa đang ngồi ăn cơm với mẹ thì có tiếng gõ cửa. Ngọc bước ra mở. Một người đàn bà áo quần sang trong, trẻ trung chào Ngọc. Ngọc định hỏi người đàn bà xa lạ nầy kiếm ai thì người đàn bà hỏi ngay:
- Đây có phải nhà bà Ngọc, vợ ông Trung Sĩ Thế ngày trước lái xe cho ông Tướng.. không?
Ngạc nhiên trước câu hỏi đột ngột của người đàn bà lạ, Ngọc do dự, rồi từ tốn trả lời:
- Vâng, tôi là vợ anh Thế, trước đây anh Thế lái xe cho ông Tướng.
Người đàn bà nói tiếp:
- May quá, tìm được đúng nhà, nhờ hỏi mấy bác đứng nói chuyện đầu hẻm. Tôi là Sương con gái ông Tướng vừa từ Pháp về. Tôi có tin tức về người thân của bà.
Ngọc trố mắt và hồi hộp chờ đợi. Bà Sương lấy từ trong túi xách một tấm hình đưa cho Ngọc:
- Bà nhìn xem, có phải đây là con của bà?
Hình ảnh của người thanh niên trong tấm hình làm Ngọc lịm người trong xúc động và vui sướng; Sự, con trai của Ngọc, có nét mặt và dáng dấp y như, Thế chồng bà ngày xưa.
Áp tấm hình con trai vào ngực, Ngọc nghẹn ngào:
- Đây là Sự, con trai của tôi, con tôi còn sống sao? Trời ơi, tôi tưởng nó đã chết trên biển cùng chồng tôi hơn hai mươi năm rồi.. và.. và. chồng tôi.. thưa bà đang ở đâu?
Nén lòng trước sự xúc động của Ngọc, bà Sương nắm tay Ngọc an ủi:
- Chuyện còn dài, hãy bình tĩnh, xúc động quá sẽ không tốt cho sức khỏe của bà.
Bà Sương kể:
- Cách đây một năm, con gái tôi có mời một số bạn bè đến nhà đãi tiệc mừng vừa thành công luận án Tiến Sĩ. Trong số những người bạn của con gái tôi có một thanh niên gốc Việt cũng vừa tốt nghiệp Tiến Sĩ tên Salam. Khi con gái tôi đưa Salam đến giới thiệu, người thanh niên giống một người nào mà tôi đã gặp, người nầy ở một nơi nào đó. Suốt buổi tối hôm đó cho đến lúc tiệc tàn tôi cứ nhìn chàng trai nầy với bao nhiêu thắc mắc. Sau bữa tiệc, tôi hỏi con gái về sự quen biết với Salam, con gái kể: "Salam học chung Đại Học Sorbonne với con. Biết Salam người gốc Việt nên con rất có cảm tình. Salam vừa đẹp trai vừa học giỏi nên nhiều cô trong trường rất thích anh ấy. Con có vài lần đến nhà Salam chơi. Cha mẹ anh gốc Ai Cập, quốc tịch Pháp làm nghề bán thảm treo tường và trải nền nhà. Anh là con trai, trong gia đình còn có hai chị em gái. Salam đã có lần giải thích câu hỏi tò mò của con vì sao anh là người Việt mà lại làm con của một gia đình Ai Cập và anh đã kể những gì anh còn nhớ được về gia đình anh của thời thơ ấu của anh. Anh bảo anh có ông bà ngoại và mẹ. Một hôm không hiểu sao ba anh đưa anh ra khỏi nhà trong đêm tối trong khi mẹ anh nhìn theo và khóc. ..Ba anh đưa anh lên tàu có rất nhiều người.. tàu bị bão đánh chìm, anh không thấy ba sau khi có nhiều người được một tàu lớn cứu... rồi anh được nuôi lớn lên trong gia đình Ai Cập nầy. Anh làm con trong gia đình nầy, mọi người đều thương anh. Salam còn nhớ tên Việt của anh là Sự, Dương Thế Sự, lớp Mẫu Giáo Bàn Cờ.
Nhân một ngày lễ của các Bà Mẹ, bà Sương kể tiếp: ..tôi đến thăm, chúc sức khỏe mẹ, lúc đang sắp xếp cho gọn gàng bàn trang điểm, tôi nhìn thấy tấm hình của cha ngồi trong chiếc xe Jeep quân đội, đứng bên cạnh là người lính "lái xe.. anh Thế.. tôi không khỏi ngăn được tiếng thảng thốt.. Sao có người giống đến thế... tôi nhớ đến Salam bạn của con gái tôi. Thế và con trai đã chết trong chuyến vượt biển cùng người em trai của tôi.. tin do gia đình còn lại bên nhà cho biết.... Anh Thế, Trung Sĩ Thế, một thời lái xe cho cha tôi, cũng là quản gia trong gia đình tôi.. một thời cũng là nạn nhân của lũ con ông Tướng như tôi hách dịch sai khiến."
Bà Sương ngừng một chút như để cho qua bối rối... thằng Sự... Salam có phải là con của Trung Sĩ Thế? Giọng bà Sương chùng xuống:
- Anh Thế là người cuối cùng và duy nhất nhìn được cái chết của cha tôi, đã đắp cho cha tôi lá cờ mà cả một đời ông bảo vệ.. Anh là người vượt bao khó khăn đưa gia đình mẹ con chúng tôi lên được tàu đi ra biển.. gia đình chúng tôi mang ơn anh ấy.. Tôi cũng đã cho Sự xem tấm hình anh Thế chụp chung với cha tôi, Sự rất kích động nhận ra anh Thế trong bộ áo nhà binh là cha mình. Tôi bàn với Sự dự tính về thăm những người thân còn lại ở quê nhà. Tôi rủ Sự cùng đi để tìm mẹ và ông bà ngoại. Gia đình cha mẹ nuôi Sự vui vẻ đồng ý với chuyện trở về của Sự, nhưng Sự không đi được bởi Sự vừa nhận được việc làm sau khi mới ra trường. Hôm tiễn tôi ra phi trường, Sự nhiều lần nhắc với tôi, “nếu cô tìm ra ông bà ngoại và mẹ cháu, xin nói giùm cháu nhớ ông bà và mẹ cháu nhiều lắm, năm tới cháu sẽ về thăm... và cô nhớ hỏi tên mẹ cháu là Ngọc, có thể nhiều người biết, nhà ông bà ngoại cháu gần trường Tiểu Học Bàn Cờ.”
Ngọc nhìn ra bên ngoài cửa sổ, những cành cây khẳng khiu không còn lá bao phủ màu trắng của tuyết. Paris, tháng Ba vẫn còn tuyết rơi. Ngọc ở Paris gần được ba tháng, thời hạn được phép lưu trú sắp hết hạn. Ngọc muốn trở về nước trước ngày hết hạn cho phép lưu trú, nhưng Sự năn nỉ Ngọc ở lại. Trong nhà thật ấm nhưng vắng người, Ngọc chỉ có một mình. Sự đi làm. Cha mẹ nuôi của Sự đi ra tiệm bán thảm cùng hai người con gái.
Cả ngày Ngọc lủi thủi trong nhà. Mọi người chỉ gặp nhau vào buối tối sau một ngày làm việc. Người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Ngọc không hiểu gì hết. Sự cũng nói với Ngọc bằng tiếng Pháp. Ngọc cũng chẳng hiểu gì hết. "Mẹ” là tiếng Việt duy nhất Sự còn phát âm được để gọi Ngọc. Mọi truyền đạt ngôn ngữ cho những vấn đề cần thiết đều qua trung gian của Sương bằng điện thoại tới nhà hoặc gặp nhau trực tiếp. Ngọc rớt nước mắt khi nghe mọi người gọi Sự là "Salam". “Sự” tiếng gọi thương yêu, trìu mến nuôi nấng sau tiếng khóc chào đời, đã dược cha mẹ cầu khẩn xin ông bà tổ tiên cho vào gia phả đã bị bỏ đi một cách nghiệt ngã.
Hôm vừa đến sân bay ở Paris, Ngọc nhận ra con trai mình đang đứng đón trong đám đông. Đó là hình ảnh của Thế. Hơn hai mươi năm không nhìn thấy con mình lớn lên trong từng giây phút, giờ phút đó, với Ngọc, Thế và Sự là một thực thể duy nhất. Ngọc ôm con mà tưởng như cùng ôm Thế. Cái cảm giác hạnh phúc bềnh bồng lẫn đau đớn khiến Ngọc muốn khuỵu người. Bên tai Ngọc có tiếng gọi: “ma man...ma man" ..Sau đó là phần giới thiệu hai bên, Ngọc và gia đình cha mẹ nuôi của Sự qua sự thông dịch của bà Sương.
Trước khi lên xe về nhà, bà Sương nói với Ngọc:
- Bắt đầu từ lúc nầy bà không nên gọi con trai bà là "Sự" nữa, hãy gọi là "Salam". Sự không còn là con của bà mà là con của gia đình Hamed... bà gọi là “Sự” gia đình họ sẽ không bằng lòng... bà chỉ nên gọi thế khi chỉ có hai mẹ con thôi".
Lời của bà Sương như mũi dao chém vào tim Ngọc. Sự đã biết bà Sương đã tìm gặp được mẹ trong chuyến đi về Việt Nam. Gia đình cha mẹ nuôi Sự sẽ vui vẻ đón tiếp mẹ Sự tại nhà khi được bà Sương bảo lãnh mời qua Pháp thăm Sự. Những sự âu yếm, quyến luyến trong ngỡ ngàng sau lần đầu tiên gặp lại nhau giữa hai mẹ con Ngọc bắt đầu lại gặp một ngăn cách mới Đạo Hồi giáo qua cách sống hàng ngày của con trai. Ngọc cảm thấy lạc lõng vô cùng. Mọi tôn giáo không phải là Hồi giáo đều bị cho là hiện thân của ma quỷ, phái hủy diệt, không được phép tồn tại.
Ngọc còn nhớ rất rõ, một tuần sau khi đến Pháp, bà Sương đến đón Ngọc đi dạo phố. Để làm đẹp Ngọc đeo sợi dây chuyền có tượng Phật đề ra ngoài áo. Vừa bước ra khỏi cửa gặp Sự vừa đi đâu về. Sự ôm hôn Ngọc... nhìn Ngọc, nhìn tượng Phật, Sự đưa tay lật ngược mặt tượng Phật vào trong, nhưng tượng Phật vẫn quay lại vị trí cũ. Thấy không thể xoay được, Sự để tượng Phật vào bên trong cổ áo Ngọc. Tưởng con trai nghịch, Ngọc đẩy tay Sự ra, đúng lúc bà Sương kéo Ngọc đi: "Thằng Sự theo đạo Hồi, nó không muốn người ta mang ảnh tượng tôn giáo khác vào nhà nó".
Ngọc lại nhớ có đem cho con một tấm hình của Thế. Tấm hình được để trên bàn trong phòng của Sự. Những lúc có Sự ở nhà Ngọc vào phòng tìm con, thì thấy tấm hình của Thế đều để sấp mặt xuống bàn. Ngọc liền để hình đứng lại, nhưng lần sau vào phòng, tấm hình vẫn bị để sấp.
Tình cờ, một buổi sáng, cửa phòng của Sự mở, Ngọc ngồi ở ghế salon nhìn vào. Sự đang chuẩn bị cầu nguyện buổi sáng trước khi đi làm. Sự để sấp tấm hình của Thế xuống bàn... rồi quỳ xuống.. Ngọc chống tay lên trán, nước mắt chảy ra. Ngôn ngữ không cho phép Ngọc hỏi việc con trai vừa làm. Ngọc điện thoại và đem sự việc kể cho bà Sương, bà Sương thở dài ái ngại:
- Người Hồi-giáo khi cầu nguyện, trước mặt họ là thánh Mahomed thánh Hallal, những hình tượng khác đều phải dẹp bỏ.
Ngôn ngữ là yếu tố căn bản trong truyền đạt tư tưởng giữa mẹ con đã trở thành một bức tường ngăn cách. Họ chỉ còn truyền đạt cho nhau bằng các cử chỉ máy móc. Có hôm Sự đi làm về, thấy mặt con bơ phờ, Ngọc hỏi: "Con có chuyện gì không vui nơi làm việc?"
Sự im lặng, không trả lời câu hỏi của Ngọc. Sự không trả lời có lẽ vì không hiểu câu hỏi, Sự chỉ bóp nhẹ tay mẹ rồi đi vào phòng. Nhìn theo con, bà mẹ nuôi của Sự từ bếp đến trước cửa phòng Sự, bà hỏi gì đó, rồi có tiếng Sự trả lời. Bà đi lên nhà rồi trở lại với ly nước và viên thuốc trên tay đem vào phòng Sự. Khi bà trở ra, vì lo lắng, Ngọc đi theo sau bà. Như hiểu ý của Ngọc, bà quay lại nói: "Salam, ..bà vừa nói vừa đưa bàn tay vỗ mạnh trên đầu bà. Ngọc đã hiểu, lòng buồn tê tái.. và còn nữa.. buổi cơm tối ngày sau đó, khi mọi người đã ngồi vào bàn chờ Sự đang còn trong phòng, Ngọc đến gõ cửa gọi:
- Sự!.. Sự! ra ăn cơm... cùng lúc đó, từ bàn ăn hai em gái của Sự gọi như thét lên:
- Salam! Salam! c'est l'heure à table...l'heure à manger"
Cửa mở, Sự lững thững đi ra, dắt tay Ngọc đi đến bàn ăn trước cái nhíu mày của bà mẹ nuôi vào hai mẹ con Ngọc. Trực giác của người mẹ giúp Ngọc hiểu rằng có chút gì ghen tương trong cái nhíu mày đó.. Những buổi cơm tối trước đây, Ngọc thường ngồi bên cạnh Sự, rồi không hiểu có sự sắp xếp nào, Ngọc ngồi xa Sự. Hai ông bà cha mẹ nuôi Sự và hai em gái ngồi hai bên, Ngọc ngồi đối diện với Sự. Không khí trong gia đình ngày thêm tẻ lạnh. Ngọc tâm sự mọi chuyện với bà Sương và được bà Sương mời qua sống với gia đình bà vài ngày trước khi về nước.
Nhân lúc có Sự ghé thăm mẹ, qua thông dịch của bà Sương, Ngọc nói với con:
- Hơn hai mươi năm không có tin con, mẹ tưởng là con đã chết. Nay gặp lại con, mẹ rất hạnh phúc. Con do mẹ sinh ra, nay con làm con của người khác. Mẹ có công sinh, cha mẹ nuôi con có công dưỡng. Mẹ cám ơn cha mẹ nuôi của con rất nhiều. Tình cảnh của hai mẹ con ta ngày nay đã được an bài tuy hơi buồn nhưng mẹ chịu đựng quen rồi. Con còn sống, hạnh phúc là ước nguyện muôn đời của mẹ. Con muốn con hãy cố về thăm ông bà ngoại một chuyến.. nhưng trở ngại ngôn ngữ làm mẹ phân vân. Mẹ mong một ngày nào đó con sẽ nghe, sẽ hiểu tiếng nói của mẹ và của ông bà, ông bà và mẹ cũng nghe được hiểu được tiếng nói của con, là ước nguyện sau cùng của mẹ.
Sự với Ngọc:
- Mẹ ơi con vẫn còn nhớ lúc con sống với cha mẹ và ông bà ngoại nơi quê nhà. Nay con sống với cha mẹ nuôi, hình ảnh quê nhà đã phai nhạt trong con nhiều vì con đã được nuôi dưỡng trong một tập tục văn hóa khác. Mẹ tha lỗi cho con nếu những ngày qua gia đình cha mẹ nuôi của con có những hành xử không đúng với mẹ. Có thể đó là do bắt nguồn từ vô thức của một phong tục hay tập quán. Con hứa sẽ về thăm mẹ khi ngôn ngữ con và mẹ có thể hiểu nhau trọn vẹn.
***********
Ngày về nước, Sự đưa Ngọc lên phi trường. Hai mẹ con ôm nhau tạm biệt. Sự trao cho Ngọc một bao thơ. Máy bay cất cánh, Ngọc mở thơ: Đây là một bản văn được in bằng hai ngôn ngữ Pháp và Việt:
Trung tâm Văn hóa trường Đại Học Sorbonne Paris.
Phân khoa ngôn ngữ Việt Nam
Chứng nhận ông Salam Hamed đã ghi danh học lớp viết và nói tiếng Việt cấp tốc trong sáu tháng........
Đọc xong, Ngọc cẩn thận xếp giấy lại cho vào túi xách.
Vừa vui sướng vừa thẫn thờ, Ngọc lẩm bẩm:
Salam.. Hamed.. Salam.. Hamed..Sự.. Sự.. Salam Hamed Sự.. Tên đứa nào thật sự là con ta?"
Nguyễn Đại Thuật
Paris ngày 9/3/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét