Trong khoảng 1635-1642, Rembrandt chứng kiến nhiều người thân của mình qua đời. Những cái chết này ảnh hưởng tới phong cách hội họa, ông chuyển sang tranh in về phong cảnh ảm đạm.Trong sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ của mình, Rembrandt trải qua cả thành công lẫn đau khổ. Nổi bật trong đó là giai đoạn đau buồn. Những cái chết trong gia đình có tác động đáng kể lên sáng tác hội họa của ông vào thời gian này. Theo cuốn Rembrandt - Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh của Rosalind Ormiston, Rembrandt đã liên tiếp trải qua những mất mát đau thương. Cả 3 đứa con đầu lòng của ông và vợ đều không sống được. Năm 1640, mẹ ông qua đời, sau đó, đến lượt người chị mà ông hết mực yêu quý.
<!>
Sách Rembrandt - Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh của Rosalind Ormiston. Ảnh: Omega+.
Vào năm 1641, vợ Rembrandt là Saskia hạ sinh đứa con thứ tư - bé trai Titus. Bé Titus may mắn không yểu mệnh. Tuy nhiên, một năm sau, bà Saskia yếu đi rồi qua đời. Cái chết của Saskia khiến Rembrandt bị sốc nặng. Các tác phẩm ông cho ra đời thời gian này chỉ là tranh in phong cảnh Hà Lan ảm đạm.
Cái chết của Saskia đã khiến Rembrandt từ bỏ tranh sơn dầu trong một thời gian dài. Các bức tranh ông vẽ cũng nhuốm màu u buồn theo, khác hẳn với các kiệt tác thời người vợ yêu quý còn sống.
Theo nhà phê bình Laura Cumming, Rembrandt kết hôn với Saskia năm 1634, khi ông vừa tròn 28 tuổi. Bà qua đời khi ông vừa bước sang tuổi 36, để lại cho chồng một đứa con trai cùng nỗi đớn đau tột cùng. Ngắm nhìn những bức họa Rembrandt vẽ Saskia đong đầy âu yếm, hạnh phúc, ta sẽ hiểu được nỗi mất mát ông phải gánh chịu lớn lao đến nhường nào. Những bức tranh, ấy chính là trái tim người nghệ sĩ.
Những năm sau đó, tinh thần suy sụp, bất ổn, Rembrandt vướng vào một số bê bối tình ái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người họa sĩ. Trong mối tình tai tiếng với cô hầu Hendrickje Stoffels, Rembrandts có thêm một cô con gái nữa.
Vì thói tiêu xài vô độ, ông tới cảnh phá sản, phải bán đi căn nhà và bộ sưu tập nghệ thuật đắt giá mà vẫn không đủ tiền để trang trải nợ nần.
Nhưng vị họa sĩ vẫn giữ lại những họa cụ để tiếp tục nghiệp vẽ và dạy vẽ. Tuy nhiên, vào khoảng 20 năm cuối đời, thị hiếu của công chúng thay đổi, Rembrandt không còn được săn đón nhiều.
Thị trường khi ấy lại thích những tác phẩm tinh tế với nét vẽ lý tưởng hóa. Vị họa sĩ lại chuyển từ phong cách kinh viện tới khai thác sâu vào cảm xúc, để lại nhiều dấu ấn cá nhân trên tranh. Ông đặc tả tâm lý con người một cách trần trụi nhất chứ không còn theo hướng xu nịnh, tâng bốc. Tranh Rembrandt thời kỳ này giữ vẻ bình dị, đời thường nhưng hoàn hảo đến lạ nếu xét về mặt ngôn ngữ hội họa. Ông thường xuyên vẽ những người bình thường, đặc biệt là người già.
Vì hoàn cảnh nghèo khó, Rembrandt bị buộc phải di chuyển đến khu phố Do Thái và dành phần đời còn lại trong điều kiện rất chật chội. Hai người thân của họa sĩ là Hendrickje và Titus lần lượt qua đời trước ông vào năm 1663 và 1668, để lại Rembrandt với người con gái cuối cùng.
Ngày 4/10/1669, hơn một năm sau cái chết của người con, Rembrandt van Rijn qua đời tại Amsterdam và được an táng trong một ngôi mộ không đánh dấu ở Westerkerk.
Rembrandt để lại số lượng tác phẩm đồ sộ cho hậu thế. Ảnh: Omega+.
Mặc những bi kịch cá nhân, Rembrandt không bao giờ rời xa cây cọ và giá vẽ, để lại di sản đồ sộ cho hậu thế với hơn 600 bức tranh sơn dầu, 1.300 bức tranh khắc, 2.000 bức phác thảo…
Phải đến thế kỷ 19, làn sóng cách mạng nổ ra, nghệ thuật được giải thoát khỏi những quy tắc khắt khe và các tác phẩm của Rembrandt mới được tôn vinh trở lại. Thời gian đã chứng minh Rembrandt là niềm kiêu hãnh của đất nước Hà Lan.
Nhà lịch sử nghệ thuật và kiến trúc Rosalind Ormiston đã nghiên cứu và biên soạn nên Rembrandt - Cuộc đời và tác phẩm qua 500 hình ảnh, tường thuật lại chi tiết cuộc đời và lý giải nghệ thuật Rembrandt cho độc giả đại chúng thấy tại sao ông được mệnh danh là bậc thầy hội họa và nghệ thuật khắc axit của Hà Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét